Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

Vụ Hồ Duy Hải: ‘Nếu muốn bảo vệ chế độ, Đảng Cộng sản phải hành động ngay lập tức’ - Khánh An VOA

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vào ngày 8/5/2020. Photo PLO. Một nhà báo tại Việt Nam nhận định với VOA rằng niềm tin mới lấy lại phần nào của công chúng đối với chính quyền từ đại dịch Covid-19 nay đã bị kết quả phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải phá hỏng, khiến cho dư luận “rất phẫn nộ”, mang lại tâm lý “tiêu cực”, “u ám” trong xã hội. Trong khi đó, một trí thức nổi tiếng khác cho rằng nếu những người đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam “đủ thông minh”, thì họ phải có hành động can thiệp ngay lập tức vào vụ án này.<!>
Vài ngày sau khi Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) và y án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải hôm 8/5, công luận Việt Nam đủ mọi tầng lớp không ngớt lên tiếng phản hồi, chỉ trích và kêu gọi nhà chức trách điều tra lại, thậm chí bãi miễn chức vụ của 17 vị thẩm phán đã “bầu” ra kết quả cuối cùng của vụ án bị cho là có quá nhiều sai sót nghiêm trọng.
Trong bài phân tích trên trang Facebook cá nhân về những lý do dẫn đến sự phẫn nộ của người dân đối với Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu nói rằng vụ này đã “giáng một đòn chí mạng lên nền tư pháp nước CHXHCN Việt Nam bằng 7 yếu tố: coi thường pháp luật, trình độ kém, không độc lập, không công tâm, phá bỏ các chuẩn mực nền tảng của giáo dục, nỗi sợ hãi của người dân là họ có thể trở thành “Hồ Duy Hải” bất cứ lúc nào, và nó gây phương hại đến nền tư pháp Việt Nam.
Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An, vào năm 2008, nhưng gia đình Hồ Duy Hải đã liên tục kêu oan suốt 12 năm nay.
Năm 2011, Viện trưởng VKSNDTC lúc đó là ông Nguyễn Hoà Bình đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án do “không có tình tiết mới”. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải, nhưng sau đó ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình trước sức ép của công luận.
Tháng 11 năm ngoái, với đề nghị xem xét giải quyết vụ án của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, nhưng Hội đồng thẩm TANDTC đã bác kháng nghị này sau khi 17 vị thẩm phán tiến hành bỏ phiếu trong phiên toà kéo dài 3 ngày.
Theo dõi và tìm hiểu vụ án giết người ngay từ ngày đầu tiên, nhà báo Trương Châu Hữu Danh bày tỏ quyết tâm theo đuổi vụ án cho tới khi nào “sự thật được phơi bày”.
“Kháng nghị của VKSNDTC nêu rất rõ ràng và cụ thể 17 sai phạm của các bản án dành cho Hồ Duy Hải. Đối với tôi, chỉ cần 1 trong 17 sai phạm được làm rõ thì cũng đủ để buộc phải điều tra lại”, nhà báo từ Việt Nam nói với VOA.
Ngoài những yếu tố được nêu ra trong hồ sơ vụ án như không có dấu vân tay và các dấu vết khác của Hồ Duy Hải tại hiện trường vụ án, không có nhân chứng khẳng định nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện Cầu Voi…, nhà báo Trương Châu Hữu Danh còn tự thực nghiệm và tính khoảng thời gian mà thủ phạm thực hiện vụ hiếp dâm rồi giết người theo cáo trạng.
“Từ vị trí bưu điện tới điểm bán trái cây, đi qua đi lại chỉ trong vòng 5 phút. Về mặt tâm lý, không có người nào có mục đích hiếp dâm bằng cách điều một người khác đi qua bên đường mua trái cây để mình ở lại trong vòng 5 phút có thể hiếp dâm được. Suy luận về động cơ (gây án) như vậy là hết sức vô lý”, nhà báo Trương Châu Hữu Danh phân tích.
Cơ hội bị bỏ lỡ
Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định với VOA rằng sai phạm quan trọng nhất trong vụ án này là vi phạm tố tụng.
Ông nói: “Khi họ bác kháng nghị của Viện Kiểm sát, thì họ thừa nhận là có sự sai sót về tố tụng. Nhưng họ lại cho rằng sai sót đó không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Thực ra, về mặt pháp lý, khi có sai sót, tức là có vi phạm về tố tụng, thì bản thân điều đó đã làm cho hồ sơ vụ án không thể chấp nhận được”.
Theo LS. Đặng Đình Mạnh, điều quan trọng khi xem xét lại một vụ án là tìm xem có vi phạm tố tụng hay không, chứ không phải là “vi phạm nặng hay vi phạm nhẹ”. Vì vậy, theo ông, Hội đồng Thẩm phán của TANDTC trong trường hợp này đã “đặt vấn đề không đúng” và đưa ra một quyết định khiến ông và rất nhiều người dân “vô cùng thất vọng”.
“Vụ án Hồ Duy Hải thì ngay cả những người không hiểu biết về pháp luật cũng để ý, quan tâm rất nhiều. Thực ra, đây là dịp mà qua việc làm, qua phán quyết của mình, TANDTC có thể giúp tạo dựng lại niềm tin của người dân mà trong suốt thời gian qua, qua những vụ án oan, đã bị sứt mẻ nhiều. Nhưng rất tiếc, cơ hội phục hồi niềm tin đã bị bỏ lỡ”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát thời sự và vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, nhận định với VOA rằng vụ án Hồ Duy Hải là một “vụ bê bối tư pháp khổng lồ” gây “bàng hoàng” công luận trong những ngày qua. Qua đó, nó cho những người dân bình thường thấy rõ những sai phạm căn bản, nghiêm trọng, sự kém cỏi của những người chấp pháp và sự “thối nát” của hệ thống tư pháp Việt Nam.
“Vì lợi ích của chính Đảng Cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của chính chế độ này – chế độ mà tôi căm ghét – thì họ phải hành động ngay lập tức”, TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh.
“Chúng ta cứ nói nhiều đến tam quyền phân lập, nhưng ở Việt Nam nó không có tam quyền phân lập. Ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản cai trị, điều khiển hết mọi thứ.. Cho nên phải nói toạc móng heo ra là Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng và những người đứng đầu khác là ông Phúc, bà Ngân, những người đó nếu muốn bảo vệ lợi ích của chính họ phải hành động ngay lập tức, và tất nhiên là trong khuôn khổ thủ tục, có thể không hay ho gì lắm, nhưng với hiện thời của Việt Nam thì họ phải làm như vậy”.
Đảng can thiệp?
Hành động mà TS. Nguyễn Quang A khuyến nghị giới hữu trách Việt Nam nên làm là phải lập tức can thiệp vào quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANCTC, trong đó có việc bãi nhiễm 17 thẩm phán đã biểu quyết cho quyết định vừa qua.
“Ông Trọng phải bảo bà Ngân, nếu ông ấy thông minh, và bà Ngân phải hăm hở làm một việc là hướng dẫn Uỷ ban thường vụ Quốc hội có một kháng nghị ngay lập tức để buộc họ phải xét lại quyết định của vụ xử”, TS. Nguyễn Quang A nói.
Nhà hoạt động này cũng đang kêu gọi người dân ký vào bản Tuyên bố Hồ Duy Hải, kêu gọi giới hữu trách “làm sáng tỏ theo kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Ủy ban Pháp luật Quốc hội để luật pháp nhà nước được thực thi công chính, không gây oan sai cho người vô tội, trừng trị đích đáng kẻ có tội dù ở bất cứ cương vị nào và không để có những oan sai tiếp diễn sau này”.
Đánh giá thêm về tác động vụ án, nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói ông thấy tiếc vì niềm tin của người dân mới được khôi phục một chút sau đại dịch Covid-19 nay lại mất đi qua vụ án hình sự này.
“Mặc dù kinh tế bị thiệt hại nặng nề, nhưng niềm tin của người dân được nâng lên thấy rõ, và người ta đang rất tin vào sự điều hành của chính phủ. Tuy nhiên, phán quyết của toà sau ngày thứ 3 xét xử giám đốc thầm thì nó tạo ra cho xã hội một tâm lý rất tiêu cực và u ám. Khắp nơi rất phẫn nộ với bản án này bởi vì hầu hết người dân cho rằng cần thiết phải huỷ án và điều tra lại”, nhà báo Hữu Danh nói.
Trong khi đó, LS. Đặng Đình Mạnh nhận định thêm rằng: “Có thể toà án đã đạt được bản án như ý họ mong muốn, nhưng tôi cho rằng sự mất mát trong dân, trong suy nghĩ của công chúng thì lớn lắm, không thể đong đếm được. Đó là sự mất lòng tin vào luật pháp”.
Hôm 10/5, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, đã gửi đơn kêu cứu tới bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, để xin xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Hiện vẫn chưa có phản hồi gì từ phía cơ quan này.
Trong một bài bình luận đăng ngày 11/5, tờ Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, viết rằng “trong vụ án Hồ Duy Hải, phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ rõ những sai sót chuyên môn của cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, nhưng sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Tờ báo viết thêm: “Do đó, không thể suy diễn, thổi phồng vụ án rồi đưa ra yêu cầu ‘tam quyền phân lập’ để chống oan, sai...”

'Có tam quyền phân lập mới hết được án oan sai!'Luật sư Nguyễn Văn Đài

Image en ligneother
Luật sư Nguyễn Văn Đài trong một cuộc gặp với thượng nghị sĩ Mỹ John McCain
Có tam quyền phân lập, có tư pháp độc lập liệu mới mong giảm hay chấm dứt được các vụ án xét xử oan sai, theo bình luận của một luật sư cũng là cựu tù chính trị ở Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, đang sống ở Đức, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 06/5/2020.
"Việc tôi được trả tự do và xuất cảnh sang Đức là quá trình rất dài," luật sư Nguyễn Văn Đài từ Berlin nói với BBC.
Ông Đài từng bị bắt ở Việt Nam cuối năm 2015, sau đó vào năm 2018 bị tòa ở Hà Nội xử 15 năm tù với tội danh Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Đêm 7/06/2018, ông Đài và cộng sự bà Lê Thu Hà được đưa khỏi nhà tù, tới sân bay quốc tế Nội Bài rời Việt Nam để sang Đức.
Dựa theo trải nghiệm trong tù, ông Đài nói về cuộc sống của người tử tù ở Việt Nam trong lúc chờ đợi tái thẩm hay thi hành án:
"Ở Việt Nam, cuộc sống của người tử tù rất cực khổ. Họ bị còng chân 24/24 giờ, họ chỉ được mở còng khi đi vệ sinh và thậm chí ăn uống thì vẫn phải còng.
"Cho nên nếu kéo dài nhiều năm như ở Hoa Kỳ, thì người tử tù không thể sống nổi vì họ bị còng chân suốt cả 24 giờ trong một ngày."
Về vụ án tử tù Hồ Duy Hải mà có ý kiến phổ biến trong dư luận cho rằng có dấu hiệu oan sai, luật sư Đài bình luận:
"Tôi đã theo dõi vụ án của Hồ Duy Hải ngay từ lúc đầu, khi mà mẹ của Hồ Duy Hải từ Long An ra ngoài Hà Nội kêu oan, thì tôi cũng có cơ hội gặp bà.
"Sau khi xem hồ sơ, cùng với tất cả chứng cứ mà các luật sư của Hồ Duy Hải đã biện luận trước tòa trước đây, tôi cho rằng đây là một vụ án oan, bởi vì tất cả những dụng cụ để gây án, thì đều được cơ quan điều tra mua ở ngoài chợ đưa vào.
Image en ligneNguyen Thi Loan
Hồ Duy Hải trong một phiên tòa
"Còn những chứng cứ theo lời khai thì hoàn toàn không có trong vụ án, cho nên có thể nói đây là một vụ án có rất nhiều tình tiết mà có thể dẫn đến gây oan sai.
"Sau khi có thông tin là Hồ Duy Hải bị đưa ra tử hình vào ngày 05/12/2014, thì mẹ của Hồ Duy Hải đã kêu oan và ngay lập tức được các cơ quan lắng nghe và họ đã phải đình chỉ thi hành án cho đến tận giờ phút này, và rất may là được quốc tế quan tâm, cũng như là được một số đại biểu quan tâm.
"Cho nên vụ án của Hồ Duy Hải đã được Viện Kiểm sát kháng nghị ngày 23/12/2019 và ngày 06/5/2020 xét xử lại, theo thủ tục giám đốc thẩm, tôi hy vọng là trong ba ngày xét xử, mọi vấn đề sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng và hy vọng Hồ Duy Hải sẽ được minh oan tại phiên tòa này."
Image en ligneThang The Le
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, không được vào dự phiên Giám đốc thẩm hôm 6/5. Bà đã đi đòi công lý cho con 12 năm qua

Chi tiết nhạy cảm, đảo ngược?

Khi được hỏi đâu là chi tiết then chốt, nhạy cảm, có thể giúp đảo ngược phán quyết trong vụ án này, Luật sư nhân quyền từ CHLB Đức nói:
"Có rất nhiều chi tiết, không chỉ một chi tiết. Thứ nhất là các phương tiện như con dao gây án, rồi nhân chứng cũng không nhìn rõ. Tất cả mọi chi tiết đều chống lại việc Hồ Duy Hải phạm tội."
"Chúng ta biết rằng để một vụ án được minh oan, thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều, từ cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án cấp sơ thẩm, cũng như là cấp phúc thẩm.
"Khi một vụ án được tuyên là vô tội, oan sai, cụ thể như vụ án của Hồ Duy Hải, nếu như sau ba ngày Hội đồng thẩm phán của Tòa án Tối cao tuyên án Hồ Duy Hải vô tội, thì chắc chắn một loạt quan chức của ngành công an, viện kiểm sát, tòa án từ hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm sẽ phải chịu tội, bởi vì họ đã kết án oan một người.
"Cho nên, chúng ta biết là ở Việt Nam, vụ án như là của ông Huỳnh Văn Nén, rồi hàng loạt các vụ án đã từng được minh oan trước đây, do vấn đề hậu quả của việc xét xử đó, nên ngành tòa án họ rất là ngại, hoặc kéo dài thời gian để xem xét xem một vụ án như thế này có oan sai hay không."

Tam quyền phân lập giảm án oan sai?

Khi được hỏi liệu tam quyền phân lập, tư pháp độc lập có thể giúp cho việc thuyên giảm các án oan, sai hay không, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói:
"Chúng ta biết rằng ở Việt Nam không có hệ thống tam quyền phân lập, theo điều 4 Hiến pháp, đảng Cộng sản và nhà nước lãnh đạo xã hội một cách toàn diện, cho nên Tòa án đều dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.
"Ví dụ như Viện trưởng Viện Kiểm Sát tối cao, hay Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đều là ủy viên Ban chấp hành Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên đảng luôn luôn chỉ đạo mọi vấn đề.
"Ví dụ như các vụ án lớn như là tham nhũng, thì ngoài Ban Nội chính Trung ương ra, thì trước khi xét xử, họ còn có họp liên ngành, gồm có cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án cùng với Ban Nội chính, họp để xem xét đánh giá vụ án này như thế nào, đường hướng xét xử ra sao."
Trước câu hỏi liệu án oan sai ở Việt Nam còn nhiều, còn do lý do là ngành pháp chế của Việt Nam còn nhiều chồng chéo, Luật sư Đài nêu quan điểm:
"Vấn đề ở đây không phải là vấn đề chồng chéo, mà chúng ta biết rằng Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam đã cho phép luật sư được tham gia ngay khi có việc tạm giữ bị can, nhưng trên thực tế, một vụ án gần đây nhất chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ, là vụ án Đồng Tâm, thì sau ngày 09/01/2020, sau khi xảy ra, họ đã bắt giam 26 người.
"Và cho đến ngày hôm nay, rất nhiều người trong số đó, mặc dù gia đình đã thuê luật sư rồi, nhưng cơ quan điều tra hoàn toàn không cho luật sư tiếp cận với các thân chủ của họ, thì chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng, mặc dù có quy định như thế, nhưng thực tế, cơ quan điều tra đều cố trì hoãn, để sau khi hoàn tất hầu như xong cá hồ sơ rồi, thì luật sư mới được vào."
"Mà khi luật sư vào rồi, thì còn không có tác dụng gì nữa trong việc lật lại vấn đề hồ sơ.
"Các luật sư Việt Nam thường có câu là "án tại hồ sơ", khi mà hồ sơ đóng lại thì Việt Kiểm sát và Tòa án cứ thế mà xét xử theo hồ sơ đã có, ít khi mà các tiếng nói phản biện hay là bảo vệ của luật sư trước tòa án mà có giá trị."
Khi được hỏi, nếu như vậy thì vai trò của luật sư còn để làm gì nữa, Luật sư Đài đáp:
"Với chế độ Cộng sản, họ chỉ coi luật sư là vật trang trí cho đủ phiên tòa, để họ tránh sự chỉ trích từ quốc tế, cũng như từ người dân, còn đối với những người đấu tranh như chúng tôi, thì vai trò của luật sư cũng quan trọng một phần.
"Đó là gì? Họ được thông tin cho thân chủ của mình biết tình hình bên ngoài như thế nào, gia đình ra sao, rồi thông tin ngược lại, thân chủ của họ có tình hình sức khỏe như thế nào, đối với gia đình.
"Vấn đề của luật sư trong các vụ án chính trị ở Việt Nam là vai trò đưa tin, thông tin cho hai bên, chứ còn ra phiên tòa hoàn toàn không có tác dụng.
"Thứ hai nữa là luật sư có vai trò đối với thông tin đối với báo chí quốc tế về nội dung của vụ án đó, đó là vai trò của luật sư trong các vụ án chính trị ở Việt Nam là như vậy," Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm riêng với BBC.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi ý kiến của các luật sư về chủ đề có liên quan nói trên trong một chương trình của BBC News Tiếng Việt hôm 06/5/2020.

Không có nhận xét nào: