Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Sự quan tâm của vị Tướng - Sao Nam Trần ngọc Bình

image009
                                                    Thiếu Tướng Trần Bá Di

Chiếc Chinook bay tới bay lui thật thấp để tìm cách đáp xuống quận Càng Long thuộc tỉnh Vĩnh Bình.Từ trên phi cơ nhìn xuống chỉ thấy sương mù trắng xóa không thấy cây cối nhà cửa gì cả. Bỗng tôi nghe tiếng súng bắn từ dưới đất lên và sát ngay chỗ tôi đứng lửa bốc lên phừng phực. Vội vàng tôi giựt lấy cái ba-lô, cái bản đồ có kèm theo phóng đồ hành quân Long Phi 9xx để ra xa, xa hẳn tầm với của ngọn lửa đang hừng hực cháy vừa kéo vai anh lính người Mỹ để chỉ cho anh đám cháy vì lúc đó anh ta đang mải mê nói chuyện qua máy truyền tin nên không thấy chỗ lửa cháy.
<!>
Không nói không rằng và rất mau mắn anh ta giựt lấy bình chữa lửa và xịt vào đám lửa xăng đang cháy bừng bừng. Đám cháy được dẹp tức thì nhưng khói trắng bao phủ kín phía trong lòng phi cơ và lúc đó tôi chỉ nghe thấy tiếng nói qua máy truyền tin từ phòng lái vang vang trở lại lòng phi cơ.Thế rồi như một phép lạ làn khói trắng từ trong lòng phi cơ bay vào phía phòng lái và biến mất.

Sau này tôi mới biết khi nghe phi cơ bị bắn thì toán cố vấn Không Quân của Không Quân Mỹ làm việc tại Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn 9 tại Sa Đéc qua hệ thống truyền tin đã bảo viên phi công lái chiếc trực thăng Chinook lấy đồ đập bể kiếng trước của phi cơ cho khói độc của đám cháy theo gió bay ra ngoài để cho Bộ Chỉ Huy Nhẹ của Sư Đoàn 9 gồm Việt Nam và cố vấn Hoa Kỳ cùng các chuyên viên chuyên môn khỏi bị ngạt vì khói độc.

Đây là điều tôi nghe anh em nói lại không biết có đúng không vì theo tôi nghĩ đập cái cửa kính của phi cơ không phải là điều dễ làm có lẽ viên phi công đã tìm cách khác chăng?

Chỉ huy là tiên liệu những tình huống có thể xảy ra để tránh mọi thiệt hại-dù nhỏ tới đâu đi chăng nữa- và ngay trong cả việc thiết kế các loại vũ khí nữa việc tiên liệu cũng không kém phần quan trọng nhất là đối với cái máy bay mà phía sau có cái cửa không đóng kín như chiếc Chinook.

Quả thật người thiết kế chiếc Chinook đã có dự phòng điều này nên khi cái buồng phía sau chở hành khách-nay là binh sĩ-bị tràn ngập đầy khói hai viên phi công chính và phụ chỉ cần mở 2 cái cửa emergency ở phía bên phải và bên trái của phòng lái là làn khói độc đã từ từ bay từ phía sau-khoang chở binh sĩ- ra phía trước. Đó là lý do tại sao làn khói độc lại ngoan ngoãn như con trăn luồn từ phía sau ra phía trước rồi biến mất luôn. Trên đây là lời giải thích của Dũng người đã từng lái Chinook và cùng bị tù với tôi ở Long Giao, bây giờ Dũng đang ở Florida.

Sau này tôi mới được biết lúc đám khói độc chưa tan anh em trong Bộ Chỉ Huy Nhẹ ai ai cũng đều cố gắng thò đầu ra cái cửa hông của phi cơ để thở thành ra việc tiên liệu làm 2 cái cửa emergency ở bên phải và bên trái của 2 viên phi công chính và phụ quả thật là một việc làm đáng đồng tiền vì nhờ đó đã tránh cho thảm họa không thể xảy ra.

Nếu không có 2 cái cửa emergency này thì tình hình không biết sẽ ra sao.

Rất may là trước khi tôi gặp tai nạn cháy trên phi cơ ít ngày thì một anh bạn của tôi trong lúc trà dư tửu hậu có hỏi tôi nếu bạn đi trên phi cơ mà bất ngờ phi cơ bị cháy và sau đó dập tắt được đám cháy và đáp xuống đất được thì bạn phải làm sao?

Anh bạn tôi tự trả lời liền một khi là bạn phải tức tốc chạy ra khỏi phi cơ liền vì có thể đám cháy đã bị dập tắt rồi nhưng nó có thể còn bị cháy ngầm ở trong mà mình không biết nên phải chạy ra khỏi phi cơ liền để xem sao rồi muốn làm gì thì hãy tính sau.

Nhớ lời anh bạn nên khi phi cơ đáp xuống cánh đồng đã gặt tôi chẳng nói chẳng rằng chạy thục mạng ra khỏi phi cơ cùng với vị cố vấn Mỹ đứng bên cạnh tôi và theo tôi thì hình như ông này cũng nghe “lóm” được câu chuyện của anh bạn tôi chăng nên ông ta đã cùng chạy với tôi.

Tôi nói thế để đùa cho vui thôi nhé vì ông ta và tôi có quen biết từ trước đâu mà nghe lóm câu chuyện giữa tôi và anh bạn tôi.
Chạy được một quãng khá xa thì gập một bờ ruộng cả hai liền nhẩy qua bờ ruộng và nằm xuống núp đằng sau bờ ruộng và nhìn về phía chiếc phi cơ.

Được lối năm phút thì viên cố vấn quay lại nói với tôi:

-Bây giờ chúng ta có thể trở lại phi cơ để lấy đồ được rồi

Chinook là chiếc trực thăng để xử dụng trong hành quân nên đã được thiết kế với mức an toàn tối đa nếu có thể được. Ống dẫn xăng của phi cơ có hai lớp, giữa hai lớp này là một hợp chất keo, khi ống dẫn xăng bị trúng đạn thì lớp keo này sẽ tự động hàn cái lỗ lại chỉ cho một ít xăng lọt ra ngoài vì thế khi dùng bình chữa lửa xịt vào chỗ xăng đang cháy này thì dễ dàng dập tắt lửa ngay

Trở lại chiếc Chinook tôi lên phi cơ lấy bản đồ kèm phóng đồ hành quân và ba lô rồi cùng anh em trong Bộ Chỉ Huy Nhẹ đi bộ về hướng quận lỵ Càng Long nơi đặt Bộ Chỉ Huy của Sư Đoàn 9.

Đi được một lúc thì tôi cảm thấy ngứa nơi ống quyển kéo ống quần trận lên tôi thấy máu đang nhỉ ra. À thì ra tôi bị thương lúc nào mà tôi không hay sau này tôi mới biết tôi bị mảnh vụn nhôm nơi đầu đạn xuyên qua thân của phi cơ văng ra trúng vào sát mé ống quyển và lớp thịt kế ống quyển.

Thấy tôi bị thương viên cố vấn Mỹ báo cáo liền theo hệ thống hành quân của bên cố vấn còn tôi, tôi vội cho Th/Tá Chính, Giám Đốc Trung Tâm Hành Quân hay.

Khi tôi tới địa điểm đặt Bộ Chỉ Huy Nặng của Sư Đoàn 9 thì trong máy truyền tin đã vang lên tiếng nói của Đai Tá Trần bá Di (lúc đó ông chưa lên Tướng sau này Ông được vinh thăng Thiếu Tướng và giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở Hóc Môn) ra lệnh cho Th/Tá Chính liên lạc với cố vấn Mỹ lấy chiếc C&C dự phòng và yêu cầu cho tản thương tôi lập tức về Sa Đéc.

Khi vừa ở Phòng Chụp X-ray ra thì tôi được nghe cuộc điện đàm giữa Đại Tá Tư Lệnh và bác sĩ Đỗ:

Thưa Đại Tá ông Bình chỉ bị miểng nhôm của lỗ đạn văng vào gần sát ống quyển nhưng may mắn không trúng ống quyển nên không bị gẫy xương.

Tự nhiên tôi thấy xúc động tới tận cùng tâm khảm khi vô tình nghe được cuộc điện đàm của Đại Tá Tư Lệnh và thấy sự quan tâm của Đại Tá Tư Lệnh với thuộc cấp.

Kỷ niệm này tôi không bao giờ quên sau này khi đã thuyên chuyển về Trường Sinh Ngữ Quân Đội và đi du học Mỹ tôi không quên gởi thiệp thăm hỏi Ông và sau khi an cư ở Mỹ tôi cũng không quên điện thoại thăm Ông và gia đình. Sau này Thiếu Tướng cũng bị đầy ải trong chốn lao tù CS cho đến khi định cư ở Mỹ tại tiểu bang Florida. Thiếu Tướng cũng đi làm như bao nhiêu anh em H.O khác để sống cuộc đời bình thường.

Khi bài viết đầu tiên của tôi “Hành Trình về Phương Đông”được chọn đăng trên Vietbao online tôi cũng cho Thiếu Tướng hay thì Ông rất vui và ngỏ lời chúc mừng

Ngoài chỗ bị thương ở chân da mặt tôi bị rộp lên do sức nóng của lửa xăng vì lúc đó tôi đứng quá gần nơi xăng phựt cháy.
May mắn làm sao trong cuộc hành quân trước đó mấy tháng một anh quân nhân thuộc Phòng 5 trong khi đi theo Toán Dân Vận đã bị xăng phựt cháy khi đang loay hoay sửa cái bếp do anh dùng xăng để nấu ăn nên da mặt của anh bị rộp và nhờ có ống thuốc mỡ của Thiếu Úy Nhung cho, anh xức lên chỗ da bị rộp trên mặt nên da mặt anh vẫn bình thường nếu không thì có lẽ anh quân nhân trẻ, đẹp trai này không dám ra đường.

Biết được chuyện này tôi đến hỏi Nhung thì Nhung cho tôi nửa ống thuốc mỡ còn lại.Thật là mừng hết lớn nếu không thì tôi và anh quân nhân này, nếu bây giờ anh ta cũng ở Mỹ, sẽ chẳng cần phải mang mặt nạ ma quỷ để chơi trò, “Trick or Treat”(tạm dịch: lừa hay cho lộc) nhân ngày Halloween ở Mỹ nữa vì có lẽ khuôn mặt của hai chúng tôi còn dễ sợ hơn những mặt nạ ma quỷ bán ngoài chợ nữa.

Ít lâu sau trong một buổi gắn lon cho quân nhân thuộc Bộ Tư Lệnh được thăng cấp thường niên trong đó có tôi do Đại Tá Tư Lệnh Trần bá Di đích thân chủ tọa và gắn lon cho anh em quân nhân.Tới chỗ tôi đứng Đại Tá Tư Lệnh vừa gắn lon cho tôi vừa dịu dàng nói:

-Kỳ này cho Bình cái Chiến Thương Bội Tinh không kèm Anh Dững Bội Tinh vì Bình chỉ bị thương mà không đụng địch mà.

Trở lại vết thương của tôi, tôi được băng sơ qua vì vết thương không còn ra máu nữa.Sáng hôm sau bác sĩ An coi vết thương của tôi và phán:

-Vì vết thương nằm sát ngay ống quyển ngay chỗ trống nên có nguy cơ bị sâu quảng.

Nghe vậy tôi hỏi liền:

-Tại sao vậy bác sĩ?

Bác sĩ An trả lời tỉnh queo:

-Vì giữa ống quyển và lớp thịt kế bên là khoảng trống nên thuốc sức vào thì nó trôi đi mất tiêu vậy làm sao vết thương lành được.Bây giờ tôi cho ông hũ Péni này hàng ngày ông rắc bột Péni vào cái lỗ hổng đó xem sao.

Tuy rằng bác sĩ An chỉ nói một nửa nhưng tôi biết ý ông muốn nói gì vì ông không muốn nói toạc sự thật ra sợ làm tôi thất vọng.
Sau này tôi tìm hiểu thêm thì mới biết nếu vết thương không lành cứ ăn ruỗng ra thì phải cưa cái chân để cứu phần còn lại.

Làm theo lời bác sĩ An hàng ngày tôi rắc thuốc vào chỗ lủng đó và băng lại. Khi tôi tắm thì tôi lấy ni-lông che kín chỗ lủng không cho nước lọt vào. Lối hơn một tuần sau thì chỗ bị thương lên da non và lành hẳn.

Cũng may mắn cho tôi là khi phi cơ đáp xuống ruộng, chỗ ruộng đó đã gặt rồi mặt ruộng khô không còn nước nữa, nếu mà còn nước và vết thương của tôi bị ngâm vào nước và bị nhiễm trùng nên vi trùng được tự do di chuyển trong khoảng trống giữa ống quyển và lớp thịt thì không biết số phận cái chân của tôi sẽ ra sao hay là tôi sẽ chịu số phận của người chiến binh:

Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về bại tướng cụt chân
Hay là:
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
(Kỷ Vật Cho Em, Thơ: Linh Phương Nhạc Phạm Duy)

Sự quan tâm của Đại Tá Tư Lệnh đối với một sĩ quan cấp thấp như tôi lúc đó quả thật đã cho tôi một kỷ niệm êm đềm ngay cả khi tôi còn ở trong tù CS. Kỷ niệm này luôn luôn sưởi ấm tâm hồn tôi trong những ngày khốn khổ trong ngục tù CS và mãi cho tới tận bây giờ khi sống trong sự tự do, an bình ở Mỹ.

Khi bài này viết xong tôi gởi liền cho Việt Báo nhưng vốn bản tính thận trọng Ông Trần dạ Từ hỏi tôi có thường xuyên gọi phone cho Tướng Di không vì đây là đề tài “Viết Về Nước Mỹ” nên, theo như tôi suy luận, nếu tôi không phone cho Thiếu Tướng Trần bá Di thì hình như bài thiếu sự hoàn chỉnh và cũng theo như lời Ông Từ thì Ông cũng cần xác minh lại vì bài này có đề cập đến danh tính của một vị tướng lãnh của Quân Lực Việt Nam cộng Hòa.



Mãi cả tháng trời sau qua bạn bè và qua anh đại diện Tập Thể Chiến Sĩ vùng Đông Nam Hoa Kỳ tôi mới liên lạc lại được với Thiếu Tướng Trần bá Di vì Ông mới dời nhà đi nơi khác nên số phone cũ của Ông tôi gọi không được.

Trong những lần nói chuyện trước đây tôi cũng chỉ thăm hỏi Ông đôi lời và lần nào Ông cũng vui vẻ trả lời vì bản tính của Ông luôn luôn hòa nhã và cư xử tốt với thuộc cấp còn Ông sở dĩ biết tôi là do tôi làm ở Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn 9 nơi mà Ông có dịp gặp gỡ các sĩ quan trong Trung Tâm hầu như thường xuyên qua buổi đồng thuyết trình của các sĩ quan Việt-Mỹ về tình hình toàn Khu Chiến Thuật mỗi buổi sáng và nhất là khi đi hành quân.

Qua điện thoại Thiếu Tướng Trần bá Di rất vui vẻ cho biết sự thận trọng của Ông Từ rất đáng trân trọng và nói tiếp nếu Ông Từ có trong tay cuốn Lược Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của ba đồng tác giả Trần ngọc Thống, Hồ đắc Quân và Lê đình Thụy thì chỉ việc lật ra coi là biết liền.

Bốn mươi bốn năm đã trôi qua, kể từ năm 1969 là năm tôi bị thương, mọi việc tưởng chừng như đã chìm vào quên lãng nhưng sự ân cần, sự quan tâm của một vị Tướng đối với thuộc cấp trong lúc bất chợt đã trở về và đây là bài viết chứng tỏ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng có những vị Tướng như thế, trong đó có Thiếu Tướng Trần bá Di là một, đã quan tâm đến sự sống còn của thuộc cấp dù đang rất bận rộn trong lúc chỉ huy cuộc hành quân.

Cùng với tấm huy chương Chiến Thương Bội Tinh gắn trước ngực thì tấm huy chương kia “Huy Chương của Tấm Lòng Nhân Hậu” của một vị Tướng đã tỏa sáng trong trái tim, trong tâm khảm của người chiến binh đã một thời phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền chỉ huy của Ông.

Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên.

Sao Nam Trần ngọc Bình
Mùa Đông 2013

Không có nhận xét nào: