Mỗi quốc gia có tập quán, văn hóa riêng biệt, việc gì người trong nước thấy bình thường chắc chắn sẽ có người ngoại quốc trợn mắt trừng trừng không hiểu. Xóm tôi ngày xưa có vợ ông Tôm Càng bán chè rong. Tôi không hiểu tại sao hàng xóm lại gọi là ông Tôm Càng vì tôi đã nghe người ta gọi như thế khi tôi còn nhỏ. Một lần bố tôi và tôi ngồi trên ban công nhìn xuống hẻm xem một bà gánh rong bán tầu hủ ngọt, ông Tôm Càng và đứa con nhỏ ngồi mà chỉ có ông ta ăn. Bố tôi chỉ trích ông ta thậm tệ, nói là làm sao một người cha có thể ăn một mình trước mặt con mà không cho con ăn. Nếu ăn thì, theo bố tôi, cả hai cha con phải cùng ăn. Bài học ngụ ngôn bố dạy tôi nhớ mãi nên khi tôi lập gia đình, có con, mỗi lúc tôi thèm ăn món gì thì tôi trốn ăn... một mình, không bao giờ cho con biết!
<!>
<!>
Mỗi trưa khi nấu chè xong, bà ta đặt gánh ở hiên nhà trước khi đi bán. Một hôm tôi chơi rượt bắt, chạy luồn dưới gánh khi bị mấy đứa nhỏ khác rượt. Bà tóm tôi lại, bắt đi ngược trở lại dưới gánh. Bấy giờ tôi không hiểu tại sao, sau này lớn lên tôi mới biết những người bán hàng tin dị đoan là nếu chưa có ai mua mở hàng mà có người chui qua dưới gánh là xui. Một niềm tin vô căn cứ.
Đây là những phong tục tập quán ở nước Mỹ khác biệt với Á Châu hay Âu Châu, tôi xin liệt kê -không xếp theo thứ tự- để người ngoại quốc đến Mỹ du lịch sẽ không bỡ ngỡ:
1. Thuế hàng hóa (sales tax): Rất nhiều người ngoại quốc than phiền khi mua sắm ở Hoa Kỳ: họ tưởng giá niêm yết trên món hàng là giá phải trả, nào ngờ khi ra tính tiền thì bị tính thêm sales tax.
Giá niêm yết của một món hàng ở Mỹ chưa kể sales tax, sẽ được cộng vào khi tính tiền. Trong khi ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, giá niêm yết bán đã bao gồm thuế VAT -Value Added Tax. Ở Âu Châu, thuế VAT là 21.5%. Ở Việt Nam thuế VAT là 10%, đôi lúc cộng thêm thuế SCT - Special Sales Tax, 70%.
Nếu ai không thích trả thêm sales tax ở Mỹ thì đến bốn tiểu bang này mua sắm vì hoàn toàn không có thuế hàng hóa, giá sao bán vậy: Delaware, Montana, Oregon và New Hampshire. Có thêm tiểu bang thứ năm Alaska cũng không đánh thuế hàng hóa, nhưng cho chính quyền địa phương tùy ý quyết định nên ở Alaska thuế hàng hóa rất thấp: chính quyền địa phương đánh thuế sales tax 1.69%.
Còn lại 45 tiểu bang kia thì nơi nào cũng có sales tax. Thuế này bao gồm thuế tiểu bang, địa phương (như county), thành phố, và khác nhau khắp nơi. Thí dụ như ở Las Vegas (tiểu bang Nevada), sales tax là 8.25%; ở New York City (tiểu bang New York), sales tax là 8.875%.
Ở California, tiểu bang và địa phương ấn định sales tax là 7.25% (tiểu bang 6% + địa phương 1.25%). Thế nhưng không phải chỉ có 7.25% vì thành phố cộng thêm thuế riêng của họ vào. Tôi liệt kê sau đây sales tax ở các thành phố California có người Việt đông nhất, thứ tự từ cao đến thấp:
Los Angeles: 9.50%
San Jose: 9.25%
Garden Grove: 8.75%
San Diego: 7.75%
Simi Valley: 7.25%
Nói thí dụ một người mua một chiếc xe hơi ở California giá là $100,000 dollars. Giá này phải cộng thêm sales tax. Ở Los Angeles, sales tax là $9500 dollars. Ở San Jose, sales tax là $9250 dollars. Ở Garden Grove, sales tax là $8750 dollars. Ở San Diego, sales tax là $7750 dollars, và ở Simi Valley, sales tax là $7250 dollars.
2. Nghỉ hè: Dân Mỹ đi nghỉ hè ít so với Âu Châu. Theo Hiệp Hội Du Lịch Hoa Kỳ, vào năm 2017 dân Mỹ đi vacation chỉ có 17.2 ngày.
Đây là các quốc gia mà dân đi du lịch nhiều nhất thế giới, tính theo ngày trong một năm (theo trang mạng Travel Channel):
- Đi nghỉ hè 30 ngày/ một năm: Ba-Tây, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.
- Đi nghỉ hè 28 ngày/ một năm: Đan Mạch.
- Đi nghỉ hè 27 ngày/ một năm: United Arab Emirates.
- Đi nghỉ hè 25 ngày/ một năm: Thụy Điển, Áo, Na Uy, Thụy Sĩ.
Ba quốc gia nói tiếng Anh người Việt ở nhiều nhất lại là một trong những quốc gia đi nghỉ hè ít nhất:
- Đi nghỉ hè 17 ngày/ một năm: Hoa Kỳ.
- Đi nghỉ hè 14 ngày/ một năm: Úc, Canada.
Những quốc gia dân đi vacation nhiều nhất, 30 ngày nghỉ hè trong một năm, thì được sở làm trả một năm 30 ngày vacation có lương. Trong khi ở Hoa Kỳ và Canda, nhân viên mới làm một năm chỉ được hãng trả 10 ngày (hai tuần) vacation có lương, 5 năm được hãng trả 15 ngày (ba tuần) vacation có lương, và 20 năm thì được hãng trả 20 ngày (bốn tuần) vacation có lương. Ở Úc, nhân viên mới bắt đầu làm năm thứ nhất đã được trả 20 ngày (bốn tuần) vacation có lương.
3. Nhà thuốc Tây: Ở khắp nơi trên thế giới, nhà thuốc Tây chỉ bán thuốc, không bán gì hơn. Trong khi ở Mỹ, nhà thuốc Tây thường chỉ là một góc nhỏ của một tiệm thật to bán chạp phô đủ thứ hầm bà lằng khác: thuốc, đồ chơi, đồ trang điểm, quần áo, nước uống, thức ăn, báo chí, thiệp chúc mừng, rửa hình..., trăm thứ khác nhau. Nói tóm lại là nếu cần những thứ lặt vặt dùng trong nhà thì đến nhà thuốc Tây mua.
4. Nước soda uống thêm mấy lần cũng không tính tiền: Một khi đã trả tiền mua một ly nước soda, những tiệm ăn fast food như MacDonald's, Burger King, và ngay cả phần lớn các nhà hàng đều cho uống thêm vô giới hạn, miễn phí. Trái lại, vào năm 2017, Pháp cấm tiệm ăn không cho khách uống ly soda thứ hai miễn phí vì không muốn dân Pháp... mập.
5. Mua mà không thích? Trả lại!: Hầu hết các hãng lớn ở Hoa Kỳ đều cho phép khách mua trả lại món hàng nếu không thích. Amazon, Costco, eBay, WalMart, Sam's Club, Lowe's, Home Depot.., đều cho phép khách trả lại hàng đã mua.
Tôi mua hầu hết mọi thứ cần dùng trên Internet. Khi tiệm gửi hàng đến nhà, bên trong hộp ngoài hóa đơn thì còn có giấy tờ, nhãn hiệu địa chỉ, để phòng trường hợp tôi không thích thì gửi trả lại, họ sẽ hoàn tiền. Costco có lẽ là tiệm số Một vô địch cho phép khách trả lại món đã mua thật dễ dàng: ngoài việc mất hóa đơn và những món hàng đã mở không còn hộp như TV vẫn trả lại được, tôi thấy có người ăn trái cây nửa chừng đem trả lại, thế mà Costco cũng hoàn tiền!
6. Tip - Tiền “bồi dưỡng”: Tất cả dịch vụ đều trông đợi khách cho tip: nhà hàng, taxi, cắt tóc...Không như ở Japan hay Úc thì ngược lại: khách đừng bao giờ để lại tip.
7. Coffee to go: Ở Việt Nam và Âu Châu, người ta đến quán cà phê ngồi nhâm nhi tán chuyện gẫu, ngắm ông đi qua bà đi lại. Quán cà phê là nơi tụ tập của các đại văn hào bàn thảo đủ mọi đề tài, từ chính trị đến thể thao, xã hội, gia đình, chuyện tình Lan và Điệp. Thế nhưng ở Mỹ, phần đông người ta mua cà phê to go, họ vừa đi, vừa lái xe vừa uống, mang vào sở, hoặc đem về nhà.
Một người Mỹ cầm ly cà phê Starbucks đi ngoài đường hay ngồi trong xe hơi là chuyện thường tình. Có thể lý do người Pháp không cầm ly cà phê đi ngoài đường vì người Pháp uống tách cà phê expresso rất nhỏ, trong khi cà phê Mỹ thì ly to bằng thùng phi, không thể nào có thì giờ ngồi trong quán uống hết ly cà phê được.
8. Uống nước lạnh phải có đá: Người Mỹ qua Âu Châu ai cũng than phiền là khi vào tiệm mua soda hay uống nước lạnh, người ta không cho đá cục. Phải xin thì mới được, và nếu cho thì chỉ được vỏn vẹn vài cục đá nhỏ. Người Mỹ thì khác, uống soda hay nước lạnh thì ly phải đầy đá cục, như thế mới thỏa chí tang bồng.
9. Tiền giấy: Tất cả tiền giấy của Mỹ từ 1 dollar đến 100 dollars có cùng một kích thước chiều rộng và chiều dài như nhau. Ngay cả mầu tiền cũng chỉ là một mầu xanh lá cây, hơi khác đậm nhạt một tí. Năm 1929, vì lý do nếu tất cả tiền tệ cùng một kích thước thì dễ nhận diện tiền giả mạo và ấn phí đỡ tốn kém, Hoa Kỳ đổi tiền như hiện giờ: tất cả cùng cùng một khổ dài và rộng.
10. Ngày/Giờ và Số với dấu chấm/phẩy: Người Mỹ viết Tháng/Ngày/Năm, 06/15/2019, trong khi cả thế giới viết Ngày/Tháng/Năm, 15/06/2019. Giờ giấc thì Mỹ không dùng giờ quân đội 19 giờ là 7 giờ tối, mà dùng AM/PM để phân biệt sáng và chiều, 7AM là 7 giờ sáng, 7PM là 7 giờ tối.
Dấu chấm phẩy trong con số ở Mỹ cũng dùng ngược lại thế giới: 1,000.15 là một nghìn, lẻ 15, trong khi cả thế giới viết là 1.000,15.
11. Baby shower: Người Việt, người Tầu, và ngay cả người Pháp, không tổ chức party mừng đứa bé sắp sinh ra đời vì sợ xui có thể có chuyện không may xẩy đến bào thai (mình chỉ tổ chức ăn đầy tháng sau khi đứa bé sinh). Ở Mỹ khi người mẹ có bầu vào khoảng tháng thứ 7 hay thứ 8, các cô gái bạn bè tổ chức một buổi party gặp nhau - chỉ có phụ nữ, không có đàn ông - để tặng quà con nít cho người mẹ. Party này gọi là baby shower. Trước đó, người mẹ viết xuống những thứ mình sẽ cần dùng chẳng hạn như nôi, quần áo, đồ chơi, car seat.... Bạn bè sau đó cứ theo danh sách ấy phân chia nhau chọn một thứ để mua và tặng bà bầu ở buổi baby shower party.
12. Ăn cơm và ngủ tối sớm: Người Mỹ ăn cơm tối rất sớm, vào khoảng 6:30 chiều. Chúng tôi có đi cruise hai lần với vợ chồng anh vợ tôi, sống ở Paris. Giờ ăn tối trên tầu có hai suất, 6 và 8 giờ tối. Chúng tôi chọn 6 giờ tối. Hai người Tây này than trời như bọng vì nói ăn tối 6 giờ, ngay cả 8 giờ là quá sớm. Họ muốn ăn vào lúc 9 giờ!
Ăn sớm, ngủ sớm. Ban tối 9 giờ, 10 giờ ở Mỹ đường phố vắng tanh như chùa bà Đanh vì mọi người đã vào chuồng ngủ.
13. Sữa, bình một gallon: Tủ lạnh nhà người Mỹ nào cũng có một bình sữa tươi to tướng. Lần đầu tiên tôi có kinh nghiệm uống sữa tươi của Mỹ là khi học Tiểu học Phan Đình Phùng. Song song với được phát bánh mì không ăn cho đỡ đói, lớp nào cũng phải xếp hàng vào khu nhà bếp của trường để uống sữa tươi. Nhà bếp của trường tiểu học Việt Nam bẩn kinh khiếp, chung quanh đen đúa, nhớp nháp. Một hàng ly có sẵn sữa đã chờ đón sẵn. Mỗi cậu đi ngang qua chỉ có việc lấy một ly uống. Uống sữa là một việc bắt buộc, không có sự chọn lựa không muốn uống nên có giám thị đứng ngoài kiểm soát mồm của mỗi đứa để biết chắc là không đứa nào được thoát. Nhiều đứa không quen sữa tươi quái đản này nên vừa qua khu vực giám sát bức tường Đông Bá Linh là nhổ toẹt phần sữa còn ngậm trong mồm xuống đất. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ hiệu công-ty làm sữa tươi chúng tôi uống: Foremost.
Khi mới sang Mỹ, hai anh em tôi ở chung với một cặp vợ chồng Mỹ. Ở Việt Nam ngày nào cũng ăn cơm, sang Mỹ không có cơm nên lúc nào tôi cũng thấy đói. Bữa cơm tối mỗi người đều có một ly sữa tươi nên tôi "nốc" hết không còn dư một giọt để được "no". Cùng một loại sữa tươi ngày xưa Tiểu học tôi uống không nổi thì ở Mỹ chỉ một năm sau là tôi ghiền nó hơn ghiền xì-ke, ăn cơm tối lúc nào cũng phải uống sữa.
14. Nhận quà nên mở ngay: Ở Việt Nam sau khi nhận quà, mình đem về nhà mở ra xem trong sự kín đáo. Trái lại ở Mỹ, một khi nhận quà thì mình mở ra xem trước mặt người tặng mình món quà, và dĩ nhiên là ngoài tiếng cảm ơn, mình nên khen lấy khen để là món quà quá đẹp, có ý nghĩa nhiều hơn là bánh chưng Tiết Liêu nấu.
Tôi thấy phong tục này của Mỹ hay hơn phong tục của Việt Nam. Một người đã có lòng tặng quà thì mình nên cảm ơn người ta ngay tại chỗ để người ta không thấy phí thời giờ và bạc tiền mua tặng.
15. Mạnh ai nấy trả: Khi đi ăn tiệm chung một nhóm, với người Việt thì thông thường người rủ ngu muội anh dũng hy sinh (đáng được phong cho huy chương anh dũng bội tinh) trả tiền cho tất cả mọi người. Rất thường tình là cũng có lúc người khác giành trả, và dĩ nhiên là người ấy cũng ngu muội trả cho tất cả chứ không chỉ trả riêng cho vợ chồng mình.
Người Mỹ thì khác hoàn toàn. Không cần biết ai rủ, mỗi người chỉ trả riêng cho phần của mình. Thành ra nếu ai có bạn Mỹ rủ đi ăn, uống nước, nhớ mang tiền dollar theo.
Ngày xưa khi còn đi làm, tôi và ông chủ người Nhật đi ăn trưa chung, và mỗi lần trả tiền thì một người luôn luôn trả cho cả hai. Một hôm tình cờ ngồi ở bàn sau lưng tôi là một cặp vợ chồng Mỹ cùng làm trong sở. Hai người đều rất thành công và có chức vụ quan trọng, nhưng đều đã ly dị một lần bây giờ mới lấy nhau. Cả hai đều đã có nhà; nhà ai người nấy giữ, không đổi thành của chung. Đến lúc trả tiền, tôi nghe họ nói chuyện mà không tin vào chính tai của mình. Bà vợ nói không mang theo tiền. Ông chồng nói được không sao, ông ta sẽ trả, và nhắc bà ta là hôm nay bà ấy thiếu mấy dollars, số tiền ăn trưa hôm đó!
Một người có thể đoán mức độ văn minh của một quốc gia qua phong tục của họ. Việt Nam còn quá chậm tiến so với Hoa Kỳ. Sự chậm tiến đó biểu lộ qua tập quán của chúng ta còn nhiều điều mê tín dị đoan, phần lớn là bắt chước theo người Tầu. Điển hình là phong tục đốt giấy tiền vàng mã, bắt nguồn từ Trung Quốc. Những người đốt vàng mã tin rằng thứ gì họ đốt thì thân nhân của họ sẽ lãnh đủ ở dưới âm phủ: tiền, vàng, xe hơi, nhà lầu.
Hành động này không những chứng tỏ sự mê tín mà còn tham lam, chỉ tốn vài xu đốt giấy mà người chết được của cải vàng bạc? Sách vở nào nói có âm phủ, và dưới âm phủ dùng tiền hay vàng? Làm sao biết người chết còn sống dưới âm phủ? Ở trần gian một người muốn gửi tiền cho người khác thì phải có địa chỉ, tên tuổi, ngày sinh thì tiền mới đến tận tay người nhận. Đốt mà không ghi địa chỉ ở đâu thì làm sao đến tay người nhận?
Điều đáng ngạc nhiên là sự mê tín của người Việt chúng ta vẫn tồn tại không mấy phần thuyên giảm từ thời đại này sang thời đại khác. Hay có thể là họ đúng chứ không sai?
Nếu thế thì tôi sẽ dặn vợ là khi tôi chết, đốt cho tôi vài chục cô da trắng tóc vàng bằng giấy để tôi sống đời vua chúa với nhiều cung phi dưới địa ngục, một ước mơ của quý ông mà trên trần gian không thể nào thực hiện được.
Nguyễn Tài Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét