Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Những Chiều Thứ Sáu - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Sáng thứ Bảy cuối năm dương lịch, tôi đến Trung tâm Sinh hoạt và Giáo dục Thanh niên cạnh sân vận động Hoa Lư trên đường Đinh Tiên Hoàng dự lễ khai mạc cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Nguyên Ngã.  Nguyễn (tên thật của anh) là bạn thân của Nhật Lệ thời em học ở Đà lạt.  Tôi dừng lại thật lâu trước bức tranh “Thiếu nữ bên hồ Xuân Hương,” người con gái trong tranh mường tượng như em tôi.  Tôi tìm Nguyễn và ngỏ ý muốn mua bức tranh; chàng mừng rỡ bắt tay tôi, nhưng lắc đầu,<!>
            “Rất tiếc bức tranh đó đã có người đặt mua trước.  Hay là anh nói chuyện và điều đình với cô ấy?”
Người thiếu nữ có khuôn mặt khả ái mà nghiêm ngh Chị Oanh trước mặt tôi trông quen quen.  Thấy tôi hơi nhíu mày, nàng cười nụ, giọng nói thân mật mà chững chạc,
            “Nhỏ Lệ nói ông anh nó là nhà khoa học đãng trí thật không sai!  Tiên gặp anh một lần ở Đà lạt, ngày còn học ở Chánh trị Kinh doanh và ở trong ký túc xá với nó.”  Thì ra nàng là Thủy Tiên, bạn học cùng lớp với em tôi.
            “Thực ra thấy Tiên xinh đẹp quá, anh không dám bắt quàng làm họ.  Anh tính mua bức tranh làm quà Tết cho Nhật Lệ, nhưng Tiên đã mua thì anh tìm món quà khác vậy.”
            Tiên có thể nhường lại cho anh và chọn bức tranh khác.  Vì mua để tặng cho cuộc bán đấu giá gây quỹ giúp trẻ em mồ côi trong buổi tiệc tất niên của công ty dược khoa Roussel, Tiên không nhất thiết phải lấy bức tranh ấy.
Roussel là công ty bào chế và phân phối dược phẩm của Pháp, đặt trụ sở trên đại lộ Nguyễn Huệ, và cung cấp thuốc men cho hơn một nửa thị trường Việt nam.  Tôi xua tay,
            “Không Cầu đâu.  Tiên cho anh mua bức tranh và tặng cuộc đấu giá dưới tên của Nhật Lệ.  Cô em anh chắc hẳn thích làm việc thiện hơn ngắm tranh treo trên tường.”
            “Hôm nay Tiên hên quá!  Vậy thì thay vì mua tranh, Tiên tặng món tiền vào quỹ giúp trẻ mồ côi,” nàng cư  Lời tươi.
            “Tiên làm visiteuse médicale, à . . . trình dược viên hở?” tôi hỏi dò, quen miệng dùng tiếng Pháp để gọi các nữ đại diện của công ty dược khoa đi rao hàng và tặng mẫu thuốc mới ở các văn phòng bác sĩ.
“Đâu có anh!  Nữ trình dược viên phải đẹp, giỏi tiếng Pháp, và ăn nói khéo léo.  Tiên quê một cục, làm sao làm nổi?”
Thủy Tiên mở ví lấy danh thiếp đưa cho tôi,
            “Công ty tiếp thị nhỏ bé của Tiên lãnh ‘trương mục’ Roussel với nhiệm vụ thăng tiến danh tiếng và quảng bá sản phẩm của công ty.  Tiên thừa cơ đề nghị cuộc bán đấu giá vừa có tiền giúp cô nhi vừa lấy tiếng cho Roussel, một công đôi việc.”
            “Lúc mới gặp anh ngỡ là Tiên giỏi, nào ngờ khi biết rõ thì Tiên còn . . . giỏi hơn!  Nhật Lệ nói có bạn là tiên phong trong ngành nghiên cứu thị trường và lập ra Sài gòn Ảnh Xã, công ty tiếp thị và quảng cáo đầu tiên và duy nhất tại Việt nam.  Không dè người ấy là một thiếu nữ đẹp như hoa và khiêm tốn như một bậc chân tu,” tôi trố mắt nhìn nàng.
            “Anh đừng cho Tiên đi máy bay giấy, té xuống đau lắm đó,” nàng mỉm cười.
            “Không, thật mà . . .”
            “Thì ‘không thật’ chứ làm gì ‘có thật’!  Nãy giờ vui quá, Tiên quên mình sắp có hẹn công việc.  Thứ Sáu tới anh bận gì không, ghé lại văn phòng Tiên chơi?”
Chiều thứ Sáu, tôi làm khảo cứu ở Đại học Khoa học Sài gòn, nôn nóng ra sớm, và đến trụ sở Sài gòn Ảnh Xã trên đường Trần Bình Trọng gần đó.  Thủy Tiên đang chủ tọa phiên họp nhân viên hàng tuần, khoảng mười người ngồi quanh chiếc bàn dài.  Nàng giới thiệu tôi với mọi người, kéo thêm chiếc ghế cho tôi ngồi cạnh nàng ở đầu bàn, và tiếp tục điều khiển buổi họp.  Nàng đề nghị hai đứa đi ăn cơm bình dân ở góc đường Phan đình Phùng và Nguyễn Thiện Thuật,
            “Thỉnh thoảng vì công việc, Tiên phải đến những nơi sang trọng và mắt tiền; không những gò bó kiểu cách ăn không thấy ngon, mà còn tiếc tiền – món tiền đó mà đem tặng cô nhi viện, các em sống được cả tuần.”
Cuộc gặp gỡ chiều thứ Sáu trở thành thông lệ, tôi làm khách dự thính buổi họp nhân viên của Thủy Tiên, và chúng tôi đưa nhau đến những nơi bình dân giá cả phải chăng.  Càng gần gũi nhau, lòng yêu mến và tương kính của chúng tôi càng gia tăng, và tôi càng cảm phục tính giản dị, lòng nhân ái, nét đẹp dịu dàng, và tài quản trị xí nghiệp của nàng.
Đôi khi tôi và Thủy Tiên cùng nhau phác họa những dự án muốn cùng nhau thực hiện trong thời hậu chiến, mặc dù viễn ảnh hòa bình còn xa diệu vợi.  Hiệp định Paris 1973 với mục đích chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình đã ký kết cả năm nay, nhưng phe Cộng lợi dụng cuộc ngưng chiến để tiến đánh lấn đất giành dân và gia tăng phá hoại.  Nàng kín đáo không tiết lộ thân thế hay gia đình nàng, và tôi cũng không hỏi..  Chúng tôi đi chơi bằng hai xe gắn máy riêng rẽ, tàn cuộc tôi chạy theo đưa nàng về nhà trong ngõ hẻm trên đường Chi Lăng Gia Định, đến đầu hẻm nàng dừng xe chia tay và chờ tôi đi về trước.
* * *
Chú Long làm bác sĩ là em họ của mẹ và có tiếng bủn xỉn; mẹ hay nói, “Thằng nớ ăn của người ta lút mặt thì được mà không ai ăn của hắn được một trự (đồng tiền).”  Chú cũng nổi tiếng về tật mê gái và ham chơi; chú đậu Tú tài và định học y khoa trước khi tôi học lớp nhất (lớp 5) mà tôi tốt nghiệp kỹ sư rồi chú mới ra bác sĩ.  Chú có tài ăn nói khéo léo và thuyết phục nên được nhiều phụ nữ nhẹ dạ ưa thích và, khi chú năn nỉ nhờ vả, người bị nhờ đành bấm gan làm vì không thể từ chối.
Chú Long quyết chí học ra bác sĩ, mất mười ba năm để hoàn tất học trình y khoa bảy năm, và bị gọi động viên nhiều lần, nhưng nhất định trốn lính.  Ra trường chú đi trình diện nhập ngũ và gặp may nhằm lúc quân đội cần bác sĩ, tha tội trốn quân dịch, và cho mang lon y sĩ trung úy như các bác sĩ khác, nhưng tống đi phục vụ Sư đoàn XX Bộ binh ở tận Vị Thanh, Chương Thiện..  Dễ dầu gì mà chịu sống nơi đèo heo hút gió và xa vắng các bóng hồng Sài gòn, chú xoay xở nhờ người mai mối cưới thím Thúy Thanh tuổi Dần cao số (khó lấy chồng) kém chú mười ba tuổi và gia đình giàu có.  Nhờ thế lực của nhà vợ, chú thuyên chuyển về Sài gòn phục vụ ở Tổng Y viện Cộng hòa.
Chú Long ở nhà gia đình vợ trên đường Bến Chương Dương nhưng ngựa quen đường cũ, cứ đôi ba tuần chú lại kiếm cớ gây gỗ với thím và bà mẹ thím, làm ra vẻ giận giỗi, đùng đùng bỏ nhà ra đi, và tấp sang nhà tôi.  Nhà cha mẹ trong cư xá Bắc Hải rộng mà chỉ có tôi, hai cô em, và chú tài xế kiêm đầu bếp nên chú Long tự do đi về, dùng đồ dùng của tôi, và dĩ nhiên ăn ở miễn phí.  Buổi tối chú theo tôi đi chơi, chi phí ăn chơi đã có tôi bao thầu, và chú không phải chi ra một xu mà tha hồ đóng vai . . . người hùng trẻ tuổi độc thân vui tính với các bạn phái nữ.
Khi cạn kiên nhẫn chịu đựng ông chú họ, tôi mời thím Thúy Thanh sang nhà và làm trọng tài khuyên nhủ chú tung cánh chim tìm về tổ ấm.  Thím nhỏ hơn tôi hai tuổi, hiền hậu và chiều chồng rất mực, không đòi hỏi chú điều gì – lương tháng của chú thím cũng không biết tới, và không một chút nghi ngờ trò ma giáo dối vợ đi hoang của chú.
Những lần ở nhà tôi, chiều thứ Sáu chú Long theo tôi đi chơi với Thủy Tiên, nàng một lòng kính trọng chú là bậc trưởng thượng.  Một hôm chúng tôi ăn ở cái quán nhỏ không tên trong ngõ hẻm trên đại lộ Minh Mạng, khách ngồi ghế thấp tràn ra đường hẻm tráng xi-măng và có thể nhìn sang nhà bên cạnh.  Khoảng bảy giờ tối, chúng tôi vừa bắt đầu ăn thì trong ti-vi nhà hàng xóm một xướng ngôn viên xuất hiện, ngắt quãng chương trình thường lệ, và đọc bản tin đặc biệt,
Vào lúc sáu chờ chiều nay, một toán đặc công Việt Cộng tấn công và đặt chất nổ ở trạm biến điện cung cấp điện cho công ty tôm đông lạnh Phạm Trân ở Bình Thới.  Đơn vị địa phương quân bảo vệ khu kỹ nghệ phản ứng kịp thời và đẩy lui bọn chúng . . .
Phạm Trân là công ty tôi giữ nhiệm vụ cố vấn kỹ thuật cho bác Trân.  Bản tin vừa chấm dứt, tôi đứng dậy,
            “Chú và Tiên cứ thủng thỉnh mà ăn, cháu phải vào công ty ngay bây giờ.  Lát nữa Tiên đưa chú về giùm anh được không?”
            “Chuyến đi này có thể nguy hiểm, anh phải cẩn thận,” Thủy Tiên lo lắng ra mặt.
            “Anh tập quân sự và ăn cá mối nhà bàn ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung tổng cộng mười sáu tuần và nếu gặp đánh nhau sẽ biết cách ứng phó.  Huống chi đường sinh mạng dài ngoằng và thẳng băng như thế này,sức mấy mà mấy tên Việt Cộng tép riu hại anh nổi?” tôi xòe bàn tay trái cho nàng xem.
Trạm biến điện chỉ bị hư hại bên ngoài, nhưng để bảo vệ hệ thống điện, nguồn điện cung cấp cho nhà máy tự động ngắt ra khiến hệ thống làm lạnh ngưng hoạt động và lứa tôm đang chế biến bị hư hỏng.  Tôi trông nom việc dọn sạch lứa tôm hư, khởi động lại hệ thống làm lạnh, và về đến nhà vừa đúng nửa đêm.  Bảy giờ rưỡi sáng thứ Bảy, chú Long đi xe Honda đam (Dame, kiểu đàn bà) màu xanh lá cây nhạt của Thủy Tiên chạy tới.  Chú nói thật nhanh,
            “Đêm qua hai đứa mình đi chơi khuya quá giờ giới nghiêm, con Tiên bị cảnh sát dã chiến hốt.”
            “Tại sao vậy?  Sao chú về được?”
            “Mình là sĩ quan nên cảnh sát không làm khó dễ.  Con Tiên bị đưa về tạm giam ở Pháp đình Sài gòn, Ba Hoa cần lên đó xuất trình chứng minh thư công chức lãnh nó ra.  Mình đi làm đây,” chú chạy bay ra ngoài và nhảy lên chiếc xe đang nổ máy đợi chú.
Tôi đoán chú Long chở Thủy Tiên chạy lòng vòng và kéo dài thì giờ đến sát giờ giới nghiêm để nàng sợ bị bắt và thuận theo chú vào khách sạn ngủ đêm.  Nhưng nàng không chịu, thà bị bắt còn hơn là mắc cạm ông chú lươn lẹo của tôi.  Tôi đã giao trứng cho ác, thật có lỗi với nàng!  Gặp tôi, nàng nở một nụ cười sung sướng.  Hai đứa đi ăn cơm trưa, lòng tôi trĩu nặng không biết nói làm sao để xin lỗi, và nàng tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra.  Lúc chia tay, nàng nắm tay tôi,
            “Tuần này Tiên vui nhiều vì gặp anh đến hai lần.”
Thủy Tiên thật cao thượng và bao dung.  Tôi là kẻ ty tiểu, không xứng đáng với nàng.  Tôi hổ thẹn với nàng và với chính mình, và quyết định không gặp lại nàng.  Chú Long bị bẽ mặt và không còn bén mảng tới nhà.
* * *
Mười hai năm sau, trong một chuyến du lịch nam California, tôi tình cờ gặp lại thím Thúy Thanh trong một siêu thị người Việt.  Thím vui mừng cho biết gia đình chú thím vượt biên sang Hoa kỳ hai năm trước và khẩn khoản mời tôi về nhà chơi.  Sau những mẩu chuyện tình ái nhảm nhí cũ rích tôi đã nghe nhiều lần, chú Long nói về Thủy Tiên,
            “Sau năm 1975, tình cờ mình gặp lại con nớ.  Hắn làm to, giữ chức Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, chức vụ chỉ dành cho đảng viên cốt cán và tín nhiệm.  Té ra hắn là Việt Cộng nằm vùng!”
“Cháu quên chuyện đó rồi,” tôi lạnh lùng ngắt lời.
Hắn như rứa  tội lắmBa Hoa à.  Hắn khuyên mình tìm đường vượt biên, lúc đó ai cũng muốn đi – cột đèn ngoài đường mà đi được cũng ra đi, nói chi đến người.  Hắn nói khi ra ngoại quốc, mình nói giùm với cụ mimột câu là hắn mãn nguyện.”
            “Tiên nhờ chú nhắn gì với cháu?”
            Hắn nhờ mình xin lỗi cụ mi giùm.  Ngày đó hắn không tìm cụ mi để khuyên giải và nối lại tình bạn thắm thiết vì hắn thuơng cụ mi và không đủ can đảm để thú thiệt.”
Có nằm mơ chú Long cũng không thể ngờ rằng hành vi khả ố của chú đã giúp tôi có cớ để chấm dứt mốí liên hệ với Thủy Tiên mà không bị nàng nghi ngờ.  Nàng chủ quan và tự tin, quên mất tôi là nhà khoa học với óc quan sát bén nhạy và trí xét đoán chính xác.  Tôi đã sớm nhận ra nàng hoạt động cho phe bên kia và thông báo cho cơ quan hữu trách theo dõi.
Nhưng tôi thực tình nhớ tiếc những chiều thứ Sáu êm đềm và có thể nói là hạnh phúc bên Thủy Tiên.  Không biết nên trách hay cám ơn chú Long!
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                                           Ngày 11 tháng Giêng, 2018

Không có nhận xét nào: