Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

THOI SU :Cuộc chiến xe hơi điện: Công ty bình điện Thụy Điển sụp đổ và bài học cho Châu Âu - Loan My


Cạnh tranh trên thị trường xe ô tô điện tại Châu Âu ngày càng quyết liệt vào lúc khối 27 nước hướng đến mục tiêu ngừng bán xe hơi chạy xăng dầu kể từ 2035. Bình điện, chiếm đến 40% giá trị của một chiếc xe điện, là đối tượng đọ sức chủ yếu, trong bối cảnh các sản phẩm Trung Quốc đang ngày càng lấn át doanh nghiệp châu Âu trên sân nhà. Việc công ty chuyên sản xuất bình điện Thụy Điển Northvolt tuyên bố phá sản cuối tháng 11/2024 gây chấn động toàn châu lục. Thủ tướng Olaf Scholz cùng các quan chức Đức chơi Bosseln với Peter Carlsson, giám đốc điều hành Northvolt, nhân dịp lễ khởi công một nhà máy của công ty Thụy Điển gần Heide, Đức, ngày 25/03/2024. AFP - RENE SCHRODER Trọng Thành
<!>
Vì sao Northvolt sụp đổ ? Đâu là những bài học cho Châu Âu sau thất bại đau đớn này?

Tin dữ với Châu Âu: Northvolt, từ ảo tưởng huy hoàng đến tan hoang
Tính đến năm 2022, công ty Northvolt, được thành lập năm 2016, đã thu hút được tổng cộng 15 tỉ đô la đầu tư. Trong số các nhà đầu tư chính có các hãng xe hơi lớn của Đức như Volkswagen, BMW et Volvo, của Mỹ như Goldman Sachs, BlackRock, hay JP Morgan Chase… Chính phủ Canada, Liên Hiệp Châu Âu, Đức, Ba Lan và Thụy Điển tài trợ và cấp tín dụng tổng cộng khoảng 5 tỉ đô la. Các hãng ô tô lớn như Volkswagen, BMW, Scania, đã đặt hàng Northvolt hơn 50 tỉ đô la.

Ảo tưởng lên đến đỉnh điểm vào năm 2023. Vào thời điểm đó, nhiều người từng tin tưởng châu Âu kể từ 2027 sẽ không còn phụ thuộc vào Trung Quốc về bình điện ô tô. Không lâu sau đó, mọi thứ bắt đầu sụp đổ. Sau một loạt sự cố về an toàn, sản xuất thiếu hụt nghiêm trọng, thời hạn giao hàng bị trễ. Trước khi tuyên bố phá sản, công ty chỉ còn 30 triệu đô la tiền mặt, đủ dùng cho một tuần, và gần 6 tỉ đô la nợ.

Sự sụp đổ của Northvolt cho thấy các khoản trợ cấp hào phóng của nhà nước và khu vực tư nhân cũng như nhu cầu lớn của thị trường hoàn toàn không đủ để cho một công ty thành công trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ bình điện ô tô (EV). Chính sách tài trợ quy mô lớn thiếu căn cứ của chính quyền châu Âu, gây ảo tưởng, bị xem là một lý do chính dẫn đến thất bại.

Đầu tư quá dàn trải, nhân lực kém chất lượng, lãng phí… : Các nguyên nhân thất bại
Về các nguyên nhân nội tại hàng đầu khiến Northvolt sụp đổ, nhiều nhà quan sát ghi nhận là do hãng đã đầu tư ồ ạt và quá dàn trải đối với « toàn bộ chuỗi giá trị của bình điện » (toute la chaîne de valeur de la batterie), từ khâu nguyên liệu đến khâu sản xuất cũng như tái chế, điều khiến công ty « bị phân tán năng lực và tiền rót vào bao nhiêu cũng không xuể » (Les Echos). Nhà báo Richard Milne, phụ trách Văn phòng Bắc Âu và vùng biển Baltic của Financial Times, kể lại không khí tại công ty sau khi khánh thành nhà máy đầu tiên năm 2022 :

« Họ quyết định sẽ sớm xây dựng nhà máy thứ hai tại Thụy Điển trong một liên doanh với Volvo Cars. Họ cũng muốn xây dựng nhà máy thứ ba tại Đức và nhà máy thứ tư tại Canada. Đồng thời, họ có một nhà máy lưu trữ năng lượng tại Ba Lan, một liên doanh tái chế với công ty Hydro của Na Uy. Như vậy, họ đang phải cố gắng thực hiện cùng lúc nhiều dự án lớn. Tôi có cảm giác rằng họ đang cố gắng gần như là chạy đua để có một loạt dự án trước khi bắt tay xem xét kỹ từng dự án. Họ cứ khẳng định họ có thể làm được mọi thứ ».

Vào thời điểm Northvolt bên bờ sụp đổ, nhà báo Richard Milne cùng đồng nghiệp đến tận công ty trực tiếp tìm gặp các nhân chứng, và rút ra một số kết luận như sau:

« Lý do trước hết là Northvolt đã thuê một ban quản lý kém cỏi. Rất nhiều người, và đặc biệt là ở cấp trung, thực sự không biết đủ về những gì họ đang làm. (…) Vì vậy, các kỹ sư bình điện người Nhật hoặc Hàn Quốc đảm nhiệm các chức vụ cấp cao nhất, nhưng bên dưới họ, có hàng nghìn vị trí khác và như chúng ta biết, ở châu Âu, người ta không có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Vì vậy, công ty phải tuyển dụng rất nhiều nhân lực quản lý cấp trung, có thể có kinh nghiệm về nhà máy, hoặc có thể có kinh nghiệm về ô tô, nhưng lại không có kinh nghiệm sâu sắc về bình điện như người châu Á.

Vấn đề thứ hai là tiêu chuẩn an toàn kém. Hiện tại, như chúng ta thấy, điều này đã được biết đến với những cái chết thương tâm như vào năm 2023. Vấn đề thứ ba là rất nhiều máy móc, mà tôi thấy khi tham quan một nhà máy Norvolt vào năm 2022, đến từ các công ty Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Northvolt khá phụ thuộc, thậm chí có thể nói là phụ thuộc quá mức, vào những máy móc đó. Một số máy móc chủ yếu mà họ sử dụng cần đến rất nhiều kỹ sư Trung Quốc và Hàn Quốc có mặt tại chỗ để lắp đặt và vận hành. Và họ dường như đã phải ở đó trong một thời gian rất dài. (…)

Vấn đề thứ tư : Đây là một công ty có quá, nhiều tiền nhưng lại không có cách thức để giới hạn việc sử dụng tiền, có thể gọi đó là « sử dụng sai vốn ». Công ty đã đốt tiền một cách không cần thiết. Họ đã trả quá nhiều cho các nhà cung cấp để hoàn thành mọi việc ngay trong ngày hôm nay, trong khi lẽ ra có thể giảm một nửa số tiền chi ra, nếu chấp nhận đợi thêm một tuần hoặc lâu hơn. Có nghĩa là công ty đã muốn hoàn thành mọi việc theo thời hạn không thực tế, chỉ là để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, thay vì làm đúng cách ».

Nhu cầu thị trường, giá cả : Những dự báo chiến lược sai lầm
Ông Michael Barnard, một chuyên gia về chiến lược chuyển đổi năng lượng sang kinh tế xanh (TFIE), ghi nhận việc Northvolt đã dự đoán sai về nhu cầu thị trường, giá cả hàng hóa và đánh giá thấp sức mạnh của Trung Quốc. Theo ông, công ty Thụy Điển đã dự đoán thị trường bình điện sẽ rất thiếu hàng trong những năm tới. Tình hình là hoàn toàn ngược lại : Trung Quốc đã mở rộng quy mô sản xuất « gấp năm lần » so với dự đoán của Northvolt.

Theo Michael Barnard, công ty cũng đã dự đoán là giá bình điện sẽ tăng cao, vì vậy « đã không nỗ lực để cắt giảm chi phí sản xuất ». Vị chuyên gia này so sánh là cùng loại nhà máy, nếu do Northvolt xây dựng sẽ tốn 15 tỷ đô la, còn nếu do các công ty Trung Quốc như CATL hay BYD xây dựng tại Trung Quốc, chỉ tốn 1,5 tỷ đô la, hoặc chỉ khoảng 3 tỷ đô la nếu xây dựng trên đất phương Tây.

Hướng đến tự chủ bình điện ô tô: Lối thoát nào cho châu Âu ?
Về « những bài học sau thất bại của Northvolt », theo tuần báo Anh The Economist, công ty Thụy Điển mắc các sai lầm tương tự như tập đoàn Mỹ Intel, công ty sắp nhận được 7,9 tỉ đô la tài trợ của nhà nước, nhưng vẫn không thể bắt kịp Nvidia và TSMC, những công ty dẫn đầu ngành bán dẫn. Lý do là chủ yếu là vì công ty đã chi nhiều cho các đột phá trong nghiên cứu, nhưng không tìm ra được cách thương mại hóa.

Theo tuần báo kinh tế Anh, để khắc phục khoảng cách tụt hậu rất xa với Trung Quốc cũng như một số đối tác châu Á khác (như Hàn Quốc và Nhật Bản), châu Âu và kể cả Mỹ cần chấp nhận để các công ty hàng đầu của châu Á trong lĩnh vực bình điện mở nhà máy tại đất nước mình, để qua đó học hỏi các công nghệ tiên tiến nhất, « tương tự như châu Á trước đây đã từng chào đón các công ty xuất sắc nhất của phương Tây ».

Liên Âu không thể từ bỏ chính sách hướng đến gia tăng tự chủ về bình điện ô tô, một trụ cột trong chính sách chuyển sang kinh tế Xanh, và « tự chủ chiến lược » của khối. Một trong những chính sách đầu tiên được Ủy Ban Châu Âu đưa ra những ngày đầu của nhiệm kỳ mới đầu tháng 12/2024 là dự án hàng tỉ euro khuyến khích các doanh nghiệp châu Âu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực bình điện ô tô, về nguyên liệu thô, về linh kiện (đặc biệt là cathode và anode).

Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến liên doanh với Trung Quốc tiếp tục được khởi sự. Tập đoàn xe hơi Pháp – Ý – Mỹ Stellantis, đứng thứ hai châu Âu, hôm 09/12, thông báo kế hoạch xây dựng tại Tây Ban Nha một nhà máy bình điện LFP giá rẻ với đối tác Trung Quốc CATL, số một thế giới, với tổng trị giá hơn 4 tỉ euro. Theo báo Anh Financial Times, Liên Âu cũng đang có kế hoạch thúc đẩy các « chuyển giao công nghệ » tân tiến từ phía Trung Quốc trong lĩnh vực bình điện ô tô, đổi lấy các tài trợ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc (Global Times) ngay lập tức kêu gọi các công ty Trung Quốc không nhân nhượng trong lĩnh vực này.

Không có nhận xét nào: