Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

25 đặc sản xứ dừa Bến Tre - Châu Lệ Phụng


Bến Tre nơi được mệnh danh là xứ sở của cây dừa. Với những hàng dừa trải dài thẳng tắp, những con người thân thiện, hiếu khách đã có nhiều năm chung sống và gắn bó với cây dừa nên ẩm thực nơi đây phần lớn đều được chế biến từ dừa như kẹo dừa, nước dừa, cơm dừa, củ hũ dừa, nước cốt dừa cho đến vị béo ngậy của đuông dừa và còn rất nhiều các món ăn đặc sản khác từ dừa.
<!>
Bánh tráng Mỹ Lồng


Đến với Bến Tre nếu bạn chưa thưởng thức được món bánh tráng Mỹ Lồng tức bạn chưa trải nghiệm trọn vẹn ẩm thực tại xứ dừa bạt ngàn này. Từ bột gạo và nước cốt dừa, mè trắng, đường và một số nguyên liệu khác người dân Mỹ Lồng đã sáng tạo nên những chiếc bánh tráng thơm ngon với nhiều mùi vị khác nhau.
Bánh tráng Mỹ Lồng khi ăn nướng chín lên nhai giòn tan trong miệng, khi cầm trên tay chiếc bánh tráng để thưởng thức vị ngọt của dừa, béo bùi của nếp thơm cùng mè, sữa sẽ làm bạn nhớ mãi.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, người dân nơi đây đã cho ra nhiều hương vị khác nhau như: Bánh tráng sữa trứng gà, bánh ngang chỉ có dừa không sữa, bánh tráng sữa không dừa,…
“Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”

Bánh phồng Sơn Đốc


Đặt chân đến Bến tre mà không thưởng thức qua hai đặc sản này chắc chắn sẽ là một thiếu sót to lớn. Từ lâu, bánh phồng đã trở thành niềm tự hào của người dân Sơn Đốc (Bến Tre).
Bánh phồng Sơn Đốc thơm ngon từ tinh túy của nước cốt dừa hòa cùng mùi thơm của gạo nếp, hương dừa phảng phất quyện với nhau theo một tỷ lệ vô cùng hòa hợp tạo nên nét rất riêng. Bánh xốp dẻo, béo và vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè, vị béo ngậy của nước cốt dừa khó lẫn với bất cứ thứ quà nào khác.
Dù bây giờ bánh phồng Sơn Đốc có thêm nhiều loại khác nhau như như bánh hành, bánh mặn… nhưng loại bánh phồng dừa ngọt vẫn nổi danh hơn cả.

Chuối đập


Dừa – chuối quả là sự kết hợp hoàn hảo để tạo ra món ăn với cái tên kỳ lạ là “chuối đập”. Nếu bạn có thắc mắc với cái tên kỳ lạ ấy, khi bạn có dịp ghé bất kỳ hàng chuối đập nào tại Bến Tre và ngồi quan sát một lúc bạn sẽ giải đáp về nguồn gốc cái tên kỳ lạ này ngay lập tức mà chẳng cần ai phải giải thích.
Món chuối đập muốn ngon đến độ hoàn hảo nên chọn những quả chuối Xiêm vừa chín tới, bởi vì ở giai đoạn này thì chuối có độ chín dẻo vừa tới, không mềm quá cũng không cứng quá, chính vì vậy khi nướng sẽ mang đến cho người thưởng thức cảm giác ăn rất ngon miệng, và vừa ăn. Sau đó, chuối sẽ được lột sạch vỏ và được cho lên vỉ than nướng cháy xém các mặt. Sau khi nướng chuối được khoảng 5 phút thì người bán sẽ cho từng miếng chuối vào túi ni lông và dùng chày đập mạnh.
Nướng chuối xong, ta tiếp tục công đoạn làm nước cốt dừa. Dừa khô nạo vắt lấy nước cốt, bắt lên bếp khuấy, có thể cho thêm ít bột năng để tăng độ sánh. Thường thì người ta hay cho thêm tí hành, tí muối và đường sẽ dậy một mùi thơm vô cùng hấp dẫn.

Bánh xèo ốc gạo


Bánh xèo không còn là món xa lạ với người miền Nam nói chung và Bến Tre nói riêng. Bánh xèo ốc gạo là món đặc sản của Bến Tre mà bạn nên thử qua khi có dịp đặt chân đến đây.
Để làm bánh xèo ốc gạo thì nguyên liệu quan trọng nhất chính là ốc gạo. Để phần nhân bánh thơm ngon hơn, người ta sẽ mang ốc gạo xào sơ qua với hành tây, nêm chút gia vị để thêm đậm đà. Phần vỏ là phần quyết định chất lượng của bánh thường làm từ bột gạo nguyên chất, được cho vào một quả trứng gà để bánh không quá mềm và không dễ bị rách.
Sau đó người ta thêm vào bột bánh một ít bột nghệ, gia vị như muối, đường, hành lá cắt nhuyễn, nước cốt dừa. Có thể nói tính thẩm mỹ của chiếc bánh xèo phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người thợ đổ bánh. Phải đổ sao cho chiếc bánh xèo phải vừa mềm, vừa giòn, bánh không bị vỡ, hai mặt vàng ươm đều màu.
Cũng như bánh xèo thông thường, bánh xèo ốc gạo cũng được ăn kèm rau xanh, xà lách, rau sống. Vị ngọt béo của ốc gạo lẫn trong các mùi rau khiến thực khách không bao giờ quên được mùi vị của món bánh xèo ốc dân dã nhưng lại chứa đựng biết bao mùi vị của làng quê miền Tây Nam Bộ này.

Bánh canh bột xắt


Đến Bến Tre và thưởng thức một tô bánh canh bột xắt béo béo thơm thơm của người dân xứ dừa thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn.
Bánh canh bột xắt được làm từ nguyên liệu chính là gạo. Sở dĩ ở bến Tre gọi là bánh canh bột xắt vì khi nấu, người ta phải xắt bột bằng tay, theo kiểu thủ công nhất sau đó mới cho vào nồi.
Bánh canh bột xắt có màu đục đặc trưng là do chất nhừ tiết ra từ bột. Còn thịt vịt trước khi nấu sẽ được ướp gia vị như hành, tiêu, muối cho vừa ăn, để một lúc cho thấm rồi đem xào săn làm cho món ăn thơm ngon hơn. Cái độc đáo của bánh canh vịt tại Bến Tre còn nằm ở phần huyết vịt. Khi cắt tiết vịt, người ta cho vào đĩa khoảng một nắm nếp, rải đều, nêm nếm chút hành tiêu, nước mắm, huyết đặc lại rồi đem luộc.
Bánh canh bột xắt thịt vịt mà ăn chung với nước nước mắm gừng thì đúng là tuyệt cú mèo. Cay từ ớt thơm từ gừng kết hợp với miếng thịt vịt khiến bạn phải xuýt xoa.

Chuột dừa


Dừa từ lâu đã trở thành niềm tự hào to lớn của người dân Bến Tre và họ cũng biết tận dụng những lợi ích cây dừa mang lại để tạo nên một nét ẩm thực rất riêng của Bến Tre. Trong đó có một món cực kỳ đặc biệt đó là chuột dừa – món ngon khiến thực khách nức lòng khen ngon mỗi khi thưởng thức.
Dừa chúng ăn, hút hết mọi chất béo, ngon nhất từ cây dừa, vì thế thịt chuột dừa cũng thơm ngon và béo bùi. Chuột dừa được chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, nấu cà ri…. Đến với miền đất Bến Tre thân yêu và thưởng thức món chuột dừa chắc chắn sẽ níu chân bạn ở lại vùng đất này nơi vừa có cảnh đẹp, món ăn ngon cùng người dân hiền hòa chân chất.

Đuông dừa


Đuông dừa là món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng mà không phải ai cũng có đủ can đảm để thử. Đuông dừa là ấu trùng của bọ cánh dương làm tổ trong phần cổ hủ mềm của cây dừa và hút chất dinh dưỡng trong đó. Đây là phần ngon nhất, sạch nhất và giàu dinh dưỡng nhất của cây dừa. Vì vậy, đuông dừa là một nguồn thực phẩm sạch và béo bổ, vì nó ăn phần tinh hoa nhất của cây dừa.
Đuông dừa được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó phổ biến nhất là món đuông chấm nước mắm ăn sống. Ngoài ra, nó còn được chế biến thành đuông nướng, đuông chiên bơ, đuông hấp nước dừa, đuông nấu cháo…
Mặc dù là món ngon như vậy, nhưng chẳng mấy ai dám thử món ăn này. Cảm giác nhìn thấy những con ấu trùng còn lúc nhúc, ngoe nguẩy được đưa lên miệng khiến nhiều người toát mồ hôi và dù có thuyết phục cũng không dám can đảm để thử.
Tuy nhiên, nếu có cơ hội thì bạn hãy can đảm để thưởng thức món đuông dừa đặc biệt này để cảm được cái vị béo ngậy, thơm lừng mà món ăn bổ dưỡng này mang lại, chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng đâu.

Cháo cua đồng

Những món ăn đặc sản nổi tiếng ở Bến Tre chính là sự khéo léo cùng tâm huyết của những người dân tại xứ dừa này để mang đến những món ăn thơm ngon, hấp dẫn thực khách phương xa đến đây. Hãy thưởng thức món Cháo cua đồng Bến Tre để biết đến món ăn ngon không nơi nào có được.
Cua đồng tách vỏ lấy gạch để nấu nước dùng, còn phần cua xay nhuyễn làm riêu cua. Đặc biệt Cháo cua đồng ở đây phải nấu trong nồi đất để giữ nguyên hương vị của món ăn.
Với hương vị vô cùng hấp dẫn và thơm ngon sẽ khiến du khách không thể cưỡng lại được, và khi một lần được thưởng thức bạn sẽ nhớ mãi hương vị, và muốn ăn mãi không thôi.

Kẹo dừa


Người dân Bến Tre từ lâu đã rất tự hào với đặc sản quê hương mình, đặc biệt là món Kẹo dừa. Bất cứ ai cầm chiếc kẹo dừa hình chữ nhật nhỏ nhỏ xinh xinh khi cắn một miếng, vị ngọt của kẹo tan chảy trong miệng chắc chắn sẽ khiến người thưởng thức nhớ mãi hương vị ấy.
Hai nguyên liệu chính làm nên hương vị độc đáo của loại kẹo này là nước cốt dừa và kẹo mạch nha. Bến Tre nổi tiếng là xứ sở của nhiều loại dừa ngon tuy nhiên chỉ có dừa xiêm, cơm dày, dẻo, màu trắng tinh khiết là thích hợp nhất để làm kẹo dừa. Mạch nha cũng phải có quy trình làm cẩn thận, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn. Đặc biệt, một thứ nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên thứ quà bình dị này là đường thô, phải chọn loại đường tốt, mới, có màu vàng tươi.
Ngày nay, người dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác khau như kẹo dừa cacao, sầu riêng, mít, hay nhân đậu phộng… nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của thực khách. Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn bảo đảm nguyên vẹn nét truyền thống.

Bất kỳ ai khi đi qua mảnh đất này cũng phải thử qua vài viên kẹo và mua vài gói kẹo để về làm quà cho người thân gia đình.

Bì cuốn


Miền Tây là nơi bắt nguồn của các món cuốn, và bì cuốn cũng là một đại diện tiêu biểu trong những món ăn tinh túy đó. Từ một món ngon dùng để ăn vặt, nay bì cuốn đã được đưa lên hàng đặc sản mà mỗi du khách đến miền Tây đều muốn thưởng thức qua.
Bì cuốn ngon không thể thiếu các thành phần cơ bản như rau, bún và bánh tráng để cuốn. Bì cuốn không có thịt với tôm mà cuốn bằng bì – một hỗn hợp của thịt ba rọi với da heo cắt nhỏ.
Để góp phần làm nên thành công của bì cuốn không thể không nhắc đến thính. Để làm thính, người ta phải dùng gạo rang cho đến khi cháy vàng rồi bỏ vào cối xay tiêu nghiền nhuyễn. Sau đó đem trộn thính với hỗn hợp thịt da ở trên sẽ khiến cho bì không bị ngấy mà vẫn dễ ăn và thơm hơn.
Cuối cùng là công đoạn cuốn bánh, bạn trải bánh tráng ra, cho một ít bún, vài cọng rau cắt nhỏ, một muỗng bì chấm nước mắm tỏi ớt rồi cuốn lại và thưởng thức. Hương thơm nức mũi của thính cùng với một chút dai nhẹ từ da heo, bánh tráng cộng với nước mắm chua ngọt hơi cay chắc chắn sẽ khiến bạn mê đắm.

Rượu dừa

Có thể nói, mỗi đặc sản xứ dừa đều luôn bình dị, ngọt ngào, chất phát và hiền hòa như chính những người dân nơi đây, và Rượu dừa cũng vậy. Rượu dừa Bến Tre với hương vị ngọt dịu của dừa và vị cay nồng nhẹ của rượu tạo nên hương thơm đặc trưng của món rượu dừa nổi tiếng tại miền Tây.
Nhấp từng ngụm rượu bạn sẽ cảm nhận từ vị cay rồi dần dần chuyển sang một hậu vị ngọt ngào. Dù uống cho đến hết bình thì thứ cảm giác lâng lâng, ngất ngây trước một sự mê hoặc khó cưỡng. Rượu có hương men, nếp và hương dừa, tất cả những nguyên liệu đó hòa quyện để cho ra một loại rượu đặc sản mà khi uống vào chẳng phải để say men mà là để say lòng.

Cơm dừa tôm rang

Nhắc đến những đặc sản nổi tiếng tại xứ dừa Bến Tre như: kẹo dừa, bánh tráng sữa, đuông dừa,… thì không thể nào bỏ qua một món ăn với tên gọi rất dân dã: cơm dừa tôm rang (cơm của trái dừa khô rang với tôm đất).
Trái dừa xiêm hái xuống được cắt ngang phần đầu lấy nước. Nhát cắt phải thật bắt mắt để sử dụng như dụng cụ đựng cơm.

Cơm dừa đúng vị, khi chín ngả màu vàng, ăn thấy béo và ngậy mùi dừa. Món ăn ngon nhất khi kết hợp với tôm rang dừa, vừa dai vừa giòn. Sự kết hợp độc đáo này tạo nên hương vị đặc trưng của đất và người Bến Tre làm níu chân thực khách khi đến với miền sông nước Nam Bộ.

Canh chua cá linh bông so đũa


Canh chua cá linh bông so đũa – Món ăn gây thương nhớ, mang cái hồn của người miền Tây
Có lẽ do một cái duyên nào đó mà đúng vào dịp nước lên, cá linh về thì bông so đũa cũng trổ bông. Thế là người dân miền Tây nói chung và Bến Tre nói riêng lại nô nức đi bắt cá linh và hái bông so đũa về nấu canh chua.
Nước lên là thời điểm cá linh to, béo và thịt của nó nhiều mỡ, ăn mềm và ngọt. Khi nấu người ta thường chọn những con cá linh to, bóp hết mật ở ngang bụng, rửa sạch để nguyên con cho ráo. Bông so đũa mua về ngắt bỏ nhụy bên trong và rửa nhẹ nhàng để bông không bị dập sau đó để ráo nước. Chuẩn bị sẵn các loại gia vị như: rau thơm xắt nhỏ, ớt, đường, muối hoặc nước mắm, me (hoặc dấm), rau ngò.
Đun nước sôi và dầm me, khi nước sôi thì bỏ cá linh vào nồi rồi đậy nắp lại. Đun nhỏ lửa để cá không bị nát, khi nước sôi trở lại thì cho các loại gia vị đã chuẩn bi sẵn vào nồi. Đợi một lát thì cho bông so đũa vào, đảo nhẹ để bông không nhừ và cho bông ngập nước. Sau khi canh chín thì nêm lại gia vị cho vừa ăn.
Canh chua cá linh bông so đũa ăn kèm nước mắm nguyên chất thì ngon không gì sánh bằng khi vị ngọt của cá, vị hơi chua của me cùng hương thơm ngát của bông so đũa khiến bạn muốn ngừng mà không ngừng lại được.

Lẩu cháo cua đồng


Lẩu cháo cua đồng – một món ăn lạ miệng nhưng lại đậm đà hương vị thôn quê của người xứ dừa Bến Tre
Để có món lẩu cháo cua đồng ngon thì gạch cua lấy từ yếm ra, trộn với một số gia vị, để riêng. Phần còn lại của cua xay nhuyễn, hòa nước lạnh, quậy đều, lược lấy nước cốt. Nồi cháo gạo ngon nấu nhừ với đậu xanh, cho thêm nấm rơm, nêm nếm vừa ăn rồi cho nước lọc cua vào cùng với hành lá xắt nhỏ và gốc hành. Sau cùng cho lớp gạch cua phi với hành lên mặt.
Quyết định độ ngon của lẩu cháo cua đồng chính là ở rau ăn kèm. Cháo thường được ăn cùng ngọn non của rau đắng. Vị đắng của rau sẽ át đi vị tanh của cua. Để tăng độ ngọt của món cháo dừa còn ăn chung với mướp hương, mồng tơi, rau ngót, kèo nèo, bông bí, bông thiên lý,…

Củ hũ dừa


Tại vùng đất Bến Tre dường như từ bất cứ bộ phận nào của cây dừa, người dân nơi đây cũng chế biến ra những món ăn vô cùng tuyệt vời tạo nên sự phong phú trong văn hóa ẩm thực nơi đây. Trong đó không thể không kể đến những món ngon chế biến từ củ hũ dừa.
Củ hũ dừa – món ăn xa xỉ với người dân Bến Tre bởi người ta phải khéo léo lột bỏ lớp vỏ bên ngoài củ dừa để lấy phần ngon nhất để chế biến nên những món ăn dân dã nhưng độc đáo, hấp dẫn, mang đậm nét đặc trưng như củ hũ dừa xào lòng gà, củ hũ dừa bóp xổi, gỏi củ hũ dừa, hoặc đôi khi chỉ để dùng ăn sống cũng rất ngon.

Khi ăn các món được chế biến từ củ hũ dừa, ấn tượng đầu tiên bạn cảm nhận được đó là vị ngọt, giòn khi nhai cùng sự mát dịu, đây là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa và có nhiều khoáng chất.

Bánh tráng sữa


Đến với Bến Tre bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những món đặc sản nơi đây như những chiếc kẹo dừa thơm ngon, cho đến món bánh tráng Mỹ Lồng nức tiếng…. Nhưng đừng quên thưởng thức một loại đặc sản hấp dẫn khác của vùng đất này đó là bánh tráng sữa với đầy đủ hương vị.
Để làm bánh tráng sữa người ta chuẩn bị các nguyên liệu nước cốt dừa, bột gạo, bột sắn, lá dứa, sầu riêng trộn lại với nhau, theo bí quyết của những người thợ nơi đây. Chỉ cần đọc qua những nguyên liệu để làm chắc chắn bạn đã cảm nhận mùi thơm nổi dậy của những chiếc bánh.
Mọi người có thể thưởng thức trực tiếp ngay khi mua về hoặc có thể nướng lên. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị bùi béo của nước cốt dừa kết hợp với độ mềm của bột gạo và bột sắn, cùng mùi thơm ngào ngạt của sầu riêng tạo nên hương vị ấn tượng, đặc trưng cho bánh tráng sữa.

Bánh xèo củ hủ dừa


Nhắc đến miền Tây, người ta nghĩ ngay đến nền ẩm thực đa dạng nơi đây, với nhiều món ăn dân dã, bình dị. Và không nhắc đến bánh xèo quả là một điều thiếu sót.
Bánh xèo miền Tây nổi tiếng là phong phú với nhiều loại nhân khác nhau, và củ hũ dừa là một trong những nguyên liệu được thiên nhiên ban tặng cho người dân Bến Tre để làm nên món bánh xèo củ hũ dừa ngon tuyệt.
Với các nguyên liệu như củ hũ dừa, tôm bóc vỏ, thịt heo thái sợi, giá cùng với chén nước mắm nước dừa đặc trưng tại Bến Tre và rau sống ăn kèm hòa quyện lại với nhau khiến con người ta nghiền, bởi một khi đã ăn thử một lần bạn sẽ muốn ăn thêm nữa.

Gỏi củ hủ dừa


Nhắc đến Bến Tre, bên cạnh hình ảnh người con người hiền hòa chân chất, thì những người sành ăn lại có dịp kể về những đặc sản được làm từ trái dừa như kẹo dừa, đuông dừa, rượu dừa…, trong đó món gỏi củ hũ dừa cũng chiếm vị trí nức tiếng ở xứ này.
Củ hũ dừa là phần non nhất trên đọt cây dừa, được coi như “trái tim” của cây dừa. Để thưởng thức củ hũ dừa, người ta phải đốn cả cây dừa để lấy một phần rất nhỏ trên thân cây nên đây là món ăn rất xa xỉ đối với người dân nơi đây. Vì vậy món gỏi củ hũ dừa còn được gọi là món ăn tinh hoa của người dân Bến Tre.

Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn vào sẽ có cảm giác mát, giòn, thơm và lại thanh đạm. Ngoài ra, nguyên liệu để làm món gỏi còn có tôm sú, thịt ba chỉ, tai lợn thái mỏng, rau răm, hành tây và đậu phộng rang giòn. Củ hũ dừa được bào mỏng thành những sợi dài trộn cùng các nguyên liệu trên, thêm gia vị, đường, tạo thành món gỏi hấp dẫn, đậm đà hương vị. Củ hũ dừa là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và hệ tiêu hóa.

Bánh canh hến nước dừa


Bánh canh hến nước cốt dừa là một món ăn độc đáo, lạ miệng của Bến Tre được nhiều người yêu thích. Món ăn tuy dân dã nhưng chỉ ở Bến Tre mới bật lên được cái hồn cốt thơm ngon đến ngất ngây mà ai đã ăn qua sẽ không thể quên được hương vị ấy.
Múc bánh canh ra tô, rưới thêm một ít nước cốt dừa béo ngậy cùng hành lá, tiêu xay và thịt hến xào. Khi ăn, sợi bánh canh mềm hòa cùng mùi nước dừa béo ngậy, thơm nồng và vị ngọt dai của hến sẽ khiến thực khách vấn vương mãi với mùi vị ấy.

Cơm dừa


Từ những trái dừa xiêm ngọt thanh,thơm ngon tại Bến Tre, người dân nơi đây đã sáng tạo từ món cơm dân dã hằng ngày trở thành một món ăn thơm ngon, thấm đượm màu quê hương đó là cơm dừa.
Làm cơm dừa, người ta phải chọn loại gạo ngon, sau khi vo sạch bằng nước dừa, để cho ráo rồi cho vào trái dừa đem chưng cách thủy. Những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy “nồi cơm dừa”.
Cơm dừa ăn có vị béo, thơm nên ăn nóng mới ngon. Điều thú vị khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trong trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với những trái dừa xinh xắn cùng mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.
Chúng ta cần phân biệt món cơm dừa đặc sản Bến Tre ở trên là cơm nấu từ gạo cùng nước dừa với cơm dừa tôm rang cũng là một món ăn của Bến Tre (nhưng là cơm của trái dừa kho với cá, tôm hay thịt).

Cháo dừa


Dừa được người dân Bến Tre chế biến ra biết bao nhiêu là món ăn thơm ngon mà giá thành rất rẻ trong đó có phải kể đến món cháo dừa ngọt lịm làm say lòng người thưởng thức.
Cháo nước dừa một món ăn giản dị, với nguyên liệu là gạo trắng, một ít nước dừa tươi, cùng nước cốt dừa khô, cơm dừa là đủ. Gạo được nấu nhuyễn sau đó cho nước cốt dừa tươi, khô, cơm dừa nạo nhỏ vào tạo nên một vị ngon nao lòng. Ăn cháo nước dừa cảm nhận được vị ngọt thanh tự nhiên, vị béo bùi mà không ngán. Đây cũng chính là món ăn sáng được nhiều người lựa chọn.

Canh gà lá cách


Mớ rau lá cách dân giã thắm đượm hồn quê!
Cây cách, lá cách đã quá quen thuộc với người dân miền Tây sông nước. Cây cách là cây rất dễ trồng, thường mọc nơi bờ bụi, mương vườn, ven sông rạch. Theo đông y, lá cách có vị ngọt, thơm, có tác dụng làm mát gan. Lá cách thường được dùng để ăn sống hoặc chế biến để tăng thêm hương vị cho nhiều món ăn trong đó phải kể đến món Canh gà lá cách tại Bến Tre.

Vị ngọt, béo của thịt gà, vị thơm thanh tao kèm theo chút vị đăng đắng, chua chua và mùi thơm đặc trưng của lá cách cùng với sả, ớt thấm dần vào vị giác phải nói là ngon tuyệt.

Nấm mối nướng muối ớt


Nhắc đến Bến Tre người ta thường liên tưởng ngay đến những trái dừa, nhưng ít ai biết rằng nơi đây còn sở hữu một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, đó là nấm mối.
Nấm mối xuất hiện ở nơi đất cao và những mùa mưa, có màu trắng, gốc hơi ngả vàng. Nấm mối dai mang vị ngọt đậm đà, cùng mùi thơm đặc trưng và được nhiều người ưa thích. Đây là món ăn giàu các dưỡng chất tự nhiên, giúp cơ thể chống lão hóa rất tốt.

Nấm mối thường được chế biến ra nhiều món ăn khác nhau nhưng đặc biệt nhất phải kể đến món nấm mối nướng muối ớt. Cho một ít nấm mối nướng muối ớt vào miệng nhai chầm chậm bạn sẽ cảm nhận được vị dai, giòn, ngọt thơm đậm đà hòa lẫn vị cay the nhưng không nồng của muối ớt lan tỏa vào vị giác khiến bạn nhớ mãi không quên cảm giác này.

Tép rang dừa


Tép rang dừa – một món ăn rất thân quen thường xuất hiện trong mỗi bữa cơm của người dân Bến Tre. Tép rang dừa kết hợp với cơm dừa nóng (cơm nấu với nước dừa) thì còn gì tuyệt hơn nữa.
Tép đất sau khi cắt chân, rửa sạch và ướp gia vị đường, muối, bột ngọt để một lúc cho ngấm. Sau đó bỏ tôm lên chảo rang với nước cốt dừa và để lửa riu riu đến khi tôm ngấm nước cốt dừa chuyển sang màu đỏ gạch là coi như đã xong món tép rang dừa. Lúc này thịt tép ngấm dừa sẽ có mùi vị dai, giòn và vị béo ngậy của nước cốt dừa tạo ra vị ngon khó cưỡng.

Đến với Bến Tre bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức rất nhiều món ăn ngon hấp dẫn, không phải nơi nào cũng có, chính vì vậy bạn hãy thưởng thức cho hết những món đặc sản để không phải hối tiếc cũng như học cách nấu của người dân Bến Tre để về chế biến cho gia đình mình.

Mắm lóc chưng dừa


Được thiên nhiên ban tặng món quà đặc biệt là những cây dừa. Chính vì thế những món ăn tại Bến Tre đều mang những nét đặc trưng của hương vị quê nhà, như món “Mắm lóc chưng dừa”.
Để chế biến món mắm lóc chưng dừa cần các nguyên liệu như: mắm lóc, dừa nạo cùng các gia vị và rau sống ăn kèm. Nhưng muốn có được tô mắm chưng thơm ngon, hấp dẫn cần phải tinh tế trong khâu lựa chọn mắm lóc. Trước khi chưng cho mắm vào tô, nêm thêm các gia vị như tiêu, hành, tỏi, ớt, gừng, bột nêm, rồi cho nước cốt dừa vào. Sau đó để vào nồi chưng cách thủy hay cho vào nồi cơm vừa mới chắt để chưng, khi cơm chín thì mắm cũng sẽ chín.
Để tăng thêm hương vị của món ăn này không thể thiếu các loại rau ăn kèm như chuối chát, khế chua, rau sống hoặc ngọn rau lang, rau muống luộc.… Mắm lóc chưng dừa với cơm trắng nóng thì quả là một sự kết hợp hoàn hảo.

Châu Lệ Phụng – Hình ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: