Đây là bài số bốn trăm bảy mươi một (471) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ OregonThời Báo, Portland, Oregon. Người viết là người yêu thơ thích nhạc nên thấy bài thơ nào hay hay hợp với ý tình của người viết là rinh cất vào “tàng kinh các” của người viết ngay để lâu lâu đem ra đọc lại với bạn bè cho vui. Xin mời Bạn cùng đọc với người viết bài thơ Ngộ này nhé
<!>
Ngộ
(Tặng chú tiểu Lan của … )
Em đóng cửa trái tim
Thi Cử Nhân Khoa Học
Rồi một chiều không tên
Xin … qui y xuống tóc
Đêm từng đêm nguyện cầu
Ơn riêng ban người đó
Còn mình muôn kiếp sau
Thề sẽ không yêu nữa
Thật giản dị quá chừng
Trái tim cửa khóa chặt
Tình khó len vào đây
Mặc bốn mùa đổi thay
Giam mình trong Thiền Viện
Xin làm một bóng mây
(28 năm sau … )
Hôm nay em ngộ rồi!
Phật dạy:
– Con yêu được
Hãy yêu thương muôn loài
Cứ yêu người ngày trước
– Anh thấy không?
Tu, không tu chẳng sao
Tình đôi ta bất diệt
Chúng ta là của nhau
Tới … “a tăng tỳ kiếp”
Nhất Tuấn
(Truyện Chúng Mình )
Nhà Thơ có cái Ngộ của nhà thơ thật dễ thương, thơ mộng Tôi yêu thơ Nhất Tuấn là thế đó.
Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu Phật gia nhìn chữ Ngộ bao hàm những gì qua tài lịệu dưới đây nhé:
“Vào thời cổ đại, con người miêu tả cuộc sống như một giấc mộng. Ngay cả giáo lý Phật gia cũng cho rằng chỉ duy nhất việc tu luyện mới có thể thực sự đánh thức con người khỏi giấc mộng. Do đó, việc thức tỉnh của con người chính là Ngộ hay Giác Ngộ.
Chữ 悟(ngộ)được cấu thành bởi hai phần là chữ 忄(tâm) và chữ 吾 (ngô). Chữ 忄(tâm) biểu thị cho trái tim và chữ 吾/wú/ (ngô) là bản ngã. Do đó 悟 (ngộ) có nghĩa là tận trong tim của một người hiểu được bản ngã chân chính và bản chất của sự vật trong cái nhìn bao quát. Thức tỉnh từ những giấc mơ hàng ngày là ngụ, và biểu tượng thì khác hẳn 寤.
Bạn có biết 悟 (ngộ) đóng một vai trò then chốt trong màn vũ Tôn Ngộ Không trong Tây Du Kí. Trên hành trình của mình, thầy trò Ngộ Không đã phải chiến đấu chống lại vô vàn yêu quái giả trang. Nhưng họ đều là những người tu luyện Phật Pháp, thông qua ngộ mà thấy được bản chất thực sự của những yêu tinh này và vượt qua hết thảy khổ nạn.”
(Nguồn: Trích trong https://tinhhoa.net/noi-ham-cua-chu-ngo.html)
Nhà Phật cũng thường nói “Nhât thíết duy tâm tạo”, thành Phật hay thành ma cũng chỉ một niệm mà thôi. Nếu ta thay đổi cách nhìn của ta thì ta sẽ thấy hạnh phúc hay đau khổ trong cuộc đời.
Xin mời quý bạn thưởng thức mẫu chuyện Thiền nho nhỏ dưới đây:
Thành Phật thành ma một niệm
Có bà lão được người nói đùa là “bà già hay khóc” Dù trời nắng trời mưa bà cũng đều khóc.
Có người hỏi:
- Tại sao bà khóc?
- Vì tôi có hai đứa con gái, đứa lớn gả cho người bán giầy, đứa nhỏ gả cho người bán dù. Ngày trời quang đãng, tôi nhớ đến đứa con út bán dù, không ai mua nên tôi khóc. Ngày trời mưa, tôi nhớ đến đứa con lớn bán giầy, nhất định cũng không có khách đến mua nên tôi khóc.
Người đó nói:
- Bà nên nhớ, lúc trời nắng thì con gái lớn buôn bán giầy rất khá, và khi trời mưa thì cô út bán dù rất đắt. Thế thì khóc làm gì?
Bà già nói:
- Đúng rồi a!
Từ đó bà lão hay khóc không còn khóc nữa, dù trời mưa hay nắng, bà đều tươi cười vui vẻ.
Lời Bình:
Chỉ cần thay đổi cách nhìn là cuộc đời trở nên hạnh phúc hay đau khổ. Chính mình tự làm khổ mình quả thật nhiều hơn là người khác làm khổ mình. Trách sao không được bình an.
(Nguồn: trích trong Thiền là gì? Biên soạn: Giác Nguyên)
Thế là bà cụ nói trên đã “Ngộ” ra mình phải tự thay đổi cái nhìn, cái suy nghĩ của mình thì mới không còn khóc như trước đây nữa.
Người viết cũng thường tâm niệm:
“Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”
Người viết tạm hiểu là:
“Biết đủ thì là đủ, đợi cho đủ thì biết bao giờ mới đủ,
Biết nhàn, thì là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ mới nhàn”
Cho nên tôi đã làm “ Ngày xưa có gã từ quan”, trả bút mực lại cho nhà trường để về nhà làm bà mẹ quê xứ Mỹ: nấu cơm cho chồng, cho con, cho cháu nội ăn là thấy vui lắm rồi vì tôi “Ngộ” ra rằng: “Hạnh phúc thật sự của người phụ nữ là sống vui, sống khỏe bên cạnh những người thân yêu của mình trong mái ấm gia đình của mình và làm được những chuyện thiện lành nho nhỏ, vui hưởng những gì đã có trong tầm tay của mình như vậy quả là có phúc lắm rồi. Còn mong cầu gì hơn nữa?”
Mời qúy bạn cùng chung vui với hạnh phúc bình dị của người viết qua tâm tình dưới đây nhé:
Cô Giáo Về Hưu
Ồ thích quá! Hết phải còn dậy sớm
Hết vội vàng uống lẹ tách cà phê
Hết ngóng trông chờ mau đến giờ về
Hết cau mặt, nhướng mày và giận dữ
Hết theo dõi từng lời, từng nét chữ
Hết “Reading”, “Homework”, hết “Writing”
Hết nhân, chia, trừ, cộng, số toán hình
Hết những lúc “duty”, làm bổn phận
Hết thước kẻ, bảng đen và phấn trắng
Xếp lại trang sách vở, trả lại trường
Chỉ mang về ánh mắt với tình thương
Tuổi khờ dại, ngây thơ và hoa mộng
Tôi còn lại: những gì mình đang sống
Những sáng hồng, được dạo bước thảnh thơi
Ngắm hoa xinh, ngắm mây trắng lưng trời
Trưa hè vắng, nghe tiếng chim vui hót
Đã đến lúc thấm nhuần hương vị ngọt
Của câu kinh, tiếng kệ, mõ chuông chiều
Để sửa Tâm, lập Tánh tốt cho nhiều,
Trồng cội Phúc, gieo nhân Lành, mầm Thiện
Và tu tập mỗi ngày thêm tăng tiến
Giúp người vui, ta cũng được vui theo
Vì kiếp người như sợi chỉ mành treo:
Giữa Sanh, Tử! Sát na trong khỏanh khắc
Tâm thanh thản, an vui, không trói chặt
Với lợi danh, không, sắc cõi trần gian
Lắng tĩnh tâm tìm đến Ánh Đạo Vàng
Thập thiện đạo hướng về bờ bến Giác
Sương Lam
Xin mời quý bạn thưởng thức youtube Thư Pháp Chữ Ngộ do tôi thực hiện để làm kết luận cho bài tấm tình hôm nay của người viết, bạn nhé.. Tôi xin đa tạ.
Youtube Thư Pháp Chữ Ngộ
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửMCTN 471-ORTB 891-7319)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét