Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

GIÁO SƯ NGUYỄN MẠNH BẢO- NGƯỜI VỪA ĐI HẾT CÕI NHÂN SINH - Huỳnh Anh Tú

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang ngồi
Kể từ khi bước chân khỏi nhà tù, tôi chưa một lần gặp lại ông- giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo, người thầy, người bạn tù đầy tình nghĩa của tôi. Cách đây hơn 7 tháng tôi có dịp trò chuyện với ông qua điện thoại, nghe giọng nói tôi cảm nhận rằng ông không còn nhiều thời gian trên cõi đời này nữa. Tôi đã dự định thu xếp thời gian đến Tây Ninh để thăm ông nhưng phần vì quá bận bịu, phần vì gia đình tôi cũng gặp nhiều biến cố nên chưa thể đi được. Bây giờ thì tôi không còn cơ hội gặp lại người bạn tù, người thầy đáng kính ấy nữa. Con người uyên bác, một thời lẫm liệt, oai hùng và tràn đầy tình yêu đất nước ấy đã kết thúc 84 năm cuộc đời trong lặng lẽ vào ngày 1/5/2019.
<!>
Tài năng, hoài bão, những năm tháng tù đày và cả cuộc đời đầy sóng gió của giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo giống như một trang sử mà những ai chứng kiến đều cảm phục, ngỡ ngàng và xót xa. 
Với tôi và với nhiều người tù cùng thời khác, Nguyễn Mạnh Bảo xứng đáng được đánh giá là một nhà mô phạm. Kiến thức của ông có thể liệt vào hàng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Tiếc rằng, trong đời tù 20 năm của ông, 14 năm của tôi thì tôi chỉ có hơn 3 năm may mắn được ở chung buồng giam để được làm học trò của ông. Trong một cuộc nói chuyện mới đây với Thượng tọa Thích Thiện Minh, vị cựu TNLT đáng kính bộc bạch rằng “những kiến thức uyên bác của giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo đã truyền đạt cho tôi hồi ở trong tù, đến nay tôi vẫn chưa áp dụng hết”. Chỉ lời nhận xét ấy thôi đủ thấy kiến thức của vị giáo sư thời Việt Nam Cộng Hòa này uyên thâm cỡ nào.

Ông Nguyễn Mạnh Bảo là Giáo sư Sử học và Văn chương, giảng dạy tại Viện đại học Cao Đài, Tòa Thánh Tây Ninh và nhiều trường đại học khác thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông từng là học trò của Hồ Hữu Tường, một chính trị gia, nhà văn, nhà báo nổi tiếng thời bấy giờ.
Sau biến cố 30/4/1975, Giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo đã quyết định dấn thân vào con đường đấu tranh chính trị, mong muốn đóng góp cho công cuộc giải thể độc tài, đòi dân chủ, tự do cho đất nước.
Năm 1984, Nguyễn Mạnh Bảo bị nhà cầm quyền cộng sản bắt với tội danh “chống đảng và chống nhà nước”. Ông bị kết án chung thân.
Có nhiều câu chuyện về vị giáo sư đáng kính này. Tiếc rằng, chỉ có ba năm ít ỏi được ở chung buồng giam với ông khiến tôi bỏ lỡ nhiều cơ hội để hiểu nhiều về Nguyễn Mạnh Bảo.
Thượng tọa Thích Thiện Minh, người từng trải qua 26 năm tù và có gần 20 năm ở cùng giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo kể rằng, vào năm 1998 có một nhóm người được giới thiệu là do trung ương cử xuống để giảng dạy cho các “phạm nhân” hiểu biết thêm về Lịch sử - Văn hóa Việt Nam. Dự định lớp học sẽ kéo dài khoảng 2 tuần lễ. Nhưng mới qua 4 buổi học (tức 3 ngày rưỡi), khóa giảng dạy Lịch sử -Văn hóa Việt Nam do cán bộ nhà nước cộng sản làm thầy dạy, các tù nhân chính trị làm học trò đã phải giải tán. Lý do, các “học trò” đều là những người hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực, đã phải giảng dạy lại cho các thầy vốn chỉ có mớ kiến thức nhồi nhét, một chiều nhằm đi tuyên truyền dối trá phục vụ cho chế độ. Kết quả, một số học trò “cứng đầu”, dám dạy lại thầy như Nguyễn Mạnh Bảo (giáo sư), Phạm Trần Anh (nhà sử học), Thích Trí Siêu (tức giáo sư-tiến sĩ Lê Mạnh Thát), Thích Thiện Minh ( Thầy thuốc, Thượng tọa thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất), Nguyễn Đan Quế (Bác sĩ)… người bị đi cùm, người bị chuyển trại.
Có một câu chuyện về Nguyễn Mạnh Bảo mà khi nhắc lại, bạn tù nào cũng ngậm ngùi, thương cảm. Sau một lần đi thăm gặp về, người ta thấy Nguyễn Mạnh Bảo khác hẳn mọi khi. Thái độ cởi mở, dáng vẻ nhanh nhẹn thường ngày thay bằng sự chậm chạp, lầm lỳ, ít nói. Ông không nói chuyện với ai, thỉnh thoảng lại ra gốc cây ngồi lẩm bẩm điều gì đó một mình. Mọi người gạn hỏi, ông không nói, không muốn tiếp xúc với ai. Một người tù thường phạm có buổi thăm gặp gia đình trùng với cuộc thăm gặp của Nguyễn Mạnh Bảo, vô tình chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy đớn đau ấy đã kể lại. Hôm ấy, người vợ trẻ của giáo sư Bảo lên thăm, dắt theo một viên công an. Hai bên ngồi đối diện nhau, nắm lấy bàn tay viên công an, người vợ trẻ nói với người chồng đang mặc bộ đồ tù: “Đây là chồng mới của em. Em và anh đã hết duyên rồi.”
Người vợ này vốn là học trò cũ của ông. Cô sinh viên thuở nào mê đắm tài năng, đức độ và vẻ đẹp phong trần của vị giáo sư khả kính, quyết lấy ông làm chồng bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác, cuối cùng cũng phản bội ông. Suốt một đời trai trẻ, hai mươi năm lao tù không gian khổ, không đòn thù nào làm ông gục ngã. Sau nhiều năm, nỗi đau phần nào vơi bớt, ông cũng tâm sự với một vài người bạn thân về cuộc gặp gỡ nhớ đời ấy. Đau đớn là thế, trái ngang là thế nhưng chưa bao giờ ông oán hận, trách cứ người vợ. “Tao chỉ mong cô ấy lo đầy đủ cho mấy đứa con, thế là tốt lắm rồi”. Ông nói với tôi.
Sau này tôi được biết, người vợ của ông Nguyễn Mạnh Bảo cũng lo lắng cho các con đầy đủ. Nếu đó là mong muốn, ý nguyện của ông, thì cũng an ủi phần nào, Nhưng ông thiệt thòi quá, cay đắng và chịu hy sinh, mất mát nhiều quá.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo ra tù đầu năm 2004, tức là mãn án trước tôi 10 năm. Lúc gần về, ông tâm sự với tôi “Buồn quá Tú ơi. Thằng con mới lên thăm, dặn tao là khi ra tù đừng vào nhà mà đứng ở ngã tư gần đó rồi gọi nó ra đón. Nó sẽ chở đến nhà trọ.” Giọng ông buồn lặng đi, như đang nói một mình “Nó không dặn tao cũng không về. Nhà mình bây giờ người khác ở, người khác làm chủ chứ còn là của tao đâu”.
Đến bây giờ chúng tôi vẫn không biết giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo từng tham gia tổ chức chính trị nào. Bởi ông quá kín tiếng. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đấu tranh với cai tù. Sẵn sàng dạy bạn tù về kiến thức văn học, lịch sử, thậm chí ngoại ngữ (ông Bảo thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp) nhưng chưa bao giờ ông nói về những năm tháng đấu tranh ở ngoài. Người ta chỉ biết một trong những lý do ông bị bắt và bị kết án chung tha vì viết hai cuốn sách về chính trị. Thượng tọa Thích Thiện Minh, Người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu và một số bạn tù cùng thời kể rằng đó là hai cuốn sách nói về cương lĩnh đấu tranh, cách tổ chức để thành lập một đảng phái chính trị và các kiến thức cơ bản để xây dựng đất nước. Hai cuốn sách chưa kịp xuất bản ra công luận, mới chỉ in và lưu hành nội bộ thì ông Nguyễn Mạnh Bảo bị bắt. Thỉnh thoảng giáo sư Bảo vẫn nói chuyện, chia sẻ với bạn tù về nội dung hai cuốn sách mình viết. Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Cầu, thầy Thích Thiện Minh thì đó là những kiến thức uyên thâm, quý giá và đáng nể phục của tác giả.
Ra tù, giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo về sống với gia đình người anh song sinh. Chị Nguyệt, cô cháu gái gọi ông bằng chú ruột là người săn sóc tận tình cho ông Bảo những năm tháng sau này. Đám tang của ông không có bạn tù đưa tiễn vì không ai biết tin khi ông mất. Người vợ và các con ông cũng tới để tang. Có một số học trò cũ của ông tới thăm viếng, tiễn đưa thầy.
Để bạn đọc hiểu được phần nào tâm trạng của người trí thức yêu nước Nguyễn Mạnh Bảo, xin chép ra đây bài thơ “Gửi bạn” ông viết mấy năm trước khi qua đời. Bài thơ được viết tặng cho người học trò cũ và một vài thân hữu đáng sống rải rác ở Châu Âu.

GỬI BẠN
“Nắng hạ, mưa thu trải mấy lần
Nghĩa trùng cách trở, lệ không nguôi
Tôi bờ Đông hải mây xanh ngắt
Bạn phía Tây dương tuyết trắng ngần

Đất Á sụt sùi tình viễn khứ
Trời Tây uất nghẹn cảnh chia phân
Chừng nào hát khúc “Tương phùng” nhỉ?

Thiên hạ Hòa, Vui ắt vạn phần”.
Nguyễn Mạnh Bảo

Bài viết này xin được tưởng nhớ tới ông, một trí thức, một người yêu nước mà tài năng của ông đã bị vòng xoáy éo le của lịch sử khước từ. Biết bao nhiêu người tài giỏi, uyên bác, yêu nước bị bách hại, bị chôn vùi trong lao tù, hoặc sau khi ra tù sau biến cố 30/4/1975. Sự khước từ của lịch sử đối với những con người như thế đã góp phần tạo nên số phận đầy bi thảm cho dân tộc sau này.
Source:

Không có nhận xét nào: