Hình minh họa
Tôi viết tâm sự này mục đích để tìm lại bình an cho bản thân mình, kế đến là bảo vệ chính đáng niềm tin yêu của bố tôi đối với các con trước giờ phút lâm chung và sau cùng một lần cho ra lẽ, may ra có câu kết luận dù đúng hay sai, thuận hay nghịch về trường hợp tôi sắp kể. Đọc xong xin đừng coi nhẹ, đừng tỏ thái độ bàng quan vì câu chuyện liên quan đến một vị thầy mà đạo hạnh chánh tà chưa rõ hư thực nhưng có ảnh hưởng đáng kể đối với cả ngàn gia đình ở miền Nam California hiện nay.<!>
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã nói: “Nếu gặp vị thầy không có phẩm chất đúng đắn, dẫn bạn theo con đường sai lầm thì vấn đề tu học sẽ có hại. Căn bản của việc giảng dạy là sự trong sạch, không màng cái ngã tham tài vật, sắc dục, danh vọng vì thế trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ càng về họ.”
Tôi gặp ông Ce Hằng Trường đôi ba lần vì trong gia đình có hai người chị là đệ tử sau khi vị tăng này hoằng pháp ở Orange County. Vào một ngày xuân cách đây 3 năm, hội Từ Bi Phụng Sự do ông hướng dẫn, tổ chức tu tập và du ngoạn trên miền núi Big Bear. Qua người chị giới thiệu và bảo trợ, chúng tôi chấp thuận để ông đến sinh hoạt và ngủ đêm cùng các đạo hữu tại căn nhà ba phòng của gia đình vì thế tôi đã có dịp gặp ông.
Giữa nắng cao nguyên buổi sớm mai thơm mùi phấn thông, đối diện ông lần đầu, tôi có ít nhiều thiện cảm mặc dù vài câu xã giao sơ khởi đã thoáng thấy vẻ kiêu kỳ tự mãn ở ánh mắt và nụ cười... Do lẽ đó, cũng chưa lần nào tôi tự ý xưng hô “thầy – con” như một đạo hữu.
Ông có vẻ ngoài cao ráo sáng sủa, thân hình khỏe mạnh cân đối nên nếu khách quan nhận định vị tăng này đẹp trai, quyến rũ thì cũng không ngoa. Tuy nhiên ngoài cái dáng dấp ấy, tôi vẫn thấy cốt cách ông chỉ là một thanh niên như các nam thanh nữ tú khác cùng thế hệ đang đi tìm con đường sống. Với ông, giấc mơ tu hành thời trai trẻ nay mai sẽ là một nghề vững vàng khi đã thu thập được nhiều đạo hữu và tương lai có triển vọng vẻ vang xán lạn vì sứ mệnh “cứu nhân độ thế” trên cái đất nước tự do hùng mạnh nhất hành tinh này.
Quả tình, đến nay tôi vẫn chưa biết nhiều về vị tăng này vì nếu nói ông là huấn luyện viên mở hội thể dục thể thao hay một tu sĩ độc lập phụng sự phật pháp theo lối “cấp tiến” hoặc nhà tổ chức du lịch vừa tu vừa học thành công... tất cả đều đúng cả. Thể dục tham gia miễn phí nhưng chi phí vài ngàn mỗi năm cho những chuyến tu học cũng là chuyện bắt buộc bình thường.
Hai chị tôi thường đóng tiền theo ông trong các chuyến đi xa, bỏ chồng con trong tư thế cô đơn bất khả kháng. Gia đình tuy có buồn cũng đành chấp nhận cho niềm vui tuổi già của họ nhưng khi người bố trăm tuổi sắp mãn phần thì mới vỡ lẽ... đạo tu của thầy to hơn đạo hiếu, khác với lời Phật dạy.
Bố tôi yếu dần từ trưa thứ bẩy 20 tháng 12 năm ngoái, y tá chăm sóc dặn dò cụ sẽ ra đi nội trong ngày vào bất cứ lúc nào. Tháng cuối năm trời tối nhanh tạo không gian lạnh lẽo ngoài khung cửa nhưng trong căn phòng nhỏ, giờ phút lâm chung chờ đợi người hấp hối còn thê lương gấp bội! Con cháu đứng ngồi đông đủ quanh cái xác héo hon cùng nhau gởi lời cầu nguyện theo tiếng kinh Phật phát ra từ chiếc máy thu thanh. Thỉnh thoảng thấy cụ hớp một làn hơi dài như cố bám lấy sự sống, vài giọt nước long lanh hiện nơi khóe mắt làm mọi người xôn xao Có cháu tiến gần vuốt ve bàn tay cụ, có con ghé đầu vào tai thỏ thẻ lời yêu thương cuối cùng.
Thời gian này ở Long Beach Convention Center có Pháp Hội Di Đà 2014 do ông Hằng Trường tổ chức hàng năm cũng vừa khai mạc nên hai chị tôi cứ thấp thỏm đi đi, về về, dùng dằng giữa gia đình và pháp hội. Cuối cùng họ lại đi, cô gái lớn tên T. khuyên mẹ hết lời cũng không được nên đành viết thư cầu cứu thầy làm mọi người xót xa cho giờ phút cuối của cụ mà nổi giận.
Dưới đây, xin ghi lại nguyên văn messages trao đổi bằng iphone giữa ông Hằng Trường ở Pháp Hội Di Đà với cô cháu gái của tôi ở nhà:
– Thầy thân mến, xin lỗi đã làm phiền thầy lúc này. Trong giờ phút ông ngoại của T. đang hấp hối, cả gia đình quây quần bên giường, y tá cho biết ông sẽ đi bất cứ lúc nào. Vì chữ hiếu, vì tình thương dành cho người cha sắp vĩnh biệt, T. xin đại diện gia đình tha thiết mong thầy giáo hóa mẹ và cô của T. nên quay về bên ông để ông thanh thản ra đi. Vẫn biết buổi lễ của thầy vô cùng quan trọng nhưng những giây phút cuối cuộc đời của một người cha sẽ không bao giờ tìm lại được. Xin thầy khuyên mẹ và cô của T. về ngay bên giường ông. Cảm ơn thầy nhiều.
– Hai bác đã về lâu rồi!
– Thầy ơi, mẹ T. nói là tối nay mới về! Lúc ấy chắc ông không chờ nổi nữa. Ông thương hai cô con gái này lắm. Áp suất của ông đã xuống đến 76 rồi! Thầy ơi, thầy tìm mẹ và cô của T. giùm và bảo về ngay. Ông không chờ được nữa rồi thầy ơi!
– Ok.
– Thầy ơi, thầy ráng khuyên mẹ và cô của T. về ngay nhé! Nếu không gặp được ông ngoại trước khi ông ra đi thì thật là đáng tiếc. Ông đang cố gắng chờ mẹ và cô về để.
– Hai bác có nói là đã về nhà ba lần và hai bác tu cho ông ngoại chứ không phải đi lễ mà thôi. Ở đây hơn 1,500 người đang cầu nguyện hồi hướng cho ông ngoại đó. Trong lúc này dĩ hòa vi quý, tránh xung đột là việc chính yếu.
– Chỉ có thầy nói là mẹ và cô của T. nghe thôi. Bây giờ cả nhà không ai cãi nhau nữa, chỉ biết thay phiên nắm tay ông an ủi cho ông được yên lành ra đi. Cảm ơn thầy và mọi người đang cầu nguyện cho ông nhưng mong là mẹ và cô của T. nghe lời thầy về kịp giây phút này.
– Tất cả chỉ là duyên. Nên khuyên mọi người bình tâm. Không nên lớn tiếng, to tiếng, trong lòng nên nhẹ nhàng, tránh thái độ nóng nảy và dữ dằn khó chịu thì mới dễ chiêu cảm cảnh giới an bình cho ông ngoại.
– Thầy nói rất đúng. Ai cũng thương ông thế nên “tensions” rất nhiều. Bây giờ thì mọi người nhẹ nhàng để ông dễ dàng ra đi. Không biết mẹ và cô của T. đã về chưa?
– Chính sự tranh cãi mới là hành động làm tổn hại con đường vãng sinh. Không phải đề tài cãi vã. The act of discord, quarrel, fighting and blaming is what drowns your grandpa spirit not any person particular. A peaceful atmosphere and forgiveness is what needed most at this time. We did prayed for him here.
– Cám ơn thầy. Ông đã ra đi.
Tôi muốn hỏi ông Hằng Trường, giả sử bố ông đang hấp hối, ông có bỏ đi, tụ tập những người dưng để cầu nguyện và cho đó là phúc đức? Câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma quả tình đúng đắn vì tu hành không khéo dễ trở thành con người ngu muội. Tu không chùa, ở nhà bạc triệu làm tôi nhớ đến “nường” Thanh Hải vô thượng sư một thời láo lếu thế mà cũng vô số tín đồ.
Quy y Tam Bảo là trở về nương tựa với Phât, Pháp, Tăng nhưng vào thế kỷ 21 này, tự hỏi người đời nên quy y “Nhị Bảo” theo Phật, Pháp thôi chăng? Câu chuyện buồn “Giờ Phút Lâm Chung” của gia đình tôi chỉ là một thí dụ trong hàng nghìn cảnh đời tương tự nên chúng ta cần biết ở trường hợp này, thầy trò cư xử đúng hay sai để chiêm nghiệm. Các bạn nghĩ sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét