Lời mời tham dự:
Chiều Nhạc “Hoài Cảm!” Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Cung Tiến!
Cây Đa Cổ Thụ Âm Nhạc VN, Chợt… Bật Gốc! Trở Về Với Đất!
Người đi, nhưng để lại biết bao nỗi nhớ nhung, thương tiếc, qua biết bao nhiêu Nhạc Phẩm, với cung bậc, lời thơ, rung động đến tận trái tin người nghe, qua biết bao nhiêu thế hệ. Kình xin mời những Quý Vị yêu thích một thời của: Thu Vàng, Hương Xưa, Mắt Biếc, Đôi Bờ, Nguyệt Cầm, Lệ Đá Xanh…. Cùng tham dự chiều nhạc đặc biệt này, để tưởng nhớ Người Nhạc Sĩ tài hoa của chúng ta, vừa ra đi. Để lại “Hương Xưa!” của… Một chiều nắng tơ vàng hiền hòa người có mơ xa?
Được Nhóm Thân Hữu Nhạc Sĩ Cung Tiến tổ chức:
Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 24 tháng 7 năm 2022. Tại Quán Cà phê Lover, số 1855 Aborn Rd, San José.
*Phần văn nghệ hùng hậu, đặc sắc, với những giọng ca, hát nhạc Tiền Chiến hay nhất vùng Bắc Cali: Kim Thư, Thúy Nga, Nhóm nghệ sĩ Xuân Mẫn…Chưa kể với sự yểm trợ của những giọng ca Thân Hữu 73A, gồm: Sammy Võ, Thảo Nhi, Cindy Nguyễn, Kim Ngân, My My, Thana, Hòa Lê, Tố Nhi, Quang Dzu……
*Vào cửa, nước giải khát hoàn toàn miễn phí! Chưa kể có mục xổ số, tặng 10 món quà kỷ niệm đặc biệt, có hình chân dung Nhạc Sĩ quá cố.
Chiều Nhạc để đưa người nghe vào thế giới nhạc Cung Tiến của
Đêm
Rồi những đêm nào chiến tranh đã quên. Con mắt đen niềm im lặng. Anh vẫn đi hoài ... Anh vẫn đi hoài trong thành phố. Cô đơn .. Trưa nắng cháy. Vào sâu trong ghế lạnh. Với máu trong tim. Chảy nhanh nhanh như máy!
Đêm Hoa Đăng
Một đêm giữa mùa vui liên hoan. Nhạc thu cao vút trời vui thế nhân. Và đêm mênh mông toàn trăng. Đầy vơi ta lắng hồn nghe ý xanh. Đêm thoát hình nghe muôn tình. Dâng tiếng ca hoà bình. Ôi tiếng ca tâm tình. Không chết.
Đôi Bờ
Thương nhớ ơ hờ ...thương nhớ ai. Sông xa từng lớp lớp mưa dài. Mắt kia em có sầu cô quạnh. Khi chớm thu về một sớm mai? Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự. Kinh thành em có nhớ bên kia. Giăng giăng mưa bụi quanh phòng.
Hoài Cảm
Chiều buồn len lén tâm tư. Mơ hồ nghe lá thu mưa. Dạt dào tựa những âm xưa. Thiết tha ngân lên lời xưa. Quạnh hiu về thấm không gian. Âm thầm như lấn vào hồn. Buổi chiều chợt nhớ cố nhân. Sương buồn lắng qua hoàng hôn!
Hoàng Hạc Lâu
Xưa hạc vàng bay vút bóng người. Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi. Vàng tung cánh hạc (ừ) đi đi mãi (í i). Trắng một mầu mây vạn vạn đời (i). Cây bến Hán (ứ ư ừ) Dương còn nắng chiếu (ú u). Cỏ bờ Anh Vũ chẳng (ừ ư) ai.
Hương Xưa
Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa? Ngươi ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò. Còn đó tiếng tre êm ru. Còn đó bóng đa hẹn hò. Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu….
Kẻ Ở (Mai Chị Về)
Mai chị về em gửi gì không? Mai chị về nhớ má em hồng. Đường đi không gió lòng sao lạnh (ờ ơ ớ....). Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong. Quê chị về xa mù dặm xa. Rừng thu chiều xao xác cánh gà. Hoa rơi khắp lối.
Lệ Đá Xanh
Tôi biết những người sống lẻ loi, hồn không nguôi, sầu không nguôi, đời quên yên bình cho người. Đời không yên vui là đó, lệ khóc không rơi ngoài hồn, lệ khóc không rơi ngoài hồn, hồn cô đơn... Nghẹn ngào không nói!
Mắt Biếc
Mắt hoen màu nhớ ân tình xa xưa. Tóc nghiêng bờ nắng, vai buồn chơ vơ. Mắt xưa sầu vắng, mắt xưa lệ thắm. Ôi mắt xưa còn đắm hồn tuổi thơ! Mắt hoa vừa sáng ngời mùa Xuân đó. Tóc hoa vừa rối bời mùa Thu đó. Lối quen.
Mùa Hoa Nở
Chiều mưa thương nhớ đến bao giờ. Ðường về nẻo Bắc xa mờ...mơ hồ. Ðàn chim gieo thương nhớ. Câu tiếng nước nhà. Từng tiếng oán thù …cố đô. Ngày mai nhớ nhớ nhé. Ðón anh về người về. Giữ lời thề lời thề. Hoa ngàn rơi.
*Không thể bỏ qua! Chiều Nhạc Tưởng Niệm độc đáo, ý nghĩa, có một không hai!
*Vào cửa, nước giải khát hoàn toàn miễn phí!
Trân trọng kính mời
Trưởng ban tổ chức: Lê Văn Hải
Chút Kỷ Niệm Với Nhạc Sĩ Cung Tiến.
Không biết quý vị đến Mỹ, có ai có hoàn cảnh giống tôi không. Từ nhỏ xem phim, thấy Mỹ, toàn nhà chọc trời, xe hơi nhiều kẹt cứng đường, rồi những đại hội Âm Nhạc, quy tụ hàng trăm ngàn người, uống rượu, hút thuốc thả cửa, thấy mà ham!
Nhưng sao khi tôi đến Mỹ, thì lại gặp hoàn cảnh trái ngược! Rớt vào một gia đình Mỹ bảo trợ, ở một miền quê heo hút, tiểu bang Michigan. Họ làm nghề trồng cấy, nuôi bò, nhà này cách nhà kia cũng đến vài mile! Dĩ nhiên tôi cũng thành người nông dân!....cùng hát trên đồng bao la! OK, cũng được đi, vì không có sự lựa chọn nào khác. Nhưng điều bất tiện, là muốn mua cây thuốc, lon bia, phải lái xe hơn nửa tiếng. Đủ thấy nơi tôi ở buồn thê thảm như thế nào. Nên thời gian đó “nhớ nhà châm điếu thuốc” liên miên, một ngày một gói.
Chính vì thế, tôi chỉ có một thú vui, những ngày nghỉ, lái xe đi thăm người thân, bạn bè, ở các thành phố, tiểu bang khác, với mục đích kiếm chỗ vui hơn, để...xây tổ mới! Chứ buồn quá, chịu không nổi!
Tôi có một anh bạn tên Luân, ở tiểu bang Minnesota, anh phone cho tôi, mời lên thăm anh một lần, nếu thấy thích hợp, thì có cơ hội...bye bye! bảo trợ.
Thế là tôi đến tiểu bang nổi tiếng Mười Ngàn Cái Hồ! (Land of 10,000 lakes!) với 2 thành phố sinh đôi, Saint Paul và Minneapolis.
Đến nơi, tôi mới hiểu ra hoàn cảnh ăn ở của người bạn tôi, thật lý tưởng, cho ý muốn đổi đời, mà không có một đồng xu dính túi như tôi.
Số là một ít Phật Tử trong 2 thành phố, muốn có một nơi gặp gỡ tụng kinh, những ngày cuối tuần, nên đã chung tiền nhau, mua một căn nhà, làm Chùa tạm thời. Gần trường Đại học tiểu bang. Sau đó mới có ý định, mời Sư về trụ trì.
Không biết quen ra sao, mà người bạn tôi được mời làm “Ông Từ” coi chùa, chi phí nhà cửa không phải trả, tủ lạnh, lúc nào Phật Tử cũng nhét đầy thực phẩm. Kiếm chỗ nào hơn, đang túng, thì đúng là “chuột sa hũ nếp!”
Một hôm người bạn tôi tâm sự, trong số Phật Tử nòng cốt, có Nhạc sĩ nổi tiếng Cung Tiến, tôi muốn gặp không? Dĩ nhiên là tôi gật đầu, muốn quá đi chứ!
Thế là Chủ Nhật cuối tuần đó, tôi được hân hạnh bắt tay, chào hỏi, nói chuyện với Cung Tiến.
Điều ngạc nhiên lần đầu gặp gỡ, là ông còn rất trẻ! Tướng người thanh tú, trí thức, tính tình điềm đạm, hiền lành, khiêm nhường.
Tôi có mang thắc mắc của tôi hỏi: “Ông được xếp vào những Nhạc Sĩ thời Tiền Chiến, phải có tuổi chứ? Sao lại trẻ thế?” Ông trả lời: “Trời Phật thương, những bản nhạc nhiều người biết, thì thời gian sáng tác, khi ấy, mới 14, 15, 16 tuổi, nên mới có được diện mạo phía ngoài nhìn trẻ trung như thế!”
Tôi có tâm sự, “ông là nhạc sĩ mà tôi ghét nhất!” vì tuổi vừa mới lớn, đã nghe câu nhạc “nhớ nhà châm điếu thuốc!” nhắc nhở tôi đi tìm thuốc hút hoài, để rồi tôi thành đứa nghiện thuốc, không thể bỏ được! đến ngày hôm nay.
Dĩ nhiên là ông chối, giải thích bỏ hút thuốc được hay không, là do tôi, chứ đừng...đổ thừa!
Thời gian sau đó, càng ngày “Anh Em” chúng tôi, càng thân thiết. Khi biết tôi có khả năng in và trình bày một tờ báo, theo kiểu thủ công học trò, nên ông rủ tôi cùng thực hiện một bản tin cho Chùa, dùng làm phương tiện, kêu gọi Phật Tử đóng góp thêm, trả đứt hết tiền nợ mua bất động sản.
Nhờ có cơ hội cộng tác, tôi mới được biết thêm một tài năng ẩn, ông viết văn rất hay, rất lả lướt mơ mộng, chính vì đó, bản tin, càng ngày càng đắt...như tôm tươi! Đọc tin, thông báo thì ít, đọc những đoản văn ông viết thì nhiều.
Đến đây, tôi xin được giải thích kỹ thuật, thực hiện in, để thành một bản tin. Tuy ở Mỹ, nhưng vẫn dùng lối in "Ronéo" cũ, nhưng thay vì phải quay tay như hồi ở VN, thì bây giờ, cắm điện để máy tự động in. Đánh máy trên giấy “stencil”, đánh dấu hay hay hình vẽ, bằng bút nhọn, trên giấy than. Bản in xong thì không được sạch sẽ, hơi lem nhem, khó đọc. (Vì phải bơm mực bằng tay mà!)
Ông là người cực kỳ trách nhiệm, hễ đã hứa đưa bài giờ đó, thì dù có bão tuyết phong ba, cũng thấy xe ông vào Parking!
Thực hiện bản tin khoảng nửa năm, thì ông kiếm ra nhà in, thực hiện bản tin theo lối in “ Offset” qua máy AB Dick, trang nhã, mà cũng không thêm phần tốn kém hơn, như lối in thủ công mà tôi thực hiện giúp Chùa. Nên tôi được phép…thất nghiệp!
Cũng thời gian đó, tôi cũng chán ngấy với thời tiết mùa đông ở tiểu bang lạnh nhất nước Mỹ, sát nước Canada này.
Tôi đã bắt tay từ giã ông. Và trèo lên con ngựa sắt già nua, lái xe ba ngày về miền nắng ấm Cali. Rồi ca bài “người ơi, người ở, đừng về!” từ đó đến nay.
Hôm nay, nghe tin ông “cỡi hạc quy tiên!” nên xin ghi ít dòng, cộng chép thêm chút tiểu sử của ông, như nén nhang tưởng nhớ, một người mà tôi rất kính trọng, mến mộ tài năng và đầy lòng thương kính mến.
Riêng nền âm nhạc VN, vừa mất đi bóng mát của...một cây cổ thụ!
Chút Tiểu Sử
Cung Tiến (sinh 27 tháng 11 năm 1938, mất 10 tháng 5 năm 2022) Nhiều người ví ông là “cây da, cổ thụ” của nền âm nhạc VN. Là một nhạc sĩ nổi tiếng theo dòng nhạc tiền chiến. Ông được xem như nhạc sĩ trẻ nhất, có sáng tác được phổ biến, nhiều người biết nhất, qua những nhạc phẩm: "Thu vàng" năm 14 tuổi, "Hoài cảm" năm 15 tuổi. Mặc dù Cung Tiến khiêm nhường tự nhận, chỉ là một nghiệp dư và chỉ xem âm nhạc như một thú tiêu khiển. Nhưng ông đã để lại những nhạc phẩm giá trị nhất, bất hủ! khó có nhạc sĩ nào so sánh: Như Hương xưa, Hoài cảm, Nguyệt cầm, Thu vàng….
Thân thế và lý lịch cá nhân:
-Ông tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh tại Hà Nội. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Úc ngành kinh tế và ông có theo tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối nhạc cụ tại Âm nhạc viện Thủ đô Úc, Sydney.
-Trong những năm 1970 đến 1973, được học bổng cao học của Hội đồng Anh (British Council) để nghiên cứu kinh tế học. Tại Cambridge, Anh. Ông đã dự thêm các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại đó.
Sáng tác:
-Về ca khúc, Cung Tiến sáng tác rất ít và phần lớn các tác phẩm của ông đều sau 1954. Trừ các bài "Thu vàng", "Hoài cảm". Hai tác phẩm này được ông viết năm 1953 khi mới 14-15 tuổi! (Tài không đợi tuổi!) Nhưng chúng thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến, bởi cùng phong cách trữ tình lãng mạn. Ông không bao giờ chú ý tác quyền và lăng xê tên tuổi mình trong lĩnh vực âm nhạc.
-Ra hải ngoại, ông làm việc âm thầm trong lãnh vực tài chính ngân hàng, nhưng cũng hoạt động thêm về âm nhạc. Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3 năm 1988 tại San Jose, California, với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988.
-Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập Ta về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, dẫn đọc, ngâm thơ và một đội nhạc cụ thính phòng.
-Năm 1993, với tài trợ của The Saint Paul Companies, để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác, ông đã soạn Tổ Khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng.
-Năm 1997, ca đoàn Dale Warland Singers, đã đặt ông một bản hợp ca, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn, nổi tiếng quốc tế này. Năm 2003, Cung Tiến đã trình làng một sáng tác nhạc đương đại "Lơ thơ tơ liễu buông mành" dựa trên một điệu dân ca Quan họ.
Ông cũng là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ.
-Ngoài sáng tác, Cung Tiến còn đóng góp nhiều khảo luận và nhận định về nhạc dân gian Việt Nam, cũng như nhạc Hiện đại Tây phương. Trong lãnh vực văn học, những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương, Cung Tiến cũng đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học, cũng như dịch thuật, cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan điểm, và Văn. Hai. Trong số các truyện ngắn ông dịch và xuất bản ở Việt Nam, là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoievsky và cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông có viết cho một số báo, với bút danh Đăng Hoàng
“Thu Vàng” rụng lá!
-Ông qua đời tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ở tuổi 83, Lễ tang và lễ hỏa táng của được cử hành ngày 2 tháng 6 năm 2022 tại California. Tin ông mất được loan báo trễ, vì theo lời di chúc, sau khi hoàn tất mọi chuyện hậu sự, rồi mới thông báo.
Thương tiếc một tài hoa âm nhạc
-Nhà thơ Du Tử Lê viết về Cung Tiến như sau:
"Nhiều người cùng giới với nhạc sĩ Cung Tiến cho rằng, đa số ca khúc của họ Cung, được viết trên căn bản bán cổ điển Tây phương, nên giai điệu rất sang trọng.
Theo tôi, chúng ta có không ít nhạc sĩ xây dựng sáng tác của mình trên khung, nền bán cổ điển Tây phương. Nhưng rất ít người cho phần ca từ của họ, nhiều hồn tính Đông phương, như Cung Tiến"
Một số nhạc phẩm để đời:
• Tổ khúc Bắc Ninh
• Nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm
• Ta Về
• Lơ thơ tơ liễu buông mành
• Tổ khúc Bắc Ninh
• Cung Tiến art songs - với Camille Huyền, Walther Giger
• Đêm (thơ Thanh Tâm Tuyền)
• Đêm hoa đăng
• Đôi bờ (thơ Quang Dũng)
• Hoài cảm (1953)
• Hoàng hạc lâu (thơ Thôi Hiệu - Vũ Hoàng Chương dịch)
• Hương xuân
• Hương xưa (1957, viết tặng Duy Trác)
• Kẻ ở (Mai chị về) (thơ Nguyễn Đình Tiên, thường bị nhầm là của Quang Dũng)
• Khói hồ bay (thơ Nguyễn Tường Giang)
• Lệ đá xanh (thơ Thanh Tâm Tuyền, viết tặng Phạm Đình Chương)
• Mắt biếc (khác bài mắt biếc của Ngô Thụy Miên)
• Mùa hoa nở
• Nguyệt cầm (ý thơ Xuân Diệu)
• Thu vàng (1953)
• Thuở làm thơ yêu em (lời Trần Dạ Từ)?
• Vang vang trời vào xuân (thơ Thanh Tâm Tuyền)
• Vết chim bay (thơ Phạm Thiên Thư)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét