Nếu một cộng đồng có một ngày mà trong ngày đó một nửa số người cảm thấy hạnh phúc và một nửa số người cảm thấy đau khổ thì ta nên đứng về nửa nào?
Những người có hiểu biết và lương tri sẽ chọn đứng về phía nỗi đau.
Tôi chưa bao giờ dám nói gì về ngày ba mươi tháng tư. Bởi vì thực tế quá phức tạp và những gì tôi biết là quá ít ỏi và rất có thể là không chính xác so với sự thật của cuộc chiến, một cuộc chiến mà chỉ tên gọi của nó thôi cũng đã có thể gây ra cả một cuộc chiến khác.
Nhưng hôm nay, tình cờ tôi đọc một tập sách của Václav Havel có tựa đề: «Tình yêu và sự thật cần phải chiến thắng hận thù và dối trá». Cuốn sách tập hợp một số diễn từ của Havel trong hai năm 1989-1990, trong thời gian ông đứng ra tranh cử và được bầu làm tổng thống của nước Tiệp Khắc, một nước Tiệp Khắc dân chủ ở thời điểm vừa thoát khỏi đêm trường cộng sản chủ nghĩa.
Câu nói trên đây của Havel và tư tưởng của ông khiến tôi có đủ can đảm để muốn viết một vài lời vào dịp này, vào dịp bốn mươi năm kết thúc cuộc nội chiến hay cuộc chiến tranh chống Mỹ giành độc lập hay cuộc chiến tranh giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Phân định bản chất của cuộc chiến là công việc khó khăn của những người có chuyên môn về khoa học lịch sử, nó đòi hỏi sử gia phải có cả bản lĩnh khoa học lẫn sự can đảm của người trí thức. Việc phân định ấy không thuộc chuyên môn của tôi và tôi cũng không định làm ở đây. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi ý thức được tính chất phức tạp của cuộc chiến.
Độc giả đừng quan tâm tôi sinh ra lớn lên ở đâu hay được dạy dỗ như thế nào. Dù tôi sinh ra và lớn lên ở đâu, dù tôi nhìn lịch sử ra sao, dù tôi đánh giá cuộc chiến như thế nào, thì tôi cũng lựa chọn đứng về phía những người mang nỗi đau đã bốn mươi năm nay chưa được hóa giải. Những nỗi đau cũ vẫn còn nguyên và những nỗi đau mới. Những người mang nỗi đau có thể là người miền Nam, có thể là người miền Trung, cũng có thể là người miền Bắc.
Nhiều người cho rằng, người Mỹ rút khỏi Việt Nam đã bốn mươi năm, nhưng từ đó đến nay cuộc chiến giữa những người Việt với nhau vẫn chưa kết thúc. Những người này không phải là không có lý của họ. Cái lý đó không chỉ được chứng minh bởi hiện tượng di tản vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay, mà còn được chứng minh bởi các vụ bắt bớ những người bất đồng với chính quyền không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua.
Vì thế hòa hợp hòa giải được đặt ra như một vấn đề quan trọng đối với dân tộc.
Có những người nghĩ rằng chỉ khi nào chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Việt Nam lúc đó mới có hòa hợp hòa giải dân tộc. Những người ấy chắc chắn có lý riêng của mình.
Tuy nhiên, liệu ta có thể nghĩ theo một cách khác: chỉ khi nào những người dân hòa hợp hòa giải với nhau, kết hợp lại với nhau để tạo nên sức mạnh chung, thì lúc đó chủ nghĩa cộng sản mới có thể bị sụp đổ ở Việt Nam?
Tôi là một trong những người nghĩ theo hướng này, và cho rằng tình trạng nghi kỵ, chia rẽ, ly tán hiện nay của người Việt dẫn tới sự suy yếu nội lực của dân tộc, và trở thành điều kiện tốt cho chủ nghĩa cộng sản tiếp tục duy trì và phát triển.
Có những người nghĩ rằng chỉ khi nào chính quyền tiến hành các động thái cần thiết thì mới có thể tiến hành hòa hợp hòa giải dân tộc, và dĩ nhiên họ có lý của họ, đồng thời những gợi ý, những đề xuất mà họ đưa ra đều thuyết phục.
Tuy nhiên, người ta không thể nào tiến hành hòa hợp hòa giải dân tộc một khi còn lấy nỗi đau của người khác làm niềm vui của mình, nhất là khi họ lấy nỗi đau của anh em trong nhà làm niềm tự hào của họ.
Trước niềm vui mà chính quyền đang lộ liễu phô trương (như đã không ngừng phô trương suốt từ bốn mươi năm nay với một sự kiêu ngạo thái quá), chúng ta không thể hy vọng rằng bộ máy chính quyền đương nhiệm có thể thực hiện việc hòa giải hòa hợp dân tộc.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng chỉ còn hy vọng vào chính chúng ta, những người dân bình thường, những thường dân trong xã hội, của cả hai miền. Cần hy vọng rằng những thường dân chúng ta có thể vượt lên trên (chứ không phải là xóa đi hay quên đi) vết thương lòng của chính mình, để có thể hiểu nhau và từ đó mà tìm lại niềm tin đối với nhau, để có thể kết hợp lại với nhau mà tạo thành sức mạnh chung.
Làm thế nào để có thể vượt lên vết thương lòng của mỗi chúng ta? Tôi sẽ nói hai ý, đó chính là hai ý tưởng mà Havel đã đề cập đến: tình yêu và sự thật. Tôi đảo ngược trật tự hai cụm từ này của Havel để nói về vấn đề sự thật trước.
2.- Sự thật:
Có lẽ chúng ta đều đồng ý với Havel rằng chỉ có sự thật mới có thể chiến thắng sự dối trá. Chúng ta cũng biết rằng bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chính quyền độc tài, độc đảng chỉ tuyên truyền những gì có lợi cho chính chính quyền và cho đảng, và như thế tất yếu họ phải tạo ra những dối trá, hoặc tránh không đề cập đến những sự thật bất lợi cho họ.
Các sử gia là những người lẽ ra phải giúp dân chúng nhận thức sự thật lịch sử. Nhưng chúng ta đều biết, trong chế độ toàn trị, sử gia (và không riêng gì sử gia) bị sử dụng như một công cụ phục vụ cho bộ máy tuyên truyền. Vì thế chính họ, chứ không phải ai khác, đã biến lịch sử thành những chuyện kể có lợi cho chính quyền và cho đảng.
Vậy thì, câu hỏi đặt ra là: những ai có thể và phải làm gì để có thể trả lại sự thật cho lịch sử?
Tôi không có câu trả lời cụ thể. Có lẽ nhìn một cách khái quát thì đó là công việc của những người có trách nhiệm và lương tri, nghĩa là những ai cảm thấy bị thôi thúc bởi trách nhiệm và lương tâm thì cần phải lên tiếng.
Ở đây, tôi muốn nói tới một điểm, một khó khăn thì đúng hơn: thế nào là sự thật?
Có lẽ chúng ta ai cũng muốn mình nói lên tiếng nói của sự thật, ai cũng muốn mình là đại diện cho sự thật. Nhưng khó khăn là ở chỗ: chúng ta chỉ có thể xuất phát từ điểm nhìn của riêng mình, trong khi thực tế là: nếu ta xuất phát từ điểm nhìn riêng mình thì người khác cũng sẽ xuất phát từ điểm nhìn riêng của họ. Nghĩa là 90 triệu người sẽ có 90 triệu điểm nhìn khác nhau, tùy thuộc vào nghiệm sinh và hiểu biết của mỗi người. Nghĩa là sự thật của mỗi người chúng ta chỉ là một trong muôn vàn sự thật của muôn người. Điều này cũng có nghĩa: để có thể tiếp cận với sự thật, chúng ta cần phải đặt sự thật của mình trong quy chiếu với sự thật của muôn người. Nếu ta khăng khăng rằng chỉ có sự thật của ta mới là sự thật, thì lúc đó có thể ta sẽ ở rất xa sự thật.
Toàn bộ đoạn văn trên của tôi (mà độc giả có thể cảm thấy nó rất lằng nhằng) nhằm nói lên điều này: chúng ta rất có thể tự đẩy mình vào tình trạng bị giam cầm trong chính cái điều mà ta tin là sự thật. Lúc đó, dù rằng đúng là ta nắm giữ sự thật ta vẫn sẽ đánh mất sự sáng suốt, cùng với việc đánh mất sự sáng suốt, ta đánh mất khả năng kết hợp với người khác, và như thế đánh mất luôn sức mạnh của mình.
Bao giờ ta thừa nhận rằng trên đời này không chỉ có một sự thật duy nhất của một mình ta, trái lại, có rất nhiều sự thật khác nhau, lúc đó ta mới có thể tìm cách để nhìn sự thật như nó vốn tồn tại, trong toàn bộ tính chất phức tạp và khó nắm bắt của nó.
Bao giờ trong đầu óc của mình, ta chừa chỗ cho những suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức của người khác, lúc đó ta mới mong có thể thoát ra khỏi vị thế hạn hẹp của mình để nhìn thực tế từ những góc độ khác, lúc đó ta mới mong có thể giải thoát được chính mình, để ra khỏi không gian riêng của mình và đi đến với người khác, mở rộng trái tim và chìa bàn tay của ta cho họ.
2.- Tình yêu và nỗi đau
Có lẽ chúng ta sẽ đồng ý với Havel rằng chỉ có tình yêu mới chiến thắng được thù hận.
Bao giờ chúng ta suy nghĩ và hành động theo hướng tích cực, không còn bị giam cầm trong thù hận, trong ghét bỏ, nghĩa là không còn bị ràng buộc trong những xúc cảm tiêu cực nữa, thì lúc đó hành động của chúng ta mới có thể có hiệu quả như chúng ta mong muốn.
Bằng thù hận, chúng ta không thể thắng được những kẻ đang nhân danh chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội để «làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân» (cảm ơn nghệ sĩ Kim Chi về cụm từ này). Chúng ta chỉ có thể thắng họ bằng «tình yêu và sự thật» (chữ của Havel), và bằng trí tuệ của chúng ta. Đất nước của chúng ta đang bị tàn phá bởi lòng tham và sự mù quáng của lãnh đạo.
Chúng ta chỉ có thể chống lại lòng tham và sự mù quáng của họ bằng chính tình yêu và sự sáng suốt của chúng ta. Như một nhóm người Hà Nội ít ỏi đang chống lại lòng tham và sự mù quáng của những kẻ tàn phá cây bằng chính tình yêu cây và tình yêu môi trường sống của họ.
Hận thù không giúp chúng ta trở nên sáng suốt, trái lại, hận thù sẽ đẩy chúng ta vào tình trạng mù quáng. Chúng ta có thể nào lấy sự mù quáng để chống lại sự mù quáng?
Chúng ta chỉ có thể thuyết phục cùng với bằng chứng và lý lẽ, lý lẽ của trí tuệ và lý lẽ của tình yêu. Hơn nữa, chúng ta cũng không thể giải thoát khỏi nỗi đau của mình, nếu chỉ bằng cách dùng những lời lẽ thô bạo và cay nghiệt. Những lời lẽ ấy có thể giúp giải tỏa cho tâm lý của ta trong chốc lát, trong một giây phút ngắn ngủi khi ta nói ra hoặc viết ra những lời đó. Nhưng khi giây phút đó qua đi, ta sẽ phải tiếp tục đối diện với một thực tế vẫn còn y nguyên trước mắt, thậm chí thực tế ấy ngày càng tồi tệ hơn, ngày càng tuyệt vọng hơn, bởi thực tế ấy được tạo ra từ lòng tham và sự mù quáng của những người đang nắm các vị trí lãnh đạo.
Chúng ta lựa chọn điều gì giữa hai mong muốn: mong muốn giải thoát khỏi nỗi đau đớn của cá nhân mình, và mong muốn toàn bộ đất nước được giải thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ cộng sản, để có thể phát triển một cách lành mạnh, đảm bảo công bằng và nhân quyền cho tất cả mọi người?
Liệu chúng ta có thể để cho các dân tộc khác nhận thấy vẻ đẹp nhân văn của tình yêu và sự hy sinh trong những nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của chúng ta nhằm chống lại hệ thống toàn trị? Liệu chúng ta có thể để lại cho nhân loại những kinh nghiệm quý giá riêng của dân tộc chúng ta, những kinh nghiệm nhân bản dù chúng ta phải trả giá đắt, trong nỗ lực bảo vệ quyền con người và bảo vệ các giá trị người phổ quát?
Liệu sẽ có một ngày chúng ta có thể nói về chính chúng ta như Václav Havel từng nói về dân tộc Tiệp Khắc: «Khắp nơi trên thế giới, người ta ngạc nhiên tự hỏi ở đâu ra cái sức mạnh to lớn của các công dân Tiệp Khắc, những người vốn cho tới lúc này vẫn phục tùng, chịu tủi nhục, hoài nghi và tưởng chừng như chẳng còn tin gì nữa, nhưng trong vài tuần lễ, một cách chính trực và hòa bình họ đã thành công trong việc tự giải thoát khỏi hệ thống toàn trị.» (L'amour et la vérité doivent triompher de la haine et du mensonge, Václav Havel, Editions de l'Aube, tr.28)
Nếu ngày 30/4 còn có thể cho chúng ta một hy vọng, thì tôi sẽ nói: chúng ta có thể làm được điều đó nếu mỗi người chúng ta có thể vượt lên trên nỗi đau riêng của mình.
Tôi nói điều này trong khi hoàn toàn ý thức được rằng nỗi đau của mỗi người cần được tôn trọng, cần được hiểu và cần được chia sẻ. Và tôi cũng hiểu rằng khi chúng ta vượt khỏi nỗi đau của mình để nhìn thấy nỗi đau của người khác thì lúc đó nỗi đau của chúng ta sẽ mang một chiều kích khác.
Chúng ta có nên thử gộp nỗi đau của cả hai miền lại với nhau, biết đâu chúng ta sẽ đỡ đau hơn, và biết đâu chừng ta có thể tin nhau?
Có thể chính là trong ánh sáng của nỗi đau, chính là trong khi người này nhìn thấy nỗi đau của người kia, mà chúng ta có thể xóa bỏ thù hận, xóa bỏ bức tường dựng lên giữa hai chiến tuyến; cái bức tường vô hình vẫn tồn tại trong lòng mỗi người từ bốn mươi năm nay; cái bức tường khiến chúng ta người này không thể tin ở người kia, khiến chúng ta nghi kỵ và chia rẽ; cái bức tường khiến cho cờ đỏ và cờ vàng thành ra những vật trở ngại, ngăn cản chúng ta xích lại gần nhau, ngăn cản chúng ta cùng nhìn về tương lai và cùng tạo dựng một tương lai chung.
Những nỗi đau cộng hưởng với nhau có thể tạo thành sức mạnh, và đến lượt nó, sức mạnh này có thể hóa giải nỗi đau, và có thể biến nỗi đau thành tình yêu…
Paris, 29/4/2015
Nguyễn Thị Từ Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét