Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Nhớ Huế, Về thăm lại Cố Đô - Xa Huế rồi Nhớ Huế Dễ Sợ ! !


 Cụ mi ơi.
Trrước hết cám ơn cụ mi đã gởi cho tau cái Phim ni, quá đả, tau cũng định bắt chước cụ mi là FW cái ni tới cho Bà con, bạn bè của tau coi cho họ lé mắt chơi, nhưng trước khi gởi đi tau cũng mở ra coi tới coi lui cho bưa cái đả, nhưng nói thiệt cụ mi đừng la, càng coi tau lại càng thấy cái Phim ni “có vấn đề”  ( Ở với mấy Ôn, nên tau cũng dùng chữ của mấy Mệ, đừng cười hí). 
<!>
Sau khi coi hết đủ 4 tập, thì tau quyết định không gởi đi nữa vì tau thấy cái Phim ni chướng quá, có nhiều “sạn” quá  tau mạo muội nói ra đôi điều như sau, chịu khó đọc nghe. 
 Thứ nhứt là cái O đọc lời bình, O ni Huế mình thì chắc chắn là không phải rồi, mà Bắc ngó e cũng không đúng, Nam cũng không luôn, cái giọng lơ lớ khó nghe quá, còn giọng đọc thì mô nô ton, đều đều nghe không sướng đến nơi , sợ e còn thua cái O ở đài truyền thanh nơi Phường của tau nữa,  với lại nói tiếng Việt không chuẩn nữa trời nợ, sông Hương mà cứ đọc là xông Hương làm tau cứ tưởng có ai thắp nhang đốt đèn chi ở đây.  Tiếp Pháp cũng  ve kêu luôn , Morin  không nói là : “Môranh” mà nói “ Môrin”. Té ra Huế chay như cụ mi hay tau rứa mà hiếm quý hí, không hiếm rứa răng mà VBS Canada kiếm trông ra hè ?

 Thứ nhì là nội dung của lời bình, cái ni mới thiệt là “ chạn quá” “ chạn quá”.  Ai từng đời từng thưỡ mô, víết lời bình  cho một cái Phim công phu như rứa, mà câu văn nghe trúc trắc trục trắc, chữ dùng lại không chính xác.  Có nhiều chỗ khó nghe lắm, tau chỉ nói tượng trưng thôi, như khi muốn nói là các chùa Tàu ở đường Chi Lăng do được tu bổ thường xuyên nên ngó còn đẹp, không bị hư hại nhiều  mà lại dùng “đầy vẽ khang trang “, hay khi nói đến tình truyền trống,, tiêu biểu cho nét văn hóa xú Huế mình về Bia Quốc Học thì lại nói “ tượng trưng cho ngành Văn Học”.  Các danh từ  như con đường, dòng sông, ngôi trường..V..V.. chỉ dùng khi nói chung chung, chưa xác định được , như “ con đường xưa em đi”, “ dòng sông ai đã đặt tên”  ”Ngôi trường thân ái”,   còn khi đã xác định được rõ ràng rồi mà lại dùng ‘ Con đường Mai thúc Loan “ ‘ Dòng sông Hương ‘ ‘ Ngôi trường Quốc Học”  thì giống Canadien nói tiếng Việt quá.  Nhiều lắm, nhiều lắm, nghe riết tau có cảm tưởng Ôn Mụ  mô viết cái lời bình ni không phải là người ..Việt mình nữa. Không biết các nhà ngôn ngữ học, quý thầy giáo dạy Việt Văn hay mấy Ôn Văn sĩ, phân tích mấy hột sạn trên ra răng, chơ riêng tau, một đứa học trò, trình độ văn hóa Tú Tài Toàn Phần, thì khi nghe đọc như rứa, thấy ngứa lỗ tai quá. 


 Thứ ba là tính chính xác của những điều mà cái lời bình ni muốn gởi tới khán, thính giả, cái ni cũng ngụy sự lắm. Sông Hương mình, từ khi hình thành bởi hai giòng và Tả và Hữu trạch cho đến khi đổ vào biển Đông ở cửa Thuận An  thì đã lững lờ trôi qua biết bao làng mạc , địa danh từ trên Bảng Lãng, cho đến Hưong Hồ, Xước Dũ, Nguyệt Biều, Văn Thánh, Long Thọ ,Kim Long rồi qua Thành Phố Huế mà xuôi về Cồn Hến,Vỹ Dạ, Chợ Dinh , Nam Phổ, Bao Vinh…, rứa mà cái lời bình ni phán một câu xanh dờn “ dọc theo dòng sông Hương là làng Văn Thánh”, làm những người chưa đến Huế, hay giới trẻ Việt sinh ra tại ngoại quốc tưởng rằng hai bên bờ sông Hương chỉ có độc mổi một làng Văn Thánh mà thôi.  Mà tau hỏi thiệt cụ mi nè: có “ làng Văn Thánh “ không ? lâu quá tau cũng quên, theo như tau nhớ lờ mờ thì Văn Thánh chỉ là  một địa danh, chơ không phải là một đon vị hành chính, chỉ là chỗ  các vua nhà  Nguyễn  lập đền thờ Khổng Tử  và dựng bia  để ghi tên, tuổi và quê quán các Vị đâu Tiến Sĩ trong các khoa thi như Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Huỳnh thúc Kháng, Ngô Đức Kế,…. gọi là Văn Miếu ở tại Làng An Ninh, Huyện Hương Trà.( Bây giờ đổi là xã Hương Long, T.P Huế)

 Hồi xưa nhà Bà Ngoại tau ở trên Eo Bầu,cuối tuần  mấy đứa tau hay rủ nhau đạp xe lên đó tắm sông, ăn thơm, ăn mít và có đi ngang qua Văn Thánh,  tau nhớ là có đồn Văn Thánh, chợ Văn Thánh, xe đò Văn Thánh, chơ làm chi có “ Làng Văn Thánh” mi hè ?


Có thêm một chuyện làm tau thấy mấy cái ôn VBS Canada ni ba trợn thiệt, là Chùa Diệu Đế mình, xưa nay là nằm trên đường Bạch Đằng, chơ có ở trên đường Đông Ba khi mô mô, răng mấy  Ôn nhà đài nớ lại nói rứa ? mà Huế mình có đường Đông Ba không cụ mi hè ?.


Còn nột cái nữa tau tình cờ Phai- đao ra, là khi nghe cái O xướng ngôn bất đắc dĩ nớ nói ĐIện Thái Hòa trong Nội được xây dựng vào năm 1803 , là nơi đăng quang của 13 Vị Vua triều Nguyễn là tau đã thấy ngờ ngợ rôi . Tau nhớ Vua Gia Long lên ngôi năm 1802, ( Nhờ tròi lúc nhỏ tụi mình học ban C, Sử Địa có hệ số cao trong mấy kỳ thi nên chịu khó học, đến chừ mới nhớ đuợc như ri ), nếu theo như Đài VBS nói thì khi nớ chưa có Điện Thái Hòa,thì lấy chỗ mô để Vua Gia Long làm Lễ Đăng Quang. Vì rứa tau mới vô trong Inh tẹc nét mà tìm, thì mới biết được rõ ràng Vua Gia Long xưng vương năm 1780, đến năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn , mới  lên ngôi Hoàng Đế  , và đến năm 1806 thì chính thức  làm Lễ Đăng Quang tại Điện Thái Hòa, như rứa là thắc mắc được giải đáp là …đã có chỗ cho Vua Gia long làm Lễ Đăng Quang, vì khi nớ Điện Thái Hòa đã xây xong rồi., nhưng nhờ tìm như rứa mới biết được là điện Thái Hòa khởi công ngày 21-2-1805 và hoàn thành tháng 10-1805. Như rứa là cái Phim ni đã cho Điện Thái Hòa ra đời trước tói ..2 năm lận.


Mi thấy chưa, họ làm việc quá  ẩu , một thằng tay ngang như tau, mà cũng còn tìm ra được ba chuyện nớ, huống chi họ là nhà Đài, là cơ quan truyền thông,  tại răng không chịu tim tòi, nghiên cứu cho thấu đáo trước khi phát ra cho ba làng bảy xóm đều nghe. Bậy thiệt .


Cái chuyện trên là phải tìm tòi mới biết được, nhưng có một cái khi nghe đọc lên là tau đã thấy tào lao rồi, là họ đã sửa thơ của Hàn Mặc Tử , câu cuối trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ “  Hàn viết : “Ai biết tình ai có đậm đà”. rứa mà cái đài ni lại đổi ra “ Như có tình ai có mặn mà”. Cẩu thả quá cụ mi hí .


Thứ tư là chuyện nhạc lồng cho Phim. Khi nghe mấy cô Ca Sĩ, người Huế hay gốc Huế hát là tau ‘ phê’ đến bủn rủn tay chưn rồi, nhưng tới một đoạn mô đó, nghe giọng hát , thấy cũng “ phê’ đó, nhưng là “ phê” ngược, tau không tin cái lỗ tai của mình, mới cho chạy lui để nghe lại cái đoạn ni thì mới vỡ lẻ ra rằng là Cô ca sĩ Thu Hiền hát bài ni. Cái cô Ca sĩ ni là chuyên trị mấy bài hát cách mạng: như Cô gái vót chông, tiếng chày trên sóc Bombô, hay biết ơn chị Võ Thị Sáu …V..V…, chừ lại đi hát mấy bài hát sâu lắng, mượt mà của Huế mình thì có khác chi “Tây  cầm đủa” mô. Tau không cục bộ địa phương mô nghe, có biết bao Ca Sĩ không phải người Huế mình nhưng hát nhạc về Huế cũng “ tới” lắm như Thái Thanh,  Ánh Tuyết, Thùy Dương…( Thùy Dương quốc nội, đi dạy, ở Đồng Nai, chơ không phải Thùy Dương quốc ngoại, Bác Sĩ,  hát giọng mũi nghe không vô mô hí), tại răng không đưa thêm vô ?.


Thứ năm là những hình ảnh về Huế mình được cái Phim ni gởi tới khán thính giả. Cái ni mới nhiều chuyên nói đây. 


Trong lòng mọi người, Huế là chốn nghìn năm văn vật, là nơi êm đềm , sâu lắng  không xa hoa tráng lệ như Sài Gon, mà cũng nỏ kiêu sa , đài các như Hà Nội. Từ bao đời nay,  ở đây, người thì  thâm trầm, nhẹ nhàng, kín đáo còn cảnh thì tỉnh mịch, trầm mặc, cảnh với người quyện lẫn với nhau,  hài hòa với thiên nhiên, tạo nên nét riêng cố hữu của đất Hương Bình. 

Cụ mi có thấy  cách xếp  đặt khi nhà Nguyễn xây dựng Kinh Thành Huế không ?.   Mặt tiền thành quay về phía Nam , nơi có sông Hương chảy ngang qua, khi qua đây dòng sông uốn nhẹ, cho nên mặt này của thành cũng phải uốn theo mà khum ra như hình cánh cung, và xa hơn nữa là núi Ngự Bình như cái bình phong, hai bên tả , hữu có cồn Hến và cồn Giả Viên , tạo nên thế  "Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ". Kiến trúc của con người và kiệt tác của thiên nhiên hòa quyện vào nhau để tạo ra phong cảnh hữu tình tới như rứa đó.

Nói đến Huế là phải làm sao làm nổi bật lên cái duyên ngầm nớ của Huế. Nhưng buồn thay, nhìn tới nhìn lui, suốt trong bốn tập ,ngoài hai trường Đồng Khánh, Quốc Học là còn giử được đôi chút dáng xưa làm xao động lòng người, còn lại cảnh thì toàn là nhà cao cửa rộng lạc lỏng, kệch cởm , người thì xuôi ngược, vội vã , với cái " nồi cơm điện" trên đầu phóng nhanh trên những xe gắn máy đời mới.

 Không biết Cụ Mi nghĩ răng, chứ riêng với tau , ba cái đồ nớ toàn là rác hết.  Cái mà dân Huế mình, kể cả Huế " gần" lẩn Huế " xa" cũng như khách Du Lịch tứ xứ  thèm , nhớ là mái chùa cong  ẩn hiện dưới rặng thông già, là xóm vắng ban trưa rợp bóng tre xanh , râm ran tiếng ve gọi hè..... Ở nơi đất khách quê người, theo như tau biết, thì một số dân Huế tha phương lạc xứ chỉ tìm lại được những của quý nớ trong nhớ thương kỷ niệm, hay thoáng hiện chắp nối rời rạc trong giấc mơ mà thôi, còn chừ mình đã về tới nơi chốn cội nguồn, mà cũng nhìn không ra, tìm không thấy hình dáng quê xưa là răng cụ mi hè ?.

 Nói như rứa, không phải là tau chậm tiến, bảo thủ hơn Vua mô nghe. Muốn phát triển, tối tân hóa xứ sở , OK, không sao, nhưng chịu khó đi cho xa xa một chút, ra ngoài An Hòa, hay xuống dưới Bãi Dâu, muốn xây nhà mấy tầng cũng được, muốn cất khách sạn mấy sao cũng xong, nhưng trong nội thành và hai bên hũu,  tả ngạn sông Hương thì làm ơn xin chừa ra cho với, vì đây là cái hồn của Huế, là cái nôi ru êm của Mạ, là vòng tay ấm áp của Cha, mất mấy cái nớ thì còn chi Huế của mình nữa cụ mi hè, tiếc đứt ruột cụ mi hí .

Theo lời kể của một Ông Giáo già người Huế, thì hồi Cọng Hòa, trường Bồ Đề Thành Nội Huế có xin phép được xây lầu cao lên để đáp ứng cho sự gia tăng số lượng học sinh, nhưng đã bị chính quyền địa phưong hồi đó từ chối vì người ta sợ phá vỡ cái khung cảnh hiện hữu của Nội Thành  lúc bấy giờ, nghe có lý quá cụ mi hí.

Có điều may mắn là khi nhắc đến cầu Trường Tiền , thì người ta quây cái cầu ni ban ngày cho nên thấy cũng còn gợi nhớ đôi chút, nếu mà quay ban đêm thì 6 vài 12 nhịp ni sẽ hiện ra lung linh dưới ánh đèn Laser xanh đỏ tím vàng, loè loẹt như một cô cave về chiều, thì còn chi nữa là cầu Trường Tiền kỷ niệm của tụi mình nữa .

Nhơn cơ cái đài ni nói tới cầu Trường Tiền, tau cũng nói luôn với Cụ mi đôi điều mà từ lâu tau ấp ủ về cây cầu ni là ở phần dành riêng cho người đi bộ, nơi chỗ múi nối của hai nhịp cầu,  hồi xưa có cái chỗ nhô ra để khách nhàn du, dừng chân ngắm cảnh, hay là để cho mấy O ĐỒng Khánh đi học, đạp xe qua cầu mà lỡ xe có sút sên, hay guốc có đứt quai thì có nơi mà  dừng xe để chờ anh Quốc Học mô đi ngang ra tay nghĩa hiệp đặng mà lấy điểm với người đẹp. Mỗi bên cầu 5 cái múi nối, hai bên vị chi là 10 , 10 cái điểm dừng chân ni đã để lại biết bao kỷ niệm của thời đẹp nhứt trong đời người, rứa mà không biết nghĩ răng  khi sửa lại cầu, người ta đã dẹp mất, như rứa là đồng thời họ cũng dẹp luôn  vô số kỷ niệm của biết bao thế hệ học trò Huế mình xuống dưới sông rồi chơ còn chi nữa, tiếc như " vàng 10 cầm trên tay mà để rớt xuống đất". ( Ý này là tau " chôm" của một Ông Thầy dạy Việt Văn ở Huế, Ông ni chỉ có cái ý ni là được ,còn lại , việc làm cũng như cuộc đời của ông là một đống chuyện phải nói, có dịp tau sẽ nói với cụ mi sau ). 

Nhắc cầu là tau nhớ tới sông, sông Hương, cái Phim ni bỏ nhiều công sức cho con sông ni lắm, nhưng không biết có phải tau khó tính không, chơ tau thấy " nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì ".

Cụ mi có biết sông Hương mình chỗ mô là đẹp nhứt không, mà lại gần dễ đi chơ không phải lên xa trên nguồn như  Tuần, Bảng Lãng hay xuồng dưới như Bao Vinh, Thuận An ?.

 Theo tau, đó là cái chỗ khúc đường nhô ra cong cong ngay phía dưới mấy bậc tam cấp bước lên tháp Phước Duyên nơi chùa Linh Mụ. Buổi chiều, đứng ở đây nhìn ngược về phía thượng nguồn, mặt trời sắp tắt, chìm dần sau mấy rặng núi, tõa ra ráng chiều đỏ rực , lấp loáng trên mặt sông rộng mênh mông, và giửa cái cảnh bao la núi sông, mây nước nớ một con đò nhỏ  lững lờ trôi xuôi,  theo nhịp chèo khoan thai hờ hững của một cô gái Huế mảnh mai, gầy guộc, để lại trên mặt nước sau lưng mình hai gợn nước nhỏ lăn tăn.  U chao, đẹp !. Sức của tau chỉ nói được chừng nớ thôi, chơ thiệt ra cái cảnh ni còn đẹp hơn nhiều.

Đó là điều mình mong ước thấy, nhưng nỏ chộ mô hết, thôi thì thời đại văn minh, cơ khí hóa cả rồi ,kiếm mô ra cái cảnh chèo đò bằng tay nữa, tạm miễn cưỡng chấp nhận mấy chiếc đò có gắn máy Kubota, hay Yanmar nổ xình xịch chạy trên sông, tỏa khói đen lên trời, rứa cũng được đi cho, không thôi lại mang tiếng là lạc hậu. 

Nhưng ở đây, trong cái Phim ni , hình ảnh thu nhận được về sông Hương lại càng vượt quá xa cái " tạm miễn cưỡng  chấp nhận " nớ nữa, đó là khi người ta quây cái cảnh khai thác cát trên sông Hương. Khai thác bằng cơ giới, máy nổ đặt trên một chiếc đò to, nổ nghe ầm ầm, cát được máy hút lên , tuôn ra ào ào như suối, mà không phải một chiếc đò mô nợ, trên một đoạn sông ngắn có cả hàng chục chiếc, và tay quay Phim nọ coi bộ tâm đắc trước cái cảnh " móc ruột sông " ni nên cứ quay tới, quay lui hoài. Trời ơi, sướng sung chi ba cái cảnh ni mà quay hở trời, tau coi mà ruột đau như cắt, có cảm tưởng như một tiểu thư khuê cát, bạc phước rơi vào tay của một lũ lục lâm thảo khấu, đành để cho  mấy tên " sa tặc" này tha hồ dập liễu vùi hoa. 

Còn chi sông Hương của mình nữa trời, coi cái ni tau lại liên tưởng tới  mấy cái Vidéo clip quây cảnh các nữ sinh bị các tay chơi giang hồ đánh đập dã man, lột quần lột áo, rồi còn quay Phim tung lên mạn cho mọi người cùng "thưởng thức" thoải mái nữa.. Hèn chi phải.

Mà cụ mi thấy có lạ không, Chính quyền mô, tại răng gìửa ban ngày ban mặt mà lại để cho mấy người ni ngang nhiên bách hại môi trường, tàn phá thiên nhiên như rứa, cứ đà ni thì chẳng còn lâu nữa, hai bên bờ sông Hương sẽ bị sạt lở trầm trọng, nhà cửa thì bị trôi xuống sông hết, cái chỗ đứng để ngắm cảnh chiều tà trên sông  của tau trước Chùa Linh Mụ e cũng trôi xuống sông luôn,  bờ sông thì nham nhở như răng cưa, còn chi là thơ mông nữa. 

Thiên nhiên là mẹ hiền nếu con người biết trau chuốt, gìn giữ, ngược lại nếu chỉ vì những lợi ích nhất thời mà tàn phá, bức hại , thì ăn một mà trả trăm,  nghìn, bão lụt, thiên tai cũng từ đó mà sinh ra, và đời sống con người cũng vì rứa mà ngày càng trở nên khó khăn , cùng cực. Đơn giản và dễ hiểu như rứa, tại răng họ không thấy cụ mi hè ?.

Dài quá hí, tau lan man quá, nhưng chịu khó, còn một chuyện nữa thôi, cái ni hắn liên quan tới kỷ niệm học trò của tụi mình. Chỗ ni , trước đây, thời Nhà Nguyễn  là một trường học gọi là Quốc Tử Giám, sau đó thời Cọng Hòa, cũng là một trường học,  Cụ mi với tau cùng học ở đó, từ Thất 5 cho tới Tứ 5, nói rứa là Cụ Mi biết đó là trường Hàm Nghi của mình rồi chơ chi nữa. Cái chỗ ni khi từ được xây dựng lên, cho đến lúc đổi đời năm 1975, thủy chung như nhất, trước sau chi đây cũng là một cơ sở giáo dục, một nơi " trồng " người, yên bình, thanh tịnh

 Sau 1975, những người chủ mới của đất nước đã biến nơi đây thành chỗ ghi dấu cho chiến tranh với súng dài, xe to, máy bay tàu bò, không những đã làm cho người dân trong nước mất đi một nơi chốn lui tới để nhớ lại dấu tích văn hóa một thời của ngườI xưa, mà họ còn ngang xương tước đoạt của  Cụ Mi, của tau và  của  cả hàng nghìn người Huế mình  khắp nơi trên thế giới một khoảng không gian  lưu giữ biết bao  kỷ niệm vui buồn của một thời vàng ngọc phấn trắng bảng đen, quần xanh áo trắng nữa.

Nhiều lần, tau đã trở lại nơi đây, đứng ngoài hàng rào, tần ngần, ngơ ngẩn nhìn vào bậc thềm Di Luân Đường mà não nề nhớ lại tiếng trống cũa Ông Cai Lục vang lên vào mỗi đầu gìờ, để rồi nuốt nước mắt trở vô mà lầm lủi bước ra, vì người xưa không còn, cảnh cũ  đổi thay, trường xưa đã mất tên, phai dấu. 

Những xót xa, mất mát nớ, tưởng đã phai mờ dần theo năm tháng, nhưng  chừ đây, coi cái Phim ni, tới đoạn hắn chiếu lui , chiếu tới trường cũ của mình thì lòng tau lại quặn thắt, tái tê, thương cho phận riêng của tụi mình thì ít, mà đau cho cái chung của mọi người thì nhiều. Tau tự hỏi tại răng đến giờ phút ni mà  cái dấu ấn  của chiến tranh ,chứng tích của một thời  đau thương, chia lìa vẫn còn lù lù đứng đó, rứa thì kêu gọi này nọ làm chi, ai mà nghe ?. 

Và điều thứ sáu, cũng là điều cuối cùng là khi bắt đầu coi cái Phim ni tau nghĩ thế nào người ta cũng có nhắc đến biến cố Mậu Thân , cùng với những đau thưong mất mát của dân Huế mình trong hai mươi mấy ngày khói lửa ni, nhưng tuyệt nhiên không, người ta chỉ thoáng nhẹ nhắc lại sự kiện đau thương này khi đề cập một số nhà cửa, kiến trúc bị hư hại do bom đạn mà thôi.

Tau nghĩ đơn giản là chiến tranh thì nên quên, vì khi cầm súng ra trận, người lính của đôi bên , cùng với vũ khí, thì ai cũng mang theo bên mình một lý tưởng, một mục đích, khoan nói tới việc đúng sai, vì cái này cũng còn tùy vào nhận định, chỗ đứng và vai trò của mỗi người trong cuộc chiến, nhưng ít nhất họ đều có một cái đích để nhắm tới, sở dĩ họ sẵn sàng  băng qua lửa đạn, không ngại hy sinh gian khổ ngoài chiến trường chỉ vì họ muốn hoàn thành nhiệm vụ, đạt cho được mục đích mà minh đã mang theo khi ra chiến trường ,rứa thôi,  ngoài ra không có một chút  hận  thù, âm mưu,hay toan tính nào cả  vì rứa mới có " không hận thù, nằm chết như mơ". 

Sau khi chiến tranh chấm dứt, trút bỏ chiến y, giả từ vũ khí, thì ai về nhà nấy lo mà tái thiết, gây dựng lại những gì đã bị bom đạn hủy hoại, điều này lại càng có ý  nghĩa hơn trong những cuộc nội chiến.

Chiến tranh là rứa, nhưng tội ác, nhất là tội diệt chủng, lại giết người cùng giống nòi, chủng tộc thì phải giải quyết khác đi, có thể tha thứ, nhưng quên thì không.

Không quên không có nghĩa là nuôi hận thù mà là  để nhắc nhở, để đề phòng những trường hợp tương tự, vì lịch sử đôi lúc cũng chỉ là sự lập lại mà thôi( Khổng Minh " thất cầm Mạnh Hoạch" trong sử Tàu, Ba lần đại phá quân Nguyên trong sử ta). Phải nhớ để mà cầu nguyện cho vong linh của biết bao người dân vô tội đã phải oan ức lìa trần trong những ngày đầu Xuân, không quên để còn đi tìm một kết cục thỏa đáng, một câu trả lời cho tội ác trời không dung , đất không tha này.

 Vì rứa mà khi mô, cứ mỗi độ Xuân về, trên bàn thờ tổ tiên của một số người dân Huế ở khắp nơi trên thế giới vẫn còn có mâm cơm được dọn ra, còn có nén nhang  được thắp lên để tưởng nhớ người thân của mình đã oan khiên tức tưởi bị người đồng chủng hành quyết như thời Trung Cổ , thì khi nớ cuộc thảm sát trong biến cố Mậu Thân vẫn còn là một vết thương, nhức nhối âm ỉ trong trong mọi người dân Việt, thì khi nớ thủ phạm gây nên cái chết của trên dưới 5.000 nguời  dân Huế vô tôi cùng với những kẻ bao che, dung dưỡng và lũ tay chân bộ hạ của chúng  vẫn là những tội phạm diệt chủng  đang còn lẩn tránh pháp luật, công lý vẫn chưa được thực thi đó cụ mi nợ. 

Đó, đại khái là như rứa, hơn không bù được thua, hay ít dở nhiều, cho nên tau dẹp cái Phim ni qua  một bên và dài dòng với cụ mi đôi điều rứa đó, mà nghĩ tới nghĩ lui trách cái đài VBS ni cũng tội, vì bột như rứa thì làm ra bánh như rứa thôi, trách chi được, mà trách ai đây ?. 

Tới ngang đây, tự nhiên tau lại nhớ hai câu thơ của một tác giả lâu lắc người miền Nam mô đó, mà có lần thầy Lâm Tài, ( Thầy đã mất, nói trộm thầy, đừng có quỡ con mà tội hí) đọc cho trò nghe trong một giờ Quốc Văn hồi tụi mình còn học Tam C Quốc Học:
    
                                                  " Ai về nhắn với Chu Công Cẩn,
                                                     Thà mất lòng Anh được bụng Chồng"

tau cũng tạm mượn hai câu Thơ ni mà kết thúc cái I Meo dài nhằng  ni cho Cụ mi ở đây. :Bấm vào những links dưới để xem đỡ nhớ :

Không có nhận xét nào: