Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Một vài Tin Tức về Bầu cử tại Hoa Kỳ

Bầu cử Mỹ: Joe Biden được ủng hộ tài chính kỷ lụcĐăng ngày: 18/10/2020 - 15:05


Bầu cử tổng thống Mỹ : Ứng cử viên của đảng Dân Chủ Joe Biden đến vận động ở bang Michigan. Ảnh ngày 16/10/2020. REUTERS - TOM BRENNER

Tại Hoa Kỳ, thế thượng phong của ứng cử viên Dân Chủ bắt đầu làm nhiều nhân vật trong đảng Cộng hòa không che dấu lo ngại. Kết quả thăm dò tại các bang « hay chao đảo » cho thấy Donald Trump đang thua Joe Biden, đã vậy, chủ nhân Nhà Trắng cũng thua luôn trong chiến dịch quyên tiền tranh cử.Trong tháng 9, tổng thống mãn nhiệm « chỉ nhận được »  283 triệu đô la, trong khi cựu phó tổng thống được 383 triệu.

<!>

Theo thông tín viên Marie Normand, các nhà tài trợ của đảng Dân Chủ hăng say đóng góp trong tháng 9 như chưa từng xảy ra. Xu hướng này gia tăng trong lúc và sau cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa hai ứng cử viên.

Sau cái chết của nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, cột trụ của phe tả tại Tối Cao Pháp Viện, nhiều công dân Mỹ rất bất bình khi thấy tổng thống Donald Trump bằng mọi giá bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ thay thế. Hệ quả là chỉ trong hai ngày cuối tuần, Joe Biden nhận được 100 triệu đô la ủng hộ.

Phe Dân Chủ, từ chiến dịch chạy đua và Nhà Trắng cho đến các ứng cử viên tranh ghế thượng nghị sĩ đều cảm thấy hăng hái.

Với ngân sách dồi dào, 432 triệu đô la so với 251 triệu của Donald Trump, (tính đến hôm nay), Joe Biden có thể gia tăng chi phí để quảng bá thông điệp, khẩu hiệu trên các cơ quan truyền thông và ngoài đường phố, rất tốn kém. Tại 6 bang then chốt, đảng Dân Chủ chi ra 240 triệu đô la.

Bầu cử Mỹ 2020: Số cử tri bỏ phiếu sớm đạt 'kỷ lục'

17 tháng 10 2020

Nguồn hình ảnh, J. Countess/Getty Images

Giới chức phụ trách bầu cử tiểu bang trên khắp Hoa Kỳ báo cáo số lượng kỷ lục cử tri đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử 3/11.

Theo Dự án Bầu cử Hoa Kỳ, hơn 22 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm vào thứ Sáu 17/10, trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Cùng thời điểm này trong cuộc đua tranh cử năm 2016, khoảng 6 triệu phiếu bầu đã được bỏ.

Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng trong bỏ phiếu sớm có liên quan đến đại dịch virus corona, khiến nhiều người phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho việc bỏ phiếu trong ngày bầu cử.

Bầu cử Mỹ 2020: Ai thực sự quyết định người thắng cuộc?

Hôm thứ Ba, Texas, một tiểu bang có quy định tương đối chặt chẽ về những người đủ điều kiện bỏ phiếu qua đường bưu điện, đã lập kỷ lục số phiếu bầu vào ngày đầu tiên của cuộc bỏ phiếu sớm.

Hôm thứ Hai, ngày lễ liên bang Columbus, giới chức ở Georgia báo cáo có 126.876 phiếu bầu - cũng là một kỷ lục của tiểu bang.

Ở Ohio, một tiểu bang dao động quan trọng, hơn 2,3 triệu phiếu bầu qua bưu điện đã được cử tri đăng ký, gấp đôi năm 2016.

Các báo cáo chỉ ra rằng số đảng viên Đảng Dân chủ bỏ phiếu cao hơn số cử tri Cộng hòa, với số phiếu bầu nhiều hơn gấp đôi. Và trong số những đảng viên Dân chủ bỏ phiếu sớm, phụ nữ và người Mỹ da màu bỏ phiếu với số lượng đặc biệt cao. Một số được thúc đẩy bởi sự không thích Donald Trump, trong khi những người khác được tiếp thêm sức mạnh bởi các cuộc biểu tình đòi công lý và chống phân biệt chủng tộc trong suốt mùa hè sau vụ cảnh sát giết George Floyd ở Minnesota.

Nhưng lợi thế sớm này không có nghĩa là đảng Dân chủ đã có thể tuyên bố chiến thắng. Đảng Cộng hòa, người cho rằng bỏ phiếu qua đường bưu điện dễ bị gian lận, nói rằng Đảng Dân chủ có thể thắng cuộc bỏ phiếu sớm, nhưng đảng Cộng hòa sẽ xuất hiện với số lượng lớn phiếu bầu vào ngày bầu cử.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Cử tri về hưu xếp hàng bỏ phiếu ở Indiana đầu tháng này

Theo một nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm Công lý Brennan, tỷ lệ gian lận bỏ phiếu nói chung ở Mỹ là từ 0,00004% đến 0,0009%.

Số lượng cử tri khổng lồ dẫn đến việc xếp hàng dài, có người phải chờ tới 11 giờ mới có cơ hội bỏ phiếu.

Những người trẻ tuổi hơn, những người trước đây thường khó đến được các cuộc thăm dò, dường như sẽ xuất hiện với số lượng lớn hơn trong năm nay. Số phiếu bầu của giới trẻ có thể là cao nhất kể từ năm 2008 trong cuộc bầu cử của Barack Obama - tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.

Một cuộc khảo sát gần đây của Axios cho thấy 4/10 sinh viên đại học cho biết họ dự định biểu tình nếu ông Trump thắng. Cứ 10 người thì có 6 người nói rằng họ sẽ làm bẽ mặt những người bạn có thể bỏ phiếu nhưng lại chọn không bỏ.

Ngược lại, chỉ 3% sinh viên được khảo sát cho biết họ sẽ phản đối nếu Joe Biden đắc cử.


Dưới thời Trump, chính trị chia rẽ gia đình, cộng đồng người Việt vùng Vịnh Tampa

19/10/2020




Một bến du thuyền bên cạnh Công viên Vinoy ở thành phố St. Petersburg, bang Florida, ngày 4 tháng 10, 2020

TAMPA, Fla. — Chị Trinh không muốn nghĩ về nỗi lo lắng và sợ hãi của mình nữa. Chuyện gì tới sẽ tới và chị quyết định sống cho hiện tại. Chị chấp nhận sự bất định của tương lai như chị chấp nhận sự bất lực của chính mình trước những xáo trộn và biến đổi trong mấy năm qua. Giờ chị chọn cách giữ im lặng hoặc phớt lờ dù việc này nhiều lúc không dễ dàng.

Chị đang cố gắng chung sống với một hiện thực “đau lòng”: sự chia rẽ trầm trọng vì khác biệt quan điểm chính trị.

“Trong vòng ba, bốn tháng nay, thật sự mình thấy rất gay go bởi vì mỗi bên đều lên tiếng hơn và sau hai, ba lần trao đổi về chủ đề Trump thì luôn luôn bắt đầu cấu xé nhau,” chị nói. “Trong gia đình mình cũng có và điều đó làm mình rất buồn.”

Chị Trinh, trong độ tuổi 40, cho biết chị không ủng hộ Tổng thống Donald Trump và quan điểm của chị đôi khi khiến chị vướng vào những cuộc tranh luận chính trị khó chịu với một số thành viên trong gia đình, bạn bè và người quen, và thậm chí một người khách tại văn phòng làm việc. Những trải nghiệm này ban đầu làm chị kinh ngạc và khó hiểu và giờ để lại trong chị nỗi thất vọng và phiền muộn. Chị ước điều đó đã không xảy ra.

Chị là một trong số ít những người quyết định lên tiếng về một vấn đề tế nhị vốn đã khơi lên ít nhiều xích mích với những người thân và người quen trong thời gian gần đây. Tên của chị đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư và để tránh gây tổn hại thêm cho các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội của chị.

Một số người mà VOA tiếp xúc ở khu vực thành phố Tampa thuộc miền trung bang Florida cũng yêu cầu đổi tên hoặc không tiết lộ danh tính vì những lo ngại tương tự. Sự dè dặt phần nào phản ánh nhận thức rằng quan điểm của họ dường như không được chia sẻ bởi số đông và rằng có những rủi ro nhất định trong việc công khai chỉ trích Tổng thống ở nơi mà nhiều người bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho ông.

Vài tuần trước Ngày Bầu cử, mọi cuộc tranh luận dường như chấm dứt trong bế tắc. Gần như không ai thay đổi quan điểm của mình hay của người khác. Quanh Vịnh Tampa, các gia đình và cộng đồng người Việt rộng lớn hơn đối diện với những rạn nứt mà những cư dân lâu năm nói là chưa từng thấy.

Khi chính trị len lỏi vào nhà

Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang trong chặng đua nước rút và những người ủng hộ của cả Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump lẫn ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đang đả kích đối phương bằng những lời lẽ sắc bén và thậm chí cay nghiệt. Bản thân cả hai ứng cử viên cũng chĩa mũi dùi vào nhau trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên với những lời công kích và mạ lị lấn át những tranh luận về khác biệt chính sách.

Những luận điệu như vậy giờ không chỉ giới hạn trong mùa vận động tranh cử. Nó lan tràn và len lỏi vào mọi ngóc ngách trong xã hội Mỹ nơi mà suốt bốn năm qua gần như luôn sôi sục vì những đấu đá và tranh cãi chính trị không ngớt, một phần được khơi mào và thổi bùng lên bởi một tổng thống không ngại đốp chát gay gắt với những người chỉ trích.

Phong cách ngang tàng và khiêu khích của ông Trump, người trước đây từng dẫn một chương trình truyền hình thực tế, vẫn không thay đổi kể từ khi ông nhậm chức. Nó tiếp tục là thương hiệu mang đậm bản sắc cá nhân mà ông quyết không từ bỏ, là thỏi nam châm thu hút những người ủng hộ ông cuồng nhiệt nhất và là tấm bia hứng chịu búa rìu từ những người chống đối ông kịch liệt nhất.

Sự phân cực chính trị và chia rẽ đảng phái trở nên sâu sắc hơn trong thời đại Trump. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng Giêng cho thấy chín trên mười người Mỹ nói rằng xung đột hiện thời giữa người theo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là mạnh hoặc rất mạnh, với 71% nói rằng những xung đột này là rất mạnh. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với năm 2016 và 2012, hai năm bầu cử tổng thống gần nhất, khi số người nhìn nhận những xung đột này là rất mạnh đạt tỉ lệ lần lượt là 56% và 47%.



Một người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đụng độ với một người biểu tình bên ngoài sự kiện nơi Tổng thống xuất hiện tại một diễn đàn công lý hình sự, ngày 25 tháng 10, 2019, ở Columbia, bang South Carolina.

Sự phân cực cũng được thể hiện qua tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống ổn định một cách bất thường trong gần bốn năm qua, cho thấy người dân Mỹ gần như không thay đổi quan điểm về nhà lãnh đạo của họ. Ông Trump là tổng thống duy nhất chưa từng vượt qua ngưỡng 50% kể từ thời Tổng thống Harry Truman năm 1945 đến nay, theo các cuộc khảo sát của Gallup. Tỉ lệ cao nhất mà ông đạt được trong các cuộc khảo sát này là 49% khi ông được xử trắng án đối với các cáo trạng luận tội vào tháng Hai.


Tại bang Florida, sự chia rẽ chính trị được các chính trị gia tận dụng để huy động những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của mình. Điều này hiển hiện trong cuộc bầu cử giữ kì vào năm 2018 cho chức thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và thống đốc bang, với mỗi ứng cử viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ nhận được mức ủng hộ rất cao từ đảng của mình và rất ít người bỏ phiếu trái đảng, theo Aubrey Jewett, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Central Florida ở Orlando.

Ông nói nền chính trị quốc gia “phần lớn chịu trách nhiệm” về sự gia tăng phân cực ở Florida những năm gần đây, nơi mà các cuộc bầu cử luôn kết thúc với kết quả sít sao và các chính trị gia theo truyền thống tập trung giành phiếu của những cử tri có quan điểm ôn hòa, đặc biệt là những người sống dọc theo xa lộ liên bang Interstate 4 nối Orlando và Tampa.

“Tổng thống Trump là một tổng thống gây phân cực rất mạnh,” ông nói. “Có rất ít người vẫn còn lấp lửng hay không có ý kiến gì khi nói về Tổng thống Trump.”

Những dấu hiệu của sự phân cực có thể nhìn thấy trong những chia sẻ đăng trên mạng xã hội và internet nơi mà người ta công kích lẫn nhau vì quan điểm chính trị đối lập, hay trên tin tức với những chuyện người ta gây gổ về chính trị và thậm chí các thành viên trong gia đình không nói chuyện với nhau nữa vì quan điểm chính trị khác biệt, ông nói thêm.

“Tôi ở Florida từ năm 1986 tới giờ và đây là lúc bang này phân cực nhất về mặt chính trị mà tôi từng chứng kiến,” chuyên gia này nhận định. “Dù Trump thắng hay thua thì sự phân cực này vẫn sẽ ở mức cao trong ít nhất là vài năm nữa. Nó có thể trầm trọng hơn.”

Đối với chị Trinh, sự phân cực này dựng lên một bức tường ngăn cách giữa chị và ba mẹ chị, những người ủng hộ Tổng thống mạnh mẽ và tin rằng nước Mỹ sẽ làm “nô lệ cho Tàu” nếu ông Biden đắc cử. Chị kể chị và gia đình gần đây tổ chức một chuyến lái xe chơi xa và mọi người giao kèo với nhau là sẽ không nói chuyện chính trị suốt mười mấy tiếng ngồi trong xe vì “giữa đường mà ai giận quá sợ người đó bỏ xe mà đi bộ về.”

Rời Việt Nam cùng với gia đình năm 10 tuổi, chị Trinh nói nước Mỹ “thật sự vĩ đại” đối với chị và là nơi duy nhất mà chị cảm thấy gắn bó. Nhưng chị bắt đầu cảm thấy sợ hãi về những mảng tối của đất nước này khi chồng chị, một người Việt, bị nói “Go back to Mexico!” (Đi về Mexico đi!) trong khi đang đi chợ vào tháng 9 năm 2016. Đó là lúc mà ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đang khiến những người ủng hộ rạo rực với những luận điệu cứng rắn về vấn đề nhập cư và lời hứa xây tường ở biên giới với nước láng giềng phía nam.


Gần bốn năm dưới thời Tổng thống Trump, chị Trinh nhìn thấy “sự tệ hại của nước Mỹ đi xuống” và cảm thấy tuyệt vọng vì không cách gì có thể thay đổi được “sự ủng hộ mù lòa” mà ba mẹ chị dành cho vị tổng thống mà chị nói đã gây nên chia rẽ sâu sắc trong gia đình. Sự kính nể của chị dành cho họ khiến chị giằng xé và các cuộc nói chuyện vì thế càng thêm khó khăn.

“Họ là người có đạo, rất sùng đạo, và luôn luôn dạy cho con cái mình không bao giờ tham nhũng, ăn cắp, lợi dụng, ăn gian hoặc lười biếng. Nhưng mà khi đề cập tới Tổng thống Trump thì họ tôn sùng ông ta như là Chúa trong khi đạo của họ nói không được tôn sùng ai như Chúa,” chị chia sẻ.

“Mỗi khi nói tên của ông tổng thống đó thì dường như hai bên đã bắt đầu lườm nhau. Mình thì không muốn nói gì xấu về ông ta. Bên kia thay vì bàn về ông Trump như là chủ đề thì họ liền đổi qua hướng Đảng Dân chủ thế này, thế kia. Thật sự mình là cử tri độc lập, không theo Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, nhưng mà họ luôn luôn đổi hướng là đám Dân chủ này nọ nên rốt cuộc mình bị lạc hướng hết.”

Chị Trinh tin rằng các nguồn thông tin có khuynh hướng bảo thủ và ủng hộ Trump đã ảnh hưởng tới quan điểm chính trị của ba mẹ chị. Chị nói chị từng nghe thử một chương trình bình luận chính trị Mỹ của một người dẫn chương trình gốc Việt mà ba chị hay nghe để tìm hiểu nhưng không thể tiếp tục sau 15-20 phút vì người này bắt đầu văng tục.

“Ba mình là người ăn học, tại sao có thể ngồi đó nghe được những lời này dù là đồng ý gì với người ta? Mình không thể chấp nhận được,” chị nói. “Mình có hỏi nhưng mà má mình chỉ cười nói, ‘Ổng thích như vậy.’”

Chị nói giờ chị không muốn làm ba mẹ phiền lòng về những tranh cãi chính trị nữa. Chị lặng lẽ chuyển những email ca ngợi ông Trump mà ba chị hay gửi vào thùng rác, tránh tiếp xúc với những người bày tỏ sự ủng hộ công khai và ồn ào trên Facebook, và ngừng đi nhà thờ từ nửa năm nay vì chị nói một số người lãnh đạo trong đó ráo riết vận động giáo dân tham dự các cuộc tập hợp ủng hộ Tổng thống tại địa phương.



Những người Việt tham dự một cuộc tập hợp ủng hộ Tổng thống Donald Trump ở thành phố St... Petersburg, bang Florida, ngày 4 tháng 10, 2020.
Một cộng đồng giữa sự phân cực

Những cư dân sinh sống lâu năm trong vùng cho biết có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Tổng thống Trump trong cộng đồng người Việt tại Tampa, thành phố đông dân thứ ba ở Florida, và ở những thành phố lân cận quanh Vịnh Tampa. Nhiều người bày tỏ quan điểm của mình mạnh mẽ hơn về các vấn đề chính trị từ sau khi ông Trump đắc cử và họ cũng thường xuyên tổ chức hoặc tham gia những sự kiện vận động ủng hộ Tổng thống.

Việc nhiều người Việt trở nên tích cực trong các hoạt động chính trị đảng phái khiến một số cư dân lâu năm ở đây ngạc nhiên, điều mà họ nói chưa từng thấy xảy ra trong những năm trước khi ông Trump lên nắm quyền. Trước đây những cuộc tập hợp có sự tham gia của nhiều người trong cộng đồng là những cuộc biểu tình đòi dân chủ nhân quyền cho Việt Nam và chống Trung Quốc, một người theo sát những hoạt động của cộng đồng cho biết.

Các sự kiện vận động chính trị rầm rộ của người Việt diễn ra gần như liên tục với những cuộc tập hợp, diễu hành bằng xe và cả bằng thuyền ở nhiều địa điểm khác nhau khắp Florida trong những tháng gần đây. Tất cả đều ủng hộ chiến dịch tái đắc cử của Tổng thống Trump. Không thấy sự kiện nào có quy mô tương tự được tổ chức để vận động ủng hộ ông Biden, theo quan sát của những người dân địa phương.

Không khí tưng bừng và số lượng người tham gia tại những sự kiện này cho thấy sự hào hứng gia tăng nơi nhiều cử tri gốc Việt đối với các hoạt động chính trị trong mùa bầu cử, nhưng nó cũng phản ánh một thực tế là cộng đồng người Việt ở đây ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự phân cực diễn ra khắp nước Mỹ trong những năm qua... Những mối quan hệ thân thiết giờ đã rạn nứt, những sự cộng tác ăn ý đã chấm dứt, và những liên lạc đã gián đoạn vì khác biệt quan điểm chính trị sâu sắc. Một tình trạng “đáng buồn,” theo lời những người gắn bó với cộng đồng nhiều năm.

“Nhìn chung nhiều người Việt theo Đảng Cộng hòa hơn là Dân chủ, đường lối đó sau năm 2016 thì bộc lộ nhiều hơn,” bà Lê Thủy, người sống trong khu vực Vịnh Tampa từ năm 1989 và cũng từng tham gia những sinh hoạt cộng đồng, nhận xét.

Một viên chức chính quyền địa phương đã về hưu yêu cầu không tiết lộ danh tính cho biết ông từng tham gia và đóng góp đáng kể cho ban chấp hành của cộng đồng suốt nhiều năm qua nhưng giờ hạn chế những hoạt động này. Định cư ở Tampa từ năm 1979, ông nói những sinh hoạt của cộng đồng “đẹp nhất” trong những năm trước đợt vận động tranh cử tổng thống năm 2015-2016, lúc mà ông nhận thấy chuyện chính trị đảng phái bắt đầu len lỏi và một số thành viên bắt đầu bày tỏ quan điểm của mình rõ nét hơn.

Cựu viên chức 74 tuổi này, người cũng từng là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nói ông quyết định không tiếp tục các công tác với cộng đồng sau những rạn nứt với một thành viên trong ban chấp hành vì quan điểm trái ngược về ông Trump. Ông nói ông và người này không nói chuyện với nhau nữa dù hai người trước đây “rất thân.”

“Khi có rạn nứt rồi mà không có một cơ hội nào để giải thích, mà giải thích họ cũng chả nghe, thành ra người nào giữ quan điểm của người đó,” ông nói. “Nó không tệ hơn bởi vì nó tệ đến mức này là hết nói rồi, mà khá hơn thì cũng không có luôn.”

Ông Hoàng, một cư dân lâu năm ở Tampa trong độ tuổi 50, cho biết ông cũng quyết định hạn chế những sinh hoạt cộng đồng vì những sự “gượng gạo” khi làm việc với những người ủng hộ ông Trump. Ông khẳng định sự khác biệt quan điểm không phải là nguyên nhân khiến ông tránh tiếp xúc với những người này mà là cách một số người nhìn nhận về sự khác biệt quan điểm.

“Quan điểm của họ là nếu ai không ủng hộ ông Trump thì tất nhiên là cộng sản, như vậy thì làm sao làm việc được, tại vì cộng đồng này là cộng đồng của người tị nạn,” ông nói, yêu cầu được đổi tên vì tính nhạy cảm của những phát biểu về các mối quan hệ của ông trong cộng đồng.

Những cuộc tranh luận với những người ủng hộ cuồng nhiệt thường trở nên vô ích vì lập luận của họ “không dựa trên dữ kiện thực,” ông nhận định. Điều làm ông khó chịu nhất là họ phản biện bằng cách gọi những thông tin mà ông dẫn chứng là “fake news” dù thậm chí đó là những phát biểu từ chính ông Trump, ông nói thêm.

“Cái đối chất của họ cuối cùng là ‘fake news,’ cái tin đó là tin ảo, cái tin đó không đúng sự thật, tại sao phải nghe những cái đó. Khi mà nói như vậy thì mình không thể tranh luận hơn được nữa.”

Ông Hoàng cho biết chính trị cũng khiến gia đình ông chia làm hai phe và phe ủng hộ ông Trump cũng buông ra chỉ trích “fake news” để biện bác trong các cuộc tranh luận, một điều khiến ông “vừa thất vọng vừa chán nản.”


Những người Mỹ gốc Việt cùng những người Mỹ khác tụ tập tại một giao lộ đông đúc để vẫy cờ và giơ biểu ngữ ủng hộ Tổng thống Trump, thành phố St. Petersburg, bang Florida, ngày 4 tháng 10, 2020.

Nhưng bác sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, cựu chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Vùng Vịnh Tampa và là người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Trump, hạ giảm mức độ chia rẽ giữa các thành viên trong cộng đồng. Bà nói những căng thẳng về chính trị là do sự nhiệt thành của mỗi cá nhân trong mùa bầu cử vận động cho ứng cử viên của mình giành chiến thắng, và khi bầu cử qua đi thì không khí sẽ hạ nhiệt và mọi người sẽ quay trở lại làm việc cùng nhau.

“Mình không nên nói là chia rẽ, mà mình cũng không nên đặt câu hỏi có chia rẽ hay không nữa. Khi mình đặt nó ra thì mình làm cho nó quá nghiêm trọng,” bà nói. “Mỗi năm mình cũng làm Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, tất cả cộng đồng cùng làm chung với nhau. Người theo Biden hay người theo Tổng thống Trump thì vẫn bắt tay làm việc chung để xây dựng cộng đồng.”

“Mình không thấy có cái gì gọi là chia rẽ hết,” bà nêu quan điểm.

Giờ họ đi bỏ phiếu

Bà Diễm không có từ nào khác để mô tả những gì bà trải qua ngoài từ “chia rẽ.” Bà kể bà từng “gây nảy lửa” với một người bạn thân về ông Trump và họ giận nhau trong một tháng. Bà nói trong một nhóm bạn bà giao du chỉ có bà là người duy nhất không ủng hộ ông Trump và bà cảm thấy khó chịu ra sao khi họ hối thúc bà bỏ phiếu cho Tổng thống và trêu chọc bà là “vợ bé của Joe Biden.” Sức ép không chỉ đến từ bạn bè mà còn từ gia đình bà từ bờ bên kia của nước Mỹ.

“Hôm bữa chị tôi với anh rể tôi mới gọi qua nói này nói kia, tôi mới nói với bả, “Em ghét thằng cha này lắm chị đừng nói chuyện thằng cha này với em nữa!” cư dân St. Petersburg trong độ tuổi 60 kể, yêu cầu được đổi tên để có thể trả lời thẳng thắn về những tương tác của bà với những người thân và người quen.

“Bả không nói được gì tôi hết. Ông anh rể mới nói là, ‘Nó chưa có nhận thức được’… Bả cúp điện thoại và từ bữa đó tới nay hai chị em không nói chuyện với nhau nữa. Tôi tính qua bầu cử rồi mới nói chuyện với bả.”

Bà Diễm đã sớm quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai và bà không có ý định thay đổi sự lựa chọn đó. “Thà nói vấp còn hơn nói láo,” bà nói, bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông Biden.

Một buổi sáng đầu tháng 10, vị cựu viên chức chính quyền 74 tuổi ở Tampa đến thùng đựng phiếu gần nhà để bỏ phiếu khiếm diện cho cuộc bầu cử. Ông nói ông vẫn bỏ phiếu theo hình thức này kể từ khi về hưu. Tấm sticker “I Voted” dán trên ngực áo của ông khoe niềm tự hào của một công dân vừa thực thi quyền của mình trong nền dân chủ.


Ông đã nói những gì ông muốn nói, trong những chia sẻ đăng trên Facebook và những cuộc trò chuyện trực tiếp. Ông không biết có ai thay đổi quan điểm hay không sau khi nghe những lập luận của ông. Có lẽ không. Sự phân cực chính trị khiến cho việc chấp nhận quan điểm đối nghịch trở nên vô cùng khó khăn. Mọi người cố thủ trong những pháo đài tư tưởng của riêng mình.

Ông nói ông “cầu nguyện cho lẽ phải và công bằng” khi thả lá phiếu vào thùng.

Mỹ: Hàng trăm ngàn phụ nữ tuần hành phản đối Donald Trump


Cuộc tuần hành tại Washington để tưởng nhớ nữ thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg và phản đối tổng thống Donald Trump bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ Amy Coney Barrett thay thế. Ảnh ngày 17/10/2020. REUTERS - ERIN SCOTT
Thu Hằng
3 phút

Hơn 100.000 phụ nữ Mỹ đã xuống đường ngày 17/10/2020 ở nhiều thành phố lớn trong khuôn khổ phong trào “Phụ nữ tuần hành 2020” để tưởng nhớ nữ thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg và phản đối tổng thống Donald Trump bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ Amy Coney Barrett thay thế.

Tương tự năm 2016 khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, nữ giới cho rằng những quyết định của chính quyền hiện nay đang đe dọa đến các quyền lợi của họ.

Thông tín viên RFI Loubna Anaki có mặt trong đoàn tuần hành ở New York :

“Trên tấm biển, Ava Harling khi rõ những nguyện vọng cuối cùng của thẩm phán Ruth Bader Ginsburg là không thay thế vị trí của bà trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Cô nói : “Thẩm phán Ginsburg đã rất rõ ràng. Tôi nghĩ là họ thiếu tôn trọng bà ấy và những nguyện vọng cuối cùng của bà”.

Như nữ sinh viên này, có khoảng vài chục nghìn người tuần hành ở New York sáng 17/10 để phản đối quyết định bổ nhiệm thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa Án Tối Cao.

Một phụ nữ khác tỏ ra lo lắng: “Tôi biết là bà Barrett cam đoan giữ tinh thần cởi mở, nhưng quá khứ của bà ấy về việc nạo phá thai hay luật bảo hiểm y tế Obamacare làm người ta lo sợ”. Tương tự, một phụ nữ khác nói : “Chúng tôi có những nhà chức trách đưa ra những quyết định đi ngược với các quyền cá nhân của chúng tôi với tư cách là con người, và đặc biệt là với tư cách phụ nữ”.

Chỉ chưa đầy ba tuần là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, những người biểu tình kêu gọi bỏ phiếu ồ ạt chống chính quyền hiện nay và tin vào chiến thắng, như một phụ nữ khác, tham gia tuần hành: “Mọi người phải xem xét tất cả những việc này một cách nghiêm túc ! Phải bỏ phiếu và tống cổ gã đó ra khỏi cửa. Nghiêm túc đấy!”

Một thiếu nữ khác nhấn mạnh: “Phiếu bầu của tôi đã tới, tôi sẽ ký. Tất cả bạn bè tôi sẽ đi bỏ phiếu. Tôi 18 tuổi. Có rất nhiều người đi bỏ phiếu và tôi thấy lạc quan!”.

Như ở New York, vài nghìn người tuần hành trên khắp cả nước hôm 17/10 để chống chính sách của Trump và việc bổ nhiệm thẩm phán Amy Coney Barrett. Họ hứa tổ chức nhiều cuộc biểu tình hơn nữa trong hai tuần sắp tới”.


Không có nhận xét nào: