Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

ĐƯỜNG ĐI NAM HẢI - Nhật Quang Phi Hồ


(Tiếp theo bài Thoát Vòng Oan Nghiệt)
Trước cảnh trăng nước mênh mông trên biển cao (high sea) , Hữu liên nghĩ đến chuyện Tào Tháo cũng trong đêm trăng non 2000 năm trước, đứng trên thuyền binh, dàn trận trên sông Xích Bích, cao hứng uống rượu ngâm thơ, đắc chí, sảng khoái, rồi bị cụt hứng chỉ vì lời bình trái ý của một kẻ thủ hạ, khiến Tháo đã giật giáo đâm chết người này. Nay Hữu cũng say sóng lâng lâng, hứng chí giống như Tào Tháo say bạo, nhưng không hề đâm chết ai, mà dù có đâm cũng chẳng ai chết bao giờ. Gió đêm xuân ấm áp, thấy lòng phơi phới, Hữu cảm mình cũng là tay mưu dũng, không hèn, đội trời đạp biển, bất phục cường quyền, với tay không, đã phối trí một cuộc rút lui của đám con nít trật tự nhịp nhàng, xuyên mạng lưới biên phòng, rời xứ sở trong đêm tối, còn nhiều khó khăn hơn Gia Cát Lượng lui binh ở Kỳ Sơn mấy bận.
<!>
Quá nửa đêm, ngọn hải đăng nhấp nháy trên núi Vũng Tàu đã chìm xuống chân trời. Trao tay lái cho An, Hữu lôi tấm hình Hồ lộng kiếng và lá cờ gắn trong khoang lái vất mạnh xuống biển, trả lại cho quê hương những gì đã thuộc về nơi ấy. Nghĩ một ngày nào đó, cũng có thuyền dã cào sẽ vớt lên được, xem như một lời chào từ biệt, của những người bất khuất đã ra đi.

Sáng ngày 11/4/1976, trời nắng lên, sóng nhẹ, biển vắng, không một thuyền bè nào được nhìn thấy trong tầm mắt, núi đảo Côn Sơn đã hiện ra mờ mờ nơi chân trời Tây Nam, mọi người thức giấc tỉnh táo, vui vẻ ăn xôi uống cà phê sữa. Lối 10 giờ, Hữu đang lui hui dọn trong hầm máy, bỗng An hô lên có thuyền đuổi theo phía sau. Hữu hốt hoảng, hô đem dấu hết những đứa nhỏ xuống dưới đáy thuyền, bảo mọi người kiếm những dụng cụ gì có thể dùng làm vũ khí để tử chiến nếu bị tấn công. Hữu than thầm, đã chuẩn bị chu đáo như thế, đã đi xa hơn 150km ngoài khơi rồi mà vẫn hỏng, thật là số mệnh xui xẻo, giờ phải chết thôi. Lấy bình tỉnh lại, Hữu dùng ống nhòm quét nhìn khắp mặt biển phía sau. Không thấy gì, Hữu mừng chỉ là một báo động giả. Có lẽ An chơi xỏ, hù Hữu.

Gió Tây Nam, với góc độ hơi ngược chiều, thổi nhẹ. Sóng êm dễ chịu. Khi đến phía đông ngang Côn Sơn, thuyền thấy những bầy chim trắng bay, và chúng có thể đậu trên mặt biển cả đám trắng xóa như bọt nước. Biển sóng nhỏ lăn tăn, phản chiếu ánh mặt trời lớp chớp như muôn vạn tỷ kim cương lấp lánh. Thuyền nổ máy chạy đều. Đến 6 giờ chiều, đỉnh núi Côn Sơn đã mờ dần trong sương mù hoàng hôn Tây Bắc, cả thuyền xem như đã thoát vòng oan nghiệt. Màn đêm buông xuống bao che. Qua một đêm này, thuyền Hữu đã ra đến giữa biển Nam Hải, không thấy một tàu tuần, hay một thuyền đánh cá của bất cứ nước nào trong tầm nhìn ống nhòm. Giờ đây thuyền chỉ còn thành công đi đến nơi, hay trục trặc kỹ thuật chết chìm ngoài biển, chứ không còn bị bắt trở lại VN nữa. Thuyền lấy lại hướng chính Nam chạy suốt không ngừng nghỉ. Thuyền có đem theo đủ gạo nước và các thứ cần thiết cho tất cả đủ ăn cả tháng. Cơm ăn với tôm thẻ kho, đã dã cào được, rất ngon lành. Tuy gia đình Hữu không ai cà phê thuốc điếu, nhưng cũng có sắm đủ cả từ trước theo sổ hộ khẩu. An, Chân và Tùng tha hồ nhâm nhi, phì phà thỏa thích. Cuộc xuống thuyền hồi hộp và nguy hiểm đã qua, giờ đây đã trở thành một cuộc hải hành viễn du đầy thú vị. Dầu diesel được lóng lọc qua hai thùng lớn thông nhau, cáu cặn được lóng giữ lại, fuel injectors sẽ không bị nghẹt, máy sẽ nổ đều, và không trục trặc. Biển êm, thuyền cứ đều đều rẽ nước chạy tới.

Ngày 12/4, thuyền được giữ cho chạy thẳng về hướng chính Nam, biển êm láng lấp lánh như tấm gương soi bao la. Nhìn xuống biển ban đầu thấy những vùng nước biển màu xanh rêu, có vùng trên mặt nước có lớp váng mỏng màu nâu vàng, rồi đến vùng thấy nước biển trong sạch có màu tím sẫm. Thuyền vẫn nổ máy đều, hết ngày đến đêm, thời tiết mát mẻ. Buổi chiều, tất cả tụ tập trên sàn phía trước mũi, trẻ con ca hát vui đùa. Biển êm, như thuyền đang dạo chơi trên một hồ nước rộng bao la. Loan 9 tuổi, vốn là một bé thành thị, yếu đuối xanh xao, thỉnh thoảng bị lên cơn suyễn. Lúc ở nhà, sợ nó đi chịu không thấu, bàn nên để nó ở lại. Nghe nói, nó làu nhàu phản đối, “tụi bay định đi, bỏ tao lại”. Rồi nó cũng được dẫn theo. Nhưng sau hai hôm trên biển cả, nó lại khỏe mạnh hơn mấy anh chị mạnh nhất, nó ra phía trước thuyền, múc nước biển giặt áo, khiến Hữu ngạc nhiên và mừng rỡ. Những buổi chiều thường có nhiều bầy cá Heo (dolphins), chạy đua nhau như vui chơi phía trước và hai bên hông thuyền, nhìn chúng rất vui mắt. Quả đúng như kinh nghiệm quê ta nói: “Tháng ba, bà già đi biển”, vì biển thật quá êm láng.

Ngày 13/4, thuyền vẫn chạy hướng Nam, như thế là ngay chính giữa biển Nam Hải. Sở dĩ chạy như thế, cốt tránh thuyền đánh cá hay hải quân các nước Miên, Thái, để được an toàn hơn vì Hữu nghĩ người Miên, người Thái có nhiều lý do để thù ghét người Việt. Giữa biển khơi đâu có luật pháp, giết người, cướp thuyền, hay đánh chìm thuyền cũng chả có ai biết. Chiều này, thuyền đi đến một vùng biển, thấy trên mặt nước có những vè bằng lá kè, lá dừa dựng nhiều, đều đặn đường ngang lối dọc như bàn cờ, trông như vè làm dấu nò, bóng để bắt cá trên sông xứ mình, nhưng với một quy mô rộng lớn gấp ngàn lần. Hữu đã được nghe kể về người Nam Dương giỏi nghề thả nò (bóng) bắt cá. Giờ đi đến vùng này, biết mình đã vào hải phận bắc đảo Natuna thuộc Nam Dương rồi. Nhưng trên biển vẫn vắng vẻ, không thấy một thuyền nào ra kéo nò cả. Hữu phải cho thuyền tránh về phía tây của vùng này vì tôn trọng chỗ làm ăn của họ. Đã đi trên biển bốn ngày đêm rồi, thuyền Hữu không hề thấy bóng dáng một tàu thuyền nào cả, dù ở xa. (Về sau, có hải đồ nhìn, Hữu mới biết lộ trình hàng hải đi gần bờ tây hay bờ đông biển Nam Hải, tùy theo mùa gió, chứ không chạy ngay chính giữa biển Nam Hải như thuyền Hữu).
Đến chiều ngày thứ tư, lúc mặt trời lặn, thuyền Hữu đã vượt qua hơn 2/3 lộ trình Vũng Tàu Singapore, Hữu đang loay hoay dưới hầm máy, bỗng một luồng ánh sáng đèn pha từ sau chiếu vào, tiếp đến thấy máy giảm tốc và thuyền nhả số ngừng lại. Hữu vội hỏi lớn: “Chuyện gì thế?”. An bảo: “Có thuyền đuổi theo, ra dấu bảo ngừng”. Hữu hô: “Không được ngừng, hãy cho thuyền chạy nhanh tới”. Hữu leo lên nhìn lại phía sau thì biển xám mịt mù, không thấy tàu thuyền nào cả. Hữu thở phào và không hiểu tại sao vật rọi đèn đó lại biến nhanh như vậy. Có lẽ là tàu ngầm chăng?

Đêm thứ tư, thuyền chạy hướng Tây Nam. Hữu dự tính đêm nay thuyền có thể vào đến hải phận Malaysia hay các đảo nhỏ bên ngoài. Hữu dặn hai con trai canh me của Tùng, đêm nay ra ngồi phía trước mũi canh chừng, thuyền có thể chạy đụng vào đảo hay vào bờ. Nói thế, chứ Hữu cũng biết chúng đâu có thi hành, nên Hữu thức đứng canh bên cạnh Hiển và nhìn ra ngoài quan sát. Vì khi lái thuyền, hai mắt Hiển phải nhìn chăm chú vào la bàn để giữ tay cho thuyền đi ngay hướng, nếu không thuyền sẽ chạy rồng rắn kéo dài lộ trình. Biển hoàn toàn vắng. Đến khoảng 4 giờ sáng, Hữu thấy nơi phía Đông Nam, Tây Nam và Tây Bắc có ngọn đèn xa, nên biết rằng vùng biển này đã có tàu thuyền đi lại. Hữu không lưu ý mấy vì ánh đèn ở rất xa, nhưng không ngờ trong phút chốc, một chiếc tàu lớn từ phía Đông Nam đang chạy nhanh gần ngay trước mặt, sắp tông vào thuyền mình, Hữu vội la kêu An. Nhanh như chớp An đã thức giấc nhảy lên, cùng Hữu quay mạnh tay lái mấy vòng, chiếc thuyền quanh chữ U tránh kịp chỉ cách hơn 10 mét một chiếc tàu hàng rất lớn, bên trên có vài bóng đèn và không thấy bóng người. Chuyện cũng lạ, biển rộng mênh mông, dưới một vòm trời bao la úp xuống, chạy suốt bốn ngày đêm không hề thấy một tàu thuyền gì, dù nhỏ và rất xa, bỗng vừa mới thấy suýt bị đụng tan nát. Hữu vẫn còn hồi hộp mãi, mỗi khi nhớ lại tai nạn hụt này.

Ngày hôm sau, thuyền Hữu đã gặp vài thuyền đánh cá Malaysia, rồi đi qua phía Tây dãy đảo núi cao, ngoài khơi, gần và song song với bờ Malaysia. Từ đó thuyền Hữu đi dọc theo bờ phía đông Malaysia. Dùng ống nhòm nhìn vào bờ, Hữu thấy Malaysia có những căn nhà sàn như nhà người Thượng xứ ta cất trên mặt biển gần bờ. Malaysia có rất nhiều dừa, trông như các làng bờ biển Sa Kỳ, Tam Quan ở Miền Trung Việt. Hữu thấy có chiếc thuyền sơn đỏ, to hơn thuyền Hữu kéo theo cả chục chiếc xuồng nhỏ mới đóng bằng gỗ từ dãy núi phía đông, chưa sơn phết hay trang bị gì. Thuyền Hữu có đi ngang qua một cửa sông ở Nam Malaysia thấy có thuyền ra vào. Đến đây bờ biển lại đổi qua hướng Đông Nam.
Đi suốt ngày và đêm hôm đó, gần sáng thuyền Hữu bắt đầu thấy hải đăng thấp dựng trên mặt biển ở cửa vào eo biển Malacca. Hữu thấy trên eo biển này, sao lại có vài tàu mắc cạn và chìm, vì thấy tàu ló trên mặt nước một phần và nằm yên. Nhưng thật ra không phải vậy, tàu vẫn nỗi bình thường và di chuyển, vì tưởng là đã gần, nhưng vẫn còn ở xa, mặt biển cong nên chỉ nhìn thấy một ít phần trên của tàu mà thôi.
Sáng ngày 15/4 thuyền đến gần hải đăng, gặp một chiếc thuyền nhỏ chèo tay, trên có hai người đàn ông đen đủi đang giăng câu bắt cá nhám. Hữu ra dấu hỏi mua cá, liền được đưa cho mấy con. Hữu đem sữa lon ra đổi lại. Người ấy chỉ vào mấy đứa nhỏ và khoát tay không nhận. Hữu xá cảm ơn và cảm thấy dù khác ngôn ngữ, tâm tình người tốt đâu cũng giống nhau, đều đại lượng và thương con nít. Từ đó thuyền đi về hướng Tây, đến 10 giờ sáng, đưa ống nhòm nhìn về phía trước, Hữu thấy cả đám cao ốc mờ xám trong sương mù và biết nơi đó chính là Singapore. Nhưng không nhìn vào ống nhòm, Hữu không thấy gì cả, chỉ toàn trời nước mênh mông. Cứ phía đó mà tới, Hữu gặp nhiều tàu thuyền hơn và thấy các máy bay hàng không đang cất cánh, làm lòng Hữu thêm rộn ràng.
Trưa đó thuyền Hữu đã chen vào trong đám thuyền lớn nhỏ đậu đầy ở cảng, mà không ai để ý nhận ra chiếc thuyền lạ xấu xí mang bảng số VT018. Hữu thoáng định bụng có thể lên bờ gọi taxi đến sứ quán Mỹ khai xin tỵ nạn.
Cảng Singapore tấp nập trù phú, tàu bè lớn nhỏ đông gấp trăm lần cảng Saigon khi trước. Có một khoảng bến rộng cho người ta thuê thuyền tập lái chạy chơi, thoải mái vui đùa. Trên bờ đầy cao ốc và xe cộ chạy nhộn nhịp. Trông phồn vinh hơn Saigon lúc trước nhiều lắm. Lòng Hữu ngỡ ngàng, nhớ lại và cảm thông tâm sự của nhà nho Cao Bá Quát, 100 năm về trước, cũng ngang đây đã viết và được dịch lại:
Tân Ba từ vượt con tàu,
Mới hay vũ trụ một màu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
Không đi khắp bốn phương trời,
Vùi đầu áng sách uổng đời làm trai.

Họ Cao tài hoa, tự phụ, háo thắng như vậy mà khi nhìn văn minh phát triển ở xứ người, lòng còn dịu xuống và cảm nhận tài năng văn học của mình chỉ là trò chơi mà thôi. Xưa vua quan phong kiến lỗi lầm, vì quyền lợi riêng tư, quá tự phụ, bế môn tỏa cảng, không chịu canh tân, đã làm cho nước nhà thua sút lạc hậu. Nay CS phung phí máu xương dân tộc, 30 năm chiến tranh dai dẳng. Nhờ Mỹ tính toán hơn thiệt, chán ngán bỏ cuộc, để CS chiến thắng. Nên CS tưởng mình là giỏi, càng tự phụ hơn, xưng là: “Đỉnh Cao Trí Tuệ Loài Người”, rõ là lố bịch. Chỉ có ếch ngồi đáy giếng, mới cao ngôn như thế. Họ sẽ đưa quê hương lầm than, tụt hậu đến độ nào đây? Thấy xứ người đẹp đẽ, phồn vinh mà thêm buồn cho quê hương, tuy rằng mình đã vĩnh viễn không còn thuộc về nơi đó nữa.

Cơm trưa trên thuyền xong, chưa kịp nghỉ ngơi. Ngà bảo mình đến nước người ta thì nên trình ngay Sở Ngoại Kiều, đừng đậu lại bất hợp pháp thế này. Hữu nghe cũng có lý liền hỏi các thuyền bên cạnh Immigration Office ở hướng nào. Được chỉ dẫn, Hữu cho thuyền chạy đến hướng đó và không quên bảo mọi người bận quần áo vào cho tươm tất, đồng thời cũng dọn dẹp trên thuyền lại cho sạch sẽ. Vừa đến nơi, năm sáu người cảnh sát nhảy lên, quan sát khắp cả thuyền, và ra lệnh không cho vào sát bờ. Chừng 15 phút sau hai cảnh sát viên mang súng lên thuyền Hữu và hai canô của cảnh sát đến, một chiếc chạy trước hướng dẫn, một chiếc chạy sau. Ở đây cảnh sát hay hải quân cũng đều mặc đồng phục xanh đậm và da họ đều có màu nâu đen. Viên sĩ quan cảnh sát bảo thuyền Hữu nhập cảnh trái phép phải bị trục xuất và hỏi Hữu có cần mua những thứ cần dùng không, ghi ra và đưa tiền. Hữu đưa ra US$200 và ghi cần mua dầu diesel, rau cải, radio truyền tin hai chiều, và một tấm hải đồ biển Nam Hải. Thuyền Hữu được giải đến một trạm nhiên liệu sát bờ, bơm đầy lại các thùng nước và thùng dầu. Chờ một lát sau cảnh sát đem đến một túi rau cải, một tấm chart, và một số tiền Singapore thối lại. Còn radio hai chiều truyền tin không được phép mua.

Chờ tại đó đến chiều tối, thuyền cảnh sát bắt đầu áp giải thuyền Hữu về phía đông trên eo biển Malacca, trên hải lộ mà thuyền Hữu đã đi vào. Hữu có cảm giác mình như một kẻ trọng tội đang bị áp giải đến chỗ thọ hình, nghĩ thương xót đến đám trẻ con ngây thơ đang cùng chung số phận. Đến 9 giờ tối, ra đến gần hải đăng cửa eo biển. Một chiếc tàu tuần duyên của Hải Quân Singapore, bằng cỡ chiếc LCM-8 của Mỹ, chạy đến thay thế cảnh sát, áp giải tiếp. Hữu thấy lo sợ nghĩ: họ có thể đem thuyền mình ra bắn chìm ngoài biển cho yên chuyện. Nhưng nhìn thấy mấy người lính thủy cầm súng M16, nhưng thấy băng đạn không gắn vào. Nghĩ họ không có ý nghi ngờ đối phó với mình như kẻ thù, hoặc đến nỗi giết tất cả để làm gì, nên Hữu hơi yên tâm. Viên Trung Úy chỉ huy trẻ tuổi, hỏi thuyền Hữu chạy một giờ được bao nhiêu hải lý. Hữu nhớ là đơn vị hải lý của nhiều nước khác nhau lung tung, nên đáp thuyền Hữu chỉ chạy được 6 km mỗi giờ. Ý Hữu nói bớt xuống để khỏi bị chạy nhiều vô ích. Viên Trung Úy muốn dùng dây cáp lôi thuyền Hữu ra khơi cho lẹ. Hữu năn nỉ xin đừng lôi, để thuyền tự đi theo, vì trên thuyền phần đông con nít, chỉ có vài người lớn có thể điều khiển được thuyền, nhưng sau nhiều ngày hải hành đã quá mệt mỏi, không còn đủ sức để kịp bơm nước ra. Bị tàu cao tốc lôi nhanh, chân vịt và trục shaft sẽ bị hư hại, lôi cuốn nước vào nhiều, thuyền gỗ chịu không nỗi, chắc một lát sẽ chìm chết cả. Nghe yêu cầu có lý, viên Trung Úy bằng lòng. Tình cảnh Hữu lúc bấy giờ đúng là:

Thuyền không bến đỗ Tân Ba,
Đêm dài vô định, canh tà ngàn khơi.

Tàu hải quân đi trước, rọi đèn pha lại sau, hướng dẫn. Thuyền Hữu lình phình chậm rãi đi theo. Có lần viên chỉ huy cho tàu quanh lại hối thúc, Hữu lại năn nỉ và sẵn dịp Hữu đem hải đồ ra hỏi, vì cái chart này khác với cái map. Hữu thấy trên đó chỉ ghi toàn những con số. Hữu mới biết đó là số fathoms chỉ độ sâu của biển ở mỗi chỗ trên biển, áp dụng cho hàng hải. Thuyền Hữu hạng nhỏ nhẹ đâu cần lo độ cạn sâu. Hữu thấy Trung Úy này vì phận sự mà làm vậy, chứ anh ta không tỏ ra giận ghét gì Hữu. Đến gần sáng, tàu quanh lại một lần nữa, bảo cho Hữu biết là không được phép trở lại Singapore. Nếu vào lại sẽ lại bị kéo ra. Anh ta còn bảo đây thuộc hải phận quốc tế, và có thể đánh cá ở nơi này. Hữu đáp tôi còn hơi sức đâu mà đánh cá, và đánh cá để làm gì trong trường hợp này.

Sẵn còn trong túi một số giấy bạc Singapore được thối lại chiều hôm trước, Hữu móc ra đưa cho anh ta và nói, số tiền này tôi chẳng dùng làm gì, vì không biết có thể nào sống sót, đến được bến bờ nào, vậy anh cầm lấy để chiều nay ra cảng nhậu chơi với anh em một bữa cho vui. Hữu thực tình muốn cho anh ta, nhưng anh ta nhất thiết không nhận và bảo tiền Singapore có thể đổi dùng ở nước khác.
Anh ta còn hỏi Hữu định đi đâu. Lúc ấy không còn nhớ Kuala Lumpur ở đâu, Hữu nói đại là phải đi Jakarta. Xong, tàu hải quân chạy biến về phía Tây. Thuyền Hữu lênh đênh một mình, vẫn giữ máy nổ nhỏ, nhả số để thuyền tự chòng chành vì cũng chưa quyết định đi đâu, và trời đã sáng rõ, sóng gió vừa phải. Hữu thấy bây giờ thuyền mình đang bồng bềnh ngay trên ngã tư hàng hải quốc tế, nơi này tàu bè qua lại đông nhất, may ra đón được tàu thế giới tự do xin nhờ cứu vớt. Mỗi lần nhìn thấy một tàu qua lại, Hữu cho thuyền chạy đón đầu. Nhưng rất khó đón được vì tàu biển chạy nhanh gấp 5 hay 6 lần thuyền Hữu. Có khi đến gần thì thấy cờ đỏ của Nga hay Trung Cộng, cả đám đều hoảng sợ vì khi còn ở Việt Nam đã từng nghe có thuyền bị tàu Nga hay Trung Cộng giúp bắt về giao lại cho Việt Cộng cầm tù.
Mãi đến trưa, dưới những cơn mưa luồng, biển bắt đầu động, thuyền Hữu đón được một chiếc tàu hàng lớn như một dãy cao ốc đen, phía lái có đề chữ Hambourg (Tây Đức) và hai bên hông có đề chữ Oriental Exporter trông rất rõ. Tàu này ngừng lại. Thuyền Hữu áp mũi sát vào hông sau của tàu này. Nước trong vắt, Hữu thấy cả chân vịt to lớn đang quay từ từ trong làn nước trong suốt , nhưng ở mực sâu an toàn không đụng vào thuyền Hữu.

Viên thuyền trưởng da trắng, đồng phục trắng, to lớn, râu cá chốt trông oai vệ cùng mấy người phụ tá trên tàu đứng bên, có cả vài ba người đàn bà mặc jupe trắng trông như du khách chạy đến đứng trên boong, chụp hình thuyền Hữu và đám con nít. Hữu khai mình từ đâu đến và hoàn cảnh hiện tại vừa bị đuổi khỏi Singapore không biết phải đi đâu. Xin yêu cầu được cứu vớt, chở theo ngược lại Hồng Kông xin tị nạn chính trị. Nói tiếng Anh giọng rõ như một sĩ quan Mỹ, ông dùng máy truyền tin nói chuyện với đâu đó một lát. Ý ông như muốn giúp, Hữu thấy có người đem thang đến, nhưng sau đó không thấy thang đâu cả. Nhưng tiếp đó ông lại bảo chuyện này thuộc thẩm quyền quốc gia mới quyết định được. Ông không được phép. Hữu yêu cầu, nếu thế thì ông có thể giúp bằng cách kéo thuyền Hữu theo lộ trình ông, lúc đến gần Phillippines thả cho thuyền Hữu tự vào. Suy nghĩ một tí rồi ông cũng từ chối nốt, ông nói phải chở hàng gấp sang China. Nghe tiếng China, Hữu đã phát hoảng. Cuối cùng ông hỏi có cần thứ gì không. Hữu thấy không cần gì và khai là đã có đủ gạo nước rồi. Nhưng ông vẫn cho dòng xuống hai giỏ thực phẩm gồm bánh mì và bơ sữa. Xong, trong một thoáng, chân vịt gia tốc và tàu Oriental Exporter biến mất trong cơn mưa.
Hữu vào khoan lái, lau nước mưa, ăn trưa và cũng đã ngán ngẩm trò đuổi bắt mấy chiếc tàu biển đó rồi. Lúc đi, Hữu không dám mang bản đồ chi tiết thế giới theo. Chỉ ghi nhớ và học thuộc lòng lúc ở nhà, tính đường đến cảng Singapore mà thôi. Như người đi thi, học tủ chỉ có mỗi một bài duy nhất là Singapore. Giờ bài tủ đã trật, thi đã hỏng bị đuổi rồi. Bây giờ bối rối, không biết cảng nào mà đi nữa. Nhìn vào tấm bản đồ nhỏ xé từ cuốn National Geography không thấy ghi Kuala Lumpur đâu cả. Hữu cũng không muốn chạy ngược về Thái Lan gần Cộng Sản hơn, vì trong tiềm thức, lúc nào cũng bị ám ảnh: đối với Cộng Sản, phải vái dài, xa chạy cao bay, càng xa càng tốt, chứ không nên chạy gần. Đã khá xa rồi, thì phải chạy xa hơn nữa. Nhìn vào tấm hải đồ (chart) mới mua chiều trước, Hữu chỉ thấy nơi lề phía trái, vẽ chút bờ biển phía đông Malaysia và một chút xíu bờ đông đảo Sumatra. Dùng hải đăng cửa vào eo Malacca làm chuẩn thì thấy điểm này được in sát bìa phía Tây trên hải đồ, và thuyền Hữu đang ở về phía Đông. Sau đó Hữu cho thuyền chạy đuổi theo vài chiếc tàu biển nữa, nhưng không chiếc nào ngừng, và lại còn thấy tàu có cả cờ đỏ búa liềm hoặc 5 sao. Những thứ mình muốn tránh thì lại phải hay gặp. Sau đó thấy một chiếc cỡ như chiếc LCU (loại tàu đổ bộ của Hải Quân Mỹ) treo cờ đỏ trắng của Indonesia, mà lúc ấy cũng chưa biết là cờ nước nào, chỉ bởi một thủy thủ, da đen nâu, mình trần, lái chạy nhanh về hướng Nam, khoát tay như chào, hay như muốn đuổi thuyền Hữu đi về phía Nam. Hữu cũng sợ là mình cứ lảng vảng ở đây có thể tàu bè qua lại tưởng là thuyền bất lương, radio báo vào trong Singapore là mình làm cản trở lưu thông, họ ra lôi đuổi nữa khổ lắm.
Cuối cùng chán quá, Hữu cho thuyền đi về phía Nam, đến lúc trời tối thuyền Hữu đi vào giữa vài đảo dừa nhỏ, chỉ là những cồn cát trắng nhỏ nổi trên mặt biển được trồng dừa. Thuyền thả neo và ngủ ở đây một đêm ngon lành. Sáng dậy, Hữu thấy có vài người Nam Dương chèo thuyền gỗ nhỏ ra các đảo vắng này hái dừa. Họ hú hí gì với nhau nghe man rợ. Lo sợ họ có thể thông tin nhau kéo đến làm hại mình, Hữu vội cho nhổ neo, đi tiếp về phía Nam.
Thuyền đi êm ả, đến khoảng 10 giờ sáng, bắt đầu thấy gió nhẹ, rồi sóng dần nổi cao, rồi lần có mưa nhỏ, đến xế trưa, mưa to như trút nước từng cơn, gió xoáy đủ chiều, sấm sét vang rền trời biển. Hữu thấy có những tia sét đánh từ trên mây thẳng xuống mặt biển phía trước. Thấy thuyền mình dù sao cũng cao hơn mặt biển, Hữu nghĩ thế nào sét cũng đánh trúng nát thuyền và chỉ còn chờ chết tất cả. Gió thổi mạnh và sóng cuộn lên đủ chiều. Có những đợt sóng ngược chiều vỗ vào nhau nước tung tóe. Chiếc thuyền Hữu giờ này như con kiến nhỏ nổi trên một chảo nước sục sôi mạnh và với mấy cái quạt chong vào. Chuyến này chắc không qua khỏi. Hữu nhớ lại một đoạn trong sách địa lý đại cương ở lớp bắt đầu trung học, có nói sơ về gió xích đạo, vì lúc này thuyền đang thẳng góc đi ngang qua vùng xích đạo để vào Nam Bán Cầu. Hữu hiểu đại khái: vì thời điểm khoảng tháng đó, mặt trời chiếu thẳng vào xích đạo hâm nóng vùng này hơn, làm không khí nở ra, nhẹ hơn, bốc cao, tạo ra một vùng áp suất thấp, không khí ở Nam và Bắc bán cầu nhiệt độ thấp hơn, có áp suất cao hơn, nên ùa vào vùng xích đạo tạo ra gió bão mang theo mây mưa sấm sét. Hồi đó học qua, không lưu ý, nghĩ đó là gió nhẹ thôi, không ngờ bây giờ gặp thực tế tại chỗ, mới biết không phải là gió nhỏ, mà là bảo xoáy lớn, đủ chiều, không biết hướng nào mà cho thuyền nhảy sóng. Nghĩ phải chi hồi nhỏ học hành kỷ lưỡng thì đâu để phải gặp cảnh này. Quá mệt, Hữu đưa tay lái cho An bảo hắn giữ 180o, đi hướng Nam, tuy hắn không biết thế giới là đâu, nhưng cũng là dân chài lưới đã quen với biển sóng gió và can đảm chịu đựng. Hữu cũng nhớ lại chuyện do Thiếu Tá Hoa kể về một thuyền trưởng hải quân VNCH bạn hắn đã được huân chương, vì đã tài ba đưa một tàu hải quân qua vùng biển nước xoáy dưới Singapore. Hữu nghĩ chắc là chỗ này rồi, và không hy vọng thuyền mình qua khỏi. Một số đồ đạc trên sàng thuyền và tấm bản đồ nhỏ xé ra từ cuốn National Geography cũng bay mất xuống biển. Tất cả mọi người đều núp vào dưới đáy khoang, say sóng mê mang. Hữu dùng dây thừng quấn vào tay để phòng khỏi văng xuống biển. Rồi Hữu nằm thiếp bất tỉnh, để An nắm tay lái, sóng hông, sóng mũi gì cũng mặc. Đến gần khuya, Hữu tỉnh lại thì thấy biển đã êm nhiều và mưa gió cũng đã tan. Thuyền còn sống sót qua trận giông bão này, kể như một phép lạ. Đến sáng thì thấy biển êm ả dễ chịu. Nhìn thấy tàu lớn, Hữu lại cho đốt mấy cây hỏa hiệu còn lại và chạy đón đầu nữa, nhưng không thành công. Và từ đó thuyền dứt khoát đi về Nam, đến trưa thì thấy những ngọn núi rời rạc trên biển ở phía Đông Nam. Nhìn vào hải đồ ghi là Seven Islands. Đếm ra đủ bảy ngọn núi giữa biển, định được tọa độ, biết mình đi đúng đường.

Chiều hôm đó, thuyền Hữu đến góc Tây Bắc đảo Bangka. Đảo này cũng không nhỏ. Nhìn vào, thấy đất đỏ có nhiều cây cối, nhà cửa và người ở. Đảo này có mỏ aluninum nổi tiếng. Thuyền Hữu thả neo gần bờ Tây Bắc của đảo lúc mặt trời gần lặn, nghỉ ngơi ăn uống. Ngoảnh nhìn lại về phía Bắc, vùng xích đạo đã qua, cách hơn chừng 100km, Hữu nghe tiếng trời rền, chớp và mây đen vần vũ như là một trận không hải chiến dữ dội giữa trời và biển đang xảy ra tại đó, nơi mà mình mới vừa hứng chịu cơn thịnh nộ chiều hôm trước. Như vậy bão giông mưa gió, sóng bổ đủ chiều xảy ra hằng ngày vào buổi chiều ở xích đạo. Nếu đã biết tính giờ, chờ đi qua vùng đó trong khoảng từ khuya đến trưa, thì biển êm, không có gì nguy hiểm.
Chiều hôm đó, sau khi cơm nước, tất cả trẻ con đều lên sàn ca hát, kể chuyện vui vẻ trong không khí trong lành ấm áp và đêm đó ngủ một giấc bình an dưới trời thanh mây tạnh. Cũng là một buổi chiều thơ mộng đầy thú vị. Gần bờ quanh đó Hữu thấy có những ngôi nhà sàn dựng trên mặt nước sát bờ của người Nam Dương cũng giống như ở Mã Lai.

Sáng hôm sau, dậy sớm, Hữu đã thấy một vài xuồng nhỏ của người địa phương bủa lưới gần bờ. Nhưng đôi bên không thể nói và hiểu gì nhau được. Thuyền Hữu lại đi vào eo biển giữa bờ Tây đảo Bangka cao và bờ Đông Sumatra thấp. Thuyền thấy rõ bờ hai bên và cảm thấy an toàn như đi giữa sông rộng. Ngày này, Hữu gặp nhiều chiếc thuyền gỗ to, ngang cỡ 5 m dài cỡ hơn 20m, có 2 trụ buồm rất cao, có buồm vải bố màu sắc nâu, trắng, xanh tươi thắm, đi cùng chiều hoặc ngược chiều. Hữu để mắt quan sát một chiếc đi gần, thấy có người mặc đồ trắng sạch sẽ như đi đánh tennis. Hữu nghĩ có lẽ những thuyền buồm này như sắp đi dự một cuộc đua thuyền buồm quốc tế nào đó. Sóng nhẹ lăn tăn như đang du ngoạn thú vị, bù lại cho những lúc gió to sóng lớn suýt chìm đắm. Trẻ con ngồi trên sàn thuyền cười đùa vui vẻ, đem chè cháo ra ăn, kể chuyện tiếu lâm Cộng Sản. Trời ấm áp rất thích. Đến chiều tối thuyền đã ra khỏi eo biển này và thả neo ngủ lại một đêm nữa ở đây, vì cũng không gấp phải đi đâu.
Sáng hôm sau, thuyền dậy sớm, nhìn về phía Tây có những hàng cây lờ mờ dọc theo bờ Sumatra, mà chạy về hướng Nam. Có lần Hữu muốn chạy gần bờ hơn cho chắc ăn và chạy chậm hơn. Bỗng thuyền bị đụng nhẹ vào lòng biển. An cãi lại và cho thuyền chạy xa bờ hơn nhiều vì sợ mắc cạn. Dọc theo lộ trình, thỉnh thoảng thuyền Hữu chạy song song với một vài chiếc thuyền hai buồm đang đi về hướng Nam. Hữu thấy những thuyền này chở gỗ đã cưa sẵn và có thuyền chở hàng chứa trong bao, mới biết rằng những thuyền này không phải để đi chơi mà là thuyền vận tải đường biển. Thuyền buồm chở nặng nhưng không có nhiều người điều khiển. Như vậy người Nam Dương khá giỏi nghề hàng hải bằng thuyền buồm, tuy rằng xứ họ đang sản xuất nhiều dầu hỏa. Hữu chưa hiểu sao dùng gió mà hướng nào họ cũng có thể đi được. Chạy đến tối, thuyền Hữu xáp gần bờ Sumatra hơn, thả neo ngủ lại một đêm. Đêm này thấy gió đổi chiều, đang giữa mùa xuân mà cảm thấy hơi thu, Hữu buồn mang mang khó tả, tâm sự của kẻ phải từ bỏ quê hương, đang bôn ba biển cả, không biết sẽ ghé được vào đâu. Vì lúc này, ở Bắc bán cầu đang là xuân, Nam bán cầu ngược là thu.

Sáng lại lên đường, sóng êm gió lặng, trời nắng dịu, cứ hướng chính Nam dọc theo bờ Sumatra thấy có dạng hàng cây dợn dợn. Bờ biển khoảng này chạy đúng theo chiều Nam Bắc. Thuyền Hữu nhìn về phía Đông Nam thấy một vệt vàng cam nơi chân trời không hiểu là cái gì, nhưng khi đến gần hơn, Hữu mới thấy đó là một ngọn lửa bốc cao do hơi gas đốt bỏ từ một giếng dầu giữa biển, và gần đó có vài tàu dầu lớn đang đậu. Đến xế chiều thuyền nhìn về phía Tây Nam thấy mấy ngọn núi, Hữu nhớ lại đó là những núi lửa Krakatoa đã tắt, ở vùng Đông Nam đảo Sumatra. Thuyền cũng gặp nhiều thuyền buồm hơn qua lại, nhưng đến chiều thì không còn thấy chiếc nào nữa cả, không biết họ đi vào đâu. Chỉ còn một mình thuyền Hữu cô đơn trên biển. Đến gần mặt trời lặn, thuyền Hữu đã đến cửa eo biển giữa đảo Java và Sumatra. Nơi đây có một đảo nhỏ, bên trên toàn dừa và cây cối rậm rạp, thấy có người lội ra tắm biển. Hữu biết vùng này có thể cạn và Hữu biết rằng Jakarta cũng không còn xa. Lúc trời tối hẳn, thuyền thả neo nghỉ lại gần bờ Tây Bắc đảo Java. Sau cơm tối, Hữu nghe radio BBC loan tin: một cựu nhân viên làm cho Hoa Kỳ, đã đưa thuyền chở 80 người đến Thái Lan, hai bị thương nặng phải cấp cứu, vì đạn Việt Cộng bắn đuổi theo. Thuyền bị hư hại nhưng chạy thoát.

Hôm sau 22/4, dậy sớm, thuyền đi về hướng Đông dọc theo bờ Java, thấy rải rác có những xác thuyền gỗ chìm, biết vùng này biển cạn nên Hữu cẩn thận cho thuyền chạy cách bờ, theo lạch sâu với vài thuyền máy đánh cá của Indonesia và hỏi đường vào cảng Jakarta. Trên bờ Tây Bắc đảo Java có rất nhiều dừa, trông vào như rừng rậm. Đến một chỗ thấy một cơ sở radar màu xám đậm, đặt sát bờ trông còn cao lớn hơn dàn radar trên núi Vũng Tàu. Đến một chỗ, từ xa thấy như một đàn bướm trắng, đến gần mới biết đó là những chiếc ghe rất nhỏ trên đó có cánh buồm tam giác trắng và chỉ một hai người trên đó đang quây quần đánh cá. Đến trưa, thuyền Hữu chạy theo hai chiếc thuyền máy trên đường về Jakarta. Hữu có nhảy qua thuyền của họ trông coi cho biết và đem sữa lon ra đổi cá. Thuyền họ trặc, có lẽ vùng này không có sóng cao. Nước biển trong suốt, nhìn thấy cá lội. Đến ngang đường vào cảng, họ chỉ tay về hướng Nam để Hữu đi vào và họ chạy thẳng. Từ biển, thuyền Hữu không thể nhìn thấy cao ốc của Jakarta là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Nhìn vào cảng thấy cả rừng thuyền buồm đậu đầy, dọc theo một thủy lộ hẹp đâm vào trong đảo. Từ ngoài nhìn lên vào trong cảng, Hữu hoảng hốt thấy lá cờ đỏ phất phới trên trụ cờ cao, nên nghĩ, mình không theo dỏi kỹ tin tức chỉ mới vài tuần qua, chẳng lẽ Nam Dương đã bị Cộng Sản làm chủ rồi sao. Nhưng nghĩ lại không thể nhanh như vậy, ta cứ vào sẽ hay, thuyền mình còn đủ sức chạy nữa, bất quá thì chỉ bị đuổi như ở Singapore là cùng. Lẽ nào lại bị bắt (thời gian ở lâu về sau, Hữu mới hiểu, cờ đỏ được kéo lên để báo hiệu cho thuyền bên ngoài biết cảng không còn chỗ đậu, thuyền phải chờ ngoài biển).
Thuyền đi chen vào giữa hai dãy thuyền buồm, đậu thẳng góc vào hai bên bờ thủy lộ, mà tiến vào, lúc ấy khoảng 1 giờ trưa. Vào một khúc, đến ngang trạm gác, bị chận lại, Hữu trình bày với hai viên cảnh sát gát lối vào. Biết là thuyền ở Việt Nam đến, một người nhảy lên thuyền và dẫn thuyền vào đậu ngay trước văn phòng cảng trưởng. Được viên cảnh sát này vào báo tin, các viên chức và cảnh sát từ văn phòng chạy ra bao quanh. Hỏi qua loa, rồi họ chụp nhiều hình và sau đó cho cảnh sát đồng phục xanh lục soát tất cả mọi hang hóc trong thuyền, dùng cây thọc vào thùng dầu và thùng nước, mở mấy lon sơn và lon dầu hắc dùng trên thuyền. Có lẽ họ sợ mang vũ khí hoặc ma túy hay hàng quốc cấm vào xứ. Nhưng cuối cùng họ không tìm thấy vật gì bất hợp pháp. Sau đó họ cho hai ba viên cảnh sát canh gác nghiêm ngặt và ra lệnh không được lên bờ. Chiều hôm đó họ đem cho 18 gói cơm bọc lá chuối, bên trong mỗi gói có một cái trứng gà luộc đã lột vỏ. Hy vọng là họ sẽ xin chỉ thị ở tầm mức quốc gia rồi mới quyết định cho ở hay đuổi đi. Hôm sau Hữu thấy có người trên cảng cầm tờ báo, trang đầu có in tựa lớn “18 orange…” (orange chắc có nghĩa là người) và có in hình chiếc thuyền Hữu. Indonesia không dùng chữ ngoằn ngoèo như Miên, Thái, mà dùng chữ La tinh như chúng ta, mà không có nhiều dấu, có nhiều chữ gần như tiếng Anh và thường có âm A ở sau. Phần lớn các sĩ quan trên cảng đều biết tiếng Anh. Những lính gác hoặc chèo đò cũng có biết ít nhiều. Không hiểu sao họ canh gác rất kỹ, có lẽ để bảo vệ.

Buổi sáng hai hôm sau có phái đoàn chính phủ Indonesia đến tại văn phòng cảng trưởng, gọi vào phỏng vấn lý lịch từng người lớn, trẻ con không hỏi đến. Xong đến trưa, tất cả mọi người kể cả các viên chức chính phủ đều được văn phòng cảng trưởng đãi một gói cơm có cái trứng, bọc là chuối, ngoài gói giấy. Người Indonesia xem thế cũng kiệm ước, dản dị, tốt bụng, đáng mến và biết ơn. “Của tuy tơ tóc, nghĩa ra ngàn vàng”. Ăn uống đạm bạc, nhưng không thiếu tình người. Họ ăn bốc bằng ngón tay chứ không dùng đũa hay muỗng nĩa. Sau đó mỗi ngày đều có 2 người đồng phục trắng, mang dấu chữ thập đỏ trên tay áo, đến hỏi cần thức gì, ghi vào họ sẽ mua cho. Tuy hỏi thế cho vui, nhưng thường ngày họ vẫn mang đến một ít cá, rau và mấy lít gạo, cũng đủ no vui hàng ngày.
Một tháng sau thì có hai viên chức Hoa Kỳ được phái đến, gọi mọi người vào văn phòng cãng trưởng để thẩm vấn, hỏi lại kỹ lý lịch từng người. Họ cũng có hỏi từ ngày Việt Công vào có được tin gì về những người Mỹ mất tích. Cả đám không ai biết gì về chuyện đó. Họ cũng có hỏi chiếc thuyền trị giá bao nhiêu, Hữu nói đại là khoảng 5000 dollars. Họ lại hỏi sao Hữu làm việc cho chính phủ lương không nhiều, lại con đông, mà sao có tiền sắm chiếc thuyền như vậy. Hữu đáp vì nhà có buôn bán sỉ hàng vải ở Chợ Lớn và đã dành dụm từ nhiều năm. Ngay sau đó, họ chấp nhận tất cả sẽ được định cư tại Mỹ. Riêng An khai trước kia là lính thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa, họ lại từ chối. Hữu hỏi tại sao, viên chức Mỹ trả lời là ông không làm ra chính sách, ông chỉ thi hành chính sách đã soạn sẵn mà thôi. Nghe thế biết là không thể nào xin xỏ được. Có lẽ hồi di tản 4/75 một số lính thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa đã gây rắc rối, khó chịu cho Mỹ sao đó, khiến Mỹ đâm ra ngán sợ. Hữu phải bằng lòng như vậy. Khiến An buồn bã và khó chịu, vì An vốn đã không muốn đi, nay theo ra đây, cuối cùng phải tách rời khỏi gia đình Hữu. Nhưng An vẫn tỏ ra bình tỉnh. Còn Hữu thì buồn vui lẫn lộn. Vì hồi nguy hiểm giông bão có nhau, nay không đem được An cùng qua Mỹ, nghĩ cũng có phần bất nghĩa. Còn thấy An, thất học, nông nổi bạo tâm, thiếu suy nghĩ, không nghe lời, đòi hỏi không thích đáng và đúng lúc, nếu hắn theo sang Mỹ, cũng có thể nhiều rắc rối không nhỏ cho gia đình Hữu.

Cứ ở trên thuyền như vậy, hết ngày này sang ngày khác. Thuyền đậu thấp hơn bờ cảng. Trên bờ cảng, xe vận tải hạng nặng chạy qua lại chuyên chở hàng ra vào, tung nhiều bụi đất vào thuyền rất khó chịu. Chỉ ban đêm và cuối tuần cảng đóng cửa, thuyền mới được sạch sẽ một chút. Hữu yêu cầu được cho lên bờ nhưng không được chấp thuận và họ bảo không có chỗ. Nhưng nhờ ở gần vòi nước công cộng, nhiều người kéo xe cây đến đó lấy nước để kéo đi bán trong cãng, thuyền hữu mỗi ngày đều được lấy nước đầy đủ để giặt giũ và tắm rửa. Lúc ban đầu, họ bố trí 3 người lính bận đồng phục nâu canh gác và thời gian sau chỉ còn 2 người biết tiếng Anh chút ít, không có vũ khí gì cả, thường xuyên canh gác cho đến khi mọi người rời xứ này.
Cảng này là cảng thuyền buồm để trao đổi hàng hóa nội địa, có tên là Sunda Kelapa, ở phía Tây cảng chính là Tanjung Priew nơi tàu lớn cập bến. Phi trường quốc tế Jakarta cũng gần bờ biển cách đó không xa về phía Đông. Còn thủ đô Jakarta nằm khuất vào bên trong. Trong vài tuần đầu thuyền mới đến, có nhiều người muốn đến thăm và cho quà, nhưng không được phép đến gần. Có người gởi vào cho bánh ngọt, trái hồng, có người đem cho xì dầu, nước mắm rất ngon. Có người tuổi trung niên đi gần đó, hô lên lớ lớ “Việt Nam anh em mình” nghe rất cảm động.

Đảo Java nằm về phía Nam cách xích đạo một khoảng gần bằng từ xích đạo về lại Cà Mau, nên khí hậu trái ngược với Miền Nam nước ta. Hữu đến đó vào cuối xuân ở xứ mình, nhưng ở đây là cuối thu. Ở đó hơn vài tháng thì thấy lá bàng úa vàng và rơi rụng. Khiến có cảm giác mùa Đông, nhưng ở đây không hề thấy lạnh. Nước trong cãng đen sì và rác rưởi đầy nhóc, như trên kênh Nhiêu Lộc ở Saigon. Họ cũng có làm mì gói và bánh kẹo như ở Saigon thời Quốc Gia. Công kỹ nghệ mới bắt đầu phát triển như ở Chợ Lớn thời Việt Nam Cộng Hòa. Xe cộ lưu thông bên trái.
Ở trên thuyền độ vài tháng, bỗng một buổi sáng, thấy bé Loan 9 tuổi có vẻ như không còn đứng, đi được nữa, Hữu báo văn phòng cảng để xin đi khám bịnh. Họ nghĩ chắc tụi nhỏ bị tù túng chật hẹp nên bắt đầu bị vậy, nên từ đó họ cho phép mỗi buổi chiều, khi mọi hoạt động trên cảng ngưng nghỉ, có thể lên bờ đi dạo trong phạm vi cảng. Từ đó Hữu được dẫn trẻ nhỏ dạo chơi ra bờ biển, thấy những người làm việc ở trên thuyền buồm cũng sống kham khổ, ăn cơm chiều với vài con cá khô nhỏ thôi. Có những anh chồng trông thuộc hạng lao động nghèo, nhưng dẫn theo một lúc đến 4 cô vợ rất đầm ấm, đi thành hàng dài thấy vui vui. Ở đó Hữu chẳng thấy ai ăn thịt heo, hoặc uống rượu. Họ có hút loại thuốc điếu, cháy nghe lốp rốp, có vị ngọt và có một mùi thơm rất đặc biệt, hay hay, hiệu Garudan. Thường ngày Hữu nghe Radio từ Úc phát thanh rất rõ bằng tiếng Anh suốt ngày đêm và có giờ tiếng Việt buổi tối. Một hôm Hữu nghe tin một chiếc ghe nhỏ chở 6 người đàn ông Việt Nam đã vào đến cảng Darwin ở Bắc Úc xin tỵ nạn. Sau đó vào khoảng cuối tháng 9/76 có chiếc thuyền tỵ nạn Việt Nam chở hơn 40 người ghé vào đảo Java đã bị đuổi ra và bị sóng đánh chìm chết cả. Hữu nghĩ mình thật may mắn.

Cuối tháng 8 không biết có lễ lộc gì, họ đem một chiếc thuyền buồm thật lớn vào cảng, dùng như một sân khấu để biểu diễn ca nhạc, các viên chức ngồi ghế trên bờ cảng. Thấy cũng có diễn văn, nhạc của họ nghe êm dịu nhẹ nhàng kéo dài rất dễ thương, như nhạc đồng bào Thượng Miền Trung xứ ta, và nam nữ cũng có nhảy trên hai cây sào ngang đập ra vô kiểu như Phi Luật Tân nhảy gậy. Họ có nhảy từng cặp nam nữ nhưng cách rời chỉ múa tay qua lại chứ không ôm sát như khiêu vũ của người Pháp mà ta vẫn áp dụng. Đàn bà cũng rụt rè từ chối, khi được mời ra nhảy.
Có vài ngày vào cuối tháng 9, thấy toàn cảng im lặng, văn phòng đóng cửa, hai người lính gác cũng biến đi đâu mất. Lợi dụng lúc đó, Hữu nhờ người chèo thuyền chở qua phía bên kia và cùng anh này lên xe cyclo đi vào thành phố, thấy Jakarta rộng bao la và vài chỗ trông giống phố trệt ở Chợ lớn. Hữu vào một cửa hiệu người Hoa, cửa chỉ hé mở, mua một cái Radio Sanyo SW nhỏ. Lúc ngang chợ thấy vắng người, có lẽ là ngày Tết cổ truyền của xứ họ. Quang cảnh yên lặng, ngoài phố vắng teo, không giống như ngày Tết xứ ta rộn rịp. Họ có những xa lộ xây cao trong thành phố nhưng chưa xong.
Việc thư từ ở đó họ cũng kỷ lưỡng. Hữu phải gởi qua ông Đại Úy cảnh sát trưởng trong cảng cho ông kiểm duyệt và gởi đi. Nghe đám Hữu được đi Mỹ, họ cũng khoái và ưng đi Mỹ lắm, họ bảo Mỹ rất giàu. Thuyền Hữu ở đó được hơn 4 tháng thì được biết tin Indonesia có mua được một vệ tinh viễn thông nối liên lạc vô tuyến khắp toàn vùng quần đảo. Họ cũng đặt một máy truyền hình 25’’ ở góc sân cảng. Ban đêm được phát hình mấy giờ, các thủy thủ thuyền buồm đến đứng coi khá đông. Hình như đến năm đó xứ này mới bắt đầu có truyền hình.
Đến cuối tháng 9/76, một luật sư viên chức Bộ Ngoại Giao Indonesia đến văn phòng cảng gặp Hữu và đưa ra một tờ giấy đánh máy sẵn để Hữu ký vào cốt để tặng chiếc thuyền cho chính phủ Indonesia. Hữu hỏi thử sao chính phủ không mua mà lại bảo tặng. Viên luật sư bảo là thời gian thuyền Hữu ở đó được cung cấp thực phẩm còn tốn kém nhiều hơn giá trị chiếc thuyền này. Ông còn nói các người sang Mỹ sẽ có đời sống thoải mái nên cần gì nữa, và nói ở Mỹ cũng có nơi khí hậu ấm áp như Saigon.

Tuy cả gia đình Hữu đông, suốt 6 tháng nằm ngồi chật chội thiếu mọi tiện nghi trong khoang lái nhưng vẫn thấy dễ chịu vì cả nhà được đông đủ. Hữu, Mai, Ngà, Hiễn sau một năm trời vất vả làm chài lưới, hồi hộp lo âu, giờ ác mộng đã qua, nay là lúc nghỉ ngơi thoải mái nhất cuộc đời, đang chờ đi định cư. Nên gia đình Hữu thấy vui mừng vì đã thoát khỏi một địa ngục âm u, mà chúng xảo ngôn hứa gọi là thiên đường. Trái lại với Chân và Tùng thì buồn vui lẫn lộn. Nhất là Tùng, chiều còn dạy học, tối được gọi cho xuống thuyền, lừa dối đem thêm hai con theo mà không báo trước để sắp đặt. Không quen đi biển, nên mệt mỏi, không phải đóng góp hay trách nhiệm gì, những lúc sóng gió được nằm ngủ mê man dưới đáy khoang nên chẳng thấy sự hiểm nguy. Giờ nhìn lại thấy việc trốn đi và vượt biển thật quá dễ dàng, không cần mỏi chân, mọi thứ được đầy đủ, không khí trong lành vài tuần là đến nơi, nên hối hận không đem cả gia đình theo. Thấy gia đình Hữu đầy đủ, còn gia đình mình thì phân tán biệt ly, đâm ra ganh tị khó chịu, giữa kẻ có đủ gia đình và người không. Lại thêm cảnh sống chật chội, hôi hám, bất tiện nghi trong khoang thuyền ẩm mốc nên càng tỏ ra bực bội, cáu kỉnh.
Vào cảng độ vài tuần, cà phê, thuốc điếu, trên thuyền đã hết. Hội Hồng Thập Tự không cho những thứ này, mà chỉ cho rau, cá với gạo. Hữu thấy cũng tạm đủ chia cho tất cả. An, Chân, Tùng và hai con đều ở trong khoang phía trước, tù túng nóng nảy. Lúc ra đi cũng không mang theo một chút tài vật gì cả để tự chi dụng. Lại ghiền thuốc lá, càphê, nhớ xì phé, beer rượu….. Suốt thời gian lâu không có những thứ đó đâm ra bứt rứt. Cha con Tùng cứ than phiền, biết vầy đáng lẽ không đi, ở nhà sướng hơn. Tâm lý phức tạp và xem Hữu như người đã gây ra sự khốn khổ này cho họ và nghĩ Hữu còn tiền mà không chịu mua cho cái gì hết, buông lời oán hờn nên xúi An gây loạn đòi hỏi quyền lợi của người làm công đối với chủ, gây gổ với gia đình Hữu.

Khi sang đến Jakarta, Hội Hồng Thập Tự cho gì, cứ chia nhau nấy và tự nấu lấy ăn. Vì Mai mệt mỏi không lo dọn cơm nước chung cho tất cả như trước nữa. Nghĩ Hữu còn tiền nhưng không mua cung cấp cho nhu cầu cà phê, thuốc điếu cho An như lúc còn ở Việt Nam, nên đám Tùng không được chia sẻ. Còn Hữu nghĩ sang đến nơi đây việc thuyền chài đã chấm dứt. Tất cả đều là người tỵ nạn như nhau, Hữu không còn là chủ và phải cung cấp nữa. Còn Chân đu dây với cả hai bên. Một bên là bà con, một bên là bạn đồng cảnh ngộ. Thấy Tùng cứ xúi loạn hoặc xoay xở An và các lính gác Indonesia để kiếm thuốc hút và xin lặt vặt nên Hữu than phiền với Chân: “Nếu đói, dĩ nhiên ai cũng phải xin cơm ăn vì đó là nhu cầu rất cần thiết để sống, còn hút thuốc là một nhu cầu không cần thiết tại sao các anh phải xin xỏ, làm thấp hèn như vậy, phải nên giữ tư cách và thể diện của người tỵ nạn Việt nam”.
Chân (bà con) cũng là tay ghiền thuốc, lúc đó liền đáp: “Tôi có thể nhịn ăn được, nhưng không nhịn thuốc được”. Vốn không hề ghiền một thứ gì, nghe thế, Hữu không thể hiểu sao ghiền càphê thuốc lá đến dữ như vậy, khiến Hữu rất khinh bỉ nhân cách của hai anh thầy giáo nầy và từ đó không còn nói chuyện gì thêm với họ nữa.

Về sau được tin từ Việt Nam qua cho biết vợ Tùng đã đến nhà Hữu ở Saigon la lối, hăm dọa đòi chồng con bị Hữu “cưỡng bức di tản” ra nước ngoài để toan hôi của, khiến cô làm công đang ở giữ nhà, hoảng sợ vội bỏ về quê gấp, nên nhà Hữu bị Cộng Sản tịch thu sớm hơn. Thật rất may, chứ nếu rủi bị bắt, Hữu sẽ bị đổ tội càng nặng và gia đình không còn chỗ ở. Chuyện đời ơn oán kể cũng lắm phúc tạp.
Trong thời gian sáu tháng ở trên thuyền, ngày nào thuyền cũng nổ máy cả giờ để bơm nước ra. Máy vẫn chạy tốt và dầu cũng còn nhiều. Đến khoảng đầu tháng 10/76 mọi người được chở đến một bịnh viện ở Jakarta chụp hình phổi, rồi đến trung tuần tháng 10/76, trừ An ra, mọi người được chở đến tòa Lãnh Sự Mỹ ở Jakarta làm thẻ I.94.

Trưa ngày 20/10/76, lúc này Indonesia trời nóng như lửa đốt, 17 người lớn bé được vài sĩ quan Hải Quân và Cảnh Sát Trưởng ở cảng chở vào phi trường Jakarta, chờ đáp chuyến bay Pan Am từ Úc sang, chở đi HồngKong. Lần đầu tiên lên chiếc Boeing 707, Hữu thấy choáng ngợp vì nó sang trọng đẹp đẽ quá, còn đám tỵ nạn lớn bé bị cô lập trên thuyền không mua quần áo được, chỉ nhờ tự vá may sửa chữa nên còn kín đáo nhưng không giống ai. Máy bay ngang qua một phần đảo Bornéo, rồi dọc qua biển Nam Hải.
Lúc biết phi cơ đang băng qua vĩ độ của quê hương, Hữu buồn quá, cúi mặt, lệ chứa chan. Sau hơn 2 giờ bay, đã đến HongKong. Ở đó có một nhân viên người Việt đón ra xe bus, qua một đường hầm dài, đưa vào trọ một khách sạn sang trọng. Sáng sớm hôm sau, nhân viên này đón trở lại phi cãng, đáp Boeing 747 Pan Am, ghé qua Tokyo rồi thẳng đến San Francisco cũng vào buổi sáng cùng ngày. Tất cả được một bà nhân viên Việt hướng dẫn đưa gia đình Hữu lên Delta Airline sang Atlanta, Georgia, lúc chiều tối, được hội nhà thờ Công Giáo ra đón về chỗ ở tạm và hướng dẫn với lòng nhân ái bao la. Ba cha con Tùng đi Sacramento. Chân một mình về Stockton.

Cảm ơn Mỹ Quốc đã cưu mang và cho luôn cả tiền máy bay. Như vậy cuộc hành trình của đám Hữu kéo dài hơn 6 tháng. Và gia đình Hữu đã phải thăm dò, chuẩn bị, vất vả với ghe thuyền và biển cả gần cả một năm mới rời được Việt Nam. Riêng An sau đó được Pháp nhận cho định cư. Sáu tháng sau khi Hữu đi, Lê ở Vũng Tàu cũng tổ chức đem cả gia đình và một số người từ Saigon và Vũng Tàu đến được Phillippines và cũng sang Mỹ.
Nay đám con Hữu trên thuyền lúc đó, nhờ học bổng và student loans của Mỹ, tất cả đều tốt nghiệp đại học, cao học, có chuyên môn cao được Mỹ trọng dụng. Đặc biệt cô gái lớn 15 tuổi lúc đó (1976) đã học nhanh xuất sắc tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa UCLA mùa hè 1985 (sớm hơn sinh viên Mỹ thông thường là 2 năm) Còn cậu trai út được dấu sẵn theo trên thuyền năm đó đã làm Project Manager cho Boeing. Sau lại có thêm cô gái út đã được một ngân hàng lớn ở NewYork đón làm luật sư ngay khi vừa tốt nghiệp JD ở UC Berkeley (2002). Hảnh diện người Việt cũng chẳng thua ai.
Tất cả có đời sống tự do, tốt đẹp và hòa mình vào giòng chính của đời sống Hoa Kỳ. Nếu không đi được thì chúng phải chịu tăm tối, giam hãm trong bần cùng ở một xứ sở đầy bất công, dối gian và áp bức. Hữu chẳng tài cán gì nhưng vì biết áp dụng kinh nghiệm từ mấy ông Tàu xưa để mưu sinh thoát hiểm và đưa con thuyền cập bến yên vui. Kể chuyện này như ghi lại một chút nhỏ trong hàng triệu cảnh trốn chạy CS, một cách hãi hùng, thập tử nhất sinh khác nhau, của những thuyền nhân trong lịch sử dân tộc cuối thế kỷ 20.

Nhật Quang Phi Hồ

HẢI HÀNH CA
Thái bình biển thẳm thuyền con,
Chập chùng mây nước chẳng mòn tất gan.
Nhấp nhô nghiêng ngửa, sóng ngàn,
Hành trình vạn lý bàng hoàng ra đi.
Cố hương vĩnh viễn từ ly,
Trà giang, Bến Nghé xanh rì trời tây.
Mùa thanh trăng nước ngất ngây,
Gió lên sóng vỗ biển đầy kim cương.
Người đi tâm trí vấn vương,
Luyến lưu kẻ ở, nhớ thương quê nhà.
Thuyền không bến đổ Tân Ba,
Đêm dài vô tận, canh tà ngàn khơi.
Gió mưa dồn dập tơi bời,
Bão giông Xích đạo, chớp trời Banka
Mờ Tây ven Sumatra,
Gió êm, biển lặn Java thuyền vào.
Cãng buồn chen chúc bườm cao,
Nam dương nắng giải , mưa rào chơ vơ.
Nửa đời thoáng một cơn mơ,
Vàng son phố chợ xa mờ tối tăm.

Nhật Quang Phi Hồ.

Không có nhận xét nào: