Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Em Bé Trên Đại Lộ Kinh Hoàng - Thanh Phong

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi nằm trên xác mẹ giữa Đại Lộ Kinh Hoàng, trên đường Quảng Trị - Huế, em bé trườn người tìm vú bú nhưng mẹ em đã chết tự bao giờ. Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân Người Thiếu Úy TQLC tên là Trần Khắc Báo. Chiều 1 tháng 5 năm 1972, Thiếu Úy Báo nhìn thấy thấp thoáng bên kia cầu Mỹ Chánh còn một người lính đang ôm chiếc nón lá. Ông định chạy qua cầu giúp người này nhưng vị Thiếu Tá đang trách nhiệm trấn giữ tại đó la lớn:“Cây cầu đã gài mìn, có thể nổ và sẵn sàng phá hủy khi thấy chiến xa Việt Cộng xuất hiện, đừng chạy qua, chú sẽ bị bỏ lại bên đó không về lại được đâu nghe!”

<!>

Anh Báo cố nài nỉ:“Đại Bàng chờ em một chút, cho em cứu người cuối cùng này.” Và ông chạy đến đưa người lính qua cầu. 

Người lính trao chiếc nón lá nói với Thiếu Úy Trần Khắc Báo:“Em là lính Quân Cụ thuộc Tiểu Khu Quảng Trị, trên đường chạy về đây em thấy cảnh tượng hết sức thương tâm, mẹ nó đã chết từ bao giờ không biết và nó đang trườn mình trên bụng mẹ nó tìm vú để bú, em cầm lòng không được nên ẵm nó đến đây trao cho Thiếu Úy, xin Thiếu Úy ráng cứu nó vì em kiệt sức rồi.”  Nói xong anh ta trao chiếc nón lá cho Thiếu úy Báo.

 

Là người lính VNCH, thuộc nằm lòng châm ngôn ‘Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm’  Thiếu Úy Báo nhận đứa bé : "Được rồi, để tôi lo cho nó, còn anh, anh cũng lo cho sức khỏe của anh, lên GMC đi để chúng tôi đưa anh về vùng an toàn".

Em bé mồ côi được Thiếu Úy Báo đặt tên Trần Thị Ngọc Bích và được chuyển về Phòng Xã Hội của TQLC. Sau đó, được chuyển giao cho Cô Nhi Viện Thánh Tâm Đà Nẵng để được các Dì Phước chăm sóc. Số hồ sơ của em là 899.

 

Một hôm có người lính Hoa Kỳ thuộc binh chủng Không Quân phục vụ tại phi trường Đà Nẵng tên là James Mitchell đến thăm Cô Nhi Viện, thấy các em bé xinh xắn mồ côi bất hạnh, nhân sửa soạn hồi hương, anh quyết định nhận một trong các em tại đây làm con nuôi đem về nước. Em Trần Thị Ngọc Bích may mắn lọt vào mắt xanh của ông James Mitchell và trở thành thành viên của gia đình Mitchell từ đó.

Cô bé Kimberly Mitchell lớn lên ở trang trại gia đình tại Solon Springs, tiểu bang Wisconsin. Kimberly Mitchell được bố mẹ nuôi thương yêu, coi như con ruột. Em được đi học, tham gia thể thao và vào hội thanh niên. Cái tên Trần Thị Ngọc Bích bị quên lãng từ ngày ấy.

 

Một hôm thấy con đã lớn, James thổ lộ về tông tích của cô:“Con là người Việt Nam, bố xin con từ trong Viện mồ côi ở Đà Nẵng, Việt Nam. Nếu con muốn tìm nguồn cội của con, con có thể về Đà Nẵng, may ra tìm được tông tích của gia đình con.”

 

Thời gian trôi qua, Kimberly đã là một Trung Tá phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ, làm việc tại Ngũ Giác Đài.

 

 

 

Năm 2011, Kimberly Mitchell trở về cố hương trong vai một nữ Trung Tá Hải Quân, mong tìm lại người thân. Đến Viện Nuôi Trẻ Mồ Côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng, cô may mắn gặp được Sơ Mary, người tiếp nhận cô năm 1972 từ một nữ quân nhân Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC. Giây phút thật cảm động,  Sơ Mary giở hồ sơ cũ tìm tên James Mitchell rồi cho biết:  “Lúc người ta mang con tới đây, con mới có 4 tháng và họ đặt tên con là Trần Thị Ngọc Bích. Họ nói mẹ con đã chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng, con được một người lính VNCH cứu chuyển về đây giao cho Cô Nhi Viện, lúc đó chiến tranh tàn khốc lắm.” 

 

 

Kimberly trở về không biết gì hơn ngoài cái tên thật của mình Trần Thị Ngọc Bích và thỉnh thoảng cô viết trên website câu chuyện của đời mình.

Chuyện kể về nguồn gốc Việt Nam của Kimberly Mitchell được nhà báo Trúc Giang lưu ý, dịch đưa lên tờ Việt Báo Hải Ngoại số 66 phát hành tại New Jersey, tác giả kể lại câu chuyện thành công tại Mỹ của một em bé từ cô nhi viện Đà Nẵng mang tên Trần Thị Ngọc Bích. Bài báo đập vào mắt một người Mỹ gốc Việt định cư tại thành phố Albuqueque, tiểu bang New Mexico, ông Trần Khắc Báo, đã đến Hoa Kỳ theo diện H.O. và định cư tại đây từ 1994.

 

Cuộc liên lạc nói chuyện với Trần Thị Ngọc Bích qua điện thoại kéo dài không dứt, cuốn phim của người lính trẻ 24 tuổi, đứa trẻ bò trên xác mẹ và chiếc nón lá được chiếu đi chiếu lại trong nước mắt nhạt nhòa.

 

 

Một ngày tháng 8 năm 2012, tại Albuqueque, giới truyền thông Mỹ - Việt được mời tới chứng kiến cuộc hội ngộ kỳ thú sau 40 năm, giữa một sĩ quan QLVNCH và một sĩ quan Quân lực Hoa Kỳ.

Trung Tá Kimberly Mitchell bước vào trụ sở Hội Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New Mexico, trước những ống kính truyền hình và camera lóe sáng.

“Cô đến đây tìm ai?”

 - “Tôi muốn tìm ông Trần Khắc Báo.” 

Vị Chủ Tịch quay sang một người lính già trong quân phục TQLC và giới thiệu:

- “Đây là ông Trần Khắc Báo.”

Lập tức, Kimberly Mitchell Trần Thị Ngọc Bích tiến lại ôm lấy ông Báo và cả hai cùng khóc nức nở.

Qua phút xúc động, Kimberly hỏi người lính già:

- “Ông là người đã cứu mạng tôi, tôi mới có ngày hôm nay; tôi xin cám ơn ông, và bây giờ ông muốn gì ở tôi?”

 Ông Trần Khắc Báo nói :

- “Thực sự bây giờ tôi chỉ muốn cô nói với tôi một lời bằng tiếng Việt, cô hãy kêu tôi là “Tía”. Vì tất cả các con tôi đều gọi tôi bằng Tía, tôi xem cô cũng như con tôi, tôi chỉ mong điều đó.” 

- “Tía”. 

“Tía thực sự mãn nguyện.” 

 

 

Câu chuyện sau 40 năm kết thúc đầy tình người, cô Trần Thị Ngọc Bích đúng là viên ngọc quý trên Đại Lộ Kinh Hoàng, như ý nguyện của những người đã cứu mạng em, chính cô đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt khi cố gắng học hành để trở nên người lãnh đạo xuất sắc trong Quân Lực Hoa Kỳ.

 

Người quân nhân Quân Cụ vô danh và người sĩ quan TQLC Trần Khắc Báo đã thể hiện đúng tinh thần của một quân nhân Quân Lực VNCH , luôn đặt Tổ Quốc – Danh Dự - Trách Nhiệm trên hết ./.


 Viết theo Thanh Phong 

Không có nhận xét nào: