Nhắc Nhở! Hôm Nay, Ngày 10 Tháng 12, 2024, Kỷ Niệm 76 Năm! Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (1948).
Dưới Sự Cai Trị Của Đảng CS, VN Được Xếp Vào Những Quốc Gia Bị Chà Đạp Nhân Quyền Nhất Thế Giới! Người Trong Nước Bị Bịt Miệng! Người Việt Hải Ngoại Có Bổn Phận “Phải Lên Tiếng! Đừng Im Tiếng!”
<!>
Thế Giới Kỷ Niệm 76 Năm! Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
-Mỗi năm người ta kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân Quyền vào ngày 10/12. Đưa ra ý niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền là để nhắc nhở mọi người sống trên Trái Đất này đều có quyền bình đẳng hưởng những tự do căn bản. Nó cũng là dịp để những ai chưa có đủ các quyền tự do căn bản đó, có dịp đấu tranh đòi hỏi. Nó còn là dịp để các quốc gia đẩy mạnh những nỗ lực tôn trọng và thực thi các nhân quyền và dân quyền được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
Dưới đây là nội dung của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền buộc các thành viên Liên Hiệp Quốc tuân hành. Nhà nước cộng sản Việt Nam đã được vào, là thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Xin đồng bào trong và ngoài nước đọc bản nội dung của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, thử xem những hành động và việc làm của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, đối với nhân dân Việt Nam, có xứng đáng là thành viên hay không?
NỘI DUNG TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN (1948)
LỜI MỞ ĐẦU
Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,
Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,
Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền,
Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,
Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,
Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản,
Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.
VÌ VẬY,
ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC
Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ đang bị giám hộ.
Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.
Điều 3: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.
Điều 4: Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ.
Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.
Điều 6: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 7: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này.
Điều 8: Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.
Điều 9: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.
Điều 10: Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.
Điều 11:
1.Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.
2.Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.
Điều 12: Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 13:
1.Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.
2.Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.
Điều 14:
1.Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.
2.Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 15:
1.Ai cũng có quyền có quốc tịch.
2.Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Điều 16:
1.Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn.
2.Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
3.Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
Điều 17:
1.Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác.
2.Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.
Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.
Điều 20:
1.Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình.
2.Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.
Điều 21:
1.Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.
2.Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
3.Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.
Điều 22: Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.
Điều 23:
1.Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp.
2.Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử.
3.Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác.
4.Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 24: Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghĩ định kỳ có trả lương.
Điều 25:
1.Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết; ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
2.Sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ. Tất cả các con, dầu là chính thức hay ngoại hôn, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.
Điều 26:
1.Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản. Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được phổ cập. Giáo dục cao đẳng phải được phổ cập cho mọi sinh viên trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn.
2.Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình.
3.Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con.
Điều 27:
1.Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy.
2.Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.
Điều 28: Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.
Điều 29:
1.Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.
2.Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn.
3.Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 30: Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.
Giới Thiệu Các Hoạt Động Tranh Đấu Cho Nhân Quyền Tuần Này Tại San Jose:
Tin Quốc Tế Đó Đây
Tổng Hợp Tình Hình Tại Syria:
Phe Nổi Dậy Chiếm Cứ Damascus, Do Thái Tăng Cường Phòng Thủ ở Golan
(Hình AP - Matias Delacroix: Xe tăng của quân đội Do Thái được khai triển trên cao nguyên Golan, ngày 7/12/2024.)
-Tại Syria, phe nổi dậy Hồi giáo cực đoan hôm 7/12/2024, cho biết đã chiếm được toàn bộ tỉnh Deraa, miền Nam Syria, và giờ chỉ cách thủ đô Damascus tầm 20 cây số. Thông tin được tổ chức phi chính phủ Đài Quan sát Nhân quyền Syria (OSDH) xác nhận.
Cũng theo tổ chức nhân quyền trên, quân đội Syria và Không quân Nga tuyên bố củng cố các đường chiến tuyến, và tiến hành các cuộc oanh kích xung quanh Hama và Homs, khiến 7 thường dân thiệt mạng. Hãng tin Pháp AFP dẫn một nguồn tin từ phe Hezbollah Lebanon, cho biết lực lượng vũ trang Hồi giáo hệ phái Shiite đã điều 2.000 binh sĩ đến chi viện cho thành phố Qousseir, một trong số các điểm trọng yếu tại Syria gần biên giới với Lebanon để đề phòng bị quân nổi dậy tấn công.
Tuy nhiên, việc quân nổi dậy kiểm soát nhiều chốt quân sự mà quân đội trung thành với chế độ al- Assad thoái lui, sát cạnh biên giới với Do Thái đã khiến Tel Aviv lo lắng. Từ thủ đô Jerusalem của Do Thái, thông tín viên Michel Paul của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Quân đội Do Thái thông báo là họ tăng cường khai triển quân trên cao nguyên Golan dọc theo biên giới với Syria. Quân đội Do Thái nêu rõ họ duy trì mức độ sẵn sàng cao trong khu vực này và theo dõi chặt chẽ tình hình để bảo vệc các lợi ích cũng như là chủ quyền đất nước. Nói một cách khác, Lục quân và Không quân đang trong tình trạng báo động để đẩy lui mọi mối đe dọa tùy theo các kịch bản khác nhau trong khu vực.
Giới chức Do Thái liên tục đưa ra đánh giá tình hình an ninh trong suốt 24 tiếng đồng hồ qua. Cho đến lúc này, họ trấn an người dân ở vùng biên giới rằng chưa có nguy hiểm tức thì nào được báo cáo. Do Thái đặc biệt theo dõi các động thái từ Iran, mà theo họ, là một mối đe dọa lớn nhất cho an ninh đất nước.
Và chính trong bối cảnh này mà hai chốt biên phòng giữa Syria và Lebanon đã bị không kích sáng 6/12. Do Thái cho rằng những ngày sắp tới, thậm chí có thể vài tiếng đồng hồ tới sẽ rất quan trọng cho tương lai của Syria và rất có thể là toàn vùng Cận Đông".
Thông tấn xã AFP cho biết hôm 7/12, Ngoại trưởng 3 nước Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu họp tại Qatar bàn về tình hình Syria. Đây là 3 nước có can dự vào tiến trình gọi là Thỏa thuận Astana 2017 để tìm một giải pháp chính trị cho Syria.
Syria: Phe Nổi Dậy Thông Báo Chấm Dứt Hoàn Toàn Chế Độ Độc Tài Bachar Al Assad!
(Hình AP - Ugur Yildirim: Người dân ăn mừng sự sụp đổ của Bachar Al Assad ở Manbij, Syria, ngày 8/12/2024.)
-Ngày 8/12/2024, sau một cuộc tấn công thần tốc 12 ngày, lực lượng nổi dậy tập hợp các nhóm Hồi giáo cực đoan thông báo trên truyền hình Nhà nước Syria, chế độ Tổng thống Bachar Al Assad đã sụp đổ và giải phóng thủ đô Damascus, chấm dứt hơn nửa thế kỷ trị vì dòng tộc Assad tại Syria.
Theo thông tấn xã AFP, trong thông cáo, liên minh quân sự Hồi giáo cực đoan và các lực lượng nổi dậy cho biết đã phóng thích tất cả các tù nhân "bị giam giữ bất công" và kêu gọi bảo vệ tài sản Nhà nước Syria "tự do". Trước đó, trên mạng Telegram, lực lượng nổi dậy HTS thông báo rằng Bachar Al Assad cùng với người thân đã rời Damascus trên một chuyên cơ vào sáng sớm.
Hàng chục ngàn người dân đã đổ về trung tâm thủ đô hân hoan mừng chế độ sụp đổ, lật đổ tượng cha của nhà lãnh đạo độc tài là Hafez, người đã cai trị đất nước từ năm 1971 cho đến lúc mất vào năm 2000.
Trong một video đăng trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Syria Mohammed Al Jalali tuyên bố sẵn sàng hợp tác với lãnh đạo mới do người dân chọn, và nêu rõ ông có mặt tại văn phòng của mình sáng Chủ Nhật cho tiến trình "chuyển giao" quyền lực. Từ thủ đô Beirut của Lebanon, thông tín viên Paul Khalifeh của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm tình hình tại chỗ:
"Những hình ảnh đến từ thủ đô Syria cho thấy cảnh những hàng người dài trên các nẻo đường, tù nhân chính trị được giải thoát, cảnh gặp lại người thân đầy xúc động giữa những chiến binh và gia đình. Lực lượng nổi dậy được khai triển trên các con phố ở Damascus, những nơi chẳng còn chút sự hiện diện nào có thể thấy của quân đội Syria và cơ quan an ninh.
Lãnh đạo liên minh Hồi giáo cực đoan, Ahmad Al Chareh, người đã lên cầm quyền, kêu gọi trật tự và chỉ thị đưa ra là không được tiến gần đến các định chế Nhà nước, nhằm tránh các hành vi bạo lực, cho đến lúc này, dường như đã được tuân thủ.
Một sự việc duy nhất được ghi nhận là một đám đông tức giận đã phóng hỏa các tòa nhà tình báo ở Kfarsoussa tại Damascus. Sự thay đổi ngoạn mục này xảy ra vài tiếng đồng hồ sau khi Bộ trưởng Nội vụ nói về một hàng rào an ninh "vững chắc khó thể vượt qua" xung quanh thủ đô.
Nhưng trên thực tế, quân đội không muốn chiến đấu nữa và nhiều nhân vật cầm quyền quan trọng như Thủ tướng Mohammad Al Jalali nhận thấy rằng đã thua trong cuộc chiến. Một sự phối hợp tối thiểu đã cho phép tránh mọi cuộc giao tranh giữa lực lượng nổi dậy và quân đội Syria, vốn dĩ đã thoái lui về các trại lính và căn cứ của mình".
Lãnh Đạo Đối Lập Syria Kêu Gọi Thời Gian Chuyển Tiếp 18 Tháng Trước Cuộc Bầu Cử
(Hình REUTERS: Ông Al-Bahra, Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria.)
-Bên lề Diễn đàn Doha hôm 8/12/2024, người đứng đầu phe đối lập chính của Syria ở ngoại quốc, ông Hadi Al-Bahra nói với thông tấn xã Reuters rằng Syria nên có thời gian chuyển tiếp 18 tháng để thiết lập "môi trường an toàn, trung lập và yên bình" cho các cuộc bầu cử tự do.
Trong một khoảnh khắc chấn động đối với Trung Đông, quân nổi dậy Syria đã giành quyền kiểm soát Damascus hôm 8/12, buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải chạy trốn sau hơn 13 năm nội chiến, chấm dứt sự cai trị kéo dài hàng thập kỷ của gia đình ông.
Cuộc tấn công chớp nhoáng đã làm dấy lên mối lo ngại ở các thủ đô tại thế giới Ảrập và làm dấy lên nỗi lo về một làn sóng bất ổn mới trong khu vực, cũng như đặt ra câu hỏi về việc liệu quân nổi dậy có thể bảo đảm quá trình chuyển tiếp có trật tự hay không.
Ông Al-Bahra, Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria, nói rằng Syria nên soạn thảo Hiến pháp trong vòng 6 tháng, mà theo đó, cuộc bầu cử đầu tiên sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý.
"Hiến pháp sẽ nói rằng, chúng ta sẽ có hệ thống nghị viện, hệ thống Tổng thống, hay hệ thống hỗn hợp? Và dựa trên điều này, chúng tôi sẽ tiến hành bầu cử và người dân sẽ chọn ra người lãnh đạo của mình", ông Al-Bahra nói.
Ông nói thêm rằng phe đối lập đã yêu cầu các công chức nhà nước tiếp tục báo cáo công việc cho đến khi chuyển giao quyền lực và bảo đảm với họ rằng họ sẽ không bị làm hại.
Việc ông Assad bị lật đổ nhanh chóng diễn ra sau sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở Trung Đông, sau khi nhiều nhà lãnh đạo của nhóm Hezbollah của Lebanon mà Iran hậu thuẫn, một nhóm chính trong lực lượng chiến trường của ông Assad, đã bị Do Thái giết trong hai tháng qua.
Trong khi đó, Nga, đồng minh chủ chốt khác của ông Assad, đã tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine.
"Nó giống như hiệu ứng domino. Vì vậy, rõ ràng là (Assad) đã quyết định ra đi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng cũng hơi buồn. Ông ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những tội ác mà ông ta đã gây ra", ông Al-Bahra nói.
Nhiều Nước Hoan Nghênh Vụ Lật Đổ Chính Phủ Syria
(Hình AP - Omar Sanadiki: Phe đối lập ở Syria ăn mừng sau khi chính phủ sụp đổ ở Damascus, thủ đô của Syria, ngày 8/12/2024.)
-Trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Syria sau khi quân nổi dậy tiến hành chiến dịch tấn công chớp nhoáng, hôm 8/12/2024, lãnh đạo các nước phương Tây ca ngợi một khởi đầu mới đầy hy vọng cho người dân Syria.
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Joe Biden "đang theo dõi sát sao" các sự kiện ở Syria và duy trì liên lạc thường xuyên với các đối tác trong khu vực. Còn người kế nhiệm Donald Trump thì công khai nhắm vào Nga. Ông viết trên mạng xã hội Truth Social rằng: "Assad đã ra đi. Ông ta đã chạy trốn khỏi đất nước. Người bảo trợ của ông ta là Nga, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin, đã không còn quan tâm đến việc bảo vệ ông nữa". Ông Trump cho rằng hai nước hậu thuẫn ông Assad là Nga và Iran đang trong trạng thái suy yếu, Nga là do chiến tranh tại Ukraine và nền kinh tế tệ hại, còn Iran là vì những thất bại trước Do Thái.
Về phần mình, Pháp và Đức cũng hoan nghênh sự sụp đổ của chế độ Bashar Al Assad, đồng thời kêu gọi người dân Syria đoàn kết và chống cực đoan hóa tại đây. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Christophe Lemoine bày tỏ vui mừng khi người dân Syria đã được giải thoát sau hơn một thập kỷ bị "đàn áp bạo lực" trong khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi sự kiện này là "niềm an ủi lớn cho hàng triệu người dân Syria".
Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được cho là ủng hộ phe nổi dậy ở Syria, cũng hoan nghênh "một Syria mới" sau 13 năm "hỗn loạn". Ngoại trưởng nước này tuyên bố: "Từ sáng nay, Syria đã sang một giai đoạn mới, khi mà người dân Syria sẽ tự định hình tương lai của đất nước họ", đồng thời nhấn mạnh thêm rằng "Syria mới không được là mối đe dọa cho các nước láng giềng, mà cần loại bỏ các mối đe dọa đó" và bất kỳ sự mở rộng nào của lực lượng dân quân PKK bị cấm hoạt động đều không thể được coi là đối tác hợp pháp tại Syria.
Trong khi đó, phía Nga và Iran chưa đưa ra phản ứng nào về việc chính quyền Tổng thống Al Assad bị lật đổ. Đài truyền hình Nhà nước Iran cũng cho biết Tòa Ðại sứ Iran ở Syria đã bị tấn công hôm nay "bởi những kẻ chưa rõ danh tính" nhưng các nhà ngoại giao của Teheran đã kịp rời khỏi nơi này an toàn.
Bachar Al Assad Bị Lật Đổ: Sự Im Lặng của Nga?
(Hình AP - Valery Sharifulin, tư liệu: Tổng thống Syria, ông Bachar Al Assad (trái) gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, ngày 24/7/2024.)
-Theo như tường thuật của hãng thông tấn TASS thì Nga, đồng minh thân thiết của chế độ Bachar Al Assad, hiện chưa có phản ứng chính thức nào về tình hình Syria. Tòa Ðại sứ Nga tại Syria hôm 8/12/2024 chỉ cho biết ngắn gọn nhân sự vẫn "an toàn".
Ngoài ra, theo thông tấn xã Reuters, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachyov, bình luận rằng "người dân Syria sẽ phải đơn độc đối mặt với cuộc nội chiến toàn diện".
Theo nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Đông, Fabrice Balanche, Giảng viên trường Đại học Lyon 2 trên Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), chế độ Bachar Al Assad, nhanh chóng sụp đổ do không còn được đồng minh Nga hậu thuẫn. Mạc Tư Khoa chỉ trích thái độ quá cứng nhắc, lập trường bất di bất dịch của Damascus, luôn từ chối đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ hay như với người Kurdistan.
Tuy nhiên, những biến chuyển nhanh chóng đang đặt Nga trước hai thách thức to lớn. Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Anissa El Jabri của Ðài RFI giải thích:
"Trong tức thì, vấn đề đầu tiên là hai căn cứ quân sự Nga: Một căn cứ Hải quân ở Tartus và một căn cứ Không quân ở Hmeimim. Ngoài việc nhân sự và trang thiết bị có thể vẫn còn ở đó, vấn đề về việc di tản chúng hiện đang phát sinh.
Những căn cứ quân sự này, như phần đông chuyên gia nói, là những điểm tiếp liệu chủ yếu cho các chiến dịch quân sự Nga tại Libya, ở Sahel và Cộng hòa Trung Phi. Tương lai hai căn cứ này giờ là một thách thức lớn cho Nga.
Cuối cùng, ngay cả khi những tiếng nói chỉ trích Ðiện Cẩm Linh mạnh mẽ nhất viết rằng sự sụp đổ nhanh đến thế là một điều bất ngờ, còn có một vấn đề khác, đó là hình ảnh của Mạc Tư Khoa như một nhà bảo hộ đáng tin cậy cũng như là uy tín mà Nga từng nghĩ là đã có được sau cuộc can thiệp vào Syria bằng cách khai triển lực lượng ra ngoài không gian ảnh hưởng truyền thống của mình với tư cách là một cường quốc có thể làm thay đổi thế tương quan lực lượng khắp nơi trên thế giới.
Thất bại này diễn ra vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm: Donald Trump kêu gọi một lệnh ngưng bắn ngay lập tức tại Ukraine và mở đàm phán".
Kinh Tế Nga Trong Báo Động Đỏ?
(Hình AP - Alexei Nikolsky, tư liệu: Ông German Gref (phải), Chủ tịch ngân hàng Sberbank (Nga) trong một lần gặp ập Tổng thống Vladimir Putin, tại Mạc Tư Khoa ngày 31/7/2015.)
-Phải chăng kinh tế Nga đang trải qua một giai đoạn nguy kịch? Hôm 6/12/2024, lãnh đạo Sberbank – ngân hàng lớn nhất tại Nga – đã gióng chuông báo động về tình trạng kinh tế đất nước, đang bị suy yếu do lạm phát, lãi suất cao và các trừng phạt của phương Tây.
Thông tín viên Anissa El Jabri của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga tường trình:
Ông German Gref, Tổng Giám đốc của Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước Nga, là một nhân vật có ảnh hưởng, rất được lắng nghe. Tiếng nói của ông vừa bổ sung thêm một cách vang dội vào những phát biểu đầy lo lắng của giới chủ. Tuy không hẳn trực tiếp nhưng kiên quyết hơn, ông nói về tình hình kinh tế đất nước với mức lạm phát hơn 8% vẫn chưa kiểm soát được và mức lãi suất ngân hàng trung ương kỷ lục 21%.
Ông nói: "Tình hình khó khăn. Rất nhiều ngành công nghiệp và hàng loạt người đi vay sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn. Tất cả giờ phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa lạm phát thực sự và lãi suất thị trường. Chưa bao giờ mức chênh lệch đó lại lớn đến như thế, chúng ta không thể trụ lâu dài như vậy được".
Trong hậu trường, người ta nói rằng nhiều ngân hàng bắt đầu tạm dừng cấp vốn vay cho các nhà đầu tư. Lãi suất vay mua bất động sản đối với người dân bình thường cao ngất ngưởng, và những khoản vay này đã giảm thê thảm hồi mùa Thu này. Người dân đổ xô đi thuê khiến giá nhà thuê tăng vọt.
Lạm phát phi mã, tăng trưởng trì trệ. German Gref, hôm thứ Sáu đã thốt ra từ mà người ta thì thầm ở Nga từ nhiều tuần qua: Đó là tình trạng đình đốn và lạm phát.
Họp Ba Bên Pháp, Mỹ và Ukraine: Donald Trump Kêu Gọi Đàm Phán và "Ngưng Chiến Ngay Lập Tức"
(Hình REUTERS / Piroschka Van De Wouw: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) tiếp đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại điện Elysée, Paris, thủ đô của Pháp, ngày 7/12/2024.)
-Ngày 7/12/2024, một cuộc họp 3 bên giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã diễn ra tại điện Elysée.
Theo thông tấn xã AFP, hai nguyên thủ quốc gia Pháp, Ukraine và Tổng thống Mỹ tương lai đã có những cuộc thảo luận chiến lược nhằm tìm cách "chấm dứt sớm nhất có thể" và "một cách công bằng" cuộc chiến tại Ukraine. Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo ba nước tuyên bố "đồng thuận tiếp tục cùng thảo luận".
Tổng thống Mỹ đắc cử, Donald Trump, hôm 8/12, đã kêu gọi một lệnh "hưu chiến ngay lập tức" và mở đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột mà theo ông, Ukraine đã bị thiệt đến 400 ngàn quân "một cách ngớ ngẩn" trong khi "600 ngàn lính Nga bị chết hay bị thương, trong một cuộc chiến lẽ ra không nên bắt đầu và có nguy cơ kéo dài mãi mãi".
Vào thời điểm diễn ra cuộc họp 3 bên, chính quyền Biden sắp mãn nhiễm tăng tốc hỗ trợ cho Ukraine khi thông báo một gói viện trợ trị giá 988 triệu Mỹ kim. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
"Gần 1 tỉ Mỹ kim, đó là trị giá của gói viện trợ mới. Chúng bao gồm đạn dược cho Pháo binh, drone cũng như là nhiều thiết bị và linh kiện rời để bảo trì các hệ thống phòng không và xe thiết giáp. Khoản chi viện to lớn này được cấp chưa đầy một tuần sau một gói viện trợ quân sự khác được trích ra từ kho dự trữ của quân đội Hoa Kỳ trị giá hơn 700 triệu Mỹ kim, cũng bao gồm đạn được cho Pháo binh, phi đạn phòng không Stinger và chống tăng Javelin.
Vào thời điểm ông Donald Trump giành thắng lợi bầu cử, vẫn còn 6 tỉ Mỹ kim trong quỹ hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine. Về mặt kỹ thuật, mọi thứ có thể sẽ không giao được hết từ đây đến ngày 20/1/2025 và với việc Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Nhưng thông điệp đưa ra rất rõ ràng: Chính quyền Biden sẽ cung cấp mọi viện trợ có thể cho Ukraine để đưa nước này vào một vị thế tốt nhất nếu các cuộc đàm phán bắt đầu.
Thông điệp này được gởi đi vào lúc ông Donald Trump có cuộc thảo luận tại Paris với Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tổng thống Mỹ đắc cử chưa bao giờ giấu giếm rằng ông muốn kết thúc nhanh chóng chiến tranh, và ông nhận thấy sự hậu thuẫn này là quá tốn kém cho đất nước ông. Nhưng Donald Trump vẫn chưa chính thức nói rằng ông sẽ ngưng viện trợ".
Thỏa Thuận Tự Do Thương Mại Liên Hiệp Âu Châu - Mercosur Hoàn Tất, Nội Bộ EU Bất Đồng
(Hình AP - Matilde Campodonico, từ trái: Tổng thống Á Căn Ðình, Uruguay, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu cùng Tổng thống Ba Tây và Paraguay, chụp ảnh tại thượng đỉnh Mercosur, tại Montevideo, Uruguay, ngày 6/12/2024.)
-Sau 25 năm đàm phán, Ủy ban Âu Châu và 5 quốc gia trong nhóm Thị trường chung Nam Mỹ - Mercosur đã đi đến thống nhất về Thỏa thuận Thương mại giữa hai bên. Tại Montevideo (Uruguay) ngày 6/12/2024, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen thông báo hoàn tất thương lượng về Hiệp định Tự do Thương mại EU - Mercosur.
Thỏa thuận vẫn phải chờ được các quốc gia thành viên và Nghị Viện Âu Châu phê chuẩn, nhưng ngay từ bây giờ đã gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Liên Hiệp Âu Châu. Trong khi các nước Đức, Tây Ban Nha hay Hòa Lan hoan nghênh thì Pháp, Ba Lan và Áo phản đối mạnh mẽ thỏa thuận. Paris đang vận động một liên minh chống lại Hiệp định. Thông tín viên Pierre Benazet của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Brussels (thủ đô của Bỉ) cho biết thêm thông tin:
Bà Ursula von der Leyen chơi đòn chính trị với việc tới Montevideo. Đây là cách để bà chứng tỏ mình là người chỉ huy vào lúc bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai lãnh đạo Ủy Ban Âu Châu.
Bà ngầm kêu gọi người Pháp bằng cách nhắc lại rằng chính ông Jacques Delors (cựu Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu người Pháp) đã đưa ra ý tưởng này ở Montevideo ba mươi năm trước và bà bảo đảm rằng thỏa thuận này sẽ chống lại nạn phá rừng, tôn trọng các Thỏa thuận Khí hậu Paris và những lợi ích của nông dân Âu Châu, thành phần mà bà trực tiếp đề cập.
Theo Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, thỏa thuận bao gồm các bảo đảm vững chắc để bảo vệ nông dân Âu Châu, thế nhưng không ai ngoài các nhà đàm phán được thấy văn kiện đã được thương lượng lại này.
Giờ đây bà đã ký tắt vào văn kiện, như vậy Ursula von der Leyen còn ít tháng để thuyết phục những người phản đối văn kiện này. Bà phải có được đa số để thông qua, đó là 55% các quốc gia chiếm 65% dân số của Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ.
Trong trường hợp bế tắc, Ủy Ban sẽ có thể quyết định tách thỏa thuận ra làm đôi và né tránh ý kiến của 27 nước thành viên, giống như bà đã làm trong thỏa thuận với Chí Lợi.Tức là sẽ chỉ còn vế thương mại được đưa ra phê chuẩn ở Nghị Viện Âu Châu. Nhưng ngay cả trường hợp này xảy ra thì kết quả giờ đây không chắc chắn.
Lỗ Ma Ni: Tòa Bảo Hiến Hủy Kết Quả Bầu Tổng Thống Vòng 1 Do Tiktok "Thao Túng" Bầu Cử
(Hình AP - Vadim Ghirda: Calin Georgescu, ứng viên cực hữu thân Nga về đầu vòng 1 (đã bị Tòa Bảo Hiến hủy kết quả) của cuộc bầu cử Tổng thống Lỗ Ma Ni, trả lời phỏng vấn báo chí Lỗ Ma Ni ngày 4/12/2024.)
-Hai ngày trước vòng II cuộc bỏ phiếu Tổng thống Lỗ Ma Ni, ngày 6/12/2024, Tòa Bảo Hiến nước này quyết định hủy kết quả vòng một, do nghi ngờ cuộc bầu cử bị thao túng. Ứng cử viên cực hữu Calin Georgescu thân Nga, về đầu trong vòng một, và có nhiều khả năng chiến thắng trong vòng hai, cực lực phản đối.
Theo thông tấn xã AFP, Tòa Bảo Hiến Lỗ Ma Ni đã quyết định "hủy bỏ toàn bộ" kết quả bỏ phiếu để bảo đảm "tính hợp pháp" cuộc bầu cử, và yêu cầu bắt đầu lại từ đầu tiến trình bầu cử Tổng thống. Quyết định được coi là bất ngờ vì trước đó Tòa đã phê chuẩn kết quả kiểm phiếu vòng một, và ngày 2/12, cơ quan tái kiểm phiếu Lỗ Ma Ni xác nhận không có bất hợp lệ lớn trong vòng một bầu cử Tổng thống. Phán quyết nói trên được đưa ra sau khi các cơ quan an ninh Lỗ Ma Ni đưa ra bằng chứng về sự can thiệp của Nga, thông qua mạng xã hội TikTok.
An ninh Lỗ Ma Ni đã thống kê được tổng cộng "25.000 tài khoản Tiktok", trực tiếp có liên hệ với ban vận động tranh cử của ứng viên thân Nga Calin Georgescu. Các tài khoản nói trên hoạt động đặc biệt tích cực trong hai tuần trước bầu cử. Các thông tin của an ninh cho biết, chỉ riêng chủ nhân của một tài khoản Tiktok, mang tên Bogdan Peshir đã rót 381 ngàn Mỹ kim (trong khoảng thời gian giữa 24/10 đến 24/11), để trả cho các dân mạng tham gia vào việc tuyên truyền cho ứng viên nói trên. Sáng 7/12, các nhà điều tra đã tiến hành nhiều vụ khám xét liên quan đến cáo buộc "mua chuộc cử tri, rửa tiền và bóp méo thông tin".
Theo thông tấn xã AFP, tổng cộng có ít nhất 85.000 cuộc tấn công tin tặc, trong cả ngày bầu cử, từ khoảng 30 quốc gia, "khai thác các điểm yếu của hệ thống tin học Lỗ Ma Ni", nhằm gây khó khăn cho cuộc bỏ phiếu. Trả lời thông tấn xã AFP, chuyên gia Cristian Pirvulescu đánh giá Tòa Bảo hiến Lỗ Ma Ni đã có một quyết định "đúng hướng" để đối phó với "một cuộc đảo chính thông qua bầu cử".
Tổng thống mãn nhiệm thân Âu Châu Klaus Iohannis cũng hoan nghênh quyết định của Tòa Bảo Hiến, đồng thời cáo buộc "một quốc gia ngoại quốc" can thiệp để ủng hộ ứng cử viên Calin Georgescu. Tổng thống Iohannis sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cho đến khi có Tổng thống mới. Thời điểm bầu cử lại sẽ do tân chính phủ xác định.
Pháp: 1 Năm 3 Chính Phủ Giải Tán, Lối Thoát Nào Cho Cuộc Khủng Hoảng Chính Trị?
-Nước Pháp đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có. Năm 2024 được đánh dấu với 3 chính phủ nối đuôi nhau giải tán: chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne, Gabriel Attal và Michel Barnier.
Thủ tướng Michel Barnier là người dày dạn kinh nghiệm thương lượng, từng là đại diện của Liên Hiệp Âu Châu trong kỳ đàm phán cam go với Anh Quốc về Brexit. Nhưng cuối cùng, trong bối cảnh chính trị phức tạp của Pháp, ông Barnier cũng đã không vượt qua được "cửa ải" bất tín nhiệm của Quốc hội hôm 4/12, liên quan đến vụ Thủ tướng sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua Dự luật ngân sách An sinh xã hội năm 2025 mà không qua bỏ phiếu ở Quốc hội.
Thủ tướng từ chức chỉ sau 3 tháng lãnh đạo, chính phủ bị giải thể. Trong bài phát biểu với quốc dân, được phát trên truyền hình tối 5/12, trong bối cảnh một số chính trị gia và đảng đối lập đòi Tổng thống từ chức, ông Macron tuyên bố sẽ tiếp tục điều hành đất nước cho đến hết nhiệm kỳ bởi vì ông đã được cử tri Pháp bầu một cách dân chủ.
Tổng thống Macron tuyên bố sẽ sớm bổ nhiệm Thủ tướng mới trong những ngày tới và khẩn trương đệ trình một đạo luật đặc biệt về ngân sách tạm thời cho năm 2025.
Sau bài phát biểu trên truyền hình, ngày 6/12 Tổng thống đã tham vấn lãnh đạo các đảng phái để lập "một chính phủ vì lợi ích chung", và bảo đảm chuyện bỏ phiếu bất tín nhiệm tân Thủ tướng sẽ không xảy ra như lần vừa rồi, trừ phe cực tả và cực hữu mà ông lên án là đã "hiệp lực" một cách "vô trách nhiệm" "trong một mặt trận phản Cộng hòa" để lật đổ chính phủ Barnier.
Điểm đáng chú ý là đảng Xã Hội, thuộc liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) do đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đứng đầu, được ghi nhận là đã hé mở một sự thay đổi. Theo thông tấn xã AFP ngày 6/12, Tổng Thư ký đảng Xã Hội khẳng định sẵn sàng tham gia thảo luận với liên minh của đảng của Tổng thống và đảng cánh hữu Những Người Công Hòa (LR) với điều kiện các bên phải có "sự nhượng bộ lẫn nhau" để thành lập chính phủ mới, trên cơ sở "hợp đồng chính phủ có thời hạn".
Phát biểu củaTổng Thư ký đảng Xã Hội đã gây phản ứng gay gắt từ đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, tố cáo đảng Xã Hội "giết chết" liên minh cánh tả. Sự rạn nứt trong nội bộ liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới này được kỳ vọng sẽ giúp Tổng thống Macron tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính phủ hiện nay.
Tổng Hợp Tin Khánh Thành Nhà Thờ Đức Bà Paris:
Nguyên Thủ Pháp Tiếp Donald Trump và Zelensky Trước Lễ Khánh Thành Trùng Tu Nhà Thờ Đức Bà Paris
(Hình AP - Michel Euler, tư liệu, minh họa: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) đón Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky tại điện Elysée, Paris, ngày 10/10/2024.)
-Ngày 6/12/2024, Phủ Tổng thống Pháp thông báo Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và đồng nhiệm Ukraine, ông Volodymyr Zelensky sẽ được nguyên thủ quốc gia Pháp lần lượt tiếp đón tại điện Elysée trước khi dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris tối 7/12.
Điện Elysée không nêu rõ là có cuộc họp giữa ba bên hay không nhưng theo một viên chức cao cấp Ukraine một cuộc gặp song phương Trump-Zelensky là "có thể" cũng như là nhiều cuộc họp khác giữa Tổng thống Ukraine với một số nguyên thủ quốc gia hay lãnh đạo chính phủ bên lề sự kiện.
Ngoài ra, đối với ông Donald Trump, tuy chưa chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc, nhưng việc đến Paris dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà, chuyến xuất ngoại đầu tiên kể từ khi đắc cử Tổng thống, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của ông trên trường quốc tế.
Thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Hoa Thịnh Ðốn cho biết thêm những mục tiêu của ông Donald Trump trong chuyến công du này:
"Donald Trump thích sự chú ý. Cho chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi đắc cử, chắc chắn không có cách nào tốt hơn để gây chú ý bằng cách tham gia một sự kiện được cả thế giới theo dõi, dự kiến khoảng 40 nguyên thủ quốc gia sẽ có mặt.
Chỉ riêng sự hiện diện của ông đã biến lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris thành một sự kiện ngoại giao. Các đồng nhiệm tương lai sẽ phải hối hả vây quanh ông. Theo kế hoạch, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc gặp song phương với Donald Trump tại điện Elysée trước khi tiếp đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky.
Sẽ là ngạc nhiên nếu hai lãnh đạo Mỹ và Ukraine không gặp nhau kể từ sau cuộc nói chuyện hồi tháng 9/2024 tại tòa tháp Trump ở New York, khi đó tương lai cho Ukraine đã được nêu ra. Donald Trump từng tuyên bố là ông muốn chấm dứt chiến tranh. Như trong suốt phần còn lại của chiến dịch tranh cử, ông đã giải thích rằng ông sẽ giải quyết vấn đề này ngay cả trước khi trở lại Tòa Bạch Ốc mà không nêu rõ bằng cách nào.
Vì vậy, đây là dịp để chứng tỏ rằng ông bắt đầu thực hiện điều đó, rằng ông giữ lời hứa và ông giữ vị trí trung tâm, mang tính quyết định trong các quan hệ quốc tế. Thông điệp đưa ra cho cả mục đích đối ngoại lẫn đối nội. Chuyến thăm Nhà thờ Đức Bà sẽ làm hài lòng bộ phận cử tri theo Cơ Đốc giáo của ông. Và chuyến đi này cũng sẽ giúp nhắc nhở vai trò của nhiều tổ chức và cá nhân Mỹ trong việc tài trợ tái thiết nhà thờ".
Lãnh Đạo Hơn 30 Nước Tham Dự Lễ Mở Cửa Trở Lại Nhà Thờ Đức Bà Paris
(Hình AFP - Ludovic Marin: Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 6/12/2024, một hôm trước lễ mở cửa trở lại sau 5 năm trùng tu kể từ vụ hỏa hoạn hôm 15/4/2019.)
-Hôm 7/12/2024, Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại sau 5 năm trùng tu kể từ vụ hỏa hoạn 2019. Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, Thái tử Anh William, cùng hơn 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ tham dự lễ mở cửa trở lại công trình kiến trúc lịch sử này.
Vào lúc 6 giờ 20 phút chiều, tại quảng trường Nhà thờ Đức Bà, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân sẽ đón tiếp lãnh đạo các nước tham dự buổi lễ. Vì dự báo có gió mạnh tại vùng Paris, toàn bộ nghi thức dự kiến sẽ phải diễn ra bên trong nhà thờ, bao gồm bài diễn văn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mà về nguyên tắc phải được đọc tại quảng trường trước cửa nhà thờ, để bảo đảm nguyên tắc tách biệt Nhà nước và Giáo hội.
Vào lúc 7 giờ tối, Tổng Giám mục Paris Laurent Ulrich sẽ chính thức mở cửa nhà thờ. Trên đài France Info sáng hôm nay, tổng công trình sư trùng tu, ông Philippe Jost, tin tưởng các vị khách mời đầu tiên chắc chắn sẽ bất ngờ, và ông "rất hạnh phúc" khi "toàn thế giới" có cơ hội chứng kiến "thành tựu của nỗ lực tập thể và niềm tự hào của toàn nước Pháp".
Nghi lễ chính thức gồm 2 phần. Phần đầu tiên, mang tính thế tục, dành cho một bộ phim về công trình trùng tu nhà thờ, cuộc diễu hành của 160 lính cứu hỏa và những nghệ nhân ngành xây dựng, vũ khúc mang âm hưởng Địa Trung Hải "La passacaille" của Haendel do hai anh em nhạc sĩ cổ điển Renaud và Gautier Capuçon trình diễn, và kết thúc với bài diễn văn của Tổng thống Macron.
Một tiêu điểm của buổi lễ "mở cửa trở lại" Nhà thờ Đức Bà là nghi thức "đánh thức cây đàn đại phong cầm" lớn nhất nước Pháp. Đàn không bị hỏng do hỏa hoạn, nhưng được tháo dỡ toàn bộ trước khi được lắp lại. Theo Tổng Giám mục Paris, đại phong cầm "sẽ được đánh thức bởi một nghi thức tuyệt đẹp, khép lại với bài thánh ca Ngợi Khen (Magnificat)". Phần nghi lễ tôn giáo dự kiến kết thúc vào lúc 8 giờ 40 phút tối.
An ninh được siết chặt tương tự với kỳ Thế Vận hội. Theo Sở Cảnh sát, Paris được đặt trong tình trạng "báo động nguy cơ khủng bố rất cao". Khoảng 6.000 cảnh sát và hiến binh được huy động.
Ngày mai, Nhà thờ Đức Bà sẽ mở cửa cho công chúng tham dự buổi thánh lễ đầu tiên vào lúc 6 giờ 30. Giấy vào cửa đã hết ngay sau khi mở đăng ký trên mạng, kể cả trong tuần lễ mở cửa đầu tiên tiếp theo. Theo Tổng Giám mục Paris, Laurent Ulrich, giai đoạn "mở cửa trở lại" Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ kéo dài 6 tháng, cho đến lễ Ngũ tuần, 8/6/2025.
Lý Do Giáo Hoàng Francis Vắng Mặt Tại Lễ Mở Cửa Trở Lại Nhà Thờ Đức Bà Paris
(Hình AP - Christophe Petit Tesson: Chính điện Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi được trùng tu. Ảnh chụp ngày 29/11/2024.)
-Nhà thờ Đức Bà Paris luôn có mối liên hệ bền chặt với các đời Giáo hoàng. Nhưng trong buổi lễ khánh thành trùng tu nhà thờ hôm 7/12/2024, Đức Giáo hoàng Francis, nay đã 88 tuổi, sẽ vắng mặt. Một quyết định đã làm dấy lên nhiều thắc mắc.
Từ thủ đô Roma của Ý Ðại Lợi, thông tín viên Eric Sénanque của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:
Sự vắng mặt của Ngài đã được bình luận rộng rãi, nhất là một tuần trước chuyến thăm đến đảo Corse, nhưng Đức Thánh Cha Francis sẽ không đến Paris để dự lễ mở cửa trở lại nhà thờ chính tòa. Tuy nhiên, một thông điệp được viết bằng tay của ngài sẽ được Đức ông Migliore, sứ thần tòa thánh tại Paris, đọc vào tối nay. Vị giám chức người Ý Ðại Lợi nói với truyền thông của Vatican rằng, "nếu Đức Thánh Cha đến Paris để dự lễ khánh thành, ngài sẽ là ngôi sao của ngày hôm đó, nhưng ngài muốn rằng ngôi sao đó phải là Nhà thờ Đức Bà".
Tại Roma, người ta không ngừng nhắc lại rằng vị Giáo hoàng người Á Căn Ðình ưu tiên đến thăm các vùng ngoại vi, nghĩa là những nước nghèo, còn số khác thì giải thích đó là vì mong muốn không bị công cụ hóa tại một buổi lễ cũng sẽ mang tính chính trị, như Emmanuel Macron mong muốn.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa Nhà thờ Đức Bà Paris với các đời Giáo hoàng gần đây nhất vẫn bền chặt mà bằng chứng là quảng trường phía sau nhà thờ mang tên Giáo hoàng Gioan XXIII hay các chuyến thăm của Gioan Phaolô II năm 1980 hoặc Benedicto XVI vào năm 2008.
Thêm một giai thoại, đó là dưới chân Nhà thờ Đức Bà, một bức tượng bằng sáp Giáo hoàng Francis đã được khánh thành vào tháng 4/2015 trước khi được chuyển đến bảo tàng tượng sáp Grévin. Lễ khánh thành hôm nay sẽ được theo dõi từ Roma, tại giáo xứ Saint-Louis của kiều dân Pháp cùng sự có mặt của bà Ðại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh.
Giới Chuyên Gia Úc Ðại Lợi: Canberra Nên Từ Bỏ AUKUS và Mua Tàu Ngầm của Paris
(Hình REUTERS - Reuters Photographer: Tàu ngầm lớp Collins HMAS Waller (đen) của Hải quân Hoàng gia Úc Ðại Lợi rời cảng Sydney, Úc Ðại Lợi, ngày 4/5/2020.)
-Liệu Úc Ðại Lợi có thay đổi quyết định và lại quay sang mua tàu ngầm của Pháp hay không? Đó là khuyến nghị của Viện Chiến lược Chính trị Úc Ðại Lợi công bố hôm 5/12/2024.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sau khi quay lưng lại với Paris và ký Hiệp ước AUKUS với Hoa Thịnh Ðốn và Luân Đôn, Canberra đang rơi vào tình thế khó khăn và đứng trước nguy cơ không đổi mới được hạm đội tàu ngầm. Từ Sydney, thông tín viên Léo Roussel của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
Khi hủy bỏ đơn đặt hàng tàu ngầm của Pháp và ký Hiệp ước AUKUS với Hoa Kỳ và Anh Quốc, Úc Ðại Lợi không ngờ tới một thảm họa như vậy. Chi phí chế tạo gia tăng và việc giao hàng bị chậm trễ, Canberra đang gặp khó khăn trong việc thay thế hạm đội tàu ngầm.
Vào thứ Năm, Viện Chiến lược Chính trị Úc Ðại Lợi thậm chí đã kêu gọi quay lại với giải pháp của Pháp. Nhóm nghiên cứu do chính phủ tài trợ đề xuất hủy bỏ đơn đặt hàng AUKUS và mua 12 tàu ngầm nguyên tử của Pháp, thay vì tàu ngầm chạy bằng diesel như dự định vào năm 2021.
Theo cựu lãnh đạo Viện Tàu Ngầm Úc Ðại Lợi, Canberra phải đặt hàng trước năm 2026 nếu muốn hy vọng nhận được tàu ngầm từ năm 2038.
Vấn đề còn lại là liệu Úc Ðại Lợi có sẵn sàng thay đổi quyết định hay không. Theo nhóm nghiên cứu, đó sẽ là một lựa chọn đầy can đảm về mặt chính trị, nhưng không hẳn là bất khả thi so với việc nhận được tàu ngầm Mỹ đúng hạn.
Nam Hàn: Tổng Thống Yoon Thoát Kiến Nghị Phế Truất của Quốc hội
(Hình AP - Ahn Young-joon: Người dân biểu tình trước trụ sở Quốc hội Nam Hàn tại thủ đô Hán Thành ngày 7/11/2024, đòi phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol sau vụ ông ra lệnh thiết quân luật.)
-Tại Nam Hàn, không khí căng thẳng cao độ. Hôm 7/12/2024, Tổng thống Yoon Suk Yeol, 63 tuổi, lần đầu tiên phát biểu kể từ vụ "thiết quân luật" bị Quốc hội ra lệnh hủy bỏ, rạng sáng 4/12. Ông Yoon xin lỗi người dân, nhưng không từ chức. Quốc hội Nam Hàn họp để bỏ phiếu kiến nghị phế truất Tổng thống trong lúc hàng trăm ngàn người biểu tình xung quanh tòa nhà bất chấp giá lạnh. Kiến nghị phế truất rút cục thiếu 5 phiếu để được thông qua.
Trong một phát biểu trên truyền hình quốc gia kéo dài khoảng hai phút sáng nay, Tổng thống Yoon khẳng định ông "không thoái thác các trách nhiệm chính trị và pháp lý" liên quan đến lệnh thiết quân luật bất ngờ hôm trước, đồng thời thừa nhận "đã gây ra các lo hãi và bất bình trong dân chúng", và đề nghị được tha thứ. Tổng thống Yoon giải thích, ông đã ban bố lệnh thiết quân luật trong tâm trạng "thất vọng cao độ".
Tuy nhiên Tổng thống Yoon không tuyên bố từ chức. Ông đề nghị đảng cầm quyền "có các biện pháp nhằm làm bình ổn tình hình chính trị". Hàng ngàn người biểu tình ở trung tâm Hán Thành để ủng hộ Tổng thống.
Về phía đảng cầm quyền, phát biểu sau tuyên bố của Tổng thống, Chủ tịch đảng Han Dong Hoon khẳng định Tổng thống không thể tiếp tục tại vị trong "bối cảnh hiện nay" và việc từ chức là "không thể tránh khỏi". Theo chuyên gia Chae Jin Won, thuộc Humanitas College – Đại học Kyung Hee, mục tiêu trước mắt của đảng cầm quyền là gây áp lực để buộc Tổng thống từ chức, đảng này không ủng hộ phế truất do lo ngại quyền lực rơi vào tay lãnh đạo đối lập Lee Jae Myung.
Theo thông tấn xã AFP, kiến nghị phế truất Tổng thống cần ít nhất 200 trên tổng số 300 phiếu thuận để có hiệu lực. Đảng đối lập, hiện có 192 ghế tại Quốc hội, cần thêm 8 phiếu của đảng cầm quyền, để phế truất Tổng thống Yoon. Việc bỏ phiếu dự kiến được kéo dài đến cuối buổi tối. Chủ tịch Quốc Woo Won Shik hy vọng các thành viên đảng cầm quyền thay đổi quyết định. Rút cục chỉ có 5 Nghị sĩ đảng cầm quyền ủng hộ kiến nghị phế truất của đối lập.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Toàn thể đất nước theo dõi quyết định hôm nay của Quốc hội", tình hình Nam Hàn cũng khiến "toàn thế giới quan tâm". Theo Chủ tịch Quốc hội thuộc đảng Dân chủ đối lập, đảng này sẽ không từ bỏ nỗ lực phế truất Tổng thống. Về phần mình, đảng cầm quyền khẳng định sẽ tìm được một phương thức "có trật từ hơn và có trách nhiệm hơn" để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Thực Hư Lý Do Tổng Thống Nam Hàn "Thiết Quân Luật Khẩn Cấp", Làm Rúng Động Đất Nước?
-Trong tuần, chính trường và công luận Nam Hàn rung chuyển vì sự kiện tối 3/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố lệnh "thiết quân luật khẩn cấp", nhưng sau đó ít tiếng đồng hồ Tổng thống đã phải bãi bỏ lệnh do vấp phải sự phản đối của Quốc hội.
Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn tự hỏi nguyên do nào thực sự thúc đẩy Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra một quyết định đột ngột, khó hiểu đến như vậy? Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 4/12/2024, bà Marie-Orange Rivé-Lasan, Giảng viên Đại học Paris Cité của Pháp, nhà Sử học về Triều Tiên Đương đại, giải thích:
"Chuyện này xảy ra sau một cuộc khủng hoảng niềm tin kéo dài về Tổng thống Yoon Suk Yeol. Xã hội dân sự cũng đã được huy động tham gia cùng với đảng chính trị dân chủ thuộc phe đối lập, nhiều lần và theo nhiều cách thức hợp pháp khác nhau, để đòi hỏi truất phế vị Tổng thống đương nhiệm.
Xin nhắc lại là trong văn hóa chính trị Nam Hàn, đã từng có một tiền lệ. Đó là khi Tổng thống Park bị phế truất cách nay chưa đến 10 năm. Tỉ lệ được lòng dân của Tổng thống Nam Hàn đương nhiệm đã giảm đi rất nhiều và đảng của ông chỉ chiếm số ít trong Quốc hội. Và Tổng thống Yoon đang trong tình thế khó khăn trước những nỗ lực pháp lý nhằm phế truất ông.
Cũng giống như ở Pháp, hiện giờ Nam Hàn cũng đang có Dự thảo Ngân sách cho năm 2025, với rất nhiều tranh luận giữa cánh hữu và cánh tả, và cuối cùng cũng lâm vào thế hơi bế tắc, ngân sách bị điều chỉnh xuống thấp.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Nam Hàn quyết định xem đây là tình huống đe dọa nền kinh tế Nam Hàn và hệ thống dân chủ-tự do của nước này".
Nam Hàn Sau Lệnh Thiết Quân Luật: Bộ Trưởng Nội Vụ Từ Chức, Bộ Trưởng Quốc Phòng Bị Bắt
(Hình REUTERS - Kim Hong-Ji: Biểu tình yêu cầu phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Hán Thành, thủ đô của Nam Hàn, ngày 7/12/2024.)
-Sau lệnh thiết quân luật do Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố hồi đầu tuần, chính trường Nam Hàn rơi vào hỗn loạn. Hôm 8/12/2024, Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang Min đã từ chức, còn Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun bị bắt giữ vì tội "phản quốc".
Trong lá thư từ chức, Bộ trưởng Nội vụ Nam Hàn xin lỗi "vì đã không phục vụ tốt người dân cũng như Tổng thống". Cả ông Lee và Tổng thống Yoon đều nằm trong số các viên chức đang bị điều tra vì tội "nổi loạn" sau khi bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật vào tối thứ Ba (3/12). Ngoài ra theo truyền thông địa phương, ông Kim Yong Hyun, vốn là Bộ trưởng Quốc phòng vào thời điểm thiết quân luật, đã bị đưa đến một trại giam ở phía Đông Hán Thành. Cảnh sát đang khám xét nơi ở và văn phòng chính thức của ông Kim để điều tra vì tội phản quốc. Hãng tin Nam Hàn Yonhap cho biết chính ông Kim là người đã đề xuất với Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành thiết quân luật.
Về phần mình, Tổng thống Nam Hàn vẫn nắm quyền sau thất bại trong cuộc bỏ phiếu luận tội ông. Đảng của Tổng thống đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu, vì vậy không có đủ số Nghị sĩ để bỏ phiếu chống lại ông. Trước kết quả đó, nhiều người dân Nam Hàn đã bày tỏ lo ngại về nền Dân chủ-Tự do của nước nhà. Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Célio Fioretti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gửi về bài phóng sự:
"Bất chấp mọi sự phản đối, Yoon Suk Yeol vẫn giữ được chiếc ghế Tổng thống sau nỗ lực đảo chính của ông. Các Nghị sĩ đối lập đã không thông qua được đề nghị luận tội của họ. Người phụ nữ trẻ này bày tỏ lo ngại về bước thụt lùi của nền Dân chủ. Cô cho biết: "Là một công dân của nền Dân chủ-Tự do, tôi cảm thấy thật tồi tệ. So với các nước khác, tôi tưởng rằng nền Dân chủ của chúng tôi đã bám rễ chắc chắn, nhưng sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố, tôi mới thấy rằng bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể quay trở lại chế độ độc tài".
Các Dân biểu bảo thủ muốn cứu Tổng thống của họ hơn là tạo cơ hội cho phe đối lập luận tội ông ấy. Tuy nhiên, logic như vậy không thuyết phục được người đàn ông này, đang đi biểu tình kêu gọi các Dân biểu phải hành động có trách nhiệm.
Anh nói: "Các Nghị sĩ bảo thủ mù quáng đi theo đường lối của đảng, như một đàn cừu, điều này hoàn toàn trái với dân chủ. Đã là người đại diện của nhân dân thì phải thực hiện đầy đủ quyền hạn được giao và không trốn tránh trách nhiệm trước cơn khủng hoảng như thế này".
Phe đối lập đã công bố các cuộc bỏ phiếu luận tội mới mỗi tuần. Phe bảo thủ muốn xoa dịu tình hình, nhưng sự giận dữ của dân chúng dường như đã gia tăng, 80% người dân Nam Hàn muốn Tổng thống từ chức. Cuộc khủng hoảng chính trị do đó còn lâu mới có thể kết thúc. Sau thất bại của cuộc bỏ phiếu này, không còn nghi ngờ gì nữa, nền Dân chủ Nam Hàn rõ ràng đang ngày càng mang thiên hướng độc tài".
Cũng trong ngày 8/12, đảng Dân chủ, phe đối lập chính ở Nam Hàn đã thông báo sẽ tổ chức bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol một lần nữa vào ngày 14/12. Lãnh đạo đảng này, ông Lee Jae Myung nhấn mạnh: "Ông Yoon phải từ chức ngay lập tức hoặc bị cách chức ngay lập tức. Nhân danh người dân, chúng tôi sẽ luận tội ông Yoon".
UNESCO Công Nhận Tết Nguyên Đán Trung Quốc: Cơ Hội Để Bắc Kinh Khuếch Trương Quyền Lực Mềm
(Hình AP / Cheong Kam Ka: Màn múa lân, múa rồng đón Tết Nguyên Đán tại Macao, Trung Quốc, ngày 11/2/2024.)
-Hôm 4/12/2024, cùng với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang) của Việt Nam, nghề lợp mái kẽm các ngôi nhà ở Paris của Pháp, rượu Sake của Nhật Bản... Tết nguyên đán của Trung Quốc đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại.
Như vậy, với 44 Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại, đến nay Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về số di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Không chỉ khẳng định mình là nước đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo tồn văn hóa, Trung Quốc còn có cơ hội biến lễ tết thành quyền lực mềm cải thiện hình ảnh trong mắt thế giới. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Trung Quốc đặt cược vào di sản văn hóa của đất nước để tăng cường ảnh hưởng trên thế giới. Bước mới đây nhất: UNESCO công nhận Tết Nguyên đán của Trung Quốc là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại.
Ở cấp độ quốc gia, điều này khơi dậy một niềm tự hào mới, nhất là trong giới trẻ, vốn đôi khi xa rời các phong tục tập quán cũ. Ở ngoại quốc, việc Tết Nguyên đán của Trung Quốc được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại giúp cho cộng đồng người Hoa ở hải ngoại cảm thấy gắn kết hơn với cội nguồn của họ.
Sự công nhận của UNESCO có thể thúc đẩy du lịch văn hóa, thu hút quốc tế chú ý đến các lễ hội của Trung Quốc. Điều này cũng mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế quan trọng cho các địa phương tổ chức những sự kiện truyền thống.
Nhưng chiến lược của Trung Quốc còn đi xa hơn nữa. Bằng cách phát huy truyền thống của đất nước, Bắc Kinh thách thức sự thống trị của các quan điểm phương Tây và xây dựng một hình ảnh tích cực, ngay cả trong bối cảnh đang có căng thẳng địa chính trị. Sự công nhận này của UNESCO cũng là một phần trong chiến lược Những con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, vốn nhấn mạnh đến lĩnh vực trao đổi văn hóa, song song với phát triển thương mại và cơ sở hạ tầng.
Nước cờ xuất sắc này của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc không chỉ bảo tồn di sản văn hóa của mình mà còn sử dụng di sản văn hóa một cách có chiến lược như một công cụ để củng cố, tăng cường vị thế trên thế giới, tạo thuận lợi thúc đẩy các cơ hội kinh tế và phô trương hình ảnh về một quốc gia gắn bó".
Đây là một thách thức không nhỏ với các nước láng giềng của Trung Quốc cũng đón Tết cổ truyền vào dịp đầu Xuân, trong đó có Việt Nam. Ví dụ, tại Pháp, Tết cổ truyền của Việt Nam và nhiều nước Á Châu thường được đồng nhất với Tết Trung Quốc (le Nouvel An chinois).
Hạ Viện Hoa Kỳ Bỏ Phiếu Về Dự Luật Ngân Sách Chi 3 Tỉ Mỹ Kim Để Loại Bỏ Thiết Bị Viễn Thông Trung Quốc
(Hình REUTERS / Dado Ruvic, minh họa: Logo của tập đoàn Hoa Vi (phải) và lá cờ Mỹ.)
-Hôm 7/12/2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã công bố bản Dự thảo về Luật Quốc phòng thường niên, trong đó bao gồm khoản ngân sách hơn 3 tỉ Mỹ kim dành cho các công ty viễn thông của nước này. Mục tiêu của Hoa Thịnh Ðốn là loại bỏ thiết bị do các công ty Trung Quốc như Hoa Vi (Huawei) và ZTE sản xuất ra khỏi mạng không dây của Mỹ để tránh các rủi ro an ninh.
Bản Dự thảo dài 1.800 trang dự kiến sẽ được Hạ viện Mỹ tiến hành bỏ phiếu vào tuần tới. Theo hãng tin Reuters, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) ước tính rằng việc loại bỏ các thiết bị viễn thông không an toàn, đặc biệt là từ hai doanh nghiệp Hoa Vi và ZTE, có thể tốn đến 4,98 tỉ Mỹ kim, trong khi Quốc hội trước đó chỉ phê duyệt 1,9 tỉ Mỹ kim cho chương trình "gỡ bỏ và thay thế". Vì vậy, Chủ tịch FCC, bà Jessica Rosenworcel, tuần trước đã kêu gọi Quốc hội cung cấp thêm kinh phí khẩn cấp, nhấn mạnh rằng chương trình thay thế thiết bị trong mạng lưới của 126 nhà mạng đang thiếu hụt 3,08 tỉ Mỹ kim. Bà cũng cảnh báo rằng việc thiếu kinh phí có thể khiến một số mạng lưới ở vùng nông thôn phải ngừng hoạt động, có nguy cơ xóa sổ nhà cung cấp duy nhất ở một số khu vực và đe dọa dịch vụ 911.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà cung cấp Dịch vụ Cạnh tranh (CCA), Tim Donovan đã hoan nghênh thông báo này, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là "nguồn kinh phí rất cần thiết để thực hiện yêu cầu loại bỏ và thay thế thiết bị cũng như dịch vụ, đồng thời duy trì kết nối cho hàng chục triệu người dân Mỹ".
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu FCC buộc các nhà cung cấp viễn thông Mỹ được nhận trợ cấp liên bang phải loại bỏ thiết bị viễn thông của Trung Quốc khỏi mạng lưới. Hoa Thịnh Ðốn cũng đã tích cực thúc giục các đồng minh loại bỏ thiết bị của Hoa Vi và các công ty Trung Quốc khác khỏi mạng lưới không dây.
Ngoài ra, bản Dự thảo còn yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc né tránh các quy định an ninh quốc gia của Mỹ và đánh giá tình báo về năng lực kỹ thuật sinh học hiện tại của Trung Quốc.
Biển Đông: Phi Luật Tân Tập Trận Với Các Đồng Minh Sau Cuộc Đối Đầu Với Trung Quốc
(Hình AFP / NTF-WPS: Ảnh của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Tây Phi Luật Tân (NTF-WPS) đưa ra vào ngày 4/12/2024 cho thấy một tàu của Hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu của Cục Thủy sản Phi Luật Tân.)
-Phi Luật Tân đã tổ chức các cuộc tập trận hàng hải với Hoa Kỳ và Nhật Bản bên trong Vùng đặc quyền Kinh tế của mình ở Biển Đông, quân đội nước này cho biết vào ngày 6/12/2024, hai ngày sau cuộc đối đầu trên biển với Bắc Kinh xung quanh một bãi cạn đang tranh chấp.
Các cuộc tập trận, có sự tham gia của một máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ, tàu BRP Andres Bonifacio của Hải quân Phi Luật Tân và một máy bay nhỏ C-90, cùng khu trục hạm JS Samidare lớp Murasame của Nhật Bản, là vòng tập trận mới nhất của Phi Luật Tân với các đồng minh trong năm nay trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Các cuộc tập trận được tiến hành "theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng sự an toàn của hoạt động hàng hải, cũng như quyền và lợi ích của các quốc gia khác", Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân và Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết trong các tuyên bố riêng.
Vào thứ Tư, Phi Luật Tân cáo buộc các tàu Hải cảnh Trung Quốc đã bắn vòi rồng và quệt vào một trong những chiếc thuyền của họ trong nhiệm vụ tiếp tế cho ngư dân tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đang có tranh chấp.
Manila cũng bày tỏ sự lo ngại về sự hiện diện của một tàu Hải quân Trung Quốc tại bãi cạn mà họ cho là đã chặn và theo dõi các tàu Cảnh sát Biển của họ, trong những gì họ mô tả là "sự leo thang và khiêu khích mạnh mẽ".
Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough, vẫn khẳng định rằng hành động của mình là hợp pháp.
Brunei, Mã Lai Á, Đài Loan, Phi Luật Tân và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng biển. Căng thẳng đã gia tăng trong bối cảnh lo ngại rằng các yêu sách mở rộng của Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của họ.
EEZ kéo dài 200 hải lý (370 cây số) từ bờ biển của một quốc gia và cho phép quốc gia đó có quyền chủ quyền để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng nước và dưới đáy đại dương.
Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague (Hòa Lan) rằng các yêu sách của họ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough chưa bao giờ được xác lập, nhưng tòa án đã phán quyết rằng lệnh phong tỏa của Trung Quốc ở đó đã vi phạm luật pháp quốc tế và khu vực này là ngư trường truyền thống được ngư dân của nhiều quốc gia sử dụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét