2 người chết trong ‘Ngày Thịnh nộ’ phản đối quyết định về Jerusalem của Mỹ - - - Việt Nam quan ngại việc Mỹ công nhận thủ đô Jerusalem - - - Châu Âu yêu cầu Mỹ đề nghị giải pháp hòa bình cho Trung Đông Ít nhất hai người chết trong các cuộc đụng độ với binh sĩ Israel khi hàng ngàn người Palestine biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Tổng thống Palestine nói Washington không còn là một bên điều giải hòa bình nữa.
<!>
Khắp thế giới Ả-rập và người Hồi giáo, hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường vào ngày linh thiêng của người Hồi giáo để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine và sự phẫn nộ trước việc ông Trump đảo ngược chính sách của Mỹ từ hàng chục năm qua.
Binh sĩ Israel bắn chết một người đàn ông Palestine gần biên giới Gaza, là cái chết đầu tiên được xác nhận trong hai ngày bất ổn. Hàng chục người bị thương trong "Ngày Thịnh nộ." Một người thứ hai sau đó chết vì thương tích, một quan chức bệnh viện ở Gaza cho biết .
Lục quân Israel cho biết hàng trăm người Palestine lúc đó đang lăn những lốp xe bốc cháy và ném đá vào binh lính qua biên giới.
"Trong các cuộc bạo loạn, binh lính IDF đã bắn một cách có chọn lọc vào hai kẻ xúi giục chính và xác nhận họ bị bắn trúng," lục quân nói.
Hơn 80 người Palestine bị thương ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng và Gaza vì trúng đạn thật và đạn cao su của binh lính Israel, theo dịch vụ cứu thương Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Palestine. Thêm hàng chục người hít phải hơi cay. 31 người bị thương hôm thứ Năm.
Khi những buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu kết thúc tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem, những người thờ phượng đi đến các cổng của Cổ Thành, hô to "Jerusalem là của chúng ta, Jerusalem là thủ đô của chúng ta" và "Chúng ta không cần những từ sáo rỗng, chúng ta cần đá và súng Kalashnikov." Các vụ xô xát nổ ra giữa những người biểu tình và cảnh sát.
Tại các thành phố Hebron, Bethlehem và Nablus, hàng chục người Palestine ném đá vào những người lính Israel bắn hơi cay đáp trả.
Tại Gaza, kiểm soát bởi nhóm Hồi giáo cực đoan Hamas, những lời kêu gọi người thờ phượng biểu tình phản đối vang lên trên các loa phóng thanh trong nhà thờ Hồi giáo. Hamas đã kêu gọi một cuộc nổi dậy mới của người Palestine như những "intifada" trong những năm 1987-1993 và 2000-2005, chứng kiến hàng ngàn người Palestine và hơn 1.000 người Israel thiệt mạng.
Tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói Washington vẫn có uy tín là một bên trung gian hòa giải.
"Hoa Kỳ có uy tín với cả hai bên. Israel sẽ không bao giờ, và không bao giờ nên, bị ép buộc phải tham gia một thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc, hoặc của bất kỳ một tập hợp các nước nào đã cho thấy họ coi thường an ninh của Israel," bà Haley nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tỏ ra thách thức.
"Chúng tôi bác bỏ quyết định của Mỹ về Jerusalem. Với lập trường này, Mỹ đã không còn đủ tư cách để bảo trợ tiến trình hòa bình nữa," ông Abbas nói trong một thông cáo. Ông không nói cụ thể hơn.
Pháp, Ý, Đức, Anh và Thụy Điển kêu gọi Mỹ "đưa ra những đề xuất chi tiết cho một thỏa thuận giữa người Israel và Palestine."
Thông báo của ông Trump hôm thứ Tư đã khiến thế giới Ả-rập tức giận và làm phật lòng các nước đồng minh phương Tây. Tư cách của Jerusalem là một trong những trở ngại lớn nhất cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và người Palestine qua nhiều thế hệ.
Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình. Người Palestine thì muốn phần phía đông của thành phố là thủ đô của một quốc gia độc lập của riêng họ trong tương lai.
Hầu hết các nước đều xem Đông Jerusalem, nơi mà Israel sáp nhập sau khi chiếm cứ trong Chiến tranh Trung Đông năm 1967, là lãnh thổ bị chiếm đóng. Nó bao gồm Cổ Thành, nơi có các địa điểm được coi là linh thiêng đối với người Hồi giáo, người Do Thái và Kitô hữu.
Suốt nhiều thập niên, Washington, giống như phần lớn cộng đồng quốc tế còn lại, không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nói rằng tư cách của nó nên được xác định trong tiến trình hòa bình Palestine-Israel. Không có nước nào khác đặt đại sứ quán ở đó. - VOA
***
Bộ Ngoại giao Việt Nam tối ngày 8/12 lên tiếng lo ngại việc Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel sẽ ảnh hưởng đến hoà bình ở khu vực.
Truyền thông Việt Nam loan tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tối ngày 8/12 bày tỏ quan ngại rằng lập trường mới của Mỹ về vấn đề Jerusalem có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định tại khu vực Trung Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ Việt Nam có quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với tất cả các quốc gia Trung Đông, trong đó có Palestine, Israel.
Báo Tuổi trẻ trích lời bà Hằng nói Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực khu vực, quốc tế và các bên liên quan nhằm giải quyết hòa bình các cuộc xung đột, đem lại hòa bình bền vững và lâu dài cho Trung Đông, vì lợi ích và sự phát triển của tất cả các nước trong khu vực, đóng góp chung cho hòa bình khu vực và thế giới.
"Việt Nam tái khẳng định lập trường nhất quán về việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập Nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel với đường biên giới trước năm 1967," bà Hằng nói.
Báo VNExpress dẫn lời nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Việt Nam cho rằng mọi giải pháp liên quan đến Jerusalem cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, với sự đồng thuận của các bên liên quan.”
Trước đó, ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem theo đúng cam kết khi tranh cử Tổng thống trước đó.
Ông Trump khẳng định việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine và Washington không nghiêng về bên nào trong các vấn đề như biên giới chủ quyền của Israel tại Jerusalem.
Việt Nam từng ca ngợi và ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Palestine. Hà Nội từng xem ông Yasser Arafat, cố chủ tịch của Phong trào Giải phóng Palestine là một “lãnh tụ xuất sắc, biểu tượng của cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine và là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.”
Khi ông Arafat qua đời vào năm 2004, báo VietnamNet trích lời Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương vào thời đó nói ông “bày tỏ sự khâm phục trước cuộc đấu tranh ngoan cường, chính nghĩa của nhân dân Palestine để giành độc lập, chủ quyền; và khẳng định nhân dân Việt Nam tiếp tục sát cánh với nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh này.” - VOA
***
Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, và Ý ngày 8/12 kêu gọi Mỹ đưa ra đề nghị chi tiết cho tiến trình hòa bình giữa Israel với người Palestine và mô tả quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Isarel là ‘vô ích.’
Việc ông Trump đảo ngược nhiều chục năm chính sách của Mỹ đối với Jerusalem hôm thứ tư đã khơi mào ‘ngày thịnh nộ’ hôm thứ sáu, với hàng ngàn người Palestine biểu tình, nhiều người bị thương và ít nhất 2 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với binh sĩ Israel.
Trước làn sóng bất bình ở thế giới Ả Rập và các quan ngại giữa các đồng minh phương Tây của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 8/12 đã họp, theo đề nghị của 8/15 thành viên, gồm Anh, Pháp, Thụy Điển, Bolivia, Uruguay, Ý, Senegal và Ai Cập.
Trong thông cáo chung sau cuộc họp, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, và Ý nói quyết định của Mỹ về kế hoạch dời đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem ‘không ích lợi gì xét về phương diện triển vọng hòa bình khu vực.’
“Chúng tôi khuyến khích chính quyền Mỹ đưa ra các đề nghị chi tiết để dàn xếp tranh chấp giữa Israel-Palestine.”
Đại sứ Ai Cập tại Liên hiệp quốc, Amr Aboulatta, nói quyết định của Mỹ sẽ gây tác động tiêu cực sâu xa cho tiến trình hòa bình.
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, nói Washington có uy tín là nhà trung gian hòa giải với cả phía Israel lẫn với người Palestine, đồng thời tố cáo Liên hiệp quốc gây phương hại thay vì là làm thăng tiến triển vọng hòa bình với những công kích bất công dành cho Israel.
Bà Haley nói Tổng thống Trump cam kết với tiến trình hòa bình và rằng Mỹ không đưa ra quan điểm về biên giới hay ranh giới của Jerusalem, cũng không cổ súy bất kỳ thay đổi nào đối với những gì đã được dàn xếp tại các địa điểm linh thiêng tại đây.
Cùng ngày 8/12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố quyết định chung cuộc về tình trạng của Jerusalem phụ thuộc vào thương thuyết giữa người Israel và người Palestine.
Israel xem toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình. Người Palestine muốn phần phía đông của Jerusalem trở thành thủ đô của một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. - VOA
2.
EU, Nhật Bản chung quyết thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới
Liên minh Châu Âu và Nhật Bản đã kết thúc các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do nhằm tạo ra một khu vực kinh tế mở lớn nhất thế giới, phát tín hiệu cho thấy họ bác bỏ chủ trương bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai bên, nhất trí về những phác thảo của một thỏa thuận hồi tháng 7, hôm thứ Sáu nói rằng các nhà đàm phán giờ đã hoàn tất một văn bản pháp lý mà sẽ mở ra thương mại cho các nền kinh tế chiếm khoảng 30 phần trăm sản lượng toàn cầu.
"Nhật Bản và EU sẽ chung tay xây dựng một khu kinh tế tự do, công bằng và dựa trên luật lệ, mà sẽ là một mô hình về trật tự kinh tế trong cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21," Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các phóng viên.
Nhật Bản đã là một trong những nước ký kết Thỏa thuận Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một liên minh thương mại khổng lồ gồm 12 quốc gia mà ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi vào ngày đầu tiên ông tại nhiệm. Ông Abe cho biết một "kỷ nguyên mới" giờ sẽ bắt đầu cho EU và Nhật Bản.
Thỏa thuận, gắn kết khối 28 quốc gia và nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ xóa bỏ thuế quan 10 phần trăm của EU đối với xe hơi Nhật Bản và mức thuế 3 phần trăm thường được áp đặt lên phụ tùng xe hơi.
Về phần mình, Nhật Bản sẽ bãi bỏ mức thuế khoảng 30 phần trăm đối với pho mát của EU và 15 phần trăm đối với rượu vang cũng như cho phép EU tăng thịt bò và thịt heo xuất khẩu và tiếp cận với các gói thầu công khai lớn ở Nhật Bản.
"Đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà chúng tôi từng đàm phán cho Liên minh Châu Âu," Cecilia Malmstrom, trưởng phụ trách thương mại EU, nói. "Nó gửi một thông điệp mạnh mẽ biện hộ cho thương mại rộng mở dựa trên các quy định toàn cầu."
Liên minh Châu Âu cũng hy vọng sẽ ký kết các hiệp định thương mại tự do với Mexico và khối Mercosur bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Các cuộc đàm phán với Mercosur sẽ diễn ra bên lề một hội nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới bắt đầu từ Chủ Nhật. - VOA
3.
Trung Quốc cảnh báo công dân về tấn công của ‘khủng bố’ ở Pakistan
Ngày 8/12, Trung Quốc cảnh báo công dân nước này ở Pakistan phải chuẩn bị cho hàng loạt các vụ “tấn công khủng bố” sắp xảy ra đối với mục tiêu người Trung Quốc. Đây được xem là một cảnh báo bất thường khi Bắc Kinh đang đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng của Pakistan, theo Reuters.
Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã sang Pakistan làm việc sau khi Bắc Kinh cam kết 57 tỷ đôla cho các dự án tại đây, trong kế hoạch phát triển “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kết nối Trung Quốc với Trung Đông và châu Âu.
Vẫn theo Reuters, việc bảo vệ cho nhân viên của các công ty Trung Quốc, cũng như các doanh nhân đã đi theo làn sóng đầu tư dọc hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, là mối quan tâm của các quan chức Trung Quốc.
“Điều này được hiểu là những kẻ khủng bố có kế hoạch trong thời gian tới sẽ tiến hành một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các tổ chức và người Trung Quốc ở Pakistan”, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của sứ quán.
Đại sứ quán Trung Quốc cảnh báo tất cả “các tổ chức đầu tư và công dân Trung Quốc phải cảnh giác cao, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nội bộ, giảm thiểu việc đi ra bên ngoài càng nhiều càng tốt và tránh các khu vực công cộng đông đúc”.
Đại sứ quán Trung Quốc cũng yêu cầu công dân hợp tác với cảnh sát và quân đội Pakistan, và báo tin cho đại sứ quán trong trường hợp khẩn cấp.
Trung Quốc lâu nay lo lắng về những người thiểu số Hồi giáo Uighur bất mãn ở khu vực phía Tây Tân Cương của nước này liên kết với các chiến binh ở Pakistan và Afghanistan.
Cùng lúc đó, bạo lực ở tỉnh Baluchistan, tây nam Pakistan, gây thêm lo ngại an ninh cho các tuyến vận tải và liên kết năng lượng từ khu vực phía Tây Trung Quốc tới cảng nước sâu Gwadar của Pakistan.
Taliban, các nhóm liên kết với al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo đều hoạt động tại Baluchistan, giáp giới với Iran và Afghanistan và là trung tâm của sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Các phần tử ly khai tại đây đã giao tranh với chính phủ trong một thời gian dài để đòi chia sẻ tài nguyên khoáng sản và khí đốt nhiều hơn, và có một hồ sơ dài về các cuộc tấn công năng lượng và các dự án cơ sở hạ tầng khác.
Hồi tháng 6, Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm giết chết hai giáo viên Trung Quốc bị bắt cóc ở Baluchistan, khiến chính quyền Islamabad phải cam kết tăng cường an ninh cho người Trung Quốc.
Theo đó, Pakistan hứa điều một sư đoàn 15.000 quân để bảo vệ cho các dự án dọc theo hành lang kinh tế.
Mối quan tâm về an ninh của người Trung Quốc ở nước ngoài đang ngày càng tăng cùng với dấu chân thương mại của nước này trên toàn cầu.
Năm 2016, một xe bom tự sát đã đánh vào ngay cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, giết chết kẻ tấn công và làm bị thương ít nhất 3 người. - VOA
4.
Nhật Bản mua tên lửa có khả năng tấn công Triều Tiên
Nhật Bản sắp mua các tên lửa hành trình tầm trung, loại được bắn từ máy bay, có khả năng bắn tới Triều Tiên. Đây là thương vụ vũ khí gây tranh cãi tại quốc gia đã từ bỏ quyền phát động chiến tranh, theo Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itunori Onodera đã không đề cập đến Triều Tiên khi loan báo kế hoạch mua vũ khí và cho biết các tên lửa mới này sử dụng cho mục đích quốc phòng, còn Nhật Bản vẫn dựa vào Hoa Kỳ để tấn công bất cứ căn cứ địch quân nào.
“Chúng tôi có kế hoạch giới thiệu tên lửa phối hợp tấn công JSM sẽ được gắn trên máy bay tàng hình F-35A như những tên lửa có thể tấn công rộng hơn phạm vi các mối đe dọa của đối phương”, Reuters dẫn lời ông Onodera phát biểu tại một cuộc họp báo.
Nhật Bản cũng đang tìm cách gắn tên lửa không-đối-địa JASSM-ER của hãng Lockheed Martin của Mỹ vào máy bay tiêm kích F-15.
JSM, được thiết kế bởi công ty Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy, có tầm hoạt động 500 km. Trong khi đó, JASSM-ER có thể đạt mục tiêu 1.000 km.
Kế hoạch mua tên lửa có thể sẽ phải đối mặt với những chỉ trích từ các đảng đối lập tại Quốc hội Nhật Bản, đặc biệt là từ phía các chính trị gia lo ngại về thay đổi của Nhật Bản trong việc từ bỏ quyền phát động chiến tranh, đã được ghi trong Hiến pháp nước này sau Đệ nhị Thế chiến.
Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng do tên lửa đạn đạo Triều Tiên đã khiến các chính trị gia Nhật Bản gấp rút thúc đẩy chuẩn bị một lực lượng quân sự mạnh mẽ hơn, có khả năng ngăn chặn Triều Tiên tấn công.
Lực lượng tên lửa của Nhật Bản bị giới hạn trong phạm vi phòng không và chống tàu nhỏ với tầm bắn dưới 300 km (186 dặm).
Thay đổi này cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên đã dẫn đến những đề xướng về khả năng tấn công trong chiến lược quân sự của Nhật.
Gần đây, Triều Tiên đã phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo sang Nhật. Tuần trước, Bình Nhưỡng thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới đạt tới độ cao hơn 4.000 km trước khi rớt xuống biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. - VOA
5.
Trung Quốc phản đối Philippines ký hợp đồng đầu tư với Đài Loan
Trung Quốc hôm thứ Sáu 8/12 bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Philippines ký một thỏa thuận đầu tư song phương với Đài Loan, một vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và không có quyền có bất cứ quan hệ ngoại giao chính thức với nước nào.
Hãng tin Reuters trích nguồn tin từ chính phủ Đài Loan cho biết là Đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Philippines đã ký thỏa thuận với quan chức tương nhiệm Philippines tại Manila hôm thứ Năm.
Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, nói Trung Quốc thấy không có vấn đề khi các nước khác có quan hệ thương mại "bình thường" với Đài Loan, nhưng cực lực chống đối bất kỳ trao đổi chính thức nào.
Ông Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo thường ngày:
"Chúng tôi hết sức quan ngại về việc một Bộ của Philippine ký các thỏa thuận bảo vệ đầu tư với Đài Loan, hoặc ký các văn kiện hợp tác khác rõ ràng có tính cách chính thức".
Ông cho biết là Trung Quốc đã chính thức phản đối với Philippines, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tiếp:
“Trung Quốc hy vọng Philippines tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" và tránh để vấn đề Đài Loan làm tổn hại mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Manila”.
Các giới chức Bộ ngoại giao và Bộ Thương mại & Công nghiệp Philippines không phản hồi tức thời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Bắc Kinh nói Đài Loan không có tư cách để được công nhận về mặt ngoại giao bởi vì Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Trung Quốc bày tỏ hoài nghi về Tổng Thống Đài Loan Thái Anh, người lên nhậm chức hồi năm ngoái mà theo Bắc Kinh, là người muốn thúc đẩy đòi độc lập cho đảo quốc Đài Loan, mặc dù bà tuyên bố muốn duy trì hòa bình với Trung Quốc.
Trung Quốc và Philippines về phần lớn đã hàn gắn quan hệ từng căng thẳng vì vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông sau khi ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, Đài Loan và Philippines theo truyền thống vẫn có quan hệ thương mại và văn hoá với nhau, mặc dù Manila chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1975. - VOA
6.
Trung Quốc: Quốc gia ‘tai tiếng’ nhân quyền chủ trì hội thảo nhân quyền quốc tế
‘Hội thảo Nhân quyền Nam-Nam’ khai mạc tại Bắc Kinh ngày 7/12, quy tụ khoảng 300 thành viên tham dự từ hơn 50 quốc gia chủ yếu là các nước đang phát triển.
“Đây là đáp án của Trung Quốc trước câu hỏi rằng xã hội loài người đang tiến về đâu, và trình bày các cơ hội cho việc phát triển nhân quyền,” Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu tại lễ khai mạc.
Tham dự hội thảo chủ yếu là giới chức chính phủ, các nhà ngoại giao, và các học giả cùng với đại diện từ Liên hiệp quốc, Liên đoàn Ả Rập, Liên hiệp Châu Phi, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, sự kiện này thiếu sự góp mặt của đại diện các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền dân sự và quyền chính trị như Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, hay Phóng viên Không biên giới.
Trung Quốc lâu nay khước từ các khái niệm truyền thống về nhân quyền được định nghĩa trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và hiến pháp Tây phương.
Bắc Kinh tái định nghĩa quan niệm nhân quyền theo hướng các quyền về phát triển, dinh dưỡng, sức khỏe, nhà ở, xóa đói giảm nghèo; và các diễn giả tại hội thảo giữ phát biểu của họ trong đúng ‘khuôn thước’ đó.
Ông Saad Alfaragi, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về quyền phát triển lưu ý rằng trên toàn cầu hiện có 800 triệu người còn sống trong cảnh đói nghèo.
“Hợp tác Nam-Nam có nhiều cơ hội cho sự hợp tác phát triển,” ông Alfaragi nhấn mạnh trong bài phát biểu.
Hội thảo diễn ra giữa bối cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch trấn áp nặng tay nhất trong nhiều thập niên nhắm vào giới hoạt động và bất đồng chính kiến, khơi dậy chỉ trích từ các nước phương Tây.
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc trong tổ chức Ân xá Quốc tế, William Nee, nói “Tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tất cả những quyền này bị giới hạn nghiêm ngặt tại Trung Quốc trong những năm gần đây.”
Trong vài tuần nay, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì các vụ truy quét hàng chục ngàn lao động nhập cư từ nông thôn lên thành thị mưu sinh. Nhà chức trách viện lý do an toàn phòng cháy chữa cháy sau vụ hỏa hoạn khiến 19 người chết. Tuy nhiên, nỗ lực này gây chú ý về sự bất công đối với một hệ thống có quyền kiểm soát nơi ăn chốn ở của người dân cũng như khước từ không cho lao động nhập cư từ nông thôn Trung Quốc được có nhà, được đi học, được trợ cấp y tế như các cư dân sinh sống trong những đô thị phồn hoa.
Mức độ phát triển tùy thuộc vào cách các nước ưu tiên nhân quyền tới đâu, ông Brantly Womack, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Đại học Virginia, Mỹ, nhấn mạnh.
Dù Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, nhưng tiêu chuẩn sống của đa số dân chúng vẫn còn thấp và hàng triệu dân Trung Quốc vẫn còn phải ngụp lặn trong đói nghèo. - VOA
7.
An ninh Úc: Nhiều chính khách Úc có quan hệ với tình báo Trung Quốc
Cơ Quan Tình Báo An Ninh Úc (ASIO) đã nhận diện được khoảng 10 chính khách Úc bị cho là có quan hệ mật thiết với tình báo Trung Quốc. Theo nhật báo Úc The Australian số cuối tuần ra ngày 09/12/2017, các quan chức an ninh Úc cho rằng tình trạng đó bắt nguồn từ một chính sách hẳn hoi của Bắc Kinh nhằm thao túng đời sống chính trị Úc.
Các chi tiết trên đây đã được tờ The Weekend Australian tiết lộ, theo đó những người bị tình nghi đều là ửng cử viên trong các cuộc bầu cử cấp địa phương. Tuy nhiên, mối quan ngại về bàn tay của tình báo Trung Quốc cũng liên quan đến các chính khách ở cấp bang hay liên bang, trong đó có ít nhất là một người đã thực thụ được bầu làm đại biểu dân cử. Quan hệ giữa nhân vật này với các cơ quan tình báo Trung Quốc đã có từ trước khi ông được bầu.
Theo tờ báo, việc tình báo Trung Quốc “nuôi dưỡng” các ứng cử viên nằm trong một chiến dịch rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm cài những nhân tố thân cận có thế lực vào trong các nghị viện tại Úc. Mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc được các giới chức tình báo Úc cho là“không đồng đều, nhưng sâu đậm”.
Thông tin này được tờ báo đưa ra trong bối cảnh mới đây thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã công khai tỏ ý quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc trên đời sống chính trị Úc, và hôm mồng 05/12 vừa qua đã loan báo một số luật tăng cường biện pháp chống gián điệp, và cấm các khoản tài trợ cho các đảng chính trị.
Bị thủ tướng Úc nêu đích danh, Bắc Kinh đã cực lực phản đối. Ngày 08/12, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết là nước này đã có công hàm phản đối chính thức gởi đến Canberra, về những điều bị Bắc Kinh cho là “thành kiến vô căn cứ” đối với Trung Quốc.
Phát ngôn viên Trung Quốc tuy nhiên không cho biết là công hàm phản đối đã được gởi vào lúc nào. - RFI
8.
Cựu tổng thống Gruzia rốt cuộc đã sa lưới cảnh sát Ukraina
Cựu tổng thống Gruzia, Mikhail Saakashvili, người đã trở thành lãnh đạo chính trị đối lập tại Ukraina bị bắt vào ngày 08/12/2017 tại Kiev, thủ đô Ukraina. Ông đã bị chính quyền Ukraina ra lệnh bắt giam từ hôm 05/12, nhưng hôm đó ông đã được hàng trăm cảm tình viên giải thoát khỏi xe cảnh sát.
Lần này thì ông đã bị bắt và đưa đến nhà giam. Đối với những người ủng hộ, ông Saakashvili là một tù nhân chính trị của ổng thống Petro Porochenko.
Từ thủ đô Ukraina, thông tín viên RFI Sébastien Gobert tường trình :
“Ông Mikhail Saakashvili vẫn khỏe mạnh. Điều kiện giam giữ ông khả dĩ chấp nhận được. Qua tuyên bố trên, một trong những luật sư của cựu tổng thống người Gruzia xác nhận rằng ông đang bị giam giữ và sẽ ở lại đó ít ra là cho đến thứ Hai, 11/12. Sau đó ông sẽ được chuyển tới một nhà tù khác và số phận sẽ do tòa án quyết định. Trước mắt, tổng chưởng lý đã đòi đặt ông trong tình trạng quản thúc tại gia.
Ông Mikhail Saakashvili đã bị bắt khi đang trên đường đi đến nhà một người bạn ở trung tâm Kiev. Đám đông những người ủng hộ đã đánh tháo cho ông mấy hôm trước đã không ở cạnh ông. Khi vụ bắt giữ ông được thông báo, giới ủng hộ ông đã liên tiếp kêu gọi đến nhà tù giải thoát cho ông, nhưng cho đến khuya hôm qua, chỉ có không đầy 200 người hưởng ứng và đến tụ tập trước nhà giam.
Tất cả đều cho rằng đây là một vụ bắt giữ bất hợp pháp. Họ khẳng định quyết tâm chống lại chủ nghĩa chuyên chế và chế độ tham nhũng của tổng thống Petro Porochenko.
Về phần mình, Mikhail Saakashvili loan báo quyết định tuyệt thực và kêu gọi những người ủng hộ ông rầm rộ biểu tình vào ngày 10/12. Một ngày cuối tuần mới đầy nguy cơ lại mở ra ở Ukraina”. - RFI
9.
Venezuela: Mỹ lơ là, Iran âm thầm cắm rễ
Chiếc vòi của Iran không chỉ vươn rộng trong khu vực Trung Cận Đông, mà còn đang ngấm ngầm cắm rễ tại Nam Mỹ, điển hình nhất là tại Venezuela. Tuần san l’Express, trong bài viết đề tựa « Venezuela, chi nhánh của Trung Đông », nhận định rằng đối với tổng thống Nicolas Maduro, trục kết nối Caracas với thế giới Hồi Giáo Ả Rập là thiết yếu cho sự sống còn chế độ của ông đang trên đà bị phá sản.
Đầu tiên hết bài viết nhận định kể từ khi Hoa Kỳ không quan tâm đến« sân sau » của mình vì cho rằng khu vực này không còn là một ưu tiên, một thế tương quan lực lượng mới đã được hình thành tại Nam Mỹ.
Ban đầu là Liên Minh Bolivar vì châu Mỹ (Alba) do Cuba và Venezuela đứng đầu thành lập năm 1999, quy tụ các nước chống Mỹ như Bolivia, Nicaragua và Ecuador. Tiếp đến là Trung Quốc. Vì cũng muốn gây dựng ảnh hưởng của mình tại đây, nên Bắc Kinh đã ồ ạt đầu tư và cấp các khoản cho vay tín dụng, mà Bắc Kinh vẫn hy vọng một ngày có thể thu hồi được vốn.
Nga cũng không muốn mất phần, nên sau nửa thế kỷ vắng bóng đã quay trở lại Venezuela. Matxcơva trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Caracas. Nhất là trong năm 2018, một xưởng sản xuất súng trường và đạn dược của Nga tại Venezuela sẽ đi vào hoạt động, trong khuôn khổ một thỏa thuận song phương.
Nhưng trong cuộc chơi lớn này, điều ngạc nhiên nhất chính là sự trỗi dậy của trục chiến lược Caracas và thế giới Hồi Giáo Ả Rập. Trên góc nhìn lịch sử, cộng đồng người Hồi Giáo tại Nam Mỹ đã có từ thế kỷ 19 với sự xuất hiện của những thương gia gốc Liban-Syria, chủ yếu theo Công Giáo.
Trong quá khứ, vùng Nam Mỹ cũng đã từng có hai nhân vật gốc Trung Đông làm lãnh đạo. Ông Carlos Menem, tổng thống Achentina giai đoạn 1989 - 1999 ; và ông Abdala Bucaram lãnh đạo Equateur chỉ được 6 tháng trước khi bị phế truất vì bị thiểu năng tâm thần vào tháng 02/1997.
Nhìn lại trường hợp Venezuela, l’Express cho biết trong hàng ngũ lãnh đạo hiện tại của Caracas có nhiều nhân vật có nguồn gốc Trung Đông. Đặc biệt là phó tổng thống Tareck El Aissami là người gốc Liban-Syria. Nhân vật này là con trai của nhà sáng lập đảng Baas tại Venezuela và là cháu nội của một trong người sáng lập đảng chính trị cùng tên tại Syria.
Ông Tareck El Aissami hiện nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ, vì bị cáo buộc rửa tiền từ buôn ma túy và nhất là vì mối quan hệ của ông với phe Hezbollah, mà Hoa Kỳ xem là khủng bố. Trong trường hợp tổng thống Nicolas Maduro bị phế truất, phó tổng thống sẽ là người thay thế điều hành đất nước. - RFI
10.
Giải mã chiến lược thâu tóm Bắc Cực của Trung Quốc
Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh không chỉ được thấy tại những khu vực gần Trung Quốc, từ Biển Đông cho đến Ấn Độ, mà còn ở rất xa, như tại châu Phi, thậm chí châu Mỹ. Mới đây, tham vọng này còn được thấy ở miền Bắc Cực. Trong một bài viết cuối tháng 11/2017, tuần báo L’Obs đã phân tích rõ chiến lược của Bắc Kinh nhằm thâu tóm tài nguyên khoáng sản rất dồi dào nhưng chưa được khai phá tại vùng đất băng giá đó.
Trích dẫn nhà nghiên cứu Anne-Marie Brady, tác giả một tập biên khảo về tham vọng của Trung Quốc đối với Nam Cực và Bắc Cực, vừa được Nhà Xuất Bản Đại Học Cambridge tại Anh Quốc phát hành (China as a Polar Great Power, Cambridge University Press, 06/2017), L’Obs cho biết là chiến lược này được phác họa từ đầu những năm 2000, nhưng không được chú ý trong hơn 10 năm. phải đợi đến khi Tập Cận Bình “lên ngôi” thì mới được đẩy mạnh.
L’Obs ghi nhận : Vào năm 2014, ngay sau khi Tập Cận Bình tỏ ý muốn « gia nhập hàng ngũ các cường quốc vùng địa cực », lập tức mọi cấp của bộ máy nhà nước Trung Quốc đã vạch kế hoạch cụ thể hóa ý muốn trên. Sau không gian, đại dương và Internet, đến lượt Nam Cực và Bắc Cực được đưa vào diện lãnh vực cần chinh phục. Không một nước nào khác có được như Trung Quốc một chiến lược được thiết kế toàn diện như như vậy, với đầy đủ phương tiện tài chánh để thực hiện.
Ba con đường tơ lụa mới : Trên bộ, trên biển và xuyên Bắc Cực
Đối với chuyên gia Anne-Marie Brady, Trung Quốc đã có một « tầm nhìn hoàn toàn mới về thế giới ». Trong các tấm bản đồ mới, loại "thẳng đứng", do Cục Đại Dương Trung Quốc thực hiện vào năm 2004, và được Quân Đội sử dụng hai năm sau đó, Bắc Cực và Nam Cực không còn ngoài mép nữa, mà ở trung tâm.
Những tấm bản đồ đó, được công bố vào năm 2014, theo bà Brady, là « sự thể hiện bằng hình ảnh chính sách toàn cầu mới mang tính thực tế của Trung Quốc : thực tiễn, nêu rõ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc, hợp tác khi cần thiết và sẵn sàng đối phó với một cuộc xung đột có thể xảy ra ».
Tham vọng chiếm dụng địa cực của Tập Cận Bình đã được đưa vào dự án Một Vành Đai, Một Con Đường - One Belt, One Road OBOR – tức là dự án Con Đường Tơ Lụa Mới mà Bắc Kinh đã nỗ lực chào hàng trong bốn năm qua... Hai tuyến đường đã được vẽ, một trên bộ, đi xuyên qua Trung Á, và một trên biển, đi đến Đông Phi và Châu Âu thông qua kênh đào Suez. Tháng 6 vừa qua, một tháng trước chuyến viếng thăm Nga của lãnh đạo Trung Quốc, Ủy Ban Quốc Gia về Phát Triển và Cải Cách chính thức bổ sung vào dự án một "Con đường Tơ lụa" thứ ba, đó là xuyên qua vùng băng đá.
Dự kiến trước tình trạng băng tan, Trung Quốc chuẩn bị cho tương lai, với một mục tiêu rất, rất dài hạn. Đó là giành lại vị trí cường quốc thương mại hàng đầu thế giới mà Trung Quốc luôn luôn chiếm đóng, ít nhất là cho đến cuộc chiến tranh thuốc phiện vào thế kỷ thứ 19.
Theo Malte Humpert, sáng lập viên Viện Nghiên Cứu Bắc Cực, một nhóm tư vấn tại Washington : « Bắc Cực là một ván cờ vua, nơi ta phải nghĩ đến 20 nước đi trước, và Trung Quốc rất giỏi trong địa hạt này... Trong lúc đó thì châu Âu và Mỹ lại quá tập trung vào những gì ngắn hạn, do bị chi phối bằng các cuộc bầu cử cứ 4 hoặc 5 năm một lần, và những đòi hỏi là phải có lợi nhuận ngay ». Theo chuyên gia này, Bắc Kinh đã có lựa chọn đúng đắn : « Vào thời chinh phục miền Viễn Tây, đâu có ai đặt vấn đề về lợi nhuận trước mắt của tuyến đường sắt giữa Saint Louis và San Francisco ! »
Không ngại tốn kém để tung quyền lực mềm nắm vùng Bắc Cực
Trung Quốc đã không cần nhìn vào chi phí: Trong vòng chưa đầy 5 năm, họ đã đầu tư 89 tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng ở các nước vùng Bắc Cực. Lượng tiền này tương đương với gần 20% GDP hàng năm của các nước nằm ở phía bắc vĩ tuyến 66.
Bắc Kinh luôn tỏ vẻ nhỏ nhẹ, phần lớn chỉ nắm thiểu số trong các dự án và đặt ưu tiên cho việc hợp tác. Họ không tiếc tiền của dùng quyền lực mềm để chiêu dụ đối tác. Vào ngày 07/11 chẳng hạn, đại sứ Trung Quốc tại Reykjavik, thủ đô Iceland, đã hoan nghênh sự kiện theo đó từ năm 2008, Viện Khổng Tử của Trung Quốc (tương đương với định chế Alliance française của Pháp) đã đào tạo được 3.000 người Iceland nói tiếng Hoa... nghĩa là 1% dân số nước này !
Biểu tượng rõ nhất của chính sách này là sự phát triển của ngành hàng hải. Năm nay, 9 chiếc tàu buôn Trung Quốc của hãng Cosco sẽ sử dụng tuyến đường xuyên Bắc Cực theo ngã đông bắc, chủ yếu để vận chuyển vật liệu xây dựng đến nhà máy khí đốt Yamal ở miền Bắc nước Nga. Vào năm ngoái, đã có 5 chiếc dùng tuyến đường này.
Các tuyến đường biển xuyên Bắc Cực đã có thể dùng được vài tháng mỗi năm. Tuy nhiên, các con tàu chở container cỡ lớn sẽ còn phải đợi thêm vài thập kỷ nữa, cho đến khi hoàn chỉnh được các công nghệ dùng cho lưu thông qua vùng băng đá vốn rất nguy hiểm. Bắc Kinh hiện đang dốc sức làm chuyện này.
Trong số ba tuyến đường xuyên Bắc Cực, tuyến trung tâm trong tương lai, đi qua vùng biển quốc tế, là tuyến đường mà Trung Quốc ước ao nhiều nhất. Chuyên gia Malte Humpert xác định : « Đối với tham vọng thương mại của Trung Quốc, tuyến đường đó tối quan trọng... Mọi thứ mà Trung Quốc nhập vào hay xuất đi hiện nay đều phải đi qua những eo biển phức tạp như Malacca, hay qua những kênh đào như Suez và Panama ».
Cho đến giờ, Trung Quốc chỉ có một chiếc tàu phá băng "hạng nặng", tên là Tuyết Long (Xue Long), mua lại của Ukraina vào năm 1993, và dành cho nghiên cứu. Chiếc này đã bắt đầu tập hợp thông tin về các tuyến đường tương lai. Một tàu phá băng lớn thứ hai, chiếc Tuyết Long 2, đang được đóng tại xưởng Giang Nam gần Thượng Hải. Quân đội Trung Quốc cũng đang phát triển một đội tàu phá băng có kích thước trung bình.
Đối với Bắc Kinh, việc tỏ rõ mối quan tâm của họ đến các tuyến đường xuyên Bắc Cực mới cũng cho phép họ tham gia vào việc soạn thảo các quy tắc sẽ điều hành các tuyến đường này.
Chiêu dụ được nước Nga của Putin !
Cho đến gần đây, Nga, một cường quốc Bắc Cực, không có nhiều thiện cảm với các ý đồ của Trung Quốc đối với Bắc Cực. Tổng thống Nga Putin luôn cho rằng Bắc Cực là phần mở rộng tự nhiên của nước Nga. Thế nhưng Bắc Kinh đã dùng tiền chiêu dụ được Matxcơva.
Vào tháng 3, tại một diễn đàn về Bắc Cực tổ chức ở thành phố Arkhangelsk trên bờ biển miền bắc nước Nga, Putin đã tỏ ý vô cùng phấn khởi về lợi ích Nga có thể thu được nhờ hiện tượng băng Bắc Cực tan chảy nhanh chóng : « Hiện tại, đã có 1,4 triệu tấn hàng hoá được vận chuyển bằng tàu dọc theo tuyến đường phía Bắc. Vào năm 2035, sẽ là 30 triệu. Điều đó cho thấy đà tăng trưởng tôi đang nói tới nhanh đến chừng nào ! »
Thế nhưng, Nga cũng không thoát khỏi vòng kềm tỏa của những tính toán ngắn hạn. Họ không thể bỏ ra hàng chục tỷ đô la cần thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc thiết lập các giàn khoan tìm dầu khí. Do trừng phạt kinh tế mà châu Âu và Mỹ áp đặt từ năm 2014, Nga không còn trông cậy vào đầu tư phương Tây được nữa. Vì vậy, họ phải quay sang Trung Quốc, và Bắc Kinh đã biết cách khai thác điểm yếu đó của Nga để có được các điều kiện thuận lợi cho nguồn cung ứng tương lai của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nắm giữ được hai dự án khí đốt thiên nhiên lớn ở phía miền bắc nước Nga: Yamal LNG (trong đó Total chiếm 20%) và Bắc Cực LNG 2. Tương tự như vậy, Trung Quốc trở thành nhà tài trợ cho cảng nước sâu gần Arkhangelsk, bên bờ Biển Trắng, cũng như cho dự án tuyến đường sắt Belkomur sẽ nối liền Arkhangelsk với các vùng Urals, Siberia và Trung Quốc... Và trong năm nay, hợp tác sẽ chỉ phát triển mạnh mẽ hơn mà thôi.
Hiểm họa cho môi trường, đe dọa cho an ninh của Mỹ.
Mark Rosen, chuyên gia thuộc trung tâm tham vấn CNA, thân cận với bộ Quốc phòng Mỹ, đã không giấu thái độ quan ngại, trước hết về hiểm họa đối với môi trường.
Trung Quốc nổi tiếng là không quan tâm đến tác hại môi trường, trong lúc Bắc Cực lại là một vùng rất dễ bị tổn thương : Đó là một cái biển khép kín, khó tiếp cận, một tai nạn liên quan đến dầu hỏa, dù nhỏ, cũng sẽ là một thảm hạo.
Mặt khác, việc Trung Quốc thâu tóm nguyên liệu thô có thể giúp Bắc Kinh giành được độc quyền đối với một số kim loại - ví dụ các chất được dùng cho điện thoại thông minh. Về mặt chiến lược, đối với các nước khác, điều đó thậm chí còn là một nguy cơ chứ không đơn thuần là điều đáng quan ngại.
Nhạy cảm nhất có lẽ là trường hợp Groenland, một lãnh thổ tự trị rộng lớn của Đan Mạch, đang hướng đến độc lập. Các tập đoàn Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư 4 tỷ đô la vào Groenland. Con số 4 tỷ có vẻ khiêm tốn, nhưng tương đương với 185% GDP hàng năm của hòn đảo chỉ có 56.000 cư dân. Trung Quốc đã nắm các mỏ kẽm, sắt, đất hiếm, vàng, uranium tại đấy, trong lúc chính quyền của Groenland, quá nhỏ bé, lại bất lực trong việc điều hòa và kiểm soát các hoạt động khai thác gây ô nhiễm cao đó.
Cuối cùng, Groenland là một vùng đất chiến lược vì một số lý do: Vị trí địa lý ngay tại cửa ngõ vào Mỹ, sự có mặt của một căn cứ quân sự Mỹ trên đảo; sự phong phú của các mỏ kim loại quý hiếm. Theo chuyên gia Mark Rosen : « Nếu Trung Quốc gửi hàng ngàn công nhân đến các mỏ đó và họ quyết định ở lại, điều đó sẽ thay đổi động lực địa chính trị của vùng Bắc Cực”. - RFI
Tin Hoa Kỳ
11.
Một phụ tá cao cấp của Trump từ chức vào đầu năm sau
Phó cố vấn An ninh Quốc gia phụ trách chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Dina Powell, dự định từ chức vào năm sau nhưng sẽ tiếp tục có một vai trò trong ngoại giao Trung Đông, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Sáu.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết bà Powell, một nhân vật chủ chốt trong các nỗ lực ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông, lâu nay vẫn có kế hoạch chỉ lưu lại Nhà Trắng một năm và sau đó trở về nhà của bà ở New York.
Bà Powell có thể là một trong một số quan chức chính quyền rời đi vào mốc thời điểm một năm nắm quyền của ông Trump. Những đồn đoán đã tập trung vào Ngoại giao Rex Tillerson, người mà các quan chức nói là có thể được thay thế bởi giám đốc CIA Mike Pompeo, và cố vấn kinh tế hàng đầu Gary Cohn cũng có thể sẽ rời đi.
Người thay thế bà Powell có phần chắc sẽ là Nadia Schadlow, một phụ tá trong Hội đồng An ninh Quốc gia đã làm việc với bà Powell về một chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ dự kiến sẽ được công bố trong vài tuần nữa, Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền cao cấp cho biết.
Bà Powell là một trong những người thuộc nhóm thân cận của ông Trump và là phụ tá chính cho Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster. Bà tham gia vào công tác ngoại giao khắp Trung Đông với cố vấn cao cấp của ông Trump và con rể, Jared Kushner.
"Dina đã làm việc rất tốt cho chính quyền và là một thành viên có giá trị trong đội ngũ hòa bình Israel-Palestine. Bà ấy sẽ tiếp tục đóng một vai trò chủ chốt trong các nỗ lực hòa bình của chúng tôi và chúng tôi sẽ chia sẻ thêm chi tiết về điều đó trong tương lai," Kushner nói trong một thông cáo.
Việc ông Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã bị lên án khắp thế giới Ả-rập.
Đội ngũ của ông đang nỗ lực tạo ra một khuôn khổ cho một thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine tiềm năng mà các phụ tá nói có thể được công bố vào đầu năm sau. - VOA
12.
Dân biểu Mỹ từ chức vì cáo buộc quấy rối tình dục - - - Quốc hội Mỹ 'rối loạn' vì ba vụ từ chức
Dân biểu Hoa Kỳ Trent Franks cho biết ông sẽ từ chức ngay lập tức khỏi Quốc hội, thay vì ngày 31 tháng 1 như ông ta đã định ra trước đó theo sau một loan báo về một cuộc điều tra những cáo buộc quấy rối tình dục nhắm vào ông.
"Đêm qua, vợ tôi đã nhập viện ở Washington, D.C., vì một căn bệnh đang diễn tiến. Sau khi thảo luận về các lựa chọn với gia đình, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng điều tốt nhất cho gia đình của chúng tôi bây giờ sẽ là tôi trình đơn xin từ chức trước đó của tôi có hiệu lực ngày hôm nay, 8 tháng 12 năm 2017," ông Franks nói trong một thông cáo qua email.
Tối thứ Năm, ông Franks, người làm dân biểu của một một khu vực bầu cử ở thành phố Phoenix bang Arizona kể từ năm 2003, ra một thông cáo nói rằng có hai người phụ nữ trong đội ngũ nhân viên của ông phàn nàn rằng ông đã thảo luận với họ về những nỗ lực của ông tìm một người mẹ mang thai hộ, nhưng ông phủ nhận ông từng "đe dọa về thể chất, cưỡng ép, hoặc có, hoặc định có, bất kỳ quan hệ tình dục nào với bất kỳ người nào trong đội ngũ nhân viên của tôi.
Trang tin Politico hôm thứ Sáu dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng không rõ liệu ông Franks hỏi về việc thụ thai thông qua giao cấu hay là thụ tinh trong ống nghiệm.
Hãng tin AP đưa tin một phụ tá cũ của ông Franks nói nghị sĩ này đã đề nghị đưa cho cô ta 5 triệu đôla để mang thai hộ cho ông.
Ủy ban Đạo đức Hạ viện hôm Thứ Năm cho biết đã mở một cuộc điều tra về những cáo buộc quấy rối tình dục đối với ông Franks.
Nhà lập pháp 60 tuổi này cũng nói rằng ông và vợ ông "lâu nay đã chật vật với chứng vô sinh."
Sự ra đi của ông Franks xảy ra chỉ vài ngày sau khi Dân biểu Đảng Dân chủ John Conyers của bang Michigan loan báo về hưu ngay lập tức giữa các cáo buộc quấy rối tình dục mà ông phủ nhận.
Hôm thứ Năm, Thượng nghị sĩ bang Minnesota Al Franken phát biểu trên sàn Thượng viện rằng ông cũng sẽ từ chức giữa những cáo buộc quấy rối tình dục. - VOA
***
Dân biểu Hoa Kỳ Trent Franks là người thứ ba trong Quốc hội Mỹ từ chức chỉ trong vòng ba ngày.
Ông thông báo từ chức trong lúc có điều tra cáo buộc quấy rối tình dục.
Ông Franks, dân biểu Cộng hòa bang Arizona kể từ năm 2003, thừa nhận ông đã nói chuyện với hai nữ trợ lý về việc tìm người mang thai hộ.
Hãng tin AP nói một cựu trợ lý tố cáo ông đề nghị cho cô 5 triệu đôla để mang thai hộ, và liên tục thúc giục cô.
Ủy ban Đạo đức Hạ viện hôm Thứ Năm mở một cuộc điều tra về những cáo buộc quấy rối tình dục đối với ông Franks.
Mới trong tuần này, hai dân biểu đảng Dân chủ đã phải từ chức.
Dân biểu John Conyers của bang Michigan thông báo hôm thứ Ba rằng ông sẽ ra đi vì những cáo buộc quấy rối tình dục.
Vài giờ trước loan báo của ông Franks, Thượng nghị sĩ bang Minnesota Al Franken cũng nói sẽ từ chức vì cáo buộc quấy rối.
Phóng viên BBC Anthony Zurcher, Washington, nhận định:
"Thử thách thật sự sẽ đến khi cử tri đi bỏ phiếu mấy tháng tới.
Liệu họ sẽ bắt các nghị sĩ phải giải trình? Câu trả lời sẽ giúp xác định liệu phong trào #MeToo chỉ là tạm thời hay nó sẽ định hình lại căn bản cả cấu trúc quyền lực Washington." - BBC
13.
Người tị nạn vào Mỹ giảm mạnh dù Trump bỏ lệnh cấm
Vào cuối tháng 10, Tổng thống Donald Trump bãi bỏ lệnh cấm tạm thời đối với những người tị nạn nhập cảnh Mỹ, một quyết định mà lẽ ra đã dọn đường cho nhiều người lánh sự bức hại và bạo lực được tới Mỹ.
Thay vào đó, số người tị nạn được nhận vào Mỹ lại sụt giảm mạnh. Trong vòng năm tuần sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, số người được phép nhập cảnh ít hơn 40 phần trăm so với số người được phép nhập cảnh trong năm tuần cuối cùng khi mà lệnh cấm vẫn còn được áp dụng, theo một phân tích số liệu của Bộ Ngoại giao mà hãng tin Reuters thực hiện.
Khi dỡ bỏ lệnh cấm, ông Trump đã ban hành các quy định mới rà soát gắt gao hơn những người nộp đơn và trên thực tế cũng ngừng, ít nhất là cho đến bây giờ, cho phép người tị nạn từ 11 quốc gia có nguy cơ cao được nhập cảnh. Hành động thứ hai đã góp phần đáng kể vào sự sụt giảm mạnh số lượng người tị nạn được nhận vào, Reuters cho biết.
Reuters nói số liệu cho thấy những hạn chế mới của chính quyền Trump cho thấy chúng là rào cản còn lớn hơn lệnh cấm tạm thời của ông, đã được hạn chế phạm vi bởi Tòa án Tối cao.
Số liệu của Bộ Ngoại giao cho thấy những người tị nạn được phép nhập cảnh cũng thay đổi. Một số lượng nhỏ hơn rất nhiều là người Hồi giáo. Khi lệnh cấm này còn được áp dụng, người Hồi giáo chiếm một phần tư số lượng người tị nạn. Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, họ chỉ chiếm dưới 10 phần trăm.
Reuters nói những người được cho phép nhập cảnh trong khoảng thời gian năm tuần là một mẫu nhỏ để rút ra kết luận bao quát, và con số người tái định cư thường tăng lên sau đó trong năm tài chính, bắt đầu vào tháng 10. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh này đã gây báo động cho những người vận động vì người tị nạn.
"Họ gần như đang dẹp chương trình tị nạn mà không phải nói đó là điều mà họ đang làm," Eric Schwartz, chủ tịch tổ chức Người tị nạn Quốc tế, nói: "Họ đã thành thạo hơn trong việc sử dụng những phương pháp quan liêu và các lập luận an ninh quốc gia để đạt được những mục tiêu xấu xa và không thể biện minh được."
Các quan chức chính quyền Trump nói lệnh cấm tạm thời đối với người tị nạn và các thủ tục an ninh mới theo sau là nhằm bảo vệ người Mỹ khỏi những vụ tấn công khủng bố tiềm năng.
Những người ủng hộ hành động của chính quyền cũng lập luận rằng chương trình người tị nạn cần cải cách và việc làm cho nó nghiêm ngặt hơn cuối cùng sẽ củng cố nó.
"Chương trình này cần phải được thắt chặt," Joshua Meservey, nhà phân tích chính sách cao cấp tại Quỹ Di sản, một viện nghiên cứu chính sách có lập trường bảo thủ, người trước đây từng phụ trách tái định cư người tị nạn ở Châu Phi, nói: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc củng cố rà soát, trấn áp gian lận, thực sự chủ động chọn lọc, vì tôi nghĩ rằng chung quy nó sẽ bảo vệ chương trình này khi chúng ta làm điều đó."
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết số sở dĩ số người tị nạn được nhập cảnh sụt giảm là vì tăng cường rà soát, thẩm xét nhắm mục tiêu xác định các mối đe dọa tiềm năng, và hạn ngạch hàng năm nhỏ hơn trong năm nay là 45.000 người, là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
"Việc nhận người người tị nạn hiếm khi diễn ra với tốc độ ổn định và trong nhiều năm bắt đầu với số lượng ít và tăng lên trong suốt cả năm. Đánh giá tốc độ (của năm tài chính 2018) tại thời điểm này hãy còn quá sớm," quan chức này nói, với điều kiện ẩn danh.
Ông Trump đã đưa việc kiểm soát nhập cư trở thành chính sách trung tâm trong nhiệm quyền tổng thống của ông, dẫn ra nhu cầu bảo vệ việc làm của người Mỹ và an ninh quốc gia. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông nói người tị nạn Syria có thể đứng về những kẻ chủ chiến Hồi giáo và hứa sẽ "rà soát cực kỳ gắt gao" những người nộp đơn.
Nhà Trắng không hồi đáp yêu cầu bình luận, Reuters cho biết. - VOA
14.
Vụ xử cựu phụ tá của Trump: Công tố viên công bố bằng chứng
Công tố viên đặc biệt của Mỹ, Robert Mueller, vừa giao hơn 400 ngàn thư điện tử, hồ sơ tài chính, và các tài liệu khác cho luật sư của cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho ông Trump, Paul Manafort, để cho thấy các bằng chứng chính phủ đang có chống lại ông Manafort.
Theo hồ sơ báo cáo tòa, toán điều tra của ông Mueller đã thu thập được trên 400 ngàn hồ sơ và 2 ngàn tài liệu ‘nóng’ hoặc những tài liệu có nội dung có thể trở thành vật chứng quan trọng.
Tập tài liệu cũng bao gồm các dữ liệu ghi chép về tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, kể cả những địa điểm trước đây từng bị Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận là dễ bị nhắm mục tiêu làm nơi rửa tiền và các tội phạm tài chính khác.
Bên công tố cũng giao tài liệu từ người khai thuế cho ông Manafort được xem là ‘đặc biệt liên hệ’.
Theo luật Mỹ, chính phủ buộc phải giao tất cả bằng chứng để bên bị đơn có thể chuẩn bị tốt để có được một phiên xử công bằng.
Diễn tiến này cho thấy lưới điều tra của ông Mueller nhắm vào việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ đang giăng xa tới mức nào.
Ông Paul Manafort, 68 tuổi, và ông Rick Gates, 45 tuổi, đối tác làm ăn của ông Manafort và cũng có giúp trong chiến dịch tranh cử của Ðảng Cộng hòa, từng tuyên bố vô tội đối với cáo trạng 12 tội danh, từ âm mưu chống nước Mỹ cho tới rửa tiền và không đăng ký hoạt động như một đại diện cho chính phủ Ukraine thân Nga trước đây. - VOA
15.
Bộ Ngoại giao Mỹ: Lệnh cấm du hành được thực thi toàn phần
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/12 loan báo bắt đầu thực thi sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về giới hạn du hành tới Mỹ.
Sắc lệnh được Tòa Tối cao chấp thuận cho thi hành hôm đầu tuần hạn chế cho công dân từ 8 nước nhập cảnh Mỹ, 6 nước trong đó có đa số dân theo Hồi giáo.
Các nước trong danh sách gồm Chad, Iran, Libya, Syria, Somalia và Yemen, cùng với Venezuela và Triều Tiên.
Bộ nói các giới hạn này không phải là vĩnh viễn mà sẽ được dỡ bỏ khi các nước cùng bắt tay với chính phủ Mỹ bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ.
Tòa Tối cao đã chấp thuận yêu cầu của chính quyền dỡ bỏ hai lệnh cấm áp đặt bởi các tòa án cấp thấp hơn từng ngăn chặn một phần lệnh cấm này. Lệnh cấm được nói đến là phiên bản thứ ba của một chính sách gây tranh cãi mà ông Trump đã tìm cách thi hành một tuần sau khi nhậm chức vào tháng 1. - VOA
|
Tin Việt Nam
16.
Quốc hội Úc điều trần về vi phạm nhân quyền Việt Nam
Quốc hội Liên bang Úc hôm 7/12 đã tổ chức một buổi điều trần về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, trong khi chính quyền Hà Nội cấm linh mục Nguyễn Đình Thục tham dự phiên điều trần này.
Từ Sydney, anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Trung Tôn, người đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, hôm 8/12 nói với VOA rằng anh có cơ hội lên tiếng về tình hình vi phạm nhân quyền tại quê nhà.
“Buổi điều trần chính thức do Tiểu ban Nhân quyền của cả Thượng viện và Hạ viện thuộc Quốc hội Úc tổ chức. Họ lắng nghe ý kiến của các linh mục, các nạn nhân, các thân nhân của các nhà hoạt động đang bị cầm tù.”
Buổi điều trần được tổ chức tại Canberra hôm 7/12, trước ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12, còn nhằm mục đích làm rõ thêm những quan ngại về nhân quyền Việt Nam mà 68 vị Dân Biểu Úc đã đề cập trong một bức thư chung vào tháng 10 vừa qua. Theo đó, các dân biểu Úc đã bày tỏ quan ngại về các đợt đàn áp ngày càng khốc liệt của chính quyền Việt Nam đối với những tiếng nói ôn hoà kể từ đầu năm 2017 đến nay.
Anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa đã thay mặt cho hội Anh Em Dân Chủ mang tiếng nói đến chính giới Úc. Đồng thời, anh Nghĩa tham gia vận động trả tự do cho cha mình là mục sư Nguyễn Trung Tôn và các thành viên khác của hội đang bị bắt giữ.
“Tôi đã nhấn mạnh rằng từ đầu năm đến giờ có 21 người đã bị bắt ở Việt Nam và 3 người phải trốn đi. Riêng Hội Anh Em Dân chủ thì từ đầu năm đến bây giờ có 7 người bị bắt, và hiện có tổng cộng 13 thành viên của hội đang bị giam cầm. Ở bên ngoài có đến 30 thành viên bị mời lên mời xuống, hoạnh hoẹ, dọa dẫm, để lấy bằng chứng ghép tội các thành viên Hội Anh em Dân chủ. Hiện tại họ đang rất lo sợ vì có thể bị bắt bất kỳ lúc nào.”
Anh Nghĩa còn cho biết anh và các linh mục từ Việt Nam sang, hôm 8/12 đã có buổi gặp với ông John Barilaro, Quyền Thủ hiến của tiểu bang New South Wales, nơi có đông dân nhất của Úc và thành phố Sydney là thủ phủ. Anh Nghĩa cho biết ông Barilaro hứa sẽ vận động một lá thư chung kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam.
Anh Nghĩa cho biết thêm rằng chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn việc xuất cảnh đối với linh mục Nguyễn Đình Thục thuộc giáo sứ Song Ngoc, tỉnh Nghệ An. Linh mục Thục là người từng lên tiếng bảo vệ cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra từ năm ngoái.
“Tôi từ Manila, Philippines sang Úc và không gặp trở ngại gì. Tuy trong đoàn đi điều trần lần này có một người bị cấm xuất cảnh. Đó là linh mục Nguyễn Đình Thục bị cấm xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất vì lý do an ninh, công an tỉnh Nghệ An không cho biết. Tuy nhiên, các linh mục khác có cơ hội sang đây trình bày về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng, quyền sở hữu đất đai tại Việt Nam.”
Trên mạng xã hội hôm 8/12 loan truyền một văn bản được cho là của Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất do Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ ký hôm 6/12, nói rằng: “Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất phát hiện ông Nguyễn Đình Thục là người thuộc diện chưa được xuất cảnh, theo đề nghị của Công an tỉnh Nghệ An."
VOA chưa thể liên lạc với Cục Xuất nhập Việt Nam để xác nhận thông tin này.
Ông Nguyễn Trung Tôn, thành viên của Hội Anh Em Dân chủ, bị bắt vào cuối tháng 7 năm nay, cùng lúc với ký giả Trương Minh Đức, nhà hoạt động Phạm Văn Trội và luật sư Nguyễn Bắc Truyển.
Hội Anh Em Dân chủ là một tổ chức xã hội dân sự đã hoạt động ôn hòa hơn 4 năm trước nhằm thúc đẩy nhân quyền và tiến bộ xã hội ở Viêt Nam. - VOA
17.
Việt Nam đẩy mạnh tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước
Sau nhiều năm thất vọng và bức xúc về tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài kể cả trong ngành ngân hàng, cuối cùng đã thấy là có một số cơ sở để có thể lạc quan.
Hãng tin Reuters hôm 7/12 nói rằng trong một loạt động thái gần đây, chính quyền Việt Nam đã cho thấy một “thái độ nghiêm túc hơn” trong việc bán một lượng cổ phần đáng kể của các công ty thuộc quyền sở hữu của chính phủ.
Hồi tháng trước, Việt Nam công bố kế hoạch bán tới 54% cổ phần, trị giá khoảng 5 tỷ đô la của Tổng công ty cổ phần bia- rượu- nước giải khát Sài Gòn– tức Sabeco, hãng bia lớn nhất Việt Nam. Đây được coi là vụ cổ phần hóa lớn nhất, rất hấp dẫn đối với nhiều hãng bia nước ngoài kể cả Heineken, từ lâu vẫn muốn mua cổ phần của một công ty chiếm tới 40% thị phần toàn quốc.
Theo Reuters thi vụ bán cổ phần Sabeco được coi là một bước táo bạo đối với Việt Nam, một nước vẫn theo chủ nghĩa cộng sản.
Hà Nội cũng đã có những bước như sửa đổi các quy định để thúc đẩy tiến trình tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước trong tương lai. Trong số những thay đổi đó có việc bổ sung phương thức dựng sổ và các phương thức bán cổ phần lần đầu (IPO), giảm bớt các hạn chế đối với các nhà ‘đầu tư chiến lược’.
Một số chuyên gia được hãng tin Reuters dẫn lời, nói Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa vì đang đứng trước một bức tranh tài chính đang xấu đi, kể cả mức thâm hụt ngân sách và nợ công tiếp tục gia tăng vào một thời điểm khi mà Hà nội đang muốn chi nhiều hơn vào công tác xây dựng các cơ sở hạ tầng.
Tuy vậy các dấu hiệu tích cực về nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng rất khả quan, và thị trường chứng khoán đang bùng nổ, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên giới đầu tư không trông đợi những bất cập, khó khăn trong nỗ lực đẩy mạnh tư hữu hóa sẽ được giải quyết trong một sớm một chiều. Tờ Thời Báo Kinh tế trích dẫn đánh giá của Bộ Tài chính Việt Nam, nói rằng việc thực hiện cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm 2017 vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước nói chung, và không đáp ứng được yêu cầu.
Các số liệu công bố mới đây về kinh tế Việt Nam trong 11 tháng năm 2017, cho biết Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI 33 tỷ USD từ giới đầu tư nước ngoài, và chỉ riêng tháng 11 con số này là 5 tỷ USD. Trang web vneconomy cho biết số lượng doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam là 116.000 doanh nghiệp.
Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, trong khi Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 11 tháng năm nay. - VOA
18.
Ông Đinh La Thăng bị bắt giam
Bộ Công an Việt Nam chiều ngày 8/12 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, Phó Ban Kinh tế Trung ương, để điều tra về 'hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.'
Truyền thông Việt Nam loan tin rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bắt ông Thăng ngay sau khi bị Bộ Chính trị ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đinh La Thăng, với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kể từ ngày 8/12.
Trước đó, chiều cùng ngày, hãng tin AP và Reuters cho biết ngày 8/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua 2 nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt, về việc cho thôi đại biểu quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Vào tháng 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức “cảnh cáo” và “cho thôi giữ chức” Ủy viên Bộ Chính trị khoá 12. Đồng thời, ông Thăng bị buộc phải thôi chức Bí thư thành ủy TP.HCM.
Ban chấp hành Trung ương đã xác định rằng ông Thăng “đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác nhân sự trong thời gian ông giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 10, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011, theo truyền thông trong nước.
Trước phiên họp của Ban chấp hành Trung ương về việc kỷ luật ông Thăng, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với VOA rằng nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đội ngũ của ông “thành công trong việc kỷ luật ông Thăng”, có thể “ông Thăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng”.
Tiến sĩ Hiệp nói việc “cách các chức vụ trong quá khứ” gần đây đã trở thành một tiền lệ trong Đảng Cộng sản. Ông Hiệp nói thêm là “không loại trừ khả năng” hình thức này sẽ được áp dụng cho cả “các nhân vật từng nằm trong ‘tứ trụ’”, tức là bốn nhà lãnh đạo hàng đầu về mặt đảng, quốc hội và chính phủ của Việt Nam. - VOA
19.
TBT Trọng ra hai tập sách để chỉnh đốn Đảng
Nhà nước Việt Nam cho ra mắt bộ sách của TBT Nguyễn Phú Trọng về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chỉnh đốn Đảng Cộng sản.
Theo một nội dung gửi cho các báo Việt Nam và được đăng tải sáng 08/12/2017, cùng ngày có lệnh bắt cựu Bí thư TPHMC Đinh La Thăng, bộ sách có tựa đề "Vững bước trên con đường đổi mới".
Đây là tập hợp các bài viết, bài phát biểu, bài nói, trả lời phỏng vấn của Giáo sư Trọng từ năm 2011 đến nay.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 'Sự Thật' là đơn vị cho in ấn bộ sách này, gồm hai tập.
Nội dung hai tập sách, ngoài phần xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng, còn bao gồm các chủ đề quen thuộc như "nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Ngoài ra là các định hướng chính trị và đạo đức cho cán bộ đảng viên trong bộ máy ở Việt Nam.
Vẫn theo nội dung gửi cho báo chí, nhà chức trách ở Việt Nam cho hay, cuốn sách sẽ "góp phần định hướng cho cán bộ, đảng viên tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần và năng lực phục vụ nhân dân".
Hơn 4 triệu đảng viên cộng sản được trông đợi "kiên định vững vàng thực hiện đường lối Đổi mới, đồng thời góp phần nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, đường lối Đảng".
Ngăn lại chuyện bỏ Đảng?
Tính đến hết 2011 cả Việt Nam có 3,7 triệu đảng viên cộng sản.
Đến cuối năm 2016 thì con số này tăng lên 4,5 triệu thành viên, theo một niên biểu đảng này công bố.
Nhưng cùng lúc, sinh hoạt Đảng lại hoặc không thiết thức, trở thành khô khan, nhàm chán, hoặc bị bỏ luôn.
Hôm 15/11/2017 nói về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói về nhu cầu ngăn chặn tình trạng 'chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị'.
Ông cũng kêu gọi phải "ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau", trong cán bộ đảng viên," truyền thông Việt Nam viết.
Hiện tượng bỏ sinh hoạt Đảng hoặc có thẻ đảng cũng không giải quyết được gì khi đi làm ngoài thị trường cũng được dư luận nêu ra.
Trong một bài đăng trên BBC Tiếng Việt hồi tháng 2/2015, một bạn trẻ là Đặng Trung từ TPHCM viết:
"Đối với ai làm công ty nước ngoài thì rõ ràng là một trở ngại lớn, chẳng Sếp nào quan tâm đến cái việc bạn là Đảng viên và lý do cứ mùng 3 xin nghỉ để đi họp bất kể ngày nghỉ hay ngày thường là một điều hết sức vô lý.
Thế người thuộc khối Nhà nước có yêu Đảng hơn không? Cũng không chắc, vì nhiều Đảng viên lâu năm, lại làm chức vụ lớn, ngay sau khi về hưu đã cất ngay thẻ vào trong tủ và tuyên bố không bao giờ sinh hoạt Đảng nữa.
Rốt cuộc là chẳng ai yêu Đảng thật lòng, cũng không ai còn tự hào khi là Đảng viên nữa. Nhiều người thậm chí ra ngoài còn giấu việc mình đã kết nạp Đảng nếu không muốn làm trò cười cho bạn bè."
Kế cận còn đông
Tuy thế, Việt Nam hiện vẫn có con số hàng triệu thanh thiếu niên, nhi đồng trong đội ngũ kế cận để trở thành đảng viên cộng sản.
Các tài liệu chính thức nói cả nước hiện còn có 6,4 triệu đoàn viên Thanh niên CSHCM, và 7,8 triệu đội viên Thiếu niên Tiền phong HCM.
Đảng cầm quyền dưới sự chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng một mặt tiếp tục chống tham nhũng để giữ niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của họ, mặt khác cũng tích cực thúc đẩy sự phát triển hàng ngũ trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.
Bộ sách của GS Trọng nhắm vào cả hai mục tiêu này: chấn chỉnh nội bộ để giữ tính chính danh trong bối cảnh nền kinh tế nhiều cám dỗ với cán bộ đảng viên có chức có quyền; và đề cao ý thức hệ vốn là xương sống tư tưởng cho hệ thống chính trị hiện hành.
Giới quan sát tin rằng Việt Nam và Trung Quốc có điểm chung là bộ máy chính trị không xuất phát từ bầu cử tự do nên cần ý thức hệ XHCN để tạo tính chính danh. - BBC
20.
Một mục sư Tin Lành Mỹ giảng đạo ở Hà Nội trước hàng ngàn người
Theo hãng tin Mỹ AP, ngày 08/12/2017, hơn một chục ngàn người đã tề tựu về một sân vận động ở Hà Nội để tham dự một buổi truyền giảng do mục sư Tin Lành Mỹ Franklin Graham chủ trì. Theo AP, đây là một sự kiện hiếm hoi tại một nước mà đảng Cộng Sản cầm quyền kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh của xã hội, từ truyền thông đến tôn giáo.
Trả lời hãng AP, mục sư Franklin Graham, một trong những nhà truyền giáo Tin Lành nổi tiếng người Mỹ, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hội Truyền Giáo Billy Graham, cho biết là ông đã mất một năm để chuẩn bị sự kiện này, và chính quyền Việt Nam đã không đặt ra bất kỳ điều kiện nào cho việc tổ chức hai buổi truyền giảng vào tối 08 và 09/12 tại Sân Vận Động Quần Ngựa ở Hà Nội.
Theo mục sư Graham, ông không muốn làm bất kỳ điều gì có thể khiến chính quyền khó xử, và bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Việt Nam không xem người Thiên Chúa Giáo là kẻ thù. Theo ông, vấn đề tự do tôn giáo đang dần dần được cải thiện ở Việt Nam.
Hãng tin Mỹ nhắc lại rằng trong bản báo cáo thường niên về quyền tự do tôn giáo trên thế giới, bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn ghi nhận các hiện tượng hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo không được công nhận, đặc biệt là những nhóm bị cho là có hoạt động chính trị. Một số chức sắc tôn giáo cũng than phiền về việc họ bị sách nhiễu.
Theo AP, hiện nay tại Việt Nam, trên tổng số dân khoảng 95 triệu người, mà đa số theo đạo Phật, có khoảng 6,5 triệu tín đồ Công Giáo, và hơn 1 triệu tín hữu Tin Lành.
Còn theo truyền thông Việt Nam, hôm 07/12, mục sư Graham, trong tư cách là lãnh đạo tổ chức nhân đạo Samaritan' s Purse đã được phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp kiến. Là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, Samaritan' s Purse hoạt động ở Việt Nam từ 20 năm qua. - RFI
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét