Hỡi cô tát nước bên đàng,
sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
(“Trăng quê”, Bàng Bá Lân)
“Cho tôi xem qua bài lục bát nào của anh/chị, tôi sẽ nói được ít nhiều về anh/chị.”
Câu ấy tôi vẫn nói với những người làm thơ quen biết, và có lý do để mạnh miệng như vậy. Không chỉ “văn là người” mà cả đến thơ cũng là “người”. Hơn thế nữa, bài lục bát ấy cũng nói cho tôi biết ít nhiều về “tay nghề” của tác giả. Thế nhưng, vì sao là lục bát mà không phải thể thơ nào khác? Chỉ vì, thơ lục bát “dễ làm, khó hay”, và là một thử thách cho người làm thơ. Qua một bài lục bát, dẫu tân, cổ kiểu nào, bản lãnh của người làm thơ thể hiện rõ nét hơn bất kỳ thể thơ nào khác.
I. Từ ca dao đến hồn nhiên lục bát
Thơ lục bát dễ làm, khó hay, nhiều người vẫn đồng ý như vậy, nhưng không chắc đã đồng ý với nhau thế nào gọi là “hay”.
Biết thế nào là bài thơ, câu thơ hay? Khen một bài thơ hay cũng giống như khen bức tranh đẹp, dễ rơi vào chủ quan. Người này nói đẹp, người kia nói không đẹp. Đẹp xấu, hay dở thế nào là tùy thuộc cảm quan nghệ thuật, khuynh hướng thẩm mỹ của từng người. Cũng tựa như nghe nhạc vậy, người yêu bài này, kẻ thích bài kia. Người yêu “tuyệt phẩm bolero”, kẻ thích “dòng nhạc thính phòng”... Mỗi người mỗi tánh mỗi ý, câu thơ có chạm được vào trái tim người yêu thơ hay không là tùy vào cung bậc cảm xúc của từng người.
Thơ lục bát cũng có lục bát sến, lục bát sang, lục bát truyền thống, lục bát hiện đại, lục bát cổ điển, lục bát tân kỳ, lục bát dung tục, lục bát tấu hài… Mỗi người “tự chọn” lấy những bông hoa mình yêu thích trên cánh đồng thơ lục bát.
Nhiều bài, nhiều câu lục bát được lắm người tán tụng, trầm trồ, thế nhưng tôi đọc chẳng thấy chỗ nào hay ho hoặc chỉ hay vừa vừa. Ngược lại, nhiều bài, nhiều câu lục bát tôi yêu thích nhưng không chắc đã được người khác chia sẻ. Tôi nhớ, một tờ báo mạng “chuyên trị” về thơ lục bát có tuyển chọn ra “1.000 câu thơ lục bát để đời”, hoặc một tờ báo khác làm công việc bình chọn “99 bài thơ lục bát hay nhất thế kỷ”. Không rõ việc bình chọn dựa trên những tiêu chuẩn nào và kết quả thế nào, riêng tôi vẫn cho là việc này không dễ và kết quả việc “bình bầu cá nhân xuất sắc” ấy không chắc được sự đồng thuận của người yêu thơ và làm thơ, nhất là những nhà thơ không thấy… tên mình trong số tác giả được tuyển chọn.
Dường như những bài thơ hay ngày càng ít đi, nhiều lắm chỉ nhặt ra được một đôi câu trong một bài. Người đọc khó mà nhớ được trọn bài thơ nào là vậy. Bài lục bát duy nhất tôi nhớ được trọn bài là “Hoa cỏ may”của thi sĩ Nguyễn Bính, gồm một câu “lục” và một câu “bát”:
Hồn anh như hoa cỏ may
một chiều cả gió bám đầy áo em
Thơ hay, một hai câu cũng hay.
Người viết nhớ đâu ghi đó những câu lục bát dẫn ra trong bài. Người đọc, như trên đã nói, có thể thấy hay hoặc không hay, thấy thích hoặc không thích. Việc dẫn giải những câu thơ trích dẫn, nếu có, chỉ vắn tắt. Dù sao, “bắt” được một, hai câu lục bát hay, với người yêu thơ, cũng là điều thú vị. Mong được như vậy.
1. Lục bát dân gian
Hỡi cô tát nước bên đàng,
sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Có tài liệu nói rằng câu thơ trên không phải là câu ca dao quen thuộc như nhiều người vẫn tưởng mà là câu lục bát trong bài thơ “Trăng quê” của thi sĩ Bàng Bá Lân in trong thi tập đầu tay Tiếng Thông Reo, xuất bản năm 1934 ở Hà Nội. (Câu thơ Bàng Bá Lân có khác hai chữ: Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?).
Lại có người cho rằng câu ca dao Trăng bao nhiêu tuổi trăng già / Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non? là câu thơ của thi sĩ Tản Đà.
Những nhầm lẫn này cho thấy nhiều câu lục bát về tình tự dân tộc rất gần với ca dao.
Từ lúc nào, từ nơi sâu thẳm nào trong tâm hồn người Việt đã thấm đẫm nguồn thơ lục bát bàng bạc trong kho tàng ca dao, trong nhiều bài đồng dao, trong lời mẹ ru con bên vành nôi. Nguồn thơ lục bát, trong nghĩa ấy, là nguồn cội dân tộc.
Tôi nhớ đã phải lòng lục bát từ thuở được làm quen với những câu ca dao trữ tình mà nhiều người quen gọi là “lục bát dân gian”. Bên dưới là những câu lục bát thẳng cánh cò bay mà không khéo lắm người lại tưởng rằng… ca dao.
Không trầu mà cũng chẳng cau,
Lòng anh quanh quẩn bờ rào,
như con bươm bướm bay vào bay ra (Cảm ơn, Viên Linh) Hay là:
Thôi thì em chẳng yêu tôi,
leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng (Động hoa vàng, Phạm Thiên Thư)
(“Nhớ người rưng rưng” mới thật là hay, không phải “khóc người rưng rưng” như lời của bài nhạc phổ thơ).
Trăng tròn từ thuở mười lăm
em tròn từ thuở anh nằm tương tư (Trăng, Bắc Phong) Hay là:
Chỉ tại con mắt lá răm
nên tằm mới chịu ăn nằm với dâu…
Chỉ tại cái nết không chừa
thế nên trúc cứ lẳng lơ với mành (Trăm dâu cứ đổ đầu tằm, Ngô Tịnh Yên)
Mùa thu mây trắng xây thành
Tình em mầu ấy có xanh da trời (Thu 1954, Hoàng Hải Thủy)
Cái đẹp của thơ lục bát là vẻ đẹp tự nhiên, không cầu kỳ kiểu cọ, không chải chuốt điệu đàng.
Cái hay của thơ lục bát là cái hay của vẻ đơn sơ, bình dị, như tâm hồn chân chất mộc mạc của người dân Việt.
2. Lục bát qua cầu gió bay
“Mỗi người Việt là một thi sĩ”, tôi ngờ rằng “thi sĩ” trong câu nói ấy nhiều phần là thi sĩ của thơ lục bát, của những lời thơ tựa những lời lẽ người ta thốt ra một cách tự nhiên mà nghe thật ngọt ngào, dịu dàng và êm tai.
Anh đã có vợ hay chưa
mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào? (Ca dao)
Theo cái nghĩa này, ai cũng có thể làm thơ được dễ dàng mà không nhất thiết phải là thi sĩ, thậm chí không nghĩ rằng mình đang làm thơ. Già trẻ lớn bé gì cũng đều làm thơ lục bát được, và trong số những bài thơ ấy ta nhặt ra được không ít những lời thơ “gió đưa ngọt ngào”.
Câu thơ lục bát hay là câu thơ đọc “vèo” một cái thấy hay hay, đến chừng ngoái lại mới hay là mình vừa bước “qua cầu gió bay” một… câu lục bát.
Cái hay trong thơ lục bát là cái hay tự nhiên, hoặc được dụng công thật khéo để mang vẻ tự nhiên. Nhiều câu lục bát đọc lên nghe khơi khơi, nghe thật hồn nhiên như… lục bát:
Còn điếu thuốc này nữa thôi,
đốt lên anh chúng ta ngồi hút chung (Chuyện mùa xuân muộn, Thái Phương Thư)
Tôi về đây nhớ chiều xanh,
con chim nào hót trên cành khô kia (Giọng sầu, Hoài Khanh) Hay là:
Đi trong chiều cuối tháng tư,
nắng Montréal đẹp y như Sài Gòn (Dạo phố Sainte Catherine, Luân Hoán)
Tháng mười gió bén như dao
Cắt rơi chiếc lá thả vào lòng tôi (Nhớ nhà, Quan Dương)
Tình ơi, về lại tháng ba
ghé thăm một chút cho ta đỡ buồn
Lục trong ngăn kéo, thỏi son
tình đi ngày ấy hãy còn bỏ quên (Tình ơi, Lâm Chương) Chưa hết:
Lòng còn thơm ngọn gió quê
thổi đâu từ thuở bờ tre mới trồng (Năm mới, Phan Ni Tấn)
Trầu ơi, xanh lá cho mau
cho duyên con gái thắm màu vôi yêu (Chiều thơm, Như Thương) Vẫn chưa hết:
Mùa thu có lá ngô rơi,
có đôi người mới thành đôi vợ chồng (Hoa bưởi xóm Chùa Đào, Y Dịch).
Mười năm không trở lại nhà
Bóng trưa nghiêng đổ, tiếng gà trong mơ (Trăng ý, Tần Hoài Dạ Vũ)
Những câu lục bát như thể “gió đưa cành trúc la đà”, như thể “cánh cò bay lả bay la” trên ruộng lúa mênh mông.
II. Ngôn ngữ thơ lục bát
<
Ngôn ngữ thơ là chữ nghĩa, hình ảnh, ý tưởng … chỉ có ở trong thơ hơn là trong đời thực. Có điều, khi đọc, nghe, ta cảm thấy như là có thực, có ý nghĩa và chấp nhận được; hơn thế nữa, lại còn rung cảm vì thứ ngôn ngữ ấy. Bất kỳ cách diễn đạt nào làm cho người ta đọc ra thơ, nghe ra thơ, hiểu ra thơ muốn “nói” điều gì, đều là ngôn ngữ thơ.
1. Chữ và nghĩa:
Thường thì nói đến ngôn ngữ người ta dễ nghĩ đến tiếng nói và chữ viết. Chữ nghĩa ở trong thơ lắm khi không giống như ở bên ngoài đời thường.
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy
Ngoài đời, chẳng ai nói như vậy cả. Câu thơ (của Phùng Quán) không phải là cây gậy, cây nạng mà “vịn” vào được.
Câu thơ hay thường có ý tứ mới, lạ, diễn đạt bằng chữ nghĩa mới, lạ, và nghe rất “thơ”.
Mành tương phất phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Lối đi vừa chớm tiêu điều
mùa nghiêng bóng nhỏ ngày xiêu cội dài
phố chiều gió vọng bàn tay
ru anh về với đôi ngày lãng quên (Bài ru,Trần Dạ Từ)
Những “gây”, “khan”, “nghiêng”, “xiêu”, “vọng”, “ru” ấy chỉ tìm thấy ở trong thơ.
Tóc người chảy suốt cơn mưa
Ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về (Chân dung, Du Tử Lê)
Em đi sông gọi tiếng thầm
Lục bình chia nhánh đá trầm mình đau
Em đi trời xuống thật sâu
Mây chia trong tóc, gió nhầu trên vai (Xóa bình minh, Trần Mộng Tú)
Những “chảy”, “đưa”, “gọi”, “chia”, “trầm”, “xuống”, “nhầu” ấy cũng chỉ tìm thấy ở trong thơ. “Mây chia”, “gió nhầu”…, ngoài đời chẳng ai nói thế bao giờ.
Tôi vào chùa, quá tam quan
Phật ngồi im lặng, liễu bàng hoàng xanh (Thực, Không đôi bờ, Trần Mộng Tú)
Câu thơ đọc lên nghe… bàng hoàng. Đâu chỉ có Phật, đến cả Chúa cũng bàng hoàng:
Tiếng em hát giữa giáo đường,
Chúa về trong những thánh chương bàng hoàng (Động hoa vàng, Phạm Thiên Thư)
Dường như cô bé rất hiền,
tay ngoan cặp sách, mắt viền ngây thơ
Dường như ai đó tình cờ
theo chân guốc nhỏ bất ngờ sau lưng (Tiểu thư, Như Thương)
Chữ “ngoan” dùng như là động từ, nghe hay hay, ngồ ngộ (những người làm thơ khác chắc sẽ viết “tay ôm cặp sách”). Và động từ “viền” ấy nữa, nghe cũng mới, cũng lạ. Đến hai chữ “bất ngờ” thì thật là… bất ngờ, cứ như là bất ngờ quay đầu lại bỗng giật mình thấy anh chàng đứng ngay sau lưng mình tự lúc nào.
Những chữ nghĩa và cách nói lạ lùng ấy chỉ nghe, chỉ thấy ở trong thơ.
Chữ nghĩa cần có sự phát minh, sáng tạo hơn là lặp lại rập khuôn người đi trước. Những vô thường, vô vi, phù vân, phù ảo, hư ảo, hư không, tà huy, miên trường… mà người làm thơ cố đưa vào bằng được trong thơ mình thường có một vẻ gì khập khiễng, gượng gạo như một kiểu tạo dáng kém tự nhiên, đôi lúc khiến câu thơ tối tăm, khó hiểu.
Thường, thơ khó hiểu thì khó hay; thơ tạo dáng thì khó tạo được cảm xúc.
Thơ hay, “thì”, “mà”, “là”… cũng hay, nhất là với thể thơ lục bát thuần Việt. Chẳng hạn:
Con sông nào đã xa nguồn
thì con sông đó sẽ buồn với tôi (Dòng sông của tôi, Hoài Khanh)
Ví dù gối đã lìa chăn
thì chăn gối cũng bao lần với nhau
Ví dù trước đã lìa sau
thì sau trước trước sau sao vẫn là (Minh khúc, 89, Nguyễn Tất Nhiên)
Chiều nay ngang cổng nhà ai
nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào
Nhưng mà không hiểu vì sao
gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười (Trúc đào, Nguyễn Tất Nhiên).
“Nhưng mà không hiểu vì sao” những từ ngữ Hán-Việt, những từ ngữ sáo mòn thời thượng, vẫn được nhiều người làm thơ yêu chuộng. Chữ nghĩa bình dân làm thơ kém hay chăng? Chưa hết:
Tiếng em cười tự thu nào
mà nghe rúc rích bên rào giậu thưa
Em gọi tôi ở ngoài mưa
hay cơn gió lạnh nào vừa qua sông? (Thu xưa, Đynh Trầm Ca)
Tôi về khép lại căn phòng
thấy trong lồng ngực như không có gì
Trái tim đã bỏ tôi đi
ai mà nhặt được gửi về dùm tôi (Gửi, Nguyễn Trọng Tạo) Hay là:
Chết đi còn sợ xứ người
là ta sợ cái nổi trôi đã từng
Quê nhà em có về không
cho ta về với nằm cùng nghĩa trang? (Về cùng, Hoàng Lộc)
Mai kia mốt nọ ngang nhà,
có còn liếc trộm như là hồi xưa?
E chừng sớm nắng chiều mưa,
chuyện hồi xưa đã ngày xưa mất rồi (Phụ phàng, Trần Huy Sao).
Vẫn chưa hết, những câu thơ “nhưng mà”, “mà sao”, “tại vì”, “cũng vì”…
Cũng vì mắt ngó trời xanh
cho nên mắt cũng long lanh màu trời
Cũng vì mắt ngó biển khơi
cho nên mắt cũng xa vời đại dương (Ngón tay hoa, Trụ Vũ)
2. Ý tưởng
Câu thơ đẹp thường có mang theo ý thơ đẹp. Ý tưởng mờ nhạt, có mới mà không hay, hoặc có hay mà không mới thường kém sức hấp dẫn. Ý tưởng cần sáng tạo hơn là vay mượn.
Một ngày nắng đẹp bình yên
Sớm mai thấy mặt trời lên hiền lành (Không đề, Tế Hanh)
Câu lục bát của nhà thơ Tế Hanh, có người khen hay, có người chê “nhạt”, chê “hiền lành” quá.
Cà phê nhớ bữa hôm nay
Chén trà xin hẹn ngày rày năm sau (Bên quán cà phê, Bùi Giáng)
Câu lục bát của “trung niên thy sỹ” Bùi Giáng, được “cải biên” khá vô tư từ câu lục bát của Nguyễn Du (hoặc “tư tưởng lớn gặp nhau” không chừng):
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Câu thơ hay như bông hoa lạ và đẹp nở ra từ… lục bát, đôi lúc gây bất ngờ và thú vị:
Biệt ly dù ở ga nào,
cho tôi ngồi một toa tàu lãng quên (Hôm nay, Nguyễn Tất Nhiên)
Em đi mang theo nụ cười,
tôi ngồi nhìn thấy khoảng đời trống không (Cát bụi, Phổ Đức)
Dấu thu kinh tự còn mê,
em mang tà áo bốn bề là trăng (Thu vô lượng, Nghiêu Minh)
Áo dài bồng bềnh, chơi vơi như dải trăng thu huyền ảo. Chưa hết:
Khi buồn vẽ mặt bôi râu
nhìn xem lũ quỷ không đầu xưng vương
Khi em đảo ngược thần hồn
thấy tôi cải tạo mười năm chưa về (Bài ca dao về trăng, Lâm Hảo Dũng)
Có ai ngồi quán mong chờ
lắng nghe đàn khảy tình thơ ít nhiều
Bây giờ ghế ngả bàn xiêu
dưới chân nhện hóng, tơ thiều hết ngân (Tọa độ người, Hoàng Xuân Sơn). Chưa hết:
Em về nơi ấy có tôi
chưa tìm đã thấy buông trôi tình cờ
Mất rồi lại có trong mơ
vừng trăng tím ngát bao giờ có em (Nơi có, Lưu Nguyễn Đạt)
Tình đến rồi đi, tình mất hay còn, tình thực hay mơ, như bóng trăng huyền hoặc.
Tóc mây Hà Nội năm nào
em đem từng sợi buộc vào đời anh
Bây giờ tóc bạc, tóc xanh
tình xưa anh vẫn quẩn quanh tìm hoài (Tóc rối, Nhất Tuấn)
Tình như “tóc rối”, biết đằng nào mà gỡ.
3. Hình ảnh
Hình ảnh tô đậm thêm những tình ý trong thơ. Ý tưởng đẹp, minh họa bằng hình ảnh đẹp, thường đọng lại về lâu về dài trong tâm tưởng người yêu thơ.
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà (Chinh phụ ngâm khúc, Đoàn Thị Điểm)
Chưa hết, những câu thơ tả tình tả cảnh, kẻ ở người đi…
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại buồn về em mang (Khúc ly đình, Cao Thị Vạn Giả)
Bellevue ơi, Bellevue ơi,
xa ngươi ta nhớ lưng trời thông reo
Đồi nghiêng, dốc đổ, chân đèo
bước đi ngoảnh lại nhìn theo bóng người (Bellevue 1, Chu Trầm Nguyên Minh)
Hình ảnh, có khi là bức tranh thơ tĩnh lặng.
Mở trang kinh. chỉ thấy mây
thiền tâm thanh tịnh niệm ngay di đà
tranh hoàng hôn. cảnh tuyết sa
giọt vàng giọt đỏ. nhạt nhòa giọt tôi (Chép một tờ kinh, Lữ Quỳnh)
Có khi là bức tranh nhiều màu sắc, sinh động.
Môi cười vết máu chưa se,
cành hoa gạo cũ nằm nghe nắng hiền
Anh nằm nghe bước em lên,
ngoài song lá động, trên thềm áo bay (Khi nàng đến, Trần Dạ Từ)
Trong phút giây chờ đợi bước chân người tình khe khẽ đến bên hiên nhà, chàng tưởng chừng nghe được cả tiếng gió lay động vạt áo và tiếng lá nhẹ rơi bên thềm nhà vắng.
Có khi là cảnh “chiều rơi trên đường vắng”.
Chiều rơi từng vạt mong manh,
chân đi vừa chạm khúc quanh, chiều tàn (Đường hành hương, Phan Ni Tấn)
Hay cảnh áo trắng xôn xao mùa tựu trường. Áo trắng như đàn bướm trắng trong nắng sân trường.
Sáng nay áo trắng tựu trường,
gót chân cuống quýt cả hương cúc vàng (Ánh mắt tựu trường, Đoàn Vị Thượng)
4. Âm điệu:
Âm điệu trong thơ có thể là vần điệu, nhịp điệu hay nhạc điệu.
(a) Vần điệu
Vần điệu là yếu tố hàng đầu để nhận diện thơ lục bát và cũng tạo sắc thái riêng cho thể thơ này. Câu thơ có vần có điệu dễ quyến rũ người yêu thơ, quyến rũ những tâm hồn nhạy bén với thơ, không cứ gì là thi nhân. Tác giả “Bướm trắng”, từng cho mình là “người thừa trong làng thơ”, vẫn có những khi tức cảnh sinh tình mượn câu lục bát để gửi gấm những nỗi niềm.
Mắt mờ lệ nhớ người xưa,
mười năm thương nhớ bây giờ chưa nguôi
Trông hoa lại nhớ đến người,
hoa xưa, xuân cũ biết đời nào quên (Nhớ Hoàng Đạo, Nhất Linh)
Thơ hay đến từ cảm xúc chân thực. Chỉ cảm xúc thực mới truyền được cảm xúc đến người đọc. Cảm xúc giả tạo hoặc vay mượn dễ nhận biết, tựa bức tranh vô hồn.
Nhớ em là nhớ quê nhà,
bát canh rau đắng mẹ già còn không? (Lúc nhớ, Hoàng Lộc)
Nhớ em dào dạt biển sông,
làm sao con sóng trong lòng bình yên? (Điệp khúc 68, Xuân Chung)
Quê nhà, mẹ già, biển sông, con sóng, chỉ đơn sơ là vậy nhưng khơi dậy nỗi trăn trở và nhớ nhung da diết.
Thủ pháp gieo vần lưng (yêu vận) là nét đặc sắc trong thơ lục bát, làm biến đổi hẳn về tiết tấu, nhịp điệu, nghe như một “bước nhỏ ngập ngừng” hay một nốt trầm trong câu nhạc.
Sao em không chọn mùa đông
mà đi lấy chồng lại đúng mùa thu? (Thu xưa, Đynh Trầm Ca)
Câu thơ, nhờ vậy, thêm nhạc tính.
Người phu quét lá bên đường,
quét cả nắng vàng, quét cả mùa thu (Góp lá mùa xuân, Trịnh Công Sơn)
Tôi còn có một mùa đông
Em ở với chồng tận cuối cơn mưa (Tận cuối cơn mưa, Đồng Đức Bốn)
Bài này không nhằm đi sâu vào phân tích về âm luật, các thủ pháp gieo vần, ngắt nhịp trong thể thơ lục bát.
(b) Nhịp điệu:
Nhịp điệu là tiết tấu của câu thơ. Câu, chữ trong thơ lục bát thường được ngắt theo nhịp chẵn, đôi lúc nhịp lẻ tùy thuộc cách thể hiện tình ý trong thơ, và cũng tránh được sự đơn điệu.
Đò qua sông / chuyến đầu ngày,
người qua sông / mặc áo dài buông eo (Chuyến đò Cửu Long, Nguyễn Tất Nhiên).
Em giờ là / của người ta
Của riêng tôi / một chậu hoa cúc tần (Bên giậu cúc tần, Nguyễn Đại Nghĩa)
Có khi là những tiểu đối nhịp nhàng tạo khoảng cách đều đặn và tiết tấu dìu dặt cho thơ.
Khi chén rượu / khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở / khi chờ trăng lên (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Rượu mời ta rót cho ta
Bạn gần không đến / bạn xa chưa về
Rót nghiêng năm tháng vào ly
Mắt nheo bóng xế / tay che tuổi buồn (Đêm cuối năm uống rượu một mình, Thanh Nam)
Về khuya tiếng nói âm thầm
em nghiêng mái tóc cho gần vai anh
Nhạc lên men rượu si tình
ngẩn ngơ khói thuốc / bồng bềnh ý thơ (Bài ca M.L., Hoàng Anh Tuấn)
Có khi là nhịp cầu nối liền chữ thứ sáu và thứ bảy trong câu “bát”, tạo cảm giác đong đưa, mượt mà.
Miệng người tự bữa môi cong
Mắt người tự bữa ngước đong đưa nhìn (Hiện thể, Bùi Giáng)
Ở đây mưa trắng không gian,
mưa vùi dập mộng, mưa tan tác đời (Buộc áo giữa đường, Trần Mộng Tú)
Nhiều lắm, những nhịp cầu nối lênh đênh, dập dềnh.
Em đi phố cũng ngậm ngùi
rừng kêu, núi gọi, sóng vùi dập sông (Rừng trú ngụ em, Trần Yên Hòa)
Tây Bắc chiều núi lặng thinh
Se-at-tle đó mây lênh đênh về (Chào Tây Bắc, Nguyễn Nam An)
Lối đi vàng nhạt mùa thu
Nghe lau lách động niềm u uất buồn (Trông theo, Hoài Khanh)
(c) Nhạc điệu:
“Thi trung hữu nhạc”, tôi ngờ rằng “thi” trong câu ấy nhiều phần là thơ lục bát. Các nhạc sĩ chuộng phổ thơ vẫn nói rằng phổ nhạc một bài lục bát không phải dụng công nhiều vì trong thơ đã sẵn có nhạc.
Thử đọc, đọc thành tiếng chứ không đọc thầm, một đôi câu lục bát, ta nghe được những nốt, những thanh âm trầm bổng, uyển chuyển, nhịp nhàng đến từ vần điệu, nhịp điệu và ngữ điệu trong thơ. Những yếu tố này khiến câu thơ lục bát giàu nhạc tính hơn bất cứ thể thơ nào.
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh (Thơ sầu rụng, Lưu Trọng Lư)
Nghe thơ, nghe vẳng lên trong đầu tiếng nhạc lâng lâng.
Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ (Ngậm ngùi, Huy Cận)
Đèo cao cho suối ngập ngừng
Nắng thoai thoải nắng, chiều lưng lửng chiều (Đường rừng chiều, Nguyễn Bính)
Tai nương nước giọt mái nhà,
nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn (Buồn đêm mưa, Huy Cận)
Câu thơ nghe... “lưng lửng”, “buồn buồn” làm sao!
Câu thơ đậu trong điệu hò,
hồn tôi đậu giữa lòng đò trăng soi (Trong khi chờ thanh xuân, Phan Ni Tấn)
Câu thơ nghe dạt dào như con đò nhỏ dập dềnh trên sóng, như mái chèo nhẹ khua nước đêm trăng. Chưa hết:
Tôi đang mơ giấc mộng dài,
đừng lay tôi nhé cuộc đời xung quanh (Năn nỉ, Lệ Lan)
Mưa như từng giọt rượu hờ,
đêm trong thành phố ai chờ chờ ai
Mưa thưa tựa áo lụa trời,
ôm quanh da thịt chân người người qua (Mưa mùa hạ, Trịnh Công Sơn)
Tưởng chừng nghe được trong đêm tiếng mưa rơi đều về ngang thành phố.
Có khi câu “lục” trong thơ toàn vần “bằng”, cho một cảm giác mênh mang, xa vắng.
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi (Các anh, Thâm Tâm)
Ôi thông xanh, ôi hồng đào
Phong rêu mấy thuở hồn nào không đau (Thu ngây, Cung Trầm Tưởng).
Bây giờ môi anh cô đơn
Nhớ em nhớ cả nụ hôn dịu dàng (Nhớ, Vũ Thành) Hay là:
Tôi vào chùa, tâm phân vân
Tiếng chuông vỡ giữa Thực, Không đôi bờ (Thực, Không đôi bờ, Trần Mộng Tú)
Còn chăng là mây lang thang
trên đồi gió hú bạt ngàn rừng thông
Còn chăng là đêm mênh mông
người ngồi nhớ một dòng sông cạn rồi (Người thi sĩ ấy không còn làm thơ, Phạm Cao Hoàng)
Thơ, nhạc và tranh nhiều lúc vượt ra ngoài biên giới của ngôn ngữ. Cái làm cho thơ “không biên giới” là ý tưởng và hình ảnh (có đôi lúc chữ nghĩa) hơn là vần điệu, nhịp điệu hay nhạc điệu. Đọc một bài thơ hay của nước ngoài ta thấy nhiều phần cái hay là hay về ý tưởng hoặc hình ảnh. Cũng vậy, bài thơ tiếng Việt chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài thì chỉ chuyển tải được ý tứ, hình ảnh trong thơ, hơn là âm điệu. Thơ trở thành tiếng nói chung thông qua ý tưởng và hình ảnh, trên hết vẫn là ý tưởng. Khi không còn nghe ra âm điệu, “lục bát tính” cũng không còn, khiến cái đẹp, cái hay của thơ lục bát cũng rơi rớt, hao hụt.
Thơ là sự bay bổng của ngôn ngữ. Ngôn ngữ nào bay lên được thì gọi là thơ. Bay đi đâu? Hẳn là bay ra ngoài thế giới ngôn ngữ của đời thường. Thơ bay bổng làm con người cũng muốn bay bổng theo. Đọc được, bắt được một câu thơ, một ý thơ hay thật là sảng khoái, có cảm giác lâng lâng, bềnh bồng tựa như… bay là là trên không.
Cái cách tạo cho người ta cảm giác ấy, là thơ, là nghệ thuật của thơ. Và người làm thơ thể hiện cái nghệ thuật ấy bằng ngôn ngữ thơ.
* * *
Bài này không đề cập đến những biến thể biến thái, cách tân cách điệu về cấu trúc của thể thơ lục bát. Những công trình khai phá hay thử nghiệm nào để làm thơ lục bát thêm phong phú và hấp dẫn cũng đáng được hoan nghênh. Có điều, những canh tân đổi mới này nhiều phần thiên về hình thức hơn là nội dung. Thường là những biến đổi về sắp chữ, sắp hàng, xuống dòng, ngắt nhịp, đôi lúc đi quá đà như chẻ nhỏ hay chẻ vụn câu, chữ trong thơ. Những cách trình diễn lạ mắt ấy ít nhiều đánh mất lục bát tính, câu thơ lắm lúc đọc nghe trúc trắc, gập ghềnh, tựa như chạy xe trườn lên những cái “bump” trên mặt đường.
Người yêu thơ, khi tìm đến thơ, vẫn trông đợi ở “tân nội dung” hơn là tân hình thức. Một bài thơ, câu thơ hay không bao giờ cũ, như cái đẹp còn ở lại với ta mãi.
Thơ trích ra trong bài này là những câu thơ “mẫu”, chỉ nhằm minh họa phần nào cái hay, cái đẹp trong cánh đồng bát ngát, mênh mông của thơ lục bát. Xin cám ơn tác giả những câu thơ người viết mạn phép trích dẫn. Chắc chắn là tôi đã quên sót nhiều bài, nhiều câu lục bát hay, và tôi tin là còn rất nhiều bài lục bát thật hay tôi chưa được đọc tới.
Thơ lục bát không bao giờ cũ, không bao giờ lỗi thời, không bao giờ cạn nguồn. Nguồn thơ lục bát là vô tận.
Thơ lục bát là thơ nội hóa. Yêu thơ lục bát là yêu “hàng nội”, là “ta về ta tắm ao ta”.
Thơ lục bát là kho tàng thi phú của riêng người Việt mình, không sợ ai đánh cắp, bắt chước hay cạnh tranh được, cũng là niềm tự hào về bản sắc và tính độc lập trong ngôn ngữ và thi ca của dân tộc Việt.
Thơ lục bát có thể được kể thêm vào những món “đặc sản” trong văn hóa truyền thống của người Việt như áo dài, như nón lá và cả những món ăn “quốc hồn quốc túy”.
“Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn”, ta vẫn nghe vậy. “Tiếng Việt” vẫn còn đây, trong mọi sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Truyện Kiều là danh tác, không ai phủ nhận. Có điều trường thi lục bát này, cũng như nhiều áng văn chương “cổ điển” khác, e không có sức hấp dẫn và “hợp khẩu vị” của thế hệ người Việt trẻ trung sinh trưởng hoặc trưởng thành ở nước ngoài.
Nếu được phép đề nghị, các trường dạy tiếng Việt cho học sinh người Mỹ gốc Việt ở hải ngoại, ngoài các bài giảng về tục ngữ, ca dao, có thể thêm vào bài giảng về thể thơ lục bát truyền thống của người Việt mình. Các thầy cô giáo có thể dạy cho các em, các cháu, cái đẹp cái hay của thơ lục bát, gieo vào lòng các em tình yêu thơ lục bát, và qua đó, gieo vào lòng các em tình yêu tiếng Việt.
Hơn thế nữa, ngoài các bài tập làm văn, thầy cô có thể dạy các em… tập làm thơ. Sao không? Không gì bằng dẫn dắt các em đi vào thế giới thi ca bằng cách làm quen với thể thơ lục bát. Nếu cần, phát huy thêm bằng các hình thức tổ chức, thi đua làm thơ lục bát về những đề tài gần gũi, thiết thực. Các bậc phụ huynh hẳn sẽ vui lắm khi thấy con em mình… biết làm thơ lục bát (và người yêu thơ lại có thêm nhiều bài thơ hay lục bát). Thiết tưởng đấy cũng là phương cách “bảo tồn và phát huy tiếng Việt” như mục tiêu của hầu hết các trường dạy tiếng Việt ở nước ngoài hiện nay.
Khi mà con cháu chúng ta biết làm thơ lục bát, biết yêu thơ lục bát và biết tự hào về thơ lục bát, như tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt thì ta có thể hoàn toàn yên tâm là tiếng Việt vẫn còn đó, không mất đi đâu mà sợ.
Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn, hay nói cho thuần Việt, “Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn”.
Lê Hữu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét