Cách đây non 100 năm, cụ Phan Châu Trinh nhận xét: “Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi người”. Tự tôn là đặc tính dễ thấy nhất trong “thời đại Hồ Chí Minh”. “Ra ngõ gặp anh hùng”. Việt Nam là nước nhỏ nhưng có vinh dự lớn là “đánh thắng hai đế quốc to” – Pháp và Mỹ. Có năm “bác” nằm trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thì ba “bác” đã bị ta “uýnh” te tua. “Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, Việt Nam ta rực rỡ như ngày hôm nay” – một ông gì đã nói như thế. Khi dịch Covid làm đảo điên thế giới, Việt Nam thành quốc gia nổi tiếng, đứng thứ nhì – sau New Zealand trong dập dịch – theo đánh giá của Viện Lowy (Úc). Nhiều người Việt ở nước ngoài chạy về quê hương trốn… dịch, ngay cả đang học hành hay làm ăn ở các nước có nền y tế tiên tiến nhất nhì thế giới.
<!>
Có người nói rằng, thành công Việt Nam nhờ sự ưu việt của thể chế. Chắc chắn cách thức theo dõi, ngăn chặn, khống chế, thậm chí “phong tỏa” (lockdown) ở Việt Nam sẽ không thể thành công nếu có thể chế như Hoa Kỳ, nơi mà việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế đi lại… bị nhiều người phản đối ở rất nhiều bang. Số người Việt Nam chết vì Covid chỉ là hạt cát so với số người chết ở Mỹ, với hơn nửa triệu người, “đội sổ” thế giới. So với Trung Quốc, Hoa Kỳ như “chìm ngập” trong dịch bệnh. Không ít người kết luận như “đinh đóng cột”: chính thể chế (toàn trị) của Trung Quốc ưu việt hơn thể chế dân chủ Mỹ.
Kết luận như thế là phiến diện. Trong 10 nước dẫn đầu thế giới về khống chế dịch bệnh (theo thứ tự từ cao xuống thấp) – New Zealand, Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Cyprus, Rwanda, Iceland, Úc, Latvia, và Sri Lanka – có mấy nước theo chế độ toàn trị? Toàn trị không phải là nguyên do chính của việc thành công kiểm soát dịch bệnh. Nhân câu chuyện này để nói câu chuyện khác. Khi thấy Trung Quốc thành công mở cửa cải cách, sắp đuổi kịp Mỹ, trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhiều người ở Việt Nam, có lẽ rõ nét ở một số người cầm quyền đã tin rằng hình mẫu thể chế quyết định tương lai. Trung Quốc thành công, Việt Nam cũng thành công.
Mô hình dân chủ Mỹ “bệ rạc” trong mùa bầu cử tổng thống 2020. Thiên tài như Donald Trump mà còn bị ông già lẩm cẩm Joe Biden “ăn gian” phiếu, cướp mất ngôi vị lẽ ra nằm trong tay của ông tóc vàng. Tòa cao, tòa thấp…, tất tần tật đều “ngậm tiền” xử ép người dám thách thức Tập Cận Bình, dám gọi coronavirus là “China virus”. Báo chí – quyền lực thứ tư (sau lập pháp, hành pháp, tư pháp) – trở thành fake news dưới mắt một số người Mỹ lẫn người Việt. Thể chế chính trị Trung Quốc nên là khuôn mẫu điển hình? Ổn định. Chỉ cần một buổi họp “cơ cấu”, mọi chuyện êm xuôi. Trong khi đó, tổ chức tranh cử kiểu Mỹ, từ nội bộ đảng, rồi ngoài đảng, với cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, vừa tốn kém, vừa rối loạn. Chưa kể xém chút thì biểu tượng dân chủ nhất thế giới – Điện Capitol – chìm trong vỡ vụn.
Trung Quốc mạnh nhờ thể chế toàn trị? Không. Tôi không nghĩ như thế. Nếu mạnh nhất về toàn trị phải kể đến Bắc Triều Tiên. Một đất nước mà ba đời một dòng họ độc quyền cai trị. Nếu nhờ thể chế độc tài để thành công thì thể chế “dân chủ” như Nam Hàn phải thất bại thảm thiết, tới gạo cũng mong cứu đói? Nói gì nói, vai trò của thế giới tự do – đứng đầu là chú Sam – vẫn quan trọng. Có thật sự vai trò dẫn đầu của Mỹ sẽ bị đe dọa lấy mất? Không. Tôi cho là không.
Trong khi Mỹ đưa phi thuyền lên Hỏa tinh thành công sau bảy tháng bay trong không gian, Trung Quốc mới đặt mục tiêu nghiên cứu lên Mặt trăng. Trong khi Bắc Kinh mua “ve chai” chiếc Varyag của Ukraine để bắt chước chế tạo hàng không mẫu hạm thì Washington sở hữu hàng chục chiếc từ “thời Bảo Đại”. Huawei khoe khoang khống chế thị trường thông tin công nghệ thế giới thì chỉ cần một chữ ký của Trump, tập đoàn khổng lồ này lính quýnh, làm ăn gần như bế tắc. Công nghệ ăn cắp làm sao bằng công nghệ sáng chế?
Đầu máy bay phản lực, rồi chip cho hàng điện tử cao cấp…, Trung Quốc đã có thể hoàn toàn làm chủ công nghệ được chưa? Trung Quốc đứng thứ hai về kinh tế nhưng mỗi người dân Trung Quốc thu nhập đầu người đứng ở đâu trong xếp hạng mức sống người dân? Chẳng qua “đông cây sây buồng”, tiền lẽ ra được chi cho phúc lợi người dân thì họ lấy đem chi cho tham vọng “bá chủ” thế giới qua “Một vành đai, một con đường” đầy ảo vọng. Sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc không hẳn do họ có thể chế tốt với mô hình “toàn trị”. Trung Quốc thật ra không… toàn trị. Việt Nam “độc đảng” chứ Trung Quốc “đa đảng”. Ngoài Đảng Cộng sản, Trung Quốc còn có đảng Đài Loan dân chủ tự trị, Hội nghiên cứu Cửu Tam, Đảng Trí Công, Đảng Công nông dân chủ Trung Quốc, Hội Xúc tiến dân chủ Trung Quốc, Hội Xây dựng dân chủ Trung Quốc, Đảng Dân Minh, Ủy ban cách mạng Trung Quốc của Quốc dân đảng. Tôi chưa kể Trung Quốc còn có mô hình “một nước hai thể chế’ (one country, two systems) đối với Hong Kong (tuy sẽ thay đổi).
Thật ra đầu óc người Hoa chứ không phải thể chế đã giúp Trung Quốc đi từ một nước nghèo, lạc hậu, chỉ trong vòng 30 năm, trở thành cường quốc kinh tế. Khi Mao Trạch Đông mời phái đoàn bóng bàn Mỹ đến Bắc Kinh là lúc Trung Hoa cộng sản bắt đầu một bước ngoặc quan trọng: tách khỏi khối XHCN để bắt tay với đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ. Có lãnh tụ cộng sản nào trên thế giới dám đi với kẻ thù tư bản mà ông tổ Karl Marx đòi “đào mồ chôn” hay không? Có người nào suốt đời theo lý tưởng đánh đổ giai cấp bóc lột lại “liên minh” với giai cấp bóc lột mình? Có quốc gia nào gần một tỷ dân nhưng vẫn không dùng vũ lực để lấy lại hai lãnh thổ nhỏ còn hơn móng tay là Hong Kong và Macau, nằm ngay trên đất của mình? Bắc Kinh đâu có tử tế gì. Đây là cửa ngõ “nhìn ra thế giới” mà Mao Trạch Đông vẫn để cho bọn “đế quốc” cai quản. Ông ta sợ không dám lấy lại ư? Vậy, mục đích là gì? Là cái mà Đặng Tiểu Bình thực hiện sau này: “Mèo trắng, mèo đen đều tốt, miễn bắt được chuột”.
Thể chế hay con người giúp người Hoa thành công khắp nơi trên thế giới, nhất là trong việc buôn bán làm ăn? Người Hoa ở Đài Loan và người Hoa ở Bắc Kinh, người Hoa nào giàu có, văn minh hơn? Nền kinh tế Singapore và Malaysia không có đóng góp của bàn tay người Hoa sao? Người Hoa ở Chợ Lớn trước năm 1975 (và có thể cả hiện nay) chi phối thế nào đến nền kinh tế thịnh vượng một thời của VNCH? Nếu còn nhớ, quí vị sẽ thấy rằng hầu hết phi công làm việc cho Hãng hàng không Sài Gòn–Air Vietnam đều là người Đài Loan (lái máy bay tối tân Boeing).
Trở lại với chuyện người Việt. Trên khắp thế giới, kể cả Mỹ, có nhiều “Phố Tàu” hay nhiều “Viet Town”? Tôi xin dẫn nhận xét của Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research), từ bài viết của Trần Kinh Nghị. Xin trích như sau.
Về người Việt:
1- Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn.
2- Thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt.
3- Khéo léo nhưng ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng các thành phẩm của mình.
4- Vừa thực tế vừa có lý tưởng, nhưng không phát huy được xu hướng nào thành nguyên lý.
5- Yêu thích kiến thức và hiểu biết nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay chỉ vì muốn làm việc tốt có lương bổng cao).
6- Cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách của họ không kéo dài.
7- Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương).
8- Có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ nhau chủ yếu trong những tình huống khó khăn và nghèo đói, còn trong điều kiện tốt hơn, đặc tính này ít khi có.
9- Yêu hòa bình và có thể chịu đựng mọi thứ, nhưng thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích những mục tiêu nhỏ.
10- Và sau cùng, thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh (một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; hai người làm thì kém, ba người làm thì hỏng việc).
Về người Hoa:
1- Cần cù, việc gì cũng làm.
2- Tiết kiệm, không sống khoe khoang hay xa hoa.
3- Khởi sự từ buôn bán nhỏ.
4- Đơn vị kinh tế gia đình: Gia trưởng đóng vai trò quan trọng. Tài sản có thể truyền từ đời nọ sang đời kia.
5- Hình thành những xí nghiệp không theo một hình thức chặt chẽ, không theo những quy luật nhất định, tất cả đều dựa vào chữ TÍN.
6- Không làm những công việc có tính cách phức tạp hay quá to lớn, chỉ thích kinh doanh những lãnh vực đơn giản. Khi cần làm ăn lớn thường chia ra làm nhiều công ty con.
7- Móc nối với chính quyền và cá nhân khác rất giỏi. Không tham gia chính quyền hay đảng phái nào, nhưng thường nắm được các nhân vật có địa vị quan trọng có thể bao che hay hỗ trợ cho làm ăn.
(Tại Indonesia, người Hoa chỉ chiếm từ 3-4% dân số nhưng làm chủ 70% tài sản ở đất nước này với khoảng 160 trong số 200 xí nghiệp lớn của Indonesia. Gia đình ông Liem Sioe Liong làm chủ xí nghiệp Salim với số vốn khoảng 9 tỷ USD, nhờ quen biết lớn với Suharto).
8- Không thích tranh tụng, kiện cáo. Thường tìm cách dàn xếp mỗi khi có đụng chạm hay bị bắt vì vi phạm luật pháp.
9- Phạm vi hoạt động gần như không biên giới.
10- Thích ứng rất nhanh với biến đổi thời cuộc.
(Hết trích)
Có thể quí vị không hoàn toàn nhất trí về nhận xét của người Mỹ nhưng tôi tin quí vị đều thấy đặc điểm nổi trội của người Hoa: họ rất thực tế. Điểm này khá giống người Mỹ. Biết đâu, tính thực tiễn này có thể khiến người Mỹ đặt hy vọng vào Trung Quốc mấy chục năm kể từ thời Nixon? Và chỉ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 thì người Mỹ mới ớ ra “bé cái nhầm” người Tàu.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường (Trung Hoa) từng nhắc câu “châm ngôn” của nước ông: “Đường đi đến trái tim gần nhất là đường đi qua bao tử”. Thành công của Trung Quốc hiện nay, tôi nghĩ, có lẽ được áp dụng theo “triết lý” này. Những ai còn mơ hồ nên bỏ đi tư duy: nhờ thể chế, nhờ chủ nghĩa cộng sản, Trung Quốc mới trở thành cường quốc. Nếu vậy, Bắc kinh không xuất khẩu Viện Khổng Tử mà sẽ xuất khẩu Viện nghiên cứu Marx-Lenin ra khắp thế giới. Giới thiệu cái “lý tưởng” (mà Việt Nam đang theo đuổi) ra các quốc gia tư bản thì có nước mà… đói dập mỏ. Dù sao, “con đường đi qua bao tử” cũng chưa phải là quyết định sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, mà chính là “bộ óc” Trung Hoa.
Có một ấp trưởng hay một hiệu trưởng tiểu học ở Việt Nam là một Việt kiều “yêu nước”? Có một trưởng phòng giáo dục nào giao cho một “núm ruột” trong hàng triệu núm ruột, mỗi năm đóng góp cho kinh tế Việt Nam hàng chục tỷ đôla? Vậy mà, ở Trung Quốc, một người Hoa từ nước Đức, không đảng viên, lại “được bố trí” làm bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 27 tháng 4 năm 2007 (thời Thủ tướng Chu Dung Cơ). Ở Việt Nam, 90 đến 95% đại biểu Quốc hội (đại diện cho dân) phải là đảng viên. Giao chức bộ trưởng cho “thằng” Việt kiều nào có mà… mất ngủ, mất ăn.
Kết luận: con người (ở đây là bộ óc – có thể gọi là tầm nhìn) chứ không phải thể chế quyết định tương lai một dân tộc (tất nhiên thể chế là do con người tạo ra). Bắt chước người mà không hiểu người, nếu ở đây là bắt chước mọi cái của Trung Quốc, Việt Nam vẫn không thoát khỏi tâm thế mà 100 năm trước Phan Châu Trinh nói tới: hoặc vì tự tôn hoặc vì tự ti. Cả hai đều nguy hại như nhau. Không tự tôn mà cũng không tự ti, đó là cái mọi người Việt Nam đang cần. Hóa ra cụ Phan nên “sống mãi” trong “sự nghiệp tư duy” của những người Việt Nam thật tâm yêu mến đất nước này…
Nguyễn Long Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét