Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles USS Cheyenne của Hoa Kỳ.Việc Australia huỷ bỏ hợp đồng mua tàu ngầm thông thường của Pháp trị giá 40 tỷ đô la để chuyển sang thoả thuận đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Hoa Kỳ và Anh sau khi công bố mối quan hệ đối tác an ninh ba bên vào cuối tuần qua đang gây ra “sóng gió” trong quan hệ của các đồng minh phương Tây.Phía Pháp tỏ ra rất tức giận, nói rằng Úc đã “phạm sai lầm ngoại giao to lớn” và việc huỷ bỏ hợp đồng đã đạt được từ năm 2016 là một “cú đâm sau lưng” của các đồng minh. Nước này cũng huỷ bỏ các sự kiện liên quan ngoại giao ở Washington và lập tức triệu hồi đại sứ từ Washington và Canberra về nước.
<!>
Trong khi đó, Thủ tướng Morrison bảo vệ quyết định của Australia với lý do “lợi ích quốc gia” và khẳng định rằng đã thông báo cho Pháp về khả năng hủy “hợp đồng thế kỷ” này từ hồi tháng 06/2021.
Giữa lúc tình trạng căng thẳng giữa các cường quốc đồng minh phương Tây chưa có dấu hiệu được giải quyết, phóng viên Khánh An của VOA thực hiện cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, để tìm hiểu về những ảnh hưởng và tác động của sự kiện này đối với vấn đề an ninh và cân bằng quyền lực trên Biển Đông, cũng như vai trò của Việt Nam trong chiến lược của mối quan hệ an ninh vừa mới thành lập AUKUS.
VOA: Thưa giáo sư, trong sự việc căng thẳng mới nhất xảy ra giữa các đồng minh phương Tây, về phía Pháp, mà cụ thể ở đây là Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian, đã lên án việc Australia huỷ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp và ông nói rằng thỏa thuận tàu ngầm mới của Australia với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là hành động “đâm sau lưng” của các đồng minh. Là một nhà nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế và là một công dân Australia, ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
GS. Carl Thayer: Trong chín năm qua, Australia và Pháp đã phát triển mối quan hệ quốc phòng-an ninh. Năm 2012, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2016, Pháp và Australia đã ký một thỏa thuận để Pháp đóng tàu ngầm thông thường cho Australia.
Sau khi ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp, ông đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để xây dựng nền tảng này. Pháp và Australia đã công bố Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược nâng cao vào năm 2017 nhằm tăng cường sự tham gia của họ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mang lại lợi ích ưu tiên cho các mối quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh và tình báo. Năm 2018, hai nước đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về Mối quan hệ Úc-Pháp.
Thỏa thuận tàu ngầm với Tập đoàn Hải quân của Pháp là một vấn đề nan giải về chi phí thực hiện và thời hạn kéo dài. Không nghi ngờ gì việc Thủ tướng Scott Morrison đã đề cập với Tổng thống Macron về những khó khăn này khi họ gặp mặt trực tiếp trong năm nay, nhưng ông Morrison đã không nói với ông Macron rằng vì hoàn cảnh chiến lược thay đổi nhanh chóng mà những tàu ngầm của Pháp sẽ được thay thế bằng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ thiết kế.
Tổng thống Macron chưa bao giờ được tiết lộ về các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng giữa Australia, Mỹ và Anh. Ông Macron chỉ biết về quan hệ đối tác AUKUS vào đêm trước khi nó được công bố. Dĩ nhiên ông Macron và nước Pháp cảm thấy bị phản bội vì cách xử lý kém của ông Morrison trong vụ này. Điều này đặt ra câu hỏi về những nỗ lực đã đạt được trong 9 năm qua trong việc Pháp và Australia hợp tác với tư cách là đối tác chiến lược nhằm đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và ổn định.
VOA: Pháp nói rằng nước này đang gặp “khủng hoảng” với Australia và Mỹ sau khi hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ đô la bị hủy bỏ. Trong khi Pháp cũng là một trong các bên tham gia vào những nỗ lực của phương Tây trong việc kiềm chế những hành vi lấn lướt và quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, theo giáo sư, liệu cuộc khủng hoảng có ảnh hưởng gì đến những nỗ lực của phương Tây hay không? Và liệu nó có đề ra bất kỳ mối quan ngại hay rủi ro nào về an ninh ở Biển Đông hay không?
GS. Carl Thayer: Việc hình thành quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS là một bước phát triển chiến lược quan trọng gắn kết Australia với Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới. Nhưng những bước phát triển không kém phần quan trọng khác cũng đang diễn ra bên cạnh việc chuyển giao công nghệ hạt nhân. Nhóm Bộ tứ sắp tổ chức cuộc họp trực tiếp đầu tiên để vạch ra chiến lược nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Riêng Australia đã củng cố quan hệ quốc phòng song phương với Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc.
Dấu ấn về phòng thủ của Hoa Kỳ tại Australia sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn cùng với việc gia tăng triển khai luân phiên Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, và việc đồn trú các tàu chiến và máy bay quân sự của Hoa Kỳ tại các căn cứ quân sự của Úc. Australia sẽ có được khả năng tấn công tên lửa tầm xa trước khi các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của họ được triển khai.
Những lợi ích chiến lược của Pháp trong việc bảo vệ các vùng lãnh thổ của họ ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương sẽ không thay đổi, cũng như lợi ích của Pháp trong việc giữ cho các tuyến thuỷ lộ trên Biển Đông được an toàn và an ninh cũng không thay đổi. Thời gian sẽ trả lời nếu như Pháp quyết định đi một mình. Điều này sẽ chỉ ảnh hưởng nhẹ đến sự cân bằng ở Biển Đông, nơi Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ đóng vai trò lớn hơn.
VOA: Vâng. Như vậy, liệu cuộc khủng hoảng giữa các đồng minh phương Tây có mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc hay không?
GS. Carl Thayer: Trung Quốc có thể có được một số lợi ích chính trị ngắn hạn từ cuộc khủng hoảng này ở châu Âu. Nhưng Trung Quốc nay phải đương đầu với một thực tế là việc hiện đại hóa quân đội của họ sẽ phải đối mặt với một thách thức thậm chí còn ghê gớm hơn ở Biển Đông, không chỉ bây giờ nhưng trong những thập niên tới khi Australia có được 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
VOA: Có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ sẽ đạt được ba mục tiêu nếu mua lại các tàu ngầm Shortfin Barracuda của Pháp và sau đó chuyển giao chúng cho Việt Nam. Các mục tiêu sẽ đạt được bao gồm: Chính quyền Biden sẽ sửa chữa được mối quan hệ với đồng minh lâu đời nhất của Mỹ là Pháp. Thứ hai, cung cấp cho một đối tác an ninh đang lên bằng những phương tiện mới mạnh mẽ để thách thức chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Thứ ba, hành động này sẽ kiểm tra được cam kết của Tổng thống Emmanuel Macron đối với an ninh quốc tế ở Biển Đông. Giáo sư bình luận gì về ý kiến này? Liệu đây có thể là một lựa chọn khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng giữa các đồng minh phương Tây hiện nay?
GS. Carl Thayer: Đề xuất này chỉ là một chiếc bánh vẽ. Việt Nam đang sở hữu 6 tàu ngầm thông thường Varshavyanka (lớp Kilo) do Nga sản xuất. Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào Nga và một số quốc gia quen thuộc với công nghệ quân sự của Nga (như Ấn Độ, Belarus, Ukraine) về hải quân, trong đó có hạm đội tàu ngầm. Sẽ là một cơn ác mộng về chi phí nếu tích hợp công nghệ của Pháp vào cơ cấu lực lượng hiện nay của Việt Nam.
Không rõ liệu Việt Nam có đủ khả năng để tích hợp tàu ngầm của Pháp vào hạm đội hải quân của mình hay không. Cũng không rõ liệu Việt Nam có thực sự phát triển chương trình về hạm đội tàu ngầm để bổ sung cho chiến lược hàng hải của mình hay không. Bên cạnh đó, việc thêm các tàu ngầm Shortfin Barracuda của Pháp cũng sẽ không làm thay đổi cán cân sức mạnh hàng hải trên Biển Đông.
Có bốn yếu tố khác cần phải được tính đến.
Thứ nhất, Việt Nam đã chậm lại đáng kể trong việc mua lại các phương tiện phòng thủ lớn trong những năm gần đây do chi phí bảo trì và bảo dưỡng hiện tại. Việc mua lại các tàu ngầm Shortfin Barracudas sẽ chỉ làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.
Thứ hai, Việt Nam lâu nay có chính sách quốc phòng “ba không” và được mở rộng thành “bốn không” vào cuối năm 2019. Đó là: không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không liên kết với một nước chống lại nước thứ ba và không sử dụng vũ lực trước. Vì vậy, Việt Nam không thể bị mua chuộc trong việc tham gia cùng Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc.
Thứ ba, bất chấp tranh chấp Biển Đông, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến triển khá tốt.
Thứ tư, vấn đề là liệu luật pháp Hoa Kỳ và/hoặc Quốc hội Mỹ hiện tại có cho phép một thỏa thuận như vậy xảy ra hay không.
VOA: Vâng, thưa giáo sư, nói về AUKUS, liệu quan hệ đối tác an ninh ba bên mới hình thành này có mang lại lợi ích cho các nước ASEAN là các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hay không? Liệu Việt Nam có là một trong những quốc gia quan trọng trong chiến lược của mối quan hệ vừa hình thành giữa Australia, Mỹ và Anh hay không?
GS. Carl Thayer: Các nước ASEAN, bao gồm cả Singapore, không muốn bị buộc phải chọn phe. Nhưng đa số đều cho rằng sự hiện diện liên tục của Hoa Kỳ là mang lại sự cân bằng và ổn định trong việc kềm chế hành vi của Trung Quốc. Sự kết hợp của Bộ tứ cộng với AUKUS sẽ quyết định sự cân bằng quyền lực trong tương lai trong khu vực. Điều này giúp cho các bên tranh chấp ASEAN có thời gian để phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phát triển nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng đối trọng với việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc không giống như giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Riêng Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng như một lực lượng trung gian mới nổi. Việt Nam sẽ tìm cách tăng cường quyền tự chủ trong các hành động độc lập và tránh ngả về phía Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã thêm vào một cảnh báo trong “bốn không”. Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam nói thêm rằng, “Tùy vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển các mối quan hệ quốc phòng và quân sự cần thiết, phù hợp với các nước…”
VOA: Vâng. Cám ơn Giáo sư Carl Thayer đã dành thời gian cho VOA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét