Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

Cái Đồng Hồ Timex - Trường Sơn Lê Xuân Nhị

 
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
 
Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời
Lúc Người còn sống, tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi
 
Hình dáng Mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa...
 
Lưu Trọng Lư
  
Bài thơ này của LTL chắc chắn mọi người đều đã đọc từ những năm Tiểu Học, và ai đọc thì cũng đều cảm thấy buồn trong lòng, dù mình còn mẹ hay không. <!> 
Dĩ nhiên, trong lòng chúng ta, ai cũng ôm ấp nhiều kỹ niệm tuyệt vời về mẹ mình, và tôi cũng thế, cũng ôm ấp nhiều kỹ niệm tuyệt vời về mẹ tôi, nhưng cái kỹ niệm làm cho tôi nhớ mãi là chuyện ngày mẹ cho tôi cái đồng hồ Timex khi tôi… thi rớt Trung Học Đệ Nhất Cấp.
 
Những tháng ngày ở ngưỡng cửa trường Trung Học, nhất là những năm đệ Ngũ, đệ Tứ là những tháng ngày của những thằng con nít bắt đầu biết lột xác lớn lên, chập chững bước vào lứa tuổi dậy thì.  Đây là lứa tuổi bắt đầu biết ăn diện, biết tập tểnh hút thuốc lá, uống cà phê, hoặc thậm chí uống bia, tập tểnh làm thơ, viết lách… vân vân.  Một trong những chuyện quan trọng ở lứa tuổi này là chuyện ăn diện.  Tôi không biết con gái như thế nào, nhưng con trai ở lừa tuổi tôi thì phải quần ống túm, giày Beatles, tóc để dài, lái xe Honda hay Suzuki vi vút… vân vân
 
Nhà tôi nghèo, cho nên, trong lúc bạn bè cùng lớp, đứa thì có Honda, Suzuki, tôi vẫn đạp chiếc xe đạp cũ mèm với đủ thứ tật xấu như hay xì bánh và trật xên.  Nhưng chuyện Honda Suzuki là chuyện nhỏ, chuyện gần hơn, là đứa nào cũng mặc áo Nil France, vãi mỏng tinh, quần Tergan, vãi dày cộm, tay đeo đồng hồ SeiKo chói sáng, vân vân, trong khi tôi chỉ mặc quần áo nội hoá rẻ tiền, và đếch có đồng hồ để đeo…  Ha ha ha, đành chịu thôi.
 
Thua sút thiên hạ là một chuyện chẳng ai thích, nhưng nhà nghèo quá, tiền ăn tiền học hàng tháng còn thiếu lên thiếu xuống, tiền chó đâu cho tôi được hưởng những thứ xa xí phẩm đó.  Tôi dù còn nhỏ nhưng cũng biết thân phận, biết tình cảnh khó khăn của gia đình, nên không bao giờ dám xin xỏ bố mẹ này kia.  (Có xin xỏ cũng đếch được thì xin xỏ làm gì.  Tôi còn đủ trí thông minh và can đãm để nhận ra những chuyện này ngay từ hồi đó.)
 
Dù tôi nghèo như vậy, không hiểu tại sao, tôi không bao giờ cảm thấy thua sút bạn bè, và đồng thời, bạn bè cũng không bao giờ coi thường tôi.  Chúng nó rất quý mến tôi, đối xử với tôi rất chí tình và cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao.  Chúng nó chẳng bao giờ ngần ngại chở tôi đi học hay chia xẻ với tôi những ổ bánh mì thịt, những ly nước mía, những chai xá xị, hoặc lì xì cho tôi vài trăm bạc để tôi có tiền đi chơi  vân vân.  Có thể nói, giàu nghèo không phải là một vấn đề đối với học sinh trường LaSan Ban Mê Thuột của tôi lúc đó…
 
Cuối năm Đệ Tứ, sắp sửa thi Trung Học, để khuyến khích thằng con trai, mẹ tôi nói: “Con mà thi đậu, má cho con cái đồng hồ Timex.”
 
Hồi đó, đồng hồ Timex là loại đồng hồ rẻ tiền so với Seiko hay Buleva này kia, nhưng tôi mừng lắm, vì ít nhất, tôi cũng sẽ có được một cái đồng hồ đeo tay giống như bạn bè.  (Nhìn xa xa, thì Seiko với Timex cũng giống nhau thôi… ha ha ha)
 
Hồi đó, muốn thi TH, phải xuống Nha Trang, mất một tuần lễ nên mẹ cũng ráng dành dụm vài ngàn bạc cho thằng con trai đi thi.  Tôi đi thi, bài vỡ làm ngon lành, và tính toán lại, tôi chắc chắn rằng mình sẽ đậu.
 
Một tháng sau, ở Nha Trang treo bảng kết quả, trường LaSan Ban Mê Thuột gởi một người xuống coi và đem danh sách về.  Tên tôi không có trong những người thi đậu.  Đối với tôi, trời đã sụp xuống đầu tôi.
 
Khỏi cần nói, ai cũng biết tôi đã buồn như thế nào.  Hồi đó đã có câu, “Đệ Nhất buồn là cái hỏng thi.”  Với tôi, chẳng những buồn, mà còn cảm thấy nhục nữa.  Buồn tôi có thể chịu được, nhưng nhục thì không bao giờ.  Tôi chẳng dám nhìn mặt mẹ tôi, đừng nói gì đến thân phụ.  Nhìn thấy người ở xa là tôi đã trốn biệt, khuất mắt người.  Tôi đã làm phụ lòng không biết bao nhiêu người.  Tôi chẳng đáng sinh ra, chẳng đáng sống.  Thật ra, tôi chỉ muốn chết nhưng không chết được.
 
Nhưng người mẹ. làm như trời sinh ra để thương yêu, tha thứ, và hiểu con cái mình, một buổi chiều nọ, mẹ ngồi xuống bên tôi, dịu dàng vuốt tóc tôi, nói mà như muốn khóc  “Con đừng buồn quá con ơi, Học Tài Thi Phận mà con.”  Tôi biết mẹ nói thế để cho tôi bớt buồn, nhưng riêng tôi, tôi không thể nào tha thứ cho tôi được.  Tôi chính là người phải khóc để cầu xin sự tha thứ, nhưng không khóc được, mẹ lại muốn khóc cho tôi.  Đó chính là một lúc mà tôi hiểu được tình mẫu tử nó to lớn như thế nào…
 
Sau đó không lâu, tôi nhớ mãi, lại một buổi chiều nữa, mẹ đi đâu về không biết, đến ngối bên tôi, mặt mày tươi như hoa nở, đưa cho tôi một chiếc hộp nhỏ có ruy bông màu vàng.  Tôi mở ra và nhìn thấy đó là một cái đồng hồ Timex có hộp chỉ ngày.  Trong lúc tôi đang sửng sờ, mẹ tôi nhìn tôi âu yếm và hãnh diện nói:
 
-Má cho con đó.
 
Tôi ngạc nhiên mừng rở, nhưng ú ớ, nói không ra tiếng:
 
-Nhưng con thi rớt, sao má lại mua đồng hồ cho con?
 
Mẹ nhìn tôi, cười rất dịu dàng và âu yếm nói:
 
-Đậu hay rớt, chuyện đó không quan trọng con ơi.  Cái quan trọng là con đã cố gắng hết lòng hết sức mình.  Con đừng buồn nữa con trai…
 
Nói đến đó, nước mắt mẹ trào ra, và ôm tôi mà khóc.  Tôi cũng ôm mẹ và hai mẹ con cùng khóc.  Hai con người thất thế, cùng nghèo khổ, cùng thua cuộc, ôm nhau khóc trong một trạng huống bi thương nhưng thông hiểu được nhau.  Cả hai chúng tôi đều là những kẻ bại trận.  Mẹ thì nghèo khổ, tôi thì thi rớt.  Chúng tôi đã thua số mạng, thua cuộc đời…
 
Lúc ấy, tôi nhận ra rằng lòng mẹ thương con rất là to lớn, không giới hạn.  Tôi đã thi rớt, mẹ chẳng buồn, chẳng than phiền, chẳng chửi bới, lại tặng cho tôi món quà mà tôi không xứng đáng để đón nhận, trong khi nhà tôi nghèo lắm, cơm ăn chạy từng bữa chưa chắc đã có.  Tôi không biết mẹ đào đâu ra tiền để mua cho tôi cái đồng hồ này, dù Timex là thứ đồng hồ rẻ tiền nhất Việt Nam lúc đó.
 
Nhờ hành động này của mẹ mà suốt cuộc đời tôi, tôi luôn luôn tập tha thứ, tập sống quảng đại—tôi phải “Tập” bởi vì tôi vốn là một con người hẹp hòi, khắc khe.  Quan trọng hơn cả, tôi luôn luôn đứng về phía những người nghèo khổ, những kẻ thấp cổ bé miệng, những người bị thiệt thòi, chân lấm tay bùn và cùng đinh trong xã hội.  Tôi không thể nào chịu được sự bất công, dù nó đến từ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
 
Ngày hôm sau, bạn bè trong trường lé mắt khi thấy thằng Nhị đen nghèo khổ đeo được cái đồng hồ mới, dù là thứ đồng hồ rẻ tiền nhất Việt Nam, nhưng mặt cứ vênh lên tới trời…  (Chuyện này dễ hiểu, quí vị có thể thông cảm được)
 
Vài tuần sau, tôi đi học vể và ngạc nhiên khi thấy thân phụ đứng chờ tôi trước nhà, mặt mày tươi rói lên.  Đây quả lạ một chuyện lạ.  Mà thật, thân phụ nói:
 
-Con thi đậu Trung Học rồi.
 
Tôi chưng hửng, ngạc nhiên nói:
 
-Trường nói con rớt mà?
 
-Không, chị Ngọc đi coi bảng ở Nha Trang, và chị thấy tên con.
 
Thì ra, cái thằng khốn nạn mà trường Lasan gởi đi coi bảng, vì một lý do nào đó đã bỏ sót tên tôi.  Mấy tháng sau, tôi lấy được chứng chỉ của bằng Trung Học Đệ Nhất Câp.
 
Đây là một câu chuyện nhỏ của một thằng học sinh con nhà nghèo trường LaSan Ban Mê Thuột.  Chuyện tầm thường, chằng hay ho đặc sắc gì, nhưng, nhân ngày Lễ Mẹ, tôi viết để kính dâng hương hồn Mẹ tôi và chia sẻ với anh chị em.  Xin cám ơn đã bỏ thì giờ đọc bài này và chúc tất cả mọi người một Ngày Lễ Mẹ vui vẻ, bình an.
 
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
 5/10/2020, Ngày Lễ Mẹ

Không có nhận xét nào: