Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

SÀI GÒN NGHĨA TÌNH. - Trần Khắc Tường


Sau tháng 4/75, Sài Gòn khó khăn! người người khó khăn!
Từ thượng vàng đến hạ cám đều lao vào công cuộc mưu sinh đầy gian lao và khổ lụy! biết bao chàng trai phải tạm xếp bút nghiên theo nghiệp "mánh mun", trong đó có mình.
Vào một buổi xế chiều, sau cuộc hành trình dài Đà Lạt - Sài Gòn, mình cùng thằng bạn đồng nghiệp, rủ nhau vào quán bia hơi cạnh bến xe lai rai.
Lúc bước vào quán, nó hơi khựng lại, mắt chăm chú hướng về vị khách đang ngồi một mình, trên bàn là bình bia và dĩa đậu phộng rang, khuôn mặt trầm tư buồn bã. Nó khều mình:- Thầy tao.
<!>
Hai đứa cùng bước đến bàn vị khách, thằng bạn cúi đầu:
- Dạ, thưa thầy.

Ông khách nhíu mày nhìn nó như lục lại ký ức.
* Em là ai? tôi không nhớ.
- Dạ, làm sao Thầy nhớ hết hàng ngàn học trò của mình, nhưng tụi em không bao giờ quên Thầy Cô.Em là thằng học trò để tóc dài, lớp đệ ngũ của thầy, hay bị Thầy gọi lên văn phòng "giảng đạo"!
* À thầy nhớ rồi, trò T.. đây mà, "quậy" nhưng học được, giờ em còn đi học không? hay làm gì?
- Dạ, em đã nghỉ học, đi lơ xe.Thầy vẫn dạy trường cũ?
* Không, người ta không lưu dụng Thầy, có lẽ do Thầy đã từng tu nghiệp ở Mỹ về.Xa trường, xa lớp, xa học trò, Thầy buồn! nên thường la cà các quán nhậu, mượn bia rượu để gặm nhấm nỗi buồn của Thầy!

Hai đứa chúng tôi ngồi xuống bàn Thầy.Vừa cùng Thầy nhâm nhi, vừa tâm sự những nỗi buồn vui của trường lớp thuở xưa, lẫn cuộc sống hiện tại.Thoáng chốc mà phố đã lên đèn.
* Thôi Thầy về, để Cô trông, hẹn gặp lại các em vào dịp khác.
- Dạ khoan,Thầy chờ em chút xíu.

Nói xong, bạn mình bước ra xe, thu gom toàn bộ rau cải cất giấu trong xe, được hai tụng khoảng 20kg, khệ nệ xách vào.
- Em gởi Thầy Cô chút ít rau cải dùng lấy thảo.

Hồi đó còn ngăn sông cấm chợ, rau cải từ Đà Lạt về Sài Gòn, phải qua nhiều trạm sạt hàng rất nhiêu khê, nên có giá trị lắm.

Thầy nhìn học trò, vẻ mặt cảm động.
* Thầy cảm ơn em, trong đau buồn tưởng chừng như sắp gục ngã, may mắn còn gặp lại nghĩa tình của học trò cũ, đó là hạnh phúc giúp Thầy gượng dậy.
- Dạ, có chi đâu Thầy, chính em mới là người cảm ơn Thầy, đã ban cho em tri thức và đạo đức làm người.

Hai đứa tôi giúp Thầy mang hàng ra xe, một cột sau ba-ga, một máng vào ghi-đông xe, rồi đứng nhìn theo những bước chân đạp xe uể oải của Thầy, cho đến khi khuất ở ngã tư đường.

Chúng tôi trở vào quán, nhưng sao lạ, trên đôi mắt bạn tôi, nước đã lưng tròng.
- Tao thương Thầy quá.

* Cái thằng kì, thanh niên gì yếu xìu, vui đó rồi khóc đó.

Ủa! mà sao mắt mình cũng cay cay!

Sau lần ấy, chúng tôi không còn gặp lại Thầy nữa.

Sài Gòn hỡi, nghĩa tình xin níu giữ

Mặc tang thương biến đổi khôn lường.

TB: bài viết thay lời kính viếng Thầy Nguyễn Văn Cố, Giáo sư Anh văn, Tổng Giám Thị trường trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn 4.

Trần Khắc Tường
Sài Gòn xưa

Không có nhận xét nào: