<!>
"Ngày 'tuyên án' tôi, dù tôi không làm gì sai, thật tình cờ sẽ diễn ra 4 ngày trước Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. Cựu tổng thống cho rằng công tố viên lẫn thẩm phán trong vụ án đều có mâu thuẫn lợi ích nghiêm trọng, do đó ông không ủng hộ họ đưa ra quyết định có thể định đoạt tương lai Mỹ.
"Tòa án Tối cao phải đưa ra quyết định!", Trump nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn Fox News, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, đảng Cộng hòa, cũng cho rằng Tòa án Tối cao nên can thiệp. Tuy nhiên, giới chuyên gia pháp lý cho rằng khả năng Tòa án Tối cao Mỹ hành động là thấp, và nếu có thì cũng không trong tương lai gần.
9 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ tại Washington tháng 11/2022. Ảnh: AP
Để Tòa án Tối cao can thiệp, vụ kiện của Trump phải hoàn thành kháng cáo tại bang New York, quy trình dự kiến tốn nhiều thời gian.
"Tòa án Tối cao chưa chắc muốn tiếp nhận vụ kiện và nếu có, cơ quan này có thể phải chờ tương đối lâu", Paul Collins, giáo sư nghiên cứu pháp lý và khoa học chính trị tại Đại học Massachusetts Amherst, bang Massachusetts, nói
Quy trình pháp lý tại New York đòi hỏi vụ kiện của ông Trump phải qua hai tòa phúc thẩm cấp bang trước khi tiếp cận Tòa án Tối cao.
"Tòa án Tối cao không phải cứ thế nhảy vào rồi bác bỏ phán quyết cấp bang trước khi quy trình kháng cáo bắt đầu", Ryan Black, giáo sư khoa học chính trị chuyên nghiên cứu các quyết định của Tòa án Tối cao, Đại học Bang Michigan, cho biết.
Trước tiên, ông Trump phải đệ đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Trung cấp bang New York. Quá trình tranh tụng tại cấp này khả năng cao không bắt đầu trước năm 2025 và có thể phải chờ đến năm 2026 mới có phán quyết.
"Nếu kháng cáo tại tòa phúc thẩm trung cấp không thành công, ông Trump có thể đưa vụ kiện lên Tòa Thượng tố New York, tức tòa án tối cao tại bang New York", theo Collins.
"Việc Tòa án Tối cao can thiệp và dừng toàn bộ quy trình tố tụng hình sự, ngay cả khi chưa có đơn kháng cáo, sẽ là động thái bất thường", Stephen Wermiel, giáo sư luật tại Đại học Luật Washington thuộc Đại học American, Washington, nhận định.
Tòa án Tối cao chỉ xử lý những vấn đề liên quan luật liên bang hoặc hiến pháp. Do đó, giới chuyên gia cho rằng đội ngũ pháp lý của ông Trump phải lập luận được tại sao Tòa án Tối cao cần hành động.
Wermiel gợi ý một lựa chọn cho đội ngũ pháp lý của ông Trump là lập luận tòa hình sự Manhattan bất công với cựu tổng thống, vi phạm Tu chính án thứ 14.
Tu chính án thứ 14 quy định không một bang nào được ban hành hoặc thực thi bất cứ đạo luật nào nhằm hạn chế đặc quyền hoặc quyền bất khả xâm phạm của công dân Mỹ. Cũng không một bang nào có thể tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của một cá nhân mà không theo một quy trình do luật định.
Theo Collins, một lựa chọn nữa là nhóm luật sư của ông Trump có thể lập luận rằng hành động của cựu tổng thống năm 2016 cần được xem xét theo luật Đạo luật Bầu cử Liên bang.
Lucinda Finley, giáo sư luật tại Trường Luật Đại học Buffalo, bang New York, nhận định trong quá trình xét xử, đội ngũ của Trump lẽ ra phải nêu những vấn đề liên quan hiến pháp. "Nhưng họ chỉ nêu những khía cạnh liên quan đến luật bang, như có nên công nhận một số bằng chứng hay lời khai chi tiết của Daniels có định kiến quá mức không".
Cựu tổng thống Donald Trump đến tòa hình sự Manhattan, New York ngày 28/5. Ảnh: AP
Một yếu tố khiến nỗ lực của ông Trump gặp trở ngại là Tòa án Tối cao chỉ tiếp nhận số ít vụ kiện hình sự cấp bang, tỷ lệ chưa đến 1%, theo Jerry Goldman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Northwestern, bang Illinois. Và trong số ít vụ được tiếp nhận, hầu hết phán quyết từ tòa án cấp bang đều được giữ nguyên.
"Do đó, cơ hội để vụ kiện của ông Trump được Tòa án Tối cao tiếp nhận và đảo ngược phán quyết rất mong manh", Goldman bổ sung.
Tòa án Tối cao đang xử lý đơn kháng cáo của ông Trump về quyền miễn truy tố của cựu tổng thống. Tòa sẽ phải trả lời câu hỏi "liệu một cựu tổng thống có được hưởng quyền miễn truy tố đối với hành vi đã thực hiện trong thời gian đương nhiệm hay không và nếu có thì ở mức độ nào".
Phán quyết của tòa sẽ tác động đến hai vụ truy tố cấp liên bang mà ông Trump đang phải đối mặt là âm mưu lật kèo bầu cử tổng thống năm 2020 dẫn đến bạo loạn tại Đồi Capitol và giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng. Hai vụ truy tố do tòa án liên bang ở Washington và bang Florida xét xử.
Hai vụ truy tố còn lại là làm giả hồ sơ kinh doanh chi tiền bịt miệng ở New York và âm mưu lật kèo bầu cử ở Georgia không bị ảnh hưởng, do chỉ là cấp bang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét