Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Hôm Nay Tưởng Niệm Ngày Tang Yên Báy và Tin Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Ngày tang Yên Báy
(Đằng Phương)
Nguyễn Thái Học: “Chết vì tổ quốc, cái chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng!”
<!>


(Kính tặng hương hồn những liệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy)

Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Trong bình minh sương lạnh phủ âm thầm.
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt.
Toan lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.

Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than.
Từ lưng trời, sương trắng rủ màn tang.
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Báy âu sầu và lặng lẽ,

Giữa mấy hàng gươm súng toả hào quang,
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài Danh Dự:
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ,

Vài cụ già đầu bạc lệ ràn rơi
Ngất người sau tiếng rú: Ối con ơi!
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khoé mắt đã từng khinh đau đớn

Của những trang anh kiệt sắp lìa đời,
Nhưng chỉ trong giây phút vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước.
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,

Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,
Éo le thay! muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến.
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến.

Sau cái nhìn chào non nước bi ai,
Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng.
“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng,

“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc,
Sau Đức Chính, đây là phiên Thái Học,

Anh nghiêng mình trước xác những anh em,
Rồi mĩm cười, Anh ngảnh mặt nhìn xem
Những kẻ đến quan chiêm đoàn liệt sĩ
Để từ biệt những bạn đồng tâm chí.

Tiếng tung hô bổng nổi, vang trời cao,
Nhưng liền theo Anh đã bị xô vào
Chiếc gươm máy giăng tay chào, lặng lẽ.
Đao xuống, đầu rơi, máu đào tung toé.

Người anh hùng nước Việt thôi còn đâu!
Lũ thực dân giám sát đúng nhìn nhau
Như trút sạch hết những đìều lo ngại
Và xoa tay chúng thở dài khoan khoái,

Trong rừng người ứa lệ, Nguyễn Thị Giang
Nén nỗi đau như cắt xé can tràng
Đứng ngơ ngác lặng người bên Hữu Cảnh.
Trong nắng sớm, gió căm hờn quát mạnh

Như thề cùng những tử sĩ anh linh
Vang dội cùng trên đất Việt điêu linh
Những tiếng thét uy hùng vì giống Việt.
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!

Như tan trong gió mạnh khóc vang rầm
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Cố lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.


Thân anh hùng đã nát dưới ngàn cây
Nhưng tiếng hô còn phảng phất đâu đây,
Mười lăm năm sau ngày sầu Yên Báy,
Toàn thể giống Tiên Rồng cùng đứng dậy,

Cố đuổi loài tham bạo khỏi non sông,
Hơn hai năm đất Việt máu pha hồng
Mà chiến sĩ vẫn một lòng cương quyết
Thề tranh đấu đến khi nào nước Việt

Được hoàn toàn độc lập mới ngừng tay.
Thế là dòng máu vọt dưới trời mây
Một buổi sáng mười lăm năm về trước
Đã vẽ được cảnh anh hùng nguyện ước.

Đưa non sông ra khỏi chốn u trầm
Cả toàn dân nước Việt đến muôn năm
Vẫn ghi tạc trong tâm ngày hôm ấy,
Ngày hôm ấy, ôi! ngày tang Yên Báy!

Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Xé nát màn sương lạnh phủ âm thầm,
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Đã lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.

(Bài thơ này từng được sử dụng trong sách giáo khoa miền Nam trước đây.)


Khởi nghĩa Yên Bái
(Việt Nam Dân quốc kỳ (dự định)
-Khởi nghĩa Yên Bái (chính tả cũ: Tổng khởi-nghĩa Yên-báy) là một cuộc nổi dậy bằng vũ trang bùng phát tại Yên Bái, một phần trong cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) tổ chức và lãnh đạo nhằm đánh chiếm một số tỉnh và thành phố trọng yếu của miền Bắc Việt Nam vào ngày 9 tháng 2 năm 1930. Mục đích của cuộc nổi dậy là lật đổ chính quyền thuộc địa của Pháp để xây dựng một nước Việt Nam theo chính thể cộng hòa.Tỉnh lỵ Yên Bái chỉ là một trong những mục tiêu của cuộc Tổng tấn công của VNQDĐ vào quân đội và chính quyền thuộc địa. Lực lượng khởi nghĩa bị đánh bại, đảng viên của VNQDĐ bị truy nã, giam cầm và hành hình. Các lãnh tụ Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính bị Pháp áp giải từ Hà Nội lên Yên Bái xử trảm cùng với 11 người khác sáng sớm ngày 17 tháng 6 năm 1930.

Bối cảnh
Sau những tổn thất nặng nề do chính quyền thực dân gây ra, một số lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng chủ trương phản công bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang, chứ không thể ngồi khoanh tay chờ bị tiêu diệt.
Từ cách nhìn nhận đó, ngày 17 tháng 9 năm 1929, Chủ tịch Đảng Nguyễn Thái Học đã triệu tập Hội nghị Đại biểu toàn quốc Việt Nam Quốc dân Đảng tại Lạc Đạo, Hải Dương, để bàn bạc và thống nhất kế hoạch khởi nghĩa. Tại hội nghị, Việt Nam Quốc dân Đảng bị chia thành 2 phái: chủ hòa (Lê Hữu Cảnh) và chủ chiến (Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu). Phái chủ chiến chiếm ưu thế trong hội nghị.
Sau đó, Việt Nam Quốc dân Đảng triệu tập Hội nghị Bắc Ninh, thống nhất kế hoạch và phương thức tiến hành khởi nghĩa. Tăng cường vận động binh lính. Các cơ sở chế tạo vũ khí được triển khai và đẩy mạnh. Công tác chuẩn bị sau đó gặp một số sự cố như vụ sơ suất khi chế tạo bom ở làng Mỹ Điền, làm chết 3 đảng viên tại Bắc Ninh.

Trong Hội nghị tiếp theo nhóm họp ở làng Võng La, xã Hạ Bì, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ ngày 25 tháng 12 năm 1929, Quốc dân Đảng khẳng định rằng cần phải tiến hành một cuộc khởi nghĩa để phản công lại sự đàn áp của Pháp. Phạm Thành Dương phản bội tổ chức tại Hội nghị.

Ngày 26 tháng 1 năm 1930, hội nghị tiếp theo được tổ chức tại làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trong phiên họp ấy, đa số các đại biểu đều tán thành kế hoạch "Tổng khởi nghĩa". Cũng trong cuộc họp này, Việt Nam Quốc dân Đảng đã vạch ra kế hoạch tấn công một số đô thị và những yếu điểm quân sự của Pháp, bao gồm: Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại, Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao và Hà Nội. Chỉ huy các mặt trận cũng được chỉ định trong phiên họp lịch sử đó.
Trong một cuộc họp bí mật khác, trên núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh, giữa các lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và Nguyễn Khắc Nhu, ngày giờ phát động cuộc Tổng Khởi nghĩa được ấn định là ngày 9 tháng 2 năm 1930.


Chuẩn bị
Việt Nam Quốc dân Đảng quyết định tiến hành cuộc Tổng Khởi nghĩa đồng loạt ở một số tỉnh Bắc Kỳ vào đêm 9 tháng 2 năm 1930, bao gồm các tỉnh: Yên Bái do Thanh Giang, Nguyễn Văn Khôi; Sơn Tây do Phó Đức Chính; Hưng Hóa, Lâm Thao do Nguyễn Khắc Nhu; Phả Lại, Hải Dương do Nguyễn Thái Học; Hải Phòng, Kiến An do Vũ Văn Giản (tức Vũ Hồng Khanh) và Hà Nội do Đoàn Trần Nghiệp.
Địa danh Yên Bái được lựa chọn là một địa điểm của cuộc Tổng Khởi nghĩa vì vị trí quan trọng của đô thị này trên tuyến đường nối Hà Nội với Lào Cai và Vân Nam.
Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái, các cán bộ của Quốc dân Đảng là Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Thị Bắc được phái tới thành lập và tổ chức binh đoàn Yên Bái, đồng thời gây dựng cơ sở trong lực lượng lính khố đỏ tại đây. Sau đó, một chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng gồm binh lính người Việt trong quân đội Pháp được thành lập, kể cả các quân nhân Quản Cầm, Cai Thịnh, Cai Nguyên, Cai Thuyết và Cai Hoàng (tức Ngô Hải Hoàng). Lực lượng khởi nghĩa nhận được lời hứa ủng hộ của lính khố xanh và chi bộ tại Xuân Lũng, Phú Thọ. Tuy nhiên, sắp tới ngày khởi nghĩa thì người chỉ huy là Quản Cầm bị bệnh, đang chữa trị tại bệnh viện Lanessan. Quốc dân Đảng liền cử Trần Văn Liêm và Nguyễn Văn Khôi là những người không am hiểu về quân sự đến lãnh đạo và cử Ngô Hải Hoàng thay Quản Cầm.
Ngày 9 tháng 2 năm 1930, nhân cơ hội lễ hội đền Tuần Quán có nhiều người từ khắp nơi kéo về, đảng viên Quốc dân Đảng đã chuyển dấu vũ khí đến Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa của binh đoàn Yên Bái tấn công quân đội Pháp khởi sự vào ngày 10 tháng 2 năm 1930 (theo mật báo của Công sứ Yên Bái là De Bottini gửi Toàn quyền Đông Dương Pasquier)


Hành động
Chiến sự tại Yên Bái
Tối ngày 9 tháng 2 năm 1930, ngay khi có kèn hiệu tắt đèn ở trại lính, lực lượng nổi dậy đã đột nhập và hội với lực lượng binh lính nổi dậy bên trong. Quân khởi nghĩa chia làm nhiều mũi đánh vào khu nhà ở của sĩ quan, đồn Cao và đồn Dưới với mục tiêu là giết chỉ huy người Pháp và chiếm trại. Đúng 1 giờ sáng ngày 10 tháng 2 thì lực lượng khởi nghĩa đồng loạt hành động. Các viên chỉ huy Pháp là quan ba Jourdan, quan một Robert, quản Cunéo, đội Chevalier, sĩ quan Damour, Bouhier bị giết. Một số chỉ huy người Pháp khác bị thương nặng.
Sau khi tiêu diệt các sĩ quan Pháp, lực lượng nổi dậy chiếm kho vũ khí, chiếm nhà ga và cơ quan trong tỉnh.
Viên chỉ huy cao nhất của quân Pháp là Trung tá Aimé Le Tacon đã chốt chặt ở đồn Cao và đánh trả lực lượng tấn công. Quân nổi dậy dần rơi vào bất lợi do chỉ có ít lính khố đỏ theo còn lính khố xanh không những không theo như đã hứa mà còn chống lại.
Đến 7 giờ sáng ngày 10 tháng 2, Tacon chỉ huy 3 đạo quân Pháp do quan ba Roccas, quan một Varen và đội trưởng Ollivier cầm đầu phản công. Trước sức tấn công mạnh của quân địch, nghĩa quân thất bại và dần tan rã. Quân Pháp tái chiếm được lại toàn bộ trại lính, bắt giữ 4 cai và 22 lính khố đỏ cùng 25 nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã thất bại vào sáng 10 tháng 2 năm 1930.


Các tỉnh trung du
Chiến sự tại Phú Thọ diễn ra không đạt kết quả, Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy quân đánh vào thị xã Hưng Hóa không đạt kết quả. Sáng ngày 10 tháng 2, quân Pháp từ Phú Thọ kéo lên phản công, quân khởi nghĩa bị đánh tan, Nguyễn Khắc Nhu bị bắt, sau đó ông tự sát. Tại phủ Lâm Thao, cánh quân của Lý Mai (tức Bùi Xuân Mai) đã nhanh chóng làm chủ, đuổi Tri phủ Đỗ Kim Ngọc, treo cờ, đốt lửa báo tin thắng lợi. Sáng hôm sau, quân Pháp do Phó công sứ Phú Thọ là Chauvet tấn công quyết liệt, tái chiếm lại phủ, nghĩa quân phải rút vào các làng lân cận, một số bị bắt, trong đó có Bùi Xuân Mai. Ông bị Pháp xử chém cùng Nguyễn Thái Học và 11 lãnh tụ khác của Quốc dân Đảng.
Do kế hoạch bị lộ từ trước nên cuộc tấn công vào thị xã Sơn Tây tại đồn Chùa Thông cũng không giành được thắng lợi. Sáng ngày 10 tháng 2 thì chỉ huy là Phó Đức Chính bị bắt.

Các tỉnh miền xuôi
Sau khi chiến sự tại trung du đã thất bại thì kế hoạch hành động ở các tỉnh miền xuôi mới được triển khai. Đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng 2 năm 1930, Việt Nam Quốc dân Đảng khởi nghĩa tại Phả Lại, Vĩnh Bảo, Kiến An, Phụ Dực.
Tại Vĩnh Bảo (Hải Phòng), do Trần Quang Diệu chỉ huy, quân khởi nghĩa từ làng Cổ Am đã tiến lên tấn công huyện lỵ, giết Tri huyện Hoàng Gia Mô rồi tự giải tán. Tại Phụ Dực (Thái Bình), nghĩa quân đánh chiếm được phủ huyện, đốt giấy tờ sổ sách, rồi tự giải tán do không đủ sức chiếm giữ.
Kế hoạch khởi sự tại Kiến An bị lộ, Công sứ tỉnh Kiến An là Saillenfest de Soudeval cùng Phó sứ là L. Gorrec đã ra lệnh bắt giam toàn bộ lính khố đỏ, tổ chức canh phòng cẩn mật nên quân khởi nghĩa tự giải tán. Quân khởi nghĩa cũng gặp thất bại ở Đạo quan binh Phả Lại.

Ném bom
Tại Hà Nội, Đoàn Trần Nghiệp tổ chức đội cảm tử gồm có Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Quang Triệu và Nguyễn Bá Tâm, tiến hành ném bom ở năm địa điểm ở Hà Nội trong đó có nhà Chánh mật thám Arnoux, 2 trái; Hỏa Lò 8 trái; Sở Sen đầm 2 trái; cảnh sát Quận 1, 2 trái; cảnh sát Quận 2, 2 trái.Bom nổ nhưng không có ai thiệt mạng. Đoàn Trần Nghiệp bị truy nã khắp nơi. Sau đó Đoàn Trần Nghiệp bị bắt tại Nam Định và bị hành quyết tại Hà Nội.

Ở nước ngoài
Tại thủ đô Paris, sinh viên Việt Kiều đã tổ chức và ủng hộ biểu tình khởi nghĩa Yên Bái và chống việc khủng bố những người chiến sĩ yêu nước.

Kết quả
Quân khởi nghĩa đã tiêu diệt 2 sĩ quan, 3 hạ sĩ quan, 6 cai và lính khố đỏ, làm bị thương 2 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan và 4 cai và lính khố đỏ, thu được 2 khẩu súng liên thanh, 12 súng trường.

Ngày 27 tháng 2 năm 1930, 15 người của quân khởi nghĩa đã bị đem ra tòa xử và 4 trong số đó bị tử hình.
Sau khi một loạt lãnh đạo của Quốc dân Đảng bị bắt, thực dân Pháp đưa 87 người tới Yên Bái xử vào ngày 23 tháng 3 năm 1930, và 13 trong số đó bị tử hình. Nguyễn Thái Học và một số đồng chí bị quân Pháp do Công sứ Hải Dương Massimi chỉ huy bắt ở Hải Dương cũng bị đem tới Yên Bái tử hình trong đợt này. Các lãnh tụ Quốc dân Đảng khác bị xử tử hình cùng đợt ở Yên Bái ngày 23 tháng 3 gồm Phó Đức Chính, Bùi Tử Toàn (nông dân), Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Đào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Văn Tiềm, Nguyễn Như Liên (20 tuổi, sinh viên, bí danh Ngọc Tỉnh), Nguyễn Văn Cửu, Lê Văn Tụ, Nguyễn Văn Tính và Hà Văn Lạo (25 tuổi, thợ hồ).
Thống sứ Bắc Kỳ là Robin ra lệnh cho công sứ ở tỉnh lỵ (và các tỉnh khác) ném bom triệt hạ làng Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương và có 21 người thiệt mạng vì có tin là nghĩa quân về ẩn náu ở đó.


Tưởng Niệm Ngày Tang Yên Báy 17-6-1930


(Ảnh pháp trường Yên Báy 17 tháng 6 năm 1930)
KHÔNG AI TRONG SỐ HỌ ĐÃ HÔ “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG MUÔN NĂM”
-Ngày 25 tháng 12, 1927 là ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, một tổ chức chính trị quy tụ đông đảo người Việt yêu nước với chủ trương “Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa.”
Hội nghị đại biểu toàn quốc ngày 26 tháng 1, 1930 quyết định cuộc khởi nghĩa cả nước sẽ nổ ra vào đêm 9 rạng ngày 10 tháng 2, 1930. Tuy nhiên, vì gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức và Pháp có thể đã biết ngày nổi dậy, đảng trưởng Nguyễn Thái Học quyết định dời ngày khởi nghĩa sang đến 15 tháng 2, 1930.

Nhiều nơi không nhận được tin nên vẫn bắt đầu vào đêm 9 tháng 2 hay như trường hợp Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Hưng Hóa và Lâm Thao vẫn quyết định tiến hành.
Khi thất bại, Xứ Nhu tức Nguyễn Khắc Nhu tự sát bằng lựu đạn nhưng không chết. Địch băng bó vết thương và khiêng ông về nhà lao Hưng Hóa. Trên đường giải về nhà lao Nguyễn Khắc Nhu nhảy xuống sông tuẫn tiết nhưng cũng được vớt lên. Ngày 11 tháng 12, 1930, vì tay chân bị xích, Nguyễn Khắc Nhu phải tự sát lần nữa bằng cách đập đầu vào tường, ông vỡ đầu và hy sinh vì dân tộc.
Các nơi khác, nói chung cuộc khởi nghĩa thất bại và nhiều lãnh tụ đảng đã hy sinh, tự sát, hàng trăm người bị kết án chung thân và 62 người bị kết án tử hình.
Trong tác phẩm Vụ Án Việt Nam Quốc Dân Đảng 1929-1930 của tác giả Cẩm Đình, xuất bản năm 1950 viết lại khá đầy đủ chi tiết biên bản các buổi xử án của Hội đồng Đề hình Pháp xử các đảng viên VNQDĐ suốt hai năm từ 1929 đến 1930. Những đảng viên VNQDĐ chống án, nhận án, phủ nhận hay công khai nhận trách nhiệm đều được ghi rõ.


Hầu hết trong số lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng thời kỳ thành lập đều còn rất trẻ như Nguyễn Thái Học 28 tuổi, Phó Đức Chính 23 tuổi, Nguyễn Ngọc Sơn 27 tuổi, Nguyễn Thế Nghiệp 24 tuổi, Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống 22 tuổi, Nguyễn Thị Giang tức Cô Giang 24 tuổi, Nguyễn Thị Bắc tức Cô Bắc mới 22 tuổi, Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con cũng chỉ mới 22 tuổi v.v..
Trong suốt thời gian dài xử án, nhiều trường hợp cảm động nói lên tình yêu nước ngay cả lúc đứng trước vành móng ngựa.
Nguyễn Thái Học tuyên bố: “Tôi nhận cả trách nhiệm trong những cuộc biến động vừa rồi. Chính tôi đã chủ trương cuộc biến động ở Yên Bái, cũng chính tôi đã chủ tọa cuộc hội nghị ở Lạc Đạo. Chỉ có tôi mới là tay chính trong các cuộc biến động.”

Học sinh Trịnh Văn Yên, 16 tuổi, trả lời khẳng khái anh gia nhập VNQDĐ lúc 14 tuổi để “đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa Pháp”.
Đoàn Thị Ái, khi luật sư Mayet biện hộ rằng bà chỉ theo đảng vì tình cảm riêng tư dành cho người yêu vốn đã là đảng viên VNQDĐ, bà đứng lên phủ nhận và cho rằng bà gia nhập đảng chỉ vì “thương nước Việt Nam” chứ không phải vì tình yêu trai gái.

Nhiều người như Nguyễn Xuân Huân, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Tấn Tuất không cho phép các luật sư người Pháp biện hộ giùm.
Tối 16 tháng 6, 1930, chuyến tàu đêm đưa đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên Yên Bái để hành hình.
Theo tác giả Hoàng Văn Đào trong tác phẩm “Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”: “Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.”
Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”. Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong đám đông.”


Vài hôm sau Ngày Tang Yên Báy, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, bức hình mười ba chiếc đầu của các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa bị chém còn phơi trên bãi cỏ được đăng trên báo Pháp. Chiếc đầu được đánh dấu tròn được tờ báo ghi chú “đây là đầu của Nguyễn Thái Học.”
Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bị chém.
Như hai tác giả Louis Roubaud và Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”.

Đó cũng là điểm khác biệt chính giữa các đảng cách mạng thật sự chiến đấu vì tự do, độc lập của dân tộc và đảng CSVN.
Với những người yêu nước chân chính, đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông trong khi với Đảng Cộng sản chiếc ghe lại chính là dân tộc.
Hôm nay, sở dĩ đảng CS ca ngợi lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học chỉ vì ông đã hy sinh, tuy nhiên, nếu ông còn sống và tiếp tục lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong giai đoạn 1945, số phận của Nguyễn Thái Học cũng giống như Bùi Quang Chiêu, Trương Tử Anh, Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp và hàng ngàn người Việt Nam yêu nước bị CS giết mà thôi.

Nguyễn Thái Học khi sống là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng khi chết đã chết như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc, chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”.
Chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Thái Học mới 28 tuổi.
Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, nhưng dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau.
Sức đẩy để con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ. Lịch sử Việt Nam đã và đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.


Giá nhà ở California ngất ngưỡng, thu nhập cao cũng khó mua được nhà


-Tiểu bang California là một trong nơi có giá nhà thuộc hàng đắt đỏ nhất nước Mỹ và những số liệu mới nhất cho thấy ngay cả những người có thu nhập thuộc nhóm cao nhất cũng chật vật trong việc mua nhà.
Số liệu được tổng hợp và phân tích bởi Jonathan Lansner, một cây bút bình luận về kinh doanh có bài viết được đăng tải trên nhiều tờ báo địa phương ở California. Dựa theo số liệu thu thập từ Cục Thống kê Lao động của chính phủ liên bang và giá trị nhà trung bình theo dõi bởi Zillow, ông kết luận rằng những người lao động ở California có mức lương cao hơn 75% so với tất cả những người lao động khác chỉ mua được 61% giá trị một căn nhà điển hình.
Ở California, mức thu nhập của một hộ gia đình trung bình là 93.250 đôla, cao hơn mức trung bình toàn quốc là 70.035 đôla. Con số của California cao thứ ba trên cả nước.
Giá nhà điển hình cho toàn California là 753.800 đôla, cao hơn gấp hai lần so với mức toàn quốc là 325.750 đôla.
Vậy ai có thể mua được một căn nhà ở California?
Ông Lansner đưa ra một ví dụ: một người đi vay tiền có mức lương cao hơn 75% so với tất cả những người lao động khác, dành 40% mức lương để trả tiền nhà với mức thế chấp là 7%.
“Ở California, mức lương này mua cho bạn 61% căn nhà điển hình. Tỉ lệ này đứng áp chót và thấp hơn mức 110% trên toàn quốc,” ông viết trong bài phân tích.
Tiểu bang duy nhất của Mỹ có tỉ lệ thấp hơn là Hawaii ở mức 45%, theo tính toán của ông.
Giá nhà cao ngất ngưỡng đã góp phần gây nên cuộc khủng hoảng khả năng mua nhà ở California, theo các chuyên gia.

Tỉ lệ sở hữu nhà của California thấp hơn 50 điểm phần trăm so với cả nước, nằm ở mức 44% vào năm 2021, theo Ben MetCalf, giám đốc điều hành của Trung tâm Terner về Canh tân Nhà ở thuộc Đại học California ở Berkeley. Tỉ lệ này là sự suy giảm nghiêm trọng từ mức 50% vào năm 2000.
Michael Hưng Nguyễn, một chuyên gia môi giới địa ốc ở Vùng Vịnh quanh khu vực thành phố San Francisco và San Jose ở California, nhận định khả năng sở hữu được nhà ở California trong những năm gần đây đã giảm xuống vì giá nhà lên cao so với mức lương.
“Mình cho là lương trung bình trong vòng ba năm vừa rồi có thể tăng lên cỡ 10% nhưng mà giá nhà tăng lên trên 20% thì đương nhiên là nó giảm xuống,” ông nhận định. “Nhưng mà cũng tùy vùng ở Cali nữa.”
“Tất nhiên là những cái đô thị lớn chẳng hạn như là ở San Francisco, San Jose, ở ngay trung tâm Los Angeles, đây là những khu vực mà những người lao động trung bình rất khó sở hữu được nhà. Những cái vùng đó là giá nhà bây giờ phải là một triệu rưỡi, hai triệu trở lên. Cho nên mức lương phải là ba, bốn, năm trăm ngàn một gia đình hai vợ chồng cộng lại thì mới có thể mua được. Còn những cái thành phố khác thì mình nghĩ là nó không đến nỗi gì.”

Ông nói dù giá nhà ở California cao nhưng nhiều người vẫn có thể sống được là vì thuế bất động sản thấp hơn ở những bang khác.
“Giá nhà trung bình của tiểu bang Cali thì nó cao gấp ba lần so với Texas, so với Florida nhưng mà khi bù lại là thuế bất động sản thì nó lại ít hơn ba lần so với những nơi đó,” ông giải thích.
“Một năm người ta bỏ ra 100.000, một triệu người ta mua cái nhà nhưng mà sau đó người ta đóng thuế mỗi năm thì chỉ có khoảng 12.000. Trong lúc đó ở Texas hay Florida, nếu mà người ta mua cái nhà cùng giá với Cali thì người ta không cách gì gì đóng thuế nổi bởi vì cái thuế bất động sản cao gấp ba lần và cái đó là cái trả hàng tháng.”

Dù vậy, nhiều cư dân trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ đại dịch Covid-19, đã rời bỏ California trong những năm gần đây một phần do giá nhà đắt đỏ.
Một báo cáo từ Hiệp hội Các nhà môi giới địa ốc Texas cho biết khoảng 102.000 người từ California đã dọn về Texas trong năm 2022, dẫn đầu trong số tất cả các bang khác.
Lý do khiến người ta chuyển đến Texas bao gồm chi phí sinh hoạt thấp hơn, cơ hội việc làm với các công ty mở rộng kinh doanh cùng những lý do khác, theo Jef Conn, chủ tịch hiệp hội.
California cũng là bang có nhiều người Texas chuyển đến nhất vào năm 2022 với khoảng 42.000, cũng theo báo cáo này.


CNN loan báo các quy tắc mới trong cuộc tranh luận tổng thống 2024 Trump-Biden
(Hải Đăng)


-CNN hôm thứ Bảy (15/6) đã loan báo các chi tiết mới trong bộ quy tắc chính thức cho cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên của kỳ bầu cử 2024. Đây là cuộc tranh biện tay đôi giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo loan báo của CNN hôm thứ Bảy (15/6), cuộc tranh biện tổng thống 2024 đầu tiên tại Atlanta vào ngày 27/6 có một số quy tắc như sau:
Thời gian tranh biện kéo dài 90 phút.
Sẽ có hai quãng nghỉ dành cho quảng cáo. Trong thời gian nghỉ này, các ứng viên sẽ không được tiếp xúc với đội ngũ nhân viên chiến dịch của họ.
Không được phép sử dụng giấy ghi chú viết sẵn hoặc các đạo cụ. Nhưng các ứng viên sẽ được phát bút và giấy để họ có thể ghi chú trong khi tranh biện.
Các ứng viên sẽ đứng tại bục phát biểu được thiết kế giống nhau. Sẽ dùng hình thức tung đồng xu để quyết định vị trí bục đứng của mỗi ứng viên.

Không có khán giả tham dự buổi ghi hình tại studio diễn ra tranh biện.
Điều phối cuộc tranh biện này sẽ là hai biên tập viên Jake Tapper và Dana Bash của CNN. Các điều phối viên này sẽ được sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để thúc ép thời gian và đảm bảo thảo luận văn minh.
Các ứng viên sẽ được phát mỗi người một chai nước lọc.
Khảo sát: Gần nửa cử tri nghĩ ông Biden sẽ không nhớ ông đang ở đâu trong cuộc tranh biện lần đầu với ông Trump
Theo một khảo sát mới do J.L. Partners tiến hành, 49% cử tri nghĩ rằng ông Biden sẽ không nhớ đang ở đâu khi ông tranh biện với ông Trump tại Atlanta vào ngày 27/6. 41% tin rằng ông Biden sẽ đi sai hướng khi xuống sân khấu.
70% đáp viên nói rằng ông Biden sẽ nói vấp khi tranh biện, và 79% tin rằng ông Trump sẽ ngắt lời ông Biden.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy 50% cử tri tin rằng ông Trump sẽ thắng cuộc tranh biện hôm 27/6, 39% tin ông Biden thắng và 11% chưa chắc chắn.
Cuộc khảo sát nêu trên được J.L. Partners thực hiện vào ngày 10/6 và 11/6, phỏng vấn 500 cử tri Mỹ.
CNN nói “không phải là không khả thi” cho ông Kennedy đủ điều kiện tranh biện
CNN trong thông báo hôm thứ Bảy (15/6) cũng nói rằng điều kiện để tham gia tranh biện là các ứng viên phải giành được ít nhất 15% ủng hộ trong 4 cuộc khảo sát toàn quốc riêng rẽ theo danh sách CNN cung cấp, và các ứng viên phải xuất hiện trên đủ số lá phiếu của các tiểu bang để đảm bảo có thể giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, ngưỡng cần thiết để chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

CNN cho biết “không phải là không khả thi” để ứng viên tổng thống độc lập Robert F. Kennedy Jr. đáp ứng những điều kiện nêu trên, vì rằng ông ta đã đáp ứng được 15% ủng hộ trong 3 cuộc khảo sát đủ tiêu chuẩn theo CNN, và đã xuất hiện trên lá phiếu tranh cử của 6 tiểu bang, có thể giành được 89 phiếu đại cử tri.
Chiến dịch tranh cử của ông Kennedy hôm thứ Sáu (14/6) tuyên bố rằng ông Kennedy đã đủ điều kiện xuất hiện trên lá phiếu tranh cử của 8 tiểu bang và cũng đã thu thập đủ chữ ký cần thiết để có thể xuất hiện trên lá phiếu tranh cử của tổng cộng 22 tiểu bang, sẽ có thể giành được tổng cộng 538 phiếu đại cử tri.
Tuy nhiên, CNN nói rằng dường như “rất ít khả năng” có bất cứ ai khác hơn ngoài Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump sẽ đáp ứng được các điều kiện tham gia tranh biện và cuộc tranh biện tổng thống 2024 này sẽ lặp lại màn đối đầu tay đôi Trump-Biden như năm 2020.
Ứng viên tổng thống độc lập Cornel West, đề cử viên tổng thống Jill Stein của Đảng Xanh, và đề cử viên tổng thống Chase Oliver của Đảng Tự do vẫn còn xa mới đáp ứng được các tiêu chuẩn tranh biện do CNN công bố.
Cho đến nay, các chiến dịch tranh cử của ông Trump và ông Biden đã chính thức đồng ý tham gia hai cuộc tranh biện, lần đầu do CNN tổ chức vào ngày 27/6 và lần hai do ABC News tổ chức vào ngày 10/9.


Tin Việt Nam Đó Đây
Tân Chủ Tịch Tô Lâm Tiếp Lãnh Đạo Các Tôn Giáo Được Nhà Nước Công Nhận


(Hình TTXVN: Chủ tịch nước Tô Lâm tặng quà các chức sắc tôn giáo ở Hà Nội hôm 13/6/2024.)
-Ông Tô Lâm, vị tân Chủ tịch nước mới được chỉ định và là cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam, vào ngày 13/6/2024 có cuộc tiếp đại diện lãnh đạo các tôn giáo được Chính phủ công nhận tại Phủ Chủ tịch nước ở Hà Nội.
Truyền thông nhà nước loan tin trong cùng ngày. Tin cho biết số lãnh đạo, chức sắc được ông Tô Lâm tiếp là 45 vị thuộc 16 tôn giáo được Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam công nhận.
Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ CSVN, báo cáo tại cuộc gặp những số liệu về tôn giáo. Cụ thể, tính đến tháng 5 năm 2024, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã công nhận và cấp giấy đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu người dân trong nước được thống kê có theo đạo trên tổng số hơn 100 triệu dân.

Thống kê chính thức của Nhà nước cũng cho thấy khắp Việt Nam hiện có 54.000 chức sắc tôn giáo, 135.500 chức việc; trên 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 54.000 cơ sở thờ tự.
Nhiều tín đồ thuộc các nhóm không được nhà cầm quyền CSVN công nhận lâu nay cho biết họ thường xuyên bị sách nhiễu, thậm chí bị hành hung và bị buộc phải từ bỏ niềm tin của họ.
Một số cho rằng niềm tin tôn giáo và thực hành tín ngưỡng là quyền tự do căn bản của con người, không phải đăng ký để được Nhà nước công nhận theo Luật Tín ngưỡng-Tôn giáo hiện hành.


Lãnh Án Chung Thân Vì "Nổ" Là Việt Kiều Mỹ Để Lừa Đảo Chiếm Đoạt Tài Sản


(Hình CAND: Hồ Văn Toàn tại tòa.)
-Truyền thông loan trong ngày 13/6/2024 cho hay Tòa án Nhân dân Tp. HCM đã tuyên phạt Hồ Văn Toàn (ngụ Lâm Đồng), người tự xưng là Việt kiều Mỹ, tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 5 năm tù về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức".
Theo cáo trạng, V cìần tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ, từ tháng 12/2018 đến tháng 8/2022, mặc dù không có việc làm ổn định, Toàn đưa thông tin gian dối có khả năng đưa ông N.T.N sang Úc Ðại Lợi điều trị bệnh HIV, sau đó chiếm đoạt của mẹ ông này 3,6 tỉ đồng.
Để thực hiện hành vi gian dối của mình Toàn đã làm giả 10 tài liệu của Ngân hàng Nhà nước thể hiện Toàn đang làm các thủ tục chuyển trả số tiền 3,6 tỉ đồng cho ông N, sau khi bị mẹ ông này phát giác Toàn không thể thực hiện lời hứa. Đến tháng 5/2022, bà H gửi đơn lên Công an tố cáo Toàn. Lúc này, Toàn đã bỏ trốn.

Tiếp tục hành vi lừa đảo, Toàn gặp ông A. ngụ Bình Chánh và nói mình có quốc tịch Hoa Kỳ và có khả năng bảo lãnh hai vợ chồng ông A. sang Mỹ định cư.
Ông A. tin vào những lời hứa do Toàn vẽ ra, nên đã cho Toàn mượn tiền và tiến hành các thủ tục để gia đình đi Mỹ. Toàn mua sim rác, mạo nhận là Luật sư tiến hành các thủ tục định cư nhằm mục đích để gia đình ông A tin tưởng đưa tiền. Với thủ đoạn này, chỉ trong vòng vài tháng, Toàn đã lừa được của gia đình ông A 36,5 tỉ đồng.
Cũng với kịch bản "nổ" là Việt kiều, Toàn đã chiếm đoạt thêm 885 triệu đồng của anh T.N.Đ để tiêu xài.
Trước khi trốn đến Tp. HCM và lừa các nạn nhân nêu trên, Toàn từng lừa đảo chiếm đoạt 3,7 tỉ đồng của anh Đ.V.L vào tháng 9/2021 và bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận xử phạt 10 năm tù.


Đồng Nai: Đề Nghị Kỷ Luật Nữ Chủ Tịch Huyện Mất Hơn 170 Tỉ đồng


(Hình PLO/V.H: Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nhơn Trạch.)
-Bà Nguyễn Thị Giang Hương, nữ Chủ tịch Huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, người báo bị lừa hơn 170 tỉ đồng gây xôn xao dư luận vừa qua, bị đề nghị thi hành kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai được truyền thông loan trong ngày 13/6 đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Hương.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng bà Hương có khuyết điểm, vi phạm về kê khai tài sản không trung thực, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy định của Bộ Chính trị (khóa XIII) về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm.
Do đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương theo thẩm quyền.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2024, bà Nguyễn Thị Giang Hương bị một nhóm người dùng các thủ thuật lấy đi hơn 170 tỉ đồng trong tài khoản. Số tiền trên được để trong nhiều tài khoản và bị nhóm người này rút liên tục từ ngày 3 đến 11/3.
Sau khi sự việc xảy ra, bà Hương đã trình báo công an. Hiện sự việc đang được Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an điều tra.
Cũng trong ngày 13/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề nghị thi hành kỷ luật ông Lê Hữu Đảng, nguyên Huyện ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trảng Bom, nhiệm kỳ 2016-2021 (nguyên Trưởng phòng Kinh tế huyện; nguyên Trưởng phòng Hạ tầng Kinh tế huyện; nguyên Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện từ tháng 5/2008 đến tháng 4/2013).
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kết luận ông Lê Hữu Đảng có khuyết điểm, vi phạm liên quan lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Lê Hữu Đảng theo thẩm quyền.


Nhóm Giám đốc Doanh Nghiệp Làm Giả Giấy Tờ Buôn Lậu Thịt Trâu Lãnh Án Tù


(Hình PL&ĐS: Các bị cáo tại phiên xét xử.)
-Do hành vi buôn lậu 81 lô hàng, khối lượng hơn 2.356 tấn thịt trâu đông lạnh, 2 Giám đốc doanh nghiệp cùng đồng phạm lãnh án tù.
Ngày 13/6/2024, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử 6 bị cáo trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất-nhập cảng Thương mại và Dịch vụ Tân Đại Dương về các tội Buôn lậu; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Mua bán trái phép hóa đơn.
Hội đồng Xét xử được truyền thông loan đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Mạnh Dương - Giám đốc Công ty Tân Đại Dương 17 năm tù, bị cáo Đỗ Hải Phong - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Vân Đồn 12 năm tù, các bị cáo còn lại nhận mức án từ 24 tháng cho hưởng án treo đến 24 tháng tù giam.

Nội dung cáo trạng thể hiện, khoảng giữa năm 2022, Dương và Phong có hành vi buôn lậu 81 lô hàng, khối lượng hơn 2.356 tấn thịt trâu đông lạnh. Hàng hóa buôn lậu trị giá hơn 10,4 triệu Mỹ kim (tương đương hơn 224 tỉ đồng). Để trốn thuế, các bị cáo khai báo Hải quan không đúng tên mã hàng, chuyển từ thịt "nạc, thăn, đùi bắp" thành loại thịt "vụn, rìa, gân"; khai giảm giá trị các lô hàng (chỉ bằng một nửa giá trị thực tế). Hành vi trên khiến nhà nước thất thoát số tiền thuế hơn 16,5 tỉ đồng.
Liên quan đến vụ án, hai công chức Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội và Chi cục Hải quan Cửa khẩu phi trường quốc tế Nội Bài là Nguyễn Hữu Chỉnh và Phạm Quang Thành bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Hai bị cáo khác là Nguyễn Thu Hằng - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại xuất-nhập cảng và du lịch Hà Nguyên và Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Minh Khánh - cũng bị đưa ra xét xử về tội "Mua bán trái phép hóa đơn".
Theo cáo trạng, Công ty Hà Nguyên đã mua khống 17 hóa đơn và bán lại cho Công ty Tân Đại Dương với số tiền ghi 66,4 tỉ đồng. Công ty Minh Khánh mua khống 13 hóa đơn và bán lại cho Công ty Tân Đại Dương với số tiền ghi hơn 26 tỉ đồng. Ông Dương bị xác định đã mua bán trái phép 106 tờ hóa đơn.


Chủ Kênh YouTube của Việt Nam Kêu Cứu Vì Bị Thiệt Hại Hàng Chục Triệu Mỹ kim Do Kiện Bản Quyền


(Hình REUTERS, minh hoạ: Người mặc đồ giống nhân vật hoạt hình heo Peppa tham gia diễu hành tại một festival về hoạt hình quốc tế ở Hàng Châu, Trung Quốc, hôm 29/4/2018.)
-Công ty Sconnect của Việt Nam - chủ các kênh YouTube chuyên phát các phim hoạt hình chú sói Wolfoo - vừa gửi đơn lên các cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ tranh chấp bản quyền với các công ty ngoại quốc vì bị YouTube đánh bản quyền, thiệt hại hàng chục triệu Mỹ kim.
Truyền thông nhà nước hôm 13/6 cho biết Sconnect đã chia sẻ thông tin này hôm 12/6, sau khi gửi đơn kêu cứu về tranh chấp bản quyền với hai hãng ngoại quốc là eOne và Hasbro. Theo đó, eOne - hãng sáng tạo nhân vật heo Peppa- vào tháng 11/2021 đã đệ đơn kiện Sconnect ăn cắp bản quyền nhân vật này để làm sói Wolfoo. Hai bên sau đó kiện lẫn nhau tại Nga, Anh và Việt Nam.

Các kênh sói Wolfoo của Sconnect sau đó đã bị xoá hơn 4.000 video, nhiều kênh YouTube bao gồm kênh có 12 triệu lượt theo dõi đã bị khoá chức năng đăng video mới, theo Sconnect.
Công ty Việt Nam cho biết tình trạng này đã khiến công ty thiệt hại mỗi tháng 1 triệu Mỹ kim và cho biết sẽ nộp đơn lên tòa án yêu cầu bồi thường.
Sconnect cũng cho biết eOne không còn sở hữu nhân vật Peppa Pig từ tháng 9/2023 do bán công ty và chuyển quyền sang cho Hasbro, đồng thời cũng rút khỏi vụ kiện. Hasbro đã xác nhận điều này.

Tuy nhiên, đến tháng 2 năm nay, eOne vẫn tiếp tục báo cáo các kênh và video của Sconnect, khiến các video này bị gỡ, một số được khôi phục lại sau đó. Tính đến ngày 3/6, nhiều video của nhà sáng tạo nội dung Việt Nam lại bị xoá do khiếu nại của eOne.
Hiện YouTube chưa đưa ra bình luận gì, trong khi đại diện Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết sau khi nhận được báo cáo của Sconnect, sẽ tiến hành làm việc với các bên để tìm hiểu và đưa ra biện pháp phù hợp.
Chú heo Peppa của eOne ra đời từ năm 2004 và đã nhanh chóng nổi tiếng toàn cầu, trong khi sói Wolfoo của Sconnect ra đời vào năm 2014.
Theo truyền thông nhà nước, hệ thống kênh YouTube liên quan đến Wolfoo của Sconnect hiện có hàng chục kênh, phát hành trên toàn cầu với 20 ngôn ngữ.


Mỹ Gia Hạn Thời Gian Ban Hành Kết Luận Điều Tra Tủ Gỗ Việt Nam


(Hình Tạp chí Công Thương: Công nhân làm việc trong một xưởng đồ gỗ.)
-Báo Công Thương của Bộ Công thương loan tin hôm 13/6/2024 cho hay Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng, xem xét vi phạm sản phẩm và lẩn tránh thuế đối với tủ gỗ xuất cảng của Việt Nam tới ngày 15/7 và các ngày 29/7 và 28/10 năm nay.
Đây là 2 vụ kiện được khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6 năm 2022 theo đơn đề nghị của Liên minh Tủ bếp Mỹ (American Kitchen Cabinet Alliance).
Tủ gỗ xuất cảng của Việt Nam bị cáo buộc sử dụng các bộ phận nhập cảng từ Trung Quốc thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.

Hồi tháng Ba năm nay, Mỹ cũng đã gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm; thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng về điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với mặt hàng tủ gỗ Việt Nam. Dự kiến thời gian ban hành kế luận cuối cùng được đưa ra hồi tháng ba vừa qua là vào ngày 5/4 và các ngày 19/4, 18/7 năm nay.
Từ tháng 4/2020, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%.
Theo số liệu của Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), trong giai đoạn 2019-2021, sau khi Hoa Kỳ áp thuế với Trung Quốc, nhập cảng sản phẩm bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ giảm 54% (từ 2,5 tỉ Mỹ kim xuống còn 1,6 tỉ Mỹ kim), trong khi đó xuất cảng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lại tăng hơn 130% (từ 1,37 tỉ Mỹ kim lên 2,7 tỉ Mỹ kim).


Việt Nam Xuất Cảng Hơn 4 Triệu Tấn Gạo Trong Năm Tháng Qua


(Hình REUTERS/Kham, minh hoạ: Công nhân chất các bao gạo cho xuất cảng tại một nhà máy ở Đồng bằng sông Cửu Long hôm 6/7/2017.)
-Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất cảng 4,03 triệu tấn gạo trong vòng 5 tháng đầu năm, đạt doanh thu 2,56 tỉ Mỹ kim chủ yếu là nhờ giá gạo tăng 20,5%.
Các thị trường xuất cảng gạo chính của Việt Nam hiện nay là Phi Luật Tân và Nam Dương, và đây cũng là hai khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam ở Đông Nam Á.
Trong 5 tháng qua, Phi Luật Tân nhập cảng 1,83 triệu tấn gạo từ Việt Nam, giá trị đạt hơn 1,14 tỉ Mỹ kim.
Nam Dương nhập 676,8 ngàn tấn gạo Việt Nam, doanh thu là 424,1 triệu Mỹ kim.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá gạo bình quân trong 5 tháng qua là 638 Mỹ kim/tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất cảng gạo của Việt Nam trong quý I vừa qua cũng tăng 17,6% về lượng và tăng 45,5% về kim ngạch so với quý I/2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỉ Mỹ kim, giá trung bình 653,9 Mỹ kim/tấn.
Bộ Công thương nhận định nguồn cung gạo toàn cầu trong năm 2024 sẽ không dồi dào vì nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm bốn triệu tấn so với niên vụ trước, còn 132 triệu tấn.
Các thị trường khác như Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, Cam Bốt… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Đây được cho là cơ hội cho gạo xuất cảng của Việt Nam. Dự kiến trong năm 2024, Việt Nam sẽ xuất cảng khoảng 7,4 triệu tấn gạo. Trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất cảng 6 tháng đầu năm 2024 ước 4,38 triệu tấn và 6 tháng cuối năm trên 3 triệu tấn.


Cảnh Sát Mã Lai Á Bắt Giữ 43 Công Nhân Việt Làm Chui Tại Cửa Hàng Kinh Doanh Tổ Yến


(Ảnh chụp màn hình: Thị trấn Bahau của Mã Lai Á được thể hiện trên Google Map.)
-Hôm 13/6/2024, các trang tin The Star, Astroawani và Scoop cho biết vào ngày 8/6, cảnh sát Mã Lai Á bắt giữ người chủ một cơ sở chế biến tổ yến và 43 công nhân người Việt ở lại quá hạn visa và làm việc không có giấy phép ở thị trấn Bahau, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 60 cây số về phía Đông-Nam.
Ông Hoo Chang Hook, Cảnh sát trưởng huyện Jempol, tiểu bang Negeri Sembilan, nơi có thị trấn, được báo chí dẫn lời nói rằng bộ phận điều tra tội phạm thuộc trụ sở cảnh sát huyện đã khám xét cửa hàng cao 2 tầng nằm trong Trung tâm Thương mại Bahau.

Theo tin trên The Star, Astroawani và Scoop, ông Hoo cho hay cảnh sát tiến hành trinh sát quanh cửa hàng từ hôm 4/6 và phát hiện một người đàn ông ra vào một cách đáng ngờ. "Khi diễn ra cuộc khám xét, 20 người phụ nữ và 23 người đàn ông, đều là công dân Việt Nam, đang rửa sạch và chế biến tổ yến", ông nói trong một tuyên bố hôm 13/6.
Vị Cảnh sát trưởng cho biết thêm rằng người chủ, là người Mã Lai Á (47 tuổi), đã điều hành việc kinh doanh tổ yến khoảng 1 năm và thuê 3 cửa hàng. Cảnh sát tiến hành kiểm tra thêm và xác định rằng tất cả các công nhân đều có sổ thông hành hợp lệ nhưng không có giấy phép làm việc ở cơ sở đó.
Ông Hoo nói trong bản tin của The Star, Astroawani và Scoop rằng cửa hàng đã được cải tạo thành nơi ăn ở và chế biến tổ yến, bao gồm 18 phòng ngủ cho toàn bộ công nhân.
Cảnh sát trưởng của huyện Jempol cho hay người chủ cơ sở kinh doanh bị tạm giam 7 ngày còn các công nhân người Việt bị tạm giam 14 ngày, kể từ 9/6, và cảnh sát tiếp tục điều tra về vụ này căn cứ vào các luật và quy định về xuất nhập cảnh của Mã Lai Á.

Không có nhận xét nào: