CỤ TRẦN VĂN HƯƠNG
Xuất thân nhà giáo dạy văn chương
Kháng Pháp chân in những nẻo đường
Hợp tác Việt Minh vai Chủ Tịch
Giả từ Cộng Sản sống thuần lương
Tân triều lận đận làm Đô Trưởng
Thủ Tướng lao đao giữ chính trường
Tổ Quốc bềnh bồng... ngôi Tổng Thống
Quyết theo mệnh nước rũ tàn xương...!!
Xương tàn Tổng Thống chẳng nhà riêng
Khí tiết xưa nay rất khó tìm
Dòng suối gương trong đời giản dị
Đỉnh non tuyết trắng tiếng thanh liêm
Martin tới rước: - không rời xứ
Việt Cộng mời trao: - hứa nhận quyền:
(" Cải Tạo" chừng nào về hết cả
Bấy giờ sẽ nhận cái phần riêng...?!)
Riêng dạ ưu phiền trước nhố nhăng
Kiêu binh mặt sắt sát đằng đằng
Cường quyền cỡi cổ: - nhà vào chiếm
Bạo lực đè đầu: - của giựt ăn
Cả xứ ùn ùn đang vượt biển
Nhiều nơi rục rịch định rừng băng
Thân già đỏ mắt ngồi khô... khóc
Nước Việt mênh mông... sóng nhục nhằn...!!
Nhục nhằn chung chiụ..., sử lưu phương
Tư thái ung dung giữa bạo cường
Thuở trước trung thành Văn Tống Thụy
Thời nay tiết tháo Trần Văn Hương
Chẳng màng đất khách tìm an hưởng
Thà sống quê nhà nhận tổn thương
Vẫn biết chim lồng ngàn khổ nạn
Dân Nam sĩ khí dễ xem thường...??!
Xem thường đâu dễ cụ Hương Trần
Tận tụy cả đời với quốc, dân
Nhằm Tết tinh anh thăng về cõi
Tịnh độ tiêu dao vợi... nỗi sầu...!!
Kính cẩn cúi đầu Hương toả khói...
Bao người thổn thức... nén dòng châu...!!
Tùng xanh hạc trắng non cao
Gương trăng lồng lộng chiếu vào... thiên thu...!!
NGUYỄN MINH THANH
---
Lược Sử Cụ Trần Văn Hương: (1902-1982), người tỉnh Vĩnh Long. Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội. Dạy học tại trường Collège Le Myre De Villers Mỹ Tho. Sau đó làm Đốc Học tỉnh Tây Ninh.
Thời kỳ kháng Pháp 1945, Ông tham gia Việt Minh giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Tây Ninh. Vào năm 1946, do biết lực lượng Việt Minh là Cộng sản và họ bắt nhiều trí thức gán cho là Việt gian, rồi đem thủ tiêu. Vì vậy Ông
từ bỏ Việt Minh về quê ẩn dật.
Sau đó, Ông lên Sài Gòn làm trong hiệu thuốc Tây cho đến năm 1954. Sau Hiệp định Genève 1954 chia 2 nước Việt, vào năm 1955, Ông được bổ nhiệm Đô Trưởng Sài Gòn dưới thời Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ông làm ngắn hạn rồi từ chức. Ông tham gia nhóm "Tự do Tiến bộ” còn gọi là nhóm Caravelle. Nhóm đã tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chánh 11 - 11 - 1960. Cuộc đảo chánh bất thành. Ông cùng 17 vị nhân sĩ nhóm Caravelle bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam. Tập thơ “Lao trung lãnh vận” được Ông khai sinh trong thời gian nầy.
Khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, năm 1964, ÔNG giữ chức Đô Trưởng Sài Gòn lần thứ hai. Tháng 11 năm 1964, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời Ông giữ ghế Thủ Tướng (1964-1965).
Năm 1968, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại mời ông ra làm Thủ tướng lần thứ hai (1968-1969).
Năm1971, Ông cùng ÔNG Nguyễn Văn Thiệu liên danh ứng cử và đắc cử chức vụ Phó tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Ông giữ chức vụ Tổng Thống được 7 ngày thì giao cho Tướng Dương văn Minh.
Cụ Hương có hai người con trai. Con trai lớn là Trần Văn Dõi, con thứ là Trần Văn Đính. Trần Văn Dõi theo Việt Minh rồi ra Bắc. Trần Văn Đính làm phụ tá cho cha ở Sài Gòn.
Cụ mất ngày 27 tháng 1 năm 1982, tức ngày mồng 3 Tết Nhâm Tuất, thọ 80 tuổi.
Những Chuyện Về Cụ Hương:
1 - Sợ Tốn Công Quỹ: sau khi nghỉ làm Thủ Tướng năm 1969, Cụ Hương về ơ ̉căn nhà mang số 216A Phan Thanh Giản (nay đổi là đường Điện Biên Phủ) cho đến sau sự kiện năm 1975... và mãi tới lúc mãn phần. Đây là một căn nhà loại song lập, nhỏ hẹp nằm sâu trong hẻm. Nhà đã lâu năm, cũ kỹ, xuống cấp, lại trong hẻm người ta chê, nên mới còn.
Trước khi Cụ về ở, nhà nước định sửa sang lại cho tươm tất hơn. Song, sợ tốn công quỹ, chính Cụ Hương đã từ chối không cho sửa. Nhờ đó, ngôi nhà còn được yên sau vụ 1975, không bị VC chiếm như những căn khác.
2 - Khí khái:
-- Ngày 29 tháng 4 năm 1975, viên đại sứ Hoa Kỳ Martin đích thân đến dinh Phó Tổng Thống đường Công Lý mời Cụ đi lánh nạn CS. Đại Sứ Martin nói: "- Thưa tổng thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhân danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời tổng thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà tổng thống muốn. Chính phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng Thống cho đến ngày Tổng Thống trăm tuổi già”.
Tổng Thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời: "- Thưa ông đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn ông đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng Sản vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông đại sứ đã đến viếng tôi".
– Lần sau cùng, trước cảnh tang hoang của đất nước, trong hoàn cảnh khó khăn cuả Cụ Hương, Đại sứ các nước Pháp, Úc có cho người đến thăm Cụ. Họ nói rằng họ có thể can thiệp với Cộng Sản để Cụ ra khỏi nước với lý do đi trị bệnh. Nhưng Cụ vẫn từ chối, quyết ở lại chung chiụ cùng dân quân Miền Nam sự nhục nhằn và nghèo đói dưới chế độ mới.
3 - Khảng khái: năm 1977, VC đề nghị trao trả quyền công dân cho
Cụ. Nhưng Cụ khước từ và nói rằng: "- Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi!”
Mấy ngày sau VC cho người cằm giấy tới nhà với lịnh "Quản thúc taị gia", cấm Cụ ra khỏi nhà. Cụ nói với người trong gia đình: "- Tao già rồi, đâu cần đi ra ngoài làm chi, mà cấm với không cấm."
4 - Ngày Mãn Phần: Cụ Hương mất nhằm mồng 3 Tết, năm Nhâm Tuất (1982), con trưởng của Cụ là Trần Văn Dõi ra Phường để xin mua một cái hòm quốc doanh, nhưng người tài xế trung thành của Cụ chận lại. Rồi anh này vào Chợ Lớn mua một cỗ quan tài gỗ với giá 10.000 đồng (tiền Việt Cộng bấy giờ). Anh Tàu nghe nói là mua cho cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương bèn bớt xuống còn 5.000 đồng.
Tang lễ Cụ Hương tổ chức đơn sơ nhưng cảm động... , thi hài Cụ được hỏa táng tại Lò thiêu Thủ Ðức. Với sự có mặt đông đủ học trò cùng hầu hết nhân sĩ miền Nam. Họ đã không ngại công an rình rập, đang lảng vảng quanh lò thiêu.
-
Chuyện Bên Lề:
1 - Làm Đô Trưởng: nhận chức Đô Trưởng lần đầu năm 1955, Ông Trần Văn Hương cỡi xe đạp đến nhiệm sở, người gác cổng không cho Ông vào. Ông từ tốn lấy giấy bổ nhiệm chứng minh là Đô Trưởng, nhân viên gác cổng xin lỗi và cho Ông vào. Ông nói: "- chú em làm vậy là đúng. Qua không phiền đâu."
2 - Viếng Mộ Ông Nguyễn An Ninh: Khi làm Phó Tổng Thống, có lần Cụ Hương đã ra Côn Đảo bằng máy bay ngậm ngùi viếng phần mộ chí sĩ Nguyễn An Ninh và nhiều vị đã hy sinh trong công cuộc kháng Pháp.
Ông Nguyễn An Ninh sinh năm 1900, người Cần Giuộc Chợ Lớn (nay thuộc Long An), nhà trí thức, nhà văn, nhà báo chống Pháp. Ông mất trong tù vào ngày 14 tháng 8 năm 1943, hưởng dương 43 tuổi.
3 - Câu Đối: Vào dịp cuối tuần, có lần Cụ Hương mời TT Thiệu cùng gia đình tới chơi và mời cơm tại tư dinh. Trong lúc chuyện vãn, cao hứng Tổng Thống ra câu đối:
"Ninh Thuận nhứt Tổng Thống"
Ứ́ng khẩu Cụ Hương đáp:
"Vĩnh Long ngũ Thủ Tướng"
Hai Ông đồng cười xoà vui vẻ...
4 - Ngày Con Trở Về: Cụ Hương có ngôi nhà xưa cũ ở Vĩnh Long, sau vụ 1975 ngôi nhà đã bị VC lấy.
Mãi sáu tháng sau, ông Trần Văn Dõi con trưởng cuả Cụ mới về tới. Cụ Hương có hai câu thơ mai mỉa tặng cho con:
"Mừng nay "Cách Mạng" thành công
Trở về quê cũ thì không còn nhà...!!"
5 - Sống Túng Thiếu: cuộc sống thiếu thốn đến đỗi Cụ Hương cho người nhà đem bán những thứ bán được như là: mấy bộ đồ Veste cuả Cụ, củ sâm quí... Những người cũ, từng làm dưới quyền, biết Cụ đang cảnh thắt ngặt, có chút ít gạo tiền... cũng dè sẻn đem đến kính biếu Cụ. Cụ rất cảm động, song ái ngại chỉ nhận một phần nhỏ
tượng trưng, và bảo đem về chi dụng trong gia đình...!!
6 -Hiệu Kỳ: Sinh thời khi làm Phó Tổng Thống, Cụ Hương có cờ hiệu màu vàng, ở giữa thêu cây Thanh Tùng đứng thẳng, trông phong cách rất thanh cao. Và vì vậy người đương thời thường gọi phủ Phó Tổng Thống là phủ Cây Tùng.
Phần Kết: Trong Lao Trung Lãnh Vận, cho thấy Ông Trần Văn Hương, tuy đang ở
trong lao, lòng vẫn ưu tư chuyện nước nhà. Như bài thơ dưới đây:
Sự thế miên man tính chỬa rồi
Vào đây thoắt đã đủ trăng thôi
Cảnh nầy tuy đẹp bề ăn ở
Nỗi ấy khôn khuây lúc đứng ngồi
Vận nước những lo dâu biển đổi
Tuổi mình luống thẹn tháng ngày trôi
Nhắn ai ngoài ấy ta xin hỏi
Triều đã lui xa, cát có bồi?
(Trần Văn Hương)
Cũng trong Lao Trung Lãnh Vận, thơ Ông Trần Văn Hương có câu:
"Ra quân những tưởng nhằm phương ấy
Tính nước ai hay nghịch thế nầy"
Quả là nghịch. Nghịch cảnh cho cả dân tộc giống nòi nói chung, cho chính Cụ Hương nói riêng. Cụ đã mang niềm bi phẫn biết thuở nào phai...!! Và con đường tương lai dân tộc: Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền còn dài thăm thẳm ngoằn ngoèo như dòng
Cửu Long giang!!
Đọc cổ sử truyện Văn Thiên Tường đời Nam Tống, chúng ta thấy hai ông có những điểm giống nhau về: cá tánh, hoàn cảnh, chức vụ, nguyện vọng...
Cũng làm Thừa Tướng đồng nhiệm, cũng ôm mộng non sông, mong thay đổi cuộc cờ nhằm cứu vãn nước nhà, cứu nguy dân tộc. Nhưng kết cục, cả hai ông đều ôm nỗi u hoài dằng dặc mãi không nguôi...!!
Tuy nhiên cả hai Ông vẫn:
"Luận cổ, đàm kim, nuôi tiết tháo
Trọc thanh mình biết lựa ai tường "
(Trần Văn Hương)
Và cả hai đã:
" Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh "
(Văn Thiên Tường)
Ngoài ra, cũng xin chép 2 câu thơ trong Tuyệt Mệnh Thi của Ông Thủ Khoa Huân, nhằm tỏ rõ tấc lòng cuả hậu sinh đối với những danh nhân vận khứ:
"Anh hùng mạc bả doanh thâu luận
Vũ trụ trường khan tiết nghiã lưu... "
(Hãy lắng nghiã trung lưu vũ trụ
Chớ đem thành bại luận anh hùng...)
NMT dịch
Tới đây, để kết thúc tiểu truyện về Cụ Trần Văn Hương, người biên soạn kính cẩn dâng lên Cụ hai câu:
"Tùng xanh hạc trắng non cao
Gương trăng lồng lộng chiếu vào... thiên thu "
Bây giờ ngày Tết gần kề, ngày giỗ Cụ gần kề. Có cánh chim Việt bị bão lạc bầy, ngàn trùng cách xa tổ ấm, cõi lòng man mác gió heo may...!!
Mùa Đông Bắc Mỹ, đếm lạnh từng ngày, từng ngày...
Ngoài trời, tuyết bay phơi phới, phơi phới...
Cố hương, thương nhớ vời vời... vời vời...!!
Nguyễn Minh Thanh kính bút
(Nguyên Đán Giáp Tí, GA - 2020)
*- Văn Tống Thụy: tên tự của Văn Thiên Tường (1236 - 1283)
- Những bài thơ trong Lao Trung Lãnh Vận không đề " tựa "
Nguồn: - Trang web Trần Văn Hương, Nguyễn An Ninh...
- Ba Nhân Cách Lớn Của Cụ Trần Văn Hương, tg Người
con Việt miền Nam
- Tập thơ Lao Trung Lãnh Vận
- Theo lời kể của vị sĩ quan làm việc với Cụ
Hương, ....
....Thành kính xin Cụ phò hộ cho Tuổi Trẻ Việt Nam trong công cuộc
giành lại Quê Hương.
________________________________
Ba Nhân cách LỚN của Cụ Trần Văn Hương
1 - Ngày 29 tháng 4 năm 1975, Đại sứ Hoa Kỳ, ông Martin đến tư dinh đường Công Lý với một tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp. Đại khái Đại sứ Martin nói: - Thưa Tổng Thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhân danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời Tổng Thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà Tổng Thống muốn. Chính phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng Thống cho đến ngày TT "trăm tuổi già".
Tổng Thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời: Thưa Ngài Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn Ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết cộng Sản vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi.
Khi nghe câu “Les États-Unis ont aussi leur part de responsabilités (Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó), đại sứ Martin giật mình nhìn trân trân Cụ Trần Văn Hương. Năm 1980, Cụ Hương thuật lại: Dứt câu chuyện, “on se sépare sans même se serrer la main” (GS Nguyễn Ngọc An. Cụ Trần Văn Hương, đăng trên Thời Luận
không rõ ngày).
2 - Vào năm 1978, khi việt cộng trả lại “quyền công dân” cho ông Dương Văn Minh, các anh em đang bị tù “học tập cải tạo” đều bị đi xem hình ảnh và phim chiếu lại cảnh cựu “Tổng Thống” Dương Văn Minh đang “hồ hỡi phấn khởi” đi bầu quốc hội “đảng cử dân bầu” của cộng sản.
Cụ Trần Văn Hương cũng được cộng sản trả lại “quyền công dân” nhưng Cụ đã từ chối. Cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương đã gửi bức thư sau đây đến các cấp lãnh đạo chính quyền cộng sản: “…hiện nay vẫn còn có mấy trăm ngàn nhân viên chế độ cũ, cả văn lẫn võ, từ Phó Thủ Tướng, Tổng Bộ Trưởng, các Tướng Lãnh, Quân Nhân Công Chức các cấp các Chính Trị Gia, các vị Lãnh Đạo Tôn Giáo, Đảng Phái đang bị tập trung cải tạo, rĩ tai thì ngắn hạn mà cho đến nay vẫn chưa
thấy được được về. Tôi là người đứng đầu hàng lãnh đạo Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, xin lãnh hết trách nhiệm một mình. Tôi xin chính phủ mới thả họ về hết vì họ là những người chỉ biết thừa hành mệnh lệnh cấp trên, họ không có tội gì cả. Tôi xin chính phủ mới tha họ về sum
họp với vợ con, còn lo làm ăn xây dựng đất nước. Chừng nào những người
tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền
công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công
dân cho cá nhân tôi."
3 - Sau cùng, trong hoàn cảnh cơ cực của thời đất nước bị đô hộ
bởi miền bắc xã hội chủ nghĩa, các Ðại sứ của các nước Pháp, Úc cho
người đến thăm Cụ và cho biết họ có thể can thiệp với cộng sản cho
Cụ ra khỏi nước với lý do đi trị bệnh, nhưng cụ tiếp tục từ chối,
cương quyết ở lại chia sẻ cùng dân quân Miền Nam sự tủi nhục và nghèo
đói dưới gông cùm cộng sản
Xin nghiêng mình trước tiết tháo của một nhân sĩ miền Nam Việt Nam!
Khi Cụ qua đời, đám tang được tổ chức tại nhà do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cấp trong hẻm 210 đường Phan Thanh Giản, bên cạnh trường Marie Curie. Có một sự kiện thú vị cũng cần nên kể ra nơi đây là anh con trai trưởng của Cụ là Trần Văn Dõi đi ra phường để xin phép mua một cái hòm quốc doanh, nhưng bị người tài xế trung thành của Cụ chận ngang, và anh này chạy vào Chợ Lớn mua một cổ quan tài gỗ với giá 10.000 Ðồng (tiền việt cộng bấy giờ). Anh Tàu nghe nói là mua cho Tổng
thống Việt Nam Cộng Hòa nên bớt xuống còn 5.000 Đồng mà thôi.
Một trong những ước nguyện của Cụ là khi chết được chôn ở Nghĩa trang Quân Ðội với lễ nghi quân cách của một binh nhì; nhưng việc nầy cũng không thành. Tuy nhiên một an ủi cho Cụ là được hỏa táng tại Lò thiêu Thủ Ðức, xéo bên cạnh bức tượng Tiếc Thương, trước sự hiện diện đông đủ của học trò cùng hầu hết thân hào nhân sĩ miền Nam không quản ngại mạng lưới công an chằng chịt chung quanh lò thiêu.
Hôm nay, nhân ngày giỗ Cụ Trần Văn Hương, cúi xin đốt nén hương lòng tưởng niệm một người con Việt chân chính miền Nam với niềm tin chắc chắn rằng Tuổi trẻ Việt Nam sẽ tiếp nối bước đường Cụ đi và chắc chắn sẽ thành công trong công cuộc dành lại quê hương từ tay bạo quyền Cộng sản.
Thành kính xin Cụ phò hộ cho Tuổi Trẻ Việt Nam trong công cuộc giành lại Quê Hương.
Tết Đinh Dậu - 2017
Người con Việt miền Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét