Những câu ca mộc mạc, êm ái trong ca khúc Lòng mẹ đã theo tiếng ru của những người mẹ đưa không biết bao nhiêu thế hệ những người con đi vào giấc ngủ bình yên. Có thể nói “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân là “ca khúc quốc dân về Mẹ”, bởi lẽ, theo thời gian, theo sự phát triển của âm nhạc cùng với sự thay đổi về thị hiếu người nghe, thì Lòng mẹ vẫn giữ cho mình một chỗ đứng vững chắc.
<!>
Nhạc sĩ Y Vân
Qua ca khúc, có thể thấy tình cảm tuyệt vời mà nhạc sĩ Y Vân gửi tặng cho mẹ mình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau ca khúc ấy còn có một câu chuyện cảm động về thứ tình cảm thiêng liêng ấy.
Y Vân là nghệ danh của cố nhạc sĩ khi bước vào con đường sáng tác. Tên thật của ông là Trần Tấn Hậu, sinh vào năm 1933, tại Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình đông con, gia cảnh nghèo khó lại sớm mồ côi cha, bao gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn hết lên vai gầy của mẹ. Cả tuổi thơ và đằng sau mỗi giai đoạn thăng trầm của ông đều có bóng dáng của bà. Có lẽ vì vậy mà trong đoạn đầu bài hát, ông đã miêu tả Lòng mẹ thông qua những hình ảnh thiên nhiên thân thuộc:
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu
Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu
Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ”
“Biển dạt dào”, “dòng suối hiền”, “đồng lúa”, “vầng trăng”, “làn gió”, “sáo diều”, “tiếng hát”…. Đây chẳng phải là toàn bộ thế giới trẻ thơ đó sao? Và ở thế giới đó, đâu đâu cũng mang hình bóng mẹ hiền. Nhờ có công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ, những “người con” mới cảm nhận được thế giới này.
Hiểu được tình cảm và sự vất vả của mẹ, nhạc sĩ Y Vân đã sớm đi dạy đàn để phụ giúp gia đình. Gia cảnh nghèo khó đã góp phần tạo nên một người nhạc sĩ nặng tình, trưởng thành và có trách nhiệm nhưng đó cũng chính là rào cản khiến mãi về sau ông không thôi day dứt về mối tình đầu với cô gái tên Tường Vân. Nghệ danh của cố nhạc sĩ chính là minh chứng cho điều này – Y Vân có nghĩa là Yêu Vân.
Sau mối tình đầu đứt gánh, ông và gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống vào khoảng năm 1954. Tại Sài Gòn ông vừa viết nhạc, vừa chơi nhạc cho các ban nhạc ở các phòng trà. Mẹ ông vẫn tảo tần chăm sóc cả gia đình.
Vào một đêm khuya năm 1959, sau khi xong việc tại phòng trà, ông vội vàng đến đồn cảnh quan để bảo lãnh mẹ – người đang bị tạm giam do vi phạm lệnh giới nghiêm. Sự việc này chính là điều đã đẩy cao cảm xúc của người nhạc sĩ ấy để ông thức trắng đêm viết lên ca khúc Lòng mẹ. Ngay ngày hôm sau, ca khúc lần đầu tiên được đích thân nhạc sĩ trình bày trước sự chứng kiến của mẹ. Không có sân khấu xa hoa, không có ca sĩ nổi tiếng nhưng phần trình diễn đó là sân khấu đầy cảm xúc nhất. Người mẹ tần tảo, trăm cay nghìn đắng nuôi lớn đàn con thơ, người vì mải lo giặt quần áo cho cả nhà mà vô tình phạm luật giới nghiêm đến bị tạm giam cũng là người nhận được tình cảm thiết tha được thấu hiểu bởi chính người con của mình, bà đã không kìm được những dòng lệ hạnh phúc. Người ta nói, phải nuôi con thì mới thấu được lòng mẹ:
“Thương con thao thức bao đêm trường…
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn…
Bao năm nước mắt như suối nguồn…
Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền…”
Nhưng nay, qua ca khúc đó, “Mẹ” biết rằng “Con của mẹ” vẫn luôn luôn thấu hiểu và với “con” bình yên nhất vẫn là “dưới bóng mẹ yêu”:
“Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt màu
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu”
Năm 1992, nhạc sĩ Y Vân mất. Trong tang lễ, mẹ ông không hề rơi nước mắt. Nhưng câu nói của bà trước di hài cố nhạc sĩ đã cho thấy tình yêu to lớn và sự thấu hiểu mà bà dành cho con cái, cũng khiến cho những người xung quanh không nguôi xót xa: “Người đời thường nói, con đi trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài “Lòng mẹ””…
Có lẽ vị trí vững chắc của “Lòng mẹ” trong dòng chảy thời gian, âm nhạc xuất phát từ “cái hồn” của ca khúc. Mỗi lần nghe lại là một lần chạm vào nơi sâu thẳm trái tim, nơi mà mỗi người chúng ta dành riêng một vị trí cho gia đình và cho Mẹ.
(Nguồn: Thời Xưa)
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét