Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm (phải) mở tiệc chiêu đãi Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Hà Nội, 20/6/2024 (Gavriil Grigorov, Sputnik, Kremlin Pool Photo via AP).
Trong hai bài bình luận riêng rẽ mới đây, một cựu nhà ngoại giao Mỹ viết trên East Asia Forum rằng ông Tô Lâm, Chủ tịch nước Việt Nam, đã tận dụng được cuộc chiến chống tham nhũng để thăng tiến, thậm chí có cơ hội để nắm vị trí quyền lực nhất là Tổng bí thư Đảng Cộng sản, còn một giám đốc của Human Rights Watch cảnh báo trên Al Jazeera rằng tình hình nhân quyền có thể sẽ xấu thêm ở Việt Nam khi ông Tô Lâm nắm chắc quyền lực hơn.
<!>
Diễn đàn về Đông Á East Asia Forum có trụ sở ở Úc đăng bài bình luận có nhan đề “Sự thăng tiến đầy tham vọng của ông Tô Lâm ở Việt Nam” của tác giả David Brown hôm 21/6.
Ông Brown, cựu nhà ngoại giao Mỹ với bề dày kinh nghiệm về Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam, viết rằng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nắm 3 nhiệm kỳ, điều chưa từng có tiền lệ, và nhiều khả năng ông sẽ nghỉ hưu khi đảng họp đại hội thứ 14 vào đầu năm 2026.
Dấu ấn của ông Trọng là công cuộc chống tham nhũng, còn gọi là “đốt lò”, trong đó 17.000 trường hợp cán bộ, đảng viên tham nhũng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn đã bị kỷ luật trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2022.
Nhưng theo ông Brown, chiến dịch này đã bị cấp dưới của ông Trọng là ông Lâm, trước đây là Bộ trưởng Công an và nay là Chủ tịch nước, biến thành một thứ vũ khí và bẻ cong luật lệ để tiêu diệt các đối thủ, dường như để phục vụ mục tiêu là ông Tô Lâm sẽ kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng.
Bộ Chính trị của đảng từng có 15 ủy viên, bao gồm cả ông Trọng và ông Lâm, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, có tới 6 vị - tức 40% - đã bị loại.
Lần lượt theo thời gian, đó là các ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng; Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng; Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước, từng được cho là có nhiều khả năng sẽ kế nhiệm ông Trọng; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, cũng được cho là một người được ông Trọng quý mến, ủng hộ; và bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư.
Với những diễn biến đó, nhà bình luận David Brown viết rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang gặp khó trong việc tìm ra người kế nhiệm xứng đáng. Giờ đây, sự chú ý dồn vào ông Tô Lâm, từng là Bộ trưởng Công an từ năm 2016, người đã và đang hưởng lợi từ việc các đối thủ bị loại bỏ trong cuộc đua đến chức vụ lãnh đạo đảng.
Dưới góc nhìn của mình, ông Brown cho rằng ông Lâm có đặc quyền tiếp cận với các hồ sơ mà công an các cấp thu thập về tội lỗi, khuyết điểm của các quan chức, từ đó làm cho các đối thủ phải bỏ cuộc.
Mặc dù vậy, theo quan sát của ông Brown, vẫn còn có một người cạnh tranh với ông Tô Lâm về chức lãnh đạo đảng, đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính. Một người khác cũng có khả năng xa xôi sẽ trở thành đối thủ là Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Hiện tại, nắm chức Chủ tịch nước dù được cho là không nhiều thực quyền lắm, ông Tô Lâm vẫn là một đối thủ đáng gờm cho chức Tổng Bí thư Đảng, ông Brown nhận xét, và cho rằng “Hiển nhiên phần lớn tình hình tùy thuộc vào việc liệu ông Lâm có tiếp tục chỉ huy được sự trung thành của các quan chức cấp cao trong Bộ Công an cho đến Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1/2026 hay không”.
Hồi đầu tháng 6, Thượng tướng Lương Tam Quang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an thay ông Tô Lâm. Ông Quang từng là thứ trưởng thường trực dưới quyền ông Lâm ở bộ này kể từ năm 2019. Việc ông Quang được thăng chức được xem là vẫn bảo đảm cho ông Lâm có sự ảnh hưởng đối với bộ, nơi ông là lãnh đạo lâu năm, ông David Brown bình luận.
Cựu nhà ngoại giao Mỹ am hiểu Việt Nam này nhận định rằng ông Tô Lâm đã loại bỏ các đối thủ bằng bộ máy an ninh trong tay cộng với việc thăng tiến lên chức Chủ tịch nước đặt ông ấy vào một vị trí vững chắc trong cuộc đua đến chức lãnh đạo đảng, và kết luận: “Có thể là ông Nguyễn Phú Trọng chưa có được người kế nhiệm chính thức, nhưng không thể phủ nhận tham vọng của ông Tô Lâm”.
Ở một góc nhìn khác, bà Elaine Pearson, Giám đốc châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở Mỹ, đăng bài trên trang tin tức Al Jazeera hôm 19/6 cho rằng việc thăng tiến của ông Tô Lâm là chỉ dấu xấu về nạn trấn áp của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động, về việc chính quyền không dung thứ những lời chỉ trích và thù địch với các quyền dân sự, chính trị cơ bản.
Bà Pearson điểm lại chuỗi các vụ bắt bớ, trấn áp, sách nhiễu hàng loạt nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội, nhà báo tự do, luật sư và các nhân vật đối lập trong nhiều năm trải dài từ 2016 đến gần đây, khi ông Tô Lâm đứng đầu Bộ Công an.
“Dưới thời ông Lâm, cơ quan an ninh đầy quyền lực của Việt Nam đã gần như xóa sổ phong trào nhân quyền non trẻ của đất nước. Các nhân viên an ninh đã bắt giữ hầu như tất cả những ai cố gắng thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở trong nước”, bà Pearson viết.
Khép lại bài bình luận của mình, bà Pearson nhắn nhủ: “Giờ đây, ở cương vị nguyên thủ quốc gia, ông Lâm sẽ tiếp nhiều phái đoàn quốc tế trong các dịp nghi lễ chính thức và đàm phán ngoại giao. Khi họ bắt tay ông ấy, những nhà ngoại giao chớ có quên rằng trên con đường đi lên nắm quyền, ông ấy đã để lại phía sau rất nhiều sự tàn phá, và cả những tổn hại mà ông ấy đã gây ra đối với nhân quyền ở Việt Nam”.
VOA cố gắng liên lạc với văn phòng của ông Tô Lâm để tìm hiểu phản ứng của họ về hai bài bình luận trên các trang nước ngoài nêu trên nhưng không có hồi đáp.
Trong nhiều dịp khác nhau, các nhà lãnh đạo và Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ những lời chỉ trích của các nước phương Tây và những tổ chức nhân quyền quốc tế về tình hình nhân quyền Việt Nam. Chính quyền của đất nước Đông Nam Á này thường xuyên khẳng định họ tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của người dân nêu trong Hiến pháp Việt Nam và phù hợp với các công ước quốc tế.