Dân trí - 25 ngày, 10 thành viên trong nhà cùng dìu nhau tự "chiến đấu" với Covid-19. Qua những giai đoạn đoạn khó khăn nhất, từng người một đã lần lượt nhận kết quả âm tính SARS-CoV-2 trong niềm vui vỡ òa. Phan Văn Hợi, 25 tuổi, là kĩ sư sửa chữa điện thoại tại quận Tân Phú, TPHCM. Từ khi thành phố bùng phát dịch bệnh, anh phải nghỉ làm, chuyển về sống với gia đình anh trai tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Ngày 1/8, anh Hợi phát hiện dương tính SARS-CoV-2 và sau đó cả 9 người trong nhà cũng có kết quả tương tự. Trong suốt 25 ngày, cả 10 thành viên đã cùng nhau tự chữa trị Covid-19 tại nhà.
10 người trong một nhà cùng mắc Covid-19
Ngày 1/8, tôi tỉnh giấc với sự hoang mang khi nhận ra mình mất hoàn toàn vị giác. Thật ra tôi đã bị sốt, mệt mỏi liên tục nhiều ngày liền trước đó, nhưng triệu chứng này khiến tôi cảm thấy mình "gần" với Covid-19 hơn bao giờ hết.
Anh Phan Văn Hợi, 25 tuổi, là kĩ sư sửa chữa điện thoại tại quận Tân Phú, TPHCM cùng 9 thành viên trong nhà tự điều trị Covid-19. Vội đi mua que test về kiểm tra, kết quả đúng với những gì mà tôi đã lo ngại: dương tính SARS-CoV-2.
Đóng sập cửa phòng để tạm thời tự cách ly, tôi nhắn ngay cho cả nhà về việc mình bị dương tính và đặt mua thêm mấy bộ kit test cho mọi người cùng kiểm tra.
Lại tiếp tục là một tin xấu: 9 thành viên khác trong nhà gồm 2 anh trai, chị dâu, 2 đứa cháu (3 tuổi và 6 tuổi) cùng 4 người thợ may đều "2 vạch".
Nhận kết quả, cả nhà đều suy sụp tinh thần. Tôi nghĩ ngợi lung tung, nhiều lúc lại tự trách mình đã lây bệnh cho mọi người. Sau khi khai báo cho y tế phường, cả gia đình tự trấn an nhau để bước vào "trận chiến".
Thở như "cá mắc cạn" vì Covid-19
Các triệu chứng bệnh cứ lần lượt xuất hiện với từng người chúng tôi, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ. Chị dâu và 4 người thợ may cơ thể nóng lạnh thất thường, 2 đứa bé cứ về đêm lại sốt 39,5 độ.
Ngày thứ 3 của cuộc chiến, đã có 6 thành viên bị mất vị giác và khứu giác.
Chúng tôi tự tìm hiểu các kinh nghiệm tự chữa của F0, khuyến cáo của ngành y tế và các chuyên gia để điều trị.
Uống nước cam, chanh và trà sả gừng là một trong những biện pháp tăng sức đề kháng của gia đình F0 này.
Kiên trì uống nhiều nước, bổ sung vitamin C, ăn đủ chất, tắm rửa bằng nước ấm, cố gắng vận động, tránh xa tin tức tiêu cực,… điều may mắn đã đến khi từng người một hồi phục sức khỏe trở lại.
Tuy nhiên, người anh trai 35 tuổi, vốn dĩ ai cũng nghĩ sẽ vượt qua dễ dàng nhất khi vừa trẻ khỏe, vừa không có triệu chứng mấy, lại bất ngờ trở nặng vào ngày thứ 6.
Suốt gần một tuần, tình trạng sức khỏe của anh tụt dốc không phanh. Mặt anh tím tái vì thiếu oxy. Ho, khó thở, chỉ số SpO2 nhảy liên tục từ 94% đến 91% rồi có lúc tụt xuống 88%. Người nửa tỉnh nửa mê. Khoảng thời gian đó, chiếc màn hình chỉ bé bằng đầu ngón tay cái của máy SpO2 trở thành thứ cả nhà quan tâm nhất, bởi trên đó thể hiện "sự sống".
Người anh trai 35 tuổi bất ngờ trở nặng vào ngày thứ 6.
Những ngày này, tình trạng của tôi cũng không khá khẩm gì khi sức lực đã bị cơn sốt quái ác mài mòn suốt 5 ngày liền. Thế nhưng vẫn phải cố gượng dậy để chăm sóc cho người yếu hơn mình, vì lúc đó, anh rất cần có người mớm ăn, lau mát, pha thuốc để hạ sốt kịp thời,…
Trên nhóm điều trị, nhiều người khuyên cho F0 thở nằm sấp, tôi cũng hướng dẫn anh trai làm theo và giúp cải thiện được phần nào. Nhưng nhiều lúc cơn ho kéo dài không dứt, làm đủ mọi cách anh vẫn chỉ thở như "cá mắc cạn".
Tâm trạng của cả gia đình chùng xuống thấy rõ. Ai cũng sợ rằng nửa đêm anh không thở được lại không ai phát hiện ra để hỗ trợ. Có ý kiến đưa anh vào bệnh viện để cấp cứu, nhưng lại sợ không có người thân bên cạnh chăm sóc.
Chiếc máy đo SpO2 gia đình anh Hợi sử dụng.
Tôi liên hệ với một người sếp, mượn được máy tạo oxy. Tinh thần người anh cũng nhờ vậy mà ổn định hơn.
Không chỉ khó thở, một thử thách lớn khác mà F0 cần phải vượt qua chính là "ăn bằng mọi cách", trong những ngày cơ thể vừa yếu, vừa mất hết vị giác, khứu giác.
Con virus SARS-CoV-2 hành F0 ăn cơm mà cứ như nhai rơm rạ, đến mức chúng tôi cứ đến giờ ăn là lại sợ. "Đánh vật" với bát cơm/cháo có khi phải mất cả giờ đồng hồ. Thế nhưng có khó chịu thế nào cũng phải cố gắng mà nuốt, bởi Covid-19 có thể giành phần thắng chỉ với một lần người bệnh bỏ bữa.
Một bữa ăn của anh Hợi trong quá trình tự điều trị Covid-19.
Vượt qua được giai đoạn đỉnh điểm này cũng sẽ giống như "cầu vồng sau cơn mưa", sức khỏe sẽ nhanh chóng ổn định trở lại. Gắng gượng đến ngày thứ 13, anh trai tôi cũng đã hồi phục được 80% sức khỏe và tiến triển dần. Bản thân tôi cũng bắt đầu lấy lại được vị giác vào ngày thứ 18.
Qua 25 ngày chiến đấu với Covid-19, cả 10 thành viên đều nhận kết quả âm tính SARS-CoV-2 trong niềm vui vỡ òa.
Đừng để F0 một mình chống chọi lại bệnh tật
"Đừng để F0 một mình chống chọi lại bệnh tật" đây là điều tôi thường đọc được trong các khuyến cáo của bác sĩ hay trong chia sẻ của chính những F0 tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, phải đến khi chính mình và người thân đối mặt với Covid-19, tôi mới thực sự thấm thía điều này.
Trong suốt 25 ngày, 10 thành viên cùng dìu nhau để bước qua cuộc chiến. Người bị bệnh nhẹ làm chỗ dựa cho người nặng hơn.
Những ngày mất vị giác, khứu giác cũng là giai đoạn quan trọng nhất. F0 cần có người ở bên chăm sóc, đặc biệt là hỗ trợ cho việc ăn uống.
F0 cũng rất cần có người thân làm chỗ dựa tinh thần. Sự chỉ trích, xa lánh của chính những người thân yêu là thứ đẩy người bệnh đến ngõ cụt. Với một tinh thần suy sụp, họ rất dễ bị quật ngã bởi căn bệnh này.
Nếu chuyện không may xảy ra, cả gia đình phải học cách chấp nhận và cùng nhau tiến về phía trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét