Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

LỆ KHÁNH Một đời gian truân Một đời bạc phận - MH Hoài Linh Phương

 Trong nhịp sống xứ người hối hả, tôi đã nhiều lần đuối sức, quỵ ngã khi chạy theo vòng xe xuôi ngược để làm lại từ đầu đời mình một lần nữa. Tôi không còn giờ khắc nào để suy nghĩ suốt bao nhiêu năm ở trường từ sáng đến tối mù. Và cuối tuần thì tất tả một công việc part-time cho đời cơm áo … .Nhưng những buổi sáng sương mù co ro trong hơi lạnh đi đến lớp, nhìn hoa hồng rực rỡ trong vườn nhà ai, tôi bỗng nhớ Dalat đến thắt lòng, đến một nơi chốn thân quen, như một quê hương êm ấm để tìm về, ở đó … có những vạt hoa vàng trên đồi cao, lũng thấp, có những kỷ niệm một thời gắn bó, dấu yêu, và ở đó, còn một điều xé lòng để nhớ, Lệ Khánh, người chị văn nghệ đầy bất hạnh của tôi.
<!>

Tôi muốn ủ lại, giữ kín thật sâu nỗi niềm riêng của chị. Sự phơi bày, với tôi là một điều không chấp nhận. Tội nghiệp cho chị và cho cả những người thân của chị. Nhưng, trong nỗi bất lực riêng tôi trước hòan cảnh bi thương của chị, sự tiếp tay đầu tiên của Vũ Uyên Giang, trích từ quỹ tương trợ của Đất Sống khoản tiền nhuận bút của anh em trong ban biên tập tự nguyện đóng góp gửi về cho chị, sau khi nghe tôi cho biết, từ một người quen, chị lâm trọng bệnh giữa cơn túng quẩn, ngặt nghèo, rồi kế đến là Tạp chí Tiếng Vang, đã lên tiếng xẻ chia những giọt nước mắt mặn đắng của một người thơ Dalat ngày xưa, cho tôi bớt những ngần ngại, phân vân khi viết lên những lời kêu cứu tuyệt vọng của chị.

Tôi quen Lệ Khánh thật tình cờ. Thuở ấy tôi chưa đến 15 tuổi, mắt tròn xoe với hai bím tóc, còn ngậm ô mai, áo đầm trắng trường soeur, mang sandale như các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, thường đăng thơ hàng ngày trên nhật báo Chính Luận, thì Lệ Khánh đã là một nhà thơ tên tuổi lúc bấy giờ, rất nhiều độc giả muốn làm quen, ái mộ. Chị làm việc ở Tòa Hành Chánh Dalat, mỗi năm thường về thăm quê ngoại ở Nha Trang. Ở đó chị có những người bạn văn nghệ học lớp Đệ Nhất C Võ Tánh, như Sao Trên Rừng, Sương Biên Thùy, Trăng Thệ Hải và … anh Duy – con nuôi của Ba Mẹ tôi.


Đến một ngày chị khám phá ra anh Duy, bạn chị, có một cô em làm thơ vớ vẩn là tôi – rất chân tình, chị mừng rỡ, viết cho tôi chung cùng trong lá thư gửi cho anh Duy, khuyến khích tôi hãy làm nhiều thơ hơn nữa, từ nay chị sẽ có thêm tôi, một cô em nhỏ (Lúc ấy, anh Duy đã vào Saigon học Văn Khoa và sống chung với gia đình tôi). Và chúng tôi liên lạc thư từ thường xuyên với nhau kể từ ngày đó …


Hầu như lần nào từ Dalat về Saigon chị cũng ghé thăm tôi. Hai chị em lăng quăng đi phố, ăn quà vặt và kể chuyện đất trời. Chị thường mặc áo dài đen ẩn hoa tuyn mỏng. Ở chị có một cái gì hút xa, sâu thẳm. Chị có một thân hình đẹp, nếu không nói là hấp dẫn. Tôi nhận ra chị rất mượt mà, có gì là “Em là gái trời bắt xấu” như chị thường than thở đâu, mặc dù cái mũi bị gãy gập lại. Hay là tại tôi thương chị nên nhìn khuôn mặt chị tôi không cảm thấy một điều gì bất ổn. Chị không đẹp, nhưng cũng đâu có nghĩa là xấu. Chị nói đi cạnh Phương, chắc người ta tưởng Phương là … con chị.


Tôi lúc lắc đầu. Trời ơi! Phương đâu có bé tí xíu đến vậy đâu – Phương không tin hả? Nhìn hình hai chị em chụp chung đây này. Giống y chang. Trong cái đầu ngây ngơ của tôi lúc ấy, chị cái gì cũng hay và giỏi. Kinh nghiệm, từng trải, từ chuyện thơ văn mơ mộng đến cả chuyện đời thường. Những lần vui đó, tiếng cười khua vang một góc phố, còn có Ngô Kim Thu, nhỏ bạn văn nghệ cũng tập tành viết văn, làm thơ con cóc như tôi. Thu cũng mê thơ Lệ Khánh, lên Dalat đi tìm chị, và chúng tôi trở thành ban tam ca Ba Con Chí Mén hăng say sáng tác tưng bừng gởi thơ đăng các báo.


Nhưng có phải, không ai có thể đứng lại hoài bên một dòng sông cũ. Năm tháng đã trôi. Nụ cười đã tắt. Tôi được tin Lệ Khánh về hẳn ở Saigon, thuyên chuyển về làm việc ở Tòa Hành Chánh tỉnh Gia Định. Chị liều lĩnh đắm mình trong một mối tình ngang trái. Chuyện một màu alpha đỏ xưa đã là quá khứ. Và cháu Vũ Khánh Thục ra đời. Chị không có ai là họ hàng thân thuộc ở Saigon. Mỗi ngày tôi vào thăm chị ở bảo sanh viện Đức Chính, mang cho chị những thứ cần thiết, ru cho cháu Thục ngủ … Người đàn ông của chị tôi chỉ gặp một lần (Thuở ấy, lúc mới quen chị, chúng tôi có đi ăn tối cùng với Đinh Hùng, Phổ Đức, Nguyễn Thị Vinh, Động Đình Hồ ở một quán nhỏ bên Gia Định, và càfé Thu Hương khi đêm đã vào khuya …). Và sau đó, gần như cách vài tuần tơi gặp chị một lần. Chị sống một mình với con trên một căn gác nhỏ lợp tôn thuê ở một con ngõ sâu đường Nguyễn Huệ, Gia Định. Căn gác nóng hầm hập vào mùa Hè đổ lửa. Chị bươn chải cô đơn trong cảnh đời phồn hoa xa lạ, xót xa nhìn con trẻ khóc, để thơ chị chỉ còn là những tiếng thở dài :


Bây giờ mẹ chỉ có con

Con thơ thơm sữa, mẹ mòn tuổi yêu.


(Lệ Khánh)


Tôi thương cảm sự nhẫn nhục của chị. Cơn mê đã tàn. Tình yêu đã tắt. Từ một cô con gái tiểu thư, con gái một Phó Ty Cảnh Sát Dalat, với nhà cao cửa rộng, chị đuổi theo một hạnh phúc mong manh, để bắt đầu một đời bạc phận, long đong …


Những ngày trước 75, chị đã có một chỗ ở khang trang hơn, trong một cư xá công chức mới xây gần Tòa Hành Chánh tỉnh Gia Định mà chính phủ cho nhân viên trả góp. Đó là chút vốn liếng đầu tiên của chị sau khi lập gia đình. Nhưng chị nói với tôi, chị muốn về lại Dalat để ở gần Ba Mẹ chị, cho cháu Thục còn có ông bà, và các dì, cậu. Đơn thuyên chuyển đã gửi đi, chị về lại Dalat, chưa kịp nhận nhiệm sở, thì Dalat mất. Chị lại cùng với gia đình di tản về lại Saigon, cùng với thời gian Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam rút quân.


Mọi dự tính, ước mơ tan như bọt sóng. Về Saigon với hai bàn tay trắng, căn nhà cũ đã được bán đi trước khi về Dalat, chị nương náu trong một căn nhà trống trước, trống sau, gần như bỏ hoang trước đó của Ba chị dành cho. Nỗi khổ của chị gần như cũng giống với nỗi đau của những người điêu linh trong di tản, trong cái họa mất nước của tháng tư đen. Tại nơi này, tôi đã gặp vài người đàn bà quen chị, thuộc giới áp-phe, cũng là phu nhân của các vị sĩ quan trước 75. Chị nói với tôi họ giúp chị buôn bán, làm ăn. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, căn nhà của chị bị nhà nước quản lý, và chị phải ăn nhờ, ở tạm một nơi khác.


Từ đó, cuộc sống chị hoàn toàn bất định. Tôi chỉ gặp chị nếu chị xuất hiện ghé thăm tôi. Có việc gì cần tìm chị tôi không biết tìm ở đâu, vì chị nói mình đã ở nhờ nhà người ta mà còn tiếp bạn bè, ngại lắm. Rồi bẵng đi một dạo, tôi phải rời thành phố để đi dạy học ở một miền xa, tôi không còn biết tin tức gì về chị nữa.

Bỗng một lần tôi ghé về thăm nhà, Ngô Kim Thu cho biết, Lệ Khánh đang bị giam chung với một số văn nghệ sĩ can tội viết bài gửi đăng báo ở hải ngoại. Nhưng tội trạng của chị khác với mọi người, chị can tội hình sự, vì lường gạt tiền bạc theo đơn thưa. Tôi nghe trái tim mình nhói đau, quặn thắt.


Định mệnh nào nghiệt ngã đã đẩy đưa người thơ Dalat với giọng thơ trữ tình chan chứa, thành một tội phạm giữa cảnh đời đá nát, vàng phai.

Ngô Kim Thu nói, chị không dám liên lạc với chúng tôi, cũng không dám nhắn về chị đang gian nguy, khốn khổ vì tránh cho chúng tôi những hệ lụy.  Có một người đàn bà quen biết gia đình Thu được tha về, bị giam chung phòng với chị đã kể lại. Chị thật thà quá, chị không lường gạt ai hết, nhưng đã bị những tay áp-phe đầu nậu hất vào tù khi chuyện bể ra, bởi chị cùng chung băng nhóm. Tôi chợt nhớ đến những người đàn bà tôi đã gặp ở Gia Định một ngày nào, vừa sau khi mất nước, mà rất vui mừng chị kể tôi nghe chị phải đi theo họ để học chuyện bán buôn …


Chiều hôm đó đi với Thu qua những con phố xưa, Saigon đã thay tên, chúng tôi đi trong Saigon mà nhớ Saigon. Nhớ đến chảy nước mắt khoảng trời mênh mông cũ, Lệ Khánh tội tù, còn tôi ngày mai lại trở về với kênh đào, nước đục, với đám học trò nông thôn vừa đi học, vừa cấy lúa, nhà ở cách trường một con sông, mỗi lần đi học, lội bì bõm, quần áo sạch phải cất vào trong cặp, đến lớp, mới chuẩn bị mặc vào ….


Chúng tôi nén để không bật thành tiếng khóc bởi Ngô Kim Thu và tôi, hai đứa không biết phải giúp Lệ Khánh bằng cách nào, trong khi chúng tôi cũng mù mịt tương lai, tuổi trẻ chúng tôi chìm vào tối tăm không lối thoát.


Tôi vẫn tiếp tục cuộc đời cô giáo nhỏ, bị lưu đày ở một nơi nước mặn đồng chua vì mang lý lịch “Con gái Ngụy Quân”, vài tháng tạt về nhà đôi lần mang cho Mẹ miếng đường mía, mang cho em chút gạo trắng tiêu chuẩn dành dụm chắt chiu.


Một ngày cuối năm 1978, trong một lần về thăm Mẹ, Mẹ tôi cho biết chị Lệ Khánh vừa đến tìm tôi. Chị đang ở vùng kinh tế mới, gánh củi về để bán. Không gặp tôi, chị được Mẹ tôi giữ lại, nhưng chị không ở, ăn xong bữa cơm chị đi ngay. Mẹ tôi lắc đầu, tội nghiệp quá ! Chị đã thực sự bước vào đời lao động sau khi ra tù. Những ngón tay trần bây giờ không phải để làm thơ, để ca ngợi một màu áo chiến, mà phải đốn tre, xẻ gỗ để tìm miếng cơm, manh áo.


Tôi hỏi Mẹ tôi, rồi chị có nói bao giờ chị trở lại nữa không. Mẹ tôi lắc đầu, Mẹ có nói, con đã đi làm xa, lâu lâu mới về, nên Lệ Khánh không hẹn sẽ gặp lại. Bởi vì tôi và chị thân nhau, nên từ một thuở nào, chị hòa nhập như một thành viên trong gia đình. Ba Mẹ tôi thương chị. Các em tôi quý chị. Bất chợt chị đến, ăn ngủ và ra đi đó là chuyện thường. Nhà tôi, không ai thắc mắc. Có tôi, chị ở lại vài hôm. Vắng tôi, chị vẫn ân cần chuyện trò với những người thân tôi, như một đứa con xa lưu lạc.


Khi tôi quyết định bỏ việc, về lại Saigon, vì Mẹ tôi mỗi ngày một yếu, các em tôi còn nhỏ không đảm đang nổi trước sau. Ba tôi đã mất trong trại Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, cũng là lúc tôi gặp lại chị Lệ Khánh. Chị vẫn ở vùng kinh tế mới. Biết chị là một công chức chế độ cũ, nên người ta nhờ chị dạy Bổ Túc Văn Hóa cho dân trong vùng. Cuộc sống tương đối dễ thở hơn, nhưng chị nói không thế nào ở mãi nơi này, còn tương lai của cháu Thục. Nhìn quanh chỉ thấy rừng với núi, đêm đêm nghe tiếng gió hú, nhớ Dalat, nhớ Lâm Viên … Mãn hạn tù, không hộ khẩu thường trú, chị bắt buộc phải về đây, nhưng phải làm sao để thoát được cảnh đời này. Tôi thương chị. Tôi thương tôi. Tôi thương tất cả số phận hẩm hiu của những người con gái bạc phận trong thời chinh chiến vì khi hết chiến tranh rồi, nghe hòa bình còn mỉa mai, cay đắng nhiều hơn.


Tôi đã tìm được một việc làm mới khả dĩ, gần gia đình. Bỏ hết bằng cấp về với Saigon, chuyển xoay theo dòng đời xê dịch. Và chị Lệ Khánh cũng về lại với Saigon, sống lang thang bất định, rạc rày, lam lũ. Thỉnh thoảng chị ghé tôi, tôi làm cho chị những gì tôi có thể làm được, từ những ký gạo trắng đến miếng cá, miếng rau … Chị chỉ nói với tôi tạm buôn bán qua ngày, nhưng hụt vốn liên tiếp, nên kết quả, phải đi cầu cứu bạn bè … Với số lương hành chánh ba cọc, ba đồng tôi cũng không thể làm một điều gì lớn hơn cho chị. Nhưng khoản tiền chị cần, thông thường chị hay ghé Ngô Kim Thu. Vì gia đình Thu có một cơ sở đóng sách, bế hộp ở Tân Định, cuộc sống tương đối dư dã. Bố của Thu lại là một người làm ăn giỏi trên thương trường. Thời nào cũng vượt qua được những khó khăn. Nhìn lại trong đám bạn bè, Ngô Kim Thu có một tuổi thiếu nữ huy hoàng, dài lâu nhất. Bố Thu vẫn giữ được chiếc xe hơi đời mới để di chuyển công việc trong khi mọi gia đình khó có ai còn có chiếc xe gắn máy, chỉ có xe đạp đầy đường trong thời buổi “gạo châu củi quế” mà thôi! Nhưng đến Ngô Kim Thu hoài chị cũng ngại, có lúc chị đến hỏi mượn tiền tôi. Tôi diễu cợt cho quên buồn, Thu là “cây tiền” mà chị không hỏi nó, chị hỏi Phương, thôi chị chờ Phương nuôi heo đất cho lớn chờ chị. Chịu chưa?


Chị vẫn nói với tôi là chị đi buôn bán, nhưng chị không nói là chị buôn bán những gì. Mà tôi là người không có thói quen tị mị hỏi về những chi tiết mà người thân mình chưa muốn nói. Mãi đến một hôm, tình cờ gặp Trần Thị Kim Anh, một độc giả của tôi, cô nữ sinh Gia Long ngày xưa, sau này làm việc ở trường Trung học Sư Phạm, Kim Anh cho biết thấy chị Lệ Khánh bán những rổ chanh ớt, kim chỉ ở bến xe Chợ Lớn. Chị đội cái nón lá sâu, rộng vành, sụp xuống không ai nhìn rõ mặt, nhưng Kim Anh vẫn nhận ra. (Kim Anh biết chị Lệ Khánh vì có lần cùng đi với tôi đến thăm chị ở Tòa Hành Chánh Gia Định trước 75, khi chị mới dời từ Dalat về).


Với chị trong tôi vẫn là một nỗi thương cảm, ngậm ngùi, quay cuồng với cái ăn, cái mặc chắc chị bây giờ không còn nghĩ nữa đến niềm đau nhan sắc. Vận nước nổi trôi. Một cuộc đổi đời lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Cái lằn gạch giữa có và không, giữa còn và mất chỉ là một đường chỉ mỏng. Chỉ còn lại chăng là tình nghĩa, là tấm lòng có còn giữ được cho nhau. Mệt mỏi, cô đơn, một thân lạc loài nuôi con thơ dại, chị quyết định về Dalat sống với gia đình. Căn nhà xinh xắn của Ba Mẹ chị ở 71 Duy Tân xưa bị nhà nước tiếp thu làm cơ quan, ban ơn mưa móc cho cả gia đình hơn mười người được tá túc trong cái garage để xe cũ kỹ chật hẹp của chính họ. Sau nhiều lần sửa chữa, chị có một chỗ riêng, một căn gác nhỏ, mà Ngô Kim Thu và tôi đã lên sống với chị những giờ khắc ở đó.


Khoảng trời Dalat lộng gió với thông ngàn, mượt mà hoa hồng và mimosa bị đọng lại trong cái góc tối đen, buồn bã. Chỉ nghe cái hiu hắt lạnh, cái se lòng trong tẫm đẫm hơi sương Dalat. Ngoài ra, một Dalat đã chết, như đời của chị tôi vẫn sống nhưng là một đời sống chết của một kiếp người cơ cực, lầm than … Ba chị ra khỏi tù, bệnh trở nặng. Mẹ chị co ro trong chiếc áo laine cũ ngồi trên lề đường Duy Tân bán từng điếu thuốc lá lẻ. Những đứa em trai sửa xe đạp trước hiên nhà, lặng thinh, câm nín, không buồn nhìn đến kẻ lại, người qua. Những đứa em gái nghề nghiệp bấp bênh, Hồng vừa bị cho nghỉ việc vì phong trào chống học ngoại ngữ, mà Hồng là cô giáo dạy Pháp văn. Trang chuẩn bị thành ma soeur, hiến dâng đời cho Thiên Chúa …


Nghe Thu và tôi lên thăm, Ba Má chị nhất định giữ lại ăn cơm. Từ chối thì hai bác buồn, mà nhìn thấy tận mắt cái cảnh đạm bạc của gia đình chị không thể không nát lòng. Bữa ăn được dọn ra với con cá nục được cắt làm đôi nấu mặn lại với muối, có một ít nước, theo kiểu người miền Trung và tô canh đọt mùng. Tôi và Thu không dám gắp thức ăn để chị em chị dành cá cho cha mẹ, chỉ ăn nước mà thôi …


Từ năm sau đó, gần như tôi đi Dalat hằng năm, nhưng tôi chỉ gặp mặt chị đôi lần. Thường tôi hay mang một ít thức ăn ở Saigon lên cho chị. Nhưng lần nào Bác cũng nói chị đi bán quần áo cũ tối mịt mới về, bán ở chợ không có khách hàng chị phải trèo đèo leo núi, quảy túi quần áo cũ trên vai vào những buôn thượng xa xôi. Nên khi chị về được đến nhà, tay chân rã rời, mọi người đã yên giấc. Tôi hẹn sẽ trở lại, chị vẫn bằn bặt. Tôi đi lang thang với Hồng, em gái chị ở café Tùng, ở phở Hiếu … rồi chia tay. Tuy nhiên, có dịp về Saigon là chị đến tôi có thể năm ba tháng một lần. Tôi gom hết quần áo cũ để dành cho chị. Hai chị em cơm nước xong, ghé Tân Định với Ngô Kim Thu, rồi về nhà tâm sự cho đến sáng.


Trước khi đến sở, tôi đưa chị đi ăn sáng, và lần nào tôi cũng gửi chị tiền xe về lại Dalat, dù chị không hỏi.


Ngày Vũ Khánh Thục thành hôn, chị cũng xuống gửi thiệp cưới cho tôi. Phương chia xẻ niềm vui với chị, Thục đã lớn khôn, nhưng không về Dalat để góp vui với chị được cho Phương gửi chút quà mừng. Chị cảm động ôm tôi. Chị không ngờ cái tình văn nghệ tưởng chỉ là văn nghệ vậy mà bền chặt đã mấy mươi năm …


Thường chị ít chịu kể về những thay đổi trong cuộc sống của chị. Nhưng tôi linh cảm chị không còn ở Dalat nữa, mà ở rất gần tôi. Tuy nhiên lần nào sau khi ghé thăm tôi, tôi cũng gửi chị một ít lệ phí trở về Dalat. Năm nào, những ngày gần Tết chị cũng đến tôi. Tôi cất dành sẵn cho chị những món ăn ngày Tết, như bánh mứt, lạp xưởng, để chị không phải mua sắm, và tủi thân buồn. Chừng như xúc động vì chân tình tôi dành cho chị, có lần chị lãng đãng nói:


– “Mấy lần Phương đi thăm chị ở Dalat, chị trốn, vì không có quần áo đẹp để đi phố với em. Những quần áo em cho, chị túng tiền về bán hết, không còn giữ lại bộ nào. Có lần nằm một mình trên gác, nhìn theo bóng em khuất xa, chị đã khóc lặng lẽ … Chị cũng không hiểu sao chị làm vậy.”


Cũng như có một lần, sau khi tôi đi Dalat về, những món quà Dalat cho gia đình còn đó, chưa được mở ra, chị tất bật tạt qua nhà tôi trong vội vã. Chị kẹt tiền mua bán và hỏi tôi. Rất thật thà, tôi trả lời, em hết tiền, vì vừa mới ở Dalat về. Chị nhận cho em một ít quà được không. Chị nhất định không cầm gì hết và quày quả bước đi … Sau này chị phản tỉnh, kể lại tôi nghe, lần ấy chị giận tôi lắm, và thề trong lòng không bao giờ gặp tôi nữa. Nhưng nghĩ lại, thấy mình vô lý quá, tôi vẫn đối với chị thật đầy, có lầm lỗi nào đâu? Nên chị lại đã không rời xa tôi được.


Lần cuối cùng tôi gặp chị, chị hớt hãi, ngơ ngác cho tôi biết không thể sống được, chỉ có nước tự tử vì bị úp hụi. Có định mệnh, số kiếp cay nghiệt nào vẫn còn theo đuổi một người thơ đến suốt cuộc đời. Tình yêu, nhan sắc, danh vọng, bạc tiền là một con số không to lớn phủ kín hồn chị. Người chị mong ước sống chết mãi mãi có nhau đã ra đi không bao giờ trở lại sau biến cố 75. Từ những tuyệt vọng, khốn cùng, thiếu niềm tin bám víu chị có ý định trở lại đạo, để được nguyện cầu dưới chân Thiên Chúa.


Tôi thấy mình nhỏ bé, bất lực. Nỗi khó khăn của chị là một đại dương, mà tôi chỉ là con ốc nhỏ. Sự giúp đỡ chỉ như muối bỏ biển, như gió vào nhà trống, tôi cúi đầu không biết phải làm sao …


Và dòng sông xưa đã về biển lớn, theo gia đình, tôi lìa bỏ quê hương, tìm về một vùng đất mới, bắt đầu kiếp người nổi trôi lưu lạc. Năm tháng đầu tiên xứ người, tôi dành dụm ít tiền kiếm được trong lúc vừa học, vừa cày gửi về cho chị. Vẫn không có hồi âm. Chị không còn ở Dalat nữa. Không biết chị đã trôi giạt về một phương nào. Tất cả đã ở ngoài tầm tay tôi. Tiếp đó tôi biết tin Mẹ chị từ trần, và Ba chị cũng đã nằm xuống năm ngoái trong khổ đau vì chị. Chị không thể đền đáp hiếu đễ cho mẹ cha từ buổi sinh tiền đến lúc mãn phần vì nợ nần vây kín. Bây giờ nghe tin chị đau nặng, không ngồi dậy được, và đã trở về mái nhà xưa vì không còn bôn ba được nữa, sao đất trời, số mệnh vẫn chưa chịu buông tha. Và nếu nợ nần của chị lên đến hàng trăm triệu do lãi mẹ đẻ lãi con, chị phải đi trốn nợ nên không thể thư từ liên lạc với tôi, thì cũng đành thôi, tôi chẳng bao giờ hờn và trách chị bởi bao giờ tôi cũng hiểu chị như ngày xưa những lần quá khổ chị đã khóc với tôi cho vơi nỗi xót xa …


Có lẽ bây giờ tiếng thơ chị đã nghẹn ngào tắt lịm nhưng những câu thơ xưa thì vẫn đẹp ngàn đời. Ngô Kim Thu đã viết về thơ chị: “Bài thơ hay như một bình rượu quý, một bức tranh đẹp chẳng hề ảnh hưởng bởi thời gian. Mỗi mùa xuân về, dù đang ở bất cứ nơi nào xa vạn dặm, đọc lại những vần thơ sau đây của người thơ Dalat, người đọc lại thấy mình như đang trở về những ngày xa xưa với những cô gái Dalat mắt quá đổi trong, môi quá chừng hồng, những mối mình màu hoa đào thuở đầu đời quá đẹp, mà trên bước đường đời đôi khi chẳng thể còn gặp lại …”


Sau những bộn bề nơi đất khách, một chút trầm tư, bên chén trà sen, kính mời quý vị cùng đọc lại với Phương và Ngô Kim Thu một bài thơ cũ sau đây của Lệ Khánh, để xẻ chia những thăng trầm, bạc phận của một người thơ xứ lạnh, và hy vọng những dòng tùy bút của Phương hôm nay không rơi vào lạc lõng của sự lãng quên.


CHIẾN Y LÀM ĐẸP PHỐ PHƯỜNG


Trời hôm nay nắng buồn hong gió thổi

Chiến y về làm đẹp phố cao nguyên Em lặng nhìn, mang chua xót làm riêng Rưng rức nhớ … em gượng cười quên ca?


Chiến y đó nhưng chỉ toàn xa lạ

Em cúi đầu nước mắt nhẹ vương mi Áo cưới ngày nào … bạn cũ vu quy Nên áo chiến người yêu xa vắng phố


Vui hạnh phúc họ quên em gái nhỏ?

Hay dỗi hờn, hay khóc giận vu vơ Tình đơn phương cô bé sớm làm thơ Và khôn lớn khi tuổi đời chưa lớn


Trời hôm nay bướm buồn bay lởn vởn

Bướm đùa hoa, hoa cợt bướm … vui chưa? Em nghĩ mình, em thẹn với hồn thơ Thơ vẫn đẹp, sao hồn em chẳng đẹp


Áo muôn sắc giữa phố phường khép nép

Chiến y về làm hồng má hây hây Mắt đa tình gợn suối tóc bay bay Alpha đỏ, Ô đẹp màu môi con gái


Em kỷ niệm với mía đường tình ái

Nên độc hành tìm áo chiến ngày xưa Để đem về ướp trọn mấy vần thơ Thơ nhè nhẹ gửi người trai lính chiến


Đêm dừng quân có bao giờ anh biết

Có một người em gái nhỏ thương anh Luôn nguyện cầu đất nước thôi chiến tranh Ngày trở lại, có tình em đón đợi


Hôm nay gió, hoa anh đào phất phới

Có một người “thi sĩ nhỏ” cô đơn Gọi tên anh … một tiếng gọi rất buồn: “Người biên ải có thương người hậu tuyến?”


Trời Dalat hôm nay nhiều áo chiến

Áo chiến mùa đông pha màu đỏ alpha Em nhớ anh nên nước mắt em nhòa Song gạt vội : “Bụi đường bay ác quá!”


(Lệ Khánh)


MỘT CHÚT VỀ LỆ KHÁNH

Nhà thơ nữ Lệ Khánh, tên thật: Dương Thị Khánh, sinh năm 1944 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hiện đang sinh sống cùng con trai ở số 71 đường 3/2 thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng.  Đ T : 063.3828534.


Là một người thơ nữ mang nặng tình thơ lẫn tình đời trong chuỗi “Một đời gian truân – Một đời bạc phận” như MH Hoài Linh Phương tâm sự ở trên.


Theo một bài viết của La Ngạc Thụy :


– “Vào những năm thập kỷ 60, trên diễn đàn văn nghệ xuất hiện một nhà thơ gây xôn xao dư luận, có thể nói là ngang tầm với hiện tượng TTKh, đó là nhà thơ Lệ Khánh tác giả của 5 tập thơ “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” do nhà xuất bản Khai Trí xuất bản liên tục trong 3 năm từ năm 1964 đến năm 1966.


“Chính tên tập thơ “Em là gái trời bắt xấu” đã gây chú ý hấp dẫn, từ đó độc giả đã “đua nhau” tìm đọc. Điều làm mọi người kinh ngạc là Lệ Khánh xuất bản thơ với tựa đề “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” nhưng thật ra Lệ Khánh lại là một cô gái Huế xinh đẹp từng làm nhiều chàng trai đất Quảng ngẩn ngơ chứ chẳng hề xấu chút nào, lúc xuất bản tập thơ đầu tiên Lệ Khánh vừa đúng 20 tuổi.


“… Một điều đáng chú ý khác là đời thơ của Lệ Khánh không dài, chỉ bắt đầu vào năm 1964 và kết thúc trước năm 1975; sau đó có sáng tác thêm gì cũng không còn cái chất thơ “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” như xưa nữa.


Chuyện tình của Lệ Khánh


Lệ Khánh sống ở Đà lạt thành phố sương mù, thành phố của tình yêu nhưng lại khổ vì tình, lụy vì tình. Nhưng nhờ éo le trong tình yêu mà Lệ Khánh đã có những vần thơ để đời …


Vì vào thập niên 60, báo chí thời đó phần nhiều theo chiều hướng “Tình thơ cho lính”, ngoại trừ một số rất ít là loại thơ hơi mới. Tiêu biểu phải kể đến Lệ Khánh nổi tiếng với tập thơ “Em là gái trời bắt xấu”, lúc đó có người yêu là nhạc sĩ Thục Vũ đang mang cấp bậc Đại Úy.


Thục Vũ tên thật là Vũ Văn Sâm, sinh năm 1932 tại làng Nam Lạng – Trực Ninh – Bắc Việt. Ông tốt nghiệp khóa 4 phụ Đà Lạt năm 1954, năm ký hiệp định đình chiến  Geneva. Vì thế, ông ở lại miền Nam Việt Nam bỏ lại phía bên kia người vợ chưa cưới. Năm 1955, người vợ chưa cưới của ông vào Nam và làm lễ cưới năm 1956.


Là một nghệ sĩ, Thục Vũ không thoát khỏi hệ lụy của chữ tình. Ông đã gặp và yêu Lệ Khánh, lúc nữ thi sĩ vừa tròn 20 tuổi, trong thời gian này ông đã phổ nhạc bài thơ “Vòng Tay Nào Cho Em”, làm xôn xao giới yêu nhạc, yêu thơ với mối tình của ông và Lệ Khánh. Hai người có một đứa con là Vũ Khánh Thục. Bà Thục Vũ biết nhưng không làm to chuyện mà còn đến thăm nom, chăm sóc cho ngày con Lệ Khánh ra đời … Sau đó, Thục Vũ lên Trung Tá ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh thì miền Nam mất. Sau 1975, ông đi cải tạo và chết trong trại năm 1978, để lại cho bà vợ lớn 5 đứa con, và nhà thơ Lệ Khánh 1 đứa con.


Mối tình của cô gái làm thơ trời bắt xấu được nhiều người trong giới văn nghệ biết đến như là một mối tình đẹp ….


– Tác phẩm đã xuất bản: Em là gái trời bắt xấu (thơ tập 1, 2, 3, 4, 5) Khai Trí Sài Gòn xuất bản : 1964 1965-1966; Vòng tay nào cho em (thơ 1966); Nói với người yêu (thơ 1967).


Lê Hoàng Nguyễn (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: