Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Tản mạn chuyện xe kéo - Trang Nguyên


Người ngựa, ngựa người của Vũ Công Hoan và Tôi kéo xe của Tam Lang, là hai thiên phóng sự kinh điển nói về sự cơ cực của giới phu kéo xe. Tam Lang viết: “… Đối với cái nghề nó nhục quốc thể, chẳng nên cho nó sống dẳng dai… Bỏ xe kéo người lấy xe đạp thay vào ta vẫn để công việc cho anh em phu xe đâu có đấy”. Thế nhưng phải hơn 10 năm sau thì xe kéo mới biến khỏi hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội.
<!>

Tại Hà Nội năm 1940 vẫn còn sử dụng xe kéo (Ảnh: Harrison – Forman)
Xe kéo ở Sài Gòn xuất hiện sau Hà Nội gần 10 năm nhưng lại ngưng hoạt động sớm hơn ở Hà Nội cũng gần 10 năm, đồng thời sự xuất hiện những chiếc xích lô đạp vào giữa thập niên 30 đã nhanh chóng xoá đi hình ảnh của kiếp ngựa người. Thực ra “cái nghề nó nhục quốc thể” đâu chỉ dành riêng cho người phu xe kéo. Trước đó nữa, nghề khiêng cáng, khiêng kiệu cũng chẳng nhục quốc thể lắm sao. Chỉ có điều, thời buổi ngày ấy, không có phương tiện giao thông, việc đi cáng đi kiệu là cách thức phục vụ cho những người có quyền cao chức trọng hay của những người giàu có. Loại hình đi lại thô sơ này đâu chỉ có riêng ở xứ ta mà nhiều nước trên thế giới nhất là ở Châu Á vẫn sử dụng như một phương thức đi lại của người quyền quý, cho dù cỡi ngựa hoặc xe ngựa đã xuất hiện cả mấy trăm năm trước.

Theo tài liệu The Jinrikisha Story của Nhật cho rằng xe kéo có nguồn gốc từ Nhật Bổn vào thời Minh Trị Thiên Hoàng khoảng năm 1868 với ý tưởng bắt nguồn từ những cỗ xe ngựa kéo. Nhưng cũng có những tài liệu ghi nhận là do một nhà truyền giáo người Mỹ đến Nhật Bổn phát minh ra xe kéo vào năm 1869. Tuy nhiên, theo các tài liệu giao thông Tokyo, chính quyền sở tại cấp quyền phát minh và sản xuất cho 3 người Nhật là Izumi Yosuke, Suzuki Tokujiro và Takayama Kosuke vào năm 1870. Đến năm 1872, tại Tokyo đã có khoảng 40 ngàn xe kéo hoạt động như một loại phương tiện giao thông công cộng ở Nhật. Và sau đó, loại xe người kéo này nhanh chóng xuất hiện tại Trung Hoa và các nước Đông Nam Á đến tận Ấn Độ Dương. Cho đến ngày nay Dhaka của Bangladesh vẫn còn được mệnh danh là thủ đô xe lôi của thế giới (một loại biến thể của xe kéo tay thành xe lôi giống như xe lôi đạp ở nước ta).

Theo Hồ sơ SL. 1832, Văn thư lưu trữ Sài Gòn, vào thời gian 1879, người Pháp nghiên cứu thành lập đường xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn, nhân viên công chánh khảo sát số lượng xe qua lại trong một ngày xem mức độ khai thác tuyến xe điện có khả thi hay không thì chỉ thấy ghi nhận số lượng xe kiếng (xe ngựa kéo theo thùng xe có cửa kiếng), xe song mã, xe bò và người cỡi ngựa. Vào thời gian này, xe đạp chưa du nhập vào các nước Đông Dương.


Xe kéo có mặt tại Hà Nội năm 1884 như là một phương tiện giao thông công cộng (Nguồn: HinhanhVN.com)
Mãi đến năm 1888 mới xuất hiện một vài xe kéo (từ Bắc mang vào) và 4 năm sau đó, một người Nhật tên Tokamath xin khai thác độc quyền xe kéo cho “culi” mướn nhưng không được chính quyền Pháp chấp thuận. Chỉ có người Pháp hoặc người Việt quốc tịch Pháp mới được quyền khai thác.

Một số tài liệu khác nghiên cứu giao thông đường bộ Đông Dương cho thấy năm 1920, Sài Gòn có chừng 1000 chiếc xe kéo, là phương tiện di chuyển công cộng thịnh hành nhất thời bấy giờ, vì xe thổ mộ đến năm 1929 mới xuất hiện. Xe kéo giá rẻ, chỉ có những người giàu có, quyền thế sử dụng để đi bát phố, nhìn ngắm thiên hạ, ngồi trong xe kiếng bít bùng hay xe hơi thì có ai biết mình. Những câu chuyện về Bạch công tử và Hắc công tử ở Bạc Liêu và Mỹ Tho ghi nhận rằng, tuy có xe hơi (năm 1914 xe hơi bắt đầu xuất hiện ở miền Nam), nhưng hai công tử đi đâu trong thành phố vẫn thích dùng xe kéo riêng, ngồi trên ghế nệm xe, tay cầm ba toong, mắt đeo kính đen, miệng phì phèo thuốc lá cho dân đinh chiêm ngưỡng.


Như trên đã nói, xe kéo ban đầu dành phục vụ người giàu nhưng khi những loại xe khác như xe đạp, xe hơi được du nhập vào Đông Dương dần dà xe kéo trở thành phương tiện giao thông cho mọi giới. Những năm cuối thập niên 30, xích lô đã xuất hiện tại Sài Gòn. Đầu thập niên 40 các hãng cho thuê xích lô bắt đầu xoá sổ các nhà cho thuê xe kéo. Giá cuốc xe xích lô rẻ và xe chạy nhanh hơn xe kéo. Đến cuối thập niên 40, đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn có chừng 6,500 chiếc xích lô. Xe kéo không còn khả năng cạnh tranh nên tàn lụi theo quy luật thương trường. Hình ảnh người phu xích lô hoàn toàn thay thế hình ảnh “ngựa người” kéo dài hơn nửa thế kỷ tại Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ.

Trước khi có xe kéo tay, xe kiếng ngựa kéo đã có mặt tại Sài Gòn (Ảnh: Tư liệu)
Trong khi đó ở Hà Nội không có loại xe thổ mộ chỉ có xe trâu, xe bò làm phương tiện đi lại ở nông thôn nên bối cảnh giao thông thời đó không bằng ở Sài Gòn, sức cạnh tranh về phương tiện vận chuyển hầu như không có. Xe kéo và xe điện là hai hình thức vận chuyển công cộng trong thành phố. Năm 1932, “Ở Hà Nội có tới 1,500 người chỉ vì bát cơm mà làm cái nghề kéo người. Bất cứ trời rét hay trời nóng, đang mưa như trút nước hay đang nắng như hun trời, đút đầu qua hai cái càng gỗ, anh em phu xe phải thúc tay co vó, chạy bở hơi tai, mình mẩy nhễ nhại mồ hôi, áo quần ướt như nhúng nước. Họ khó nhọc như thế để kiếm cái gì! – Năm ba xu, một hào, một cuốc. Vừa đúng số tiền để mua ít cơm đút miệng, cái thứ cơm thổi bằng gạo hẩm trộn với ít nước hàng. Ăn để mà sống, ta không cần nói đến cái ăn! Nhưng sống nào đã được yên?” (Tôi kéo xe – Tam Lang).
Ở lứa tuổi tôi, may mắn là hình ảnh chiếc xe “người ngựa” đã biến mất nhưng tôi đã đi xe lôi đạp ở Trà Vinh hồi năm 1969 khi theo ông anh bà con về thăm quê ngoại. Nghe người lớn nói xe lôi đạp xuất hiện tại các tỉnh miền Nam từ những năm cuối thập niên 30. Tôi cho rằng, sáng kiến biến xe kéo thành xe lôi gắn vào xe đạp đáng được cấp bằng phát minh sáng tạo. Xe đạp kéo theo thùng xe đạp nhẹ hơn là đạp xích lô đẩy hành khách về phía trước. Tôi có cảm giác như vậy bởi xe lôi đạp có thể chở 4 người ngồi sau chạy bon bon trên đường, trong khi người phu xe xích lô phải ì ạch, ẹo lưng chở 2 người ngồi trước. Nhất là khi lên dốc, hành khách đành phải xuống xe đi bộ qua cầu. Xe kéo thì vất vả hơn nhiều, người phu xe chạy bộ, muốn dừng phải chạy chậm dần rồi đi bộ. Để dừng hẳn phải dùng sức đôi chân bám xuống mặt đường và đôi tay gồng giữ chiếc xe. Đó là chưa nói chuyện kéo chiếc xe lên dốc hoặc xuống dốc phải dùng sức toàn thân, cả đôi tay và đôi chân. Nguyễn Công Hoan viết phóng sự đặt tựa thật chí lý “Người ngựa, ngựa người” cho 2 nhân vật, người phu kéo xe và cô gái buôn hương đi xe không có tiền trả vào ngày cuối năm.

Xe kéo tại Sài Gòn năm 1931 (Ảnh: Tư liệu)
Tôi có mấy người bạn lớn tuổi đi du lịch ở Nhật về kể chuyện ở Kyoto có xe kéo tay làm du lịch giống như vài thành phố ở Việt Nam người ta dùng xe xích lô chở khách du lịch đi bát phố. Cứ cho rằng, xe kéo xuất xứ từ Nhật và trở thành loại xe truyền thống vận chuyển công cộng hồi xưa nhưng ở một đất nước hiện đại sản xuất ra biết bao nhiêu loại xe hơi tốt nổi tiếng thế giới lại quay về sử dụng xe kéo thì thật lạ, cho dù là làm du lịch. Nhưng khi tôi hỏi mấy ông có bỏ tiền đi xe kéo chơi cho biết không thì có người bảo có. Một cuốc xe còn mắc tiền hơn cuốc taxi.

Người Nhật vốn giữ tính truyền thống, việc dùng xe kéo phục vụ cho khách du lịch cũng là chuyện bình thường cũng như ngay tại New York hay San Francisco, du khách muốn đi xe lôi đạp thì xin mời. Người Mỹ đâu có truyền thống xe lôi nhưng vẫn dùng xe lôi của nước khác tạo nhu cầu đa dạng cho du khách thích đi ngắm cảnh phố phường một cách riêng tư mà không cần dùng xe bus.

Trang Nguyên

Không có nhận xét nào: