Trong cuộc phỏng vấn với chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của đài NBC vào cuối tuần qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã được hỏi liệu ông có hạn chế việc tiếp cận thuốc phá thai thông qua hành động hành pháp hay không. Vị tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ đáp lại một cách chắc chắn rằng “câu trả lời là không”.
Ông Trump giải thích : “Tôi có lẽ sẽ giữ đúng những gì tôi đã và đang nói trong hai năm qua”, rằng phá thai là vấn đề của tiểu bang, chứ không phải vấn đề của liên bang.
Khi được hỏi liệu ông có cam kết sẽ không hạn chế thuốc phá thai hay không, vị tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ khẳng định: “Tôi cam kết”, tuy nhiên ông lưu ý rằng hoàn cảnh có thể thay đổi.
Ông Trump nhấn mạnh: “Mọi thứ có thể thay đổi không? Tôi nghĩ chúng có thể thay đổi”, bằng cách đề cập đến việc Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đã ân xá cho con trai mình là Hunter Biden mặc dù trước đó đã nhiều lần cam kết sẽ không làm như vậy.
Ông tiếp tục: “Tôi không muốn đặt mình vào tình huống như vậy. Vì vậy, mọi thứ đều có thể thay đổi, nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ thay đổi chút nào”.
Khả năng tiếp cận thuốc phá thai hóa học đã được mở rộng đáng kể dưới thời Tổng thống Biden. Chính quyền Biden đã loại bỏ vĩnh viễn yêu cầu sử dụng thuốc phá thai thông qua các cuộc hẹn trực tiếp với bác sĩ và cho phép thuốc được giao thông qua đường bưu điện hoặc được mua tại các hiệu thuốc bán lẻ như CVS hoặc Walgreens.
Trong một thông báo gửi cho kênh Fox News, bà Marjorie Dannenfelser, chủ tịch của tổ chức ủng hộ sự sống Suan B. Anthony Pro-Life America, cảnh báo: “Thuốc phá thai đặt hàng qua bưu điện không bị kiểm soát là mối đe dọa nghiêm trọng ngày càng tăng đối với sức khỏe và sự an toàn của phụ nữ, cũng như đối với tính mệnh của vô số trẻ em chưa chào đời trên khắp đất nước này”.
Trong khi chỉ trích “những hành động liều lĩnh” của chính quyền Biden-Harris trong việc mở rộng khả năng tiếp cận thuốc phá thai, bà Dannenfelser lưu ý “không ai quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ lại có thể bỏ qua vấn đề này”.
Đề cập đến những ca tử vong được báo chí đưa tin gần đây của những phụ nữ Amber Thurman, Candi Miller và Alyona Dixon do biến chứng của thuốc phá thai, bà Dannenfelser chỉ trích “ngay cả những phương tiện truyền thông ủng hộ phá thai cũng không thể che giấu được rằng các loại thuốc phá thai này đang giết chết phụ nữ và làm gia tăng các hình thức bạo lực gia đình mới nguy hiểm”.
Cô Kristan Hawkins, chủ tịch của tổ chức ủng hộ sự sống Students for Life Action, cho biết, cô cảm thấy lạc quan về việc Tổng thống Trump sẽ nhìn thấy mối nguy hiểm của việc tiếp cận thuốc phá thai hóa học không bị hạn chế. Cô Hawkins nhấn mạnh với kênh Fox News: “Nhiều nhà lãnh đạo hiện đang tìm hiểu về việc các loại thuốc phá thai này gây tổn hại cho phụ nữ và môi trường như thế nào”.
Cô Hawkins lưu ý: “Chúng tôi có rất nhiều điều để nói với chính quyền Trump-Vance. Tổng thống Trump đã thể hiện mình là một nhà lãnh đạo có lý trí, người đưa ra những quyết định dựa trên thông tin tốt nhất sẵn có”.
Cô tiếp tục: “Chúng tôi hy vọng sẽ trở thành tác nhân cho sự thay đổi, bằng cách cung cấp thông tin mới về những thay đổi trong chính sách thuốc phá thai hóa học mà chính quyền Biden-Harris đã thực hiện khiến phụ nữ bị tổn thương, vô sinh và tử vong như thế nào, trao quyền cho những kẻ lạm dụng [thuốc phá thai] và cho phép ô nhiễm nước uống thông qua việc xả chất thải y tế. Vì vậy, chúng tôi trông đợi có một cuộc thảo luận thẳng thắn về những gì ba vị tổng thống Đảng dân chủ đã làm để giúp bạn bè của họ trong những công ty dược phẩm thuốc phá thai lớn [Big Abortion Pharma]. Chúng tôi rất nóng lòng cung cấp cho Tổng thống Trump những thông tin mới mà ông ấy cần để hành động”.
Trong khi đó, ông Brian Burch, chủ tịch của tổ chức hoạt động bảo thủ “CatholicVote”, lưu ý Fox News rằng việc Tổng thống Trump thừa nhận rằng “mọi thứ đều có thể thay đổi” báo hiệu “việc ông ấy sẽ sẵn sàng giải quyết một loạt bằng chứng áp đảo cho thấy những thuốc phá thai này có hại như thế nào đối với phụ nữ”.
Ông Burch nhấn mạnh: “Các công ty dược phẩm lớn (Big Pharma) đã lợi dụng quá nhiều phụ nữ trong thời gian quá dài, và ngành công nghiệp thuốc phá thai không nên được cho phép khi nói đến các quy trình sử dụng thuốc và các quy định dựa trên bằng chứng. Dựa trên quan điểm ủng hộ sự sống của Tổng thống Trump, cùng với những nhân sự mà ông ấy đã đề cử vào các vị trí chủ chốt, chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng chính quyền mới sẽ xem xét nghiêm túc các loại thuốc phá thai này và có hành động phù hợp”.
Pháp bắt đầu rút quân khỏi Cộng hòa Chad ở châu Phi
Hai chiến đấu cơ của Pháp đã rời khỏi Cộng Hòa Chad hôm thứ Ba (10/12), báo hiệu sự khởi đầu của quá trình rút quân Pháp ra khỏi quốc gia Trung Phi và giảm đáng kể sự tham gia quân sự Paris vào cả khu vực Sahel rộng lớn.
Các chiến đấu cơ Mirage đã rời thủ đô N’Djamena, Cộng Hòa Chad hôm thứ Ba (10/12) và trở về căn cứ ở miền đông nước Pháp. Mặc dù, Paris vẫn có nhiều máy bay phản lực và khoảng 1.000 binh sĩ ở Chad, nhưng phát ngôn viên quân đội Pháp, Đại tá Guillaume Vernet nói với các phóng viên rằng hành động phi cơ Mirage rời thủ đô N’Djamena đánh dấu “sự khởi đầu của việc hồi hương thiết bị của Pháp đồn trú tại N’Djamena”.
Là thuộc địa của Pháp từ đầu thế kỷ 20, Cộng Hòa Chad đã được trao trả độc lập vào năm 1960. Tuy nhiên, nước này vẫn gắn bó với cựu mẫu quốc thông qua việc Paris kiểm soát đồng Franc CFA Trung Phi và sự hiện diện của quân đội Pháp ở đây kể từ những năm 1980.
Căn cứ của Pháp tại N’Djamena từng là trụ sở của hoạt động chống khủng bố của Pháp tại khu vực Sahel rộng lớn, nhưng lực lượng Pháp được cho là kém hiệu quả trong việc chống lại chủ nghĩa thánh chiến đã dẫn đến kết thúc chiến dịch vào năm 2022, và có nhiều quốc gia chấm dứt thỏa thuận quân sự với Paris.
Vào tháng Mười Một, Cộng Hòa Chad đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Pháp. Động thái này là tiếp nối hành động tương tự trước đó của Burkina Faso, Mali và Niger, tất cả đều do chính phủ quân sự lãnh đạo sau một loạt cuộc đảo chính. Burkina Faso, Mali và Niger đều theo đuổi quan hệ đối tác an ninh và thương mại chặt chẽ hơn với Nga sau khi Pháp rút quân.
Hồi tháng Sáu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm Chad để thảo luận về thương mại, hợp tác kinh tế và các kế hoạch chiến lược được Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Chad Mahamat Idriss Deby vạch ra trong cuộc họp hồi tháng Một tại Moskva.
Hiện chưa rõ khi nào số quân và trang thiết bị còn lại của Pháp sẽ di dời khỏi Chad. Đại tá Vernet cho biết mốc thời gian cho việc rút quân sẽ được hoàn thiện trong những tuần tới. Cũng không rõ liệu có bất kỳ quân lính nào trong số 1.000 quân Pháp sẽ ở lại N’Djamena sau đó hay không.
Sau khi quá trình rút quân hoàn tất tại Chad, Pháp sẽ chỉ còn duy trì dấu ấn quân sự tại các quốc gia Tây Phi là Gabon, Bờ Biển Ngà và Senegal.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Monde hồi tháng trước, Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye đã hứa rằng “sẽ sớm không còn quân đội Pháp nào ở Senegal nữa”. Pháp hiện có kế hoạch rút bớt quân khỏi Senegal từ 350 xuống còn 100. Các đợt rút quân tương tự cũng sẽ được tiến hành tại Gabon và Bờ Biển Ngà.
Lực lượng nổi dậy Syria chọn thủ tướng lâm thời
Lực lượng nổi dậy Syria đã chọn ông Mohammed al-Bashir, 41 tuổi, làm thủ tướng lâm thời lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp tới tháng 3/2025.
“Bộ tư lệnh giao cho chúng tôi nhiệm vụ điều hành chính phủ chuyển tiếp cho tới ngày 1/3/2025”, ông Mohammed al-Bashir ngày 10/12 đưa ra tuyên bố trên kênh Telegram của đài truyền hình quốc gia Syria, với chức danh “tân thủ tướng Syria”.
Liên minh các lực lượng chống chính phủ do HTS dẫn đầu ngày 8/12 chiếm thủ đô Damascus, đánh dấu sự kết thúc của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau 24 năm cầm quyền. Ông al-Assad đã từ chức, rời khỏi Syria và đã được Nga cấp quy chế tị nạn.
Trước khi đảm nhận chức vụ, ông al-Bashir từng đứng đầu Chính phủ Cứu rỗi Syria (SSG), được quân nổi dậy ở tây bắc lập tại thành trì Idlib năm 2017 để quản lý khu vực họ kiểm soát với các cơ quan cấp bộ, sở cùng cơ quan tư pháp và an ninh riêng.
Sau khi liên minh các nhóm vũ trang do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn dầu kiểm soát Aleppo, SSG tiếp quản hoạt động tại thành phố lớn thứ hai Syria.
Ông al-Bashir sinh năm 1983 tại Jabal Zawiya, tỉnh Idlib, tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tại Đại học Aleppo năm 2007. Trước khi nội chiến Syria nổ ra năm 2011, ông là trưởng phòng tại nhà máy của công ty khí đốt Syria. Sau khi xung đột bùng phát, ông lãnh đạo một cơ sở giáo dục giúp đỡ trẻ em chịu ảnh hưởng bởi chiến sự.
Sau thời gian phụ trách các cơ quan giáo dục và nhân đạo của phe nổi dậy, ông giữ chức “Bộ trưởng Phát triển và Vấn đề nhân đạo” trong SSG. Hồi tháng 1, ông được SSG bầu làm lãnh đạo và giữ chức trong 11 tháng trước khi trở thành thủ tướng lâm thời Syria.
Ông al-Bashir ngày 9/12 cùng lãnh đạo HTS Mohamed al-Bashir và cựu thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali tham gia đàm phán chuyển giao quyền lực. Ông al-Jalali khẳng định sẵn sàng từ bỏ quyền lực khi được đề nghị và ưu tiên hàng đầu là đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân Syria.
Hàn Quốc thông qua nghị quyết bắt giữ tổng thống và loạt quan chức cấp cao
Ngày 10/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol và 7 quan chức khác. Nghị quyết này đã được thông qua với tỷ lệ 191 phiếu thuận, 94 phiếu chống và 3 phiếu trắng, theo tờ keia đưa tin.
Cùng ngày, Quốc hội Hàn Quốc cũng biểu quyết thông qua quyết định bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt thường trực để điều tra Tổng thống Yoon, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Park An Su cùng các quan chức khác có liên quan đến việc ban bố thiết quân luật vào tuần trước. Dự luật này đã được thông qua với tỷ lệ phiếu bầu 210-63 và 14 phiếu trắng.
Trong khuôn khổ cuộc họp, Đảng Dân chủ đối lập cũng đã thông báo về kế hoạch luận tội Bộ trưởng Tư pháp Park Sung Jae và Choi Ji Ho, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc.
Thủ tướng Han Duck Soo, Chỉ huy phản gián Yeo In Hyung và cựu lãnh đạo đảng PPP Choo Kyung Ho cũng nằm trong danh sách những người sẽ bị điều tra.
Tới đây, Đảng Dân chủ còn sẽ tiếp tục tiến hành lại cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon vào ngày 14/12.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét