Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Giỗ Má tôi: “Bồ Tát” trong Trời - Minh Phượng

 

Má tôi, năm 2011

Tính theo lịch ta thì ngày thứ tư, 15 tháng 9, 2021 là giỗ lần thứ 8 của Má tôi. Trong ngày cuối tuần trước đó, đám con cháu nội ngoại xa gần đã tề tựu về để dâng hương tưởng niệm. Tuy tính khí, suy nghĩ, góc nhìn, và chí hướng trong đời có khác nhau, nhưng chúng tôi đều có chung một nhận định: Má tôi là biểu tượng của tình thương yêu chan hòa, bác ái, là đóa sen ngát hương thơm thuần khiết, trong lành, là điểm tựa cho chúng tôi, những đứa con, đứa cháu từng được Má tôi chăm sóc, bảo bọc nuôi dưỡng khi còn thơ và là kim chỉ nam dẫn lối cho chúng tôi về nẻo thiện, duy lương.

<!>

Ba tôi mất khi tôi vừa qua năm tuổi, đứa em nhỏ nhất chỉ mới hơn hai tuổi, và anh cả chỉ mới 9 tuổi. Má tôi ở vậy, dốc lòng một thân lặn lội nuôi đàn con nhỏ dại, lại hay bệnh tật (dù Má tôi cưng quý, và nuôi con rất kỹ lưỡng). Trong chiến tranh, chuyện người quả phụ, một người mẹ Việt Nam ở vậy tần tảo nuôi con trở thành chuyện rất thông thường, gần như là chuyện bình thường. Cái không bình thường là chuyện Má tôi đã không những chỉ hy sinh, sống vì con, tất cả cho con, cho bà con, họ hàng, mà còn lo cho cả người dưng khi họ gặp chuyện không may. Và bất thường nhất là tinh thần phóng khoáng, không tin vào những mê tín, dị đoan, nhất là khi những cái mê tín đó đi ngược lại với tấm lòng thương người, thương vật vô bờ bến của Má tôi.

Có thể nói rất khó có người thông minh hơn Má tôi! Ông ngoại tôi bị bệnh lao, qua đời khi Má tôi chỉ mới 6 tuổi. Từ đó, Má tôi đã phải làm lụng vất vả để giúp bà ngoại tôi trang trải nợ nần ngoại mắc phải khi dồn hết sức lo chạy chữa cho ông ngoại tôi… Lớn lên, sau khi về nhà chồng, Má tôi tuy may mắn được Ba tôi thương yêu, quý mến, dạy cho Má tôi viết, đọc báo, và làm toán thật nhanh vì người rất thông minh, nhưng Má tôi thực sự chưa có một ngày đến trường, dù Má rất thèm được đi học. Và khi Ba tôi mất sau một chuyến công tác, Má tôi đã có đủ kiến thức để thi vào làm thư ký cho Hải Quân Công Xưởng, và khi có lớp kế toán, người cũng đã học và thi đậu bằng kế toán, để được làm kế toán cho Ban Tiếp Liệu, “ngạch” lương cao hơn một chút để nuôi con…Không những vậy, ngoài nghề cắt may đủ kiểu áo quần thật khéo, thật đẹp, dù chỉ được học lóm từ Dì tôi, Má tôi còn học từ Ba tôi cách sửa điện, thay cầu chì trong nhà và có tay trồng trọt cây cối mát xanh, tươi tốt…

Điều gì đã khiến Má tôi, một người con gái mồ côi cha từ nhỏ, thất học, nghèo khổ trong thời thơ ấu trở thành biểu tượng của hoa sen? Cái gì đã khiến cho Má tôi dù phải chịu đựng biết bao thử thách, mất mát đau thương tột cùng, (từ khóc Cha, đến khóc chồng, rồi mất đi ba đứa con yêu), nhưng Má tôi không bao giờ chịu ngã gục, cũng không hề than van, và vẫn giữ hoài tinh thần hướng thiện, vằng vặt một màu thanh lương, và đến ngày nhắm mắt lìa đời vẫn “trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm” và nhất là không hề vơi đi lòng từ bi cứu độ muôn loài, cả những lúc khó khăn, thiếu thốn nhất?

Trong các anh chị em trong nhà thì tôi là người hay thắc mắc về “tiểu sử” của Ba Má tôi, và vì thế thường hỏi han, để được nghe Má tôi kể về chuyện thời ấu thơ, về thời gian Ba Má tôi từ ngày hai người còn là hai đứa trẻ cùng xóm, cho đến ngày Ba tôi qua đời..Bao kỷ niệm muôn màu muôn sắc, buồn vui, thăng trầm trong bối cảnh xã hội với Ba tôi miệt mài với lý tưởng cao vời cho dân tộc, đấu tranh để dành độc lập, chống Pháp, rồi sau khi chia đôi đất nước, Má tôi đã làm “Châu Long” nuôi Ba tôi đi học thêm vào trường Hàng Hải, xong vào Hải Quân…qua trí nhớ của Má tôi, tạo nên một cuốn phim cực kỳ sôi nổi, với bao nhiêu vật đổi sao dời, xót xa chia cách của hai đấng sinh thành ra tôi… Điều khiến Má tôi luôn giữ vững niềm tin trong cuộc sống là trái tim bao la tình người, cùng sự hy sinh tự nguyện, kính yêu Ba tôi, với niềm thương yêu muôn loài muôn vật, không suy suyễn….

Tôi đã viết về tình thương Má tôi, sự hy sinh của Má tôi cho con cái nhiều lần, trong rất nhiều bài viết. Hôm nay tôi chỉ muốn nói về những cái hạnh mà Má tôi đã dạy chúng tôi bằng chính cách sống, bằng chính cuộc đời của người.

Từ nhỏ, ai gặp Má tôi cũng phải tấm tắc khen là Má tôi đẹp, quá đẹp, vì người có nước da trắng bóc, đôi mắt đen to lay láy, và cái miệng chúm chím, môi đỏ mọng tự nhiên. Nhưng Má tôi chưa bao giờ cho đó là cái “lợi thế” của người, và luôn làm gương cho chúng tôi bằng cách sống vô cùng trong sạch, dùng trí nhân, đối xử với mọi người chung quanh thật bình đẳng, nhu hoà, thân thiện và trân trọng hiếm có. Má tôi có cái quan niệm bất di dịch là: “hễ mình có điều kiện, dù nhiều hay ít, nên chia sẻ với người khác, hay làm điều gì đó ich lợi chung, không nên giữ “bo bo” một mình”…Lời nói đi đôi với hành động, nên trong đời Má tôi, không biết bao nhiêu người dưng, lạ quắt, từ VN cho đến khi qua Mỹ, đã nhận người là “Má nuôi” và cứ ao ước được là con ruột của Má…

Má tôi lo cho con, cháu, người thân trong họ đã đành, người cũng thường nuôi luôn những người tứ cố vô thân, không ai chứa chấp. Có lần một chị người làm cho một bác hàng xóm trong cư xá tôi ở có bầu, chắc là với một ông lính nào đó, mà không có chồng, bị người chủ đuổi đi. Chị chạy đến má tôi xin ở nhờ, chờ đến ngày khai hoa nở nhụy, và nói là chị sẽ làm bất cứ việc gì (nấu ăn, dọn dẹp, v.v…) trong nhà tôi chỉ để có nơi ăn ở. Mặc kệ những người bà con khuyên là “cho người như vậy ở trong nhà sẽ…xui lắm”, Má tôi không những đã cho chị ở, trả lương cho chị làm những việc vặt vãnh trong nhà, mà còn lo lắng cho chị sinh nở, “mẹ tròn con vuông”. Má tôi cũng thường sai tụi tôi mang cơm, nước uống cho mấy chú lính gác trước cổng cư xá mỗi khi trời mưa quá to hay nắng thiêu đốt quá độ…

Khoảng năm 1967, khi Má tôi “tậu” được cái TV nhỏ xíu để tụi tôi khỏi phải qua xem ké bên nhà bác Trần văn Chơn ( Đề Đốc HQ) thì trong nhà tôi buổi tối không những chỉ có gia đình tôi, và những người ở chung, mà còn có thêm vài người làm công cho các bác hàng xóm khác qua xem ké, vì họ không được xem TV thoải mái với chủ nhà…Má tôi luôn mở rộng cửa, đón chào vui vẻ, không đối xử phân biệt với bất cứ ai, từ những người hàng xóm có địa vị, giàu có, cho đến những người làm công, chạy giặt, tứ cố vô thân, hay những người thất thế, sa cơ, lỡ vận…

Lương thư ký kế toán thực sự không đủ để nuôi đàn con năm đứa, thế nhưng Má tôi vẫn cố sức làm thêm bao nhiêu việc khác sau giờ làm, tại nhà, để cho chúng tôi có thể chỉ phải lo học, và còn tham gia phong trào Hướng Đạo. Ngoài việc làm ya ua (yogurt) để bỏ mối cho những câu lạc bộ HQ gần nhà, Má tôi còn mở hụi với những người hàng xóm, hay các đồng nghiệp. Khi có người” giựt hụi”, vì lâm cảnh khốn cùng, Má tôi cũng bỏ qua, bỏ tiền ra lo “đắp” cho họ… Mỗi khi gặp chuyện như vậy, Má tôi thường nói là: “thôi kệ, họ còn khổ hơn mình nhiều…Khi thiếu hụt quá, mình có đòi mấy họ cũng không trả được, càng thấy tội nghiệp hơn!

Tuy không giàu có bao giờ, nhưng có được chút gì, Má tôi luôn san sẻ với người chung quanh. Sau khi Ba tôi mất, gia đình tôi sa sút hẳn, vì lương Má tôi làm chỉ có khoảng 1 phần ba lương Ba tôi. Thế nhưng những người thân trong gia đình mà Ba tôi khi còn sống hay trích ra một phần lương hằng tháng để giúp đỡ, Má tôi vẫn ráng chu cấp, nhất là bà con bên phía Ba tôi vì Má tôi nói: “Má không muốn bà Dì con phải buồn là khi cháu (Ba tôi) mất rồi, Má tôi không còn lo, gửi tiền chu cấp cho bà nữa!”

Khi đi chợ, Má tôi cộng trừ nhân chia trong đầu, làm tính nhẩm nhanh khó ai bì, và rất rõ ràng, sòng phẳng. Có nhiều lần, người bán hàng thối, đưa nhiều hơn, Má tôi luôn trả lại, và nói là rủi họ cứ trả lộn như vậy thì sẽ “lỗ” lắm, làm sao mà lời được, tội nghiệp họ!

Về lời ăn tiếng nói thì thực tình tôi chưa biết ai ăn nói chừng mực, hiền hòa và chân thật hơn Má tôi. Má tôi chưa bao giờ mở miệng phê bình, nói xấu bất cứ ai hoặc chửi bới bất cứ ai, ngay cả với những người vô ơn (có thể được xem là”nuôi ong tay áo”), nói nặng nhẹ với Má tôi khi họ nổi cơn “tam bành lục tặc” vì tham lam, ganh tỵ, hay “u mê ám chướng”! Má tôi cũng chưa bao giờ chì chiết, lớn tiếng mắng mỏ, hay mày tao chi tớ với các con, các cháu. Chúng tôi đã được ngụp lặn, hạnh phúc vô cùng trong tình thương yêu miên man, bao la, nhiệm mầu, vô điều kiện của Má tôi, cho đến ngày người nhắm mắt ra đi trong giấc ngủ…. Sau này khi lớn lên rồi tôi mới hiểu cái áp lực làm cha mẹ của người VN khi con đến tuổi đi học, phải học giỏi làm sao, có bằng cấp cao đến độ nào … và vì thế, càng thấy cái tình thương yêu con cháu bao la, chan hoà, không phân biệt giỏi dở, của Má tôi thật là hiếm có…

Dù không biết Khổng Tử là ai, Má tôi đã dạy cho chúng tôi biết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín qua lời nói, cung cách cư xử nhu hòa, khiêm cung, lễ độ, tôn trọng sự thật, và giữ lời hứa dù phải mất thì giờ, tiền bạc…

Dù chưa bao giờ có điều kiện để tham gia phong trào Hướng Đạo, trọn cuộc đời, Má tôi đã thể hiện tất cả Mười điều luật của Hướng Đạo , trong cách sống hằng ngày của người. Cũng vậy, dù không một ngày là trưởng, hay đoàn sinh, Gia Đình Phật Tử, nhưng tôi luôn nghĩ, từ trước đến giờ, người đáng được mang cái huy hiệu hoa sen năm cánh trắng trong nhất, vẫn là Má tôi, một Phật Tử thuần thành, không phải chỉ vì có được thiện duyên và điều kiện để nghe giảng, mà là tự trong đời sống, người đã thể hiện tất cả ý nghĩa của huy hiệu hoa sen với cái tâm từ ái bao la, với trí tuệ cao vời, và với lòng thanh tịnh, hỷ xả vô biên….

Má tôi dũng mãnh vượt lên khỏi những tham, sân, si đời thường, không để những khổ cực về thể xác, hay bạc tiền, danh vọng phù du làm người phải thay đổi, ngả nghiêng. Không phải vì “sợ” bị người ta cười, mà vì tình thương yêu chúng tôi, không muốn anh chị em tôi gặp cảnh “dượng ghẻ”, Má tôi đã không biết bao nhiêu lần khước từ những lời tán tỉnh, theo đuổi của những “ông” có thế lực hay nhờ làm ăn giỏi nên sau này “giàu nứt đổ vách”! Hễ ai mà có ý muốn “gạ gẫm” là Má tôi tránh họ như tránh hủi, vì sợ con mình mất đi sự chăm sóc tỉ mỉ và thì giờ quý báu Má tôi chỉ muốn dành cho chúng tôi…

Có lẽ vì từng sống đời khổ nhọc, vất vả làm lụng hồi còn bé, để phụ ngoại tôi nuôi em, nên Má tôi rất thương những người nghèo. Sau khi ở Mỹ một thời gian, thấy mấy người Mễ vì di cư không có giấy tờ, phải làm những nghề lao động vô cùng vất vả như hái dâu, khuân vác, chùi dọn, không có được cơ hội đi học, hay tiến thân như hồi anh chị em chúng tôi mới qua, Má tôi thương lắm, cứ chắc lưỡi, xót xa cho những kiếp người quá gian nan mà còn bị ức hiếp…Má tôi nói ước gì mình có thể san sẻ bớt phần nào những khổ cực của họ, và có dịp là “trút hầu bao”, cho thêm tiền thật hậu hỉ, mời họ ăn cơm, uống nước khi họ được em tôi mướn lau chùi, dọn dẹp, cắt cỏ trong nhà…

Những câu nói Má tôi thường hay nói, và luôn thể hiện với tất cả mọi người chung quanh, cho tôi nhập tâm mãi đến giờ:

“Của cho không bằng cách cho; ai cũng là người, ai cũng muốn sống và được coi trọng”

“Không làm được thì đừng hứa, hứa thì phải giữ lời”

“Mình không nên ăn no mặc đẹp khi chung quanh đói rách”

“Cho ai không nên kể, mà ai cho mình thì phải nhớ hoài”

“Má cực bao nhiêu cũng được, miễn sao con đầy đủ, học hành tới nơi tới chốn, để khỏi cực như Má”

“Ai đó phê bình đúng về con, con hãy cảm ơn họ; nếu họ nói bậy về con, con không cần thắc mắc hay buồn, vì tự họ sẽ mang tội”

Ngày Má tôi ra đi, không biết bao nhiêu người đã đến để tiễn đưa…Có người khóc nức nở, khóc hoài không dứt, đến nỗi tôi phải dỗ dành, khuyên nhủ, (vì tôi cố gắng nghe lời Má tôi dặn trước đây là khi Má tôi mất, thì đừng khóc lóc! Nên tôi đã cố hết sức để không khóc, dù lòng nát tan, đau đớn trong nỗi mất mát, hụt hẫng quá lớn lao). Mấy năm cuối đời, cho đến ngày đột đột lìa trần, ngoài việc thường xuyên đến chùa công quả, Thọ Bát Quan Trai, và có bao nhiêu cho hết cho người nghèo bên VN, cho các hội đoàn thiện nguyện, Má tôi cũng thường hay may “Y” cho quý Thầy, Cô trong chùa. Và vì thế, một vị Thượng Tọa, và Một Ni Sư đã không ngăn được dòng lệ tiếc thương, khi nói về Má tôi, người nói ít, làm nhiều, luôn nở nụ cười hiền, với tinh thần vị tha, bác ái…Quý Ni, Sư đó luôn nói: “Má con còn hơn người tu! Má con không cần đến chùa cũng thành Phật!”

Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận định đó, vì trong tim, óc tôi, Má tôi là hiện thân của Đức Phật Từ Bi, đã suốt cuộc đời, luôn quên mình, chỉ lo cứu khổ muôn loài….

Giỗ Má tôi: “Bồ Tát” một Trời
Còn nơi đây nỗi nhớ khôn vơi
Má nay về cõi Trời an lạc
Vẫn sáng soi đời con cháu thôi…

Minh Phượng

Không có nhận xét nào: