Cô bạn làm chủ ghe, cho tui đi vượt biên theo, chỉ với 1/2 giá. Ngồi chung cyclo với cổ ra bến xe Chợ lớn xuống Mỹ Tho..tui hỏi: “ Ê mầy, lỡ bị bắt tao phải khai làm sao? “ Chèn ơi, cổ véo tui một cái đau điếng rồi mắng: “Mầy thiệt vô diên, miệng ăn mắm ăn muối nói chuyện xui rủi“. Mà xui thiệt. Ghe lớn ra cửa Vàm Láng không bao xa, thì bị túm gọn. Vô trại tạm giam, ông cán bộ răng dzàng đập bàn xong, rồi hậm hức chỉ tay vào tui ( đang ngồi sắp lớp hàng đầu) hỏi: “Ai là chủ ghe?” Theo phản xạ.. ba trợn, tự dưng tui đứng phắt dậy mắt dáo dát tìm nhỏ bạn. May.. mà định thần kịp, ngồi xuống liền. Ổng răng dzàng túm áo tui, hầm hè hỏi lần nữa: “ Ai là chủ ghe? “ Chợt thấy tên du kích áo đen hồi nãy lăng xăng nạt nộ những người bị bắt, tui chỉ đại vào hắn. Cả đám người ngồi đó cười rần.. Tui ăn một bạt tay trời giáng, bể mất một cái tròng kính cận ( may.. không bị rớt.. răng ). Nhưng vàng, nhân sâm đeo trong mình bị lột sạch. Chỉ ký tên vô sổ ngang cái dòng : Trại có giữ 5 miếng kim loại màu vàng, thôi!
<!>
Chuyển trại giam lớn Mỹ Tho. Người nhà tui chạy tiền liền -để tui về cho kịp -sợ bị mất chỗ làm việc. Cán bộ đọc tên từng người trao giấy thả tù. Ổng đọc đi đọc lại Nguyễn thị Hương, tui cứ ngồi im lặng.. xa vắng mãi. Bị tên công an trong phe cánh đá nhẹ một cái nói: “ Bà đó bà! “ Tui đứng lên nhận giấy còn càm ràm: “ Tên tui sao thiếu chữ Xuân? “ Ông cán bộ trao giấy nói nhỏ: “ Vậy chứ hồi bị bắt, má khai tên gì vậy má? “ Thế là tui nhớ trực vụ khai tên, năm sanh- địa chỉ công việc... xạo sự của mình liền. Hú vía, may mà được tha.
Ra khỏi trại 2 giờ trưa, áo quần rách bươm, cặp mắt kính lọt mất một tròng, dép cũng mất luôn, vậy tui còn gì để bán mà kiếm tiền về xe đây? Chẳng lẽ lội bộ từ Mỹ Thơ dìa Sài Gòn sao? Tui đọc kinh khấn hết Chúa đến Đức Mẹ cứu giúp.. Lội bộ một đoạn đường xa mà chân bỏng rát. Cuối cùng tui bấm gan vẫy đại một chiếc xe ôm, chìa giấy thả tù, tui nói: “Cháu vượt biên được thả, giờ không tiền, nhưng nhà cháu ở Sài Gòn thì có tiền trả. Chú giúp giùm cháu phương tiện đi về nhà được không? Cháu thiệt đội ơn chú.“ Ông xe ôm trông hơi đứng tuổi -người khắc khổ, mặt nám đen còn đeo mắt kính đen thiệt ngầu, nhưng giọng thì hiền khô - hỏi: “ Vậy cháu có dám ngồi xe ôm, dang nắng về Sài Gòn không?” Nghĩ sao mà con nhỏ chột mắt kiếng, quần áo rách bươm không dép như tui lúc đó, lại có thể giở giọng tiểu thư ngại nắng ăn lắc đầu.. được. Tui trèo lên xe liền, không thèm hỏi giá, nói xong địa chỉ là ôm cái eo ổng.... ngủ gục miết. Bị trại giam chật chỗ ngủ ngồi, tui lại bị nhét ngồi gần cầu tiêu, mùi nồng nặc xông lên, mắt trợn trừng đau khổ, ngủ gì nổi mấy đêm nay, hở trời
Xe chạy gần qua Chợ Bến Thành, ổng mới kêu lớn cho tui thức dậy để hỏi kỹ đường về quận 4 nhà tui. Chắc ổng nghe bụng tui kêu rột rột hay sao đó... mà nói: “ Chắc cháu đói bụng dữ rồi phải không? Chú cũng chưa ăn gì. Thôi chú chở cháu ăn bậy tô hủ tíu dằn bụng, rồi chở cháu về. “ Chèn ơi, buồn ngủ mà gặp chiếu manh, tui gật đầu liền.. Coi như gần cả tuần nay từ chỗ ém quân chờ ra cá lớn -đến khi bị bắt nhốt -tui chưa được ăn đúng nghĩa bao giờ. Tui ăn hỗn hào, ào ào một lúc hai tô mì và ly trà đá bự tổ chảng. Trong khi chú xe ôm chạy cực khổ đường trường, ăn nhỏ nhẹ có một tô mì và ly cafe đen nhỏ xíu thôi. Trời xế chiều nhưng còn sáng. Tui ngần ngại nói chú ấy có thể chờ sụp tối một chút rồi chở tui về nhà, vì tui ngại hàng xóm và công an khu vực thấy quần áo và bộ dạng của tui như vầy, sẽ biết tình cảnh vượt biên của tui liền. Như vậy dễ di hại cho tui về sau. Chú Hiền ( tui biết tên chú sau đó ) cũng gật đầu chịu. Hai chú cháu ngồi quán cốc lề đường, uống trà đá chuyện trò rôm rã. Chú nói chú mới ra trại cải tạo, nhà ở Sài Gòn nhưng không nhập được hộ khẩu ở Sài Gòn, bị chỉ định về quê. Để sinh sống, chú chạy xe ôm. Hôm nay nhân dịp chở tui về Sài Gòn, chú sẽ ghé qua nhà thăm ba má chú luôn. Chú nói ngó bộ dạng của tui, là chú tin tưởng con nhà đàng hoàng, sa cơ bị bắt vượt biên nên chở tui đường xa, không ngại bị lường gạt quịt tiền. Sụp tối tui về được đến nhà, cả nhà mừng húm. Trả tiền công chú Hiền hậu hỉ và còn ghi lại địa chỉ nhà chú ở Sài Gòn để liên lạc thăm viếng sau nầy. Chị tui nói, chạy cho tui dzìa mất một cây vàng, nhưng họ nói đến ngày mai mới thả. Đâu dè họ thả sớm một ngày như vậy?
Sáng mai tỉnh táo dọn bộ vó đi làm. Vô sở, mọi người trợn trừng mắt ngạc nhiên, coi như tui vắng mặt không xin phép đã 3 ngày, trừ đi hai ngày lễ 30 / 4 và 1/5 cùng ngày Chúa nhật. Hú vía, gần cả tuần chứ đâu phải chơi. Tui bèn đi một đường kể khổ..bị té bong gân sưng chân nằm một chỗ. Bố tui già cả không biết sở tui ở đâu để xin phép. Nhưng ngó cái mặt ăn nắng đen thui của tui, là họ thừa biết tui nói láo liền. Có lẽ Chúa thương phù hộ cho công trình tui đang quản lý tới lúc nghiệm thu.. Vắng tui, ai lên giá thành thanh quyết toán. Tui ở lại làm nốt công việc, với cái án treo lơ lững. Họ chờ dịp trừng phạt tui. Tui thì chờ kỳ vượt biên mới, nhất định là mình phải vượt thoát khỏi Việt Nam.
.... Cô bạn tui, nhà cổ cũng lo chạy chọt, nên cổ ra tù sau tui vài ngày. Năm sau cũng vào dịp 30/4, mùa gió êm. Nhà cổ tổ chức thêm một chuyến vượt biên mới, nhưng cổ không rủ tui đi tiếp. Chắc cổ nghĩ tui là con nhỏ ba trợn tào lao ăn nói vô duyên khiến cổ dễ bị xui xẻo chắc? Nhưng ghe của cổ ra cửa lớn, chỉ chung chi công an bến bãi, mà qua mặt không chung công an biên phòng. Họ rượt theo bắn chìm ghe cổ, chết tan tác mấy chục nhân mạng luôn. Mạng tui lớn hay nhỏ xíu, khi không theo chuyến vượt biên đó? Còn cô bạn tui, cổ không hên mà xui xẻo mất mạng.
Mấy chục năm trôi qua, mà tui vẫn nhớ hoài cái véo tay đau điếng của cô ấy. Nghĩ đến rồi thương cổ, và thương cho những người Việt Nam đã bỏ mạng trên biển đông khi bỏ phiếu đi tìm tự do bằng đôi chân của mình.
Vũ Trà My
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét