Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Vị tổng thống của Thuyền Nhân 100 tuổi đã ra đi - Giao Chỉ, San Jose.


Chiều nay, Chủ nhật 29 tháng 12 năm 2024, chị Thái Hà từ Canada gọi điện thoại cho bác Lộc. "Bác ơi, ông già đi rồi.” Tôi biết là chị nói đến ông Carter. Vị Tổng thống thứ 39 chỉ ngồi một nhiệm kỳ nhưng thực sự đã đóng trọn vẹn vai trò Tổng thống đến cuối đời. Nếu gọi là ân nhân thì người Mỹ gốc Việt phải nhớ mãi hai vị Tổng thống. Ông Dân chủ Carter và ông Cộng hòa Reagan. Dân thuyền nhân phải nhớ Tổng thống Carter thì dân HO phải biết đến ông Reagan. Lịch sử Hoa Kỳ nói về lòng đoàn kết xây dựng đất nước, phải nói đến tình nghĩa đối xử giữa hai ông đối nghịch khi tranh cử.
<!>
Ông Carter gặp nhiều tai ương trong nhiệm kỳ, từ kinh tế kém đến vụ thất bại tại Trung Đông. Nhà báo chuyên phê bình thiên hạ sự đã chê bai rằng: "Nước Mỹ hết người hay sao mà đem ông bán đậu phọng ở Atlanta đi đấu với anh tài tử hạng B của Hollywood?" Sự thật không đáng tiếc. Ông tài tử cao bồi Reagan đã trở thành vị Tổng thống lừng lẫy, xóa bỏ bức tường Berlin và chiến thắng Liên Xô trong chiến tranh lạnh với những vì sao. Riêng ông Carter thì thành tích thời cựu Tổng thống huy hoàng không ai sánh kịp. Ông là sứ thần của nền hòa bình thế giới. Ông cũng là tay thợ tình nguyện xây nhà cho người vô gia cư. Công tác Tổng thống chỉ có 4 năm nhưng cuộc đời làm công tác cựu Tổng thống kéo dài 15 năm, rồi đến đoạn cuối ông một mình chiến thắng bệnh ung thư để đi đến cột mốc 100 tuổi. Tiếc thay chỉ còn hai ngày nữa là ông bước vào 2025, năm để lại ý nghĩa đặc biệt của người Việt tại Hoa Kỳ.

Nói đến ông Carter, dân Việt phải nhớ đến câu chuyện buổi tối trời mưa có đám người biểu tình trước Bạch Cung. Tổng thống trên lầu ngó xuống và hỏi lý do. Ngài bèn ra lệnh cho hải quân thấy thuyền là vớt ngay. Lại cho vài tuần dương hạm chạy ngang biển Đông đón thuyền nhân. Ôi thôi. Dân Sài Gòn nghe đài ngoại quốc được tin tàu chiến Mỹ đón ngay ngoài khơi bèn thi đua lao ra biển. Ngài Carter còn vận động cả thế giới nâng cấp số nhận thuyền nhân.

Sau này, nghe tin San Jose có Viện Bảo tàng Thuyền Nhân và VNCH, ông Carter đã về hưu bên đích thân từ ngôi nhà nhỏ bé ở Georgia, ra đi hơn 100 dặm lên thư viện Carter đọc bài văn TV thành tích thuyền nhân, khen ngợi IRCC và giám đốc Vũ Văn Lộc. Phải chăng thời gian đã thu xếp cho ông ra đi đúng lúc thành phố này tạm đóng cửa Museum như là tưởng niệm

Thực may mắn và đáng hãnh diện là vào ngày 1 tháng 9-2024 một phải đoàn nhân sĩ từ Nam Bắc California đã phối hợp tham dự ngày Carter tại thư viện Atlanta ghi dấu thành tích của vị Tổng thống thứ 35. Phải đoàn có quay phim phỏng vấn mọi người, gồm cả vị con trai của Tổng thống. Cô Thái Hà đại diện IRCC/Museum và các thành phần khác nhau trong phái đoàn đã trao nhiều tặng phẩm cho thư viện Carter kèm theo 10 ngàn mỹ kim cho quỹ học bổng.

Có thể nói đây là hành trình may mắn duy nhất của người Việt dành cho vị ân nhân của thuyền nhân. Chúng tôi ước mong 30 tháng tư năm 2025 có đủ duyên nợ và phương tiện mời vị con trai của Tổng thống Carter và con gái của Tổng thống Reagan về San Jose. Chúng ta sẽ có ông tướng gốc thuyền nhân trao quà cho gia đình Carter. Chúng ta sẽ có bà đại tá con HO trao quà cho gia đình Reagan. Trong các di sản của các gia đình cựu tù nhân chính trị ra đi năm 1993, lạ lùng thay có người gửi đến Việt Museum một thùng hành lý gốc của tổng kho Long Bình. Phía ngoài ghi rằng cảm ơn Tổng thống Reagan và bà Khúc Minh Thơ. Gia đình chúng tôi đem đi tất cả mọi thứ trong một thùng lính Mỹ để lại tại kho Long Bình chúng tôi mua được. Chỉ tiếc rằng không đủ chỗ để đem theo cái cột đèn các con vẫn ngồi học ban đêm.

Ôi, ông Carter và Reagan, chúng tôi nhớ ơn quý vị biết bao. Phải nhìn thấy ngôi nhà nhỏ bé của gia đình Carter mới biết ông bà là vị Tổng thống liêm khiết. Phải thấy hình Carter và Reagan bên nhau mới biết thế nào là chính trị Hoa Kỳ, cùng đoàn kết để xây dựng non sông.

2 Cựu Tổng thống Jimmy Carter là ‘ân nhân’ của người Việt tị nạn

Cựu tổng thống Jimmy Carter đã giúp hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam đến Mỹ và thiết lập nền tảng để Mỹ tiếp đón người tị nạn về sau mà nếu không có ông thì đã có biết bao nhiêu thuyền nhân Việt chết trên biển, những người nắm rõ vấn đề trong cộng đồng Việt Nam cho biết.

Ông Carter là tổng thống Mỹ thứ 39 từ năm 1977 cho đến năm 1980, những năm đầu tiên sau cuộc chiến ở Việt Nam. Sức khoẻ ông trở nên rất yếu ở tuổi 98. Ông được đưa về nhà riêng ở bang Georgia để sống những ngày cuối đời trong an bình bên cạnh người thân.

Cựu tổng thống Carter qua đời ngày 29 tháng 12, 2024, ở tuổi 100.

Đây cũng là lúc cộng đồng Việt ở Mỹ tưởng nhớ đến những công lao của ông trong việc giúp đỡ người Việt tị nạn khi ông còn là tổng thống.

‘Hành động can đảm’

Giáo sư Lê Xuân Khoa ở bang California, người từng đứng đầu một trung tâm tư vấn về chính sách đối với người tị nạn dưới thời Tổng thống Carter, nói với VOA rằng ‘tất cả người Việt tị nạn đều nhớ ông Carter là một ân nhân’.

Ông Khoa nhắc lại lịch sử là vào năm 1979 khi mà làn sóng thuyền nhân Việt Nam ồ ạt đổ đến các nước đông nam Á, ‘đã có nhiều tàu tị nạn bị kéo trở lại ra biển và còn dọa bị bắn khiến cho nhiều người tị nạn đã chết’.

Khi đó cộng đồng quốc tế đã triệu tập hội nghị về người tị nạn ở Geneva và ông Carter đã là nguyên thủ đầu tiên cam kết tăng số người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận từ 7 ngàn lên 14 ngàn người một tháng, tổng cộng 168 ngàn người một năm, ông Khoa kể lại những con số mà ông ‘nhớ rất rõ’.

“Từ xưa đến nay chưa bao giờ có vị tổng thống nào chấp nhận cho người tị nạn hay di dân vào nước Mỹ nhiều như vậy,” ông nói.

Ngoài ra, ông Carter còn kêu gọi các nước tạm dung người Việt tị nạn tiếp tục tiếp nhận và các nước Âu-Mỹ theo gương Mỹ để nâng con số tiếp nhận lên, cũng theo lời kể của ông Khoa.

Theo nhận định của giáo sư này thì nếu không có hành động đó thì ‘chắc chắn dân tị nạn Việt Nam đã bị đuổi về hết và các trại tị nạn cũng sẽ bị đóng cửa’.

Ông đánh giá hành động này của ông Carter là ‘rất can đảm’ trong bối cảnh tình hình chính trị và thái độ người dân Mỹ lúc đó rất bài xích dân tị nạn Việt Nam.

“Đó là hành động rất can đảm của ông Carter bằng cách giải thích cho dân chúng Mỹ rằng truyền thống nước Mỹ là tiếp nhận tị nạn, là yêu giá trị tự do dân chủ, bằng cách giải thích rằng những người tị nạn là những người đã bỏ nước ra đi, bỏ tất cả sự nghiệp và tài sản để chạy trốn cộng sản.”

“Vì thế mà dân chúng Mỹ, các chính trị gia và Quốc hội đã lắng nghe ông và đồng ý cho ông tăng số lượng tiếp nhận người tị nạn lên,” ông nói thêm.

‘Tấm lòng lương thiện’

Khi được hỏi lý do tại sao ông Carter lại có hành động như vậy, ông Khoa cho rằng ‘có thể ông Carter không phải là chính trị gia giỏi về chính trị, nhiều thủ đoạn tranh giành với người khác nhưng bản chất ông ấy là người hiền lành, lương thiện’.

“Không ai chối cãi được ông ấy là người tôn trọng tự do, nhân quyền, bảo vệ dân chủ ở Mỹ và các nước khác,” ông cho biết. “Nếu không phải Tổng thống Carter thì tôi cũng không dám nghĩ rằng các tổng thống khác nếu có lòng tốt cũng sẽ không dám làm mạnh đến như vậy.”

Theo phân tích của ông thì các chính trị gia khác sẽ ‘cân nhắc nặng nhẹ về chính trị nhiều hơn chứ không đặt nặng về nhân đạo’ nên ‘cũng có thể sẽ gia tăng con số người tị nạn’ nhưng ‘sẽ không thể nào làm mạnh dạn và một cách tha thiết như ông Carter được’.

Ông chỉ ra Tổng thống Gerald Ford, người tiền nhiệm của ông Jimmy Carter, cũng giúp đỡ người tị nạn Việt Nam rất nhiều ‘nhưng vì lý do chính trị nhiều hơn lý do nhân đạo’ vì, theo lý giải của ông, Đảng Cộng hòa của ông Ford ‘có sự mặc cảm vì nước Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa’.

Sau nhiệm kỳ của ông Carter một thời gian thì nước Mỹ lại có phong trào ‘compassion fatigue’ tức là ‘mệt mỏi tình thương’ đối với người tị nạn trước tình trạng ‘dân tị nạn Việt kéo qua Mỹ quá đông và kinh tế Mỹ cũng khủng hoảng nên họ đòi chấm dứt tiếp nhận tị nạn’, cũng theo lời kể của Giáo Sư Khoa.

Đóng góp lớn thứ hai của ông Carter theo ông Khoa là giúp thông qua Đạo luật Tị nạn năm 1980 mà ông đánh giá là ‘đạo luật tị nạn đầu tiên của nước Mỹ có giá trị cho đến giờ và là nền tảng để cho nước Mỹ thâu nhận người tị nạn’, trong đó có những chương trình quan trọng đối với người tị nạn Việt Nam như HO và OPD (Ra đi có trật tự).

Ông cũng chỉ ra là bà Rosalynn Carter, phu nhân của ông Carter, là người đã đứng ra vận động gây quỹ viện trợ nhân đạo cho người tị nạn. Ông ca ngợi lòng nhân hậu của ông bà Carter sau khi về hưu vẫn đi vận động khắp thế giới để xây cất nhà cho người nghèo, trong đó có người nghèo ở Việt Nam.

‘Hy sinh lớn’

Cùng nhận định với ông Lê Xuân Khoa, nhạc sỹ Nam Lộc, người có hơn 40 năm làm công việc giúp đỡ người tị nạn và được cơ quan di trú Mỹ (USCIS) phong làm ‘Đại sứ quốc tịch’ hồi năm 2022, cho biết rằng giai đoạn Tổng thống Jimmy Carter nắm quyền cũng là lúc ‘người tị nạn Việt Nam ra đi đông nhất’.

Ông dẫn ra số liệu cho thấy vào năm 1977 khi ông Carter mới bước vào Nhà Trắng chỉ có gần 16 ngàn thuyền nhân, nhưng qua đến hai năm 1978 và 1979 thì con số này đã tăng vọt lên lần lượt là 87 ngàn và 203 ngàn. Đến năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Carter con số thuyền nhân Việt Nam còn 71 ngàn và đến sau đó thì ‘đã giảm đi rất nhiều’.

Theo lời ông Nam Lộc thì khi ông Carter vừa lên cầm quyền, ông ‘đã chứng kiến những hình ảnh thảm khốc của người Việt tị nạn chết trên biển’ nên đã ra lệnh cho hải quân Mỹ ‘cứu vớt người tị nạn Việt Nam’.

“Nếu không có sự can thiệp của ông đối với thế giới, nếu ông không ra lệnh cho các chiến hạm của Mỹ và của hải quân Mỹ cứu vớt người Việt trên Biển Đông thì có lẽ hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên Biển Đông,” ông nói.

Việc ông tăng gấp đôi con số người tị nạn được Mỹ tiếp nhận khiến ông chịu sự chống đối rất nhiều, cũng theo lời ông Nam Lộc.

“Có thể nói sự hy sinh rất lớn của ông là khiến ông bị thất cử nhiệm kỳ hai,” ông Lộc nhận định. “Nhưng ông không có điều gì ân hận bởi vì tôi nghĩ ông cảm thấy ông đã làm đúng lương tâm là cứu với hàng trăm ngàn người trên Biển Đông.”

Ông nói chính bản thân ông khi đó làm việc trong lĩnh vực tị nạn ‘cũng đã gặp rất nhiều sự chống đối ở các thành phố mà ông làm việc’ và Quốc hội Mỹ lúc đó cũng đã lên tiếng phản đối những chính sách tị nạn của ông Carter vì nó quá tốn kém ngân sách của nước Mỹ.

‘Chính khách khác biệt’

Nhạc sỹ Nam Lộc có cùng nhận định với giáo sư Lê Xuân Khoa là ông Carter là ‘một chính khách khác biệt’. Ông nói: “Ông Carter là một trong những người Hoa Kỳ thuần túy có trái tim rộng lượng, biết thương người, yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng tự do nên hy sinh sự nghiệp chính trị của mình.”

Ông chỉ ra bằng chứng là cựu Tổng thống Jimmy Carter đã mang lại hòa bình giữa Israel và các nước Trung Đông và được cộng đồng quốc tế ghi nhận với giải Nobel hòa bình. “Ông được thế giới ngưỡng mộ vì sự nhân bản của mình,” ông Lộc nhận xét về cựu tổng thống.

Ngoài ra, cũng theo ông Lộc, ông Carter còn có công lớn trong việc giúp người Việt tị nạn khi sang đến Mỹ ổn định cuộc sống và hòa nhập vào nước Mỹ. Vào thời điểm đó, dân tị nạn Việt Nam ở Mỹ chỉ ‘trong tình trạng tạm dung’, tức là không được lãnh trợ cấp gì hết.

“Vào năm 1977 người Việt chúng ta được ra một đạo luật đặc biệt để chuyển từ tạm dung sang thường trú nhân. Nếu không có ông Carter thì chúng ta cũng chỉ ở trong tình trạng tạm dung theo đúng chính sách của chính phủ Hoa Kỳ,” ông cho biết.

Chính tấm gương ông Carter, người đã dành cả đời phụng sự cho tha nhân dù là khi đã trên 90 tuổi, là người đã truyền cảm hứng cho ông Nam Lộc cống hiến cho người tị nạn trong suốt 40 năm qua và đến giờ mặc dù đã về hưu nhưng ông vẫn ‘muốn dành thời giờ để phục vụ người tị nạn và tranh đấu cho những người kém may mắn’, ông giãi bày.

“Có thể nói không ngoa rằng ông Carter là người đã thay đổi toàn bộ chính sách và sự đối xử của thế giới nói chung và người dân Hoa Kỳ nói riêng đối với người tị nạn Việt Nam.”

Nhạc sỹ này nói rằng bất chấp những khác biệt về quan điểm chính trị hay đảng phái, ông tin rằng ‘trong lòng những thuyền nhân Việt Nam tử tế luôn nhớ ơn đến những người đã giúp đỡ họ’.

Mặc dù cựu tổng thống ‘không bao giờ mong chờ sự tri ân’ nhưng ông Nam Lộc cho rằng cộng đồng Việt Nam ở Mỹ nên ‘gửi lời tri ân đến gia đình cựu tổng thống’ để ‘nhân dân Mỹ biết rằng họ đã có một vị tổng thống vĩ đại’.

‘Mở đường cho tị nạn’

Về phần mình, ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, tổ chức chuyên giúp đỡ người tị nạn Việt Nam, nhắc lại một cuộc biểu tình của người Việt trước tòa Bạch Ốc vào lúc cao điểm cuộc khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam khi mà các nước đông nam Á đẩy tàu tị nạn Việt Nam ra biển khơi.

“Chính Tổng thống Jimmy Carter đã bước ra tận hàng rào bắt tay với người biểu tình, điều mà không có tổng thống nào dám làm,” ông Thắng nói với VOA.

“Có người biểu tình Việt Nam đã nói rằng: ‘Ngài Tổng thống ơi, xin hãy cứu đồng bào chúng tôi. Ông Carter đã trả lời rằng ‘Được, hãy để tôi suy nghĩ’,” ông Thắng kể.

Chỉ vài ngày sau đó, ông Carter ra lệnh các tàu bè Mỹ đón hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đến Mỹ định cư. Việc này đã làm giảm áp lực cho các nước tạm dung để họ tiếp tục nhận thuyền nhân Việt Nam vào các trại tị nạn, cũng theo lời vị giám đốc này.

Ông Thắng đặc biệt nhấn mạnh đến đạo luật Tị nạn năm 1980 mà ông cho là đã mở đường cho các công việc giúp đỡ người tị nạn của ông đến tận bây giờ.

“Trước đó Hoa Kỳ không có chính sách tị nạn. Sau này Hoa Kỳ mới có chính sách tị nạn rõ rệt. Đó là công lao của Tổng thống Carter và Quốc hội bấy giờ.”

Theo ông thì nếu không có Tổng thống Jimmy Carter thì cộng đồng Việt Nam ở Mỹ ‘chỉ có quy mô rất nhỏ’.

Ông cũng chỉ ra ông Carter đã thay đổi ý thức của chính phủ Mỹ trong việc đối xử với người tị nạn đã đến Mỹ. Lúc người Việt mới di tản sau năm 1975 nước Mỹ ‘không có chương trình của chính phủ để giúp đỡ họ’, tức là không có trợ cấp và những dịch vụ cho người tị nạn mà chỉ có những cơ sở tư nhân đứng ra giúp đỡ.

“Đến thời ông Carter mới có chương trình của chính phủ Mỹ nhận đây là trách nhiệm của chính phủ liên bang,” ông Thắng nói và chỉ ra các trợ giúp như cấp chỗ ở, cho tiền thuê nhà, dạy lái xe, cấp thẻ xanh và nhập tịch sau một thời gian...

Ông kể lại một kỷ niệm là khi chương trình đánh dấu 30 năm người Việt ở Mỹ được tổ chức thì ban tổ chức có gửi thư mời đến vợ chồng ông Carter thông qua tổ chức Carter Foundation.

“Ông Carter có gửi thư trả lời nói rằng ông xin lỗi vì ông rất kẹt nên không tham dự được và gửi lời chào đến cộng đồng người Việt,” ông kể. “Đó là một tổng thống rất khiêm nhường. Chúng tôi không nghĩ rằng sẽ nhận được thư hồi đáp do chính ông viết, xin lỗi và ký tên.”

Thư mời gửi cho ông Carter đó, ông Thắng cho biết, có nêu lên lòng biết ơn của người Việt tị nạn đối với ông. Ông cho rằng ‘chắc chắn cộng đồng Việt Nam có món nợ ân tình với ông Carter’.

Theo lời ông thì cộng đồng người Việt ‘nên vinh danh một vị tổng thống nhân từ không thể chối cãi kể cả những người thuộc đảng đối lập với ông Carter’.

“Sự khác biệt về chính kiến là rất bình thường ở Hoa Kỳ. Chúng ta có thể không đồng ý với ông Carter ở một số chính sách chẳng hạn nhưng chúng ta không thể phủ nhận những việc làm nghĩa ích, nhân đạo, tấm gương sống nhân từ của Tổng thống Carter và bà Carter,” ông Thắng nói.

Ông Jimmy Carter, hồi 98 tuổi, đã rời bệnh viện về nhà sống những ngày cuối cùng. Ông qua đời hôm nay, 29 tháng 12, 2024. Ông là vị tổng thống Mỹ thọ nhất và sống một đời an vui, như Khổng Tử nói, “Người trí sống vui, người nhân sống thọ” (Trí giả lạc, nhân giả thọ, Luận Ngữ, VI, Ung Dã). Ông là người đáng được các thuyền nhân Việt Nam nhớ ơn.

Carter có đức tin rất mạnh, ông thường đến dạy giáo lý ở nhà thờ. Khi ra tranh cử năm 1976, ông nói với các cử tri: “Tôi sẽ không bao giờ lừa dối quý vị.” Có người đùa rằng ông nói như thế là mất hết phiếu của những người nói dối! Nhưng ông đắc cử, sau khi, qua thời Tổng thống Richard Nixon, dân Mỹ đã phải nghe quá nhiều chính trị gia nói dối. Phó tổng thống của ông, Walter Mondale nói rằng đối với Carter việc dùng thủ đoạn chính trị để kiếm phiếu là một điều nhơ bẩn, “Nếu muốn Carter làm một dự án nào mà nói rằng cái này rất lợi về chính trị, thì chắc ông sẽ bác bỏ.”

Làm việc chăm chỉ không phải là đức tính quan trọng nhất của người lãnh đạo quốc gia, nhưng ông Carter làm việc 12 giờ, đọc 200 trang tài liệu mỗi ngày. Và ông đã làm được nhiều việc đáng kể. Ông giúp Israel và Ai Cập giải hòa ký thỏa ước hòa bình Camp David, từ đó hai nước không còn đánh nhau nữa. Ông ký thỏa ước SALT II với Nga kiểm soát vũ khí nguyên tử, một bản thỏa ước mới bị ông Vladimir Putin xóa bỏ. Ông là vị tổng thống đầu tiên, trong bang giao quốc tế, nhấn mạnh đến điều kiện tôn trọng nhân quyền. Ông cũng cải tổ chính sách di dân.

Người Việt Nam tị nạn cộng sản biết ơn Jimmy Carter. Sau 30 tháng 4 năm 1975, hàng trăm ngàn người Việt chạy trốn chế độ cộng sản. Trong 2 năm cuối của Tổng thống Gerald Ford, Hoa Kỳ đã thâu nhận khoảng 150.000 người tị nạn. Đại tá Vũ Văn Lộc ở San Jose, ký tên Giao Chỉ, từng kể lại, ngày 5 tháng 7 năm 1978, Tổng thống Carter kêu gọi các tàu Mỹ, dân sự cũng như quân sự, đang có mặt tại Thái Bình Dương thì phải vớt thuyền nhân Việt Nam chạy trốn chế độ cộng sản. Ông đã quyết định cứu người vượt biển mặc dù đa số dư luận dân Mỹ lúc đó không muốn.

Năm 1979, “Báo Time đã ghi nhận có đến 300 ngàn người chết trên đường vượt biển. Đã có 65 quốc gia tiếp nhận nhưng … thuyền nhân còn tràn ngập các trại tỵ nạn.” Các nước Đông Nam Á không muốn chịu gánh nặng này, “443 người đến Hồng Kông, Macao, bị cảnh sát kéo ra biển, gặp trận bão Hope chết không còn người nào.” Giao Chỉ viết, “Dân Việt kéo về Hoa thịnh Đốn thắp nến cầu nguyện trước tòa Bạch Cung. Nước mưa hòa trong nước mắt nhỏ giọt xuống những ngọn nến lung linh. Những linh mục và những thượng tọa đi lại đọc kinh suốt đêm.”

Trước cảnh đó, Tổng thống Jimmy Carter ký “Đạo Luật Người Tị Nạn,” (Refugee Act of 1980) do Nghị sĩ Edward Kennedy đề ra để nước Mỹ nhận người tị nạn dễ hơn trước. Đạo luật thông qua ngày 17 tháng 3, 1980, sửa đổi “Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch,” và các thủ tục trong “Đạo luật Hỗ trợ người Tị nạn và Di dân” năm 1962. Ông tăng ngân khoản giúp người tỵ nạn Việt Nam từ 7 ngàn lên 14 ngàn một tháng. “Họ sẽ được đối đãi tử tế theo từng trường hợp và thủ tục tị nạn dễ dàng để quyết định nơi nào họ muốn đến!” Và, “Sở Di Trú và Nhập Tịch, sẽ hỗ trợ tối đa các chuyến đi của họ, đến các trại tị nạn, giúp họ khi chọn tái định cư tại Mỹ!”

Tin tức về tàu Mỹ vớt thuyền nhân bay về Việt Nam, thêm nhiều người vượt biển trong những năm 1979, 80, dù ai cũng biết những tai nạn, bão tố, hải tặc, dù hàng trăm ngàn người đã chết trên biển. Số lượng “thuyền nhân,” gia tăng mạnh, họ cập bến các nước Thái Lan, Malaysia, Hồng Không, Indonesia, Úc và bị đuổi, nhiều nơi đã kéo các chiếc thuyền mong manh của người tỵ nạn ra ngoài đại dương.

Do lệnh của Tổng thống Carter, thuyền trưởng tất cả các tàu Mỹ, có thể cam kết với chính quyền tại những hải cảng đó rằng, Sở Di Trú và Nhập Tịch Mỹ sẽ nhanh chóng sắp xếp cho những người tị nạn nhanh chóng đến nơi định cư. Những con tàu Tình Thương từ nhiều quốc gia, Pháp, Đức, Đan Mạch… ra khơi, tổng cộng đã vớt được trên 3 ngàn thuyền nhân. Nếu không có ông Carter ra lệnh cứu vớt và thâu nhận họ vào Mỹ định cư, thì chắc chắn không có phong trào này!

Khi gặp thủ tướng Israel, Manachem Begin, ở Camp David, ông Carter cũng nhắc đến tình trạng thuyền nhân Việt Nam, so sánh với cảnh những người Do Thái tị nạn trước đây. Giao Chỉ kể, “Tháng 10 năm 1979, một tàu Israel trên đường đi Nhật đã cứu 60 thuyền nhân. Thuyền trưởng nói rằng các bạn phải cảm ơn ông Carter.”

Do lệnh của ông Carter cho bộ quốc phòng, Đệ thất hạm đội dành 5 tuần dương hạm để cứu thuyền nhân. Tháng 6, 1988 chiến hạm Mỹ USS Dubuque gặp một con tàu tị nạn đi từ Bến Tre, sau 19 ngày lênh đênh trên biển, nhưng chỉ tiếp tế nước và thực phẩm, không cứu và không báo cho tàu khác cứu vớt. Ông hạm trưởng tàu USS Dubuque đã bị đưa ra tòa án quân sự. Con thuyền Bến Tre trôi dạt 37 ngày, từ 110 người chỉ còn sống 52 người; sau được tàu đánh cá Philippines cứu đưa về đảo Bolinao.

Theo con số của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (UNHCR), khoảng gần nửa triệu người đã chết trên thuyền vượt biển. Tổng thống Carter đã gởi Phó Tổng thống Walter Mondale sang Geneva, Thụy Sĩ để họp cùng Cao Ủy Tị Nạn và các nước khác bàn việc giúp đỡ thiết thực người tị nạn Việt Nam. Cao Ủy Tị Nạn đã thay mặt Hoa Kỳ, thương lượng với Hà Nội, để bắt đầu chương trình tái định cư ODP, cùng các chương trình HO, con lai về sau này.

Tháng 8 năm 1979, để thuyết phục dân Mỹ, Tổng thống Carter nói trong một cuộc gặp gỡ hơn 2,000 người: “Cho tôi nhắc với quý vị rằng, Hoa Kỳ là một quốc gia của di dân. Cha ông chúng ta là di dân! Chúng ta là một quốc gia của những người tị nạn. Những người tị nạn Việt Nam từng là đồng minh của chúng ta, trong cuộc chiến tranh Việt Nam chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Họ đang chạy trốn khỏi một xứ đã tước đi tất cả các quyền căn bản của họ. Họ tin vào giá trị, khả năng của mỗi người, cùng sự tự do cá nhân.”

Sinh năm 1924 tại tiểu bang Georgia, Tổng thống Jimmy Carter tốt nghiệp kỹ sư tại Học Viện Hải quân, phục vụ tại các hạm đội Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Năm 1963, ông đắc cử vào Thượng viện Georgia, năm 1971, ông đắc cử thống đốc và từ năm 1977 ông làm tổng thống.

Ông Jimmy Carter gặp rất nhiều điều không may mắn trong hai năm sau cùng. Chiến tranh Iran-Iraq làm giá dầu lửa tăng lên 120%, gây nạn lạm phát khắp thế giới, tại Mỹ lên tới 14.6%. Dân Iran biểu tình chiếm tòa đại sứ Mỹ, bắt con tin. Liên Xô tấn công chiếm đóng Afghanistan. Năm 1980 ông thất cử. Nhưng nhờ các chính sách của ông Paul Volcker, do ông Carter bổ nhiệm làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương (Federal Reserve), lạm phát đã chấm dứt khi Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức và kinh tế bắt đầu hồi phục từ năm 1982.

Sau khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Carter trở về thị trấn Plains, nơi ông làm chủ một trang trại trồng đậu phộng. Ông sống giản dị trong một ngôi nhà hai phòng ngủ trị giá $167.000 đô la, sau mỗi bữa ăn vẫn tự rửa chén, mỗi Chủ Nhật lại đi dạy giáo lý ở nhà thờ.

Ngày 15 tháng Bảy năm 1979, ông Carter đọc một bài diễn văn vẫn còn đáng đọc lại. Ông than rằng, “Trong một quốc gia xưa nay vẫn tự hào là chăm chỉ làm việc, gia đình vững chắc, xóm làng đoàn kết, và lòng tin vào Thượng Đế, bây giờ nhiều người trong chúng ta chỉ lo thỏa mãn cho mình và tôn thờ việc tiêu thụ. Con người không còn được thẩm định qua các việc mình đã làm mà qua những gì mình sở hữu.” Ngày nay, có thể thấy đó cũng là một lời tiên tri.

Ngô Nhân Dụng

3 Tổng Thống Carter, người ký đạo luật thay đổi ‘số phận’ người Việt tị nạn

December 29, 2024 : 5:20 PM
Last update: 13 hours ago | Copyright: Nguoi Viet News, Inc.

Lời Tòa Soạn: Dưới đây là bài phát biểu của Tổng Thống Jimmy Carter vào ngày 28 Tháng Mười, 1977, trước khi ký ban hành Đạo Luật HR 7769, cho phép những người Đông Dương (Việt Nam, Lào, và Cambodia) được thay đổi tình trạng “tạm dung” để trở thành “thường trú nhân,” chính thức định cư tại Hoa Kỳ, và là bước khởi đầu để họ được nộp đơn thi quốc tịch Mỹ.

Chào buổi sáng mọi người.

Hôm nay là một trong những ngày và là một trong những dịp mà đất nước chúng ta cố gắng tốt nhất để tiến về phía trước. Một trong những điều khó nhất đối với một quốc gia mạnh mẽ và đầy tự hào phải làm là thừa nhận sự cam kết của mình đối với một nguyên tắc chính trị khó khăn, ví dụ như cuộc đấu tranh cho con người.

Tổng Thống Jimmy Carter ký một đạo luật hồi thập niên 1970. (Hình minh họa: Jimmy Carter Presidential Library)

Rất dễ để chúng ta rao giảng luân lý với các quốc gia khác, chỉ trích Nam Phi, chỉ trích Tiệp Khắc, quan tâm đến Đông Âu và Liên Xô, và nói về các tù nhân ở Chile.

Thế nhưng, khi chuyện đó xảy ra với đất nước chúng ta, chúng ta vô cùng tự hào với những thành tích quá khứ và thường là khó cho chúng ta thừa nhận sự cần thiết của lòng thương người cho chính chúng ta.

Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ thấy có bất cứ nhóm người tị nạn nào mà tôi biết, bị chiến tranh ảnh hưởng dữ dội, như những người Việt Nam, Lào, và Cambodia.
Và có những tranh cãi trong nước về việc chấp nhận những người này vào Mỹ.

Họ là những người không biết tiếng Anh, vì nó không phải là tiếng mẹ đẻ của họ. Họ phải tự bươn chải khi mới đến Mỹ, và họ sẽ phải học ngôn ngữ, học nghề, học văn hóa, tìm những việc làm vô cùng cạnh tranh và hiếm hoi.

Thế nhưng, Quốc Hội, một lần nữa, cho thấy chúng ta là một đất nước vĩ đại, không chỉ về quân sự và kinh tế, mà về cam kết thực hiện những nguyên tắc của chúng ta.

Dự luật này của Hạ Viện, mang số 7769, thừa nhận sự biết ơn cũng như sự chịu ơn của chúng ta. Hơn nữa, đây cũng là cam kết của chúng ta giúp người tị nạn có một cuộc sống tốt hơn. Họ là những người từ Đông Nam Á, đã ở đây trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, và cả những người mới đến trong năm nay.

Dự luật này cho họ thêm cơ hội để học ngôn ngữ, học nghề, học văn hóa căn bản, được cố vấn, để tìm việc làm.

Dự luật cũng cho họ quy chế thường trú dân hợp lệ sau hai năm. Hầu hết họ đã ở Mỹ lâu rồi và bắt đầu có thể nộp đơn xin nhập tịch.

Tôi nghĩ dự luật này là một bước tiến lớn. Mặc dù phải mất năm năm mới được xin nhập tịch, dự luật này đặt người tị nạn căn bản là ngang hàng với những người đến đất nước chúng ta để làm lại cuộc đời.

Thêm vào đó, tôi rất mừng là dự luật cung cấp cho chúng ta một phương tiện, với sự hỗ trợ lớn lao của Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại Giao, và chính quyền địa phương, những cơ quan đã cung cấp ngân sách một cách đặc biệt giúp những người tị nạn này.

Và bây giờ, dự luật này tạo ra căn bản tài chính được bảo đảm, để cuối cùng có thể hoàn tất chương trình này, trong lúc những người tị nạn hội nhập vào xã hội chúng ta, và để họ sẽ được chăm sóc một cách đúng mức.

Vì thế, với một niềm hoan hỷ vô cùng lớn, tôi sẽ ký ban hành Dự Luật Hạ Viện HR 7769.
Đây là dự luật cung cấp nhân quyền cho người tị nạn Đông Nam Á.

Tôi xin đặc biệt cảm ơn những thành viên Quốc Hội sau lưng tôi đây. Họ là những người làm việc cật lực cho dự luật này. Tôi không có ý định nêu tên tất cả, nhưng tôi vô cùng biết ơn họ.

Và tôi tin rằng, dự luật này là một ví dụ điển hình, trong tinh thần tốt đẹp, về những gì đất nước chúng ta đại diện.

[Sau đó, Tổng Thống Carter ký ban hành Đạo Luật HR 7769]. (Đ.D.)
——

"Tổng thống Jimmy Carter là vị tổng thống chỉ có một nhiệm kỳ nhưng đã trở thành anh hùng số 1 của thuyền nhân Việt Nam. 

Ông là vị tổng thống can trường đã bị rất nhiều chống đối vì dân chúng không đồng ý chủ trương cứu thuyền nhân và nhận thêm nhiều di dân vào Mỹ. Chúng tôi xin gửi đến quý độc giả liên tiếp 3 bài báo viết về đề tài này để tưởng niệm vị anh hùng 100 tuổi, người có gương can đảm trong chính trường và là một gia đình nông dân bình dân hiền lành tại GA Atlanta. Nếu quý vị đã từng sống trong giai đoạn 75-85- và 95, mới hiểu được thảm kịch thuyền nhân và tin tức về việc hải quân Mỹ cứu người trên biển Đông. Ngày nay, bao nhiêu thuyền nhân được định cư tại Mỹ và trên thế giới nhờ ông Carter. Bao nhiêu thuyền nhân đã được lập hồ sơ đoàn tụ và hồ sơ hôn nhân sống tại Hoa Kỳ. Bao nhiêu là ân tình và hạnh phúc trên quê hương mới do tinh thần nhân đạo của vị tổng thống dám đi ngược lại ý nguyện của dân Mỹ để cứu thuyền nhân. Xin đọc tài liệu của ân nhân để cùng tưởng nhớ tấm lòng của tổng thống Carter. 

Chúng tôi s dành hết tháng 1-2025 để đón chào quý vị đến Viet Museum để thắp hương tưởng niệm Jimmy Carter. Khu vực này mở cửa mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Ngoài trừ ngày nghỉ lễ 1 tháng 1-2025. Trân trọng kính mời."

Giao Chi San Jose
(408) 316 8393

Không có nhận xét nào: