Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

Thi đại học ở Việt Nam: Canh bạc của cả một thế hệ

Thi đại học ở Việt Nam: Canh bạc của cả một thế hệ
Lại một đợt công bố điểm chuẩn các trường đại học kết thúc. Những vui buồn, thở phào nhẹ nhõm hay tiếc nuối thất vọng đang là cảm xúc của một thế hệ trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Nhưng liệu đến bao giờ những con người có đam mê, muốn cống hiến và yêu một nghề nghiệp nào đó được học ngành mình muốn, thay vì chọn đại một trường nào năm ngoái điểm thấp để có cơ hội được học đại học?
<!>
andy
Ngày xưa ai đi học đại học để không phải đi thanh niên xung phong, không phải đi làm kinh tế mới hay đi chiến trường Campuchia sẽ bị khinh miệt bởi họ đã chà đạp lên mục đích giáo dục để thỏa cái lợi nhỏ bé của mình. Nhưng ngày nay, chẳng ai khinh những người chọn đại một ngành chắc chắn ra có công ăn việc làm tốt, hay vì trường đó có nuôi ăn nuôi học cho sinh viên trúng tuyển. Thoạt nghe chẳng liên quan, nhưng cái mục đích học của hai thế hệ đó đều có cùng chung một điểm: Họ không học vì đam mê, vì muốn cống hiến cho xã hội và phát triển bản thân theo lĩnh vực thật sự yêu thích. Và đó chính là sự phủ nhận giá trị của giáo dục đại học.
Thi đại học ở Việt Nam: Canh bạc của cả một thế hệ
Hiện nay, sinh viên Việt Nam chọn trường đại học không phải vì đam mê, vì muốn cống hiến cho xã hội và phát triển bản thân… (Ảnh: youtube.com)
Lý do bạn muốn thức dậy mỗi ngày để làm công việc mình lựa chọn
Người Nhật Bản có một khái niệm gọi là Ikigai, nó giống như một kiểu công thức để xác định lý do bạn tồn tại, lý do bạn chọn nghề nghiệp và thức dậy lao đầu vào công việc mỗi ngày. Ikigai không chỉ là để chọn nghề nghiệp mà còn là giá trị cuộc sống, là điều mà bạn sẽ sống vì nó và tận tâm không chút tính toán. Có lẽ vì có Ikigai, người Nhật mới có thể làm việc nhiều nhất thế giới với sự tận tụy và trân trọng công việc đến vậy.
Bạn chỉ cần trả lời bốn câu hỏi: Bạn yêu thích điều gì? Bạn giỏi cái gì? Xã hội cần bạn làm việc gì? Và bạn có kiếm được tiền từ việc này?
Giao thoa giữa điều bạn yêu thích và việc bạn giỏi chính là Đam mê.
Giao thoa giữa điều bạn yêu thích và điều xã hội cần ở bạn chính là Sứ mệnh.
Giao thoa giữa điều xã hội cần ở bạn và việc bạn có thể làm để kiếm sống chính là Nghề nghiệp.
Giao thoa giữa điều bạn giỏi và việc bạn có thể kiếm sống chính là Chuyên môn của bạn.
Và giao thoa của bốn khu vực giao thoa trên (đam mê, sứ mệnh, nghề nghiệp, chuyên môn) chính là Ikigai – Điều mà bạn sẽ sống vì nó, cống hiến hết mình không chút đòi hỏi và truy cầu vì nó làm nên giá trị con người bạn.
Có lẽ bởi người Nhật có Ikigai, nên họ làm gì cũng đều hết sức tâm huyết và nhiệt tình. Bạn sẽ thấy hầu hết những người bồi bàn ở Nhật khi lau bàn sẽ nghiêng mình để kiểm tra còn vết bẩn nào không. Bạn sẽ ngạc nhiên khi người nông dân Nhật kỳ cọ, nâng niu từng cái lá xanh, cho cây táo nghe nhạc và chúc cỏ cây những câu chúc tích cực để chúng cho chất lượng tốt nhất. Bạn cũng sẽ thấy những nhân viên hỗ trợ sinh viên nước ngoài tận tụy đưa đón và vận chuyển đồ đạc giúp những người xa lạ chỉ vì đó là công việc của họ.
Và chắc chắn bạn sẽ không thể không xúc động trước những người Nhật dốc sức hội thảo, bàn bạc cho lễ hội quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nhật và nói với chính người Việt Nam rằng: “Xin hãy giúp đỡ, xin cùng dốc lòng cho sự kiện. Vì Việt Nam! Xin cảm ơn!” – (Đến Nhật Bản học về Cuộc đời, Lê Nguyễn Nhật Linh).
Lý do bạn muốn thức dậy mỗi ngày để làm công việc mình lựa chọn
Ngay cả khi quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nhật, bạn sẽ không khỏi xúc động vì tinh thần và trách nhiệm của người Nhật. (Ảnh: youtube.com)
Có câu chuyện được kể từ một nhà thiết kế nổi tiếng người Việt khi đợi chuyến bay ở sân bay Nhật Bản. Anh hỏi nhân viên vệ sinh người Nhật đang lau bàn ở gần đó về cách vào mạng internet. Cậu thanh niên trả lời: “Tôi là nhân viên vệ sinh nên không rành, nhưng nếu ông đợi được tôi sẽ sẵn lòng giúp ông”. Cậu nhân viên vệ sinh sau khi chạy đi đâu đó đã quay lại cùng một tập hướng dẫn song ngữ cho nhân viên về cách sử dụng, vận hành các thiết bị. Cậu mượn điện thoại rồi ngồi lần mò làm theo hướng dẫn. Sau khi đã thành công, cậu rút trong túi áo một chiếc khăn trắng lau cho sạch chiếc điện thoại rồi đưa lại cho nhà thiết kế bằng hai tay một cách rất trân trọng.
Đó là cách người Nhật làm nên giá trị con người mình ở những việc nhỏ bé họ làm, ở những công việc mà chúng ta cho là thấp kém chỉ dành cho những người thất học.
Ở đâu thì con người ta cũng sẽ muốn có một nghề nghiệp danh giá, nhiều tiền. Nhưng dù lựa chọn ngành nghề nào, con người của một xã hội văn minh phải biết tạo ra giá trị của mình dựa trên lòng yêu nghề, trân trọng nghề nghiệp mà không phải vì tiền. Điều đó có thể được chăng, khi học sinh lựa chọn trường đại học lại chỉ vì trường này năm ngoái điểm chuẩn thấp, trường kia có nuôi ăn nuôi học, trường nọ ra trường chắc chắn có việc, hay ngành này sau này dễ kiếm được nhiều tiền…
Lý do bạn muốn thức dậy mỗi ngày để làm công việc mình lựa chọn
Tiêu chí lựa chọn nghề nghiệp là vì lòng yêu nghề chứ không phải vì tiền… (Ảnh: pinteret.com)
Lựa chọn trường đại học ở Việt Nam: Vì tương lai kiếm nhiều tiền, vì được trợ cấp học phí
Đó là vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam, người ta đi học đại học chỉ để sau này có một nghề nghiệp có nhiều tiền, học cái gì cũng được cốt là có việc làm, trường nào bao cấp ăn ở thì càng tốt. Họ không học vì đam mê, vì để cống hiến cho xã hội và cộng đồng, vì sự phát triển con người, và tất nhiên ai muốn học cao là vì để làm điều tốt cho người khác thì sẽ trở thành hiện tượng trên các trang báo mạng.
Hết thế hệ trẻ này đến thế hệ trẻ khác ở Việt Nam ngồi trên giảng đường mà trong đầu luôn đau đáu về việc sau này sẽ kiếm được việc làm và nhiều tiền bằng nghề hay không. Phong trào “khởi nghiệp” khiến các bạn trẻ nghĩ rằng có tiền là có tất cả và con người muốn thành công thì chắc chắn phải độc lập về tài chính.
Điều đó đã loại bỏ hoàn toàn giá trị đích thực của giáo dục đại học. Đó không chỉ là việc bạn được dạy một nghề nghiệp để kiếm sống, mà là dạy nên một người có thể phục vụ xã hội một cách tốt nhất.
Đó là những doanh nhân có đạo đức và luôn biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của doanh nghiệp.
Đó là người thầy giáo biết dạy học trò thành người tốt trước khi thành người giỏi, nên không thể bán điểm hay bắt học sinh học thêm ở lớp ngoài giờ của mình.
Đó là người bác sĩ biết sứ mệnh của mình là cứu giúp người khác, nâng cao sức khỏe cộng đồng chứ không phải là bắt tay với dược sĩ bán thuốc hay “chạy sô” mở phòng khám tư để chuyển bệnh nhân ra đó kiếm lời.
Đó là người công an hiểu rằng công việc của mình là gìn giữ trật tự, hỗ trợ người dân chứ không phải rình rập để bắt phạt không có hóa đơn.
Image result for hình ảnh yêu nghề
Xã hội của chúng ta hiện nay rất cần những người biết tạo ra giá trị của mình dựa trên lòng yêu nghề, trân trọng nghề nghiệp…
Inamori Kazuo, nguyên chủ tịch hãng hàng không Japan Airlines của Nhật đã từng viết nên cuốn sách gây chấn động giới doanh nhân toàn cầu có tên “Con đường đến thành công bằng sự tử tế”. Được truyền cảm hứng từ Samurai chân chính thời Minh Trị Duy Tân, Saigo Takamori, ông Inamori đã đúc kết lại rằng, ngay cả trong kinh doanh, buôn bán, vốn bị mang tiếng là “mười người buôn chín kẻ gian”, thì làm vì nghĩ tới lợi ích của người khác trước khi nghĩ tới mình sẽ là con đường tốt nhất tới thành công.
“Nếu muốn những kết quả tốt đẹp, muốn có lợi thì phải làm cho người khác có lợi. Làm vậy thì chắc chắn những gì ta dành cho người, làm lợi cho người sẽ trở lại là lợi của ta, như câu thành ngữ ‘Tử tế không vì người’ (Nasake wa hito no tame narazu: Tử tế với người khác thật ra sẽ có lợi cho chính ta, vì ta chứ không vì người khác)”.
“Những hành động sâu sắc vì người khác của từng cá nhân sẽ trở thành những hành động ‘lợi tha’ với quy mô lớn hơn, vì công ty, vì đất nước, vì thế giới” – (Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, Inamori Kazuo).
Vì thế làm ngành nghề nào, muốn kiếm cơm từ nó, thì trước hết phải biết cống hiến, biết duy trì đạo đức nghề nghiệp. Nếu ngay từ khi chưa bước chân vào trường đại học, tất cả những gì trong đầu các bạn trẻ tính toán chỉ là học cái gì ra kiếm được việc làm, có nhiều tiền, thì sẽ chẳng thể hiểu cái “lợi tha” mà một người lao động chân chính phải làm cho xã hội.
Từ đó chẳng có gì khó hiểu khi sau này ra trường, những sinh viên sư phạm mầm non sẽ trở thành những cô nuôi dạy trẻ không yêu trẻ em mà sẵn sàng tát, mắng, nhồi nhét các thiên thần bé nhỏ. Những sinh viên luật ra trường lại chỉ nhăm nhe cò mồi ăn tiền các vụ án. Những sinh viên kinh tế ra trường sẵn sàng mua gian bán lận, chạy dự án, buôn lậu, trốn thuế…
Bởi ngay từ trước khi bước chân vào đời, họ đã hiểu lầm rằng, nghề nghiệp là để kiếm tiền, không phải là để cống hiến và làm lợi cho xã hội, càng không phải là cách tạo ra giá trị con người mình.
Thuần Dương

Không có nhận xét nào: