Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Con Thuyền Không Bến - Nam Bình Bùi Công Hải

 

Chiều hôm ấy, nỗi lo âu dâng đầy trong trí óc, tôi quyết làm một chuyến chót, mở ngăn tủ, lấy vàng đi nộp. Ngồi trên chiếc xe đạp cũ, ọp ẹp, tiến về đường Công Lý, đường sá tấp nập và xô bồ, tôi đưa chân mang dép râu cà lên bánh xe đạp đế thắng. Vội vã dựng xe trước hiên nhà anh Quốc, còn có tên là Kinh Đô. Tôi đặt tất cả niềm tin vào anh chàng bụng bự na ná xì thẩu này. Tôi rút túi đưa vàng mà không hề có một chữ nào trên giấy, chỉ tin nhau và đặt niềm hy vọng tràn trề. Căng thẳng dâng đầy mình cứ tưởng nơi nào cũng có đôi mắt cú vọ của công an, nên vội vã từ giã. Bước ra hiên, hỡi ơi chiếc xe đạp đã bạc tình mà đi qua tay kẻ khác.

<!>

Môt niềm đau và thất vọng đã hiện ra trước mắt, thế là tôi bắt đầu theo chủ nghĩa hoài nghi...

Thôi đành nhắm mắt đưa chân,

Thử xem con tạo xoay vần thế nao?

Và từ đó tôi có ý nghĩ xin đi theo giữ ghe. Điều nầy anh Quốc đồng ý ngay, vì có ai dám xuống phụ sửa ghe. Biết đâu chưa sửa, lại theo vào tù. Một tuần sau anh Quốc gọi tôi về và cùng đi bán vàng. Bán được 39 triệu, và sau đó cùng nhau đi Mỹ Tho giao tiền. Đêm hôm ấy tôi và anh Quốc đưa bao cát cho anh Bé bự cất giữ., để hôm sau tôi sẽ đi giao bao cát tiền cho anh Khương, một thanh niên đi chiếc Suzuky màu đen, tại một tiệm cà phê ở Vĩnh long. Tôi đi xe đò, trong người chỉ có tờ giấy chứng nhận giả, đang ở vùng kinh tế mới, có gía trị gì đâu. Trên đường đi, ngã ba ngã tư nào cũng thấy công an canh gát nhưng may mắn được lọt sổ.

Hú Hồn, hú vía xe đã đỗ bến, tôi ngơ ngác vài phút mới nhận diện được chàng thanh niên vạm vỡ, nước da hơi ngăm ngăm đen, tôi đoán chắc anh là người rành rẽ và đầy kinh nghiệm. Chúng tôi uống vội ly cà phê nóng hổi rồi lên xe đi, tôi ngồi sau ôm túi bạc kè kè. Đến nhà, gặp anh Hai đại úy không quân Việt Nam Cộng Hoà, lòng tôi càng tự tin thêm dù mới chỉ có vài lời xã giao. Chúng tôi xin đi ngay vào vấn đề là giao cái cục nợ cho xong, nhưng lại thêm một chút đắng cay, vì khi đếm lại tiền thì chỉ còn 38 triệu rưỡi, năm trăm ngàn đã âm thầm cất cánh bay về phương nào ? Đếm đi đếm lại vẫn thiếu. Anh Hai nhất định không chịu, khẳng định chỉ đưa đủ tiền thì mới nhận ghe, mặc dù chúng tôi đã hạ mình năn nỉ hết lời, khô cả nước bọt. Cuối cùng tôi quyết định đem chiếc nhẫn cưới để bù vào .Tôi phân giải với anh rằng tuy nó chẳng đáng giá là bao, nhưng đối với tôi không những quan trọng mà nó còn là kỷ vật gắn bó keo sơn tình chồng nghĩa vợ. Nhưng tiếc thay, chiếc nhẩn quá khiêm nhường chỉ đáng 100.000 đồng, chẳng thấm thía vào đâu. Anh Hai lưỡng lự giữa tiền và tình. Cuối cùng anh gật đầu đồng ý. Tôi thở phào nhẹ nhõm.,liền tay tôi tháo chiếc nhẫn,đôi mắt ứa lệ dù cố che nhưng không lam sao dấu được.Tay run runxoa chiếc nhẫn vĩnnh biệt kỷ vật yêu quí và nhắm mắt để nhẹ chiếc nhẫn trên bàn,nhưng trong lòng bổng dấy lên một niềm vui là tôi đã làm hoàn thành một công việc chung.

Đêm đã khuya ,chúng tôi cố tranh thủ đi ngủ, ngã mình trên sàn nhà cố thiếp đi nhưng nỗi lo cứ chờn vờn khiến tôi không sao ngủ được.

Sau một tiếng sột soạt trong phòng ngủ thì cánh cửa vừa hé mở,anh Hai đánh thức và mời uống cà phê.  Thế là cuộc hành trình bắt đầu. Anh Hai bảo tôi mang bao tiền. Chắc họ chưa tin mình đâu, mình mang tiền nếu bị công an vồ thì mình lảnh đủ thôi. Xe chạy chừng nửa giờ anh Hai dừng xe, bảo tôi mang tiền vào nhà ông chủ gần bờ sông và để trên bàn. Vậy là tôi thoát nhiệm. Sau đó anh chĩ cho tôi lên ghe đã nổ máy sẵn với hai thuyền trưởng. Anh Bé lạng một vòng ngoạn mục trên giòng Tiền Giang hiền hoà, giá có một tiên nữ bên cạnh để cùng nhởn nhơ, thả hồn theo giòng nước lẳng lờ trôi. Bỗng chốc thuyền tăng tốc lao nhanh về phía trước. Tưởng chuyện chi, té ra Năm Tiến, quen phong độ nhà binh, kiếu lái xe Jeep, nhấn ga để loè mấy cô nữ sinh khi tan trường về. Nhưng quanh đây chỉ có mấy cô thôn nữ đang chèo xuồng thôi. Về đến Mỹ Tho tôi và Ánh lên bờ về Sài Gòn. Chỉ còn mình Năm Tiến lo cho tới khi đem ghe về Gò Công để sửa. Một tuần sau tôi xuống phụ lo chuẩn bị ngày khởi hành. Tôi đang lau chùi máy, có đám con nít bu lại líu lo nói, ghe này mà vượt biên là đã lắm. Rồi tụi nó thi nhau kể chuyện ma. Ma le, ma cà rồng...

Một ngày dài nhất đã qua. Màng đêm buông xuống, mây đen vần vũ. Tôi, Tiến anh Bé đặt lễ vật cúng bái, cầu xin thần linh phù hộ cho may mắn và thành đạt. Nhang chưa tàn thì lễ vật đổ tung, chắc lễ vật không đủ tiêu chuẩn, hay là tại tay anh Tiến nham nhở với cô bé đem cơm, nên thần chê qủy hờn. Nhưng dù sao đi nữa cũng gây cho tôi một cảm nhận như có sự không may, và tai họa sẽ đến. Khi ghe anh em cô út Hiền vừa lui thì ghe công an ập tới, tôi liền bỏ chạy không kịp mặc quần. Bé thì nhảy sông. Tội nghiệp Năm Tiến phải chịu trăm đắng ngàn cay của sự đe dọa của công an với súng ống đầy mình.nhưng rồi nhờ sự khéo léo dàn xếp ,họ đã thỏa thuận và bắt Năm Tiến

 lên bờ tìm tôi và Bé. Tien  keu  ơi ơí anh Hải, anh Bé ơi về lại ghe đi, xong rồi. Trong khi đó tôi trốn trong vườn cam. Giọng Tiến càng gần thì tôi càng cao chân tẩu lẹ. Ai dại gì mà đem thân, nạp mạng. Tôi chạy ra cánh đồng,trốn trong nghĩa trang để tránh chó sủa. Gần mười một giờ đêm. Tôi thu nhỏ người dựa lưng để dễ núp trong mộ bia, nếu công an có đi tìm thì cũng khó thấy và..... gồng mình để chiến thắng với  mấy con ma sắp ồ tới tấn công .Tôi thất vọng chán nản và lo sợ. Làm gì bây giờ ? Khổng Minh hay Chu Du tái thế cũng đều chạy trốn công an hết.

Ngày dài hy vọng qua mau.

Cái đêm sầu muộn rầu rầu năm canh

Xa xa tiếng chó sủa quanh

Thân người quân tử mong manh tơ trời.

Tôi chỉ còn cách là về Sài Gòn, nhưng khổ nỗi tôi chẳng biết mình đang ở đâu. Tôi thức trắng đêm, khoảng 4 giờ sáng, tôi đi về phiá bờ sông, dọc xóm thấy có nhiều nông gia chuẩn bị ra đồng. Tôi bớt sợ công an, đến bến đò thấy vài khách chuẩn bị qua sông, tôi giả bộ đi cầu chờ khi nào đò sắp rời bến là ào đến nhảy lên. Thành công. Tôi trả tiền đò không cần tiền thối. Hoạ vô đơn chí, vừa rời bến đò, tôi lê bước, dọc đường lại xuất hiện mấy chú công an đang canh gác hội đồng xã, ho bồng súng như chào đón tôi. Tim đập thình thịch vì tôi chẳng khác gì một tên trốn tù, đi chân đất, bận áo lính, mặc quần xà lỏn, lại thêm hai chân khẳng khiu trắng nhợt. Nếu công an nhìn thấy thì chắc chắn phải đánh dấu hỏi ?

Những bước hãi hùng đã lần lượt lướt qua, mặc dù chân cẳng rã rời nhưng tôi cũng cố tăng tốc lực để nhanh ra được quốc lộ. Tôi vui nói không ra lời khi gặp được một cô gái, mặc áo màu tím hoa sim, liền bắt giọng:.

-Cô ơi! Cô biết đường nào lên Mỹ Tho không?

Một giọng thánh thót dễ thương đã len lén vào tim tôi.

- Dạ em cũng đi Mỹ Tho nè. Mà anh đi có mình ên hả ?

- Vâng, tui đi một mình.

Cô càng hỏi, tôi càng lo, cô gái nhìn tôi có vẻ nghi ngờ và tội nghiệp. Cả hai cùng lên xe, trong lòng câm nín

- Đây là đâu vậy cô ?

- Chợ Gạo.

Xe từ từ dừng lại, tôi vội vàng xuống xe không một lời từ giã. Nhưng trong lòng vẫn lưu lai một chút gì vấn vương của cô gái xứ Gò Công. Xuống xe đi vào chợ. Chợ nhỏ bẩn, tôi dõi mắt tìm mua một cái quần và một đôi dép. Đến quầy bán quần áo giày dép, tay bốc, miệng nói, chân xỏ, trả tiền không cần trả giá. Bây giờ nhìn tôi không còn giống một tên trốn tù nữa mà là một công dân có vẻ hiên ngang hơn. Tôi đón xe đi tiếp về Mỹ Tho. Đắn đo không biết có nên về bến xe không ? Có nên ghé lại nhà bà chủ ghe không ?Thôi cả hai, vào nhà may thay gặp anh Khoẻ. Tôi kể chuyện ghe bị ốp hồi hôm. Anh liền cất giọng: đã dàn xếp xong rồi, lên bến xe đón xe xích lô số 02. Tôi liếc mắt nhìn thấy một bóng hồng, loay hoay chuẩn bị khăn gói.... Tôi lên bến xe thì gặp anh Kinh Đô, anh  vui cười và nói nhỏ là tài công đã trốn mất rồi, thôi để cho Năm Tiến lái đại, chứ đã cởi lên lưng cọp rồi. Ừ cũng được, hơn nữa tôi sung sướng không sao tả hết được khi gặp lại vợ tôi đang đứng xếp hàng mua vé xe. Tôi ra hiệu kêu, vợ tôi hiếu ý đi theo ra xích lô số 02 đang đợi bên kia đường, cùng lên xe, không cần nói địa chỉ, mười phút sau thi tới cầu Quay, có bà Chín  ra đón, và đưa xuống ghe. Tuy niềm vui chưa trọn nhưng cũng đã nếm được chút hy vọng dù mong manh. Chiếc ghe chòng chành hiền hoà như hân hoan chào đón chúng tôi. Trong hầm đã có nhiều bạn đồng hành khá đông, nhưng họ mất lịch sự lắm, không một tiếng chào hỏi, chỉ vài đứa con nít chẳng hiểu gì, nói thao thao bất tuyệt. Mặc dầu đã cho uống thuốc ngủ từ trước,[ mua nhằm thuốc giả]. Đó là hậu quả của một xã hội lừa dối. Con nít dưới hầm ghe bị nóng, ngộp la ó, trên bờ thì công an đang đi dạo. Trời tối dần, bến sông đèn sáng lập loè, hai người khách cuối cùng đã đến trể. Ghe nổ máy âm thầm rời bến theo giòng cửa Tiểu. Tôi trườn mình bên hông ghe hứng nước vào những can nhựa loại 20 lít. Tôi nghe nói có người múc nước kiểu này có khi hứng vô luôn cả phân người. Không biết mấy thùng nước này có.... Nhưng nước uống vẫn ngon, mát và chẳng có ai bị Tào Tháo rượt. Tôi soát lại trong ghe, thế là đủ nước thức ăn, ai cũng an tâm. Chờ người nên trễ cho nên khi ghe ra bị thủy triều xuống, ghe bị mắc cồn. Tôi và anh Quốc cùng nhảy xuống bới sình cho thuyền ra. Năm Tiến tăng ga thuyền vọt nhanh như mấy chàng lực sĩ về nước rút, ghe  ra nhanh tôi bu kịp, anh Quốc tuột tay nên uống nước đã đời. Sau đó anh em dùng sào tre đo nước kéo lên. Ghe chỉ bị mắc cồn nhưng nhẹ thôi. Trời sáng dần bình minh đang đón một ngày mới. Cửa biến nhộn nhịp ghe tàu quốc doanh đi đánh cá về, ghe nào cũng treo cờ đỏ sao vàng đỏ loét. 

Để ngụy trang chú Ánh ngồi vá lưới có vẻ như rành nghề, tôi thì hết cuốn lưới vô, rồi lại xả lưới ra. Mọi người nằm dưới hầm tàu im thim thít.

Máy ghe lại nũng nịu, vừa mới ra cửa biển thì hư. Thuyền trưởng trở thành thợ máy. Nhưng hên cho bàn tay “nham nhở” sờ mó sao đó mà máy lại chạy. Dù mặt trời sắp lên đỉnh đầu mà ghe cũng chưa xa bờ là mấy. Tôi chợt buồn, lòng xe lại, nhớ lại hai năm nằm gỡ lịch. Hy vọng ngày mai trời lại sáng.

Mọi sự bình yên, giấc ngủ an lành, dưới hầm ghe thỉnh thoảng có những khúc nhạc trổi lên, làm mở mắt những người nhạy thức. Trời trong, sóng lặng, thuyền êm ả lướt sóng, tiếng máy đều đều, hoà cùng những giọng oanh vàng của những người đẹp làm lắc lư con thuyền đi. Tôi còn nhớ có những lúc thăng hoa các tiên nữ với những trang phục thời trang, ngồi nhìn mây nước, hít thở không khi trong lành, tự do sau những năm ngột ngạt khó thở. Tôi cứ tưởng như mấy nàng minh tinh Hollywood tháp tùng làm phim .

Trời vẫn đẹp, không mây, gió nhè nhẹ thóang qua, mọi người nằm, ngồi dưới tấm bạt che nắng, chuyện trò rộn rả. Những người ngắt ngư say sóng  cũng cố ngổm dậy xen vào câu chuyện.Tưởng rằng đã yên. Ngờ đâu trời lại đổi ý, mang đến những đám mây đen bàng bạc, xen lẫn những cơn gió điên rồ, làm tốc bay cả màng che. Mây đen đã khuynh đảo cả bầu trời, sóng đã ngự trị cả đại dương, những làn sóng hỗn hào đã chồm lên boong tàu trộm nhìn các tiên nữ, con thuyền tuy nhỏ, lòng ghen tuôn bừng dậy, hung hãn lướt nhanh nhanh chồm lên những về sóng hung dữ một cách hiên ngang.

Các thuyền trưởng Năm Tiến, Khương, Thành, cươì dòn dã, nhưng trong lòng cũng thoáng lên những lo sợ. Một chốc lác, cái ròng rọc bất kham ,dây cáp trật ra ngoài ròng rọc, tôi và Hùng, Hạnh tức tốc dùng tay để giữ cho dây cáp khỏi trật, những bàn tay công tử chống lại sắt thép. Khi những cơn sóng dữ dằn khiến bàn tay đau nhức, nhưng cắn răng chịu đựng..Sóng càng lúc càng cao, nước đã tràn vào cả hầm máy, tôi gọi mọi người cùng nhau tát nước, lo sắp xếp người trong hầm. Một phát hiện tức tốc, một bóng đen khổng lồ đằng xa tưởng ca nô của công an rượt bắt. Thuyền trưởng khẩn lệnh: mọi người xuống hầm nhanh, trật tự viên bột phát xô đẩy, ồ ạt mọi người lăn xuống hầm không kịp suy nghĩ. Còn sót thằng Minh vì nó nhỏ xíu, ngon ngủ dưới cái chăn lép xẹp chẳng ai thấy. Một chốc sau, phản phất một tiếng kêu thất thanh: papa và nó chạy ngay vào phòng lái suýt nữa  rớt xuống hầm máy  là toi mạng. Tôi kêu lớn,anh Khôi trông hộ cháu,chứ tôi đương bận tay giữ cái rong rọc,và rồi  nó  được đưa xuống hầm tàu  lúc nào tôi không hay biết.

Một cơn hãi hùng phi lý, vì ngộ nhận cái phao làm ranh cuả giàn khoan mà báo đời báo kiếp chúng ta thất đỡm. Con thuyền cố lách tránh xa giàn khoan vì nghĩ rằng đây là Vũng Tàu, nhưng cơn bão đã lên đến cấp chín, cấp mười ,con thuyền không thể cưỡng nỗi, nên trôi dạt dần đến giàn khoan. Tình thế nguy cấp, anh em chúng tôi bàn  nhau: đầu hàng, tấp vào giàn khoan kêu cứu. Từ xa anh Quốc cất một giọng buồn não, anh Hải ơi: thôi vô giàn khoan, đi về ở tù rồi tính sau. Tất cả đồng ý, tức tốc tôi cởi chiếc áo, nhúng dầu, leo lên trần châm lửa, một cơn sóng dã mang làm cho con thuyền nghiêng hẳn dường như muốn lật, dầu qúa trơn, làm tôi trợt liểng xiểng. Có lẽ số trời còn thương, may mắn vớ được song  thành của ghe giữ lại, chứ không cũng đã hóa thành người thiên cổ. Lửa trên trần vẫn cháy, bảo táp vẫn hung hăng mọi ngưới lẩm bẩm cầu trời khẩn phật cúu độ được sống và khỏi tù. Người ta thường nói: nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, nay thì mình nóng lòng ,một phút đợi bằng một ngày chờ. Những đôi mắt phóng xa của mọi người như một giàn ra đa. Một tiếng la lên thật lớn <có tàu đến cứu rồi>. Pha đèn tàu càng lúc càng lớn lên, họ tiến lại gần cứu vớt. Đàn bà con nít lên trước, đàn ông thiệt thòi lên sau. Lúc này mừng vui lo sợ lẫn lộn. Vui là được sống, buồn là về ở tù. Tiếng ồn ào, xen lẫn tiếng khóc, thật đúng vói lời thơ: khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười  .  .

Tôi nhanh chân tò mò bước vô tàu trước, một tấm bảng màu đỏ, ghi đậm mấy hàng chử [Dưới sự kiểm soát của công an thành phố Hồ chí Minh]. Tóc gáy tôi dựng lên và rợn cả người. May thay có một chàng thanh niên, thanh nhã, trắng trẻo bước ra cất giọng: bà con an tâm, ở đây vài hôm, tàu sẽ đưa vào Singapore. Tất cả vui mừng nhảy múa, chúng ta được lên thiên đàng hạ giới. Sung sướng làm sao …

Thời gian qua mau, tàu nhổ neo, rời bến đưa chúng ta đến xứ tự do, dân chủ và nhân quyền. Trời vừa hừng đông, tàu cập bến Singapore, xe của cao ủy tỵ nạn đã đợi sẳn. Một giờ sau là nhập trại. Không khí của trại thật tấp nập. Mỗi ngày có năm ba chuyến xe cho thuyền nhân nhập trại, lòng phẩn uất chế độ cọng sản càng cao. Một chủ nghĩa sai lầm không những chôn cả một  dân tộc Việt mà cả thế giới cọng sản nữa. Theo gs Rummel [nhận giải Nobel] có 643 ngàn người chết sau ngày cưõng chiếm miền Nam đến nay, khoản 400 ngàn thuyền nhân bị đắm vùi thây trong lòng đại dương. Cuốn hắc thư noi về chủ nghĩa cộng sản quốc tế ,nó đã gây ra 80 triệu đến100 triệu sinh linh trên khắp thế giới.

Trong những ngày chờ đợi, doanh nhân Trần Cứu Quốc đã mở tiệm may kiếm tiền khá bộn, Minh và bạn gái lập quán cà phê khá tấp nập, Chị Oanh cũng mở quày bánh cuốn, làm sống lại hương vị tình quê hương. Ngoài ra đa số nhảy rào trốn đi làm chui kiếm mỗi ngày10, 12 đô, để gởi về cho thân nhân ở Việt nam, vì tiền trợ cấp được 2.50 đô mỗi ngày, chỉ đủ ăn thôi. Trại mỗi ngày càng đông thời gian lưu trú chừng ba tháng, để làm thủ tục định cư. Tất cả đều hên xui, chứ ai cũng muốn đi Mỹ, nhưng luật định: tàu nước nào vớt nước đó phải nuôi, trừ khi có cha, mẹ, con cái ở nước khác. Thế rồi lần lượt ra đi, để lại biết bao kỷ niệm buồn vui.

Hầu hết thuyền nhân trong ghe đưọc chính phủ Hòa lan mời đến định cư.,chỉ vài con chim lạc đàn bay về Mỹ như anh Kha,anh Hòa,chị Thoa ,ni cô Diệu –Liên do thuyền phong.Chị Nga,anh Khôi chê xứ cờ hoa ít lạnh nên mò về miền băng giá Canada ,còn chị Hoa thích xem con vật khổ não kankuru nên tìm về xứ Úc.Riêng đàn chim về xứ hoa tulp họ đều có công ăn việc làm vững chắc, có kẻ theo đèn sách đỗ đạt  như thạc sỉ Trấn Quang Ánh, Đinh Quốc Bửu ..Tuyến, Bác sỹ Lưu Thị Hải Hằng,bác sĩ Buì Công Minh ,kỹ sư Lương Văn Hùng, cử nhân kinh tế Nguyễn Thị Như Tuyết ,Nguyễn kim Tuấn, Trần Quốc Tuấn ..... và một số chuyên viên kỹ thuật khác...anh Trần Cứu Quốc làm chủ một tiệm may khá lớn nên mọi người bớt phần giá lạnh. Nhưng đặc biệt một số vì hoàn cảnh, hoặc lười biếng đã theo con đường tắc đi lượm bạc cắc, mãi trên vài chục năm nay mà vẫn còn mê mải như anh Khương, chị Mơ, anh Tiến, anh Hải, chị Hạnh, chi Oanh và anh Linh. Một điều sung sướng và hảnh diện nhất là thế hệ con cái  đã vươn lên trên con đường học vấn khá tốt đẹp, đa phần có bằng đại học.

Dư âm còn đó, hình ảnh đẹp nhất là hội 4-6 hàng năm luân phiên nhau tổ chức gặp mặt, hàn huyên, chia xẻ ngọt bùi, ăn uống, ca hát.

Con thuyền không bến hôm nay vẫn còn mãi mãi thần tiên trong tâm hồn, ký ức của kẻ ly hương sau 30 năm rời quê cha đất tổ, ./.

Hòa lan 12-5 2010

Nam- Bình   Bùi Công Hải

Không có nhận xét nào: