Thông điệp Giáng sinh của giáo hoàng Phanxicô : "Trái tim chúng ta hướng về Bethlehem" Vào lúc 12 giờ trưa, giờ Roma, hôm nay, 25/12/2023, giáo hoàng Phanxicô đã công bố thông điệp Giáng Sinh và ban phép lành Urbi et Orbi (cho Thành Roma và toàn thế giới) trước hàng ngàn người trên quảng trường Thánh Phêrô.
Giáo hoàng Phanxicô ban phép lành Urbi et Orbi tại ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô, Vatican, ngày 25/12/2023. AP -
<!>
Gregorio Borgia - RFI Trong thông điệp hòa bình của ngày lễ Giáng Sinh, giáo hoàng Phanxicô mời gọi mọi người vui mừng và hy vọng vì Thiên Chúa, vị thủ lãnh hòa bình, đã đến. Nói có với hòa bình tức là nói không với chiến tranh dưới mọi hình thức, nhất là với vũ khí, công cụ giết người và việc sản xuất vũ khí.
Giáo hoàng đã mời gọi các tín hữu hướng về Palestine và Israel, nơi chiến tranh đã xảy ra. Ngài kêu gọi thả con tin và chấm dứt xung đột, kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình đến với những nơi chiến tranh đang xảy trên thế giới từ Trung Đông đến Trung Á, từ Ukraina đến châu Phi, và cho việc thống nhất bán đảo Triều Tiên. Ngài cũng nhắc nhở mọi người nhớ đến các nạn nhân của các cuộc chiến tranh, các cuộc di cư và sự bất bình đẳng trên thế giới.
Trong thánh lễ tối 24/12 trước khoảng 6.500 tín hữu tại Đền Thờ Thánh Phêrô, giáo hoàng Phanxicô tuyên bố « Trái tim chúng ta hướng về Bethlehem ».
Linh mục Phạm Hoàng Dũng tại Liège, Bỉ, cho biết thêm bài giảng của giáo hoàng trong thánh lễ đêm Giáng Sinh :
« Tối qua (24/12) vào lúc 19 giờ 30, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ Đêm Giáng Sinh với đông đảo tín hữu bên trong và bên ngoài Đền Thờ Thánh Phêrô trong thời tiết ấm áp của mùa đông Roma.
Trong bài giảng, từ câu chuyện Tin mừng về cuộc điều tra dân số của hoàng đế La Mã, trong bối cảnh Chúa Giêsu ra đời, Đức Phanxicô mời gọi các tín hữu mừng lễ Giáng Sinh và sống theo cách thức của Thiên Chúa nhập thể, tức là Người đến sống như con người để biến đổi lịch sử bằng chính tình yêu. Không phải theo cách thức hiệu quả của con người như cách thức kiểm kê, điều tra dân số.
Chúa Giê-su đã đến và nhìn vào từng khuôn mặt con người mà không phải căn cứ vào những con số của một cuộc thống kê. Đó chính là cách thức người tín hữu thờ lạy như các mục đồng, Thánh Giuse, Đức Mẹ đã thờ lạy Thiên Chúa Giáng Sinh. Họ chăm chú nhìn vào Hài Nhi như cách chúng ta đón nhận Thiên Chúa Nhập thể. Để Người đến biến đổi từng con người và lịch sử nhân loại ».
Giáng Sinh buồn thảm ở Bethlehem, Gaza tiếp tục bị oanh kích
Quân đội Israel tiếp tục oanh kích dải Gaza trong đêm Giáng Sinh và sáng 25/12/2023, đặc biệt ở miền trung, nơi có thêm 12 người thiệt mạng trong một ngôi làng nhỏ. Trước đó đã có 70 người bị chết tại trại tị nạn Maghazi, theo thông báo của Hamas. Tại thành phố miền nam Khan Younès, , cũng có ít nhất 18 người thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Israel.
Người dân giương lá cờ Palrestine khổ lớn trên quảng trường Nhà thờ Giáng Sinh tại Bethlehem, ngày 24/12/2023. AP - Mahmoud Illean
Thu Hằng
Theo AFP, quân đội Israel cho biết đã có hơn 15 quân nhân thiệt mạng trong 3 ngày gần đây. Ngày 24/12, thủ tướng Netanyahu thừa nhận Israel « trả giá đắt cho chiến tranh, nhưng không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục chiến đấu ».
Trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn tại Gaza, thành phố Bethlehem đã hủy nhiều sự kiện mừng chúa Giê-su giáng sinh cách đây hơn 2000 năm. Nhà thờ Thánh Catherine và Nhà thời Giáng Sinh ở Bethlehem không đông như mọi năm vì vắng bóng hàng nghìn người hành hương và du khách do chiến tranh giữa Israel và Hamas.
Đặc phái viên RFI Hajera Mohammad và Eric Audra ghi nhận xung đột đeo bám tâm trí tất cả những người dự thánh lễ tối 24/12 :
« Oussama, người Ả Rập theo Công Giáo sống ở Bethlehem, vẫn đến cầu nguyện trong thánh lễ Giáng Sinh hàng năm. Nhưng lần này, ông thấy thiếu một chút gì đó : « Trong lòng thì không có gì khác, những nghi thức và những lời cầu nguyện vẫn thế, nhưng điều mà tôi thấy thiếu chính là niềm hân hoan ».
Chiến tranh hằn trong tâm trí của tất cả tín hữu và thượng phụ Jerusalem, hồng y Pizzaballa cho biết gần như toàn bộ bài giảng của ngài được dành cho các nạn nhân Palestine và Israel, đặc biệt là hướng đến Gaza.
Ngài nói : « Tôi nghĩ đến Gaza, hàng nghìn người nay sống mà không được bảo đảm những nhu cầu thiết yếu. Từ nhiều thập niên qua, họ vẫn trông đợi cộng đồng quốc tế tìm ra một giải pháp để chấm dứt sự chiếm đóng mà họ bị buộc chung sống. Đúng thế, đã đến lúc phải chấm dứt sự chiếm đóng này. Tôi không muốn quá thiên về chính trị, nhưng tôi phải nói điều đó ».
Bài giảng được các tín hữu hoan nghênh, như Manewila. Bà nhận xét : « Dĩ nhiên là bài giảng mang tính chính trị, nhưng rất được tán thưởng. Hiện giờ tình hình quá khó khăn. Có rất nhiều cảm xúc, nhất là ta thấy mùa Giáng Sinh năm nay không dành cho tất cả mọi người. Ý tôi muốn nói là nhiều người không thực sự cảm nhận được niềm vui Giáng Sinh ».
Manewila rời thánh lễ, nước mắt lưng tròng, tự hỏi liệu những lời cầu nguyện cho hòa bình của bà có sẽ được lắng nghe hay không ».
Ukraina nhận được 1,34 tỉ đô la từ Ngân Hàng Thế Giới
Nga tiếp tục các trận oanh kích đêm, tập trung chủ yếu ở miền nam Ukraina. Để giúp nhà nước Ukraina tiếp tục hoạt động trong thời chiến, Ngân Hàng Thế Giới đã chuyển cho Kiev 1,34 tỉ đô la. Ngày 25/12/2023, bộ Tài Chính Ukraina cho biết số tiền nói trên sẽ được sử dụng để củng cố năng lực hành chính của đất nước.
Ảnh minh họa: Trước trụ sở chính của Ngân Hàng Thế Giới tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 05/04/2021. AP - Andrew Harnik
Thu Hằng
Trong tổng số tiền trên, gần 1,1 tỉ đô la được Ngân Hàng Thế Giới giải ngân dưới hình thức cho vay. Ngoài ra là các khoản viện trợ từ các nước Na Uy, Mỹ, Thụy Sĩ. Số tiền này được dành cho ngân sách nhà nước liên quan đến trợ cấp xã hội, hưu trí, trả lương cho nhân viên các dịch vụ khẩn cấp của Nhà nước… và không liên quan đến an ninh và quốc phòng.
Trên chiến trường, Ukraina tiếp tục đối phó với các trận oanh kích ban đêm của Nga. Trên mạng Telegram, lực lượng phòng không Ukraina cho biết đã bắn hạ 28 trên tổng số 31 drone Shahed và hai tên lửa của Nga. Tất cả được phóng từ bán đảo Crimée, chủ yếu nhắm đến các vùng và thành phố ở miền nam Ukraina : Odessa, Kherson, Mykolaiv, Donetsk, Kirovohrad và Khmelnitski. Các mảnh vỡ của drone bị bắn hạ đã làm hỏng nhiều công trình kỹ thuật ở cảng Odessa, một tòa nhà hành chính và một nhà kho không còn sử dụng.
Theo Reuters, phía Nga cũng thông báo hôm 24/12 đã bắn hạ 4 chiến đấu cơ Ukraina Su-27 và Su-24 trong vòng 24 tiếng tại các vùng Zaporijjia và Dnipropetrovsk. Thông tin được đưa ra hai ngày sau khi Kiev thông báo bắn hạ 4 chiến đấu cơ của Nga.
Lễ Giáng Sinh tại Ukraina: Đoạn tuyệt với Nga, gắn bó với phương Tây
Hôm nay, 25/12/2023 quả là một ngày trọng đại đối với Ukraina. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, quốc gia theo truyền thống Chính Thống Giáo này chính thức cử hành lễ Giáng Sinh, không còn tuân theo lịch của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga ấn định lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng. Theo giới quan sát, quyết định đổi ngày lễ của chính quyền Zelensky mang hai ý nghĩa chính, vừa nhằm thách thức Nga, vừa thể hiện quyết tâm của Kiev gắn bó với phương Tây.
Người dân làng Kryvorivnia, Ukraina, cầu nguyện trong lễ Giáng Sinh được tổ chức ngày 24/12/2023. AP - Evgeniy Maloletka
Trọng Nghĩa
Nói việc chọn ngày 25/12 làm ngày lễ Giáng Sinh, thay vì ngày 07/01, là một quyết định lịch sử là không sai, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Ukraina mà các tín đồ Chính Thống Giáo của nước này mừng Giáng Sinh vào cùng ngày với người Thiên Chúa Giáo trên toàn thế giới, cũng như ở một số nước khác cũng theo truyền thống Chính Thống Giáo như Hy Lạp, Roumanie và Bulgarie.
Việc dời ngày lễ đã được tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky chính thức hóa vào tháng 7 vừa qua trong khuôn khổ các biện pháp được Ukraina ban hành để phản đối Matxcơva sau khi bị Nga xua quân xâm lược.
Văn bản được các dân biểu Ukraina bỏ phiếu thông qua giải thích rõ là dân Ukraina muốn “sống cuộc sống của riêng mình, với những truyền thống riêng, những ngày lễ riêng”. Văn bản cũng lưu ý đây là một cách để “từ bỏ di sản mà Nga áp đặt, theo đó lễ Giáng sinh là ngày 7 tháng 1”, theo lịch Julius mà Giáo hội Chính Thống Giáo Nga tuân theo.
Việc Ukraina đổi ngày lễ Giáng Sinh cũng là một hệ quả logic của việc Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraina dần dần thoát khỏi quyền khống chế của Tòa Thượng Phụ Matxcơva, tức Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga. Vào tháng 5 năm 2022, Giáo Hội Ukraina, trước đó còn trung thành với Matxcơva, đã tuyên bố độc lập, qua đó từ bỏ Giáo Hội Nga mà lãnh đạo - Thượng Phụ Kirill – là người tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.
Đối với người dân Ukraina bình thường, việc từ bỏ truyền thống do Nga áp đặt là một hành động đúng đắn. Trả lời hãng tin Pháp AFP, bà Olena, mẹ của môt chiến sĩ Ukraina, khẳng định: “Chúng tôi thực sự muốn tổ chức Lễ Giáng Sinh theo một cách mới, với toàn thể đất nước Ukraina, với toàn thể thế giới, một nước Ukraina độc lập, xa hẳn Matxcơva".
Hòa đồng với thế giới, hòa nhịp với nhương Tây được cho là một ý nghĩa khác của việc Ukraina chọn ngày 25/12 làm ngày Lễ Giáng Sinh.
Ukraina rất thiết tha với việc được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu và để chuẩn bị cho viễn cảnh này, cần phải hòa đồng về mọi mặt với các nước khác trong Liên Âu. Trong bối cảnh đó, Ukraina không thể nào duy trì một ngày lễ Giáng Sinh khác với những nước còn lại trong Liên Âu.
Tóm lại, việc Ukraina chọn ngày 25/12 làm ngày lễ Giáng Sinh đáp ứng một mục tiêu kép, đoạn tuyệt với Nga, đồng thời khẳng định quyết tâm gắn chặt vận mệnh của mình với phương Tây.
Lễ Giáng Sinh tại Trung Quốc diễn ra trong không khí đầy nghi kỵ
Dù bắt nguồn từ Thiên Chúa Giáo, Lễ Giáng Sinh là một sự kiện được đón nhận ở mọi nơi trên thế giới, và châu Á không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, trong khi ngày lễ này được tưng bừng tổ chức ở nhiều nước từ Philippines, Việt Nam, hai nước đông giáo dân nhất châu Á, cho đến Malaysia, Indonesia, các quốc gia Hồi Giáo, thì riêng tại Trung Quốc, các giáo dân phải cử hành ngày lễ này một cách kín đáo, trong bầu không khí nghi kỵ chung.
Nhà thờ Công Giáo Vương Phủ Tỉnh, Bắc Kinh, ngày 24/12/2023.
Sảnh nhà thờ AP - Andy Wong
Trọng Nghĩa
Theo hãng tin Anh Reuters, về mặt nổi thì tại các thành phố lớn như Thượng Hải hay Trùng Khánh, không khí Giáng Sinh được thấy rõ qua các cây thông khổng lồ được trang trí lộng lẫy nhằm chào đón người mua sắm tại các trung tâm thương mại sang trọng. Nhưng ở nhiều nơi khác tại Trung Quốc, tình hình trái ngược hẳn.
Tại tỉnh Vân Nam chẳng hạn, một công ty quản lý địa ốc đã gởi thông báo tới những người thuê gian hàng tại một trung tâm mua sắm kêu gọi họ không bán thiệp và quà Giáng sinh, thậm chí không treo đồ trang trí, nói rằng không nên chạy theo các truyền thống ngoại lai một cách "mù quáng".
Các trường học ở nhiều thành phố, từ Đông Quan ở miền nam, cho đến Cáp Nhĩ Tân ở miền đông bắc, cũng đã kêu gọi học sinh và phụ huynh không nên làm theo truyền thống và văn hóa nước ngoài mà không suy nghĩ.
Reuters ghi nhận một bài đăng trên mạng xã hội X hôm qua, 24/12, cho thấy ảnh chụp một toán cảnh sát đứng bên một cây thông Noel cao bên ngoài một nhà thờ ở một quận nhỏ tại Lang Phường (Langfang), một thành phố thuộc tỉnh Hà Bắc, ngay phía nam Bắc Kinh. Bức ảnh có kèm theo ghi chú “Thật đáng sợ”.
Reuters nhắc lại rằng vào năm 2018, Lang Phường từng đưa ra lệnh cấm hoàn toàn mọi hình thức đề cập đến lễ Giáng Sinh tại những nơi công cộng và bán các mặt hàng liên quan đến ngày lễ này để “duy trì ổn định xã hội”.
Dù không bị cấm tại Trung Quốc, nhưng giống như tất cả các tôn giáo được phép hoạt động khác, đạo Thiên Chúa bị giám sát chặt chẽ trong bối cảnh lo ngại về “ảnh hưởng của nước ngoài”. Thực tế đó đã khiến các tín đồ Thiên Chúa Giáo tại Trung Quốc rất thận trọng, ngay cả trong việc cử hành Lễ Giáng Sinh.
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Stéphane Lagarde đã đến tham dự lễ Giáng Sinh tại một nhà thờ Tin Lành dành riêng cho các tín đồ người Hàn Quốc ở Bắc Kinh, ghi nhận:
“Quả là có nhiều người ra vào hội trường đa năng này ở vùng ngoại ô Bắc Kinh, một nơi đã biến thành một nhà thờ Tin lành vào đêm Giáng Sinh năm nay. Cánh cửa xoay quả là tiện lợi trước dòng người trẻ tuổi không ngừng ra vào sân khấu để diễn lại các đoạn Kinh Thánh, hoặc hát các bài thánh ca. Hai bên sân khấu là những màn hình như trong các quán karaoke.
Đây là một nơi được chính quyền cho phép hoạt động, nhưng chỉ dành riêng cho những người theo đạo Thiên Chúa thuộc cộng đồng người Triều Tin. Ở đây lễ Giáng Sinh được cử hành một cách rón rén, thận trọng. Một nữ tín đố giải thích là họ phải cố tránh việc bị chính quyền buộc tội “dụ dỗ” người khác theo đạo.
Tín đồ này giải thích: “Là người nước ngbài theo đạo Thiên Chúa, chúng tôi phải luôn luôn hết sức cẩn thận. Chính Quyền không muốn dânTrung Quốc đến nhà thờ của chúng tôi. Và vị linh mục của chúng tôi đã sống ở đây hơn mười năm mà chỉ biết nói “xin chào” bằng tiếng Trung. Chúng tôi phải thận trọng để tự bảo vệ mình, vì nếu người nào trong cộng đồng của chúng tôi mà bị bắt quả tang đang lưu hành Kinh Thánh hoặc truyền bá các giá trị của mình cho những tín đồ Trung Quốc, thì người đó sẽ lập tức bị trục xuất. Chúng tôi không biết có phải là do bị điềm chỉ hay không, nhưng gần đây điều đó đã xảy ra với một người học Kinh Thánh bằng tiếng Quan Thoại. Tín đồ Thiên Chúa đang bị theo dõi. Vì vậy, chúng tôi không thể nói năm nay Bắc Kinh thực sự có không khí Giáng sinh.”
Sau thời kỳ Covid, bất chấp sự tại xuất hiện của một số cây thông Giáng Sinh và những ông già Noel hiếm hoi trong các trung tâm mua sắm tại các siêu đô thị, những người theo đạo Thiên Chúa ở Trung Quốc năm nay cũng phải cử hành Lễ Giáng Sinh năm nay một cách kín đáo, thậm chí trong vòng bí mật đối với các tín đồ của Giáo Hội không chính thức.”
Tình hình tại Trung Quốc đối lập hoàn toàn với tình hình Philippines, quốc gia đông tín đồ Công Giáo nhất châu Á. Tại nơi này, lễ Giáng Sinh luôn được cử hành một cách tưng bừng náo nhiệt. Philippines là quốc gia có mùa lễ Giáng Sinh dài nhất thế giới, bắt đầu vào tháng 9 cho đến tháng 12.
Venezuela lên án Anh « khiêu khích » vì điều tầu chiến ủng hộ Guyana
Anh Quốc và Venezuela có nguy cơ khủng hoảng ngoại giao. Ngày 24/12/2023, Luân Đôn thông báo điều một chiến hạm tuần tra đến hỗ trợ Guyana ở Nam Mỹ, trong bối cảnh Venezuela đòi chủ quyền đối với Essequibo, một vùng đất giầu dầu lửa của Guyana.
Một áp-phích vẽ bản đồ Venezuela bao gồm phần sáp nhập lãnh thổ Guyana tại Caracas, Venezuela, ngày 11/12/2023. AP - Matias Delacroix
Thu Hằng
Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Anh cho biết « vào tháng này, tầu HMS Trent sẽ đến Guyana, đồng minh và là đối tác trong vùng chúng ta (Anh) trong khuôn khổ Khối Thịnh vượng chung, để thực thi những cam kết trong vùng ». Theo AFP, tầu HMS Trent thường hoạt động ở Địa Trung Hải, nhưng từ đầu tháng 12 đã được điều đến vùng Caribê để chống buôn lậu ma túy.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Anh không nói rõ nhiệm vụ của tầu tuần tra HMS Trent, nhưng theo đài BBC, tầu này sẽ tham gia nhiều hoạt động quân sự sau dịp Giáng Sinh cùng với nhiều đối tác khác, không được nêu chi tiết, của vùng thuộc địa cũ của Anh. Trước đó, Luân Đôn đã thể hiện sự ủng hộ bằng cách cử bộ trưởng đặc trách châu Mỹ David Rutley đến Guyana.
Ngay sau thông báo của Anh, bộ trưởng Quốc Phòng Venezuela Vladimir Padrino López đã lên án một « hành động khiêu khích ». Trên mạng X ( Twitter cũ ), ông gián tiếp chỉ trích Guyana vi phạm cam kết « không đe dọa và không sử dụng vũ lực trong mọi hoàn cảnh » mà tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và đồng nhiệm Guyana Irfaan Ali đã đưa ra trong cuộc gặp ngày 14/12.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Guyana và Venezuela trở nên căng thẳng từ tháng 9 khi Guyana gọi thầu khai thác dầu lửa ở Essquibo. Đáp lại, Venezuela tổ chức trưng cầu dân ý hôm 03/12 về việc sáp nhập vùng đất rộng 160.000 km giầu dầu lửa vẫn do Guyana quản lý nhưng Caracas đòi chủ quyền.
Venezuela muốn dùng dòng sông Essequibo làm biên giới tự nhiên, như đã được ấn định năm 1777 dười thời Tây Ban Nha chiếm đóng. Phía Guyana lập luận rằng đường biên giới có từ thời thuộc địa Anh đã được một tòa trọng tài ở Paris ấn định năm 1899.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét