Quê nội tôi là một xã hẻo lánh trong tỉnh Thủ Dầu Một. Ɖó là làng Tuy An có ranh giới chung với Dĩ An (1), Bình Hòa, Thuận Giao và Tân Phước (2). Ɖịa danh Tuy An gợi lại nguồn gốc Tuy An thuộc tỉnh Phú Yên ở miền Nam Trung Bộ. Về sau Tuy An và Vĩnh Phú sát nhập lại dưới tên mới là An Phú (Tuy An + Vĩnh Phú). Rừng Cò Mi khét tiếng trong hai cuộc chiến tranh Việt Nam xưa kia thuộc xã Vĩnh Phú. Quê nội tôi là một vùng đất cao không sông, không suối, không đồng ruộng, không có núi đồi hùng vĩ. Làng có nhiều khu rừng chồi. Rừng Cò Mi rộng lối 10km2. Làng có sáu trục lộ nối liên tỉnh lộ Thủ Dầu Một-Biên Hòa, Tân Ba-Tân Uyên, Dĩ An-Quốc Lộ 1, Tân Phước, Thuận Giao-Búng, Bình Hòa-Tân Thới (Lái Thiêu). Về vị trí địa lý An Phú liên hệ đến Gia Ɖịnh, Sài Gòn và Biên Hòa nhiều hơn Thủ Dầu Một (Bình Dương).
<!>
Vấn đề quan trọng trong làng là NƯỚC. Vì nằm trên vùng đất cao, việc đào giếng rất sâu vẫn không có nước. Các anh tôi thường tắm ở mạch Cây Ɖào ở Tân Phước cách nhà lối 2km. Cư dân làng An Phú phải sắm nhiều lu mái vú hay xây hồ để chứa nước mưa xài quanh năm. Giống như người Do Thái, cư dân An Phú rất quí nước. Nước Do Thái có 60% diện tích đất đai là sa mạc khô khan thiếu nước nhưng sa mạc Neguev vẫn phủ thảm xanh thảo mộc. Trường hợp làng An Phú cũng tương tự như vậy. So với các xã lân cận, xã An Phú có nhiều cây cối thiên nhiên và cây ăn trái xanh tươi vừa cho bóng mát và trái cây, vừa thanh lọc không khí.
So với quê ngoại, quê nội tôi có nhiều nét vượt trội. Quê nội có chợ, bến xe ngựa, tiệm nước chú Kiên, tiệm nước Sáu Cử. Thân sinh của Sáu Cử làm việc cho Phủ Toàn Quyền ở Hà Nội. Sáu Cử ăn diện như người Sài Gòn. Ɖầu chải brillantine. Ông mặc áo sơ-mi trắng với quần sọt (short) trắng và mang giày Bata trắng. Ông sống độc thân. Ông có thú vui của người già vui thú điền viên với đàn cá cảnh đầy màu sắc rực rỡ và vài loại chim biết nói tiếng người.
Quanh chợ có tiệm gạo do bà nội của tôi làm chủ. Ɖối diện với tiệm gạo là tiệm thuốc Bắc. Tôi không biết tên ông chủ tiệm thuốc người Hoa mà chỉ nghe người ta gọi ông là thầy Phù vì ông có cái bướu cổ to. Phù ở đây không phải là tên mà là đặc điểm của cái bướu cổ to của ông.
An Phú có vẻ là một làng có tổ chức ít nhiều chịu ảnh hường của văn hóa Tây Phương. Làng không có nhà lá. Trong làng có nhiều nhà gạch với những tam cấp cao. Nhà lợp ngói móc, có nhiều cửa sổ. Những nhà xưa đều là nhà gỗ lợp ngói âm dương, tức một tấm ngói úp hướng về Ɖất và một tấm ngói ngửa hướng lên Trời. Gọi là ngói Âm-Dương là vì thế. Nhà nào cũng có vách gỗ kín đáo. Nhà giàu có bàn, ghế, ván, tủ thờ bằng gỗ quí như trắc, gõ, cẩm lai và có đèn treo Hoa Kỳ.
Phần lớn nhà cửa ở An Phú có hàng rào bông bụp với hoa đỏ, vàng rực rỡ. Quanh nhà đều trồng cây ăn trái như mít, xoài, mận, bưởi. Trái cây thường thấy trong làng là thơm tim, bưởi, mít, xoài, chuối, hồng quân (3). Trái cây rừng nổi tiếng là trái trường (4) màu đỏ hay màu vàng rất đẹp khi trái chín. Trái trường mỏng cơm, hột to, vị chua. Ông nội tôi có một cây trường trái to như trái vải (lệ chi), cơm dày, vị ngọt thanh. Sau chín năm chiến tranh cây trường này không còn nữa.
Vì cây trường cao nên việc hái trái trường rất khó khăn và nguy hiểm. Trong làng chỉ có anh Lý Quản trèo trường mà thôi. Tôi không biết vợ anh Lý Quản. Anh có năm người con trai. Phần lớn đều lớn tuổi hơn tôi. Ɖứa con thứ tư của anh ở vào tuổi tôi. Gia đình anh nghèo lắm. Cha tôi cho anh cất một chòi lá trên đất nhà cách xa nhà tôi chừng lối 300m. Nhà của anh gần mấy cây trường. Các con anh thường khóc lóc, gây gổ, đánh nhau vì đói. Thỉnh thoảng anh cả tôi mang cơm ra cho các con của anh ăn. Anh rất cảm ơn gia đình chúng tôi. Dù nghèo và không may mắn được học hành, nhưng anh Lý Quản dạy con rất nghiêm. Các con của anh không bao giờ trộm cắp hay hái trái cây quanh nhà chúng tôi.
Sau khi An Phú chìm trong khói lửa, anh Lý Quản và các con chạy lên thác Trị An sống trong rừng rậm hoang vu giữa tiếng chim kêu, vượn hú và tiếng gầm thét của cọp, beo. Năm 1955 anh tôi rước anh về Sài Gòn, nơi anh chỉ đến một lần trong đời. Từ khi trở về thác Trị An đến cuối cuộc chiến Việt Nam lần thứ hai, tôi không có tin tức gì về anh và các con anh.
Người thứ hai sống nương náu trong đất của cha tôi là ông Ba Mới. Ông chỉ có một người con trai, thằng Bi, lớn hơn tôi đôi chút. Giống như anh Lý Quản, ông Ba Mới không có vợ. Ông có vẻ nghèo nhưng gánh nặng gia đình của ông nhẹ hơn gánh của Lý Quản. Thằng Bi bị phù thủng. Nó thích ăn gạo sống. Tôi không có tin tức gì về ông Ba Mới và thằng Bi sau khi rời khỏi quê nội.
An Phú không có đồng ruộng nên làng không có nông dân. Trong làng có năm người có xe ngựa. Ɖó là phương tiện vận chuyển người và hàng hóa từ làng ra Búng, Lái Thiêu, Dĩ An. Có khi xe ngựa di chuyển từ An Phú đi Tân Ba hay Tân Uyên. Trong năm người chủ xe ngựa có ba người khá giả. Cả ba người có nhà cửa khang trang nhất trong làng. Một người trong số đó trở nên giàu có nhờ khai thác lâm sản ở Xuân Lộc (Long Khánh sau này), nơi ông có nhà lầu và đồn điền cà-phê.
So với các xã láng giềng tỷ lệ dân An Phú có CEPCI (bằng Tiểu Học), DEPSI (bằng Thành Chung) khá cao. Vào thập niên 1920, 1930, 1940 có CEPCI là có công việc nuôi sống gia đình dễ dàng. DEPSI là mảnh bằng lý tưởng. Cho đến năm 1945 người có CEPCI được liệt vào thành phần trí thức tiểu tư sản! Vào thập niên 1950 bằng DEPSI vẫn còn là ước mong của thanh niên. Vì lý do sinh tồn dân làng An Phú phiêu lưu mạo hiểm hơn cư dân các làng lân cận sinh sống bằng hoạt động nông nghiệp. Cư dân An Phú có lực lượng giáo chức, công chức, tư chức, thương gia, khai thác lâm sản rất đông, hoạt động rải rác ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Lộc Ninh, Hớn Quản (Bình Long), Xuân Lộc (Long Khánh), Sài Gòn, Mỹ Tho (Ɖịnh Tường), Kompong Cham, Phnom Penh.
Ông Nguyễn Văn Ɖiệt được xem là Thầy của các trí thức Tây học trong làng. Không biết do đâu mà một làng hẻo lánh như An Phú lại có một trường tiểu học to lớn với một sân trường rộng rãi có nhiều cây phượng vĩ trổ hoa đỏ rực vào mùa hè. Trường nổi tiếng với tỷ lệ học sinh đậu CEPCI và đậu trong các kỳ thi tuyển vào trường Pétrus Ký ở Sài Gòn. Một vài học sinh ở Búng và Biên Hòa đến An Phú tìm nhà trọ để học trường tiểu học tại địa phương.
Ông Nguyễn Lâm Sanh, con của Thầy Nguyễn Văn Ɖiệt có cử nhân luật đầu tiên trong xã. Ông hành nghề luật sư cùng thời với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trương Ɖình Dzu, Trần Ngọc Liễng.
Ɖốc phủ Võ Văn Ngọ là rể của Thầy Nguyễn Văn Ɖiệt. Ông là tỉnh trưởng người Việt đầu tiên ở Chợ Lớn. Dưới thời Ɖệ Nhất Cộng Hòa ông là Ɖổng Lý Văn Phòng bộ Tài Chánh.
Một thứ nữ của Thầy Nguyễn Văn Ɖiệt là Nguyễn Thị Giàu, chủ nhà máy dệt Liên Phương ở Thủ Ɖức. Nhà máy dệt Liên Phương cạnh tranh ngang ngửa với VINATEXCO.
Với số lượng “trí thức” khá đông đảo làng An Phú sớm Tây Phương hóa (Occidentalisation – Westernization). Những tên Paul, Pierre, François, Ernest, Jules, Vincent… xuất hiện trong làng. Mong ước của những “trí thức” xã thôn thời bấy giờ là được Bắc du để học trường Cao Ɖẳng Hà Nội hay xa hơn là Tây Du để học ở Ɖại Học Sorbonne, để được ngắm nhà thờ Notre-Dame de Paris, dòng sông Seine và vườn Luxembourg thơ mộng.
Năm 1945 An Phú như sống dậy trong trào lưu cách mạng. Tôi không biết nhiều thanh niên từ đâu đến An Phú đốt lửa trại trên sân trường tiểu học, kêu gọi dân chúng cứu trợ nạn đói ở Bắc Bộ. Những bài hát yêu nước gây hận thù thực dân Pháp và phát xít Nhật vang lên. Trường học đóng cửa. Hai người anh lớn của tôi rời trường Pétrus Ký về nơi sinh quán. Người anh thứ ba vừa đậu tiểu học thời Nhật (5) và người anh kế tôi học lớp nhì. Tất cả các anh tôi đều tham gia các đội thanh niên và thiếu nhi, hội họp và ca hát suốt ngày. Ngày nào tôi cũng nghe:
Nào anh em bạn trẻ nước Nam Việt Nam!
Chúng ta mau kết đoàn tiến lên đường xa
Hay
Nào anh em ta cùng nhau xông pha
Lên đàng!
Kiếm nguồn tươi sáng
Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông
Từ nay ra sức anh tài v.v.
Hay
Chiều nay xa chiến khu sao lòng buồn? v.v.
Cha tôi thất nghiệp nằm nhà. Gặp lúc có lịnh cấm nuôi chó nhằm bảo vệ sự an toàn cho các hoạt động du kích, cha tôi, ông Tư Siêng, ông Năm Phón suốt ngày nhậu thịt chó.
Gia đình tôi nuôi bảy con chó nên không sao ăn hết cẩu nhục. Ông Năm Phón phải muối thịt chó trong khạp để có thịt ăn trong nhiều ngày. Ông Tư Siêng vừa ăn thịt chó vừa giải thích lời dạy của Thánh Hiền. Ông nói:
Xuất giá tòng phu: nghĩa là ra xe (xe ở đây là xe ngựa) thì phải tòng phu xe.
Phu tử tòng tử: nghĩa là người phu xe chết (vì đụng vào cây cổ thụ chẳng hạn) thì mình cũng chết theo.
Sau khi làng bị thiêu hủy, ông Tư Siêng sống nương náu trong một ngôi chùa trong tỉnh Biên Hòa. Thỉnh thoảng ông lén mua rượu và uống trong chùa. Vị sư trụ trì biết ông lén lút uống rượu trong chùa nên cảnh cáo ông. Ông cãi lại rằng:
- Thưa thầy, con không hề vi phạm điều gì trong Ngũ Giới Cấm:
Nhất: Cấm sát sinh.
Nhị: Cấm trộm cướp.
Tam: Cấm tà dâm.
Tứ: Cấm vọng ngữ.
Ngũ: Cấm uống rượu.
Khi ngủ con không uống rượu, thưa thầy.”
Sư trụ trì:
-???
Năm Phón là thợ máy từ Sài Gòn về quê sau những biến động ở Sài Gòn. Sự tính toán của ông Năm Phón tạm thời xem như không ổn. Ở Sài Gòn có nhiều xe cộ, máy móc để sửa. Về quê có gì để sửa. Dân làng An Phú được xem là có đời sống sung mãn nhưng họ chỉ có xe đạp mà thôi. Chỉ có Hai Ɖầy có xe bình bịch (6). Xe mô-tô của Hai Ɖầy còn mới nên không có gì để nhờ ông Năm Phón sửa cả. Một Kính, người sĩ quan duy nhất trong làng, phục vụ ở Hớn Quản. Vào năm 1945 quan một (thiếu úy) là một quân hàm cao đối với người dân thuộc địa. Các ông Dương Văn Minh, Văn Tiến Dũng, Xuyên Sơn (Nguyễn Văn Theo) đếu cùng cấp bậc với ông Một Kính vào thời ấy. Ông Kính mua một chiếc xe đò trên Hớn Quản chạy về An Phú. Về đến làng xe không chịu chạy. Ông Năm Phón có việc làm.
An Phú sống trong cảnh Thái Bình chờ đợi chiến tranh. Vì còn quá nhỏ, tôi không biết tại sao cha tôi ở nhà để ăn thịt cầy với ông Tư Siêng và ông Năm Phón. Tôi hơi buồn vì bảy con chó khôn trong nhà bị giết. Tôi không biết vì sao nhà tôi có vài thanh niên lạ vào ở. Ngày nào tôi cũng ra dãy phố của cha tôi trên hương lộ An Phú-Thuận Giao-Búng để nghe các thanh thiếu niên ca hát và vỗ tay, reo hò. Tôi thích thú thấy ba thằng Bự ăn một cuốn bánh tráng gồm có mười trứng vịt luộc với rau rừng. Tôi tham gia vào việc đẩy chiếc xe đò của ông Một Kính với hy vọng xe nổ máy để được ngửi mùi thơm của xăng và được hưởng gió mát trên xe hơi chạy quanh đường làng. Khốn thay! Ước vọng tầm thường cũng không thực hiện được! Ông Năm Phón sửa xe ra sao mà mấy ngày liền xe được đám đông hợp lực đẩy vẫn ù lì không chịu nổ máy.
Một buổi chiều có gió mát, tôi đứng đối diện với nhà Thầy Nguyễn Văn Ɖiệt. Chiếc xe bình bịch của Hai Ɖầy từ hướng Búng chạy về An Phú. Tiếng xe nổ đều đều làm cho con chó nhà thằng Bự sắp điên lên. Bất thình lình nó phóng ra đường đầy bụi đỏ khi xe bình bịch của Hai Ɖầy chạy tới. Hai Ɖầy sút tay lái và té ngã xuống đường bất tỉnh. Một người trong đám đông bao quanh Hai Ɖầy nói: “Cái này phải uống đồng tiện mới được!” Nhìn qua nhìn lại chỉ có tôi có đồng tiện mà thôi. Thế là tôi là người tặng đồng tiện cho Hai Ɖầy. Quả nhiên sau khi uống đồng tiện, Hai Ɖầy từ từ tỉnh dậy. Khi còn nhỏ, tôi không biết Hai Ɖầy làm gì ở Sài Gòn mà có xe bình bịch. Khi đi học ở Sài Gòn, tôi gặp lại Hai Ɖầy. Lúc ấy anh là họa sĩ minh họa các bài học bằng hình vẽ cho các ấu sinh trường Aurore.
***
Cuộc chiến tranh Việt-Pháp bắt đầu. Dân làng An Phú phân tán khắp nơi trong nước. Người chạy ra Búng, Lái Thiêu, Phú Cường (Thủ Dầu Một). Người chạy về Dĩ An, Biên Hòa, Xuân Lộc. Người chạy về Sài Gòn v.v.. Nghiễm nhiên họ trở thành một nhóm “Do Thái” gốc Việt trong một làng hẻo lánh trong tỉnh Thủ Dầu Một. Gia đình chúng tôi ra Lái Thiêu vì cha chúng tôi bị bắt nhốt ở đó. Sau khi cha được tự do, gia đình chúng tôi đoàn tụ ở Lái Thiêu.
Cha tôi không có một ngày vui suốt thời gian sống ở Lái Thiêu. Người tự xem mình như người viễn xứ khi đất đai của tổ phụ chìm trong khói lửa.
Ông tôi mất trong cô đơn vắng lặng. Con cháu tản mát khắp nơi. Khi còn sống, ông nổi tiếng là người cương trực, có óc tổ chức và khả năng biện luận cao. Là thành viên bí mật của Thiên Ɖịa Hội, ông có những mật khẩu riêng, cách chào kính đặc biệt để nhận người đồng hội. Ông nội tôi sống một mình trong một căn nhà xưa rộng lớn. Ông nuôi năm con ngựa. Hàng ngày ngựa ăn cỏ trong vườn gòn của cha tôi. Chiều đến, ông thổi còi thì ngựa chạy về chuồng. Khi cho gà ăn mỗi buổi chiều, ông đánh kẻng để tập hợp và báo cho chúng biết đã đến giờ ăn chiều. Ɖể kiểm soát xem gà có bị thất lạc hay bị chồn ăn không, ông chỉ cần đánh kẻng là gà chạy lại đông đủ vì biết đã có thóc lúa để ăn trước khi vào chuồng. Ɖể tránh gà bươi vườn rau, ông bắt gà phải mang guốc. Gà đi khệ nệ với những tiếng lóc cóc nhịp nhàng trên nền đất như một khúc nhạc dị kỳ hiếm khi được nghe.
Cuộc chiến tranh chín năm làm cho dân làng An Phú phân tán khắp nơi. Cha tôi vừa mất sản nghiệp vừa là nạn nhân của hai phe lâm chiến. Pháp nghi cha tôi là Việt Minh vì người bị bắt trong vùng Việt Minh. Trước khi bị Pháp bắt, cha tôi bị Việt Minh ruồng bắt. Ɖêm những người bịt mặt bắt bà ngoại tôi ở Bình Chuẩn là đêm những người này tìm bắt mẹ tôi!
Cha tôi buồn vì thân phận người bị phá sản, người ly hương rời bỏ nơi sinh quán, rời bỏ vô vàn kỷ niệm đẹp trong một làng nghèo hẻo lánh. Cha tôi sống biệt lập ở Lái Thiêu. Không có bạn bè, không ăn uống trong các quán tiệm trong thành phố. Khi hớt tóc, người nhờ ông Năm Ứng đến nhà để hớt. Các anh tôi học ở Sài Gòn. Cha tôi rất mừng về những thành tích của các anh tôi ở học đường trong khi tôi là một người học trò kém cỏi trong trường. Cha tôi có linh cảm không sống lâu giữa lúc tôi và em tôi còn nhỏ. Tôi lại học kém, suốt ngày ngao du ngoài đường, thích học chuyện ngoài phố hơn là chuyện học đường. Cha tôi an lòng vì tôi không phá phách, trộm cắp hay đánh lộn với các đứa trẻ khác để gây phiền lòng cho cha mẹ mình. Cha tôi được nghe nhiều người khen tôi gan dạ và dễ thương.
Năm 1949 thủ hiến Trần Văn Hữu và thiếu tướng De La Tour đến Lái Thiêu. Tôi được xếp đứng hàng đầu của học sinh trường tiểu học Lái Thiêu để đón tiếp vị thủ hiến gốc kỹ sư canh nông có Pháp tịch này. Lúc ấy tôi hớt tóc ngắn gần như trọc. Thủ hiến Trần Văn Hữu xoa đầu tôi và hỏi:
- Biết nói tiếng Pháp không?
- Dạ biết. Tôi đáp lại một cách nhanh nhảu không một chút đắn đo.
- Comment t’appelles-tu? Thủ hiến hỏi.
- Je m’apelle Lân. Tôi đáp.
- Quel âge as-tu? Thủ hiến hỏi.
- J’ai neuf ans. Tôi trả lời.
Thủ hiến Trần Văn Hữu và thiếu tướng De La Tour cười to trước ống kính của các phóng viên báo Ánh Sáng, Dân Quyền và Nha Thông Tin Nam Việt. Cha tôi rất vui khi thấy ảnh chụp của tôi bên cạnh thủ hiến Trần Văn Hữu trên báo Ánh Sáng.
Tôi là người giúp đỡ cho cha nhiều việc trong nhà. Nhưng tôi lại là người con làm cho cha tôi lo lắng hơn cả vì tôi không lo học hành mà chỉ ngao du ngoài đường, thích đá cá, đá dế, đá banh, đua xe đạp và giao du với người lớn. Tôi thường tiếp xúc với ông Thầy Chùa Lùn ở chùa Giác Nguyên ở Phú Long. Ông tặng tôi những cuốn sách nói về những trừng phạt đẫm máu dưới Âm Phủ. Tôi hay trò chuyện với anh Phạm Văn Cơ, một tu sĩ tại gia, trong căn phố ông mướn gần tiệm chiên bánh tiêu và giò cháo quảy.
Anh Phạm Văn Cơ lớn tuổi hơn cha tôi nhưng theo vai vế trong dòng họ, tôi gọi anh là anh. Cha anh Phạm Văn Cơ là ông Phạm Văn Cừ làm việc ở Phủ Toàn Quyền ở Hà Nội. Anh từng sống ở Hà Nội và học trường Mỹ Nghệ ở đó. Anh yêu thích cầm, kỳ, thi, họa. Sau khi vợ anh mất, anh từ bỏ thú vui của người nghệ sĩ để tu tại gia. Anh vẽ cho tôi hình Ɖức Phật trên tòa sen rất đẹp. Tôi tự ý đặt hình vẽ này trên tủ sắt đựng tiền của cha tôi để thờ. Cha tôi im lặng chấp nhận việc làm tùy tiện của tôi vì tôi học kém nhưng không hư hỏng, mà có đức tin và tâm hướng thiện. Tôi học kém nhưng có ảnh hưởng đối với vài người bạn trong lớp. Tôi và các bạn lập một bàn thờ Phật ngay trong hộc bàn của tôi trong lớp. Ảnh Phật lấy từ nhãn nhang trầm hương. Các bạn hái bông dành dành, trái bình bát ở Phú Long để cúng Phật. Một hôm các thầy giáo nói chuyện với nhau vui vẻ trong lớp tôi học. Bỗng thầy Hà Văn Gương ngạc nhiên khi thấy khói bốc lên từ bàn học của tôi. Thầy tưởng hộc bàn bị cháy. Thầy cười ngất khi biết đó là khói của nhang cúng Phật tỏa ra từ hộc bàn của tôi trong lớp.
Ngày 05-10-1950 tôi dẫn hai người bạn cùng lớp là Pierre và Sâm về Bình Chuẩn để vào chiến khu. Thấy tôi về trong ngày học, bà ngoại tôi hỏi:
- Hôm nay con không đi học sao?
- Cháu nghỉ học luôn. Tụi cháu quyết định vào chiến khu.
Bà tôi không nói thêm một lời. Trông bà có vẻ không vui. Bà chuẩn bị cơm chiều cho ba anh em chúng tôi.
Ɖợi trời tối, tôi dẫn Pierre và Sâm đi trên một đoạn đường đầy cát để đến nhà Mười Sang. Tôi giới thiệu hai bạn Pierre và Sâm và nói về mục đích của ba chúng tôi cho Mười Sang nghe. Sau vài phút lắng nghe tôi nói ý muốn vào chiến khu, Mười Sang nói:
- Các cháu còn nhỏ lắm. Các cháu cần học hành để sau này trở nên hữu dụng cho đất nước.
Sau vài phút nói chuyện vu vơ, ba anh em chúng tôi thất vọng ra về. Về đến nhà, bà tôi hỏi về kết quả cuộc gặp gỡ với Mười Sang. Trông bà có vẻ hài lòng khi được biết Mười Sang khuyên chúng tôi về thành phố và tiếp tục việc học hành. Bà khuyên tôi:
- Cháu và hai bạn đi ngủ. Sáng mai bà theo cháu đi Lái Thiêu. Ɖừng sợ! Ba không đánh đòn cháu đâu.
Ngày đi, chúng tôi đi bộ trên những con đường mòn không cho người quen trông thấy.
Ngày về, chúng tôi ngồi xe đò Thủ Dầu Một-Sài Gòn. Ɖến Lái Thiêu, xe ngừng trước nhà thuốc Ɖông Y của ông Quách Lương Trí. Nhiều bạn học chúng tôi đứng bên kia hàng rào sắt của trường vỗ tay và la lên: “Thằng Lân về kìa!”
Ngày chúng tôi rời Lái Thiêu, dư luận trong thành phố xôn xao về sự vắng mặt của tôi và hai bạn Pierre và Sâm. Nào là chúng tôi đi theo Việt Minh. Nào là chúng tôi bị Việt Minh bắt. Có người thấy Việt Minh dẫn chúng tôi đi trên Quốc Lộ 13 trên đầu truông cách Lái Thiêu 1km v.v.. Tất cả các tin được đưa ra đều xuất phát từ sự phỏng đoán và thêu dệt mà ra.
Nguyễn Văn Pierre theo đạo Thiên Chúa. Anh ấy gốc người Nhị Bình giàu có. Ở Nhị Bình gia đình anh có vườn măng cụt, sầu riêng và hàng chục mẫu mía. Ở Phú Long mẹ và dì anh có một lò vôi bên bờ sông gần cầu đúc.
Nguyễn Văn Sâm là cháu bà giáo Xước. Anh ấy mồ côi cha mẹ. Anh cùng em là Lam sống nương nhờ bà cô. Sâm thua buồn vì sống bám vào người cô. Sâm hưởng ứng chuyến vào chiến khu của tôi. Tôi không biết do đâu Pierre sốt sắng theo tôi.
Ɖến Lái Thiêu bà tôi và tôi đi về nhà tôi trên Quốc Lộ 13, lúc ấy mang tên Tây là Route Fédérale No 13. Pierre về nhà ở Phú Long gần cầu đúc. Sâm về nhà của bà cô trên đường Hàng Me, sau này là đường Trưng Nữ Vương
Ngay trong ngày hôm đó cha tôi đau lòng nhìn thấy tôi ngồi trên chiếc xe con cóc (Jeep) bên những người sắp tra khảo tôi ở Phòng Nhì (2ème Bureau) trong xã Phú Long. Cha tôi không tán đồng việc làm của tôi cũng không lên án. Người đứng trước một nghịch cảnh nhưng chưa tìm ra lối thoát vẹn toàn nào.
Trong lúc ngồi chờ cho đến phiên bị điều tra, tôi nghe tiếng đánh đập, tra khảo, trấn nước và tiếng kêu la hãi hùng của người bị tra tấn. Tôi lượng sức và tự nhủ nếu bị đánh đập như vậy, tôi sẽ ra sao?
Khi đến phiên tôi vào phòng tra khảo thì ông ách D. (7) xuất hiện trong phòng khảo. Ông nói: “Thằng này là con nít biết gì mà điều tra.”
Câu nói của ông ách D. cứu tôi khỏi bị điều tra và tra tấn. Tôi được tự do nhờ ông ách D. Sau này ông làm việc cho Quan Thuế ở Sài Gòn. Tình cờ tôi gặp ông trong một căn nhà sau trường tiểu học Ɖinh Tiên Hoàng ở Dakao. Trong lòng tôi biết ơn ông. Ngoài mặt tôi giả vờ không quen biết ông vì các lý do tế nhị khác nhau.
Tôi trở lại các sinh hoạt thường nhật của tôi là đọc báo ở Phòng Thông Tin Lái Thiêu gần tiệm vàng của ông hai Sam tức Lê Văn Úc. Tôi đọc báo Ánh Sáng, Dân Quyền, Tin Ɖiện, Thần Chung, Phục Hưng để theo dõi tin chiến sự ở Bắc Bộ và chiến tranh Do Thái-Á Rập. Tôi thuật cho cha tôi nhiều tin mới lạ khiến cha tôi bắt đầu ghiền nghe tin tức do tôi thuật lại từ chuyện ngoài phố đến chuyện Sài Gòn, chuyện chiến trường Bắc Bộ, chuyện Do Thái-Á Rập, chiến sự Triều Tiên v.v..
Sự cô đơn của cha tôi càng lúc càng đậm nét khi tôi theo đuổi việc học hành ở Sài Gòn mặc dù tuần nào tôi cũng về Lái Thiêu. Tôi không còn cơ hội đọc báo nữa. Tình hình chiến sự Bắc Bộ càng lúc càng khốc liệt bất lợi cho quân viễn chinh Pháp. Ở Nam Bộ Việt Minh không mạnh như ở Trung Bộ hay Bắc Bộ. Thế mà ở rừng Cò Mi cách Phú Lợi 6km, cách Lái Thiêu 7km, cách Dĩ An 3km, cách Biên Hoà 12km, lễ Thương Binh 27-07-1953 được tổ chức qui tụ cả ngàn người tham dự mặc cho sự đe dọa của dàn pháo Phú Lợi, Dépôt Dĩ An và Lái Thiêu.
Cha tôi bịnh nặng phải nằm bịnh viện Grall (Nhà Thương Ɖồn Ɖất) khi trận đánh Ɖiện Biên Phủ sắp đến hối kết thúc. Trên giường bịnh người thiết tha muốn được chôn cất bên những nấm mồ tổ phụ ở An Phú.
Hội nghị quốc tế Genève kết thúc bằng hiệp định đình chiến được ký kết giữa đại tá Delteil, đại diện cho quân Pháp và Tạ Quang Bửu, thứ trường bộ Quốc Phòng của chánh phủ Hồ Chí Minh. Ngày 11-08-1954 hiệp định ngừng bắn có hiệu lực ở Nam Bộ. Một tháng sau ngày này, vào đêm Trung Thu, cha tôi qua đời và được đưa về An Phú chôn cất. Cha tôi mãn nguyện vì được hồi hương sau gần chín năm xa cách. Ngày rời làng cha tôi là một người tù. Ngày hồi hương cha tôi là người mất sự sống. Cám ơn chị Cao Thị Ba (8) đã giúp phương tiện đưa cha tôi về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sau chín năm chiến tranh không còn một ai sinh sống trong làng An Phú. Không có một mái nhà dù là nhà tranh còn sót. Hương lộ An Phú-Bình Hòa-Tân Thới phủ đầy cỏ dại. Mặt đường loang lổ đầy nước khi trời mưa. Vài hầm chông được tìm thấy bên vệ đường. Vườn gòn của cha tôi chỉ còn vài cây èo uột. Cây xoài trước sân nhà ông nội tôi vẫn còn và có nhiều trái. Cỏ mọc um tùm nên rất khó tìm thấy nền nhà của ông nội. Vì lo việc chôn cất cha tôi nên chúng tôi không có thì giờ tìm lại nền nhà cũ, nơi chúng tôi đã sống lúc ấu thời. Việc hạ huyệt và lấp đất vừa xong thì trời mưa như thác đổ. Chúng tôi giã biệt cha qua màn mưa trắng xóa.
***
Năm 1956 luật sư Trần Văn Trai và anh Phạm Ɖình Trí gặp nhau tại Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn. Cả hai bàn đến việc lập lại làng An Phú.
Ông Trần Văn Trai là người An Mỹ. Ông trình luận án Tiến Sĩ Luật và Văn Chương ở Paris vào thập niên 1940. Ông biết ít nhiều về làng An Phú vì chị của ông là vợ của bác ba chúng tôi. Cả hai bác và các con đều mất sớm và được chôn cất ở An Phú.
Cuộc tái thiết làng lần này không thành công. Chỉ có một số nhỏ dân làng sống ven ranh Búng-Thuận Giao-Hưng Ɖịnh hồi hương. Những cư dân An Phú sống ở Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Lái Thiêu chỉ dựng những chồi lá hay thiếc để về làng vào cuối tuần mà thôi. Ɖiều đáng lưu ý là đình làng chưa được tái lập.
Làng tái thiết vẫn chưa có hội đồng xã mặc dù một đồn bót được thiết lập dưới sự chỉ huy của thiếu úy Nhạn. Những cán bộ Việt Minh nằm vùng bắt đầu hoạt động sau khi chánh quyền Ngô Ɖình Diệm từ chối không tổ chức cuộc tổng tuyển cử dự trù xảy ra vào năm 1956.
Năm 1962 một ít người hồi cư bắt đầu rời khỏi làng. An Phú trở thành hoang địa trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Chiến tranh gia tăng cường độ sau khi Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc và đưa quân vào miền Nam Việt Nam cùng với quân Ɖại Hàn, Tân Tây Lan, Úc Ɖại Lợi, Thái Lan. Quân đội Ɖại Hàn xây dựng xa lộ Ɖại Hàn đi ngang qua Dĩ An, An Phú, Bình Chuẩn, Phú Lợi , Bình Dương. Xa lộ này vô hiệu hóa tầm quan trọng và sự lợi hại của rừng Cò Mi (9).
Ngày 27-01-1973 hiệp định Paris được ký kết. Lộc Ninh tạm xem như thủ đô của Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam cách Sài Gòn 100km. Văn hóa trồng khoai mì (sắn) từ Lộc Ninh vọng về Sài Gòn và các tỉnh trên đồng bằng sông Cửu Long. Ɖó cũng là lúc anh Phạm Ɖình Hưng xúc tiến việc tái thiết làng An Phú lần thứ nhì vì lo ngại làng An Phú bị xóa tên trên bản đồ hành chánh trong tỉnh Bình Dương vì không có dân. Tôi nghiễm nhiên trở thành lý thuyết gia của anh tôi.
Theo tôi, muốn hồi sinh làng An Phú và để qui tụ người An Phú về nơi sinh quán thì phải tái thiết đình làng, nơi thờ đại phu Phạm Văn Trực, người có công hướng dẫn một nhóm dân Tuy An trong tỉnh Phú Yên nam tiến và thành lập ra làng Tuy An dưới triều vua Tự Ɖức (vua: 1848 - 1883). Nguyên nhân cuộc nam tiến của nhóm người này không được rõ chi tiết, chỉ biết rằng Tuy An trong tỉnh Phú Yên chắc chắn màu mỡ hơn là Tuy An lúc ấy đang thuộc huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa. Mãi đến khi Pháp chiếm hẳn Nam Kỳ, họ biến Nam Kỳ Lục Tỉnh thành Nam Kỳ 21 tỉnh. Huyện Bình An tách ra khỏi tỉnh Biên Hòa để trở thành tỉnh Thủ Dầu Một.
Cuộc vận động tái thiết đình làng gặp nhiều thuận lợi. Một người con của chú tôi là Phạm Tấn Khoa vẽ sơ đồ ngôi đình. Việc xây dựng đình làng hoàn tất nhanh chóng. Lễ cúng đình và khánh thành ngôi đình được cử hành trọng thể với sự hiện diện của đông đảo dân làng An Phú, dân các làng phụ cận và quan khách từ các nơi đến.
Vấn đề NƯỚC cần được giải quyết bằng cách khoan giếng sâu hàng trăm mét dưới lòng đất để có nước ngọt cung cấp đầy đủ cho người hồi cư. Công việc này cần phải có sự giúp đỡ của bộ Công Chánh. Bộ cử chuyên viên khoan hai giếng nước sâu trên 100m. Sau đó bộ Công Chánh tặng cho làng hai máy bơm nước cực mạnh.
Anh tôi được sự hỗ trợ của tỉnh Bình Dương, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách việc Khai Hoang Lập Ấp của bác sĩ Phan Quang Ɖán và của bộ Công Chánh dưới sự điều khiển của kỹ sư Dương Kích Nhưỡng. Làng An Phú tái thiết được phủ bằng màu xanh của mía và khoai mì. Mía và khoai mì chưa được thu hoạch thì miền Nam thất thủ.
An Phú bây giờ được đô thị hóa. Ɖất đai có giá cao vì thích hợp cho việc thiết lập các nhà máy kỹ nghệ. Nhiều người gốc An Phú sống rải rác khắp năm châu như Pháp, Canada, Úc Ɖại Lợi, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Lâm Sanh, người luật sư đầu tiên của An Phú, học cải tạo về vài năm, sau được gia đình bảo lãnh sang Pháp và mất ở đó. Ông là ân nhân của gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ khi ông này lãnh đạo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng trong chiến khu.
Bà Nguyễn Thị Giàu, chủ nhà máy dệt Liên Phương, định cư ở Canada và mất ở đó.
Ông Nguyễn Văn Hía, Giám Ɖốc Cercle Sportif Saigonnais, đồng sáng lập Hội Khuyến Lệ Cổ Ca với ông Ɖỗ Văn Rở, Phủ Quốc Vụ Khanh Ɖặc Trách Văn Hóa. Ông đã chết ở Sài Gòn.
Ông Nguyễn Văn Hội, con của ông Nguyễn Văn Hía, vô địch kiếm thuật Việt Nam, tham dự Thế Vận Hội Tokyo năm 1964. Nhân cơ hội này ông cưới một người vợ Nhật. Năm 1975 hai vợ chồng rời Sài Gòn và chia tay nhau. Ông Hội muốn đi Hoa Kỳ, người vợ muốn về Nhật. Thế là xa nhau.
Ông Phạm Ɖình Hưng, nhà hành chánh, thẩm phán, dân biểu và giám sát viên đầu tiên của An Phú. Năm 1975 ông từ Pháp về nước và bị bắt đi học tập cải tạo bảy năm mới được tự do. Hiện nay ông già yếu và sống ở Hoa Kỳ.
Ông Ɖặng Như Tây là bác sĩ y khoa đầu tiên của An Phú. Ông là một bác sĩ giải phẫu nổi tiếng trong Quân Y VHCH. Năm 1975 ông rời Sài Gòn và định cư ở Hoa Kỳ, nơi ông học lại y khoa và hành nghề cho đến cuối đời.
Cô Võ Thị Huệ là bác sĩ ở Việt Nam. Sang Mỹ cô học lại và hành nghề ở Hoa Kỳ, hiện đã về hưu.
Ông Phạm Ɖình Khuyến, thủ khoa Cao Học Hành Chánh khóa VII, hiện sống ở Hoa Kỳ.
Ông Phạm Quốc Kiệt là Giáo Sư École Normale Supérieure ở Paris, hiện đã về hưu.
Ông Phạm Ɖình Nam Quốc là kỹ sư điện trước khi trở thành bác sĩ y khoa ở Hoa Kỳ.
Ông Phạm Ɖình Khôi Nguyên là Giáo Sư đại học thực thụ, hội viên AAAS (American Association for Advancement of Science – Hội Khoa Học Tiên Tiến Hoa Kỳ), AAPS (American Association of Pharmaceutical Scientists – Hội Khoa Học Gia Dược Học Hoa Kỳ) và thành viên Hàn Lâm Viện Hoa Kỳ.
Cô Phạm Thị Minh Châu là nhà Hóa Học ở Hoa Kỳ v.v..
Danh sách này có thể dài hơn nhiều. Rất tiếc là tôi không được biết đến trọn vẹn. Thành thật xin lỗi về sự thiếu sót này. Ɖiều đáng ghi nhớ là phần lớn những người gốc An Phú có tên trong danh sách trên không có may mắn phục vụ đồng bào nhưng họ có cơ hội phục vụ trên một phạm vi rộng lớn hơn: phục vụ đồng loại.
Ɖồng bào và đồng loại đều là nhân loại. Trong biển cả tình thương không có sự phân biệt đồng bào hay đồng loại mà đơn thuần chỉ có tình nhân loại. Những khám phá của Louis Pasteur (1822 - 1895) hay Alexander Fleming (1881 - 1955) chỉ phục vụ cho người Pháp và người Anh hay cho cả nhân loại? Câu hỏi tự nó đã có câu trả lời. Nó đào sâu sự suy gẫm của chúng ta vậy.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
__________
Chú thích:
(1): Lúc ấy Dĩ An thuộc tỉnh Gia Ɖịnh.
(2): Tân Phước thuộc tỉnh Biên Hòa.
(3) Cây hồng quân còn gọi là bồ quân. Cây cao lối 5 - 6m, lá xanh, láng và khá cứng. Trái tròn, màu tím-đen khi chín, vị ngọt chát, hột nhỏ. Tên khoa học là Flacourtia jangomas, gia đình Flacourtiaceae. Người Anh gọi trái hồng quân là coffee plum, Indian plum. Người Trung Hoa gọi là Yunnan ci li mu (Vân Nam Tử Lý Mộc).
(4) Cây trường cao từ 20 - 30m. Trái trường giống trái lệ chi, nhãn, chôm chôm với vỏ sần sùi. Người Mã Lai và Indonesia gọi trái trường là Korlan. Người Anh và Hòa Lan cũng gọi như vậy (Korlan). Người Thái Lan gọi trái trường là Kho Laen, âm từ Korlan của Mã Lai và Indonesia, nơi có nhiều trái trường ngọt bán ngoài chợ.
(5) Anh đậu CEPCI năm 1945. Khi Pháp tái chiếm Việt Nam, bằng CEPCI đậu thời Nhật không được công nhận. Khi ra Lái Thiêu, anh phải học Cours Supérieur và đậu CEPCI lần thứ hai năm 1948. Cùng năm này hai anh kế tôi đều đậu vào trường Pétrus Ký.
(6) Bình bịch là âm thanh phát ra từ chiếc mô-tô Motobécane. Chữ mô-tô là hai chữ đầu của hiệu Motobécane, chào đời vào năm 1924.
(7) Ách là do chữ Adjudant của tiếng Pháp mà ra. Ách là quân hàm cao nhất của hạ sĩ quan nhưng dưới chuẩn úy (Aspirant).
(8) Cao Thị Ba gọi cha tôi bằng cậu. Chị là cô giáo nổi tiếng và có uy tín ở Lái Thiêu. Em của chị là Cao Thị Lễ, Giáo Sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Ɖại Học Georgetown, Washington D.C.. Chị Cao Thị Tốt và em là Cao Thị Ba có vài chiếc xe đò chạy trên tuyến đường Lái Thiêu-Sài Gòn. Chị Ba mất năm 1955 ở bịnh viện Saint Paul trên đường Le Grand de la Liraye (sau thành đường Phan Thanh Giản và hiện nay là đường Ɖiện Biên Phủ).
(9): Rừng Cò Mi rộng lối 10km2, được gọi như thế vì ven rừng có nhà của ông commis Phạm Văn Mân. Có người cho rằng ông Phạm Văn Mân là thân sinh của kỹ sư kiều lộ Phạm Minh Dưỡng (có một thời làm tổng trưởng bộ Công Chánh) và bác sĩ Phạm Minh Chánh. Tôi loan tin này với tất cả sự dè dặt.
_______________
Ɖọc Hồi Tưởng Hình Ảnh Quê Ngoại - Phạm Ɖình Lân:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét