Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Facebook “quảng cáo” tự do ngôn luận. Ở Việt Nam, công ty hỗ trợ kiểm duyệt - ViệtTân dịch

Để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình tại một thị trường quan trọng, Facebook gia tăng xóa bỏ nội dung mà chính phủ độc tài của Việt Nam không thích.Trong nhiều tháng liên tục, Bùi Văn Thuận, một giáo viên hóa học, trở thành một blogger nổi tiếng ở Việt Nam, đã đăng nhiều bài trên Facebook về một vụ tranh chấp đất đai giữa những dân làng và chính quyền cộng sản.Ở một quốc gia không có truyền thông độc lập, Facebook là nơi duy nhất mà người Việt Nam có thể đọc về các chủ đề gây tranh cãi như Đồng Tâm, một ngôi làng ngoại ô Hà Nội, nơi người dân chống lại kế hoạch của chính quyền muốn chiếm đất nông nghiệp để xây nhà máy.Tin rằng một cuộc đối đầu là không thể tránh khỏi, ông Thuận, 40 tuổi, đã lên án các nhà lãnh đạo của đất nước trong một bài đăng ngày 7 tháng Giêng. “Tội ác của các ông sẽ khắc sâu trong tâm trí tôi,” ông Thuận viết. “Tôi biết các người – những tên cướp đất – sẽ làm mọi thứ, dù tàn nhẫn đến đâu, để lấy đất của người dân.

<!>

Ngày hôm sau, Facebook đã khóa tài khoản của ông Thuận theo đòi hỏi của chính phủ, ngăn cản 60 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook xem các bài đăng của ông ta.

Một ngày sau, giống như ông Thuận đã cảnh báo, cảnh sát ập vào Đồng Tâm với hơi cay và lựu đạn. Một trưởng làng và ba sĩ quan bị giết.

Sau ba tháng bị khóa tài khoản Facebook, công ty nói với ông Thuận là ông bị cấm vĩnh viễn sử dụng Facebook.

“Chúng tôi đã xác định rằng bạn không đủ điều kiện sử dụng Facebook,” thông báo viết bằng tiếng Việt.

Việc ông Thuận bị đưa vào danh sách đen, mà công ty truyền thông xã hội khổng lồ có trụ sở tại Menlo Park giờ đây gọi là một “lỗi lầm,” minh họa cho việc công ty sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu kiểm duyệt từ một chính phủ độc tài.

Facebook và người sáng lập Mark Zuckerberg nói rằng nền tảng này bảo vệ quyền tự do ngôn luận trừ những trường hợp hãn hữu, chẳng hạn như khi nội dung kích động bạo lực. Nhưng ở các quốc gia bao gồm Cuba, Ấn Độ, Do Thái, Morocco, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, Facebook thường hạn chế các bài đăng mà các chính phủ cho là nhạy cảm hoặc cấm kỵ.

Không nơi nào mà điều này hiển nhiên bằng ở Việt Nam.

Trang mạng Facebook có giao diện tiếng Việt vào năm 2008, đến nay hơn một nửa dân số Việt Nam có tài khoản Facebook. Mạng xã hội phổ biến này giúp các nhà phê bình chính phủ và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ – ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ – vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của chế độ cộng sản đối với các phương tiện truyền thông.

Nhưng trong vài năm gần đây, công ty Facebook đã liên tục kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến ​​ở Việt Nam, để làm hài lòng một chính phủ chuyên đàn áp tự do ngôn luận, trước đe dọa sẽ bị đóng ở Việt Nam nếu Facebook không tuân thủ, theo tìm hiểu của báo Los Angeles Times.

Trong các cuộc phỏng vấn, hàng chục nhà hoạt động Việt Nam, những người vận động nhân quyền và các cựu quan chức Facebook cho biết công ty đã chặn các bài đăng của hàng trăm người sử dụng, thường với rất ít lời giải thích.

Facebook cũng đã cấm các nhà phê bình chính phủ Hà Nội – bao gồm cả một nhóm đối lập có trụ sở tại Nam California – mua quảng cáo để tăng lượng độc giả và đã không ngăn chặn được những dư luận viên của chính phủ sử dụng chiến thuật “đồng loạt báo cáo” với Facebook để tìm cách xóa bài đăng của những người bất đồng chính kiến.

Các nhà phê bình cho rằng, thay vì sử dụng lợi thế của mình là một nền tảng truyền thông lớn nhất của Việt Nam để chống lại kiểm duyệt, Facebook đã trở thành đồng phạm trong việc chính phủ tăng cường đàn áp những tiếng nói ủng hộ dân chủ.

Ông Dipayan Ghosh, một cựu cố vấn chính sách cộng đồng của Facebook, người đồng điều hành Dự án Nền Tảng Kỹ Thuật Số & Dân Chủ tại Trường Kennedy của Harvard nói: “Tôi nghĩ đối với ông Zuckerberg, những tính toán đối với Việt Nam rất rõ ràng: Đó là duy trì dịch vụ ở một quốc gia có dân số khổng lồ và ở đó Facebook đang thống trị thị trường Internet tiêu dùng, nếu không đối thủ cạnh tranh có thể chen chân vào.”

“Cách suy tính của công ty không phải là duy trì dịch vụ cho quyền tự do ngôn luận. Mà là duy trì dịch vụ để có doanh thu.”

Các giới chức điều hành của công ty cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các yêu cầu ngày càng gay gắt của Hà Nội nếu họ muốn tiếp tục hoạt động tại đây, họ cũng nói thêm rằng họ có phản ứng lại khi các nhà chức trách gây sức ép quá mức.

Facebook cho biết, trong một số trường hợp, chính phủ Việt Nam buộc người sử dụng phải vô hiệu hóa tài khoản của chính họ, mà không cần đến công ty.

Một số viên chức của Facebook đã đồng ý trả lời phỏng vấn về các hoạt động của công ty tại Việt Nam, nhưng với điều kiện ẩn danh. Công ty cũng đã gửi văn bản trả lời cho các câu hỏi.

Facebook cho biết trong một tuyên bố: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng ý với chính phủ ở các quốc gia nơi chúng tôi hoạt động, bao gồm cả Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để bảo đảm rằng những người ở Việt Nam luôn có thể sử dụng các dịch vụ của chúng tôi mà họ cần hàng ngày.”

Với dân số trẻ và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch COVID-19, Việt Nam là một thị trường tăng trưởng quan trọng của Facebook. Công ty kiểm soát hơn 40% thị trường quảng cáo kỹ thuật số, trị giá 760 triệu Mỹ Kim của Việt Nam mặc dù không có văn phòng hoặc nhân viên toàn thời gian trong nước.

Áp lực của Hà Nội lên Facebook, đòi hỏi công ty hạn chế các bài đăng đã gia tăng lên sau các cuộc biểu tình của người dân ở TP.HCM vào năm 2016, để phản đối phản ứng của chính phủ đối với việc một nhà máy thép xả thải chất độc ra biển, gây ra vụ cá chết hàng loạt. Nhà cầm quyền đã bắt giữ 300 người biểu tình và tạm thời đóng Facebook vì những người tổ chức đã sử dụng mạng xã hội để điều phối các cuộc biểu tình và đăng hình ảnh của những người biểu tình giương biểu ngữ.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam, vào tháng Tư, 2017, các quan chức Việt Nam đã nói với một giới chức điều hành cấp cao của Facebook, bà Monika Bickert, trong một cuộc họp tại Hà Nội rằng công ty phải hợp tác “tích cực và hiệu quả hơn” với yêu cầu của chính phủ để tháo gỡ nội dung.

Một giới chức Facebook cho biết, công ty đã thiết lập một kênh liên lạc trực tuyến mà qua đó chính phủ có thể báo cáo những người sử dụng bị cáo buộc đăng nội dung bất hợp pháp.

Facebook thường hạn chế các bài đăng và những người sử dụng vì một trong hai lý do – vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng,” đây là những quy tắc mà công ty cho biết là được áp dụng cho người sử dụng trên toàn thế giới, hoặc vi phạm “luật pháp địa phương.” Các bài đăng bị liệt vào danh mục thứ hai bị chặn ở quốc gia mà chúng bị cho là bất hợp pháp nhưng vẫn có thể truy cập được ở những nơi khác.

Vào tháng Tám, 2019, Bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông của Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng, nói với quốc hội rằng Facebook tuân thủ “70-75%” yêu cầu của chính phủ về việc xóa nội dung, tăng so với khoảng 30% trước đây. Bộ Trưởng Hùng đã không đưa thêm chi tiết, và văn phòng của ông ta đã không trả lời các yêu cầu phỏng vấn.

Trong tháng này, Bộ Trưởng Hùng nói với các nhà lập pháp rằng Facebook đã nâng tỷ lệ tuân thủ lên 95%. Ông nói, sự tuân thủ của các công ty mạng xã hội đối với các yêu cầu của chính phủ đã “đạt đến mức cao nhất từ trước đến nay.”

Facebook từ chối bình luận về số liệu thống kê của Việt Nam, nhưng thừa nhận rằng công ty đã gia tăng kiểm duyệt.

Ngôi làng

Tuyên bố tự do ngôn luận của công ty và xu hướng tuân thủ các yêu cầu của Hà Nội xung đột với nhau trong sự kiện Đồng Tâm, một ngôi làng nằm khoảng 20 dặm về phía tây nam Hà Nội. Bắt đầu từ năm 2017, các cuộc biểu tình của dân làng và các vụ đụng độ với cảnh sát đã thu hút sự chú ý của các blogger và các nhà hoạt động Việt Nam. Những người này đã sử dụng Facebook để ghi lại những hành động phản kháng hiếm có, thu hút hàng chục ngàn lượt “thích” và chia sẻ.

Rạng sáng ngày 9 tháng Giêng năm nay, cảnh sát và bộ đội trang bị vũ khí chống bạo động đã ập vào ngôi làng, bắn hơi cay và đạn cao su khi họ di chuyển qua những con hẻm nhỏ hẹp hướng về nhà của thủ lĩnh cuộc phản kháng, Cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi.

Các công an đã kéo vợ và con của Cụ ra đường trước khi bắn chết Cụ Kình, viện cớ rằng họ thấy ông đang nắm trong tay một quả lựu đạn. Hơn hai chục cư dân bị bắt. Vào tháng Chín, một tòa án đã kết án tử hình hai người con trai của Cụ Kình và 27 người dân làng khác với những án tù khắc nghiệt.

Ngay trước khi cảnh sát tấn công vào, chính phủ đã tìm cách xóa bỏ các tài khoản độc lập [trên mạng xã hội]. Truyền thông nhà nước dẫn lời một quan chức Bộ Thông Tin đã mắng Facebook vì “phản ứng rất chậm chạp và quan liêu” trước các yêu cầu của chính quyền hạn chế các bài đăng về vụ Đồng Tâm.

Trong số các mục tiêu của chính phủ là ông [Bùi Văn] Thuận, một người từng ủng hộ Đảng Cộng Sản cầm quyền. Ông Thuận cho biết, sự xuất hiện của Internet ở Việt Nam vào năm 1997 “cho phép tôi đọc các tài liệu trên mạng và giúp tôi mở mắt.” Ông bắt đầu chuyển đổi từ một người tin tưởng tuyệt đối sang một nhà phê bình không ngừng nghỉ.

Ông bắt đầu viết các bài ngắn trên trang Facebook của mình vào năm 2016, tập trung vào vấn đề tham nhũng của chính phủ và chính trị nội bộ đảng, đôi khi dám chỉ trích đích danh các quan chức chính quyền.

Khi số người theo dõi trang Facebook của ông Thuận gia tăng nhiều, lực lượng an ninh cũng chú ý đến ông. Ông Thuận cho biết ông đã rời bỏ công việc của mình sau khi cảnh sát gây áp lực buộc trung tâm dạy thêm ở Hà Nội nơi ông làm giáo viên khoa học sa thải ông.

Theo ông Thuận và các nhà hoạt động khác biết về trường hợp của ông cho biết, công an đã đến căn hộ của ông, quấy rối con gái ông và gây áp lực buộc chủ nhà trục xuất gia đình ông. Dọn nhà đến đâu ông Thuận và gia đình vẫn tiếp tục phải đối mặt với những quấy nhiễu tương tự, khiến họ phải liên tục vội vã thay đổi chỗ ở. Cuối cùng họ phải lánh nạn tại quê của vợ ông ở tỉnh Hòa Bình, phía tây nam thủ đô.

Nhưng ông vẫn tiếp tục viết, và vào năm ngoái đã có hơn 20.000 người theo dõi trên Facebook.

Khi tình trạng bế tắc ở Đồng Tâm trở nên trầm trọng hơn vào cuối năm 2019, Facebook bắt đầu chặn các bài đăng của ông Thuận, trong đó có một bài đăng vào ngày 31 tháng Mười Hai khẳng định rằng chủ tịch UBND Hà Nội, một cựu quan chức công an, có liên quan đến vụ tịch thu đất. Một ngày trước cuộc truy quét [rạng sáng 9 tháng Giêng] của cảnh sát, ông Thuận nhận được tin nhắn từ Facebook cho biết họ đã khóa tài khoản của ông ở Việt Nam “do các yêu cầu pháp lý ở quốc gia của bạn.”

Ông đã gửi phản đối cho Facebook nhưng đã không được trả lời. Một người trung gian mà ông nhờ nói chuyện với các giới chức điều hành công ty được cho biết rằng Bộ Công An và Bộ Thông Tin và Truyền Thông của Việt Nam “đã đưa ông vào danh sách đen.”

Trong lúc tuyệt vọng, ông Thuận đã gửi email cho Alex Warofka, một giới chức của Facebook có văn phòng tại Singapore chuyên về vấn đề nhân quyền, để yêu cầu giải thích. Ông Thuận nói ông Warofka đã không có trả lời. Một giới chức của công ty cho biết ông Warofka không nhớ đã nhận được email.

Sau nhiều tháng im lặng, Facebook bất ngờ khôi phục tài khoản của ông Thuận vào ngày 19 tháng Chín, sau áp lực từ các nhà hoạt động Việt Nam và nhóm nhân quyền cũng như các câu hỏi từ báo The L.A. Times.

Giới chức Facebook cho biết, quyết định khóa trang của ông Thuận là một “sai lầm,” đổ lỗi cho một “thành viên của nhóm” đã thực hiện hành động này, vì nghĩ rằng họ đã “chấp thuận việc chặn một nội dung cụ thể – không phải toàn bộ tài khoản.”

Ông Thuận cho biết kể từ khi được khôi phục, tài khoản của ông có lúc truy cập vào được có lúc không. Lượng độc giả trên trang của ông bị giảm xuống chỉ còn vài ngàn, mặc dù những người bên ngoài Việt Nam vẫn có thể truy cập được.

“Những tên quỷ sứ của đảng”

Các blogger nổi tiếng khác cũng phải đối mặt với hành động đồng thời từ chính phủ và Facebook.

Vài giờ sau khi cuộc đột kích Đồng Tâm bắt đầu, ông Phan Văn Bách, người thường xuyên đăng bài về Đồng Tâm trên Facebook với 23.000 người theo dõi, bước xuống từ căn hộ tầng 4 ở Hà Nội và nhìn thấy một số an ninh bên ngoài.

Tin rằng họ ở đó để theo dõi mình, người tài xế taxi 45 tuổi đã đăng một bức ảnh lên trang Facebook của mình với chú thích: “Những tên quỷ sứ của Đảng đang ở bên ngoài nhà tôi.”

Trong giây lát, tài khoản của ông Bách đã bị hạn chế do vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng – lần thứ ba tài khoản của ông bị khóa trong năm nay. Facebook đã không trả lời các câu hỏi về trường hợp ông Bách.

Giống như các nhà hoạt động khác, các các bài đăng của ông Bách về Đồng Tâm tràn ngập những bình luận thô lỗ từ những dư luận viên của nhà nước – trong đó có nhiều người sử dụng tài khoản mới tạo dưới tên giả – họ mô tả những người dân làng là khủng bố.

Trong một báo cáo năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Đại Học Oxford đã đánh giá Việt Nam là một trong những nhà nước hàng đầu bảo trợ cho việc thao túng mạng xã hội, xác định một đội quân 10.000 “binh sĩ mạng” phát tán tuyên truyền và tấn công những người bất đồng chính kiến. Một số được tuyển dụng trực tiếp bởi quân đội và các cơ quan an ninh; những người khác được gọi là dư luận viên tức “người định hướng dư luận.” Theo một tài liệu năm 2016 do Đảng Cộng Sản công bố những người này được tuyển dụng từ các trường đại học và các nơi khác.

Bằng cách sử dụng hệ thống khiếu nại tự động của Facebook, họ làm cho các bài đăng chỉ trích chính quyền bị xóa. Các viên chức Facebook nói rằng họ đang làm việc để xác định cái gọi là “hành vi giả tạo có phối hợp” này. Họ cũng nói rằng các quyết định gỡ bỏ nội dung không dựa trên số lượng người báo cáo nội dung đó, mà dựa trên việc nội dung có vi phạm các tiêu chuẩn hoặc luật pháp địa phương hay không.

Nhưng ông Bách cho biết những dư luận viên của chính phủ đông đến nỗi họ thường báo cáo tài khoản của ông ngay sau khi ông đăng bài.

Ông Bách nói: “Điều đó đã xảy ra với tôi rất nhiều lần với các bài đăng liên quan đến chính quyền Việt Nam. Tôi biết rằng Facebook đã thỏa hiệp với Việt Nam để bảo vệ chế độ độc tài.”

Có những người khác đã viết về Đồng Tâm đã bị bỏ tù. Số lượng người bị bỏ tù vì các bài đăng của họ trên Facebook ngày càng gia tăng.

Anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động vì quyền đất đai và là con trai của hai cựu tù nhân chính trị, đã bị công an mặc thường phục bao vây nhà và ngăn cản không cho anh đi dự đám tang của Cụ Kình sau khi anh đăng bài về Đồng Tâm cho 50.000 người theo dõi trên Facebook. Vào ngày 6 tháng Hai, anh Phương đã đến Đại Sứ Quán Hoa Kỳ theo lời mời của một giới chức chính trị cấp cao, bà Michele Roulbet, và đề nghị bà yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ đột kích.

Trong một cuộc phỏng vấn, cha của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho biết, khi được cho biết là truyền thông nhà nước đã gán cho anh Phương tội “kích động” dân làng Đồng Tâm, bà Roulbet đã nói Hoa Kỳ sẽ “làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ” nếu anh bị bắt. Đại Sứ Quán Hoa Kỳ đã từ chối bình luận.

Ngày 24 tháng Sáu, anh Phương, mẹ và em trai đã bị bắt và bị buộc tội phát tán tài liệu chống nhà nước. Theo các nhóm vận động nhân quyền, anh Phương phải đối mặt với 20 năm tù.

Ông Trịnh Bá Khiêm, 62 tuổi, cho biết ông đã không thể nói chuyện với vợ và các con trai kể từ khi họ bị bắt. Người con trai thứ hai của ông, là Trịnh Bá Tư, đã tuyệt thực vào tháng Tám trong trại tạm giam nơi anh đang bị giam giữ. Khi người cha đến trại tạm giam, binh lính canh trại nói rằng sức khỏe của con trai ông “bình thường” và đuổi ông về.

Ngay sau khi anh bị bắt tạm giam, trang Facebook của Trịnh Bá Phương đã không còn vào xem được nữa. Cha của anh, một nông dân trồng bưởi tại một trang trại nhỏ ở phía nam Hà Nội, tin rằng công an đã sử dụng điện thoại của con trai để đăng nhập vào Facebook và buộc anh phải hủy tài khoản.

Một giới chức Facebook cho biết công ty không có đóng tài khoản của anh Phương.

Ngay cả những blogger nổi tiếng đã rời Việt Nam để trốn thoát chính quyền cũng nhận thấy rằng họ không tránh khỏi đàn áp.

Ông Nguyễn Văn Hải, một người có nhiều độc giả đang sống lưu vong ở Garden Grove, [miền Nam tiểu bang California] đã đăng một video vào tháng Giêng với hình ảnh thi thể đẫm máu của Cụ Lê Đình Kình. Bài đăng đã bị tấn công bởi các dư luận viên Việt Nam và nhanh chóng bị chặn với thông báo rằng video vi phạm quy định của Facebook cấm nội dung bạo lực.

Sau nhiều lần cố gắng đăng video, ông Hải nhận được một thông báo tự động cho biết ông có nguy cơ bị đóng tài khoản vì nhiều lần vi phạm. Giới chức Facebook nói rằng video bị gỡ xuống vì vi phạm nguyên tắc nội dung.

Ông Hải nói: “Rất dễ dàng cho một chính phủ độc tài lạm dụng các chính sách của Facebook. Họ trả tiền cho những người này để báo cáo bài đăng của tôi, nói rằng tôi đang gieo rắc sự căm thù.”

Tấn công máy chủ

Vào tháng Tư, Hà Nội đã gia tăng áp lực lên Facebook.

Theo các giới chức điều hành của công ty và một nhà hoạt động đồng ý nói về vấn đề này với điều kiện giấu tên, thì chính phủ Việt Nam đã cắt Internet một số máy chủ mà công ty Facebook thuê ở Việt Nam để chuyển tải truy cập đến và đi từ giàn máy chính của công ty. Facebook đã phải khẩn cấp chuyển tải truy cập đến các máy chủ bên ngoài Việt Nam để duy trì hoạt động của dịch vụ.

Giới chức Facebook nói, hành động của Hà Nội nhắn gửi một thông điệp rõ ràng: Tuân thủ nhiều thêm các yêu cầu kiểm duyệt nếu không dịch vụ Facebook sẽ đối mặt với một tương lai tồi tệ.

Và giới chức này cho biết, Facebook đã quyết định gia tăng tuân thủ các yêu cầu của Hà Nội, bất chấp những lo ngại trong nội bộ công ty rằng nhiều yêu cầu của chính quyền không đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty về việc gỡ bài đăng.

Trước khi tiết lộ quyết định, được Reuters đưa tin đầu tiên, công ty đã tìm cách chặn trước những lời chỉ trích bằng cách gọi cho các nhà hoạt động nhân quyền về Việt Nam. Một người cho biết Facebook đã nói với anh ta rằng công ty sẽ hạn chế “đáng kể” nhiều nội dung hơn.

Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông của Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng nói với các nhà lập pháp trong tháng này rằng Facebook đã chặn hoặc hạn chế hơn 2.000 bài đăng vào năm 2020 – nhiều gấp 5 lần so với năm ngoái – và đã đồng ý chặn “các tổ chức phản động và khủng bố” mua quảng cáo trên Facebook, nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận của các bài viết của họ.

Bộ Trưởng Hùng thừa nhận rằng việc cấm các dịch vụ như Facebook và YouTube sẽ gây ra “sự phản đối kịch liệt của công chúng” – một quan điểm mà những người bị Hà Nội kiểm duyệt đồng ý. Những người này cho rằng Facebook đã trở thành một bộ phận cố định trong thương mại, chính quyền và xã hội ở Việt Nam, nên Facebook có đủ khả năng phản kháng mạnh hơn.

Phát ngôn nhân tại Hoa Kỳ của Việt Tân, một nhóm đối lập ủng hộ dân chủ bị Hà Nội cấm hoạt động ở Việt Nam và không được mua quảng cáo trên Facebook, ông Hoàng Tứ Duy nói rằng “Facebook hành động như thể chính phủ Việt Nam đang ưu ái họ bằng cách để họ vào Việt Nam.”

Theo ông Hoàng Tứ Duy cho biết, thu nhập của Facebook từ Việt Nam là “một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu của công ty. Thực tế là, quốc gia Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ việc có Facebook so với lợi mà Facebook có được từ việc công ty này hiện diện ở Việt Nam.”

Những người ủng hộ quyền tự do trên mạng nói thêm rằng công ty đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm khi không giải thích công khai cách họ quyết định nội dung nào không bị gỡ xuống. Giám đốc Silicon Valley Initiative của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế ông Michael Kleinman nói rằng “việc Facebook xử lý không rõ ràng các yêu cầu kiểm duyệt nội dung từ các chính quyền độc tài khiến người sử dụng rất dễ bị kiểm duyệt tùy tiện mà không có biện pháp để khắc phục thích hợp.”

Facebook nói một số bài đăng bị tự động gỡ xuống bởi thuật toán giám sát nội dung của trang mạng hoặc bởi các nhân viên nói tiếng Việt mà công ty thuê để kiểm soát nền tảng.

Một giới chức thứ hai của Facebook cho biết các bài đăng bị đánh dấu vì vi phạm luật pháp địa phương được thông qua một quá trình xem xét trong công ty trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào. Công ty từ chối chia sẻ các ví dụ về các trường hợp được xem xét.

Access Now, một nhóm vận động cho các quyền kỹ thuật số và hỗ trợ những người sử dụng, tin rằng quyền truy cập Facebook của họ đã bị hạn chế một cách sai trái, cho biết Facebook hiếm khi giải thích các quyết định chặn hoặc khôi phục tài khoản – ngoại trừ việc nói rằng họ đã vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng.

Trong một số trường hợp, Facebook xóa hoặc hạn chế quyền truy cập vào các bài đăng không có vẻ vi phạm tiêu chuẩn của công ty hoặc luật pháp Việt Nam.

Việt Tân, tổ chức có đông đảo người theo dõi trong cộng đồng người Việt Nam ở tiểu bang California, đã bị xóa hàng chục bài đăng trong năm nay. Một trong số đó là về một thẩm phán Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục, bị cho là vi phạm các chính sách của Facebook về chống bắt nạt và quấy rối. Một bài đăng khác về tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc bị cho là vi phạm các chính sách của Facebook đối với lời lẽ gây căm thù.

Việt Tân cho biết cả hai bài đăng này đã được khôi phục vài tháng sau đó sau khi tổ chức này kháng cáo. Facebook đã không trả lời các câu hỏi về trường hợp Việt Tân.

Facebook cũng đã đình chỉ 10 thành viên của nhóm đăng bài lên trang Facebook của tổ chức nầy, viện lý do nhiều lần vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Sáu trong số các vụ đình chỉ diễn ra vào tháng Tám. Ông Minh Pham, một thành viên Việt Tân sống ở Đức, đã bị cấm vĩnh viễn.

Ông Hoàng Tứ Duy nói rằng: “Các nhà chức trách Việt Nam sợ các trang Facebook có ảnh hưởng như trang của Việt Tân vì chúng tôi cung cấp một quan điểm khác. Họ muốn Facebook kiểm duyệt nội dung – không phải vì nội dung không chính xác – mà căn bản là vì nó là sự thật.”

Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng có rất ít lựa chọn thay thế cho Facebook.

Ông Trịnh Hữu Long, một nhà phê bình Hà Nội sống ở Đài Loan và điều hành tạp chí phi lợi nhuận trên mạng có tên Luật Khoa, cho biết ông đã tìm hiểu các phương thức chuyển tải thông tin khác sau khi Facebook liên tục chặn các bài viết không liên quan gì đến Việt Nam. Nhưng ông xác định rằng từ bỏ nền tảng này sẽ làm giảm đáng kể lượng độc giả của mình.

Ông nói: “Facebook đang là vua ở Việt Nam. Nội dung phải đi qua Facebook để tiếp cận độc giả. Vì vậy, dù tôi không thích Facebook, tôi cũng phải sống với nó.”

David S. Cloud, Shashank Bengali
Los Angeles Times
Facebook Việt Tân dịch

Nguồn: “Facebook touts free speech. In Vietnam, it’s aiding in censorship“, (https://www.latimes.com/…/facebook-censorship-suppress…)



DAVID S. CLOUD: phóng viên tường trình từ Hoa Thịnh Đốn
SHASHANK BENGALI: phóng viên tường trình từ Singapore
SUHAUNA HUSSAIN: Nhân viên biên tập của Los Angeles Times ở Los Angeles đã đóng góp cho bài báo này.

Không có nhận xét nào: