Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

19/8 /1945 - VIỆT MINH CƯỚP CHÍNH QUYỀN * - Lê thị Thu-Hương


Em gửi đến Thầy một tâm thư viết từ một học trò cũ của Thầy sáu mươi năm trước, từ lương tâm của một cô giáo trung học, và từ trong tim của một người mẹ có ba con còn quá nhỏ, lênh đênh trên biển Đông năm nào trên đường tìm sự sống và tự do cho các con.
Kinh Thầy Phạm Cao Dương,
Từ ngày biết đọc, em được đọc khá nhiều huyền sử hay dã sử có các tranh vẽ đen trắng. Em như lạc vào vùng chữ nghĩa.
Em đưọc học Sử với những thăng trầm qua các triều đại Lê, Lý, Trần. Triều Nguyễn với Bảo Đại, vị vua cuối cùng dòng họ Nguyễn cũng là vị vua cuối của Việt Nam để lại trong tâm hồn em niềm tự hào dân tộc.
<!>
Em luôn nhớ đến tiền nhân ngày lập quốc, nhớ tên các danh tướng, các trận thua thắng với giặc Tầu. Kinh phục và yêu mến các vị nữ anh thư như Bà Triệu và Hai Bà Trưng. Em biết trong hơi thở của em, trong máu em và trong suy tư của riêng em là những thăng trầm của dân tộc. Giải chữ S tuy nhỏ, nhưng rất đẹp vì dân tộc Việt Nam tử sinh từ ngày lập quốc cho tới nay và là nơi em chào đời với bao tình tự quê hương.

Em được học với Thầy Phạm Cao Dương hai năm ở Đại Học Văn Khoa 1960-1970 và Đại Học Sư Phạm Saigon khóa cấp tốc 1969-1970.

Sau nhiều năm, một hôm tình cờ, em đọc được bài Thầy đăng trên báo điện tử Việt Thức. Thầy trò nhận nhau trên đất nước chúng ta không bao giờ nghĩ đến trong đời. Ngày hội ngộ 40 năm Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Saigon ở tiểu bang California nước Mỹ Thầy trò có dịp gặp lại nhau. Thầy trò có dịp trò truyên, tình thân hơn ngày em và Thầy còn quá trẻ. Nghe tin Thầy sẽ xuất bản cuốn Sử Việt Nam. Một cuốn sử với các trang sử ít người Việt biết. Thầy đã sưu tầm rất nhiều tài liệu, chắt lọc và với lương tâm một Sử Gia chân chính đã sống, đã thấy tận mắt những gì xảy ra cho nước Việt Nam. Bổn phận và trách nhiệm của một sử gia chân chính, yêu Việt Nam và ước nguyện để lại cho các thế hệ sau những gì trung thực xảy ra trong một thời gian quá ngắn của buổi giao thời. Cộng Sản Việt Nam cố tình bưng bít và bôi nhọ những người yêu nước trong buổi tranh tối tranh sáng của quê hương. Xuyên tạc sự thật là đường lối độc nhất của Cộng Sản Việt.
Hơn bao giờ hết Thầy có tự do để viết mà không chịu một áp lực nào dù của Cộng Sản Việt hay đám người ham danh vọng cố tình dấu đi những dữ kiện quan trọng cho một cuốn sử. Em biết Thầy sẽ có những giấc ngủ êm đềm những ngày tháng tới ở tuổi trên đường tới chín mươi. Thầy không còn phải trăn trở cho nguyện vọng của một sử gia .

Cuốn Sử thầy ấp ủ bao nhiêu năm đã được ra đời với cái tựa mang đầy đủ hình ảnh và chuyên chở những gì thực sự đã xảy ra trong thời điểm Việt Nam ở vào buổi giao thời, trước khi Cộng Sản Việt Nam đưa toàn dân vào thời kỳ đầy xương máu, điêu tàn và hủy hoại những gì tổ tiên tài bồi từ hơn 4000 năm:
"Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới, Bảo Đại - Trần Trọng Kim và ĐẾ QUỐC VIỆT NAM (09/03/1945 – 30/08/1945)"

Em đọc và khâm phục Thầy trong suy tư, trong lương tâm và lòng quí mến của một cô giáo đã được học với Thầy ngày còn trẻ. Em biết khá nhiều về vị vua trẻ, vị vua cuối cùng triều đại Nhà Nguyễn qua sách vở, nhưng quan trọng nhất là qua bố em, người đã sống, đã thấy, đã đọc và biết về một vị vua trẻ không những chống Pháp trong tư tưởng (không lấy vợ Pháp) mà lấy con nhà dân. không nhiều thê thiếp như các vị vua khác. Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong một thời gian ngắn đã qui tụ rất nhiều người trí thức yêu nước tuyệt đối của Việt Nam. Còn nhiều nữa nhưng trang giấy có hạn. Những người chứng kiến và hiểu biết khoảng thời gian quan trọng năm 1945 rất ít và nếu có cũng chẳng ai nghĩ đến viết lách như bố em, một nhà giáo với lương tâm một người có học cho dù ông không theo bất cứ đảng phái nào. Nghe được từ bố em ngày em học trung học, những hiểu biết đó nằm sâu trong các tế bào óc, được cất giữ bởi thời gian và hoàn cảnh nhưng em cũng tự hỏi có ai viết được trang sử này cho em thỏa lòng vì em mất niềm tin với người Cộng Sản Việt Nam từ ngày em bé tí teo sống trong vùng Cộng Sản.

Được đọc cuốn sử vừa xuất bản, em cám ơn Thầy đã viết, nghiên cứu tài liệu với lương tâm của một Sử Gia chân chính, luơng tâm, bổn phận và trung thực… cho thế hệ mai sau, không viết cuờng điệu, không viết sai sự thật.

Em ngạc nhiên và khâm phục Thầy người đã ấp ủ một cuốn sử một đời Thầy với những công trình nghiên cứu, sưu tầm, chắt lọc những dữ kiện với đầy đủ chi tiết xác thực cho người đọc và các thế hệ mai sau am hiểu tường tận những gì một sử gia chân chính để lại.
Em cám ơn thế hệ Thầy và những người cùng thế hệ Thầy đã thấy, đã sống, đã trải nghiệm những thăng trầm của quê hương trong thời gian Cộng Sản Việt Nam thanh toán các đảng phái và những người yêu quê hương không theo Cộng Sản Tầu và Cộng Sản Quốc Tế. Cộng Sản Việt bôi nhọ và thủ tiêu những người yêu nước nhất là những trí thức yêu nước vì ai cũng hiểu Cộng Sản không có nhân tài, ngoài thủ đoạn giết người và làm tay sai hay chư hầu cho hai cường quốc Tầu và Nga. Sau ba phần tư thế kỷ, cái kim dấu kín trong tăm tối cũng nhô ra ánh sáng.

Em muốn nhấn mạnh một sự kiện cần có như một định đề toán học ắt phải có... cho một sử gia. Sử Gia Phạm Cao Dương, đã sống trong thời Cộng Sản, đã sống trong tự do ở miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà và đang sống ở Mỹ. Một sử gia được đào tạo chuyên nghiệp, thông thạo nhiều ngoại ngữ, có đủ điều kiện để viết, viết với lương tâm của người viết sử chân chính là trung thực với mọi chi tiết đã xảy ra trong quá khứ. Cuốn sử phải trung thực để con cháu biết, học hỏi và tránh bánh xe cũ đưa dân tộc Việt Nam vào tang thương, vào xương máu.

Em may mắn được tiếp chuyện với Thầy và chị nhiều lần trên điện thoại. Thầy hiền lành và chân tình lắm. Thầy đã dạy bao ngàn sinh viên trong cuộc đời. Tuy sức khỏe yếu kém, thầy vẫn viết không ngưng nghỉ, viết như một nhu cầu cần có vì sợ không còn có nhiều thời gian để viết những gì một Sử Gia chân chính cần viết cho những thế hệ trẻ sau này.

Năm 2019 Thầy đã xuất bản cuốn "Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại Và Hiểm Họa Bắc Phương"
Một tuyển tập những bài viết có giá trị trong nhiều năm qua. Sức mạnh của khối người Việt Nam chạy ra biển Đông tìm đường sống trong cái chết sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Sức mạnh của khối người Việt chạy ra biển đông, chết hơn nửa triệu không đến được bờ tự do, được gọi là Thuyền Nhân tị nạn, đã đánh thức lương tâm nhân loại. Cộng Sản không thể bôi nhọ hay xoá tên Thuyền Nhân, Bộ Nhân tị nạn trong lịch sử Việt Nam. Sức mạnh của khoảng trên năm trăm ngàn người theo chương trình O.D.P (the Orderly Departure Program) qua diện H.O (Humanitarian Operation) cho quân cán chính của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà bị hành hạ trong các trại cải tạo lớn của Cộng Sản Việt. Tất cả đã góp phần vào sự hình thành và phát triển nhanh chóng của Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại

Người Việt tị nạn Cộng Sản sống trên năm châu, hội nhập vào đời sống các quốc gia họ đến, đã đạt được những chức vụ quan trọng trong chính quyền hay ngoài xã hội trên phần đất tạm dung nhưng nay đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Tuổi trẻ Việt Nam Hải Ngoại đạt được những thành công vượt bực trong mọi lãnh vực. Khối người Việt Nam Hải Ngoại là kho tàng vô giá cho Việt Nam hiện tại và tương lai. Đầu thế kỷ XXI một SIÊU QUỐC GIA VIỆT NAM, không còn là điều không tưởng. SIÊU QUỐC GIA VIỆT NAM không có lãnh thổ, không có chính quyền, không có thủ đô nhưng tất cả đều nằm sâu thẳm trong lòng mọi người dân của SIÊU QUỐC GIA ấy… Chúng ta có chung một lịch sử, chung một nguồn gốc, chung tiếng nói, chung phong tục tập quán và đã phải ra đi trong cùng một hoàn cảnh, môt thời điểm . “ Từ sau năm 1975, mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ.” (trang 63)

Em gửi đến Thầy một tâm thư viết từ một học trò cũ của Thầy sáu mươi năm trước, từ lương tâm của một cô giáo trung học, và từ trong tim của một người mẹ có ba con còn quá nhỏ, lênh đênh trên biển Đông năm nào trên đường tìm sự sống và tự do cho các con.

Kính Thầy,
Học trò cũ của Thầy

Lê thị Thu-Hương
Cornville, Arizona, Mỹ Quốc

Không có nhận xét nào: