Khi còn ê a ở bậc tiểu học, gia đình Nguyệt ở chung một xóm với Tuấn.Thật ra, mấy chục gia đình trong xóm đều biết nhau và thân nhau đến độ mọi chuyện vui buồn dù nhỏ đến đâu họ cũng biết cả, nếu không muốn nói là biết từ ngoài ngõ, biết vô trong nhà. Nguyệt ở cách Tuấn một cái hàng rào, chỉ cần ra sau vườn là có thể trông thấy nhau và chỉ một cái ngoắt tay là tụi nó có thể tụm năm tụm ba bày những trò chơi vui nhộn của tuổi thơ. Cách nhà Nguyệt có thằng Cu Tám, thằng Dũng, con Kim Anh và một lô con nít cũng sàng sàng lứa tuổi với nhau. Tụi nó thường tham dự những trò chơi như đánh bi, đánh thẻ, ù mọi, đánh dây thun... sau giờ tan học và những ngày nghỉ cuối tuần.
Không biết gia đình của Nguyệt đã ở bên cạnh nhà Tuấn mấy đời rồi, nhưng từ ngày bắt đầu cắp sách đi học thì tụi nó đã thân nhau như ruột thịt. Học chung một lớp từ cấp vỡ lòng, đi về quấn quít bên nhau. Tính tình của Nguyệt rất giống con trai, gặp chuyện đánh lộn với mấy thằng nhóc xóm khác là cô bé nhảy vô tham dự không thua kém mấy thằng Cu Tám, thằng Dũng trong xóm. Nguyệt có một biệt tài là nhào vô cào túi bụi vào mặt đối phương mỗi lần đụng trận, bởi vậy biệt danh “Nguyệt Cào” được bọn con trai con gái ở mấy xóm kế cận đặt cho con bé nghĩ cũng rất xứng. Thế nhưng, Nguyệt bao giờ cũng được đám con nít trong xóm nể nang, bởi tính nàng rất ngay thẳng và chơi với bạn là binh vực hết lòng.
Với Tuấn, Nguyệt luôn luôn nhường nhịn, bởi một lý do rất dễ hiểu là Tuấn thường giúp Nguyệt làm những bài tập ở nhà. Thỉnh thoảng xảy ra những xích mích nhưng hầu như lần nào Nguyệt cũng làm hòa trước. Tuấn cũng rất tinh nghịch, nhưng thấy ngón “cào” của Nguyệt mỗi lần ra trận với bọn con nít xóm trên thì cũng lạnh người. Lắm khi thua những trò chơi như đánh dây thun, đánh bi, Tuấn tức đến nhức đầu nhưng đành chịu vì Nguyệt rất có tài, bất cứ một trò chơi nào có ăn thua là Nguyệt đều vơ ráo.
Bọn thằng Cu Tám, Dũng, Liên, Thoa... đôi khi rất bực vì Nguyệt bao giờ cũng thắng trận, nhất là trò chơi ăn thua chẵn lẻ bằng dây thun. Bởi lần nào bọn nó dành dụm tiền hàng quà để mua dây thun, cầm chưa nóng tay thì đã cúng hết cho Nguyệt vào những chiều tan học.
Tụi nó càng cảm thấy tức hơn khi Nguyệt hốt hết đống dây thun thắng trận kết thành một sợi lớn như con rắn để nhảy dây với đám con gái trong giờ ra chơi.
Một hôm đứng bên cạnh Tuấn, nhìn chằm chặp vào bọn con gái đang vui đùa, Cu Tám tức bực lên tiếng:
- Thế nào tụi mình cũng phải đụng con Nguyệt một bữa mới hả giận.
Tuấn tỏ vẻ đồng ý, nói ngay:
- Chiều nay mày cứ đi mua thêm một bịch dây thun, rủ thêm con Liên, Thằng Dũng cùng đánh thì tao có cách hạ nó.
- Mày nên nhớ là ngoài cách ăn thua bằng chẵn lẻ, hốt lú, con Nguyệt không bao giờ chơi những trò khác đâu. Đó là sở trường của nó mà.
Tuấn nghiêm nghị làm ra vẻ quan trọng:
- Đó là nó hên thôi nhưng tao đã có cách, sẽ lấy hết dây thun của nó cho coi.
Thật ra Cu Tám không mấy tin ở lời nói của Tuấn vì từ trước tới giờ, mười trận thì Nguyệt đã thắng hết tám. Thế nhưng lần này trông Tuấn có vẻ tự tin, Cu Tám hăng hái xuống bà Bảy mua hai bịch dây thun còn mới nguyên-xy. Ghé qua nhà Nguyệt, hắn vừa khoe dây thun vừa thách thức Nguyệt sang nhà Tuấn ngay để bày trận:
- Thằng Tuấn bảo tao kêu mày qua chơi, có cả con Liên nữa.
Nguyệt cười nhẹ như có vẻ chắc ăn:
- Bọn bây có bao nhiêu sợi mà dám rủ tao?
Cu Tám vừa gãi đầu vừa tỏ vẻ bực tức:
- Thì cứ mang hết đống dây thun của bà mới địch lại tụi này.
- Được, tao qua ngay.
Tụi nó bốn đứa ngồi xuống sân xi măng, kẻ một đường gạch chẵn lẻ và bắt đầu ăn thua. Tuấn đề nghị:
- Nguyệt làm cái, vì mi có nhiều vốn?
Nguyệt vừa tháo dây thun được kết thành sợi vừa cười:
- Tao chỉ làm cái năm ván và phải đặt lớn nghen? Nào đặt đi? Lẻ chẵn?
Tuấn, Cu Tám và Liên cùng đặt bên lẻ. Nguyệt đếm từng sợi thun từ lòng bàn tay xin xắn:
- Lẻ, tao chung đây. Bao nhiêu sợi, tao chung đây?
Qua năm ván Nguyệt đều thua, nàng phải tháo gần phần tư vốn, vừa chung vừa mỉm cười một cách tự tin là nàng gỡ lại:
- Thôi, tụi bây đứa nào làm cái đi? Tao sẽ đặt lớn vì còn phải về ăn cơm chiều. Bọn bây đánh nhỏ mất thì giờ quá!
Cu Tám liếc Tuấn như muốn hỏi ý có bằng lòng cho Nguyệt đặt lớn hay không. Tuấn gật nhẹ:
- Đặt ba lần và có quyền đặt xả láng, ăn thua gì cũng thế thôi.
Cu Tám làm cái một cách cẩn thận, có vẻ như rất tự tin. Thế nhưng sau ba ván, Nguyệt đặt trùm tẩy, vơ hết cả vốn lẫn lời của Cu Tám và Tuấn. Liên thì chỉ còn vài ba chục sợi đeo ở cườm tay và dường như con bé không muốn chơi nữa.
Cu Tám và Tuấn thua sạch, nhưng vẫn chưa chịu bỏ cuộc:
- Tao còn 5 đồng, muốn bán cho tao thì tốt, nếu không tao phải chạy qua quán bà Bảy, mất công, mất thì giờ!
Nguyệt cười thỏa mãn là đã hạ được bọn Tuấn chỉ trong vòng ba ván. Vừa sắp lại đống dây thun cho gọn gàng vừa nói với vẻ thách thức:
- Tao không thích bán lại dây thun, xui lắm! Nhưng mà nếu bọn bây muốn đi mua thì nhanh lên, tao chờ.
Cu Tám đành phải phóng đến tiệm bà Bảy và trở lại với hai bịch dây thun mới tưng. Tám lên giọng có vẻ ngon lành:
- Lần này nếu thua con Nguyệt tao sẽ bỏ nghề.
Thật ra Tuấn không muốn ăn thua với Nguyệt, nhưng lần nào chơi cũng bị nàng vơ sạch, nên đâm tức và về phe với bọn Cu Tám. Bọn nó lại ngồi xuống và ra điều kiện mới. Nguyệt lên tiếng:
- Đánh hết bịch dây thun của tụi bây, ăn thua gì tao cũng về nghen. Chơi lâu mạ la! Tao làm cái, đặt đi?
Sau hơn 15 phút ăn qua chung lại, rốt cuộc bọn Cu Tám cũng nướng hết cho Nguyệt. Tuấn và nó tức đến ứa gan, hai lỗ tai Cu Tám đỏ như mồng gà. Tuấn liếc Cu Tám và cười nhẹ:
- Tao đầu hàng!
Trong lúc Nguyệt đang sắp những chồng dây thun ngay ngắn để thu gọn chiến trường thì Tuấn nói nhỏ vào tai Cu Tám:
- Để nó đứng dậy tao sẽ có cách cho mày lấy lại dây thun, khỏi cần đánh.
Cu Tám mở lớn đôi mắt nhìn Tuấn nghi ngờ:
- Cách gì? Thôi để ngày mai phục thù.
Nguyệt sắp xong, đứng dậy, ôm cả đống dây thun vào lòng, mặt hí hửng. Nhưng vừa quay lưng ra về thì Tuấn đã nhanh như chớp nhào tới, chụp lấy quần Nguyệt tuột xuống. Bị tấn công bất thình lình và vì mắc cỡ, Nguyệt thả hết đống dây thun, túm lấy quần kéo lên. Con bé giận đến điếng người, nhưng không muốn nhào vô chơi ngón “cào” gia truyền mà chỉ đứng khóc thét lên, bỏ đống dây thun chạy băng băng vào nhà mách với mẹ Tuấn:
- Cô coi, Tuấn nó ăn hiếp con!
Thấy Nguyệt khóc tức tửi, mẹ Tuấn an ủi:
- Thằng Tuấn ăn hiếp phải không? Để cô phạt nó cho. Răng? Nó đánh con ở chỗ mô? Đau không? Để cô kêu nó vào đây bắt qùi gối mới được.
Nguyệt vừa khóc, vừa lắc đầu:
- Không, Tuấn không đánh con, nó chỉ tuột... con!
Mẹ Tuấn vẫn chưa hiểu:
- Nó tuột cái gì của con?
Nguyệt kể rõ đầu đuôi cho mẹ Tuấn nghe, bà cười cho sự tinh nghịch của Tuấn, nhưng vội vã gọi Tuấn vào nhà và phạt. Xoa vào đầu Nguyệt bà an ủi và không thể nhịn được cười:
- Cô sẽ cho nó quì tới mai để chuộc tội tuột cái quần... con.
Đống dây thun vung vãi trên sân, Cu Tám thu gọn chiến trường và giấu một ít đằng sau hiên nhà. Nguyệt trở ra sân hốt đại mớ dây thun còn lại, lau khô nước mắt và chạy về nhà.
Thế là sáng hôm sau vào trường đứa nào cũng biết về câu chuyện tuột quần và cũng kể từ đó, Tuấn được một tên mới là Tuấn “Tuột”. Nguyệt thì vẫn còn giận vì cứ nghĩ Tuấn đã chơi trò hạ nhục và làm liều. Còn Tuấn thì cho rằng Nguyệt đã làm hắn bị quì suốt buổi tối, có chơi thì có chịu việc mách người lớn là điều đáng giận. Cứ thế mà tụi nó không thèm nhìn nhau mỗi lần vào lớp học. Đã thế, Tuấn còn bị bọn con gái cùng lớp nói móc họng mỗi lần ra sân chơi, làm hắn càng thấy tức Nguyệt hơn. Bọn con gái thường xầm xì:
- Coi chừng thằng Tuấn Tuột bây ơi!
Cũng phải mất hơn hai tuần sau chúng nó mới tìm cách chơi lại nhờ thằng Cu Tám làm môi giới. Một hôm Cu Tám qua nhà Tuấn chơi, leo lên cây hái ổi. Nguyệt ở bên này vườn nhìn thấy tụi nó chơi đùa cũng thích nhập bọn, nhưng vẫn còn dè dặt thì Cu Tám đã lên tiếng:
- Ê Nguyệt, qua đây tao cho ăn ổi?
Con bé cắn móng tay rồi nói như trách móc:
- Tuấn đâu có cho tao qua!
Thấy Nguyệt muốn qua chơi, nghĩ lại thấy tội nghiệp và cũng muốn làm hòa nên Tuấn lên tiếng mời:
- Thì qua đây chơi, nhưng cấm khóc và cấm mách má tao nếu...
Có lẽ Nguyệt cũng định nói là Tuấn đừng có chơi ẩu làm xấu mặt Nguyệt, nhưng Cu Tám đã nhanh miệng:
- Qua chơi với điều kiện là không được... tuột.
Cu Tám đắc ý cười say sưa. Nguyệt mắc cỡ.
*****
Thế rồi thời gian trôi nhanh, thấm thoát bọn nó đã bắt đầu vào trung học. Nguyệt thi đậu vào Nữ Trung Học Đồng Khánh còn Tuấn thì phải qua Hàm Nghi. Bọn nó không còn đi về bên nhau như ngày xưa. Nguyệt lớn hẳn ra, điệu bộ và e thẹn như một thiếu nữ mỗi lần gặp Tuấn. Càng lớn Nguyệt càng đẹp.
Hết bậc trung học đệ nhất cấp, chúng nó ít qua lại với nhau như thuở còn bé, mấy đứa bạn cùng lứa trong xóm cũng mỗi đứa mỗi nơi. Chỉ còn Thoa và Cu Tám thỉnh thoảng qua nhà Tuấn học thi, làm bài tập. Nguyệt tuy không quấn quít bên Tuấn như mấy năm tiểu học, nhưng nàng vẫn nghĩ về Tuấn, như một thứ tình cảm anh em thì đúng hơn.
Cuối năm đệ nhị, ba Tuấn mất, Tuấn hằng ngày phải giúp mẹ công việc nhà và có khi phải ra chợ trông coi cửa hàng tạp hóa cho mẹ. Năm cuối bậc trung học, mẹ Tuấn quyết định dọn về bên ngoại ở Nha Trang.
Hôm báo tin buồn, Nguyệt rưng rưng nước mắt:
- Tụi mình đã bên nhau 18 năm trời, vui buồn với nhiều kỷ niệm. Tuấn đi, căn nhà xưa sẽ trở thành xa lạ, mình mất một người thân như ruột thịt, mất đi một người... mà suốt đời Nguyệt rất khó quên.
Tuấn nhìn Nguyệt buồn rầu:
- Thiệt ra Tuấn đâu muốn xa Nguyệt, thế nhưng trước sau rồi mình cũng phải đi xa. Ở lại đây, nếu không tiếp tục theo học đại học thì cũng phải vào lính, xa nhau là chuyện bắt buộc.
Nguyệt ấp úng, nửa muốn thổ lộ tâm tình, nửa không muốn, nhưng cuối cùng nàng nhỏ nhẹ:
- Nhưng... nhưng đi lính thì về, còn đây là đi luôn, khi mô chúng ta mới có cơ hội để gặp lại nhau?
Tuấn nhìn trời thở ra:
- Quả đất tròn, nếu chúng ta có duyên thì sẽ còn ngày tái ngộ. Vào trong đó mình sẽ đi kiếm việc làm để lo cho mẹ già, chúng ta sẽ thư từ cho nhau, xa nhưng mà gần nếu còn nghĩ đến nhau phải không?
Tuấn cầm tay Nguyệt, định ôm nàng vào lòng nhưng chàng khựng lại vì Tám xuất hiện bất thình lình:
- Ngày mai Tuấn đi rồi, tối nay tụi mình mở tiệc tiễn một thằng bạn nối khố ra đi nhé! Tụi mình sẽ rủ thêm Thoa và Kim Anh cùng đi được không?
Tuấn ôm vai Cu Tám nói trong cảm động:
- Bọn mình bạn bè từ thuở ấu thơ với nhiều kỷ niệm phá làng phá xóm, ra đi là một chuyện buồn trong đời, tụi bây muốn gì tao cũng chịu hết.
Nguyệt nhìn Cu Tám rồi đề nghị:
- Bọn bây muốn đi đâu? Hay qua Café Dung được không?
Cu Tám đã lớn, bọn nó không gọi “Cu” nữa, nhưng tính tình hắn vẫn hồn nhiên như ngày nào. Thỉnh thoảng vẫn nhắc lại chuyện tuột... làm Nguyệt mắc cỡ đến đỏ mặt.
Tối hôm đó, khi ngồi vào bàn café, Tám nhắc lại chuyện xưa với kỷ niệm vui buồn của những ngày thơ ấu làm Nguyệt rơi nước mắt. Tuấn thì buồn đến nổi không nói được lời nào, chỉ đốt những điếu Ruby rồi nhã khói thành vòng tròn liên tiếp lên khoảng không với một tâm trạng ray rứt đầu tiên trong đời. Tám thì chắc ăn là tụi nó sẽ còn gặp nhau sau này nên hắn vẫn tỉnh bơ như chẳng có chuyện chia ly.
Ngày hôm sau, khi tiễn gia đình Tuấn ra bến xe đò, Nguyệt vân vê tà áo và nói với mẹ Tuấn:
- Cô đi, con như mất một người mẹ hiền. Chẳng có gì hơn là mong cô bình an, lo cho Tuấn và hẹn một ngày tái ngộ.
Mẹ Tuấn rơi nước mắt, vuốt mái tóc thề óng mượt của Nguyệt mà chẳng nói được lời nào. Đến giờ xe nổ máy phải lên xe, Tuấn ôm đại Nguyệt vào lòng và hôn lên trán nàng:
- Nguyệt ở lại rán học hành, sẽ có ngày gặp lại!
Nguyệt nhét vào túi áo Tuấn một bì thư. Xe rời bến, Nguyệt vẫn còn đứng đó vẫy tay tiễn biệt. Tuấn dán mắt trông theo cho đến khi bóng Nguyệt mất dần ở cuối phố.
Người ta thường nói: “Xa mặt cách lòng” cũng đúng. Hai năm đầu, Tuấn và Nguyệt còn thư từ qua lại, nhưng rồi đời sống thay đổi, những lá thư thăm hỏi từ cả hai bên cũng thưa dần. Tuấn phải bù đầu vào công việc cho một tờ báo ngoại quốc để kiếm tiền sinh sống. Nguyệt theo học sư phạm và sau đó cũng bặt tin luôn.
Một hôm gặp lại Tám ở bãi biển Nha Trang, Tuấn mừng đến chảy nước mắt. Tám đấm vào vai Tuấn:
- Mấy năm rồi Tuấn, tao nhớ mày quá!
-- Gần 4 năm. Sao về đây mà không thư cho tao biết?
Tám phân bua:
- Tao giộng cho mày mấy lá thư, địa chỉ lấy từ con Nguyệt, nhưng nào nghe thấy tăm hơi mày đâu nào!
- Tại tao dọn nhà nên thư đi lạc, lỗi tại tao cả. Còn Nguyệt, tao có thư cho nàng theo địa chỉ mới sao nó không cho mày mà lại cho địa chỉ cũ?
Tám lên giọng như trách móc:
- Cái bà Nguyệt “cào” đó thật là lãng nhách. Nhớ hồi mới ra trường tao có về thăm nó một lần, thấy con nhỏ lơ lơ nên tao cũng chẳng màng. Vả lại, nghe nói nó có kép sộp thì tránh là phải. Mày vẫn còn liên lạc nó chứ?
Tuấn lộ vẻ buồn rầu khi Tám nhắc tới Nguyệt:
- Gần hai năm rồi chẳng thấy thư từ gì nữa cả!
Tám rút một điếu thuốc, châm lửa rồi đưa cho bạn:
- Hút một điếu đi để lấy lại bình tĩnh mà nghe ông nói đây này: Nguyệt ra trường, đổi lên Đà Lạt dạy học và đã lấy chồng rồi! Mày có buồn thì cũng vậy thôi. Tao biết hồi trước tụi bây có tình cảm với nhau, nhưng theo tao nghĩ thì đó chỉ là thứ tình học trò non dại. Còn bây giờ mới là tình thứ thiệt của người ta, mày nghĩ có đúng không?
Nghe kể một hơi, Tuấn phát cười vì tính tình của Tám vẫn như ngày xưa, bộc trực và có gì là nói ngay không thể giấu được một ai. Thấy Tám còn muốn kể thêm chuyện của Nguyệt, Tuấn đổi qua một đề tài khác:
- Thôi bỏ qua chuyện xưa đi. Giờ mày thuộc đơn vị nào? Nhà cửa ở đâu? Vợ con gì chưa?
- Tao về đây hơn một năm rồi, hiện là sĩ quan huấn luyện viên tại Trường Đồng Đế. Đời lính mà nhà cửa con mẹ gì!
Nhìn Tuấn thật kỹ rồi vỗ vào vai bạn:
- Còn mày làm gì? Coi bộ cũng khá giả hí?
Tuấn nhìn Tám cười:
- Làm việc lăng nhăng sống nuôi mẹ qua ngày.
- Bà già cũng khỏe chứ mày?
Tuấn nói ngay:
- Tao chở mày về nhà thăm bà một chút, gặp mày chắc mẹ tao mừng lắm.
Suốt đêm hôm đó tụi nó thức đến gần sáng, kể chuyện đời xưa, chuyện dài của tuổi học trò rong chơi phá phách. Nhắc đến chuyện đánh dây thun với Nguyệt, Tuấn buồn. Thầm nghĩ, bây giờ nàng đã yên thân, cũng mừng. Thật ra, hình ảnh của Nguyệt vẫn còn nằm nguyên vẹn trong trái tim chàng, dù Nguyệt đã ra đi vì hoàn cảnh hay vì bất cứ một lý do nào đó thì Tuấn vẫn tin rằng Nguyệt cũng rất khó quên chàng. Bởi tuổi thơ êm đềm và đẹp như một bức tranh vô giá vẫn còn, còn mãi như một dư âm vang vọng đâu đó... Nụ cười, tiếng khóc, giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt cứ tưởng như mới ngày hôm qua.
Thấy Tuấn có vẻ đăm chiêu, Tám tinh nghịch:
- Bộ trên đời này chỉ có con Nguyệt “cào” mày mới “tuột” thôi hay sao? Thời buổi này thiếu gì. Quên mẹ nó đi mày ơi!
Tuấn thầm nghĩ: “Cũng thằng Tám đã tạo nên gắn bó và cũng chính nó đã nói những lời an ủi lúc chia ly”. Tuấn dối lòng:
- Tao nhớ nó hồi nào? Mày suốt đời cứ bày chuyện. Làm quan to rồi mà vẫn như thằng con nít!
Hai người cụng ly cười ngất.
*****
Những ngày cuối tháng Ba năm 1975, thành phố Nha Trang sống trong hấp hối. Dân chạy loạn đổ xô về từ các vùng Cao Nguyên, từ Qui Nhơn, Tuy Hòa đông đến nổi trường học và các cơ sở công cộng đã không còn chỗ chứa. Người người ngơ ngác nhìn nhau, hồi hộp lo lắng, sợ hãi. Biết có giữ nổi thành phố này không? Nghe nói mấy tiểu đoàn Nhảy Dù đang tái phối trí ở Khánh Dương để tử thủ. Nghe nói bộ chỉ huy Quân Khu II đang dời về Nha Trang để làm kế hoạch chiếm lại mấy tỉnh đã mất. Mấy tỉnh miền Trung coi như đi đứt.
Một vài cái sà-lang từ Đà Nẵng cập bến Nha Trang chở đầy xác chết con nít. Khổ đau, nghiệt ngã, xơ xác, xanh xao, bệnh hoạn. Nhìn vào đôi mắt lỏm sâu của những bà mẹ chạy giặc đầy lo âu, thấy cái chịu đựng đến lì lợm hằn sâu trên vầng trán của những cụ già, Tuấn cảm thấy đau thắt ở ngực.
Nha Trang còn yên. Lính tráng vẫn còn đóng quân ở ngoại ô. Có tin đồn Ông Thiệu nhất định tử thủ từ Nha Trang vào... Rất nhiều tin đồn khác nhau. Ai biết? Biết những gì sẽ xảy ra? Nhiều người tin tưởng vào cơ quan Lãnh Sự Mỹ tại đây, suốt ngày cứ canh chừng coi thử họ đã lục đục di tản chưa? Chắc ăn nhất, Mỹ dọt là mình dọt.
Dân tản cư lại di chuyển về càng lúc càng thấy lo ngại! An ninh? Thực phẩm? Cứ tình trạng kéo dài chừng một tháng như thế này thì chết ngắc. Nghe nói tình hình đã bắt đầu lộn xộn, cướp ngày, cướp đêm. Có tin Việt Cộng đã cho cán bộ trà trộn theo dân tản cư để dứt điểm những thành phố lớn sau cùng.
Mấy hôm chót của tháng Ba, Tuấn sốt ruột quá! Không biết bà con bên nội ở Huế bây giờ ra sao! Đi nghe ngóng tin tức từ các trại tạm trú xem thử có bà con ở ngoài Trung vào không! Lại nhớ tới thằng Tám, mấy hôm rồi cấm trại liên miên nên hắn không được về nhà với vợ con.
Tuấn nhớ tới Nguyệt. Không chừng gia đình nàng lại di tản về đây cũng có. Chàng lại nghĩ, không nhất thiết phải thế. Nàng có chồng khá giả thì chắc đã bay về Sài Gòn mất rồi. Nghĩ thế, nhưng chàng cũng mò tới các nơi tập trung đông dân tị nạn để tìm người thân.
Buổi chiều ra bờ biển săn tin với hai người bạn ở Ty Xã Hội Bình Định mới chạy về. Nghe họ kể, Qui Nhơn vừa mất và họ là những người may mắn sau cùng được leo lên máy bay trực thăng của tỉnh.
Dừng xe ở một quán nước dọc theo bờ biển, Tuấn và hai người bạn xuống xe đi vào quán. Con đường Duy Tân sát bờ biển, đông người xuôi ngược. Những khuôn mặt lo âu, hơ hãi hiện rõ trên từng bước chân. Trời đang nắng, bỗng một đám mây đen kéo đến thật nhanh. Những hạt mưa bắt đầu rơi lộp độp trên đường nhựa, hơi đất xông lên một mùi ngây ngây. Một người đàn bà tay bồng đứa bé, tay dắt một đứa lớn hơn băng nhanh qua đường. Bất giác, Tuấn dụi mắt. Phải không? Nguyệt? Đúng rồi. Chính nàng? Tuấn không kịp giải thích với hai người bạn, chạy băng qua đường và gọi thật lớn:
- Nguyệt? Phải không?
Nguyệt quay lại và nhận ra Tuấn ngay. Nàng mừng rỡ ra mặt:
- Ui chao, Tuấn!
Trong một thoáng giây, Nguyệt khựng lại và chẳng nói được lời nào. Những hạt mưa lăn dài trên tóc, trên má. Tuấn cũng bối rối, bế ngay đứa lớn lên tay rồi mời Nguyệt trở lại quán cùng với hai người bạn:
- Chạy mau? Dầm mưa đau chết!
Vào quán Tuấn giới thiệu:
- Đây là chị Nguyệt, bạn từ hồi mới lọt lòng. Anh Tân và anh Du bạn thân của Tuấn, cũng dân chạy nạn từ Qui Nhơn mới vào!
Kéo ghế cho Nguyệt ngồi, họ nhìn nhau như muốn hỏi cả ngàn câu. Tuấn loay hoay gọi nước cho bé lớn thì Nguyệt đã lên tiếng:
- Chạy loạn về đây gần tháng rồi, Nguyệt cũng muốn tìm Tuấn ... nhưng biết đâu mà tìm!
Tuấn hỏi nhanh:
- Bây giờ mẹ con đang ở đâu?
Nguyệt thở ra:
- Nhà một người bà con xa ở đường Yersin, cũng gần đây nên mới thả bộ được.
Tuấn thăm hỏi rất tự nhiên:
- Nghe Nguyệt đã có gia đình lâu rồi và đứt liên lạc nên đành chịu! Chồng đâu?
Sắc mặt Nguyệt trở nên rầu rỉ:
- Anh ấy mất theo Ban Mê Thuột!
Tuấn cuống lên và đặt câu hỏi tới tấp:
- Sao Nguyệt chắc là anh ấy đã chết? Gia đình hai bác còn ở Huế hay đã về Đà Lạt với Nguyệt? Rồi tính sao đây?
Nguyệt nói trong nước mắt:
- Bạn bè cùng đơn vị cho biết là anh ấy tử thương và... không lấy được xác. Ba mẹ vẫn ở Huế, không biết ra sao rồi! Bây giờ Nguyệt chẳng còn ai cả. Tuần trước lên Sở Học Chánh trình diện, nhưng thấy tình hình như thế này thì tính gì được bây giờ! Thôi kệ, đến đâu thì đến, Nguyệt cũng chẳng biết quyết định ra sao! Nghe người bà con nói là Tòa Lãnh Sự Mỹ cũng sắp di tản về Saigon, Nguyệt chắc chắn là chạy hết nổi nữa rồi!
Tuấn cảm thấy đắng cả cổ họng. Nhìn Nguyệt, nhìn hai đứa trẻ ngây thơ mà đã sớm mất cha. Chiến tranh, thù hận đã cướp đi biết bao nhiêu người cha của những đứa trẻ như thế này? Chàng tự hỏi giúp gì được cho Nguyệt đây! Nguyệt lau nước mắt rồi tiếp:
- Cô có khỏe không?
- Cũng hay đau, dạo này mẹ yếu lắm!
- Tuấn được mấy cháu rồi?
- Cũng hai đứa.
- Mấy tuổi?
- Cỡ con của Nguyệt.
Nhìn Tuấn, Nguyệt thầm nghĩ nếu ngày xưa không bị ba mẹ gả chồng và nếu nàng quyết liệt chút nữa, cố gắng tích cực hơn chút nữa thì giờ này đã khác. Đúng, tất cả đều do định mệnh an bài. Nguyệt cảm thấy Tuấn vẫn như xưa, chàng bao giờ cũng kín đáo. Thật ra, nếu Tuấn tiếp tục liên lạc thì ba mạ cũng không nỡ ép mình. Bất chợt, nàng thở dài. Đọc được ý tưởng của Nguyệt trong thoáng giây, Tuấn phân trần:
- Cũng không biết hồi đó tại sao tụi mình đứt liên lạc. Lấy chồng thì lấy, sao lại bỏ ngang bạn bè! Thằng Tám nó trách Nguyệt lắm!
- Tám ở đâu?
- Ở Đồng Đế.
- Làm gì?
- Đại úy.
- Liên lạc với Tám được không?
- Nó bị cấm trại liên miên!
Hai người bạn Tuấn nãy giờ nhìn trời, nhìn biển với những lo lắng chồng chất đã không để ý tới câu chuyện đối thoại của Tuấn và Nguyệt. Tạnh mưa, Tân đề nghị:
- Tụi tôi xuống bãi biển đi một vòng cho thoải mái, hai bạn cứ ngồi tâm sự, chút nữa chúng tôi trở lại.
Tuấn đồng ý ngay:
- Cũng được, nhớ đừng đi lâu, chúng tôi đợi.
Tuấn nhìn theo hai người bạn rồi vuốt tóc đứa con lớn của Nguyệt:
- Cháu ngoan lắm, mai mốt lớn mẹ sẽ kể cho cháu nghe cậu là ai?
Nguyệt nhìn Tuấn thật kỹ và nói trong lo lắng:
- Rồi gia đình anh tính sao? Có nên di chuyển về Saigon hay ở lại đây?
Tuấn thở dài ngao ngán:
- Mấy người bạn Mỹ vừa cho biết là phải đi. Nha trang rồi cũng sẽ mất. Nếu tụi này xin được máy bay Nguyệt có muốn theo về Sài Gòn không?
Nguyệt đắn đo, buồn rầu:
- Đang ở tạm với người bà con bên chồng, bất tiện lắm, nhưng cũng khó quyết định vì về đó rồi đi đâu nữa? Saigon chẳng có ai thân thuộc, Tuấn thì phải lo tứ tung, chắc ở lại đây xem tình hình ngã ngũ ra sao rồi về Huế với ba mạ mới yên được.
Chiều hôm đó Tuấn từ giã Nguyệt và hẹn ngày hôm sau tới rước mẹ con nàng sang thăm mẹ Tuấn. Nhưng sáng hôm sau, Nha Trang bắt đầu loạn lạc, phi trường đóng cửa. Gia đình Tuấn được mấy người bạn Mỹ trong làng báo kéo vào Tòa Lãnh Sự, đưa vào phi trường bằng trực thăng và tới nửa đêm, sau gần mười tiếng đồng hồ chen lấn, thập tử nhất sinh mới đáp được chuyến bay chót vào Saigon.
Nghe nói, Nha Trang đêm đó sống trong kinh hoàng. Tiếng súng đã nổ khắp nơi... Tuấn ra khỏi vùng lửa đạn, nhưng vẫn áy náy, ân hận là đã không trở lại để đón Nguyệt đi cùng. Thật ra, sự ra đi gấp gáp như thế chắc gì Nguyệt đã chịu đi.
Lại xa Nguyệt, chưa nói hết những gì muốn nói, chưa hỏi hết những gì muốn hỏi trong sáu năm trời xa cách. Muộn phiền, lo lắng cho hoàn cảnh bi đát của một người bạn, một người tình mà gần nửa đời người chưa nói được một câu. Ngồi gục đầu ở một quán cà phê, Tuấn suy nghĩ đến nhức đầu. Hơn một nửa phần đất tự do đã lọt vào tay Cộng Sản! Saigon những ngày sắp tới sẽ ra sao?
*****
Một tay hai đứa con dại, nghề dạy học coi như vứt vào sọt rác. Lý lịch hồ sơ có chồng sĩ quan “Ngụy”, dù chồng đã chết vẫn không được trở lại trường để hành nghề, Nguyệt phải tìm cách buôn bán, nhờ cô Hai, người bà con bên chồng kiếm gạo nuôi con. Trời sinh trâu sinh cỏ và nhờ ơn trên phù hộ, mua bán chui rúc nhưng vẫn đủ nuôi con qua ngày. Rất nhiều lần Nguyệt muốn về Huế với bà con làng xóm bên gia đình nàng, nhưng ngoài đó thư vào cho biết là đời sống rất khó khăn, vấn đề hộ khẩu không phải là chuyện dễ xin. Từ đó, Nguyệt quyết định ở lại phụ với cô Hai, sống được ngày nào hay ngày ấy.
Cuối năm 1977, Nguyệt gặp chú Phát, một người Tàu có máu mặt trước đây tại Nha Trang. Từ ngày Cộng Sản vô, chú ấy bán hết gia sản đưa cho vợ có quốc tịch Hồng Kông mang về bên đó từ hồi năm 1976. Chú Phát vì có quốc tịch Việt Nam nên phải ở lại một mình. Cũng còn khá nhiều vốn, nhưng chú ấy mua vàng cất giấu đợi có dịp sẽ vượt biên, hoặc nhờ chính quyền Hồng Kông can thiệp. Do đó chú Phát vẫn sống phây phây như không có gì làm bận tâm cả.
Thấy Nguyệt thật thà nhưng lại có kiến thức, chú Phát rất cảm tình. Chú thường hay lui tới quà bánh cho hai đứa con Nguyệt. Một hôm Phát thú thật với Nguyệt là chú rất cô đơn, muốn làm bạn lâu dài với Nguyệt. Vả lại, chú cũng muốn tìm một người tin cậy để cất giữ số vàng và quí kim còn lại. Ban đầu Nguyệt từ chối, nhưng càng ngày chú Phát càng tỏ ra tha thiết nhất định giao hẳn số vàng và quí kim cho Nguyệt. Chú nói giữ giùm để còn rảnh tay đi đó đây móc nối, tìm đường vượt biên ra ngoại quốc. Nghe nói chính phủ Mỹ đã đón một số thuyền nhân tìm tự do.
Nguyệt thật khó xử trước sự thành thật và tin cậy một cách quá bất ngờ của chú Phát. Cuối cùng, Nguyệt kể hết đầu đuôi câu chuyện cho cô Hai nghe. Sau một đêm bàn thảo, cả gia đình cô Hai cho rằng, Nguyệt là người tốt số nên ơn trên mới cho gặp được một người như chú Phát.
Từ đó, cô Hai và Nguyệt quyết định tính chuyện ra đi với chú Phát, bởi ở lại cũng sống không nổi dưới chế độ Cộng Sản, tối ngày căng thẳng với bọn công an phường khóm. Hai thằng con trai của cô Hai vừa xong Trung Học chẳng làm ăn gì được, phường khóm kêu lên, kêu xuống, nay họp chuyện này, mai họp chuyện khác. Cả hai đứa đều không nghề nghiệp, không tương lai, thoát khỏi được xứ Cộng sản này sớm ngày nào hay ngày ấy.
Đầu năm 1978, chú Phát rủ thêm một số bạn bè và mua được Tàu. Cũng phải trần ai lắm mới qua mặt được bọn công an điạ phương. Mất một thời gian chuẩn bị và phải đi nhiều đợt mới đến được điểm hẹn.
Khi Tàu rời bến và ra đến hải phận quốc tế, Nguyệt cảm thấy như ai cắt từng nắm ruột. Lià bỏ quê hương là chuyện bất đắc dĩ, ra đi một phương trời vô định, không biết chết sống ra sao, nước mắt Nguyệt tuôn trào. Bên kia mạn tàu, có lẽ cô Hai cũng cùng một ý nghĩ. Nguyệt ôm hai đứa con vào lòng, lết lần về phía cô Hai, chẳng ai nói một lời, họ chỉ biết nhìn nhau khóc trong thầm lặng.
Chú Phát thì lo âu, nhưng tỏ ra hãnh diện là đã thành công trong suốt thời gian qua với nhiều gian khổ để tạo được chuyến đi. Biết Nguyệt đang lo lắng muộn phiền, chú Phát an ủi rằng tương lai của Cầm và Toại, hai đứa con Nguyệt đã là lý do chính đáng cho sự ra đi này.
Phải mất tới 8 ngày lênh đênh trên biển mới tới được Phi Luật Tân. Ở trại tỵ nạn mấy tháng, chú Phát đã gặp lại vợ con từ Hồng Kông bay qua thăm. Thế nhưng, Phát vẫn muốn đi Mỹ để làm ăn sinh sống, do đó, chú ở lại trại và xin đi định cư cùng toán với gia đình Nguyệt. Theo sự sắp xếp thì vợ con sẽ qua đoàn tụ sau khi chú có thường trú tại Mỹ.
Chú Phát thật tháo vát, ở đâu cũng mua bán làm ăn ra tiền. Gần một năm ở Phi, nhờ có vốn, chú tạo ra tiền một cách dễ dàng. Đến khi đặt chân lên đất Mỹ thì chú đã có ngay đường dây làm ăn buôn bán với một số bạn bè thân quen ở New York. Hai tháng sau chú nhờ bạn bè ở Hồng Kông giới thiệu và mở ngay một tiệm bán thực phẩm Á Đông cho Nguyệt sinh sống tại đây.
Nhờ có chút vốn liếng tiếng Anh, không bao lâu, Nguyệt đi vào thương trường một cách dễ dàng. Cũng nhờ chú Phát giới thiệu, uy tín của Nguyệt trong cộng đồng người Tàu ngày càng lên cao. Cô Hai vẫn sống chung với gia đình Nguyệt. Bảo và Phương, hai người con trai của cô đã vào đại học. Chú Phát là một người tốt, nuông chiều hai đứa con của Nguyệt hết lòng, chăm sóc cho Nguyệt từng ly từng tí, thế mà vẫn không chiếm được con tim của nàng. Những lần gần gũi bên Phát, già vợ chồng, non tình cảm, Nguyệt thường nói huỵch toẹt với chú Phát:
- Thật ra, anh rất xứng đáng để Nguyệt lấy anh, nhưng mà hoàn cảnh không cho phép, bởi anh đã có vợ con. Nếu lấy anh, Nguyệt sẽ mang tiếng là đi giựt chồng của người khác, vì vậy sau khi chị Phát đoàn tụ với anh thì... thì...
Nguyệt ngập ngừng vì nàng sợ chú Phát buồn, bởi mỗi lần đề cập đến vấn đề gia đình là chú ấy suy nghĩ đăm chiêu đến mấy ngày. Nguyệt biết là Phát rất yêu mình nên nàng không muốn đặt một điều kiện nào cả. Bởi nếu biết Nguyệt đặt điều kiện, chú Phát có thể vì quá yêu rồi đâm liều không xin đoàn tụ cho vợ con của chú ấy qua Mỹ. Đó là một điều vô nhân đạo, một điều mà lương tâm Nguyệt không bao giờ yên ổn.
Thấy Nguyệt ngập ngừng, chú Phát đoán được câu nói nên vào đề ngay:
- Thì em sẽ bỏ tui!
Nguyệt bào chữa một cách gượng gạo:
- Không hẳn như vậy, nhưng việc anh làm thủ tục đoàn tụ cho chị và các cháu sang càng sớm càng tốt là điều mà Nguyệt mong ước.
Chú Phát có vẻ suy tư rồi nói với Nguyệt:
- Chuyện đó anh đã lo, bạn bè anh cũng đang lo, chắc cũng vài tháng nữa là bà ấy sẽ qua. Anh vừa mới nói điện thoại với bả ngày hôm qua, bả cũng biết là anh đang chung sống với em.
Nguyệt tái mặt:
- Tại sao chị ấy biết?
Trong một thoáng giây Nguyệt đâm cáu:
- Nhưng mà Nguyệt không chấp nhận, bởi không một người đàn bà nào muốn chồng mình chia xẻ tình cảm với người khác. Dù nể chồng, thương chồng tới đâu đi nữa thì họ vẫn thấy khổ đau; họ không bộc lộ ra ngoài được thì cũng cháy ngầm ở trong tận cùng trái tim. Nguyệt là đàn bà, chị Phát cũng đàn bà, Nguyệt biết nỗi khổ của chị ấy. Tin anh đang chung sống với một người khác và sự im lặng của chị ấy không có nghĩa là chấp nhận, mà là một phản ứng chậm có tính cách giai đoạn.
Phát nhìn thẳng vào mặt Nguyệt và nói rất cương quyết:
- Tôi đã nói với bà ấy rồi, nếu bằng lòng ở một tiểu bang khác thì tôi sẽ bảo lãnh qua gấp, nếu không thì cứ ở Hồng Kông mà làm ăn với gia đình bà, lâu lâu tôi qua thăm. Còn vấn đề vì bả mà tôi phải xa em thì chắc chắn là không bao giờ xảy ra. Vả lại, tôi với bà ấy trước đây cũng thường hục hặc, không hợp với nhau chút nào cả!
Nguyệt cũng cương quyết:
- Thật ra Nguyệt không biết gì về chuyện gia đình của anh chị cả. Nhưng vấn đề tiên quyết là phải bảo lãnh chị ấy qua gấp, nghĩa là càng sớm càng tốt. Nếu không, Nguyệt sẽ bỏ anh và dọn đi về một tiểu bang khác.
Phát thấy Nguyệt qủa quyết, chú phải xuống giọng để trấn an nàng:
- Thì anh đã lo xong rồi, mình muốn gấp cũng đâu có được. Vả lại, Sở Di Trú quyết định chuyện đó chứ đâu phải do anh.
Thật ra, Nguyệt cũng không biết là nàng có yêu chú Phát hay không! Nàng thường tự hỏi lòng mình sau những lần chăn gối, sau những suy tư mệt mỏi. Có lẽ mặc cảm tội lỗi đã giết chết cái tình cảm mà nàng cố gắng cho Phát. Phải chăng ở Phát, nàng chỉ dành riêng một góc nào đó trong trái tim. Phát là một đại ân nhân đã cứu gia đình nàng ra khỏi những ngày đen tối nhất trong đời. Một người tốt bụng khó kiếm trên cõi đời này.
Đôi khi Nguyệt Cũng chìu chú Phát vì quá cảm động trước tấm lòng và tình thương của chú đã dành cho mẹ con nàng. Nhưng hình ảnh của chị Phát hôm gặp ở trại tỵ nạn Phi Luật Tân luôn luôn lãng vãng trong đầu óc làm nàng cảm thấy không yên ổn. Do đó, bất cứ cái gì xảy ra, kể cả những việc trọng đại như mua nhà cửa, mua sắm đồ đạc chưng bày trong nhà, Nguyệt cũng hờ hững như mọi sự đều chỉ là tạm bợ.
Đôi khi Nguyệt cũng tự trách mình sao tình cảm của nàng lại khô khan đến thế. Lấy chồng thì không yêu chồng. Khi chồng chết, nhìn hai đứa con dại bơ vơ trên cõi đời đen bạc thì Nguyệt mới nghĩ đời sống của mẹ con nàng cần có chồng. Có lẽ người mà nàng yêu thương là Tuấn, mối tình học trò đầu đời rất khó nhạt phai.
Tình cảm con người thật phức tạp. Nguyệt đã thật sự cảm nhận không thể yêu được Phát vì lương tâm và vì danh dự ngăn cản. Cũng có thể, nàng đã không tìm thấy tình yêu vì chàng là người Hoa. Tuy không mấy bất đồng về ngôn ngữ, bởi Phát sinh trưởng tại Việt Nam, nhưng Phát không có những cái thâm thúy trong ngôn ngữ Việt mà Nguyệt cần mỗi khi gần nhau tâm sự. Nói cho đúng ra, Phát là một mẫu người rất đáng yêu, nếu hoàn cảnh cho phép. Thế nhưng, nếu đời không có những chuyện tình ngang trái, đuổi bắt, khổ đau thì xã hội loài người đã trở thành một thiên đường.
Năm sau vợ Phát sang đoàn tụ, Phát mua sẵn căn nhà ở khu phố Tàu, thuộc tiểu bang Philadelphia, PA. Hôm đi đón ở phi trường, Nguyệt cũng có mặt. Vợ Phát nói tiếng Việt không rành, nhưng hiền lành, ít nói, lại không tỏ ra ghen tương làm Nguyệt phải ngạc nhiên đến cảm động cho sự chịu đựng của một người đàn bà. Trong lúc Phát lo chạy đến quày lấy hành lý, Nguyệt nói nhỏ với chị Phát bằng tiếng Anh là Nguyệt sẽ không lấy chú Phát và sẽ trả chàng về sau khi chị đã định cư yên ổn.
Chị Phát chỉ nhìn Nguyệt, gật đầu và tỏ vẻ biết ơn. Nguyệt tặng cho chị Phát một chiếc áo lạnh đắt tiền, xoa đầu hai đứa con và nói rằng, chúng nó cũng rất cần sự chăm sóc bằng tình thương của người cha. Chị Phát lại cám ơn và bắt tay Nguyệt.
Lấy hành lý xong, chú Phát đưa mọi người ra xe, chú lăng xăng nói nhiều về Nguyệt bằng tiếng Tàu với chị Phát. Chị ấy chỉ gật đầu, nhìn Nguyệt rồi lại bắt tay thật chặt. Thật ra, Nguyệt cũng đoán được là chú Phát đang nói tốt về mình.
Sau bữa cơm tối thân mật tại nhà hàng, Nguyệt từ giã ra về, chị Phát ôm nàng cám ơn. Nguyệt nói:
- Đúng ra em là người mang ơn chị mới phải.
Chú Phát không xen vào việc đối thoại giữa hai người, nhưng chú lật đật lái xe đưa vợ con về Phila.
Đêm đó, Nguyệt đã suy nghĩ đến sáng, sự chịu đựng của chị Phát đã làm lương tâm Nguyệt dày vò đến cùng cực. Thế nhưng, nàng cũng mãn nguyện là chị Phát đã đoàn tụ với chồng sau bao nhiêu năm xa cách, ít ra Nguyệt cũng tự an ủi là mình đã làm được việc phải. Nguyệt cũng dự định một thời gian không lâu, nàng sẽ tìm cách khuyên giải Phát trở về với vợ con. Còn nàng, hoặc ở lại New York, trả lại tất cả tài sản cho Phát, hoặc sẽ ra khỏi tiểu bang này.
*****
Hai năm qua nhờ sự cố gắng không ngừng, nên Nguyệt khá thành công trên thương trường tại đây, mặc dù công lao xây dựng nên sự nghiệp phát xuất từ chú Phát. Đối với người Việt tỵ nạn taị thành phố này, người ta vẫn nghĩ Nguyệt là một người Việt gốc Hoa, thông thạo tiếng Việt và họ cũng dành nhiều cảm tình cho nàng. Trong số những người quen biết thường hay lui tới với Nguyệt, có Đương là người biết rõ hoàn cảnh của nàng nhất. Từ ngày ly dị vợ, Đương lân la lui tới để mong chiếm được tình cảm của Nguyệt.
Chú Phát phải lên xuống Phila hằng tuần, Nguyệt đã nhiều lần khuyên Phát nên ở hẳn trên đó để lo cho vợ con vừa mới qua chân ướt chân ráo, nhưng Phát nhất định không chịu.
Để làm áp lực mạnh hơn, Nguyệt hoàn toàn từ chối mọi chung đụng về thể xác với Phát. Điều này, đã làm Phát buồn đến ngẩn ngơ vì biết rằng Nguyệt đang sắp xếp để lìa bỏ chú.
Trái với dự định của Nguyệt là chú sẽ phản ứng kịch liệt, hoặc lấy hết tài sản và đuổi mẹ con Nguyệt đi. Nhưng không, Phát vẫn ở đó để chịu đựng. Lắm khi Nguyệt cố tình tỏ ra thân thiện với Đương bằng cách gọi điện thoại, hoặc mời đi ăn tối. Nguyệt nghĩ rằng chỉ còn một cách duy nhất để cho chú Phát xa được nàng và về với vợ con là Nguyệt phải có một người tình, dù yêu hay không yêu. Thế nhưng, Phát vẫn tỉnh bơ và lo lắng công việc buôn bán như thường lệ, vẫn chăm sóc cho Cầm và Toại không một đổi thay. Biết Phát rất khổ tâm và tội nghiệp, nhưng Nguyệt nhất định thực hiện lời hứa của nàng là trả Phát về cho chị ấy.
Một hôm rảnh rỗi, Nguyệt lấy hết can đảm và nói thẳng với Phát:
- Nguyệt nghĩ là đến lúc chúng ta phải chia tay, vì Nguyệt không thể tiếp tục làm chị Phát buồn và điều quan trọng nhất là Nguyệt không thể yêu anh.
Phát không nói một lời nào vì chàng cũng biết là sẽ có ngày hôm nay. Bao nhiêu công trình mà Phát đã xây dựng cho Nguyệt, cho tương lai con cái Nguyệt chỉ là một giấc mơ. Phát chỉ mỉm cười và nói một cách tuyệt vọng:
- Vì thế nên em đã tìm người khác để dứt bỏ anh? Em đủ can đảm để thực hiện việc này?
Thấy Phát tội nghiệp, nhưng nàng vẫn cương quyết:
- Cũng là một lý do. Nhưng việc chính yếu nhất mà Nguyệt muốn nói với anh hôm nay là lời biết ơn sâu xa, và ghi nhớ mãi mãi đối với nghĩa cử cao đẹp mà anh đã chăm sóc mẹ con Nguyệt tận tình trong mấy năm qua. Nguyệt chỉ xin anh giữ cho em một thứ tình cảm đặc biệt như một ân nhân, một tình huynh muội vĩnh viễn để Nguyệt sống mà lương tâm không dày vò, không hổ thẹn với chị Phát.
Chú Phát nhẹ nhàng:
- Không ai có quyền buộc em một điều gì cả. Nếu không yêu anh mà phải sống một cách giả dối bên nhau chỉ vì xác thịt thì đó là một điều bất hạnh nhất của con người.
Nguyệt không ngờ hôm nay Phát cũng thâm thúy đến nỗi nàng phải ngạc nhiên trước những phản ứng nhẹ nhàng của Phát. Nguyệt nói:
- Còn vấn đề tiệm thực phẩm thì tùy anh quyết định. Nguyệt sẽ tìm một nơi khác để sinh sống.
Phát nói như dứt khoát:
- Tiệm thực phẩm là của em, tất cả những gì trong tay em là của em và hai con. Em nhất định dứt tình với anh, nhưng anh thì mãi mãi không bao giờ dứt tình với em. Em cứ ở lại đây lo làm ăn sinh sống để còn lo cho hai con. Còn anh, anh sẽ về Phila như ý em mong muốn, dễ thôi! Thỉnh thoảng anh sẽ về thăm gia đình em. Tình cảm của anh cho em, anh không bao giờ xin lại và những gì chúng ta tạo ra trong thời gian qua anh cũng áp dụng y như tình cảm mà anh đã dành cho em.
- Không, tất cả những gì mà em có ngày hôm nay đều do anh tạo ra, bởi vậy nó phải là của gia đình anh.
Phát cương quyết:
- Anh chỉ nói một lời và anh đã nói, thế thôi!
Cho đến giờ phút này mà Phát vẫn tốt với mẹ con nàng như buổi ban đầu, Nguyệt cảm thấy khó xử. Thế nhưng, nàng nhất định giữ vững lập trường, nghĩa là phải chấm dứt tình trạng vợ lẻ, chồng chung. Nàng nhất định phải giữ bộ mặt cứng rắn và dứt khoát để Phát về Phila với gia đình:
- Cái đó tùy anh xử lý. Một lần nữa, xin anh coi Nguyệt như một người em!
Phát bóp tay lên trán rồi nói:
- Anh không bao giờ xem Nguyệt như một người em được, bởi anh đã yêu thương em hơn chính bản thân anh, sống cho em trọn vẹn không thua kém một người tình chung thủy nào trên cõi đời này. Vì vậy, dù phải xa em trong một hoàn cảnh mà anh là kẻ bị bắt buộc, thì em vẫn là người anh yêu, thế thôi!
Nghe những lời thành thật từ tấm lòng Phát, Nguyệt rơi nước mắt. Lại mềm lòng. Đêm đó, đêm cuối cùng bên Phát, Nguyệt thú nhận vì quá cảm động trước tấm lòng cao đẹp của chàng:
- Thật ra, em đâu phải là những đồ vật vô tri vô giác, không có tình cảm, không có những rung động bên anh. Nhưng mà, chị Phát ... như anh đã hiểu... tấm lòng của em!
- Anh hiểu, em muốn nói đó là một hy sinh. Còn anh thì không cho đó là một hy sinh, mà là một sự trốn chạy, bởi vấn đề là em không thực sự yêu anh, nếu đây là một cuộc tình đúng nghĩa của nó thì chắc gì em đã hy sinh?
Một tháng sau, Nguyệt bán tiệm, gởi hơn một phân nửa số tiền về Phila cho vợ chồng Phát. Một thời gian sau, Nguyệt bán nhà dọn về Washington D.C. Nhưng rồi nhiều chuyện xui xẻo trong cuộc sống mới xảy ra đã làm Nguyệt thất bại trên thương trường.
Chú Phát vẫn thường liên lạc qua điện thoại trong thời gian Nguyệt di chuyển về Hoa Thịnh Đốn. Nghe Nguyệt làm ăn thất bại, chú Phát có ý định giúp, nhưng Nguyệt từ chối. Sau đó, Nguyệt từ giã ngành thương mại, đi học tiếp tục và trở lại nghề nhà giáo rồi phục vụ cho chương trình giáo dục ESL tại Sở Học Chánh D.C. Chú Phát thỉnh thoảng cũng có lên thăm gia đình Nguyệt, nhưng không còn đậm đà như xưa. Hai con của Nguyệt, Cầm và Toại đã lớn khôn, cả hai đều làm việc Parttime để phụ cho mẹ.
******
Buổi chiều thứ Bảy tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, một chương trình ca nhạc với chủ đề “Hát Cho Người Biển Đông” đã được cả ngàn người Việt đến ủng hộ. Họ đến với một tấm lòng của người đi trước, cứu kẻ đến sau. Đến với một tình thương đùm bọc và đến với hy vọng những đồng tiền nhỏ góp lại có thể xoa dịu phần nào nỗi cùng cực của thuyền nhân trên đường tìm kiếm tự do.
Chương trình ca kịch nhạc của Liên Hội Sinh Viên được tổ chức rất phong phú. Những tâm động khúc được cất lên từ các giọng ca không chuyên nghiệp, nhưng diễn tả đầy ắp tình người, đã làm khán giả rơi lệ.
Hay nhất là màn kịch “Nước Mắt Biển Đông”, tả một đôi vợ chồng trẻ cùng hai con xuống thuyền vượt biển tìm tự do. Vừa vượt khỏi nanh vuốt của bọn Việt Cộng trong đường tơ kẽ tóc, thì chiếc thuyền nhỏ bé lại gặp cơn bão khủng khiếp. Sau cơn bão, thuyền chết máy, phải lênh đênh trên biển cả mênh mông mấy ngày liền. Lương thực đã cạn, mọi người trên thuyền tuyệt vọng kiệt sức vì đói khát. Đúng là hoạ vô đơn chí, chiếc thuyền khốn khổ ấy lại bị một đoàn tàu hải tặc, mặt người dạ thú, cướp của giết người quăng xuống biển không gớm tay. Trong cơn nguy biến người vợ đã nói những lời trăn trối với chồng con đầy tình nghĩa:
“Nếu em phải hy sinh cho các con được sống, thì xin đừng chống đối họ bởi vì chúng ta đã kiệt sức. Hãy cố gắng chống chọi với đại dương để đem những người còn lại trên tàu ra khỏi cơn nguy biến. Em sẽ làm vật hy sinh cho bọn hải tặc để anh được sống, hai con được thoát thân. Anh chỉ cần cầu nguyện cho linh hồn em siêu thoát, chắc chắn là sau khi lià đời em sẽ phù hộ cho anh, hai con và những người còn sống trên tàu đến được bờ tự do”.
Người chồng nhìn vợ một cách đau đớn rồi nhìn bọn hải tặc đang tiến lại sát tàu với dao găm, với vai u thịt bắp. Chàng lắc đầu:
“Nếu chết thì chúng ta cùng chết, anh không thể ở lại trên đời này nếu thiếu em”.
Người vợ lay mạnh vào vai chồng rồi nhất quyết:
“Anh phải bình tĩnh, hãy nghĩ đến sự sống còn của hai con. Em sẽ theo họ để cứu sống những người còn lại. Xin anh đừng chống họ trong tuyệt vọng”.
Nói xong, người vợ với tấm lòng hy sinh cao qúi ấy tiến lại phiá mũi tàu và ngồi xuống theo thế cầu nguyện, rồi nở một nụ cười khô héo với bầy hải tặc đang ở bên kia tàu lăm le nhào sang. Người vợ vẫn cười như một mời mọc, đôi mắt nàng nhắm lại nguyện cầu.
Lạ thay! Trời đang nắng, bỗng dưng tối sầm lại, cơn mưa giông kéo đến, sấm chớp nỗ tung trên mạn thuyền bọn hải tặc. Khiếp quá! Như một phép lạ, bọn hải tặc phải quay đầu tàu để ra khỏi vùng giông bão. Người vợ vẫn ngồi đó tiếp tục cầu nguyện... mọi người trên tàu lết lại bên nàng, Người chồng nhìn vợ đầy kinh ngạc, tất cả những người trên thuyền cũng quì xuống nhìn lên trời theo thế cầu nguyện...
Cô bé đóng vai người vợ thật xuất sắc, chỉ amateur mà diễn xuất không thua gì những tay nhà nghề ở Hollywood. Khuôn mặt nàng, lúc thì cương quyết, lúc thì nhẹ nhàng, lúc thì thành khẩn, đã thể hiện tấm lòng hy sinh cao quí của người phụ nữ Việt làm khán giả hồi hộp, rung động đến nghẹt thở. Tuấn ở sau hội trường với anh em sinh viên trẻ, bàn tán và phục sát đất về cô sinh viên thủ vai người vợ này.
Sau màn kịch cô bé chạy ra hậu trường rồi tiến lại phiá Tuấn để hỏi ý kiến như một người đã quen thân:
- Anh thấy sao? Cầm đóng tuồng được không?
Tuấn khen thật tình:
- Em... à cháu đóng hay đến nỗi cả hội trường nghẹt thở trước lối diễn xuất sống động.
Cô bé cười nói một cách tự nhiên:
- Thật không?
- Nói láo với cô để được gì!
Cô bé đổi đề tài:
- Các anh, các chị mới là hay, sáng tác nhạc, ca hát thật cảm động. Cầm cứ nghĩ được sinh hoạt chung với các anh chị thật là một hãnh diện.
Một người tên Dũng trong đám sinh viên nãy giờ ngồi chung với Tuấn vội vã giới thiệu:
- Xin giới thiệu với anh Tuấn, đây là “Nữ Đại Tài” Băng Cầm.
Cách xưng hô anh em của đám sinh viên làm chàng cảm thấy trẻ ra như khi ngồi trên dương cầm và thả hồn theo âm nhạc. Cô bé nhìn Tuấn rồi cười nói một cách tự nhiên:
- Tên em là Băng Cầm mà tụi sinh viên Mẽo thì cứ gọi là kem... kem, lắm khi em muốn thèm cà rem đến chảy nước bọt!
Cô bé tự nhiên và có duyên đáo để trong cách nói, trong điệu bộ. Có lẽ vì thế mà anh em sinh viên cứ vây quanh nàng như vây một công chúa. Tuấn thầm nghĩ, tuổi trẻ Việt trên đất người đã tiến bộ một cách phá kỷ lục. Trên phương diện học vấn, sinh viên Việt Nam đã làm cả thế giới kinh ngạc vì sự thông minh và hiếu học của họ. Trên phương diện hội nhập vào xã hội với người bản xứ, họ cũng đã không thua kém một ai. Thế mà họ vẫn luôn luôn quay về với nguồn gốc, với văn hoá dân tộc là một điều đáng hãnh diện, đáng khuyến khích cho họ tiếp nối truyền thống cao đẹp của cha ông.
Thế là họ quen nhau, những hoạt động xã hội giúp đỡ đồng hương Việt Nam được đem ra bàn thảo. Tuấn kể cho họ nghe những chuyến đi sinh hoạt khắp nơi để đốc thúc tinh thần người Việt, đấu tranh cho quê hương đất nước, rút ngắn ngày về. Cầm cắt ngang câu chuyện:
- Vậy bao giờ anh lại bay về dưới đó?
- Tối mai.
- Trưa mai mời anh về nhà tụi này ca hát, sinh hoạt với anh em sinh viên được không?
Tuấn đặt điều kiện:
- Nếu buổi tối có anh em nào đưa ra phi trường thì chịu ngay.
Cầm quay lại đám sinh viên nói như một yêu cầu:
- Dũng đây này, anh hùng xa lộ mà.
Dũng với khuôn mặt hiền từ rất dễ cảm tình:
- Em đưa cho, dễ ợt mà.
Ngày hôm sau, Tuấn thức dậy trễ, chưa ăn điểm tâm thì anh em sinh viên đã đến đón chàng. Ngồi trên xe, băng qua những con đường rợp bóng cây, Tuấn lại nhớ tới thuở thiếu thời, nhớ tới những ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Xa quê hương, xa mái trường thân yêu đã mấy chục năm rồi, nhưng mỗi lần bắt gặp một hình ảnh nào đó trong một khuôn viên đại học là Tuấn cảm thấy những nuối tiếc dâng lên trong lòng chàng. Có lẽ tuổi hoa niên là một đoạn đời đẹp nhất của con người. Phải chăng những kỷ niệm được bồi đắp trong thời gian đó là những vết hằn in dấu trinh nguyên trong một đời người.
Cảnh vật và khí hậu ở đây tuyệt vời, chàng cố liên tưởng đến một con đường nào đó ở quê nhà để moi tìm cho chính chàng một thoáng nhớ thương. Thế nhưng chàng vẫn không nghĩ ra, đầu óc chàng bỗng dưng rỗng tuếch như đang lọt vào một khoảng không vô định. Chàng giật mình khi Dũng ngừng xe:
- Nhà Cầm ở đây, xin mời anh quá bước?
Tuấn thầm khen là con bé vẫn còn rành Việt ngữ hơn cả những người lớn, lanh lẹ, da diết và có duyên hết chỗ chê. Bước vào nhà là Tuấn đã thấy bảy tám anh em sinh viên đang quây quần vừa hát vừa vỗ tay với những bài sinh hoạt ca quen thuộc. Căn nhà khá rộng. Tiếng đàn Tây Ban Cầm của một sinh viên trẻ, nhịp nhàng làm mọi người hứng khởi nhập cuộc. Hết bản nhạc, Tuấn bắt tay mọi người và tự giới thiệu. Dũng nhanh miệng:
- Các bạn cứ tiếp tục.
- Đang đợi “cô đại tài tử” để hoà với dương cầm đây.
Cầm bước vào nhà, nhoẻn miệng cười:
- Các bạn cứ tiếp tục ca hát, anh Tuấn sẽ nhập cuộc với những nhạc khúc tác động ca. Hôm nay mẹ Cầm đi Chùa từ sớm, chỉ có hai chị em Cầm ở nhà cho nên chúng ta được quyền tha hồ mà phá phách.
Nghe lời Cầm tuyên bố, anh em vỗ tay tán thưởng. Cầm xoay lại phía một người trẻ nhất trong đám, nàng nói:
- Đây là Toại, đứa em duy nhất và rắc rối nhất của Cầm, xin giới thiệu với anh Tuấn.
Toại chỉ cười một cách hiền lành. Tuấn nhìn Toại, chàng bỗng cảm thấy dường như ở Toại có vẻ quen quen và đã gặp đâu đó một lần. Tuấn đảo mắt một vòng, căn phòng khách chưng bày khá nghệ thuật. Bên kia gần lò sưỡi là chiếc dương cầm. Bên này, nơi chàng đang ngồi với anh em sinh viên là một bộ sa-lông đắt tiền, kế đó là những chậu kiểng xanh tươi được chăm sóc kỹ lưỡng. Cầm rót một ly nước ngọt đặt lên bàn và mời Tuấn:
- Anh uống tạm, biết anh chưa ăn sáng, tụi này định trổ tài đãi anh món ăn trưa quốc hồn quốc túy một thể.
Tuấn vui vẻ:
- Anh em cả mà, anh vẫn chưa đói. Phải ca hát nói dóc một hồi mới có thể đói.
Có tiếng của Tâm trong bọn đề nghị:
- Để các cô xuống bếp lo nấu món Bò Kho quốc hồn quốc túy, còn Cầm phải ngồi lên đàn để cùng ca hát với anh em được không?
Cầm lý luận:
- Có khách đến nhà thì Cầm phải lo “take care” chứ, ai lại đi đánh đàn. Vả lại có anh Tuấn đánh thế Cầm được không?
Không một ai phản đối. Tuấn ngồi lên dương cầm dạo một đoản khúc rồi hòa theo với tiếng Guitar. Tiếng ca hát, tiếng vỗ tay đều nhịp đã làm cho bầu không khí thật vui nhộn. Cầm xong chuyện nhà bếp cũng nhập bọn, nghe Tuấn chơi dương cầm nàng thấy thích:
- Cầm đang học nhạc Classic nên chơi hợp âm như anh rất gượng tay.
Tuấn nói liền:
- Cứ chơi bừa lên là quen tay à?
Cầm cười vui vẻ, hồn nhiên như một đứa trẻ. Những mẫu đối thoại về âm nhạc và cách xử dụng hợp âm làm Cầm rất thích thú. Nàng ngồi lên đàn, chơi một bản Chopin với mười ngón tay nhuyễn nhừ làm Tuấn nhìn đến bằng thích. Đánh hết bản classic, Tuấn gợi chuyện:
- Chắc là ba mẹ thích nghe tiếng đàn của Cầm lắm phải không?
Cầm dịu giọng như kể lể:
- Mẹ cầm rất ưa nghe những bản nhạc Việt thật buồn như: Cơn Mưa Phùn, Ngậm Ngùi, và những tình khúc tiền chiến. Một điều mất mát là Cầm không có ba, nghe mẹ nói ba chết trong trận đánh đầu tiên tại vùng Cao Nguyên Ban Mê Thuột vào năm 1975.
- Vậy gia đình Cầm qua Mỹ từ năm nào?
Cầm có vẻ đăm chiêu:
- Gia đình Cầm đi theo một người Tàu vượt biển vào năm 1978, hồi đó Cầm chỉ mới 7 tuổi. Bây giờ thì lớn lắm rồi. À ha!
Cầm chỉ tay vào một bức hình cỡ 8 x11 ở bên kia bức tường. Tuấn đưa mắt nhìn chăm chú, chàng cảm thấy người trong tranh có một nét quen quen như đã gặp ở đâu nhiều lần. Chàng cố vận dụng tiềm thức. Tiến lại nhìn sát vào bức hình.
Thấy Tuấn chăm chú vào bức hình, Cầm lên tiếng:
- Hình đó chụp cách đây ba năm rồi, anh thấy Cầm lớn ra nhiều không?
Tuấn không chú ý tới câu hỏi của Cầm. Bất chợt chàng la lên:
- Nguyệt? Đúng rồi!
Cầm ngạc nhiên nhìn chăm chú vào mặt Tuấn:
- Sao anh biết tên mẹ Cầm.
Tuấn như người trong mơ, chàng vỗ vào vai Cầm:
- Mẹ cháu tên là... Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Sau cùng ở Nha Trang?
Cầm cũng lúng túng theo sắc mặt của Tuấn:
- Đúng, chính là tên họ của mẹ Cầm. Nghe mẹ nói hồi đó chạy từ Đà Lạt về và ở lại Nha Trang rồi 3 năm sau mới theo chú Phát vượt biển.
Tuấn mừng đến run cả tay chân, chàng ôm chặt lấy Cầm và nói trong sung sướng:
- Ngày cuối cùng ở Nha Trang cậu đã ôm cháu vào lòng, nhưng sau đó... sau đó thì xa nhau... cậu sẽ kể cho cháu nghe tại sao gia đình cháu không đi được với cậu. Mẹ bây giờ đang ở đâu? Gọi mẹ về ngay được không?
Câu chuyện tình cờ gặp lại nhau giữa Tuấn và gia đình Cầm đã làm anh em sinh viên bỏ ngang sinh hoạt ca hát. Họ xúm lại chia xẻ niềm vui với Cầm, Toại. Tuấn cảm động và sung sướng như tìm lại được một báu vật mà chàng đã đánh mất trong mấy mươi năm qua. Cầm và Toại cũng vui hẳn ra mặt, họ loay hoay dọn dẹp chén bát trên bàn ăn. Cầm đề nghị và đổi cách xưng hô:
- Cháu sẽ gọi mẹ về ngay, nhưng cậu nên bình tĩnh để làm cho mẹ ngạc nhiên.
- Tùy cháu.
Cầm nhấc điện thoại:
- Xin lỗi cô cho cháu gặp mẹ cháu là bà Nguyệt ạ?
Tiếng người bên kia đường dây:
- Vâng, cô chờ chút!
Cầm bình tĩnh:
- Mẹ về nhà ngay có được không mẹ?
- Có chuyện gì không?
- Gấp lắm mẹ, có người thân đang chờ ở nhà.
Nguyệt rầy nhẹ:
- Là ai? Sao không nói cho mẹ rõ?
- Thì mẹ cứ về đi! Con dành ngạc nhiên cho mẹ đó.
- Ừ! Lâu lâu lại cứ phá mẹ!
Nguyệt vừa đậu xe vào sân là cả đám sinh viên ùa ra vui mừng:
- Cô nhắm mắt lại, tụi cháu sẽ cho cô một món quà lớn.
Nguyệt vừa cười vừa xách bịch trái cây bước xuống xe:
- Các cháu bao giờ cũng bày đặt quà với cáp.
Nghe tiếng Nguyệt vọng vào từ ngoài hiên nhà, Tuấn cảm thấy như ai đốt lửa vào đôi chân. Mừng quá chàng mở cửa bước ra sân. Nguyệt nhìn Tuấn ngạc nhiên và vui mừng đến đánh rớt bịch trái cây xuống đất. Tuấn đưa Nguyệt vào nhà chẳng nói được một lời nào. Họ nhìn nhau thật lâu như để tìm lại dấu vết ngày xưa và cuộc tình học trò dang dở.
Gặp lại Nguyệt trên đất Mỹ, Tuấn cứ ngỡ là chàng đang sống trong mơ. Cô bé liến tháo đánh dây thun ngày nào, bây giờ đã ngoài tứ tuần. Họ lại nhìn nhau mỉm cười và chẳng nói được thêm một lời nào. Có lẽ, niềm vui đang dâng ngập trong mỗi tâm hồn đã làm họ chết lặng.
Trong giây lát, Nguyệt trở về với thực tại, giới thiệu Tuấn và kể sơ qua về mối liên hệ giữa hai gia đình cho Cầm và Toại nghe. Chiều hôm đó, Tuấn bỏ chuyến bay và ở lại thêm mấy ngày.
Những ngày bên Tuấn, Nguyệt kể lại mối tình chú Phát cho chàng nghe. Tuấn cảm động, nhưng trách Nguyệt là đã đối xử quá tàn nhẫn với chú Phát. Chú ấy là một ân nhân lớn đối với gia đình Nguyệt, cho dù không còn một lối thoát êm đẹp nào khác hơn, nhưng việc lìa bỏ chú ấy đột ngột là một điều không phải lúc. Đành rằng ân nghĩa không thể trả bằng tình nhưng giải quyết một vấn đề tình cảm cần khéo léo hơn để làm cho đối tượng bớt khổ đau, uất ức là một điều cần thiết. Hơn nữa, dầu muốn dầu không thì Nguyệt cũng đã chung sống với chú Phát hơn hai năm trời. Khoảng thời gian đó, hai người sống bên nhau, cho dù tình nghĩa không mấy đậm đà, nhưng ít ra đó cũng là một đổi thay lớn trong đời Nguyệt. Tuấn hỏi:
- Bây giờ chú Phát ở đâu?
- Vẫn ở Phila., chú cũng ít liên lạc. Thế nhưng, Cầm và Toại rất mến chú Phát, mỗi lần chú ấy đến thăm là tụi nó quấn quít như một người thân.
Tuấn thở dài:
- Tội cho chú Phát, cũng vì em mà chú ấy phải khổ! Còn chuyện cái anh chàng tên Đương đi tới đâu?
- Quen Đương trong giai đoạn đó chỉ để giải quyết vấn đề chú Phát. Một thời gian ngắn sau đó là em chấm dứt ngay. Thật ra, đàn bà không chồng thì thiếu gì người dòm ngó. Nhưng em nghĩ, ở vậy chăm sóc cho con cái và lại có một đời sống tự do, không lệ thuộc vào bất cứ một ai cả là thoải mái nhất. Chuyện chú Phát, theo em thì đã giải quyết đúng. Bây giờ tất cả đều đã qua rồi! Đúng là một đời dang dở, cái dở dang đó bắt đầu... ở anh! Phải không?
- Anh muốn chúng ta sẽ đi thăm anh chị Phát. Họ là những ân nhân khó kiếm trên cõi đời này. Sống phải có ân nghĩa, phải có trước sau.
Nguyệt nói như phân trần:
- Thật ra, em đâu phải sắt đá. Hình ảnh chú Phát vẫn nằm mãi trong tim em. Nhưng mà... biết làm sao hơn! Tình yêu và tình nghĩa là hai vấn đề khác nhau. Em nghĩ là gia đình em còn nợ chút Phát rất nhiều.
Tuấn nắm chặt tay Nguyệt, chàng có cảm tưởng một như luồng điện cực mạnh đang chạy khắp châu thân. Nhìn thẳng vào đôi mắt nàng, chàng thấy những giọt nước mắt long lanh đang chực sẵn để lăn dài xuống má. Tuấn an ủi:
- Em nói đúng, một đời dang dở, anh cũng có phần đóng góp trong cái dang dở của em. Nhưng mà... tất cả đều do định mệnh sắp đặt, điều may mắn là chúng ta vẫn còn. Cuối đời mình lại gặp nhau để ôn lại dấu chân của những ngày đầu đời.
Nguyệt ôm chặt lấy Tuấn, mặc cho những giọt nước mắt làm ướt áo chàng. Nàng nức nở:
- Em thật xấu số, suốt một đời người khổ đau với những cuộc tình dang dở. Cuối cùng gặp anh rồi cũng phải chia ly. Mai anh đi rồi, lại mang theo những nhung nhớ mãi mãi vào trong tận cùng tâm hồn em!
Tuấn nhẹ nhàng, nhưng cương quyết:
- Không, mình sẽ không bao giờ xa nhau nữa. Về dưới đó, anh sẽ thu dọn để em di chuyển xuống miền nắng ấm. Em sẽ có thêm những đứa con anh, gọi em bằng cô Nguyệt và chắc chắn anh sẽ kể cho chúng nó nghe câu chuyện đánh dây thun của tụi mình hồi còn bé.
Nguyệt cười ngặt nghẽo với những giọt nước mắt còn lăn dài trên má:
- Anh vẫn còn nhớ? Có lẽ vì thế mà đời em dang dở.
- Không, em sẽ là người hạnh phúc nhất. Như anh đã nói hồi nãy, em có Cầm, Toại là những đứa con ngoan hiền, thông minh, hiếu thảo. Em còn có gia đình chú Phát, bây giờ lại có thêm gia đình anh, khi tối lửa tắt đèn chúng ta có nhau như những ngày còn bé.
Trương Sĩ Lương
(Trích tập truyện Một Đời Dang Dở, xb-1985)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét