Hôm 28.04.2018, bầu trời Bá Linh trong xanh, nắng ấm. Anh em chúng tôi trên xe từ Hamburg đến Berlin kháo nhau “trời độ”, vì cả hơn tuần nay tự nhiên trời lại trở lạnh, mưa gió ầm ì, thế mà cuối tuần này trời lại ấm áp, nhất là ở khu vực Bá Linh. Đúng là thời tiết tháng Tư (April-Wetter) như người Đức thường ví von. Chúng tôi vào đến Berlin khoảng 11 giờ 10, còn hơn 50 phút để chạy đến đại sứ quán của Việt cộng ở đường Elsen số 3 khu Treptow, kịp tham dự cuộc biểu tình bắt đầu lúc 12 giờ.
Trước sứ quán của Việt cộng đã có đông đảo đồng bào tề tựu, đang căng biểu ngữ và chuẩn bị hệ thống âm thanh, sắp xếp hàng ngũ. Buổi mít-tinh được bắt đầu đúng 12 giờ với phần nghi thức khai mạc chào cờ Đức – Việt.<!>
Bs. Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch Liên Hội Người Việt tỵ nạn cộng sản tại Đức, phát biểu trước cuộc biểu tình. Bà muốn nói với những người làm việc trong sứ quán Việt cộng, nơi đại diện cho Cộng sản Việt Nam là việc đàn áp những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước là một hành động vi phạm nhân quyền của thế giới, vi phạm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà chính quyền Cộng Sản Việt đã đặt bút ký tên tham gia.
Sau đó là những phát biểu của các đại diện hội đoàn, tổ chức như ông Nguyễn Đình Phúc, Hội trưởng Hội NVTNCS tại Hamburg, Nhà văn Đinh Lâm Thanh, ông Nguyễn Thanh Văn, đại diện Đảng Việt Tân tại Đức,… lên án sự chà đạp nhân quyền của nhà cầm quyền VC trong nước,…
Trong lời kêu gọi mọi người tiếp tục đồng hành, hỗ trợ phong trào dân chủ VN, ông Nguyễn Thanh Văn nhấn mạnh: Dù Phong trào dân chủ tại quốc nội bị chế độ trù dập nặng nề, nhưng ngọn lữa dân chủ không vì thế mà bị dập tắt. Chúng ta những người VN yêu nước, yêu tự do, dân chủ không thể để cho ngọn lửa dân chủ này bị dập tắt; và không được phép quên những người đang bị chế độ cầm tù vì đấu tranh cho khát vọng tự do dân chủ của dân tộc VN vì „Chúng Ta Là Anh Em Dân Chủ.“
Xem kẽ những phát biểu của các đại diện tổ chức, hội đoàn tại Đức là những bản nhạc đấu tranh, những khẩu hiệu tố cáo tội ác của Việt cộng được hô vang dội.
Buổi mít tinh kết thúc lúc 12 giờ 45 để mọi người kịp di chuyển đến quảng trường Brandenburger Tor cách đấy khoảng 8 km để chuẩn bị cho buổi mít tinh lúc 13 giờ 30.
Ở quảng trường Brandenburger Tor, trước cổng thành người qua lại lượn lờ như nêm, từng nhóm đứng ngồi tạo dáng chụp hình. Chúng tôi dàn trận căng các biểu ngữ với nội dung: Chúng ta là Anh Em Dân Chủ, Tự do cho Việt Nam, Dân chủ cho VIệt Nam, Nhân quyền cho Việt Nam, những tấm bảng với những hình ảnh tàn phá môi trường biển của tổ hợp thép Formosa ở Hà Tĩnh, hình ảnh của 6 nhà hoạt động nhân quyền vừa bị tòa án của CSVN đem ra xét xử, kết án tổng cộng hơn 60 năm tù giam chung với du khách qua lại.
Một số anh chị em được phân công phân phát truyền đơn, tiếp xúc với người qua lại trình bày tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền, các quyền tự do trong xã hội của chính quyền CSVN.
Những bài phát biểu bằng 3 ngôn ngữ Đức, Anh, Pháp của Bs. Mỹ Lâm, ông Hồ Ngọc (Berlin), ông Nguyễn Thế Bảo (Nürnberg), bà Lê Nhất Hiền (Frankfurt) , các em Minh Vũ (Berlin), Đức Vinh (Hamburg)… trình bày cho khách du lịch hiểu về tình trạng đàn áp tôn giáo, chà đạp nhân quyền, tiếp tay hủy hoại môi trường của nhà cầm quyền CSVN.
Buổi Mít tinh ở quảng trường Brandenburger Tor kết thúc lúc 15 giờ bằng một cuộc tuần hành quanh khu vực quảng trường.
Như thông lệ hàng năm, bà con kéo về địa điểm quen thuộc là Hội trường Thánh đường St. Aloysius để tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Tự Do, Dân chủ, Công Lý và Hòa Bình tại Việt Nam do Linh mục chánh xứ Đỗ Ngọc Hà và LM. Antôn Nguyễn Văn Đức đồng tế.
Sau thánh lễ mọi người dùng cơm tối do Liên Hội khoản đãi và tiếp tục phần sinh hoạt hội thảo, văn nghệ đấu tranh tại hội trường nhà thờ.
Lúc 18 giờ 30, sau nghi thức chào cờ mặc niệm là phần cầu nguyện theo nghi tức Phật Gíao do cụ Nguyễn Đình Tâm làm chủ lễ. Tiếp theo là lời cầu nguyện của LM Đỗ Ngọc Hà và một số giáo dân thuộc cộng đoàn công giáo tại Berlin. Sau đó mọi người cùng thắp nến cho quê hương VN.
Trước khi vào phần hội thảo một đoạn video nói về cuộc tấn công hèn hạ của quân CS Bắc Việt ở những tỉnh thành lớn của miền Nam Việt Nam, vi phạm giao ước ngừng bắn trong dịp Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt là cuộc thảm sát đồng bào ở Huế. Trong buổi trao đổi hội thảo có sự tham dự của phóng viên tự do Michael Lee (người Đức), nhà văn Đinh Lâm Thanh đến từ Pháp với chủ đề Nghĩ gì và Làm gì sau 43 năm mất nước?
Một chương trình văn nghệ đấu tranh với sự đóng góp của các anh chị yêu văn nghệ.
Buổi hội thảo và văn nghệ đã kết thúc lúc 23 giờ 30 cùng ngày.
Trần Văn ghi lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét