Boulevard Bonard khoảng đầu thập niên 1930 đã trở thành con đường chính của trung tâm Sài Gòn Từ thuở sau khi Pháp chiếm Sàigòn, đường thuỷ vẫn là phương tiện giao thông chính để vận chuyển hàng hoá. Thống đốc Nam kỳ bấy giờ cho đào con kênh nối kênh chợ Vãi (chợ Bến Thành cũ) với rạch Cầu Sấu và rạch Bến Nghé, gọi là kênh Coffyn. Cho đến khi Sài Gòn bắt đầu định hình phát triển, người Pháp lại cho san lấp kênh Coffyn làm thành Boulevard Bonard (Lê Lợi), rạch Cầu Sấu thành Boulevard de la Somme (Hàm Nghi). Trong thời gian này, đường Charner (Nguyễn Huệ) và Catinat (Tự Do) vẫn là hai con đường chính từ bến sông vào Sàigòn, cho đến khi Toàn quyền De Lanessan ra sắc luật tháng 11/1894 xác định ranh giới phía Tây Nam của thành phố Sàigòn sau khi tiến hành san lấp khu đầm lầy Boresse (khu vực bùng binh chợ Bến Thành) và lấp kênh Lò Heo tức đường Abattoir (Nguyễn Thái Học). <!>
Và kể từ khi chợ Bến Thành mới xây xong (1914), nhà ga xe lửa Sàigòn-Mỹ Tho dời từ đầu đường Hàm Nghi ở Bến Bạch Ðằng về quảng trường Cuniac (quảng trường chợ Bến Thành), đại lộ Lê Lợi cùng với đại lộ Hàm Nghi mới bắt đầu phát triển các kiến trúc trên các trục đường này. Tuy vậy, đại lộ Lê Lợi có lợi thế hơn để trở thành con đường trung tâm, náo nhiệt nhất của thành phố nhờ một đầu là chợ Bến Thành và ga xe lửa, đầu kia là Nhà hát Lớn thành phố.
Qua tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðức Hiệp dựa theo Niên giám Ðông Dương, có thể thấy nhiều nhà cửa, cơ sở làm ăn của người Pháp và người Việt đã hình thành trước khi chợ Bến Thành mới được xây dựng. Sau khi chợ Bến Thành xây xong, địa chỉ số nhà trên con đường này được sắp xếp lại. Tôi xin trích ra một địa điểm dễ nhầm lẫn vì có sự thay đổi về vị trí sau này, chẳng hạn rạp hát Casino Sàigòn.
“Số 30 Bonard là nơi ở của bà Hyacinthe Vinson, trưởng ga xe lửa Saigon (direction du chemin de fer) của công ty xe lửa Saigon-Mỹ Tho “Société générale du Chemin de fer de Saïgon à My-Tho”, nơi này cũng là văn phòng hỏa xa (Sở Hoả Xa) và sau này là địa điểm của rạp hát Casino đầu tiên ở Saigon sau khi tòa nhà hỏa xa ở Place de Cuniac (quảng trường Quách Thị Trang ngày nay) được xây. Ga xe lửa Saigon lúc này là nơi đến tấp nập của các thương nhân, học sinh từ các tỉnh miền Tây của Nam Kỳ lục tỉnh qua đường xe lửa huyết mạch Saigon-Mỹ Tho”.
Khi Sở Hỏa Xa được khởi công xây dựng (1914), rạp hát Casino dời về số 28 Bonard và góc đường Pasteur, bên cạnh rạp hát trên đường Bonard là số 30 cơ sở nhà hàng khách sạn Brasserie de sports của công ty “Société anonyme pour l’exploitation des cinemas” do ông Léopold Bernard thành lập khoảng năm 1910. Thực tế đây là một tổ hợp nhà hàng khách sạn giải trí náo nhiệt nhất trên con đường Bonard lúc bấy giờ. Nguyễn Ðức Hiệp ghi trong tài liệu : “Trong sách hướng dẫn du lịch Angkor đi từ Saigon của Claudius Madrolle in năm 1925, có ghi chú chi tiết các khách sạn ở Saigon trong đó có ghi Hôtel du Casino et Brasserie des Sports, cách nhà ga Saigon 2 phút, có 30 giường ngủ, có điện và vòi tắm sen trong mỗi phòng. Giá mướn phòng là 4$, giá ăn sáng, trưa, tối là 50 cents, 1$50 và 1$50. Giá cho nguyên tháng phòng và ăn từ 100 đến 150$, nếu chỉ ăn thôi là 45$.Trong khi giá ở Hotel des Nations của ông bà Pancrazi gần đó là 7$ mỗi ngày mướn phòng và ăn”.
Rạp Casino (mới) ngoài chiếu phim, còn trở thành võ đài đấu boxing trong mùa mưa ế khách xem phim. Do rạp nhỏ, chỗ ngồi hạn chế nên người xem phải mua thẻ ưu tiên. Rạp Casino Sàigòn tồn tại ở vị trí này cho đến năm 1954 sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam và năm 1955, rạp được dời nhích vào góc đường Pasteur (số 59) và Lê Lợi. Cũng vào thời gian này, rạp Lê Lợi được xây dựng nhưng không phải nằm trên đường Lê Lợi mà là trên đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành. Sau 1975 rạp này thành vũ trường và ngày nay là Phòng trà Không Tên. Ðến năm 1962 tại góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ mới có rạp Rex. Ðây là rạp hát đầu tiên ở Sàigòn có gắn máy lạnh, chủ nhân là ông bà Ưng Thi.
Nhích về hướng chợ Bến Thành là tiệm ảnh Khánh Ký (54 Bonard) rất nổi tiếng và quen thuộc với người Sàigòn muốn chụp một tấm ảnh kỷ niệm gia đình. Bước thêm vài bước là nhà sách Khai Trí số 60-62 (nay là nhà sách Fahasa), chủ nhân là ông Nguyễn Hùng Trương, di cư từ miền Bắc rất sớm, ông thành lập nhà sách vào năm 1952. Nhà sách Khai Trí gắn bó với nhiều người Sàigòn nhất là giới sinh viên học sinh. Theo ông Nguyễn Hùng Trương, thuở đó ngoài nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi còn mấy nhà sách khác nữa như nhà sách và in sách Vĩnh Bảo số 66. Tại vị trí này, trước năm 1954 là của hãng bán thuốc lá hiệu “Con gà”. Trên báo Tiếng Vọng An Nam ngày 10/11/1921 có đăng quảng cáo : "Hỡi người An Nam ! Sao để tiền bạc ra khỏi xứ mình ? Hãy dùng thuốc hút hiệu CON GÀ thuốc chưa vấn và thuốc vấn rồi. Vì thuốc này ngon hơn hết. Ðã thơm tho lại giá rẻ hơn các thứ khác. Thuốc CON GÀ trồng tỉa tại xứ Ðông-Dương. Nên giúp hội Société des Tabacs de l’Indochine, 66 Boulevard Bonard, Saigon hầu giúp muôn ngàn người An Nam".
Hướng về chợ Bến Thành là nguyên một dãy nhà ba tầng, phía dưới buôn bán vải vóc, nón nỉ, hai tầng trên là nhà ở. Tuy vậy, một số người tận dụng mặt bằng, mở cơ sở làm ăn. Chẳng hạn, bà Bích Tùng, sau khi chồng là Ðô Ðốc Hồ Tấn Quyền bị sát hại trong cuộc đảo chính TT. Ngô Ðình Diệm năm 1963, bà cùng các con rời quê vào Sàigòn sinh sống, thuê căn phòng lầu hai trên đường Lê Lợi mở thẩm mỹ viện làm kế sinh nhai. Cuối đường Lê Lợi là nhà thuốc Nguyễn Văn Cao rất lớn. Người bệnh cần thuốc trụ sinh bất cứ loại nào ra nhà thuốc này đều có.
Phía bên kia đường, kế Sở Hoả Xa là bệnh viện Sàigòn xây lại từ năm 1935, gia đình ông Hui Bon Hoa (chú Hoả) đóng góp một số tiền lớn để xây bệnh viện. Bệnh viện này nguyên là một cơ sở y khoa nhỏ ở đường d’Adran (Hồ Tùng Mậu) chuyển đến từ năm 1914. Ban đầu bệnh viện có tên “Polyclinique du boulevard Bonard” hay còn gọi là “Polyclinique du Marché” (vì gần chợ Bến Thành).
Từ bệnh viện đi lên hướng Nhà hát Lớn, hầu hết là nhà ở của các công chức làm việc cho nhà nước, xen kẽ vài ba văn phòng công ty, garage bán xe hơi. Trong đó nhiều người lớn tuổi còn nhớ đến là trụ sở Ngân hàng Nam kỳ toạ lạc ngay góc đường Bonard và Mac Mahon (Công Lý cũ-Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và những người trung niên lại nhớ đến nước mía Viễn Ðông. Cái tên Viễn Ðông không phải là tên tiệm bán nước mía mà là công ty xuất nhập cảng hàng hoá Viễn Ðông tại ngay góc đường Lê Lợi và Pasteur, đối diện xéo ngã tư bên kia là rạp Casino. Khu này ngay góc Pasteur có nhiều tiệm ăn uống như hủ tiếu cá, sâm bổ lượng. Riêng tiệm nước mía có tên Hào Huê, ai đi xuống phố Lê Lợi đều biết tiếng vì nước mía ngon ngọt thơm lừng mùi quýt. Nhưng để dễ nhớ vị trí người ta cứ gọi là "nước mía Viễn Ðông".
Qua khỏi tiệm nước mía là Garage Bonard cạnh thương xá Grands Magasins Charner (GMC), chuyên bán xe hơi. Bước qua đường Nguyễn Huệ là vài tiệm bán vải kéo dài đến ngã tư Tự Do là hết đường Lê Lợi.
Nhờ chợ Bến Thành và các rạp hát trên đại lộ Lê Lợi khu vực này trở nên sầm uất, nhộn nhịp người xe lên xuống. Và trong ký ức người Sàigòn, trải qua bao năm tháng, lúc nào cũng vấn vương nhiều hình ảnh thân yêu về những con đường, phố xá ngay trung tâm thành phố.
TN
Fort Worth
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét