Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Phạm Toàn người hạnh phúc - Mạc Văn Trang


(Đọc tại Lễ tang Nhà giáo Phạm Toàn, sáng 28/6/2019)

Trên bình diện xã hội, Phạm Toàn luôn trăn trở biết bao điều, nhiều lần Anh không sao cầm được nước mắt… Nhưng nếu xét về phương diện cá nhân, Phạm Toàn thật là NGƯỜI HẠNH PHÚC.

1. Nếu hạnh phúc (HP) là đạt được những ước mong sau bao nỗ lực kiếm tìm, thì đây. Sau mấy chục năm tìm tòi thể nghiệm từ viết Văn, làm Thơ, dạy học, viết sách, dịch sách, nghiên cứu, huấn luyện giáo viên, ở lĩnh vực nào Phạm Toàn (PT) cũng đạt được những thành tựu, nhưng tất cả vẫn chưa phải điều PT mong ước nhất…
<!>

Mãi đến năm 2009, khi bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, một cơ duyên kỳ ngộ, khiến PT quyết định theo “Hướng đi và Cách làm” giáo duc (chữ của Hồ Ngọc Đại) đúng với tâm nguyện của mình. Đó là “khởi nghiệp”, lập ra nhóm CÁNH BUỒM (CB) để biên soạn sách Văn, Tiếng Việt dạy cho trẻ em. Thế rồi PT cứ cuốn theo sự trưởng thành của học sinh từ lớp 1, lên lớp 2 và dần dần đến lớp 9…

Toàn bộ tài năng, sức lực, tâm huyết PT đã gửi tất cả vào sự nghiệp này. Đó là thành tựu quý giá PT và các cộng sự đã tạo ra, dẫu còn thiếu, còn cần hoàn thiện hơn… Nhưng những gì CB đem lại cho học sinh là cái tin cậy, để những điều học sinh lĩnh hội được sẽ là vốn quý suốt đời, không phải vứt đi, học lại…

Chừng ấy thôi, đã là hạnh phúc lớn lao của những ai tha thiết muốn làm được điều gì đó, muốn để lại cái gì đó có ích cho đời.

2. Nếu HP là trong đời có những người bạn tri âm, tri kỷ, thì PT thật HP. Anh có những người bạn từ thuở hàn vi, nay ngoài 80 tuổi, cứ gặp nhau là “mày – tao” tíu tít. Anh có nhóm CB, những người từ hai bàn tay trắng gắn bó với nhau, đầu tắt mặt tối, chia ngọt sẻ bùi, thân thiết, trung thành, theo đuổi một công việc đến cùng; PT có mấy chục cộng tác viên, từ anh sinh viên trẻ đến nhà Kiều học ngoài 90 tuổi; từ người ở trong nước khắp Bắc, Trung, Nam đến người ở nước ngoài: Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Úc… – những người được PT chọn mặt gửi vàng, đã vô tư hiến tặng cho Anh những đóng góp cụ thể vào bộ sách CB, với tất cả tâm huyết, trí tuệ, mà không ai nghĩ đến thù lao!

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước là người Chị, người bạn thân thiết của CB. Thỉnh thoảng bà lại gọi CB đến chơi, “nói cho chị, xem CB làm được đến đâu rồi”? Bà bảo, PT và các em “tay không bắt giặc”, thiệt là giỏi! Bà viết sách được 20 triệu đồng cũng đưa tất cả cho nhóm CB… PT và nhóm CB làm được như vậy cũng nhờ bao tấm lòng thơm thảo, tin cậy, mến yêu giúp đỡ tạo điều kiện. Nhà XB Tri Thức do Chu Hảo làm Giám đốc đã in tất cả sách CB; Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace 24 Tràng Tiền, sẵn sàng cho mượn địa điểm tổ chức các cuộc hội thảo…

Trong một xã hội nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, đầy dối trá, PT như một thỏi nam châm hút về mình những tấm lòng tử tế, những tinh hoa góp sức làm nên bộ sách CB. Hạnh phúc nào bằng, khi PT có được những bạn bè tin cậy đến như thế!

3. Nếu HP của người Thầy là truyền đạt được những gì mình mong ước cho học trò một cách tin cậy, thì PT là người thầy HP. Sách CB “3 trong Một”: vừa là sách hướng dẫn giáo viện; vừa là sách cho học sinh tự học; cũng là sách hướng dẫn làm bài tập. PT làm được như vậy, vì anh tích hợp trong mình ba năng lực cơ bản: PT là nhà văn + nhà giáo + nhà nghiên cứu Tâm lý học, Giáo dục học. Đặc biệt PT đã đúc kết “Nghề dạy Văn” trước đó và hiện đại hóa nó, khi cùng làm việc với Hồ Ngọc Đại tại Trung tâm CNGD từ 1980 đến 2000, rồi vận dụng sáng tạo vào Giáo dục CB thành công. PT chọn được CÁI (nội dung) phù hợp logic phát triển của HS và có CÁCH (phương pháp) phù hợp với mỗi CÁI; Cho nên PT tách ra, dạy Văn theo “CÁCH” NGHỆ THUẬT và dạy Tiếng Việt theo “CÁCH” KHOA HỌC.

Triết lý của PT: Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thế hệ trẻ. Các giáo viên và cha mẹ học sinh là những người theo sát từng bước trưởng thành của con trẻ, đã gửi trọn niềm tin ở Thầy Toàn. Còn trẻ em, qua mỗi bài học lại tích lũy được những điều mới lạ, bổ ích, lý thú, để phát triển thêm từng bước. Phát triển là hạnh phúc của trẻ em mỗi ngày đến trường. Nhìn tấm hình lũ trẻ sau giờ học xúm vào ôm vai, bá cổ Thầy Toàn, biết anh hạnh phúc nhường nào!

4. Nếu HP gắn liền với Tự do thì PT đã có HP. PT đã vượt qua được nhiều định kiến, ràng buộc để tự do suy nghĩ, tự do yêu thích, tự do chọn lựa, tự do hành động, dám sống chân thật đúng với bản tính của mình. Trong một thể chế kiểm duyệt mọi thứ, nhưng PT vẫn thực hiện được “quyền ta ta cứ làm” (chữ của Nguyễn Quang A), và PT đã làm được phần lớn những gì anh tha thiết, trong tầm tay của mình. Thời buổi này, mấy ai đã có được hạnh phúc này, như PT!
5. PT là người đa tài. Lắm tài thường nhiều tật. “Lang bang, phóng túng là bản chất của sáng tạo” (câu của François Mitterrand, cố Tổng thống Pháp), PT đã sống như vậy. Nhưng Gia đình, những người thân yêu dường như đều vượt qua mọi thị phi, thấu hiểu anh, chấp nhận cá tính của PT trong niềm yêu thương sâu thẳm, lớn lao… PT đang được bao bọc bởi tình yêu vô hạn của anh em, con cháu trong một gia đình lớn và đông đảo bạn bè quý mến. Vậy HP nào bằng!

PT ơi, khi tôi đọc cho Anh nghe, “duyệt” bài viết này, Anh đã gật đầu, nắm chặt tay tôi, mỉm cười, mãn nguyện.

Hôm nay, những người thân yêu của gia đình và bạn bè có mặt đông đủ ở đây tiễn Anh ra đi. Hãy mang niềm HP trần gian, mà Anh đã chắt chịu cả một đời, với bao nỗ lực phi thường mới có được, tiếp tục cuộc phiêu du trong thế giới vô hình.

Mọi người vẫn luôn nhớ đến Anh !

Vĩnh biệt Anh !

Mạc Văn Trang





ANH ĐÃ RA ĐI LÚC 6 GIỜ 42 PHÚT SÁNG NAY!
VĨNH BIỆT ANH! YÊU ANH!

Phạm Toàn, với tôi, là gì? Là nhiều thứ lắm!
Nhà giáo tận tuỵ yêu thương trò; nhà giáo dục đầy kiến văn và kinh nghiệm giảng dạy theo nguyên lý giáo dục hiện đại, mang tính cách mạng đối với giáo dục Việt Nam; người tổ chức thực hành gíao dục kiên định và kiên trì, đem lại kết quả thực tiễn; người thầy-nghệ sĩ.
Nhà trí thức cả đời khắc khoải tìm lẽ sống đời mình, cống hiến hết mình cho xã hội, say mê làm việc với năng lượng phi thường ngay ở tuổi U90.
Người công dân yêu nước, yêu tự do dân chủ, khẳng khái, không sợ bạo quyền, tận tình với bạn bè đồng chí.
Con người rất tình cảm, yêu ghét phân minh nhưng bao dung và hồn hậu, hài hước, trẻ trung đến những ngày cuối đời, một “lão ngoan đồng”. Trẻ con và phụ nữ rất mến anh!
Người bạn tâm đầu, người anh nêu gương, người truyền cảm hứng cho tôi ở cuối đời.
CHIỀU NAY, TỰ NHIÊN THẤY PHẢI BẮT ĐẦU GHI LẠI NHỮNG KỶ NIỆM VỚI ANH. ĐÚNG 5 TIẾNG SAU THÌ NHẬN TIN ANH RA ĐI!
Những ngày này, mỗi ngày ngóng tin về bệnh tình của anh, chắc là những ngày cuối cùng của đời anh, mấy tháng sau khi bệnh viện phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối đã di căn nhiều chỗ, và cho anh về nhà tĩnh dưỡng mà không điều trị… Tôi ngồi nhớ lại…
Linh cảm xấu đã có ngay từ trước Tết, lần đầu tiên anh bỏ cuộc vui gặp mặt các thân hữu mạng Văn Việt mà tôi mời ngay quán ăn bên dưới nhà anh. Rồi các con anh tổ chức mừng Thọ cho cho bố và 3 bạn đồng tuế vào đầu tháng 3. Anh nói nhỏ với tôi: Một mắt mình không nhìn được nữa! Cái vẻ xúc động hơi lạ thường của anh khi nhận chiếc bánh sinh nhật rất đẹp của Văn Việt. Rồi khi phỏng vấn 4 anh, tôi hỏi “Trong đời, anh buồn nhất điều gì?”, anh nói, nghe thật thương: “Không muốn chết! Tiếc! Muốn làm việc!” (anh sợ không đủ thời gian hoàn tất bộ sách dạy Văn, tiếng Việt cho cấp Ba).
Ảnh và video:

- Bức ảnh cuối cùng vợ chồng tôi với anh khi đến mừng căn hộ mới của anh ở Long Biên (trước Tết)
- Anh nhận bánh mừng Thọ của Văn Việt (tháng 3/2019)
- Video buổi mừng Thọ
- Anh trả lời phỏng vấn của Văn Việt

https://www.youtube.com/watch?v=WmOQSOipmPw&t=439s
https://www.youtube.com/watch?v=ciVR9XOiwlA&t=20s

Người sống gấp

Phạm Tường Vân

Gặp ông lần đầu trong đám tang bác Lê Đạt, năm 2008. Khi mình rời nhà tang lễ ra về, ông đến bên hỏi vừa đủ nghe : “Có phải Phạm Tường Vân không?”. Mình hơi e dè. Ông cười : “Không phải công an đâu! À mà cái bài đấy khá, tôi thích”. Bài mình phỏng vấn bác Đạt dài mấy ngàn từ, BBC mới tải lên lúc nửa đêm, để đọc nó rồi đến tang lễ, chắc ông phải dậy rất sớm.

Thế là mình theo ông ra quán cafe vỉa hè Tăng Bạt Hổ. Ông khẽ khàng đặt cái muỗng xuống bên cạnh ly trà, hạ giọng: “Chúng tôi chả còn mấy thời gian nữa. Có lợi dụng gì thì lợi dụng nhanh lên.”

“Lợi dụng” ở đây là đặt bài, tham vấn, lục tìm tư liệu các thứ. Ông phản hồi nhanh, đặc biệt là không quên điều gì, tên người, tình tiết, sự việc và luôn chỉ ngay cho ai, nơi nào cung cấp dữ liệu tốt nhất cho điều mình tìm kiếm.

Một lần sáng sớm, ông gọi, giọng nửa đùa nửa thật: “Có cái thằng khỉ xem tử vi, bảo năm nay chú chết!”. Mình nói luôn: “Chú còn nợ tình nhiều lắm, trời nào cho đi?”. Từ ngày ấy đến giờ là hẳn 10 năm. Nhưng có lẽ từ hôm ấy, ông Toàn “sống gấp” hơn hẳn. Vài tháng sau ông ra mắt dự án Cánh Buồm. Rồi tham gia lập trang bauxitevietnam.

Sắc, gọn, hiệu quả, nghiêm túc và quyết liệt đến cực đoan, cứ như nghe tiếng Thần Chết thở hổn hển đằng sau – đấy là ông Phạm Toàn trí thức. Nhưng chính bằng cách ấy, ông đánh thức những xung động còn ngủ yên, tạo tiền đề cho những cuộc tranh luận mở, “thúc đẩy xã hội dân sự – nơi các nhóm khác nhau với quan điểm và triết lý khác nhau chủ động tham gia vào đời sống xã hội mà không cần chờ ai cho phép”.

Nhưng còn hẳn một ông Châu Diên nhà văn chủ trương viết sạch, viết đẹp, cực kỳ gallant, điệu ơi là điệu và duyên ơi là duyên nữa. Mình gặp ông đâu như 8 lần, lần thì ông semi linen trắng quần khaki trắng, lần thì T-shirt trắng quần đen, giọng thì ấm, đài từ tròn vành, rõ nét, đầy sinh khí và cả khi dùng đại từ thân mật thì vẫn lịch duyệt.

Lần nào gặp mặt hoặc qua điện thoại, ông đều truy vấn: “Dạo này hẹn hò đứa nào?”. Mình e hèm: “Bí mật”. Ông cười ha ha: “Yêu mà phải bí mật thì vứt mẹ nó đi!” Xong ra sức dìm hàng, mớm cung: “Dạo này mày viết ít đi, chú biết là chuyện yêu đương lại không như ý.” Rồi ra sức xúi bẩy: “Yêu bỏ mẹ đi, sợ chó gì! Nhìn ông Toàn đây này!”

Vầng, ai mà theo chú cho được. 88 năm cuộc đời, đếm không xuể số tim đã đốn, nhưng yêu ai thì đều có cam kết và đàng hoàng cho người phụ nữ của mình một danh phận. Thế nên hình như người nào cũng yêu ông thật là lâu, và cả người cũ của ông lẫn người cũ của người ấy đều không oán trách mà “chung sống hoà bình” một cách rất nghĩa tình. Có lần ghé thăm ông ở căn hộ cao cấp tại Ciputra, thấy ông hớn hở khoe nồi cá kho vợ cũ làm sẵn gửi cho ông và người tình tóc vàng của ông thời điểm đó. Lần khác qua điện thoại, giọng ông nghèn nghẹn: “Bà ấy ốm lắm, chú buồn quá”. Ông về ở bên bà những ngày tháng cuối. Rồi hôm kia nghe chị Hiền con gái ông trân trọng nói về nữ cộng sự trẻ ở bên chăm sóc ông đến tận giây phút ông trút hơi thở cuối cùng, thấy cuộc đời thật là dịu dàng.

Làm được bao nhiêu việc có ý nghĩa, nói bao người lắng nghe, mắng bao nhiêu đứa phải cúi mặt, muốn làm cho ai đó cười cũng hiếm người giỏi bằng ông. Rồi đến hôm nay, ông khiến cho bao nhiêu người bật khóc.

Sống thế mới là sống, “Lão Ngoan Đồng” nhỉ. Và thế, cháu tin rằng chú chẳng còn điều gì để tiếc nuối nữa.

Nhẹ bay về miền ánh sáng chú nhé. Nơi những bè bạn chưa bao giờ hết mến thương đang đợi chú.

Nơi ấy không cần chú xắn tay cải cách gì nữa cả. Chỉ việc yêu và viết về những điều đẹp đẽ.

Phạm Tường Vân


NGUỒN : FB Phạm Tường Vân

Không có nhận xét nào: