Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Biệt Đội Úynh Lộn - Võ Ý


Vì lãnh thổ Quân Khu 2 quá rộng và phức tạp về chiến sự cũng như địa thế nên Thượng Cấp quyết định thành lập thêm 1 Sư Đoàn KQ nữa vào đầu xuân năm 1970. Đó là Sư Đoàn 6 KQ, bản doanh đặt tại Pleiku, trách nhiệm từ Tuy Hòa chạy ra Tam Quan giáp ranh Quảng Ngãi, bao bồm một phần cao nguyên như Phú Bổn, Pleiku, Kontum, Dakto, Buôn Mê Thuộc. Còn Sư Đoàn 2 KQ tại Nha Trang trách nhiệm từ Tuy Hòa về Phan Thiết, bao gồm một phần cao nguyên qua các tỉnh Tuyên Đức Đà Lạt, Quảng Đức và Lâm Đồng Bảo Lộc.
<!>
Qua phân vùng trách nhiệm và do yêu cầu của các đơn vị diện địa, Phi Đoàn 118 phối trí Biệt đội thường trực tại các tiểu khu Bình Định, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Chóp Chài, Phù Cát, Kon Tum, Ban Mê Thuột và Phú Bổn.
Cấp úy độc thân biệt phái mỗi kỳ hai tuần đã thấy ngất ngư con tàu đi, nói gì đến mấy đấng lỡ vướng bận thê nhi? Nhưng biết làm sao hơn, chuyện hành quân chứ có phải chuyện hành... lạc đâu mà thích thì chơi, không thích thì xù? Độc thân đi biệt phái không thắc mắc, đôi khi có vợ con lù lù trong cư xá vẫn muốn xin đi. Kiểu như đi để trốn thuế. Hay là kiếm thêm thuế để đóng?Kiểu như đi cho thoát nợ. Hay là để mang thêm nợ?

Ôi Không Quân danh tiếng muôn đời về khoản thân lừa ưa nặng! Đời sống Biệt Đội, tùy theo hoàn cảnh cá nhân, được ghi nhận mấy trạng thái hoặc sôi nỗi, hoặc buồn chán, hoặc thơ mộng.
Có người nhờ đi Biệt Đội mà tìm được bạn trăm năm. Như Bắc Đẩu Lê văn Tấn cưới vợ Qui Nhơn, rẽ thúy chia duyên vì biến cố 75. Ra tù đạp xích lô kiếm gạo hộc xì dầu xanh mướt như tàu lá, hiện sống êm đềm hạnh phúc bên người vợ trẻ và đàn con ngoan tại Cali.
Còn Bắc Đẩu Nguyễn văn Di cưới vợ Biệt Đội Buôn Mê Thuột. Sau 75, chú Di vượt thóat một mình, vợ con còn kẹt trong nanh vuốt Cộng sản. Trải qua bao năm tháng khắc khoải đợi chờ, hiện nay Chú Thím Di đang tận hưởng hạnh phúc đoàn viên tại xứ cao bồi Texas.
Cũng có người đã có gia đình, nhờ đi Biệt Đội mà có thêm bồ nhí. Về vụ nầy, chỉ nêu ra đây để... nhớ, chớ làm sao mà nêu danh tánh ra đây cho được? Người KQ nào chẳng tự hào về lòng chung thủy? Còn ba cái chuyện mèo mỡ chỉ là chuyện nhỏ, mấy bà vợ KQ còn không thèm đếm xỉa, thì tội gì phải khai báo chứ?
Điều kiện cần và đủ cho 1 Biệt Đội Quan Sát là bãi đáp, xăng nhớt, nơi ăn chốn ở cho ít nhất 3 người, bao gồm 2 nhân viên phi hành và 1 cơ khí viên. Râu ria là phương tiện đưa đón phi hành đoàn, (không có là không được đấy)!
Bãi đáp có thể bằng đất nện, bằng vĩ sắt, hoặc bằng bêtông. Dù bằng gì đi nữa, phải tương đối bằng phẳng để khi đáp không bị nhảy ngựa dễ gây tai nạn. Bãi đáp (hay phi trường) đã được mấy ông con nhà chim trời tưởng tượng méo mó hay ví von đủ điều. Tỉ như bãi đáp con nhỏ Minh Khai nhẵn thín như xa lộ không đèn! Còn bãi đáp công nương Hồng Gấm thì lơ thơ tơ liểu buông mành đến thảm khốc v...v...
Qua kinh nghiệm bay đêm bay ngày đạt cả tỉ giờ, hầu hết KQ thích bãi đáp có lún phún tí cỏ gà, trông thì gợi cảm mà áp dụng khoa chiêm tinh bói toán mỗi khi đào hồng hỉ chiếu tận mạng thì rất chi là đại cát, vì dân Pleiku rất mê tín câu sấm giảng của Thần Núi Hàm Rồng, nguyên văn như sau : no hair no lucky, no water no happy! Thì có gì huyền bí đâu, đó chỉ qua là sự khác biệt giữa phi cơ và phi công. 

Thử nghiên cứu mấy điều khác biệt căn bản như sau:
Một là, phi cơ thích đáp sân quen (cho ăn chắc). Ngược lại, phi công thích đáp sân lạ. Mackeno cái chuyện lạ, vì trước lạ sau quen, có gì mà sợ chứ? Về điểm nầy, cứ hỏi mấy vị lái phi công thì sẽ rõ!
Hai là, phi cơ thích đáp sân bêtông nhẵn thín (cho khỏe re con tàu). Còn phi công thì thích sân gập ghềnh có điểm xuyến tí cỏ gà (để chứng tỏ sức lực của... người phi công)! Còn chuyện an toàn như thế nào đã thì có Trung Tâm Giám Định Y Khoa và các ông đốc tờ phi hành lo liệu!
Ba là, trước khi cất cánh, phi cơ cần đổ đầy xăng, còn phi công lại xả cho hết xăng.
Bốn là, trước khi đáp, phi cơ giảm tốc độ bằng cách giảm vòng quay chong chóng, hay còn gọi là vòng RPM, ngược lại phi công thì tăng nhịp đập của tim, để tăng tốc độ khi đáp!
Năm là, khi đáp xong, phi cơ xếp cánh cản, còn phi công thì ra cánh cản để phè... cánh nhạn!
Sáu là, khi đáp, phi cơ chạm bánh phi đạo phát ra âm thanh kít kít, còn âm thanh của phi công thì tùy từng phi đạo!
Bảy là, phi cơ càng lên càng nhỏ, ngược lại, phi công càng lên càng lớn!
Tám là, chín là, v...v...
Còn chuyện xăng dầu cho phi cơ cũng là điều đáng quan tâm. Xăng dầu cho phi cơ cánh quạt khác xăng dầu cho phi cơ trực thăng. Đã có trường hợp trực thăng đáp phi trường Cam Ly Đà Lạt được tiếp tế loại xăng dành cho máy bay cánh quạt.
Cũng may là phi công vừa cất cánh đã phát hiện kịp thời nên vội bay về CamLy, mất cả tiếng để xả cho hết loại xăng 115/145, và sau đó thay thế loại JP4!
Xăng dầu vừa dành cho phi cơ bay tìm dấu vết địch quân từ trên trời, vừa dành cho chiếc xe hơi biệt phái cho KQ đi tìm giai nhân trên đường phố sau một ngày bay bổng. Ai cũng biết, tiểu chuẩn xăng dành cho xe biệt phái rất hạn chế, chỉ đủ đưa đón phi hành đoàn đi hành quân, chứ không đủ đưa PHĐ đi hành... lạc, nên quân ta đổ đại xăng máy bay để ép buộc chiếc xe lăn bánh đặng tìm thú tiêu khiển trong lúc xa quê! Cái mục nầy thì có thể châm chước, nhưng chôm chỉa hàng tấn xăng dầu đem bán ra ngoài dân lấy tiền đút túi thì... hết biết! Thời đó, BTLKQ có ra 1 Văn Thư ngăn cấm 7 điều trong Quân Chủng, nôm na là Thất Kỵ. Tôi còn nhớ vài điều như: cấm săn bắn, cấm bán xăng, cấm chở đồ lậu, cấm đáp sân lạ (tức sân không có ghi trong phi lệnh) v...v... Công bình mà nói, Thất Kỵ có ảnh hưởng chăng, phải kể đến ngành vận tải và trực thăng. Mấy ông Quan sát nếu có lạng quạng thì như hạt muối bỏ bể. Còn mấy ông Khu trục thì... bù trớt!

Thường thường mỗi kỳ biệt phái là hai tuần. Cũng có nhiều khi lâu hơn do nhu cầu công hoặc tư vụ. Dù ở bất kỳ biệt đội nào, một khi con tim đã biết rung động trước một bóng hình, thì... nhằm nhò gì cái chuyện biệt phái! Đời sống biệt đội thường đơn điệu, nhất là tại những hóc bà tó chó ăn đá gà ăn muối như Phú Bổn, Kontum.. Sau một ngày bay bổng, mấy tay con nhà lành, hoặc có gia đình thì tìm thú vui qua sách vở, đánh cờ tướng hoặc xem TV. Mấy tay độc thân hoặc ham vui thì cựa quậy bằng cách nhậu nhẹt, kỳ bẽo (kỳ là cờ, bẽo là bạc... bẽo, kỳ bẽo là cờ bạc đó bà con à), nhảy nhót hoặc trai gái mèo mở. Đây là cái mục muôn thuở của kiếp người. Và cái mục tình ái nầy có khi đưa cuộc sống đến chỗ thơ mộng êm đềm, đôi khi sinh ra lắm điều tai hại. Một trong những điều tai hại ở Biệt Đội là... uýnh lộn, làm sứt mẻ tình đồng đội, trở ngại chuyện hành quân... Trong đời một người, mấy ai tự hào là không hề biết uýnh lộn?
Vào khoảng năm 1967, Phi Đoàn 114 Nha Trang không thể đặt biệt đội L19 tại căn cứ KQ Pleiku, lý do không an toàn cho Phi hành đoàn. Thời đó giữa Không Quân và Biệt Động Quân hục hặc với nhau, (có thể là vì...gái) sinh ra uýnh lộn tơi bời trên đường phố Pleiku. Quân Đoàn không biết gì cả. Cũng may, một thời gian sau, vì thấy chuyện đánh giặc hệ trọng hơn chuyện đánh lộn, nên hai bên tự giải quyết êm thắm và biệt đội được phối trí trở lại. Thật hú hồn!
Biệt đội Ban Mê Thuột, thập niên 60, cũng có lần dàn quân đánh nhau với Tiểu Đoàn Pháo Binh đồn trú tại đây. Nguyên do không phải vì gái mà vì chiếc xe Dodge 4X4 của Đơn vị nầy biệt phái cho Biệt Đội L19 quá bết, không chạy được. Không chạy được thì làm sao đưa phi hành đoàn đi bay? Làm sao đưa phi hành đoàn đi ăn? Làm sao đưa phi hành đoàn đi... xả xú bắp?
Nghĩ rằng, Pháo Binh chơi xấu mình, nhân danh trưởng Biệt đội, tôi vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn Pháo để trình bày hơn thiệt. Không ngờ gặp tay Tiểu Đoàn Phó quá lựu đạn, lên giọng mắng mỏ là không biết bảo trì nên xe không chạy! (mà cũng đúng chứ có oan uổng gì đâu)! Thế rồi, hai bên choảng nhau bằng lời qua tiếng lại, sau cùng là thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Tôi bị tay kiến càng Tiểu Đoàn Phó đánh cho bể cái kiếng Ray-ban tráng bạc, mốt thời thượng bấy giờ. Thật là tức đến lùng bùng lỗ tai! Phải phục hận mới được!

Ngay chiều hôm đó, sau phi vụ hành quân, chúng tôi khiêu khích Pháo Binh bằng cách bay sát trên nóc nhà Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn để thả công điện thách đấu. Sau đó lại giựt dàn lựu đạn khói đã được cột trên hai càng cánh phi cơ để... thị uy nữa!
Đáp xuống là chúng tôi chạy ngay đến B15 cầu viện mấy bạn Lực Lượng Đặc Biệt. Mấy tay nầy bênh vực bạn bằng cách gắn súng đại liên trên xe V100, chạy tuần hành xung quanh Hội Quán Sĩ Quan, là cư xá vãng lai của Phi hành đoàn.
Ngoài LLĐB, chúng tôi còn có mấy bạn thần sầu quỷ khóc ở đại Đội Thám Báo thuộc SĐ23BB tiếp sức nữa! Mọi thành viên trong Biệt Đội yên lòng vì đã có viện binh. Tôi đề nghị các bạn KQ thay thường phục và phục sẵn trong Hội Quán. Riêng tôi vẫn mặc áo bay, súng mang bên ngực, đứng sẵn trước cổng Hội Quán, chờ đối phương. Thời gian nặng nề như kiểu trong phim cao bồi Jango, rất chi là nghẹt thở. Tôi chống mắt nhìn cho rõ bảng hiệu của từng xe chạy xuôi ngược hay ngừng lại trước Hội Quán.
Bỗng, đây rồi, xe bảng hiệu Pháo Binh! Tay tôi chụp ngay khẩu P38 trong vị thế sẵn sàng.
Một quân nhân từ ghế phải xe Jeep bước xuống, vừa khua hai tay vừa nói lớn:
– Xin anh em bình tĩnh! Tôi là Thiếu Tá Ph, Tiểu Đoàn Trưởng Pháo Binh đây! Chuyện gì còn có đó! Chuyện gì cũng giải quyết được! Xin anh em bình tỉnh! Tôi muốn nói chuyện với anh em!
Nhận thấy vị Thiếu Tá có vẻ chân thành, hơn nữa, tài xế và vị Sĩ quan theo ông không tỏ dấu hiệu nguy hiểm, tôi bèn lên tiếng:
– Kính chào Thiếu tá, tôi Trung úy Võ Ý, trưởng Biệt Đội KQ, xin được tiếp chuyện với Thiếu Tá!
– Chào anh Võ Ý, tôi vừa từ Pleiku về, nghe nói có chuyện rắc rối là phóng ngay tới đây. Cùng đi với tôi là Trung úy Trưởng P4 Tiểu đoàn, đã nhận lệnh thay thế chiếc xe biệt phái nội trong ngày mai. Chuyện dễ như trở bàn tay, sao lại tùm lum ra như vậy được? (ông quả thật là đàn anh đáng kính)! Thấy chiều hướng có vẻ sáng sủa, tôi phụ họa:
– Nếu giải quyết như Thiếu Tá thì làm sao có chuyện tùm lum nầy được?
– Thôi, ta giải hòa!
Nói đoạn ông chìa tay ra bắt tay tôi thật chặt, rồi nhắc nhở kiểu ra lệnh:
– Trung úy Trưởng P4, mình mời Biệt Đội KQ kiếm cái gì giải khát chăng?
Lúc nói chuyện chỉ một mình tôi, khi Biệt Đội được mời đi nhậu nhẹt thì đầy đủ 7 mạng, gồm 2 phi hành đoàn, 2 cơ khí viên và 1 ALO (Air Liason Officer).2 cơ khí viên là KQ Nguyễn Văn A và Lê Cát Lợi (còn ở Việt Nam), còn KQ Vàng là Alo thì phải. Dù đã được giải hòa, nhưng quân ta vẫn thủ xén trong người cho khỏi áy náy! Bên Pháo Binh kể cả tài xế có 3 mạng.
Tưởng chỉ một chầu nhậu đơn sơ, không ngờ là một bữa tiệc linh đình. Tự nhiên được một bữa tiệc chùa, mấy tay KQ nhìn nhau tủm tỉm kiểu đắc chí.
Nhà hàng X đón tiếp đoàn khách hết sức ân cần. Mọi người cụng ly vui vẻ. Trong không khí chi binh huynh đệ, tôi quên bẳng cái kiếng Ray-ban tráng bạc bị đánh vỡ. Nhưng cảnh giác thì vẫn nhớ, không dzô một trăm phần trăm tận mạng đến say xỉn.

Được nửa buổi tiệc, tôi để ý một điều bất thường là, viên Trung úy P4 nói nhỏ điều gì với tài xế, tài xế rời bàn tiệc ra ngoài. Một lúc sau, viên P4 cứ thấp thỏm trông ngóng. Chính cử chỉ nầy làm tôi ái ngại. Tôi kín đáo thông báo điều ái ngại nầy cho KQ Cát Lợi, nhờ anh rĩ tai các bạn hãy cảnh giác. Còn KQ Văn A thì ra ngoài dò xét. Chẳng bao lâu, anh tài xế PB và KQ Văn A cùng trở về bàn tiệc. A nháy tôi vào toilet. Chúng tôi đã xả bầu tâm sự đến nhẹ nhỏm tâm thần. Thật hú hồn!
Do không chuẩn bị đạn dược, nhưng lệnh của Thượng cấp là... mời KQ nhậu. Thì nhậu! Tưởng nhậu lai rai ba sợi, không ngờ Thượng cấp đang đói (vì mới công tác Pleiku về) nên gọi thức ăn lia chia. Sĩ Quan P4 kiểm lại hầu bao thì thấy thiếu thuốc... bồi, bèn ra lệnh tài xế về nhà năn nĩ bà Trung úy chi thêm địa. Có vậy mà cũng bày đặt đa nghi! Mà thử hỏi, trong hoàn cảnh như vậy, đa nghi cũng là điều tốt đấy chứ!
Chuyện đã xảy ra trên 35 năm, nghĩ lại trông không giống con giáp nào. Đó là nông nỗi của tuổi trẻ, đó là niềm kiêu hãnh thái quá về màu cờ sắc áo Đơn Vị, hay đó là hầm bà lằng xáng cấu tạo thành?
Dù sao, cảnh uýnh lộn vừa kể vẫn có chút chính nghĩa: uýnh lộn vì công vụ (!) Chứ kiểu uýnh lộn vì tư vụ như sau thì quả mắc cở mỗi khi nhắc đến.
Khi tôi trấn thủ Pleiku, bà xã vẫn lưu đồn trong cư xá Nguyễn Vĩnh Ninh cạnh bờ biển Nha Trang, hàng ngày bán bánh mì thịt nguội trước cổng Phi Long. Thỉnh thoảng tôi cũng bay về Nha Trang thăm vợ con đấy chứ! Bẵng một thời gian ít thấy tôi về (vì bận hành quân chứ bộ)!, bà xã nghi ngờ. Mà nghi là phải! Tôi không phải là Thánh, bà xã cũng không phải là Thần, bà bèn bỏ cả bán buôn, bỏ cả đám khách hàng quen mặt, bà quá giang tàu bay lên Pleiku bất thần thanh tra Biệt Đội!
Một trong những nguyên tắc của KQ là bất ngờ, bà xã đã dùng gậy ông đập lưng ông. Bà nghĩ trong đầu là nhất định sẽ gặp con đĩ ngựa và sẽ cho nó một bài học về đạo làm người. Những điều bà nghĩ đã không xảy ra. Thay vì mừng có ông chồng... đàng hoàng, bà lại bực dọc vì không bắt được quả tang cái con đĩ ngựa (vu vơ) nào đó! Bà đã truyền nhiễm điều bực dọc đó qua tôi, nên mới có chuyện lãng xẹt như sau:
Để lấy điểm bà xã trong thời gian bà thanh tra Biệt Đội, tôi đưa bà đến những hàng quán nổi tiếng ở Pleiku như Cà phê Dinh Điền, Bún Bò Nhà Xác, phở Diệp Kính v.v.. Một sáng chủ nhật đẹp trời, Hiệp V.C (Vũ Công Hiệp, phi công khu trục, hiện ở San José) rủ vợ chồng tôi dùng bánh cuốn Quân Cảnh, một quán bánh cuốn chánh gốc Thanh Trì rất nổi tiếng, tọa lạc trước đồn Quân Cảnh Pleiku. Trong suốt buổi ăn sáng, có một tay Sĩ quan Bộ Binh ở bàn đối diện cứ chiếu tướng bà xã một cách lạ lùng. Tôi bực dọc cái nhìn hỗn xược nầy. Đầu óc tôi bắt đầu nghiên cứu trận địa.
Bàn đối phương có 3 mạng. Chúng tôi cũng có 3 nhưng một là phụ nữ. Không rõ đối phương có ngón nghề gì không, riêng tôi có học căn bản về Quyền Anh thời học sinh (do KQ võ sĩ Lý Trực Ninh hướng dẫn, hiện ở Santa Ana). Lúc còn là Sinh viên Sĩ quan Võ bị Đà Lạt, quân trường cũng chỉ dạy tôi đôi thế võ tự vệ và đôi thế vật căn bản về Nhu Đạo. Còn một thế võ gia truyền chỉ được dùng khi thật nguy ngập, đó là võ... ý!
Được cái KQ Hiệp VC là bậc thầy về Taekwondo và VoViNam. Điều kỳ bí nầy do Hiệp tiết lộ nhân một tiệc vui, chứ bình thường người giỏi võ vẫn giữ đúng tinh thần Võ Sĩ Đạo.
Tin tưởng vào phân tích chủ quan trên, nhất là tin tưởng vào ngón nghề và tướng tá chững chạc bề thế của Vũ Công Hiệp, tôi xung trận, ngay sau khi hai bên rời quán:
– Chào Đại úy, đây là bà xã của tôi, cớ sao Đại úy nhìn một cách hỗn xược?
– Chứ Thiếu Tá lấy quyền gì mà cấm tôi nhìn?
Câu trả lời cứng cựa như một cái tát, đã làm tôi choáng váng. Tôi liền lùi ra, lấy hết sức bình sinh nhảy lên đá vào đối thủ cho hả cơn tức tối. Cái đá quá tồi, (như thể hết xíu quách), hay tại đối thủ có ngón nghề đã né tránh tài tình, làm tôi lở bộ ngã té đến bể bàn tọa.
Bà xả tôi la hoảng:
– Sao anh làm gì kỳ vậy?
Còn Hiệp VC thì lững thửng đến đở tôi dậy và an ủi:
– Thôi anh à, bỏ qua đi anh!
Tôi lại càng uất ức. Sao lại bỏ qua cho được? Sao Hiệp VC không ra tay bênh vực bạn? Hay là Hiệp VC mậu thầu cái Taekwondo, mậu dĩ cái VoViNam?
Một thời gian sau, tôi thấm thía cái ngang tàng bậy bạ của mình. Kiểu thùng rỗng kêu to. Và Hiệp VC quả là đệ tử chân truyền của Chính phái Việt Võ Đạo: tự tin, điềm đạm, ôn tồn, quắc thước, chỉ ra tay vì lẽ phải khi thấy cần thiết. Tôi thầm cám ơn Hiệp đã khai ngộ cho tôi về cung cách võ sĩ đạo của một phi công khu trục.
Trong KQ, chắc hẵn nhiều anh đồng đội biết rõ cái chết bi tráng của KQ Phạm văn Thặng, tức Thặng Fulro, tại chiến trường Tây Nguyên Mùa Hè Đỏ Lửa 72. Chiếc AD6 Skyrider của Thặng bị trúng đạn phòng không, hư hại bộ phận cánh cản và chân đáp, hai cánh vẫn còn mang bom đạn.Thay vì nhảy dù để thoát thân thì Thặng quyết định đáp khẩn cấp xuống bãi ruộng (forced landing) với hai ý muốn: tránh cảnh con tàu đâm vào nhà dân và bảo toàn một vũ khí lợi hại cho Không Lực.
Thặng đã hy sinh vì quyết định nhân bản và anh hùng nầy. Người thứ hai của phi tuần ngày đó là Hiệp VC. Chính Hiệp VC cover Thặng ngay từ lúc đầu bị đạn cho đến lúc con tàu húc vào mô đất và phát hỏa. Hiệp đã khóc tức tưởi nghẹn ngào trên tân số Phi chiến Peacock và trên tần số Đài Kiểm soát Pleiku khi cánh chim lẽ bạn bay về...

Ngày hôm sau, trên Đài Phát Thanh Quân Đội, toàn quân toàn dân Miền Nam đã lắng nghe trong thương tiếc ngậm ngùi bài nói về cái chết bi hùng của một cánh chim Tự Do. Bài nói tràn trề xúc cảm đó đã do Vũ Công Hiệp bứt ruột viết thành.
Đã hơn 30 năm qua,tôi ôn tồn bình tĩnh nhắc lại chuyện Hiệp VC như một lời tạ ơn tình đồng đội nghĩa bạn bè.
Gần 9 năm trước đây, lúc mới sang Mỹ, tôi được Hội KQ Bắc Cali mời dự Không Gian Hội Ngộ, lại được anh chị Vũ Công Hiệp mời dùng cơm tại nhà. Tại bữa cơm đoàn viên nầy, qua vận động của gia chủ, đã thu góp ân tình của đồng đội gởi tặng cá nhân tôi một số hiện kim. Số hiện kim gần 300 đô đó đã được xung vào quỹ ban đầu của Gia Đình Bắc Đẩu 118, để có điều kiện sinh hoạt bước đầu, và Gia Đình Bắc Đẩu vẫn còn sinh hoạt đến ngày nay.
Năm 98, tôi lưu lạc qua San José học hỏi cách điều hành một job mới.Nhưng chắc tài năng hạn hẹp, vả tuổi tác cũng xế chiều, nên đã được mời về vườn một cách êm đềm như nằm trên nệm mút! Những tháng ngày kế là chạy xin việc bở hơi tai, trong đó có cả cảnh ăn theo KQ Phúc Đĩa trong dịch vụ thầu đồ mộc hết sức tài tử nhưng cũng hết sức bấp bênh! Như cảm nhận được sự khó khăn đó, Hiệp VC lại kín đáo dúi vào lòng tôi cả một tấm lòng đùm bọc yêu thương.
Như một lời tạ ơn? Có thể không là gì cả đối với cánh chim Hào Hiệp Vũ Công Hiệp. Nhưng nếu tôi không bày tỏ lòng biết ơn dù muộn màng, thì quả thật cái thằng tôi không là gì cả!
Nhân đây tôi cũng xin kể một chuyện đánh lộn với bạn đồng minh tại phi trường Nha Trang. Mùa Hè năm 1967 thì phải, tôi nhận điện tín của thân mẫu nhắn về Đà Nẵng gấp. Trạm Hàng Không Quân Sự ta không có phi vụ đi Đà Nẵng hôm đó. Tôi qua Trạm Hàng Không Quân Sự Mỹ phía bên kia phi trường, ghi danh. Được một nhân viên VN, cô Hà (?) giúp đở, tôi nhận 1 vé lên tàu. Đến giờ khởi hành, mọi hành khách đều được gọi tên, trừ tôi. Tôi hỏi người kiểm soát vé, thì được trả lời là vé không hợp lệ! Tôi cho cô Hà biết điều nầy, cô sững sốt, hỏi lại tên hạ sĩ quan Mỹ phụ trách khâu nầy. Tên nầy trả lời với thái độ hách dịch, tôi sùng máu bèn rút khẩu P38 trong túi xách ra chỉa vào nó và hét lớn:
– Mầy không được hỗn với một phụ nữ VN!
Thằng Mỹ hốt hoảng bèn xuống nước trấn an và mở Motorola gọi... Quân Cảnh Mỹ. 2 xe jeep MP và 2 xe thiết vận xa chở đầy quân nhân Mỹ ập đến bên ngoài Trạm Hàng Không. Tôi không ngờ sự việc lại diễn biến rắc rối nên có phần bối rối. Nhưng đã lỡ cỡi lưng cọp rồi, thì cho tới luôn. Tôi nhảy lên một cái bục và hô lớn:
– Hởi các quân nhân QLVN Cộng Hòa, tôi có Sự Vụ Lệnh đi Đà Nẵng, có vé lên tàu, nhưng người HSQ Mỹ nầy tỏ dấu hiệu phân biệt và khinh thường một Sĩ Quan QLVNCH, đã vô cớ không cho lên tàu! Vì danh dự Quân Đội, xin quý đồng đội hãy cùng nhau chống lại sự kỳ thị nầy!

Có mấy Sĩ Quan của Tiểu Đoàn Dù đang chờ không vận về Sài Gòn, tò mò hỏi tôi cho rõ cớ sự, bỗng nhận ra nhau là huynh đệ cùng Quân Trường Đà Lạt, họ đáp ứng lời kêu gọi bằng cách ra lệnh Tiểu Đoàn bao vây Trạm Hàng Không Mỹ. Tình hình đang cài thế răng lược. Tôi chỉa P38 vào tên Mỹ. 2 MP Mỹ chỉa P38 vào lưng tôi. 2 quân nhân Dù chỉa M16 vào lưng 2 MP Mỹ.
Trong giây phút nghẹt thở đó, các Sĩ quan hữu trách Việt Mỹ đã đến hiện trường đúng lúc. Phía Việt Nam có Thiếu Tá NV Thiệt, K14 Võ Bị Đà Lạt, là Trưởng Phòng An Ninh KQ Nha Trang, (hiện ở Minnesota), và Đại úy Thiệt (?), K18 Võ Bị Đà Lạt, Chỉ huy Liên đoàn Phòng Thủ và Quân Cảnh KQ, (hiện ở Cali). 2 vị nầy cùng vị chỉ huy đơn vị Mỹ mời tôi vào 1 Club để... làm việc và giải khát! Viên Sĩ quan Mỹ tỏ thái độ rất là lịch sự khi y muốn tôi gởi súng tại cửa trước khi vào Club. Tôi không chấp nhận lời yêu cầu nầy, và trả lời:
– Tôi không thấy khát, dù sao cũng xin cám ơn ông!
Cuối cùng họ nhượng bộ quyết định của tôi. Trong câu chuyện, viên Trung Tá Mỹ hứa sẽ can thiệp cho tôi đi Đà Nẵng chuyến bay kế.
Tôi được gọi lên chuyến bay kế như lời hứa. Chiếc C130 cất cánh Nha Trang, đáp Cam Ranh để nhận thêm hàng hóa rồi mới bay ra Đà Nẵng. Chưa bao giờ tôi thấy sợ cho bằng chuyến bay nầy. Tôi sợ bọn Mỹ trả thù bằng cách tống cổ tôi xuống biển, vì thời gian trước đó không lâu, có tin đồn họ đã thủ tiêu một tay biệt kích nhị trùng, cũng bằng phương pháp trên.
Thời gian ở Trại tù Hoàng Liên Sơn, tôi có gặp vài Sĩ quan Dù và KQ có mặt tại phi trường Nha rang thuở đó. Họ cho biết là tên NCO Mỹ (hạ sĩ quan) đã bị đổi đi nơi khác, có thể bị tống về Mỹ.
Có 2 điều làm tôi suy nghĩ. Một là tên Mỹ nầy lỡ yêu cô Hà nên y ghen tuông khi thấy cô nầy cấp giấy lên phi cơ cho tôi. Hai là sợ tụi Mỹ còn lưu giữ hồ sơ vụ nầy! Tôi mang nỗi lo nầy cho đến ngày ra tù, khi nộp đơn xin đi HO sợ sẽ bị bác, hoặc giã khi phỏng vấn sẽ bị Mỹ từ chối chăng, bởi vì vài tuần sau khi xảy ra sự việc, Bộ Tư Lệnh KQ cảnh cáo chứ không áp dụng kỷ luật. Đặc biệt, có cả phúc trình của phía Mỹ trong hồ sơ vụ nầy. Họ kết tội dùng vũ khí để hăm dọa và dù tôi không chịu gởi súng tại cửa trước khi vào Club như yêu cầu nhưng họ cũng biết số súng của tôi đấy! Có sống ở Mỹ mới thấy việc rút súng hăm dọa gây hậu quả nghiêm trọng về mặt pháp lý như thế nào. Thật hú hồn!

Có một chuyện uýnh lộn bằng... võ miệng đã xảy ra vào thập niên 60 tại Câu Lạc Bộ (Aerogare Nha Trang), giữa tôi và Không Quân Vũ văn Hưng, đã gây tức cười cho các bạn có mặt tại đây. Hưng nguyên là Huấn Luyện Viên Phi Hành thuộc TTHLKQ. Anh cũng là võ sĩ Taekwondo đai đen thứ thiệt, chứ chẳng phải chơi đâu. Giỡn mặt là ốm đòn ngay!
Thời đó, mỗi KQ có chỉ số bay, đều được lảnh 1 ngân khoản phụ trội phi hành, quy vào bữa ăn trưa do CLB cung cấp. Ai có sẵn cơm nhà quà vợ thì đến Quản Lý CLB để nhận số tiền phụ trội nầy, nôm na là tiền vé ăn trưa. Một buổi trưa chói chang nắng hè, KQ Hưng lên CLB, vỗ mạnh vào quầy và nói:
– Ê! lãnh vé ăn trưa!
Tôi và các bạn thuộc KĐ62CT đã dùng xong bữa, đang còn lặng lẽ nghỉ ngơi, bỗng nghe tiếng người ê a, chợt nẩy ý đồ chọc ghẹo. Tôi lên tiếng trước:
– Thưa ông bạn, ở đây là Câu Bộ Lạc Phi Hành, chứ có phải xích lô xe kéo gì đâu mà ê với a?
Mới nghe là chạm nọc liền, Vũ văn Hưng sững cồ:
– Tôi không có ý khinh miệt trong tiếng ê a, vậy chứ ông bạn muốn gì?
KQ Huỳnh Hải Hổ, Phi Đoàn Trưởng PĐ235 Pleiku sau nầy, thấy câu chuyện tự nhiên đâm hào hứng, bèn phụ họa châm chọc:
– Hưng à, anh có võ Taekwondo, ông bạn tôi cũng có võ. Võ ông bạn tôi chỉ cần một ngón tay là cho bạn đo ván ngay thôi!
Hưng bị chọc quê mà không biết, càng tức lồng lộn. Anh vội chạy xuống cầu thang, vừa chỉ ra hướng bãi biển, vừa thách thức tôi:
– Nếu anh ngon thì ra ngoài biển part corp chơi ngay bây giờ!
– Đã bảo võ... ý chỉ cần một ngón tay thôi mà vẫn cứ hung hăng!
KQ Huỳnh Hải Hổ vừa phụ họa vừa duổi ngón tray trỏ thẳng ra, rồi lại co vào, (ý nói chỉ cần ngón tay trỏ để bóp cò súng thôi)!
Thấy anh em bên Không Đoàn 62 Chiến Thuật cổ vủ trận võ mồm một cách... diểu cợt và cà chớn, KQ Hưng bị quê nên lui binh trong... khinh bỉ và ấm ức!
Thời gian tù đày, Vũ văn Hưng ẩm thực theo phương pháp Osawa, gạo lức muối mè. Khi ra tù, Hưng vẫn muối mè gạo lức. Có thể Hưng coi phương pháp nầy như một thế võ công để hóa giải thế võ... ý chăng? Mấy năm trước đây Hưng ở Virginia, nay đã về Texas. Dù ở phương trời góc biển nào cũng mong sao Vũ văn Hưng vẫn giữ nguyên hào khí của một KQ, kỵ nhất là đừng phế bỏ võ công nghe Hưng!

Đó là trận đấu võ miệng với người nhà, kết quả 0-0. Còn trận đấu võ miệng sau đây, kết quả nghiêng hẵn về phía phe ta.
Không Quân Nguyễn Thành Bích, thuộc khóa đầu thập niên 70, gia nhập Pleiku vào những ngày đầu thành lập Phi Đoàn 118. Người Hố Nai, gốc Bắc kờ đi tàu há mõm, nhỏ thó, gầy (hẵn là vừa đủ tiêu chuẩn) và độc thân vui tính.
Chuyện xảy ra tại biệt đội Phú Bổn, cách Tây Nam Pleiku khoảng 120 dặm. Thị xã nầy nhỏ bé, heo hút. Ngoài số cán bộ Quân Cán Chính ăn lương nhà nước, còn người dân thì làm rẫy, chăn nuôi và bán hàng rong.
Trước đây PĐ114 Nha Trang phụ trách Biệt đội Tiểu khu Phú Bổn. Biệt đội nầy chuyển giao cho PĐ118 từ ngày Phi Đoàn nầy ra đời. Hầu như không mấy ai thích nằm ở cái Biệt Đội cheo leo nầy, ngoại trừ KQ Nguyễn Thành Bích. Hẵn là phải có cái gì hấp dẫn đối với chàng ta chứ? Thì còn gì hấp dẫn cho bằng cái mục... gái? Ở đâu cũng có hoa đồng cỏ nội, ở đâu cũng có tiếng gọi của con tim. Và KQ Bích đã đê mê theo tiếng gọi của sơn nữ Cheo Reo ở cái hóc bà tó nầy (Phú Bổn còn có tên gọi khác là Cheo Reo). Cứ theo quy luật dân gian, ở đâu có mật ắt phải có ruồi, và KQ Bích đâu phải là con Ruồi độc nhất? Một buổi chiều đẹp trời, sau phi vụ, Bích lái xe thẳng đến nhà thăm người đẹp. Bình thường chỉ có hai mái đầu xanh thì không có gì rắc rối, đến khi xuất hiện cái đầu thứ ba thì rắc rối mới nảy ra. Trong trận thư hùng, KQ Bích đành phải nhường điểm vì nhỏ con! Phi đoàn được thông báo, hoa tiêu Biệt Đội Phú Bổn lâm trọng bịnh, cần người thay thế.
Sáng hôm sau, tôi chở một hoa tiêu đáp Phú Bổn, một đổi một. Tại đây, sau khi nghe rõ câu chuyện, tôi mất bình tĩnh, vừa giận vừa thương vừa tức. Giận là giận thằng em đã uýnh lộn vì lý do tầm bậy, thương là thương mặt mày thằng em không giống ai, tức là tức cái đứa đã cậy sức vóc nặng tay với thằng em của mình! Tôi đang nghĩ đến một đường lối hành động hợp lý nhất (chữ trong bài học CHTM), khả dĩ giải quyết tận gốc vấn đề nầy. Tôi gọi điện cho Trưởng Phòng An ninh Tiểu khu và được tiếp chuyện với Thiếu Tá H. Thời may, trong vài câu xã giao ban đầu, chúng tôi nhận ra nhau là cùng xuất thân quân trường Đà Lạt, ông là Niên trưởng trên tôi một khóa. Khi tôi trình bày thẳng vấn đề an ninh cho phi hành đoàn không bảo đảm, thì buộc lòng chúng tôi phải rút Biệt đội về. Thiếu Tá H vẫn chưa hiểu câu chuyện KQ Bích bị một Sĩ quan thuộc một đơn vị Địa Phương Quân hành hung, nhưng khi tang chứng trình diện và kể đầu đuôi câu chuyện thì Thiếu Tá H nổi cơn tam bành. Tôi cảm nhận được ưu thế của mình nên ngây thơ cụ:
– Thưa Niên trưởng, nhờ NT trình bày với Đại Tá Tiểu Khu Trưởng rằng, hôm nay tôi đến đây để rút Phi hành đoàn về Pleiku và sẽ có phúc trình gởi lên Quân Đoàn, Bộ Tư Lệnh KQ và cũng sẽ kính thông báo cho Tiểu khu sau!
Thiếu Tá H bối rối trước quyết định nầy. Có thể ông sợ Tiểu Khu Trưởng khiển trách, nên sốt sắng đề nghị cách giải quyết:
– Toa bình tĩnh, bình tĩnh! Quyền hạn moa giải quyết được vụ nầy, không cần phải đưa lên Đại Tá Tỉnh Trưởng.
Nói xong, đích thân ông gọi điện mời vị Liên Đoàn Trưởng Địa Phương Quân đến Phòng An Ninh Tiểu Khu làm việc, nhớ đưa ông Thiếu úy hung hãn theo! Chỉ 10 phút sau, 2 vị khách có mặt tại Phòng An Ninh. Sau vài câu giới thiệu, Thiếu Tá H đi thẳng vào vấn đề:
– Vì vấn đề an ninh, Tiểu khu xin đặt một Biệt đội L19 thường trực, bây giờ KQ họ nại cớ là phi công không được bảo vệ, họ đòi rút Biệt đội về, Thiếu Tá nghĩ sao?
Đến phiên ông Thiếu Tá Địa Phương Quân bối rối. Tôi lại cảm nhận thêm ưu thế tuyệt đối của mình, nên hướng về ông Thiếu úy đô con, thấu cáy:
– Thiếu úy cậy to con ăn hiếp chú em của tôi, vậy tôi đề nghị, mình bỏ hết lon lá, chơi tay đôi, Thiếu úy dám chơi không?
Thiếu Tá H tưởng tôi làm thật, nhảy vào can quá xá cở. Trong bụng tôi khoái tỉ, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ ấm ức là chưa phục hận được cho thằng em! Ông Thiếu Tá Địa Phương Quân thì sợ chuyện đổ bể lên Tỉnh Trưởng, nên muốn xin lỗi giải hòa. Ông nói:
– Tôi nhận hết lỗi nầy, và tôi sẽ có biện pháp kỷ luật với Thiếu úy X sau!
Tôi bồi thêm một yêu cầu:
– Con dại cái mang, chúng tôi rất cảm phục trách nhiệm của cấp chỉ huy như Thiếu Tá, nhưng người gây ra vụ nầy cũng phải biết điều nhưThiếu Tá nữa mới phải chứ!
Cuối cùng thì 2 ông sĩ quan trẻ bắt tay nhau với lời xin lỗi của Thiếu úy Địa phương Quân. Giải quyết xong vụ nầy, vị Chỉ huy Trưởng Địa Phương Quân mời tất cả ra chợ giải khát.
Chiều hôm đó tôi cất cánh về Pleiku hơi muộn.
Thiếu úy Nguyễn thành Bích xin ở lại Biệt đội Phú Bổn để tiếp tục dệt mộng lành...

VÕ Ý

Không có nhận xét nào: