Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Jerusalem, thủ đô Israel: 5 điều cần biết về quyết định mạo hiểm của Trump - RFI

media
Cờ Mỹ và cờ Israel được treo bên ngoài tòa thị chính Jerusalem, ngày 07/12/2017.REUTERS/Ammar Awad
Khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv đến thành phố thánh, tổng thống Donald Trump đoạn tuyệt với quan điểm của cộng đồng quốc tế và chấm dứt chính sách của Mỹ từ vài thập kỷ qua về Jerusalem. RFI tiếng Việt tổng hợp một số thông tin của AFP và hai nhật báo Pháp Libération và l’Humanité trong hai ngày 05-06/12/2017 để giải thích về vai trò của Jerusalem đối với thế giới Hồi Giáo và Do Thái, cũng như quyết định mạo hiểm của tổng thống Mỹ.<!>
Jerusalem : Vùng đất thiêng của 3 tôn giáo
Khu Thành Cổ Jerusalem là vùng đất thánh của ba tôn giáo : Do Thái, Hồi Giáo, Kitô giáo với vài tỉ tín đồ trên thế giới. Trước hết là quần thể Đền Thờ, được người Hồi Giáo gọi là Haram Al Sharif, còn người Do Thái gọi là Núi Đền (Temple Mount).
Đối với người Hồi Giáo, đây là địa danh thiêng liêng thứ ba với Nhà thờ Al-Aqsa có mái vòm bạc, vì theo truyền thuyết, khu vực này là nơi xa nhất mà nhà tiên tri Mahomet đã đến. Nổi bật chính giữa là đền thờ Mái vòm (Dome of the Rock) dát vàng tráng lệ được dựng trên khối đá nơi nhà tiên tri thăng thiên.
Đây cũng là vùng đất thánh của người Do Thái, nơi ngôi đền của họ đã được dựng lên. Phía dưới là bức tường Than Khóc, trước từng là tường đỡ, và hiện là di tích cuối cùng của Ngôi đền Do Thái thứ hai bị người La Mã phá hủy năm 70. Đây là địa danh thiêng liêng nhất để người Do Thái cầu nguyện.
Vì các lý do lịch sử, Quần thể Đền Thờ hiện do Jordani canh giữ, nhưng mọi lối vào khu vực này bị lực lượng quân sự Israel kiểm soát. Người Do Thái được phép vào nhưng không được cầu nguyện.
Cuối cùng, cũng trong Thành Cổ Jerusalem có nhà thờ Mộ Thánh Holy Sepulchre, địa điểm thiêng liêng của người theo Kitô giáo, được xây ở nơi chúa Giê-su bị đóng đinh trên thánh giá và được khâm liệm.
Đối với cả Israel và Palestine, Jerusalem là cột mốc quốc gia và tôn giáo mang ý nghĩa sâu sắc. Với người Palestine, bị tước quyền độc lập, việc bảo vệ Jerusalem và đền Al-Aqsa còn là lời kêu gọi đoàn kết giữa những người theo đạo Hồi.
Jerusalem : Thành phố của cầu nguyện và xung đột
Kế hoạch Phân chia của Liên Hiệp Quốc năm 1947 đã đề nghị tách Palestine lúc đó thành ba thực thể : một Nhà nước Do Thái, một Nhà nước Ả Rập và Jerusalem, thành phố phi quân sự, có vị thế là một “thể tách biệt” (corpus separatum), được đặt dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc.
Kế hoạch này được các nhà lãnh đạo Do Thái chấp nhận nhưng lại bị giới lãnh đạo Ả Rập bác bỏ. Sau khi người Anh rời vùng đất và khi chiến tranh Israel-Ả Rập lần thứ nhất kết thúc, Nhà nước Israel được thành lập năm 1948 và đặt thủ đô ở Tây Jerusalem, còn Đông Jerusalem lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của Jordani. Tuy nhiên, sau cuộc chiến Sáu Ngày vào năm 1967, Israel chiếm luôn cả Đông Jerusalem và sáp nhập vào quốc gia Do Thái. Năm 1980, một đạo luật lập quy chế Jerusalem là thủ đô “vĩnh viễn và không chia cắt được” của Israel.
Ngày 05/12/2017, chính phủ Israel nhắc lại : “Jerusalem là thủ đô của dân tộc Do Thái từ 3.000 năm và là thủ đô của Israel từ 70 năm nay”.Jerusalem được nhắc đến ở đây gồm cả Đông và Tây của thành phố “thống nhất”.
Chính quyền Palestine cũng muốn biến Đông Jerusalem thành thủ đô của một Nhà nước Palestine độc lập tương lai. Còn Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas) không công nhận Nhà nước Israel và nhắc đến Jerusalem (không phân biệt Đông-Tây) là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai.
Lập trường của cộng đồng quốc tế
Từ nhiều thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế không thay đổi lập trường về quy chế của Jerusalem. Liên Hiệp Quốc không công nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem và tuyên bố đạo luật 1980 của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế.
Nghị quyết 478 của Liên Hiệp Quốc năm 1980 kêu gọi các nước có cơ quan ngoại giao tại Jerusalem rời khỏi thành phố. Sau đó, khoảng 30 nước lần lượt chuyển trụ sở đến Tel-Aviv. Costa Rica và Salvador là hai nước cuối cùng rời khỏi Jerusalem năm 2006. Theo lập trường của Liên Hiệp Quốc, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải do các bên liên quan đàm phán.
Năm 1993, các thỏa thuận lịch sử Israel-Palestine được ký ở Oslo (Na Uy) giữa hai lãnh đạo Yitzhak Rabin và Yasser Arafat dưới sự bảo trợ của Bill Clinton đã không đề cập đến quy chế của Jerusalem, vấn đề về các khu chiếm đóng Do Thái trong các vùng đất Palestine và sự hồi hương của di dân Palestine, dù đây là ba chủ đề chính của tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai bên. Hiện đây vẫn là những vấn đề nhạy cảm.
Từ lập trường của Hoa Kỳ đến ý đồ của Trump về Jerusalem
Năm 1995, tổng thống Bill Clinton đã ký một sắc lệnh công nhận : “Từ 1950, Jerusalem là thủ đô của nhà nước Israel”. Nghị Viện Mỹ cũng thông qua Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem (Jerusalem Embassy Act). Để đạo luật này được áp dụng, sứ quán Mỹ, hiện đang ở Tel-Aviv giống như đa số các nước công nhận Nhà nước Israel, phải được chuyển đến Jerusalem. Tuy nhiên, có một điều khoản trong luật này cho phép tổng thống Mỹ đương nhiệm hoãn thời hạn áp dụng.
Cứ 6 tháng một lần, ba người tiền nhiệm Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama ký vào điều khoản hoãn áp dụng luật. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump miễn cưỡng ký vào điều khoản này lần đầu tiên vào tháng 06/2017. Cuối cùng, ngày 06/12/2017, chủ nhân Nhà Trắng công nhận Jerusalem“là thủ đô không thể chia cắt được của Nhà nước Israel”, theo đúng tuyên bố trong thời gian ông vận động tranh cử.
Chuyển sứ quá Mỹ về Jerusalem : Chuyện gì xảy ra tiếp theo ?
Theo tác giả Pierre Barbancey trên nhật báo L’Humanité (05/12/2017), ký quyết định chuyển sứ quán Mỹ đến Jerusalem là một yếu tố trong kế hoạch mới của chính quyền Mỹ nhằm giải quyết “cuộc xung đột Israel-Palestine”. Và quan trọng hơn là nhằm mở đường để Washington thực hiện mục tiêu cuối cùng là đối đầu với Iran ; chống Iran cũng là mục tiêu của Israel cùng với nhiều nước Ả Rập khác, mà đứng đầu là Ả Rập Xê Út.
Ngày 03/12, con rể kiêm cố vấn của tổng thống Mỹ, Jared Kushner, giải thích về kế hoạch mới của Mỹ như sau : “Rất nhiều nước Trung Đông muốn cùng một điều : tiến bộ kinh tế, hòa bình cho dân tộc của họ. Họ nhận thấy các mối đe doạ trong vùng và tôi nghĩ rằng họ nhìn thấy Israel, một kẻ thù truyền kiếp, thực ra đã trở thành một đồng minh tự nhiên của họ vì Iran, vì tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Trung Đông”.
Cụ thể, theo kế hoạch, một Nhà nước có thể sẽ được trao cho người Palestine trên một phần Cisjordanie và trên dải Gaza nhưng hai phần này không được kết nối với nhau. Thêm vào đó là khoản trợ giúp 10 tỉ đô la để xây dựng Nhà nước này. Tuy nhiên, hai chủ đề về đàm phán quy chế của Jerusalem và quyền hồi hương của di dân Palestine bị trì hoãn vô thời hạn. Phía Mỹ chịu trách nhiệm đàm phán với Israel. Có lẽ vì thế mà hình thành ý tưởng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trước mắt, thế giới phản đối quyết định của Donald Trump. Còn “các nước Hồi Giáo bị chia rẽ dường như đang trở nên đoàn kết” trước quyết định về Jerusalem của tổng thống Mỹ, theo nhận xét trên website Libération (06/12/2017). Nhiều lãnh đạo Hồi Giáo trong vùng bắt đầu chạy đua để thể hiện là người bảo vệ Jerusalem.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, với tư cách là chủ tịch luân phiên của Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo gồm 57 nước, đã mời các thành viên họp thượng đỉnh đặc biệt tại Istanbul vào ngày 13/12. Jordani cũng yêu cầu Liên Đoàn Ả Rập tổ chức họp khẩn ngoại trưởng của 22 nước thành viên vào thứ Bẩy 09/12.
Là người gìn giữ hai thánh địa Hồi Giáo đầu tiên (Mecca và Medina), vua Salmane của Ả Rập Xê Út cũng không muốn để bất kỳ nước nào vượt qua. Tuy nhiên, đồng minh chính của Donald Trump tại Trung Đông lại rơi về thế khó xử và mới chỉ đưa ra những lời cảnh báo nhẹ nhàng về “bước đi nguy hiểm của Washington” có thể khiến “người Hồi Giáo giận dữ”. Ả Rập Xê Út cũng muốn liên minh với Israel để chống lại kẻ thù số 1 trong vùng là Iran.
Cuối cùng, Iran cũng tranh thủ cơ hội để cạnh tranh với các quốc gia theo hệ phái Suni khác trong việc bảo vệ Jerusalem. Tổng thống Hassan Rohani khẳng định là Iran “sẽ không dung thứ cho việc xâm phạm các thánh địa” và kêu gọi “người Hồi Giáo phải đoàn kết trước âm mưu lớn này”.
Dù là đối thủ, bị chia rẽ hay đồng minh, các nước Ả Rập Hồi Giáo đang kêu gọi đoàn kết trong việc lên án quyết định của Donald Trump.

Không có nhận xét nào: