Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Đại hội 60 năm cựu học sinh Trần Cao Vân và NTH/Quảng Tín - Linh Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) - Đại hội 60 năm của các cựu học sinh trung học Trần Cao Vân và nữ trung học Quảng Tín được long trọng tổ chức lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy, 4 Tháng Bảy, tại hội trường mới của trường Warner Middle School, Westminster, với hàng trăm người tham dự.

Hình cổng trường trung học Trần Cao Vân ngày xưa ở Tam Kỳ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

"Hôm nay là ngày tiền đại hội và hôm sau, Chủ Nhật, 5 Tháng Bảy tại Old Ranch Country Club (thuộc Seal Beach Golf Course) mới là buổi lễ chính của hai trường chúng tôi. Chúng tôi tạo cơ hội này để các bạn đồng môn có dịp gặp lại, thầy cô và các bạn của ngày xưa cũ," ông Nguyễn Văn Mỹ, trưởng ban điều hợp, nói với nhật báo Người Việt.

Trong phẩn khai mạc, ông Mai Thanh Tửu, cựu học sinh những năm đầu khi trường được thành lập ở Tam Kỳ, đại diện các bạn đồng môn của trung học Trần Cao Vân, chào mừng mọi người.
"Thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mới ngày nào mà nay trung học Trần Cao Vân đã được 60 năm, và ngoảnh lại, nữ trung học Quảng Tín đã 51 năm từ ngày thành lập.  Chúng ta ai cũng đã sống quá nửa đời người, hy vọng đây là lần hội ngộ đầy ý nghĩa mà chúng ta sẽ nhớ mãi," ông tuyên bố.
Ông Mai Văn Tửu, cựu học sinh niên khóa 1955, đại diện các đồng môn, phát biểu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Kế đến, bà Xuân Thu đọc sơ lược về lịch sử thành lập hai trường trung học.
"Tam Kỳ là một trị trấn nhỏ bé ở Quảng Nam. Tôi chỉ nhớ là trung học Trần Cao Vân được Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH thành lập vào Tháng Chín, năm 1955. Trường có cả nam lẫn nữ, mãi đến chín năm sau mới có nữ trung học Quảng Tín," bà nói.
Ông Võ Văn Thiệu tiếp tục chương trình với phần video phỏng vấn các thầy còn ở Việt Nam. Ông cho biết chỉ mới thực hiện xong được hai ngày. Nhờ thế, mọi người được dịp nhìn và nghe lại tiếng nói thân thương của những người thầy ngày xưa, ngày nay các thầy có những học trò tóc đã điểm sương, nhưng cách nhau nửa vòng trái đất.
Cựu Giáo Sư Vũ Huấn trình diễn "Bài Cho Em." (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
MC của chương trình ngày tiền đại hội là ông Huỳnh Phước và bà Huỳnh Thị Kháng.
Ông Phước kể câu chuyện về cuộc hôn nhân bất thành của Từ Công Nghĩa, con trai nhạc sĩ tài danh Từ Công Phụng, và Trần Thị Trang, con gái của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
"Hai người con không lấy được nhau, chỉ vì không thể công bố lễ thành hôn của con hai họ 'Từ-Trần' là hai cháu 'Nghĩa-Trang'," ông kể.
Ông nhắc trong chương trình cũng có phần chơi "bài Chòi," trò chơi truyền thống ở địa phương.
Ông giới thiệu các thầy cô đến từ khắp nơi trên thế giới và Việt Nam.
Giáo sư Vũ Huấn, cựu giáo sư lớp đệ nhất, được các học sinh yêu mến và có giọng hát rất hay, được mời lên sân khấu.
"Tôi sẽ hát 'Bài Cho Em,' có nghĩa là cho các em học sinh ngồi dưới kia, để nhớ lại tâm tình thời còn là học sinh, với những trang lưu bút ngày xanh, ý thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên. 'Lục lại thời gian, tìm kiếm chính mình'," giáo sư  giả thích trước khi trình diễn.
Bà Nguyễn Xuân Thu tiếp tục chương trình với bài hát "Những Ngày Thơ Mộng."
Các cô giáo (bên trái) và các thầy và cựu nhân viên trường, trong phần chào mừng của ban tổ chức. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Trước đó, phần nghi lễ chào cờ và đặc biệt một phút mặc niệm, tưởng nhớ đến những chiến sĩ cách mạng làm rạng danh xứ Quảng, như Phan Chu Trình, Huỳnh Thúc Kháng, do ông Phan Thanh Thắng, đại diện ban tổ chức, điều khiển. Trên 40 hàng ghế, các cựu học sinh trang nghiêm đứng im lặng bên nhau. Ai cũng có vòng hoa màu xanh, trắng, đỏ, trên cổ, màu cờ Mỹ, vì có lẽ tcuộc hội ngộ được tổ chức cùng với ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ.
Ban tổ chức năm nay có hai điểm nổi bật và ngạc nhiên một cách thích thú cho người tham dự. Đó là giới thiệu ban tổ chức là tất cả các cựu học sinh của hai trường. Thứ hai là ban tổ chức gắn ba bảng tên đường "Huỳnh Thúc Kháng," "Trần Cao Vân" và "Phan Chu Trinh" trên lối vào hội trường, để gợi nhớ không gian xưa cũ.
Trong khi đó, trong các hàng ghế khán giả, có những người chuyền tay nhau cuốn sổ ghi địa chỉ của bạn bè lâu ngày không gặp. Một số khác, rủ nhau ra phía sau để chụp hình riêng, cho thỏa những ngày xa cách.
"Tôi ra trường năm 1964. Hai năm sau đi dạy học trường Bồ Đề ở Quảng Nam. Tôi qua Mỹ năm 1990. Năm 2003 tôi có tham dự đại hội tổ chức ở San Jose," ông Phan Hiền, 69 tuổi, cư dân Anaheim, nói.
Những cái ôm khi gặp lại những khuôn mặt thân thương của 60 năm trước. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Một người khác đến từ San Diego, bà Thái Phương Lan, chia sẻ: "Tôi rất vui và cảm động khi gặp lại các bạn cùng lớp (63-66). Tôi rất trân quý những lần hội ngộ như thế này, dù không khỏe, tôi cũng cố gắng tham dự."
Bên ngoài, một số các ông rủ nhau hút thuốc lá, tâm sự chuyện thời còn đi học.
"Khi học lớp 11, tôi nhớ một hôm cô bạn tên Lan mà tôi thích, làm rớt bảng tên. Một cô khác thấy thế, nói tôi lượm đi và đưa lại cho nàng. Tôi run rún gắn trên ngực áo dài, nhưng phải gắn tuốt trên cao, vì sợ chạm tay vào chỗ cấm!" ông Trương Nhựt Tân, 65 tuổi, từ Atlanta, Georgia đến tham dự, kể.
Ông say sưa kể thêm chuyện ông và mấy người bạn đồng môn, ngày xưa thích một cô nổi tiếng hát bài "Diễm Xưa" rất hay, nhưng chẳng bao lâu sau, cô ấy lại lên xe hoa với một giáo sư dạy toán.
"Chúng tôi ngày xưa đơn sơ, nhát lắm, còn yêu thầm, chứ ngày nay thì chắc là tình thế đã khác rồi!" ông Tân cười, nói và hít thêm một hơi thuốc lá.
Trong khi đó, bà Nguyễn Cẩm Hồng cùng cô con gái, Nguyễn Khởi An, 19 tuổi, học sinh Cal State Fullerton năm đầu, đi ngang qua, tâm sự: "Ông xã tôi học trường Trần Cao Vân. Từ ngày qua Mỹ năm 1991, tôi được tham dự nhiều buổi họp mặt như thế này, nhìn chồng vui với các bạn cũ, tôi dẫn cháu gái đi giúp một tay, ủng hộ."
"Con ra phụ phát thức ăn. Con thấy các bác quý thầy cô cho dù ra trường đã lâu mà vẫn nhớ thầy cô. Dù được sinh ra ở Mỹ, con thấy mình nên quý trọng và biết ơn thầy cô. Con sẽ cố gắng bắt chước ba mẹ để tạo tình thân ấy," cô bé nói.
Mọi chi tiết về ngày đại hội, xin vào trang web: www.tcv-nthqt.org.

---
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào: