Chợ phiên- một sản phẩm mới được xây dựng phục vụ du khách tại Cù Lao Chàm. Ảnh: N.T.HVài năm gần đây, Cù Lao Chàm - Hội An, Quảng Nam phát triển vượt bậc. Chưa đầy 15 cây số cách bờ biển Cửa Đại, trước đây mất gần 3 tiếng đồng hồ đi từ đất liền ra đảo, với mỗi ngày một chuyến tàu chợ. Hôm nay, trên chiếc ca nô cao tốc chỉ gần 20 phút ung dung lướt sóng, du khách đã có thể ngâm mình trong làn nước trong vắt Cù Lao Chàm. Với ưu thế “sát vách” Di sản thế giới Hội An, giữa Biển Đông, Cù Lao Chàm đang trở mình thành viên ngọc quý của ngành du lịch Quảng Nam.
Tấm bình phong lịch sử
Cù Lao Chàm, tên cũ trong sử sách gọi là Chiêm Bất Lao là một quần đảo gồm 7 đảo nhỏ nối sát nhau. Để cho dễ nhớ, người dân địa phương có câu thơ lục bát trong đó tập hợp hầu hết tên các đảo: “Ra Lao đốn Lụi cho Dài/ Chờ cho Khô Lá xuống Tai giật Nờm”. Giá trị kinh tế lớn của Cù Lao Chàm là yến sào. Nghề khai thác yến sào ở đây đã có từ lâu đời. Sách “Phủ biên tạp lục” của học giả Lê Quý Đôn (1726) ghi: “Xã Trung Châu, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam có nghề yến sào...”. Đội khai thác yến Cù Lao Chàm được thành lập vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long do ông Hồ Văn Hòa làm quan chuyên quản, sau được triều Nguyễn sắc phong “Quản linh tam tỉnh yến hộ”. Phần lớn yến tập trung tại hòn Khô. Ngày trời yên biển lặng, những tổ yến lắc lẻo trên vách núi với hàng vạn con chim bay lượn, tạo ra cảnh ngoạn mục không thể kể xiết.
Do vị trí cách Hội An không xa và thẳng góc một đường chiếu, nên Cù Lao Chàm còn được coi là “bình phong” che trước thương cảng Hội An. Bàn về lịch sử vùng đất, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng Cù Lao Chàm suýt nữa là một “ Hồng Kông”. Năm 1793 ba chiến hạm lớn của Đặc mệnh toàn quyền Anh McCathay bỏ neo tại cảng Đà Nẵng trong vòng một tháng. Phái bộ Anh đã cử đoàn đi khảo sát Cù Lao Chàm và có tường trình kỹ về quần đảo này. Năm 1804, sau đó là 1821, người Anh nhiều lần xin các vua nhà Nguyễn cho phép xây dựng tại đây một căn cứ kinh tế để dễ bề tiếp xúc với thương buôn Quảng Châu và các quốc gia khác. Đến khi chiến tranh nha phiến nổ ra (1839-1842) và kết thúc là Hiệp ước Nam Kinh đã giúp người Anh có được Hồng Kông. Vì vậy vấn đề buôn bán tại Cù Lao Chàm không còn đặt tới nữa. Nói chuyện đó để thấy rằng Cù Lao Chàm có một vị trí quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ bây giờ mà trong quá khứ. Tại đây, trong vài năm qua các nhà khảo cổ học cũng đã khai quật được nhiều hiện vật quý như tiền cổ, gốm Islam, nền tháp Chăm, giếng nước ngọt cổ... cho biết thêm trong quá khứ Cù Lao Chàm đã từng là nơi tiếp xúc, giao thương với người nước ngoài cùng với thương cảng Hội An cách đó không xa.
Khảo sát Cù Lao Chàm
Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND TP. Hội An cùng hầu hết các ban ngành liên quan đưa chúng tôi ra Cù Lao Chàm. Đoàn gồm hơn 50 người, trong đó chủ yếu là doanh nhân du lịch trong và ngoài tỉnh. Bí thư Nguyễn Sự từ lâu tâm huyết, quyết liệt với chủ trương biến Cù Lao Chàm từ một làng chài nhếch nhác trở thành điểm du lịch xanh, tuyến điểm của ngành du lịch Hội An. Lần này cả chính quyền Hội An quyết tổ chức một hội nghị cùng với các doanh nghiệp ngay tại thực địa để “rối đến đâu, gỡ đến đó”. Trên chiếc ca nô tốc độ cao như bay trên đầu ngọn sóng, lượn hết đảo này qua đảo kia, có nằm mơ tôi cũng không hình dung Cù Lao Chàm có được diện mạo như hôm nay. Chợt nhớ cái ngày cách đây chưa xa, khi cả nghìn hộ dân không có lấy ngôi nhà lợp ngói khang trang. Thấy người lạ dân cứ đứng trong nhà nhìn ra lom lom; trẻ con thì cứ chạy theo, tò mò nhìn. Đời sống dân cư “hồn nhiên”, thậm chí không buồn làm cả nhà vệ sinh. Nếu không kể tàu thuyền sử dụng máy đẩy thì trên hòn đảo này hoàn toàn không sử dụng vật dụng cơ khí, cơ giới, dù là chiếc xe đạp. Dân cư chưa đầy 3.000 người, tập trung ở bãi Hương, bãi Làng, chủ yếu làm nghề chài lưới; trẻ con đi học đến hết lớp 9 là nghỉ về phụ cha mẹ kiếm con tôm con cá gần bờ đổi gạo. Đời sống vật chất chừng đó con người tuy chưa đủ đầy, nhưng giàu lòng hiếu khách.
Còn lần này, đoàn khảo sát Cù Lao Chàm đi cùng bí thư, chủ tịch thành phố hừng hực khí thế quyết tâm đẩy mạnh đầu tư Cù Lao Chàm, nhằm sớm biến hòn đảo trở thành một vùng du lịch hiện đại, tiện nghi thu hút du khách bốn phương. Sáng, đoàn được đưa tham quan quanh đảo bằng xe máy, trên con đường nhựa mới mở phẳng lỳ. Chiều ngâm mình trong biển xanh xong là lên hội nghị bàn việc phát triển dịch vụ du lịch cho hòn đảo. Theo sự phát triển du lịch, đời sống người dân ở đây bây giờ đã khá lên rất nhiều. Đặc biệt từ ngày đảo được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, du khách thập phương nô nức kéo đến. Người dân tại chỗ bắt đầu biết biến ngôi nhà của mình thành những homestay, nhà nghỉ… mở nhà hàng, dịch vụ đón khách. Hầu hết các công ty du lịch trong cả nước đã khai thác tour sinh thái Cù Lao Chàm thông qua chương trình “Về với thiên nhiên” của Trung tâm thể thao văn hóa thị xã Hội An đề xướng trước đó. Nội dung tour khá đơn giản như, tham quan khu trung tâm trên đảo, tắm biển, ăn một bữa cơm trưa dân dã trong những chiếc chòi dựng dưới tán dừa và đánh một giấc trưa yên lành trên chiếc võng mắc dưới ngôi nhà không vách lộng gió lợp bằng lá lụi...
“Viên ngọc” Cù Lao Chàm nhìn từ trên cao
|
Du lịch hay khu dự trữ sinh quyển?
Đó là thách thức lớn dành cho chính quyền Hội An, khi con số du khách đến Cù Lao Chàm tăng “chóng mặt” hằng ngày, gây nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên. Năm 2009, Uỷ ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới, đã công nhận hòn đảo là khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới thứ 8 của Việt Nam. Tại vùng lõi khu DTSQ, có hơn 311ha rạn san hô, với khoảng 300 loài; 50ha thảm cỏ biển, với 5 loài đặc trưng, độ phủ trung bình 15 - 25%; 76 loài rong biển, hơn 270 loài cá, 97 loài thân mềm, 11 loài động vật da gai… Tại rừng đặc dụng Cù Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao có mạch của hệ thực vật Việt Nam. Kết quả khảo sát ở độ cao dưới 100m, đã thống kê có hơn 288 loài cây thuốc nam xen lẫn trong những cánh rừng thường xanh với những cây cổ.
Khu DTSQ thế giới là lợi thế “thương hiệu” để phát triển du lịch, nhưng làm sao mà vẫn bảo tồn, phát huy được những giá trị của nó là câu hỏi được đặt ra. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành uỷ Hội An cho rằng, trong hơn 20 năm qua, Hội An đã có kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá thế giới khu phố cổ Hội An. Vì vậy đối với Cù Lao Chàm, hướng du lịch sinh thái cao cấp sẽ được ưu tiên lựa chọn. Phải quy hoạch tổng thể Cù Lao Chàm và kêu gọi đầu tư theo hướng “chậm nhưng chắc” với một cơ chế đầu tư mang tầm quốc gia. Phải làm nhiều việc để du khách nhận thấy nét nổi bật của một khu dự trữ sinh quyển thế giới và luôn tôn trọng những giá trị đó.
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP. Hội An cho biết, chủ trương của địa phương, tựa vào ưu thế là khu DTSQ để phát triển kinh tế du lịch. Hiện môi trường đảo đã giải quyết cơ bản vấn đề rác thải; triệt để loại trừ sử dụng bao ny lon từ gốc. Hầu hết sản vật đặc biệt của Cù Lao Chàm như yến sào, cua đá, vú nàng… mang ra khỏi đảo đều được dán nhãn khai thác hợp pháp theo mùa… Hơn hết từ những sản vật tự nhiên rừng và biển như yến sào, rong, tảo, ngô đồng… Phòng Kinh tế Hội An đã “chế biến” thành những sản phẩm cao cấp, mẫu mã đẹp sau đó chuyển giao cho dân địa phương phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống, lưu niệm… được du khách ưa chuộng.
Với những gì đang có, Cù Lao Chàm hiện nay như một viên ngọc đã lộ diện, nhưng vẫn ở dạng thô. Sáng đấy, đẹp đấy, nhưng vẫn rất cần những bàn tay tài hoa giũa gọt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét