Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

KHI SỰ NGU NHÂN DANH KHOA HỌC - Chu Mộng Long


GS. ĐH. Harvard Ngô Như Bình, ảnh Zing.com
Chu Mộng Long: Tôi không cổ súy thiên hạ chửi một ông già trên tám mươi như ông Bùi Hiền dù ông đáng bị chửi khi công bố một “công trình khoa học” đe dọa và gây tổn thương cho cả cộng đồng. Sự thực, ông ấy gốc học tiếng Trung, tiếng Nga và chỉ làm cái việc dạy tiếng, không phải là chuyên gia ngôn ngữ học đích thực nên hiểu sai làm sai là chuyện bình thường.
<!>

Nhưng tôi phải nổi giận mà viết bài cuối cùng này. Bài này dành cho những chuyên gia ngôn ngữ học như Phạm Văn Tình, Trần Ngọc Thêm, Lê Đức Luận… kể cả cái ông Ngô Như Bình đang dạy tiếng Việt bên đại học Harvard.
Mấy ông này vẫn khăng khăng cái lý thuyết chữ ghi âm thì nhất thiết chữ phải ghi đúng âm, tức phải “nói sao viết vậy” là hợp lý khoa học.
Cứ cho lý thuyết này là đúng thì xin hỏi các ông mấy điều:
1) Nếu lấy âm Hà Nội làm chuẩn, theo Bùi Hiền, thì thử dẫn xem người Hà Nội nào đọc âm /ng/ thành /q/, âm /th/ thành /w/, âm /kh/ thành /x/, /ch/, /tr/ thành /c/? Trừ phi đó là người nói ngọng, thụt lưỡi, méo mồm, hoặc mấy ông Nga, ông Hán đang ở Hà Nội muốn làm cách mạng Hán hóa, Nga hóa dân Việt.
2) Còn nếu không lấy âm Hà Nội làm chuẩn thì mỗi địa phương có một cách phát âm khác nhau, chữ viết nào ghi cho hết các dạng âm thanh ở các vùng miền? Hay là chấp nhận mỗi địa phương một cách viết? Người khu Bốn đọc “âu” thành “u”, “ước” thành “ác”, không phân biệt thanh hỏi và nặng, chữ “trâu” buộc phải viết thành “tru”, chữ “nước” buộc phải viết thành “nác”, chữ “đủ” buộc phải viết thành “đụ”? Người Huế không phân biệt huyền và nặng, chữ “lộn” buộc phải viết thành “lồn”? Người Quảng không phân biệt vần “am” với vần “ôm”, chữ “làm” buộc phải viết thành “lồm”? Người Bình Định, Phú Yên không phân biệt âm cuối “ng” và “n”, “t” và “c”, chữ “hán” buộc phải viết thành “háng”? Rồi cái xứ anh ngọng không phân biệt “n” với “l”, từ nào có âm “n” thì viết thành “l” và “l” viết thành “n”, “lôn ra máu” chẳng hạn?
Hai câu hỏi đó đủ thấy cái sáng kiến kia phản khoa học đến mức kẻ ngu nhất cũng thấy: 1) Âm đọc không bao giờ thống nhất, nhưng chữ viết phải đóng vai trò trung gian để thống nhất các âm đọc khác nhau. 2) Chỗ nào âm đọc không có tính khu biệt thì chính chữ viết khắc phục bằng những dấu hiệu khu biệt. Cái mà các ông tưởng bất hợp lý lại chính là cái hợp lý của chữ viết tiếng Việt hiện hành. Sự hợp lý hóa ấy đã diễn ra cả một quá trình kéo dài mấy thế kỷ mà sáng kiến của các ông chừng như cố tình quay lại điểm xuất phát. Tất nhiên đến thời điểm này tôi không nói nó hợp lý hoàn toàn, nhưng sự bất hợp lý không đáng kể bởi chữ viết nào cũng phải có.
Chính sự khu biệt rất lớn của chữ viết đã làm cho tiếng Việt giàu có và trong sáng. Viết, như tôi đã nói, khác với phát âm. Phát âm có thể dễ dãi nhờ có ngữ cảnh giao tiếp khu biệt, còn viết với tư cách là văn bản luôn tách ra khỏi ngữ cảnh nên cái chữ buộc phải tạo ra các khu biệt bởi dấu hiệu trong bản thân nó. Nói thuộc hoạt động bắt chước, có khi không cần phải học, nhưng viết thì phải học nghiêm túc chứ không đòi hỏi phải dễ dãi như phát âm với phương châm lười nhác “nói sao viết vậy”!
Chữ viết, vì thế, là cả một vấn đề văn hóa lớn lao. Nó dung hòa tình cảm và thống nhất ý chí giữa các địa phương, vùng miền, giữa hiện tại và quá khứ, nâng cao trình độ dân trí chứ không đơn thuần chỉ là ký hiệu phục vụ nhất thời cho những kẻ lười nhác biếng học.
Hội nhập thì chữ Việt phải giống chữ Tây ư? Lý luận này không chỉ là mặc cảm thuộc địa mà còn thể hiện sự mù văn hóa nghiêm trọng khi không biết thế giới đang chủ trương hòa điệu những khác biệt.
Cải cách chữ viết theo sáng kiến Bùi Hiền làm nghèo nàn, dị dạng, lai căng, đồng hóa tiếng Việt và hủy hoại vẻ đẹp văn hóa Việt chứ không phải tiết kiệm, tiện lợi như các ông nghĩ. Đó là sự thiếu hiểu biết gây hậu quả nghiêm trọng.
Xem chừng sau khi các nhà ngôn ngữ học uy tín tầm Cao Xuân Hạo chết đi, trừ một ít kế thừa và chịu khó học hỏi, còn lại đa số là những nhà ngữ học dỏm mang hàm giáo sư tiến sĩ nhai chữ như nhai kẹo cao su. Mà sự thật như tôi thấy, khi nhà nước trao cho cái danh hiệu dỏm đó, nhiều ông ngạo nghễ tưởng đó là của thật nên không bao giờ chịu khó đọc sách hay động não nên mới cứ phô cái sự ngu của mình ra cho thiên hạ chửi!
Riêng ông Ngô Như Bình gốc học tiếng Nga đi dạy tiếng Việt cho sinh viên Mỹ thì tôi nghĩ trình độ của ông ta cũng như thợ làm nail bên ấy thôi chứ không thể là nhà ngữ học tầm cỡ để các báo dựa vào đấy mà bảo vệ cho sự ngu của giáo sư tiến sĩ bên này!
Lưu ý: ông záo cư tiến sĩ nào thấy không đúng thì tranh luận thẳng thắn từng luận điểm phản biện tôi. Thậm chí được quyền mắng ngược lại tôi ngu, ngu như bò, nhưng không được quanh co né tránh các nội dung phản biện trên!
Bài phỏng vấn ông Ngô Như Bình:

Không có nhận xét nào: