Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

San Jose California: Chuẩn Tướng Không Quân VNCH, Nguyễn Văn Lượng Vừa…Bay Cao! Kính Chuyển Tin Quốc Tế và Việt Nam Theo Dòng Thời Cuộc! - Lê Văn Hải


Tin Buồn Vào Tháng Cuối Năm 2024: Lại Thêm Một Vị Sao…Rơi!
Chuẩn Tướng Không Quân VNCH, Nguyễn Văn Lượng, Vừa Thực Hiện Phi Vụ Cuối Cùng! Tại San Jose, California Hoa Kỳ.
<!>

Phân Ưu của Gia Đình HAHKQ Bắc Cali

Nhận được tin buồn :
Ch/Tướng Nguyễn Văn Lượng
Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Không Quân Nha Trang
Đã rời họp đoàn KQ, bay về miền miên viễn,
vào ngày Thứ Hai, 02 tháng 12 năm 2024 tại San Jose, California
Hưởng Thọ 92 Tuổi
Xin thành kính chia sẻ sự mất mát lớn lao này cùng phu nhân và tang quyến
Nguyện cầu Hương Linh Ch/Tướng Nguyễn Văn Lượng, sớm vãng sanh cực lạc
Đồng Thành Kính Phân Ưu
Toàn thể Hội Viên và Gia đình HAHKQ Bắc Cali


Chút Về Phận Sự Sư Ðoàn 2 Không Quân
Sư Ðoàn 2: đóng tại Nha Trang, với Sư Ðoàn Trưởng là Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Lượng, có nhiệm vụ chính là yểm trợ các cuộc hành quân của Quân Ðoàn II, và gồm 2 Không Ðoàn Chiến Thuật 62 và 92.


Huy hiệu Sư Ðoàn 2 Không Quân
Sư Ðoàn 2 KQ được chính thức thành lập vào tháng 7-1970 tại Nha Trang, với Sư Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Nguyễn Văn Lượng, về sau, vào ngày 1-11-1972, vinh thăng Chuẩn Tướng.


Tóm Tắt Đời Binh Nghiệp của Chuẩn Tướng Không Quân Nguyễn Văn Lượng

Số Quân: 51/600.101
Sanh tháng 2-1931 tại Kiến An
1951: Khóa 1 Lê Lợi Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định
1952: Thiếu Úy theo học khóa 2 Hoa tiêu Quan sát Nha Trang
1955: Trung Úy Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 1 Quan Sát Nha Trang
1963: Thiếu Tá Liên Đoàn Trưởng Khóa Sinh TTHL/KQ Nha Trang
1964: 11-8 thăng Thiếu Tá thực thụ
1970: Tháng 7 Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Không Quân Nha Trang
1972: Vinh thăng Chuẩn Tướng nhiệm chức

Tiểu Sử:
-Nguyễn Văn Lượng (1931), nguyên là một Vị Tướng Không Quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông xuất thân từ trường Sĩ quan Trừ bị được Quân đội Pháp hỗ trợ Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra được ở miền Bắc Việt Nam nhằm mục đích đào tạo sĩ quan người Việt để phục vụ trong Quân đội Liên hiệp Pháp. Ra trường ông phục vụ trong đơn vị Bộ binh, 6 tháng sau chuyển sang Quân chủng Không quân. Chức vụ sau cùng, Tư lệnh Sư đoàn 2 Không Quân ...

Tiểu sử: Đời Binh nghiệp
Ông sinh vào tháng 2 năm 1931 trong một gia đình Nho học tại tỉnh Kiến An, miền Bắc Việt Nam. Năm 1950, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp ở Hải Phòng với văn bằng Tú tài bán phần.
Quân đội Quốc gia Việt Nam
Cuối tháng 9 năm 1951, thi hành lệnh động viên ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia trong Quân đội Liên hiệp Pháp, mang số quân: 51/600.101. Theo học khóa Lê Lợi tại trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định, khai giảng và mãn khóa cùng thời điểm với khóa 1 Lê Văn Duyệt ở trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức từ ngày 1 tháng 10 năm 1951 đến ngày 1 tháng 6 năm 1952. Tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường, ông được điều đi phục vụ trong một Tiểu đoàn Khinh binh. Tháng 12 năm 1952, cùng trong số 15 người trúng tuyển, chuyển sang Quân chủng Không quân. Theo học khóa 2 Hoa tiêu Quan sát tại Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang. Tháng 8 năm 1953 mãn khóa về phục vụ trong Phi đoàn 2 Quan sát.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa
Cuối năm 1955, sau khi Quân đội Quốc gia được nền Đệ nhất Cộng hòa đổi tên thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Trung úy và được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Phi đoàn 2 Quan sát tại Nha Trang thay thế Đại úy Võ Dinh. Đầu năm 1959, ông được thăng cấp Đại úy tại nhiệm.
Đầu tháng 11 năm 1963, sau cuộc đảo chính Chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm (ngày 1 tháng 11). Ngày 3 tháng 11 ông được thăng cấp Thiếu tá và được cử đi làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn khóa sinh thuộc Trung tâm Huấn luyện Không quân ở Nha Trang. Đầu năm 1967, ông được thăng cấp Trung tá giữ chức vụ Chỉ huy phó Trung tâm Huấn luyện Không quân.

•Thời gian làm Liên đoàn trưởng khóa sinh và Chỉ huy phó ở Trung tâm Huấn luyện Không quân, trải qua 3 vị Chỉ huy trưởng:
-Trung tá Phạm Ngọc Sang (1964-1967)
-Trung tá Nguyễn Văn Ngọc (1965-1969)
-Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh (1969-1975).

Tháng 7 năm 1970, ông được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân tân lập tại Nha Trang và ở chức vụ này cho đến đầu tháng 4 năm 1975.
Ngày Quốc khánh Đệ Nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1972, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.
1975
Ngày 29 tháng 4, ông di tản khỏi Việt Nam. Sau đó sang định cư tại Mountain View, Tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Vì tuổi cao, điều kiện sức khỏe không cho phép, nên rất ít sinh hoạt với Anh Em KQ tại miền Bắc Cali, nên nhiều người trong vùng, cũng không biết Ông định cư ở đây!


Giới Thiệu Sinh Hoạt Cộng Đồng:

Tiệc Chúc Mừng Sự Thăng Tiến Của Cô Hiệu Trưởng Trường YB, Mary Hiền Pollett. Thứ Bảy Tuần Này! Khuôn Mặt Trẻ Thiện Chí, Nhiệt Tình Giúp Đỡ Cộng Đồng!


Kỷ Niệm! Một Buổi Chiều Tranh Đấu Đáng Nhớ Với Cô Mary Hiền Pollett: Học Khu Evergreen Thông Qua Nghị Quyết Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ!


(Hình: Bó bông và tấm tranh do Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali, trao tặng khi Cô đắc chức Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Học Chánh Tiểu Học Evergreen)



THƯ CẢM TẠ

Kính thưa quý vị,
Cảm ơn quý vị đã đến để tham dự và ủng hộ Nghị Quyết Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tại Học Khu Tiểu Học Evergreen. Đêm nay, lịch sử đã được viết mới khi Hội Đồng Quản Trị Học Khu Evergreen đã phê duyệt Nghị Quyết Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Quyết định quan trọng này không chỉ thể hiện sự giàu có văn hóa của cộng đồng người Việt hải ngoại mà còn là minh chứng cho các nguyên tắc tự do và đoàn kết mà chúng ta yêu quý.
Tôi muốn tận dụng cơ hội này để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến từng người trong cộng đồng đã tham dự cuộc họp của Hội Đồng Quản Trị Học Khu Evergreen để ủng hộ mục tiêu quan trọng này. Sự hiện diện và cam kết không ngừng của quý vị đã làm nên sự thành công hôm nay. Cùng nhau, chúng ta đã chứng tỏ sức mạnh của sự đoàn kết và hoạt động ủng hộ trong việc hình thành cộng đồng của chúng ta một cách tốt đẹp hơn.

Sự ủng hộ của quý vị đã là nguồn động viên và sự thúc đẩy không ngừng cho cá nhân tôi. Tôi cảm thấy tự hào và biết ơn quý vị rất nhiều. Chính qua những nỗ lực của tất cả mọi người, chúng ta đã thực hiện được những tiến bộ trong việc tạo ra một cộng đồng đa dạng và phong phú hơn.
Sự phê duyệt của đêm nay không chỉ là một chiến thắng cho cộng đồng người Việt, mà còn là một chiến thắng cho tất cả chúng ta, những người tin vào sự quan trọng của việc tôn trọng bức tranh văn hóa đa dạng của chúng ta. Đó là minh chứng cho các giá trị tự do, bình đẳng và công bằng mà kết nối chúng ta với nhau như một cộng đồng, bất kể nguồn gốc của chúng ta.
Khi chúng ta kỷ niệm khoảnh khắc lịch sử này, hãy nhớ rằng công việc của chúng ta vẫn còn rất nhiều. Với sự ủng hộ và cam kết tiếp tục của các cá nhân của quý vị, tôi tin rằng cùng nhau chúng ta sẽ tiep tuc xay dựng một cộng đồng lớn mạnh.
Một lần nữa, cảm ơn từ đáy lòng tôi với lòng biết ơn sâu sắc nhất và lời chúc tốt đẹp nhất,

Trân Trọng,

Mary Hiền Pollett
Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị
Học Chánh Tiểu Học Evergreen


Thêm Lời Mời đến dự buổi hàn huyȇn chia tay Cô Hiệu Trưởng Trường Trung Học Yerba Buena
(Hoàng Hoa)


-Kính thưa quý vị,
Chỉ còn vài hôm nữa, sau ngày 25/12/2024, chúng ta sẽ chia tay với Cô Hiệu Trưởng vì Cô sẽ đi nhận nhiệm sở mới tại Millbrae, một thành phố cách xa chúng ta khoảng 50 dậm về phía Tây Bắc San Jose. Khoảng cách 50 dậm không là xa, nhưng chúng ta sẽ thiếu vắng một người Hiệu Trưởng luôn tận tâm giáo dục con em chúng ta cũng như con em thuộc các sắc dân khác trong suốt một thời gian dài 20 năm. Hai mươi năm đủ cho những em học sinh năm xưa giờ đây là những người chững chạc, có hiểu biết, có địa vị, trở thành người hữu dụng cho xã hội và cộng đồng. Ðó là công sức của Cô Hiệu Trưởng trong suốt hai mươi năm âm thầm lặng lẽ gieo trồng bao hạt mầm giờ đã kết thành cây trái có khi ít ai hiểu được.
Chỉ vài hôm nữa Cô Hiệu Trưởng thân yȇu đó sẽ rời mái Trường YB thân yȇu này nhưng những tình cảm thân thương của phụ huynh, học sinh trong cộng đồng nhất là tại Khu vực 7 sẽ không bao giờ xóa nhòa trong tâm khảm hình ảnh một Cô Hiệu Trưởng mãnh khảnh nhưng đầy cương quyết và nghị lực đã cống hiến gần nửa phần đời cho sự nghiệp giáo dục các con em chúng ta.
Kính mong quý vị đến hàn huyȇn và chia tay với cô Hiệu Trưởng Mary Hiền Pollett tại Student Union của Trường YB vào:

Ngày Thứ Bẩy 14 tháng 12, 2024
Thời gian từ 11AM đến 3PM
Sự hiện diện của quý vị là một vinh dự và khích lệ tinh thần cho Cô Hiệu Trưởng.
Trân trọng,


Nhạc Hội Quy Mô, Chuẩn Bị Công Phu, Nhiều Mong Đợi: "Tỏa Ánh Hào Quang 3!"


Bốn Trong Năm Luật Sư của Tịnh Thất Bồng Lai Đã Đến Mỹ Tị Nạn Chính Trị


(Hình Ls Trịnh Vĩnh Phúc/RFA edited: Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc trong một bức ảnh chụp ngày 9/12/2024 tại thành phố Durham, tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ.)
-Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Luật sư thứ tư trong nhóm 5 Luật sư bào chữa cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi thành Thiền am Bên bờ Vũ trụ), đã rời Việt Nam sang Mỹ tị nạn.
Vợ chồng ông Phúc rời phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) ngày 3/12/2024 và đến New York, sau đó bay về tiểu bang North Carolina, miền Đông của Mỹ, vào ngày 4/12.
Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 9/12, Luật sư Phúc cho biết việc rời khỏi đất nước và chấm dứt hành nghề Luật sư sau hơn 30 năm là một quyết định khó khăn, ông cho rằng "áp lực nặng nề suốt gần 2 năm qua từ Công an tỉnh Long An và việc bảo toàn danh dự, phẩm giá" khiến ông quyết định rời đi.

Theo ông Phúc, ở Việt Nam khi Luật sư tham gia bào chữa cho các vụ án nhạy cảm, nhất là các sự việc đụng chạm đến quyền hành của công an luôn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bị giải quyết ngược, có thể bị khởi tố, bắt giam và tù đày. Ông khẳng định trong tin nhắn với phóng viên:
"Tình trạng này đang dần triệt tiêu sự tham gia của Luật sư vào các vụ án nhạy cảm, bóp nghẹt tiếng nói phản biện trong xã hội, làm thụt lùi các định chế Dân chủ, gây méo mó hoạt động Tư pháp và kìm hãm sự phát triển của xã hội".
Phóng viên đã gửi email cho Bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với đề nghị bình luận về trường hợp Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc rời Việt Nam sang tị nạn ở Mỹ nhưng chưa nhận được phản hồi.
Hồi năm 2022, ông Phúc cùng bốn đồng nghiệp Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân, và Ngô Thị Hoàng Anh bào chữa cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai trong vụ án "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Trong vụ này, các Luật sư đã làm đơn gửi ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam tố cáo các cơ quan tố tụng của huyện Đức Hòa và tỉnh Long An có nhiều sai phạm nghiêm trọng, tuy nhiên chẳng những không được giải quyết mà họ còn bị cho là"có dấu hiệu tội phạm lợi dụng quyền tự do dân chủ".
Tới tháng 4/2023, cả năm Luật sư đều bị Công an tỉnh Long An triệu tập do có tin báo về tội phạm từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) về các hành vi phát tán các thông tin trên không gian mạng.
Tháng 6/2023, ba Luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân đào thoát đến Hoa Kỳ tị nạn sau khi công an phát thông báo truy tìm các ông.


Tin Quốc Tế Đó Dây
***
Do Thái Oanh Kích Vào Nhiều Cơ Sở Quân Sự ở Syria


(Hình AP - Matias Delacroix: Các binh sĩ Do Thái ngồi trên xe tăng dọc theo Đường Alpha ngăn cách Cao nguyên Golan với Syria, ngày 9/12/2024.)
-Trong đêm thứ Hai (9/12/2024), Do Thái đã không kích vào các căn cứ quân sự ở Syria, với lý do ngăn chặn các vũ khí chiến lược rơi vào tay "những kẻ Hồi Giáo cực đoan". Do Thái gần đây cũng đã chiếm một số khu vực ở vùng cao nguyên Golan, giáp với Syria, không lâu sau khi phiến quân HTS lật đổ chế độ "tàn bạo" al-Assad.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria (OSDH), được thông tấn xã AFP trích dẫn, cho biết Không quân Do Thái trong đêm qua đã thực hiện 250 vụ oanh kích, phá hủy các cơ sở quân sự chính ở Syria, cũng như các phi trường, các kho vũ khí, trung tâm nghiên cứu quân sự. Các cơ sở này hiện vẫn do lực lượng của chế độ cũ kiểm soát.

Ngoại trưởng Do Thái Gideon Saar, tối thứ Hai, cho biết là "những chủ nhân mới của Syria mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan, vì vậy chúng tôi tấn công vào các hệ thống vũ khí chiến lược, như vũ khí hóa học hoặc phi đạn tầm xa, để chúng không rơi vào tay của những kẻ cực đoan".
Nguồn tin an ninh từ Syria, được thông tấn xã AFP trích dẫn, cho biết quân đội Do Thái đã chiếm được một phần của cao nguyên Golan, vùng đệm giữa Do Thái và Syria. Ai Cập, Qatar và Ả Rập Saudi đã lên án hành động này, mà họ xem là sẽ gây "tổn hại đến khả năng tái lập an ninh ở Syria".
Do Thái khẳng định không muốn can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria và việc chiếm được vùng đệm ở cao nguyên Golan, chỉ là hành động "mang tính tự vệ".
Một số nguồn tin cho hay quân đội Do Thái đã xâm nhập vào lãnh thổ miền Nam Syria, tiến đến một nơi chỉ cách thủ đô Damascus 25 cây số vào sáng nay, tuy nhiên phát ngôn viên của quân đội Do Thái đã bác bỏ tin này, và khẳng định chỉ duy trì lực lượng tại vùng đệm.
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria Geir Pedersen hôm nay đã yêu cầu chấm dứt các vụ oanh kích của Do Thái vào Syria.


Chiến Tranh Ukraine: Ngày Càng Nhiều Binh Sĩ Từ Bỏ Vị Trí

-Không quên đề tài chiến tranh Ukraine, Libération nói đến một thực tế đáng lo ngại tại quốc gia đang phải gồng mình chống quân Nga xâm lược: Ngày càng có nhiều binh sĩ "từ bỏ vị trí" chiến đấu. Libération gọi đây là những "người vắng mặt ở chiến trường". Nhiều quân nhân sau một thời gian điều trị ở bệnh viện, thấy mình được phân công về gần chiến tuyến nên đã không đến nhận nhiệm vụ.
Tuy nhiên, thông tín viên báo Libération tại Ukraine cho biết nhiều binh sĩ khẳng định họ vẫn có khả năng chiến đấu, vẫn có động lực tham chiến, chỉ là họ không muốn chiến đấu trong lực lượng Bộ binh. Có người cay đắng chỉ trích thái độ của các chỉ huy mang tinh thần Xô Viết, chơi đùa với tính mạng binh lính, khi điều quân lên tuyến đầu mà không trang bị cho họ, không bảo đảm kết nối radio, các binh sĩ cũng không biết địch tấn công từ hướng nào....
Những khó khăn trong động viên quân khiến nhiều vị chỉ huy chỉ vì muốn bảo đảm đủ quân số mà phớt lờ tình trạng bệnh tật của các binh sĩ và tình hình của các đội quân.


Lệ Thuộc Vào Hàng Trung Quốc, Ấn Độ Thay Đổi Chiến Lược

-Báo Les Echos hôm 10/12/2024 quan tâm đến hồ sơ Syria, nhưng hướng sự chú ý của độc giả tới công cuộc chuyển giao quyền lực đầy thách thức, nguy cơ sụp đổ của đồng tiền quốc gia Syria.
Về di dân, Les Echos nói đến tình trạng Âu Châu đóng sập cánh cửa với di dân Syria: Đức, Thụy Điển, Đan Mạch ngay lập tức ngưng xét hồ sơ xin tị nạn của người Syria, Pháp dự kiến làm tương tự, Áo thậm chí ra lệnh trục xuất di dân Syria.
Thời sự Pháp, với tâm điểm là vụ chính phủ Barnier đổ, cũng được Les Echos tiếp tục lưu ý.
Nhìn sang Á Châu, Les Echos có bài phân tích về quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc: "Ấn Độ buộc phải theo đường lối thực tế trước bài toán khó về Trung Quốc". Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi, từ 46 tỉ Mỹ kim vào năm 2020 lên thành 85 tỉ Mỹ kim, đặt ra vấn đề về tự chủ của quốc gia.

Theo Oxford Economics, trong lĩnh vực điện tử, máy công cụ, hóa chất và dược phẩm, 1/3 lượng hàng Ấn Độ nhập cảng là từ Trung Quốc. Sự thâm hụt thương mại này phần nào là do sự yếu kém của ngành công nghiệp Ấn Độ. Tỷ trọng của công nghiệp trong nền kinh tế đang giảm dần, bắt nguồn từ việc thiếu vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển cũng không đủ. Và hệ quả là Ấn Độ buộc phải nhập cảng từ Trung Quốc các sản phẩm mà họ có thể tự sản xuất trong nước, ví dụ 70% pin mặt trời.
Nghiên cứu kinh tế thường niên của các chuyên gia của chính phủ Ấn Độ giải thích: "Để thúc đẩy nền sản xuất của Ấn Độ và sự hội nhập vào hệ thống sản xuất tạo giá trị trên toàn cầu, Ấn Độ kết nối với chuỗi sản xuất của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi", giúp tạo hàng triệu việc làm tại Ấn Độ, cho dù có xung đột với Trung Quốc ở dãy Himalaya.
Giới doanh nghiệp Ấn Độ cũng được cho là đã gây áp lực để chính phủ Ấn Độ thiết lập mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, bởi vì chính sách của Delhi đối với Bắc Kinh, trong đó có ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc và áp thuế nhập cảng quá cao hàng hóa Trung Quốc để thúc đẩy sản xuất nội địa, đã phản tác dụng. Trên thực tế, rất ít nhà đầu tư sẵn sàng sản xuất ở Ấn Độ, khiến các doanh nghiệp Ấn Độ phải chi nhiều tiền hơn để khẩu những sản phẩm Trung Quốc mà họ lệ thuộc. Về phần mình, các doanh nghiệp ngoại quốc lo sợ bị cấm nhập cảng hàng Trung Quốc đột ngột. Les Echos kết luận dường như chính phủ Ấn Độ phần nào đã tiếp nhận những lập luận này.


Chọn Tân Thủ Tướng: Tổng Thống Pháp Tiếp Lãnh Đạo Các Chính Đảng, Trừ Cực Hữu và Cực Tả


(Hình REUTERS / Kevin Coombs: Tổng thống Emmanuel Macron tại điện Elysée, Paris, thủ đô của Pháp, ngày 9/12/2024.)
-Một tuần sau khi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, Pháp vẫn chưa có Thủ tướng mới. Hôm 10/12/2024, Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tiếp lãnh đạo các chính đảng lớn để tìm ứng viên mới, có khả năng thỏa hiệp, để tránh chính phủ bị "lật đổ" một lần nữa. Tuy nhiên, các lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) không được mời dự cuộc họp tại điện Élysée.
Theo thông tấn xã AFP, vào lúc 2 giờ chiều ngày 10/12, giờ Paris, cuộc họp sẽ diễn ra giữa Tổng thống Macron với lãnh đạo các đảng cánh hữu, cánh trung và các đảng cánh tả, như đảng Xã hội, đảng Xanh, đảng Cộng sản Thông cáo của điện Elysée nêu rõ cuộc gặp này nhằm mục đích thành lập một chính phủ "vì lợi ích chung", hoặc ít nhất là khả thi hơn.

Về sự vắng mặt đại diện hai đảng RN và LFI, những người thân cận của Tổng thống Pháp giải thích "cuộc họp dựa trên logic thỏa hiệp, nhưng cả hai đảng này đều chối bỏ logic này".
Trên đài truyền hình Pháp TF1, sáng 10/12, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN), ông Jordan Bardella cho rằng quyết định của Tổng thống Macron thể hiện sự "khinh thường, kiêu ngạo và thiếu lịch sự". Ông Manuel Bompard, điều phối viên toàn quốc của đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI), trên kênh France 2, thì kêu gọi các thành viên của liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới không nên nhượng bộ và bị cám dỗ về một "chính phủ đoàn kết dân tộc".
Trong khi cánh tả Pháp đưa ra những điều kiện, muốn Tổng thống Macron chỉ định một tân Thủ tướng từ phe của mình, thì cánh hữu, cụ thể là đảng Những người Cộng hòa, bác bỏ mọi ứng viên đến từ Mặt trận Bình dân Mới (NFP).
Nếu như ông Macron đã dành hai tháng để lựa chọn Thủ tướng Michel Barnier, thì lần này Tổng thống Pháp phải nhanh chóng ra quyết định, vì thiếu lãnh đạo chính phủ có thể ảnh hưởng đến việc thông qua ngân sách cho năm 2025, khiến thị trường tài chánh quan ngại.
Trong lúc chính trường Pháp hồi hộp chờ đợi, Hội đồng các Bộ trưởng sẽ họp vào ngày mai, 11/12/2024, để bàn về một Dự luật đặc biệt về ngân sách, được áp dụng cho năm 2025, cho phép "tiếp tục duy trì các dịch vụ công của đất nước".


Những Người Sống Sót của Bom Nguyên Tử Hiroshima Nhận Giải Nobel Hòa Bình


(Hình AP - Heiko Junge: Các đại diện của hiệp hội Nihon Hidankyo nhận giải Nobel Hòa Bình 2024 tại Tòa Thị chánh thành phố Oslo, thủ đô của Na Uy, ngày 10/12/2024.)
-Hôm 10/12/2024, giải thưởng Nobel Hòa Bình đã được trao cho nhóm các nhà đấu tranh Nhật Bản chống vũ khí nguyên tử, những người còn sống sót sau trận thả bom nguyên tử của Mỹ xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Lễ trao giải diễn ra vào lúc 1 giờ trưa tại Tòa Thị chánh thành phố Oslo, thủ đô của Na Uy.
Gần 80 năm sau 2 trận bom kinh hoàng, mối đe dọa nguyên tử vẫn luôn mang tính thời sự. Trong cuộc họp báo ngày 9/12, Terumi Tanaka, một trong 3 đồng Chủ tịch hiệp hội Nihon Hidankyo, đấu tranh vì một hành tinh không vũ khí nguyên tử, cảnh báo: "Nhân loại có nguy cơ biến mất ngay trước khi cả biến đổi khí hậu có những tác động tàn phá".

Hai quả bom nguyên tử thả xuống 2 thành phố Nhật Bản trong 2 ngày 6 và 9/8/1945 đã giết chết hơn 200 ngàn người, buộc Nhật Bản phải đầu hàng, và kết thúc Đệ nhị Thế chiến. Vào thời điểm đó, Terumi Tanaka mới 13 tuổi. Dựa vào những chứng nhân sống sót của Hiroshima và Nagasaki, Nihon Hidankyo đấu tranh không ngơi nghỉ vì một hành tinh không có vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Cũng trong cuộc họp báo này, Terumi Tanaka báo động sự trỗi dậy của hiểm họa nguyên tử, hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin ngừng đe dọa sử dụng vũ khí này trong cuộc chiến Ukraine. Ông cho rằng "Tổng thống Nga chưa thực sự hiểu mối họa vũ khí nguyên tử đối với nhân loại, cũng như bản chất loại vũ khí đó là gì".
Những chỉ trích này được đưa ra vào lúc nguyên thủ quốc gia Nga gần đây đã sửa đổi học thuyết nguyên tử, mở rộng khả năng dùng vũ khí nguyên tử. Hiểm họa này còn đến từ Bắc Hàn, không ngừng gia tăng thử nghiệm phi đạn-đạn đạo, trong khi Iran bị nghi ngờ cũng muốn trang bị vũ khí nguyên tử.
Trước giới báo chí, Chủ tịch Ủy ban Nobel, Jorgen Watne Frydnes, bình luận: "Điều cốt lõi cho nhân loại là gìn giữ điều cấm kỵ nguyên tử, và về mặt đạo đức, nên coi chúng như là điều không thể chấp nhận!"


Tổng Thống Nam Hàn Khó Tránh Cáo Buộc "Kẻ Cầm Đầu Cuộc Nổi Loạn"


(Hình AP - Lee Jin-man: Một bức biếm họa mô tả Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol với giòng chữ "Bắt giữ" gần trụ sở đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền ở thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, ngày 9/12/2024.)
-Cuộc điều tra về việc Tổng thống Nam Hàn ban hành lệnh thiết quân luật vi hiến có những diễn biến mới. Hôm 10/12/2024, chính quyền Nam Hàn ra lệnh cấm xuất ngoại đối với nhiều viên chức cảnh sát, sau khi đã có lệnh cấm đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol. Thủ tướng Nam Hàn cũng bị cảnh sát triệu mời với tư cách là nghi phạm.
Thông tấn xã AFP dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap cho biết ông Cho Ji Ho, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn (KNPA), cùng với hai viên chức cao cấp khác bị cấm rời lãnh thổ. Lệnh cấm này đã được ban hành đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol vào ngày 9/12, cùng với hai cựu Bộ trưởng, Quốc phòng và Nội vụ, cũng như lãnh đạo cơ quan phản gián Nam Hàn.

Cũng theo Yonhap News, Cơ quan Điều tra Quốc gia đã triệu mời 11 người khác, trong đó có Thủ tướng Nam Hàn Han Duck Soo, người đã tham gia cuộc họp văn phòng Nội các để thông qua việc ban hành lệnh thiết quân luật, và lãnh đạo Cơ quan Tình báo Nam Hàn (NIS), ông Cho Tae Yong. Đảng đối lập Dân chủ (PD) cho rằng Thủ tướng Han Duck Soo cũng là một "nghi phạm" trong vụ "nổi loạn" này.
Yonhap News cho biết thêm là Cơ quan Điều tra Đặc biệt đã yêu cầu phát lệnh bắt giam cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun, cho rằng nhân vật này đã phát động cuộc nổi loạn này nhằm mục đích lật đổ trật tự Hiến pháp bằng cách âm mưu với Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nhóm điều tra trực thuộc Viện Công tố mô tả vai trò của cựu Bộ trưởng Quốc phòng như là thuộc cấp chứ không phải là người cầm đầu, và rất có thể Viện Công tố xem Tổng thống Yoon Suk Yeol mới chính là người chủ mưu cuộc nổi loạn.
Hãng thông tấn Nam Hàn lưu ý, theo điều số 87 bộ Luật Hình sự, người cầm đầu cuộc nổi loạn – một hành động phản quốc – có thể bị kết án tử hình hoặc tù chung thân.


Trung Quốc Khai Triển Quanh Đảo Đài Loan Số Chiến Hạm Nhiều Nhất Kể Từ 2022


(Ảnh AP, tư liệu: Tàu Hải cảnh Trung Quốc bao vây Đài Loan ngày 14/10/2024.)
-Hôm 10/12/2024, chính quyền Đài Bắc cho biết Trung Quốc đang khai triển một số lượng chiến hạm đông hơn rất nhiều so với đợt tập trận Hải quân năm 2022 để trả đũa chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Theo lời một viên chức an ninh cao cấp Đài Loan với hãng tin AFP, tổng cộng "gần 90" chiến hạm Trung Quốc đã được khai triển tại vùng biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như tại eo biển Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Tôn Lập Phương (Sun Li-fang), cho rằng con số này cao hơn nhiều so năm 2022.
Giới chức Đài Loan cho rằng đợt tập trận Hải quân lớn của Trung Quốc "không chỉ nhắm vào chính quyền Đài Loan". Từ thủ đô Đài Bắc của Đài Loan, thông tín viên Nguyễn Giang của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
"Đài Loan cho hay Trung Quốc vừa khai triển các hoạt động quân sự quy mô lớn nhất từ năm 1996 quanh đảo Đài Loan 24 tiếng đồng hồ qua.

Trung Quốc đã bày tỏ thái độ bất bình vì tuần qua, Tổng thống Đài Loan, ông Lại Thanh Đức đã có công du các nước đồng minh ngoại giao ở vùng châu Đại Dương như Palau, Tuvalu và quần đảo Marshall, với chặng dừng chân ở Hawai và quá cảnh ở Guam, thuộc Mỹ.
Hôm 9/12, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói có 47 máy bay quân sự và 12 chiến hạm cùng 9 tàu Hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động ở quanh hòn đảo này mà không báo trước. Họ dự báo các hoạt động sẽ kéo dài ít nhất tới thứ Tư tuần này.
Đài Loan nói tầm mức của lần phô trương lực lượng Trung Quốc ở 7 vùng cấm bay, ba chiến khu Bắc, Đông và Nam của Trung Quốc, là thách thức chung với cả các nước khác trong vùng, chứ không chỉ với Đài Loan.
Dù Hoa Thịnh Ðốn đã nói chuyến công du các quốc đảo Thái Bình Dương của Tổng thống Đài Loan không nên là điều khiến Trung Quốc phải mở cuộc tập trận, nhưng các hoạt động của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa vẫn diễn ra để gửi thông điệp tới ông Lại Thanh Đức, nhân vật mà Bắc Kinh coi là "kẻ ly khai", đang muốn tìm kiếm "độc lập" cho Đài Loan".


Trung Quốc Mở Điều Tra Tập Đoàn Mỹ Nvidia Vì Vi Phạm Luật Chống Độc Quyền


(Hình REUTERS - Dado Ruvic: Logo tập đoàn Nvidia.)
-Thêm một diễn biến mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật cao: Chính quyền Trung Quốc hôm 9/12/2024, đã mở điều tra nhắm vào tập đoàn kỹ thuật Hoa Kỳ Nvidia với cáo buộc "vi phạm luật chống độc quyền".
Theo thông tấn xã Reuters, thông cáo từ Cục Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc, không nêu chi tiết về hành vi vi phạm luật chống độc quyền của Nvidia. Cơ quan này cho biết thêm là tập đoàn công Hoa Kỳ, hoạt động mạnh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chip điện tử hay thẻ đồ họa, cũng bị nghi ngờ đã có sai phạm trong việc mua lại công ty thiết kế chip Mellanox Technologies.
Mặc dù thông tin này đã khiến cổ phiếu của tập đoàn Hoa Kỳ giảm 2,55%, nhưng nhà nghiên cứu Bob O'Donnell của viện TECHnalysis Research, trả lời thông tấn xã Reuters, cho rằng cuộc điều tra này sẽ không tác động quá nhiều đến Nvidia trong thời gian tới, "vì hầu hết các chip tiên tiến nhất của doanh nghiệp Mỹ đã bị hạn chế bán vào Trung Quốc".

Từ năm 2022, Hoa Kỳ đã cấm xuất cảng các lô hàng chip kỹ thuật cao, như AI 100 và H100, đến Trung Quốc, buộc Nvidia phải phát triển các phiên bản sửa đổi dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Trước khi các hạn chế này được đưa ra, Nvidia thống trị thị trường chip AI (trí tuệ nhân tạo) tại Trung Quốc, với hơn hơn 90% thị phần.
Cuộc điều tra của Trung Quốc nhắm vào Nvidia xảy ra sau khi Hoa Kỳ tiến hành cuộc "trấn áp" lần thứ ba trong năm nay, được đưa ra vào thứ Ba (3/12) tuần trước, nhắm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, hạn chế 140 doanh nghiệp xuất cảng sang Trung Quốc, trong đó có nhiều nhà sản xuất chip điện tử.
Theo thông tấn xã AFP, ngay sau thông báo của Hoa Thịnh Ðốn, Bắc Kinh đã cấm xuất cảng sang Hoa Kỳ các khoáng sản quan trọng như gali, germani, và antimon,.., là các vật liệu quan trọng để sản xuất pin mặt trời và chip điện tử, cũng như được sử dụng trong nhiều kỹ thuật dân dụng và quân sự. Một số hiệp hội doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cũng kêu gọi "cảnh giác" khi mua chip điện tử của Hoa Kỳ vì "không còn an toàn", và thay vào đó, nên mua chip nội địa.
Những năm gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt trong thị trường kỹ thuật toàn cầu. Cuộc chiến thương mại có thể sẽ gay gắt hơn với việc Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc ngày 20/1/2025. Ông Trump đã hứa sẽ áp thuế hải quan cao hơn nữa đối với hàng nhập từ Trung Quốc.
Trên kênh truyền hình CCTV hôm 10/12, ông Tập Cận Bình khẳng định rằng "chiến tranh hải quan, thương mại, và chiến tranh kỹ thuật đi ngược lại xu hướng lịch sử và quy luật kinh tế, và sẽ không có người chiến thắng".


Kỷ Nguyên Mới Về Robot: Trung Quốc Nhanh Chân Đi Đầu Thế Giới

-Báo Le Monde ra ngày 10/12/2024 dành sự chú ý cho "Kỷ nguyên mới về robot đã đến".
Nhờ sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI) và kỹ thuật, các loại máy móc tự động hóa đang được "nhân hóa" và đi vào cuộc sống hàng ngày. Các nhà đầu tư đang ồ ạt lao vào lĩnh vực này, nhưng Trung Quốc đã nhanh chân đi trước một bước trong thị trường toàn cầu mới nổi khổng lồ này. Báo Le Monde trích dẫn Tony Li, chủ tịch - tổng giám đốc của Keenon Robotics: "Đất nước của chúng tôi là nhà sản xuất robot lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực giao hàng, lau chùi dọn dẹp và nhiều ứng dụng khác".
Trước khi lao vào lĩnh vực robot phục vụ thương mại và các hộ gia đình, Trung Quốc, từng được mệnh danh là "công xưởng thế giới", đã bắt đầu với lĩnh vực robot công nghiệp. Theo nghiên cứu thường niên Liên đoàn ngành chế tạo robot quốc tế công bố hồi tháng 9/2024, trên thế giới có hơn 4,2 triệu robot công nghiệp hoạt động, tăng 10% sau 1 năm. Trung Quốc dẫn đầu thị trường này về số robot được triển khai trong năm 2023, kế đến là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nam Hàn và Đức. Pháp đứng ở vị trí thứ 8, trước Ý Ðại Lợi và Ấn Độ.

Tuy nhiên, như đã được chứng minh tại Hội nghị Thế giới về Robot lần thứ 10, được tổ chức vào cuối tháng 8 tại Bắc Kinh, thị trường robot dịch vụ sẽ có quy mô khác hẳn, mang tính toàn cầu, bởi nhắm đến đông đảo công chúng.


Tin Việt Nam
Thủ Tướng Chính Kêu Gọi Doanh Nghiệp Mỹ Đầu Tư Vào Bán Dẫn, AI, Điện Toán Đám Mây


(Ảnh chụp màn hình báo Chính Phủ: Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) tiếp ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), tại Hà Nội vào ngày 10/12/2024.)
-Báo Thanh Niên và trang tin của chính phủ Việt Nam đưa tin cho hay hôm 10/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của Mỹ đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Đề nghị của Thủ tướng Việt Nam được đưa ra trong buổi tiếp ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), và lãnh đạo các doanh nghiệp kỹ thuật hàng đầu của Mỹ gồm Intel, Ampere, Marvell, Cirrus Logic, Infineon, Skyworks, khi phái đoàn này đến thăm Việt Nam trong 2 ngày 10 và 11/12.

Theo ghi nhận của báo Chính Phủ, sau khi giới thiệu chính sách đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, ông Chính cho biết Việt Nam sẽ có chính sách hỗ trợ với các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực phát triển khoa học-kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chíp bán dẫn, với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Chính đề nghị SIA tiếp tục kêu gọi các tập đoàn Mỹ đầu tư sâu nhiều hơn vào Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông cũng đề nghị Chủ tịch SIA và phái đoàn doanh nghiệp Mỹ "có tiếng nói" với chính quyền Hoa Kỳ trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, sớm công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam và bãi bỏ các hạn chế liên quan đến xuất cảng kỹ thuật cao với Việt Nam.
Theo báo Thanh Niên, Chủ tịch SIA Neuffer ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu, với các sáng kiến và nỗ lực trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là chiến lược phát triển cùng chương trình đào tạo ít nhất 50.000 Kỹ sư bán dẫn.

Sự tăng trưởng của Việt Nam trong phân khúc sản xuất bán dẫn (chip) đã được chính quyền Biden thúc đẩy trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh, và theo thông tấn xã Reuters, điều này có thể sẽ leo thang hơn nữa với nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.
Nhờ phần lớn vào các khoản đầu tư từ các công ty ngoại quốc, Việt Nam dự kiến sẽ chiếm 8% đến 9% thị phần toàn cầu về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip vào năm 2032, từ mức chỉ 1% vào năm 2022, theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ và Boston Consulting Group công bố vào tháng 5 mà thông tấn xã Reuters trích dẫn.


Bộ Công An Xây Dựng Phi Trường Đầu Tiên Trị Giá 900 Tỉ Đồng, Hoàn Thành Trước Đại Hội Đảng


(Hình AFP / Hoang Dinh Nam, minh họa: Lực lượng cảnh sát chống bạo động của Bộ Công an tham gia diễu hành ở Điện Biên Phủ hôm 7/5/2014.)
-Vào ngày 10/12/2024, Bộ Công an CSVN khởi công xây dựng phi trường đầu tiên của Bộ trị giá 900 tỉ đồng ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, để phục vụ bay huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Phi trường Gia Bình của Bộ Công an được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 9 vừa qua có phi đạo dài 1.500 m trên diện tích đất khoảng 125 ha. Phi trường có thể bảo đảm cất, hạ cánh cho các loại trực thăng Chinook CH-47D, Mi-8, Mi-171, máy bay vận tải Casa-295. Phi trường cũng có thể là nơi dự bị cho hoạt động của Quân chủng Phòng không-Không quân của Bộ Quốc phòng và các cảng hàng không trong khu vực khi có trường hợp khẩn cấp và có thể tiếp nhận máy bay chiến đấu Su-27, Su-30, Embraer, ATR72, theo truyền thông nhà nước.

Theo Bộ Công an, phi trường mới phục vụ cho hoạt động của lực lượng Không quân Công an Nhân dân. Trung đoàn Không quân Công an Nhân dân ra mắt vào tháng 10/2021 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động.
Theo Bộ Công an, Luật Cảnh sát Cơ động của Việt Nam quy định cảnh sát cơ động được trang bị máy bay để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Lực lượng này được đầu tư các loại phương tiện bảo đảm tính sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động được trên mọi địa hình, thời tiết, khí hậu đủ khả năng trấn áp, ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối, tụ tập đông người bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, khủng bố.
Ngoài ra, lực lượng này cũng có nhiệm vụ tham gia tìm kiếm, cấp cứu, phòng chống, khắc phục thảm họa, thiên tai.
Theo dự kiến, dự án phi trường mới sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2025, trước Đại hội Đảng 14 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026 khi Đảng Cộng sản Việt Nam bầu chọn ra những lãnh đạo mới.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan khai triển nhanh giai đoạn 1 của dự án phi trường Gia Bình, đồng thời làm ngay các hồ sơ, thủ tục để thực hiện giai đoạn 2.
Ngoài ra, ông Chính cũng yêu cầu tỉnh Bắc Ninh và Bộ Giao thông-Vận tải nghiên cứu, khai triển đường kết nối giữa phi trường Gia Bình với thủ đô Hà Nội với yêu cầu "3 nhất" gồm: Ngắn nhất, hiện đại nhất, đẹp nhất và rộng từ 80-100 m; phần trên địa bàn Hà Nội sẽ giao Hà Nội làm.
Bộ Công an là bộ được phân bổ ngân sách nhiều thứ hai sau Bộ Quốc phòng, theo Nghị quyết về Dự toán ngân sách 2024 được Quốc hội thông qua vào năm 2023. Theo đó, Bộ Công an có ngân sách phân bổ là 113 ngàn tỉ đồng, tăng khoảng 14 ngàn tỉ đồng so với năm 2023. Ngân sách Quốc phòng của Việt Nam năm nay được dự kiến là 207 ngàn tỉ đồng.


Tàu Mỹ Tuần Tra Biển Đông, Thách Thức Đòi Hỏi Quá Đáng của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan


(Hình REUTERS/US Navy/Mass Communication Specialist 3rd Class Alexander Tidd, minh họa: Một trực thăng HH-60H Sea Hawk đang bay lên từ khu trục hạm USS Preble ở Thái Bình Dương hôm 13/3/2011.)
-Hôm 6/12/2024, một khu trục hạm của Hải quân Mỹ đi qua khu vực quần đảo ở Trường Sa trong hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở vùng nước đang có tranh chấp trong khu vực.
Thông cáo báo chí của Ðệ thất Hạm đội (Hải quân Mỹ) hôm 6/12 cho biết khu trục hạm USS Preble (DDG 88) đã kết thúc hoạt động và đi ra khỏi vùng nước nơi có những đòi hỏi chủ quyền quá đáng, đồng thời sẽ tiếp tục các hoạt động ở khu vực Biển Đông.
"Hoạt động tự do hàng hải (FONOP) duy trì quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được công nhận theo luật quốc tế bằng cách thách thức những hạn chế về quyền đi lại vô hại do các nước Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt" – Thông cáo báo chí của Ðệ thất Hạm đội Mỹ viết.

Theo thông cáo, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan hiện đều đòi chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Trường Sa, trong khi Mã Lai Á cũng có đòi hỏi chủ quyền đối với một số thực thể tại quần đảo này.
"Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, mỗi nước đều cố tình yêu cầu các chiến hạm phải được phép hoặc thông báo trước, dù vi phạm luật quốc tế, khi thực hiện việc "đi qua vô hại" ở vùng lãnh hải của họ. Những áp đặt đơn phương này hoặc những đòi hỏi phải có thông báo trước hoặc phải xin phép từ bất cứ quốc gia đòi chủ quyền nào là vi phạm pháp luật" – Thông cáo cho biết.
Ðệ thất Hạm đội cho biết Mã Lai Á hiện không có những đòi hỏi quá đáng liên quan đến hoạt động tự do hàng hải của Mỹ.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn ở Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Tòa Trọng tài Quốc tế trong một phán quyết hồi năm 2016 đã bác bỏ những đòi hỏi này nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.
Hoa Kỳ không phải là một quốc gia tham gia tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này nhưng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển nơi có các tuyến hàng hải vận chuyển hàng hóa quan trọng của thế giới.



Không có nhận xét nào: